Huân chương Chiến công cho phía bắn chết dân nhằm chạy tội và hợp thức hóa việc cướp đất!

Diễm Thi, RFA | Nhiều khuất tất Rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020, chính quyền thành phố Hà Nội huy động lực lượng cảnh sát cơ động, công an đến xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội bắt giữ một số người mà họ cho là chống đối chính quyền trong vụ tranh chấp đất ở khu đồng Sênh, xã Đồng Tâm. Cổng thông tin điện tử Bộ Công an sau đó xác nhận có “3 chiến sĩ công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương”.   Ngày 10 tháng 1 năm 2020, tức chỉ một ngày sau đó, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất cho 3 viên chức công an thiệt mạng gồm Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, phó trung đoàn trưởng trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an; Trung úy Dương Đức Hoàng Quân, cán bộ tiểu đoàn 1, trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an; Thượng úy Phạm Công Huy, cán bộ Đội chữa cháy và cứu nạn - cứu hộ khu vực 3, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội, Bộ Công an.   Lý do để trao huân chương được nói là ba người đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.   Cựu Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang từ Hà Nội vẫn chưa hết bàng hoàng sau cái chết của cụ Lê Đình Kình (một cụ già 84 tuổi, người bị cáo buộc là đối tượng chống đối), nói với RFA sáng 13 tháng 1: “Theo tôi thì hơi vội vàng và mâu thuẫn với thực tế xảy ra. Theo thông tin trên mạng thì nguyên nhân cái chết của ba chiến sĩ công an này có thể là do té xuống giếng trời nhà ông Kình, thế nhưng lại tuyên dương công trạng là hy sinh vì lợi ích bảo vệ trật tự an ninh.   Bây giờ người dân, trong đó có tôi, đang thắc mắc là có thật sự hy sinh theo đúng cái nghĩa của từ “hy sinh” hay không.   Trong quyết định khen thưởng, nội câu nói ‘chiến đấu và phục vụ chiến đấu’ cho thấy việc xử lý vụ Đồng tâm là xác định đây là cuộc chiến giữa người dân và chính quyền. Thế mới trớ trêu!”   Theo Luật Thi đua, Khen thưởng được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003, Huân chương Chiến công hạng nhất để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân công tác trong Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Dân quân tự vệ và trong các tầng lớp nhân dân vào mỗi dịp tổng kết, khi cá nhân này lập được chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, không vi phạm khuyết điểm lớn; Chủ động, mưu trí, sáng tạo, đạt hiệu quả cao trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia hoặc tấn công tội phạm hình sự, kinh tế, ma tuý và các loại tội phạm khác, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…   Với việc truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất cho 3 công an chết trong vụ Đồng Tâm, Trung tá quân đội Đinh Đức Long cho rằng đây có lẽ là điều chưa từng có trong lịch sử phong tặng các danh hiệu cao quý, nhất là huân chương chiến công hạng nhất trong lực lượng vũ trang quân đội nhân dân Việt Nam cũng như lực lượng công an. Ông giải thích:   “Quy trình phong tặng huân/huy chương thì phải từ dưới lên. Nghĩa là phải có hội đồng thi đua khen thưởng báo cáo thành tích rồi các cấp xét duyệt. Đằng này mới chết hôm 9 tháng 1 thì ngày 10 tháng 1, Tổng bí thư - Chủ tịch nước đã ký ngay quyết định phong tặng huân chương chiến công hạng nhất cho ba chiến sĩ công an.”   Trao đổi với tư cách là một người dân, anh Phạm Minh Vũ, người từng thụ án 18 tháng tù theo điều 258 Bộ Luật Hình sự VN vào tháng 2 năm 2015 nói với RFA cho rằng đây là chuyện “lố bịch” và phi lý: “Với tư cách là một người dân thì tôi thấy đó là một điều ngạo mạn và lố bịch, bởi trong một đất nước vào thời bình mà lại trao huân chương kháng chiến hạng nhất trong chiến đấu. Một điều phi lý nữa là các chiến sĩ công an vào trấn áp một ngôi làng tại thủ đô vào ban đêm, nên cá nhân tôi thấy việc truy tặng huân chương này nhằm chạy tội cho việc giết cụ Kình và hợp thức hóa việc cướp đất ở Đồng Sênh”.   Chủ trương của đảng?   Ngoài việc Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký quyết định truy tặng huân chương chiến công hạng nhất, hôm 11 tháng 1, Đại tướng Tô Lâm, cùng lãnh đạo các đơn vị đã đến thăm, chia buồn và động viên gia đình 3 công an này. Cùng ngày, kiểm tra công tác của lực lượng Cảnh vệ CAND, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã biểu dương sự hy sinh của ba chiến sĩ công an, là tấm gương về xả thân bảo vệ đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia và nêu rõ, cần xử lý nghiêm các đối tượng chống đối lại Đảng, Nhà nước và lực lượng chức năng.   Ông Đinh Đức Long cho rằng việc này là chủ trương của đảng chứ không chỉ của thành phố Hà Nội: “Đây là chủ trương của đảng chứ còn gì nữa. Thứ nhất, ông Nguyễn Phú Trọng là TBT, Chủ tịch nước, Bí thư quân ủy trung ương, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, là người thống lĩnh các lực lượng vũ trang, quân đội và công an; Thứ hai là ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng, ủy viên Bộ chính trị, là Phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng; Thứ ba là Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ công an, ủy viên Bộ chính trị, thành viên Hội đồng Quốc phòng. Ba người đó thay mặt cho Bộ chính trị, thay mặt cho đảng, Nhà nước và Chính phủ. Như vậy là có chủ trương họ mới làm.”   Theo ông Long, sở dĩ có chủ trương truy tặng ‘tốc hành’ như vậy là để chứng tỏ những người này có công, để dẹp dư luận. Bên cạnh đó, trong cuộc tấn công rạng sáng 9 tháng 1, phía chính quyền được trang bị tận răng, có cả chó nghiệp vụ, thời điểm tự chọn, đánh vào dân thường mà mất những sĩ quan cỡ đại tá, vì vậy họ phải vinh danh những công an đã chết để động viên tinh thần những sĩ quan công an khác.   Theo thông báo từ Bộ Công an, 3 công an thiệt mạng trong vụ Đồng Tâm sẽ được tổ chức lễ tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội vào sáng ngày 16 tháng 1.   Về phía dân, ngoài cụ Lê Đình Kình bị bắn chết một cách bất minh, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố 22 bị can với các tội danh "Giết người" và "Chống người thi hành công vụ".   Ông Đinh Đức Long kết luận: “Có nổ súng là có chiến đấu, nhưng vấn đề là không phải là chiến đấu với giặc, mà là chiến đấu với dân. Lực lượng vũ trang từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ mà lại chĩa súng vào dân.”   Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương đảng cộng sản VN, vào ngày 13 tháng 1 có lời ai điếu cho cụ Lê Đình Kình, người bị giết vào rạng sáng 9/1 rằng “Nửa đêm, theo một lệnh rất thất nhân tâm, không còn tính người, bất chấp luật lệ, một lực lượng lớn xưng là Quân đội Nhân dân, đã xông vào nhà cụ một cách trái phép, đã bắn Cụ chết….   Lịch sử sẽ ghi lại tội ác dã man, ghi lại như một vết nhơ của chế độ tự xưng là ‘Vì Nhân Dân quên mình’!”  
......

Có một khẩu hiệu trên quan tài

Trịnh Hữu Long - Luật Khoa| “Đế quốc chủ nghĩa Pháp dùng pháp luật đạo tặc, dùng võ lực dã man cướp đất của nông dân bản xứ, mỗi lần cho bọn địa chủ người Pháp, cho các công ty tài chính hàng ngàn, hàng vạn mẫu, để chúng lập đồn điền cao su, bông, vải, mía, lúa, v.v.” Đó là những gì được ghi trong “Nghị quyết về nông dân vận động”, được Đại hội Đảng lần thứ II của đảng Cộng sản Đông Dương thông qua ngày 28/3/1935. [1] Năm sau đó, có một người đàn ông ra đời ở một vùng quê Bắc Bộ. Người đàn ông này sẽ dành 84 năm cuộc đời của mình để chứng kiến và trực tiếp tham gia những biến động xã hội long trời lở đất, mà trọng tâm của nó là những cuộc dịch chuyển đất đai khổng lồ từ tay giai cấp này sang tay giai cấp khác. Ông sau cùng mắc kẹt giữa những cuộc dịch chuyển đó và bị nó nghiền nát trong tiếng súng nổ, giữa làng quê mà ông đã được sinh ra. Tên ông là Lê Đình Kình. Ông Kình là tất cả những gì mà đảng Cộng sản Việt Nam có thể kỳ vọng ở một đảng viên. Ông là nông dân, thành phần cốt cán của cuộc cách mạng mà đảng Cộng sản khởi xướng. Ông sinh ra và lớn lên ở một làng quê Bắc Bộ, thành lũy cách mạng quan trọng bậc nhất trong lịch sử của đảng Cộng sản. Ông gia nhập đảng ở độ tuổi đôi mươi. Ông cầm súng trong cuộc “kháng chiến chống Mỹ”, làm nên tính chính danh của đảng Cộng sản. Ông từng là chủ nhiệm hợp tác xã trong thời kỳ hợp tác xã vẫn còn là trái tim của nền kinh tế. Ông từng là trưởng công an xã – người bảo vệ cho an nguy của chế độ. Ông từng là bí thư đảng ủy, chủ tịch xã trong những năm 1980, trực tiếp thi hành chính sách của đảng Cộng sản ở cấp sát nhất với quần chúng nhân dân. Trong mắt đảng Cộng sản, không ai có thể có bản lý lịch đẹp hơn đảng viên Lê Đình Kình. Nhưng cuối cùng, ông chết trong một cuộc đụng độ với chính đảng mà ông dành cả đời phục vụ. Xác ông nằm ở trụ sở của cơ quan công quyền mà ông từng là lãnh đạo. Và là một cái xác không còn nguyên vẹn: ông bị mổ tử thi. Người cộng sản hoàn hảo là ông đã chết với tư cách là một kẻ khủng bố trong con mắt của đảng. Còn với đảng Cộng sản, năm ông Kình ra đời, họ đã phải thanh minh thế này trong một thư ngỏ gửi công luận Pháp: “Chúng tôi không phải là những kẻ khủng bố. Chúng tôi là những người cộng sản chân chính và chúng tôi không từ bỏ bất cứ một nguyên tắc mácxít – lêninnít nào. Rõ ràng là không đúng nếu trình bày chúng tôi như những kẻ khủng bố và những phần tử gây rối loạn, trái lại chúng tôi là những người đấu tranh nồng nhiệt nhất cho tinh thần hòa hợp và bình đẳng giữa các dân tộc và cho hòa bình thế giới”. [2] Ông Kình đã đi trọn một vòng đời từ khi đảng Cộng sản bị cáo buộc là một nhóm khủng bố, đến khi chính ông bị chính quyền của đảng Cộng sản cáo buộc là kẻ cầm đầu của một nhóm gây rối có vũ trang, còn những tiếng nói ủng hộ đảng Cộng sản thì lên án ông là một kẻ khủng bố thực sự. Ông đã đi trọn một vòng đời từ một xã hội bị thực dân Pháp dùng bạo lực cướp đất đến một xã hội khác, có tên gọi khác, nhưng vẫn buộc ông phải chết để bảo vệ mảnh đất mà ông cho là của dân làng mình, trước súng ống của những người ông gọi là đồng chí. Cái chết của ông Kình không đơn thuần là cái chết của một lãnh tụ nông dân. Dường như đảng Cộng sản không nhận thấy họ đã đi một quãng đường xa thế nào để vô hiệu hóa người cộng sản tốt nhất của mình, ngay trên thành lũy cách mạng quan trọng nhất của mình. Khẩu hiệu “người cày có ruộng” đã vĩnh viễn được chôn cùng với quan tài của người cộng sản Lê Đình Kình. Lịch sử đang lặp lại chính nó. Một vòng nữa. ___ Tài liệu tham khảo: [1] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 5, trang 43. [2] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, trang 125.
......

Vì sao chính quyền cs ngày càng ác?

Đỗ Ngà|   Răn đe là một thứ thủ đoạn, trong đó một bên dựa trên những nền tảng sức mạnh của mình buộc đối phương phải khiếp sợ và từ bỏ những hành động trái ý. Nhờ đó, những kẻ đang nắm trong tay sức mạnh có thể sai khiến dễ dàng đối tượng. Sự răn đe hoàn toàn không phải là tinh thần thượng tôn pháp luật mà nó chỉ đơn giản là một sự đe dọa.   Khi một đối tượng A phạm tội, nếu chính quyền xử đúng tội thì họ nghĩ sẽ không có sức răn đe. Vì vậy mà chính quyền CS sẽ chọn cách đạp trên luật pháp mà họ viết ra để bắt đối tượng đang phạm tội này phải chịu thêm hình phạt mà lẽ ra họ không phải chịu. Đây có thể nói là một cách vừa bất nhân vừa phạm pháp của chính quyền CS, nhưng vì mục đích làm cho xã hội khiếp sợ, Chính quyền CS bất chấp việc vi phạm pháp luật của mình để đạt được mục đích răn đe cả xã hội.   Như ta biết, chính quyền CS thường hay dùng hình thức “xử lưu động” để răn đe cho mọi người khiếp sợ. Đây chính là một hình thức xúc phạm nhân phẩm bị cáo. Nếu giả sử bị cáo đó có tội, thì người ta đã trả giá cho tội lỗi của mình bằng bản án tòa tuyên rồi, vậy thì cớ gì chính quyền xúc phạm nhân phẩm người ta để nhằm mục đích răn đe kẻ khác? Mà như ta biết, xúc phạm nhân phẩm là một tội trong Bộ Luật Hình Sự. Đây là một bằng chứng để chúng ta thấy rằng, chính quyền CS muốn cai trị đất nước này bằng cách nghĩ ra những thủ đoạn đủ mạnh để răn đe người dân, thì chắc chắn chính quyền này sẽ không ngại phạm luật chính nó viết ra để người dân không còn cảm thấy luật pháp là một thành trì bảo vệ họ được và từ đó họ luôn cảm thấy khiếp sợ chính quyền.   Như ta biết, luật pháp là một sự trừng phạt đối với kẻ phạm tội nhưng nó là thành trì bảo vệ những người công chính. Với một chính quyền bất chính, thì việc chà đạp trên luật pháp là một phần của nhiệm vụ cai trị của họ, chính vì thế mà làm bùng phát phản ứng của người dân là một điều tất yếu phải đến. Mà để đối phó với những mồi lửa phản ứng, thì không gì hiệu quả bằng cái ác, cái man rợ. Đây có thể nói là đường lối mang tính cốt lõi của ĐCS Việt Nam, chính nó quyết định sự vững chắc ngôi vị cai trị của ĐCS.   Dưới sự thời cai trị của ĐCS, xã hội Việt Nam chưa bao giờ yên ổn bền vững dựa trên sự nghiêm minh của luật pháp mà xã hội này chỉ là yên ổn tạm thời dựa trên sự sùng bái ngu muội và sự khiếp sợ trước cái ác của chính quyền mà thôi. Khi internet xuất hiện, thì sự sùng bái ngu muội cũng giảm đi và lúc này trong lòng xã hội bắt đầu xuất hiện những đóm lửa phản kháng vì người dân đã nhận ra bộ mặt thật của chính quyền này. Như ta biết, kẻ sùng bái thì rất dễ bị sai khiến vì những kẻ cai trị muốn nói nhăng nói cuội gì cũng được, nhưng thời đó đã qua. Ngày nay, khi tệ sùng bái càng giảm đi nhiều thì buộc chính quyền CS phải vi phạm luật pháp trắng trợn hơn, và mức độ gian ác cũng kinh khủng hơn mới có thể khiến toàn dân khiếp sợ.    Nhìn lại cách hành xử của chính quyền CS sau vụ lạm sát ở Đồng Tâm – Mỹ Đức – Hà Nội, chúng ta thấy rất rõ sự quyết tâm chà đạp lên pháp luật đến cùng của chính quyền nhằm làm người dân nơi đây phải biết sợ, đồng thời chính quyền CS cũng muốn dùng Đồng Tâm như là một “tấm gương” răn dạy khối dân đen ngày một trở nên “cứng đầu” như hiện nay. Chính vì động lực như thế, nên chính quyền CS đã phớt lờ Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung của chính Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc mới vừa ban ra năm 2017 (Nghị định này nghiêm cấm cưỡng chế lúc 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau) để huy động hàng ngàn cảnh sát cơ động trang bị hỏa lực tận răng tiến hành tấn công vào nhà dân lúc 04 giờ sáng – lúc mà người dân đang ngon giấc. Đó là hành động phạm pháp thứ nhất.   Khi tấn công nhà một thường dân, chính quyền đã dùng mìn, lựu đạn hơi cay để phá nhà, và khi rút đi họ đã mang 1 xác chết của chủ nhà và thêm 3 người nữa. Khi trả xác chết về, gia đình phát hiện người nhà của mình bị bắn nhiều vết đạn xuyên người, trong đó có vết đạn thủng tim và thân thể bị phanh thây bằng dao mổ. Còn 3 người còn lại, khả năng còn sống là rất thấp. Với hành động như thế này của chính quyền, thì không ai có thể cho đó là “hợp pháp” được. Hành động này mang ý nghĩa là trả thù chứ không thể gọi đó là việc thực thi pháp luật được. Và trong hành động trả thù đó họ còn gởi thông điệp với toàn dân rằng “Chúng mầy hãy hiệu hồn! Chớ dại mà cứng đầu!.”   Xác cụ Kình khi được trả về. Nhìn qua vụ án Đồng Tâm, chúng ta có thể khẳng định rằng, hiện nay chính quyền CS đã cho rằng, họ cần chọn cách hành xử man rợ nhất để buộc tất cả mọi kẻ phản kháng đều phải cúi đầu. Đồng Tâm là một “án điểm” mà chính quyền này đang muốn cảnh cáo dân Thủ Thiêm, Văn Giang, Dương Nội và nhiều nơi khác nữa. Đã đến lúc, chính quyền CS không cần phải giấu giếm bản chất thật của nó nữa, mà phải show cho dân biết mà sợ. Việc tuyên dương 3 công an cướp đất Đồng Tâm của ông Nguyễn Phú Trọng, nói cho cùng đó là một lời khẳng định rằng “Chính sách nhất quán của đảng không phải là gìn giữ đất nước,cũng không gìn giữ sự bình an cho dân mà chỉ có một mục tiêu duy nhất, gìn giữ quyền lợi cho đảng”. CS như thế đấy, và giờ họ đã bất chấp dân hãy liệu mà sống, vậy thôi!  
......

Trấn áp Đồng Tâm

Phạm Nhật Bình - Việt Tân|   Tranh chấp đất ở xã Đồng Tâm kéo dài từ năm 2016 khi người dân không đồng ý việc chính quyền huyện Mỹ Đức, Hà Nội giao đất đang canh tác của họ cho Tập đoàn viễn thông Viettel của quân đội. Diện tích đất 59 ha này là đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, nằm trong 208 ha mà chính phủ thu hồi từ 1980 dùng cho mục đích an ninh quốc phòng.   Theo Luật Đất Đai 2013 quy định: “đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, nhà nước đại diện chủ sở hữu quản lý”. Quy định mập mờ này đã tạo ra không biết bao nhiêu bi kịch trên đất nước trong nhiều năm vừa qua. Điểm mập mờ này đã lấy đi không biết bao nhiêu máu, nước mắt và sinh mệnh của người dân ở chỗ nhà nước không công nhận quyền sở hữu đất đai, người dân chỉ có quyền sử dụng đất do nhà nước giao. Do đó “nhà nước” thông qua cán bộ các cấp, có quyền hạn rộng rãi thu hồi và giải toả đất đai tràn lan, làm bùng nổ tranh chấp đất đai càng ngày càng nhiều trên cả nước. Chính sự mập mờ này đã là kẽ hở để cho cán bộ tùy tiện giải thích và thu những món lợi rất lớn sau khi giải tỏa, trong khi người dân là thành phần chịu cảnh thiệt thòi nặng nề. Vì thế mà sau mỗi cuộc giải tỏa đất đai đều dẫn đến hệ quả sau cùng là đối đầu, không phải bằng pháp luật, vốn chưa bao giờ được nhà nước tôn trọng mà chỉ còn con đường trấn áp bạo lực. Tại Đồng Tâm, cuộc tranh chấp đã bùng nổ lớn ngày 15 Tháng Tư, 2017, khi người dân bắt giữ 38 Cảnh sát cơ động làm con tin. Sau khi Chủ Tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhượng bộ, về Đồng Tâm đối thoại để cứu người, Cảnh sát cơ động mới được thả ra. Dĩ nhiên chính quyền Hà Nội không thể thua cuộc một cách dễ dàng, nên mới để cho thanh tra nhà nước công bố kết luận thanh tra rằng: “khu đất này thuộc sân bay Miếu Môn, là đất quốc phòng”. Từ nhiều tháng qua, cuộc trấn áp đã được chính quyền cộng sản chuẩn bị khi người dân Đồng Tâm cương quyết từ chối kết luận thanh tra. Vì nếu họ chấp nhận, không khác nào chấp nhận mất đất vì 2 chữ “quốc phòng” rất mơ hồ. Bởi kinh nghiệm cho thấy, nhiều khu đất gọi là quốc phòng bị thu hồi trên thực tế sau đó phân lô bán nền, hoặc giao vào tay các dự án của những nhóm lợi ích cấu kết với các quan chức nhà nước thu về tiền tỷ gọi là quà cáp bôi trơn. Cuộc trấn áp khởi sự vào lúc 3 giờ sáng ngày 9 Tháng Giêng, 2020 trong lúc bà con Đồng Tâm còn yên trong giấc ngủ. Giống như cuộc hành quân càn quét lúc nửa đêm, lực lượng công an cơ động lên đến 3000 người được huy động với xe bọc thép, súng máy, lựu đạn cay đã tấn công vào nhà ông Lê Đình Kình và một số nơi mà họ cho là những gia đình nằm trong nhóm sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất của xã Đồng Tâm. Chỉ vài tiếng sau cuộc trấn áp bạo lực, Bộ Công An đưa thông báo lên trang điện tử của Bộ và buộc các trang điện tử khác của đảng phải đồng loạt công bố “chiến công” của lực lượng cảnh sát cơ động đã dẹp xong một cuộc gây rối công cộng, chống người thi hành công vụ với kết quả: 3 cảnh sát và 1 thường dân chết, 1 bị thương và bắt giữ hơn 30 người. Lúc đầu khi đọc qua bản tin trấn áp Đồng Tâm của Bộ Công An, đa số bất bình và lo âu; nhưng khi tin cụ Lê Đình Kình bị sát hại một cách dã man cùng với những tố cáo của gia đình cụ về việc công an ép buộc phải ký giấy xác nhận là cụ bị giết do chống đối ở tại cánh đồng Sênh chứ không phải bị giết tại nhà, thì sự phẫn nộ của dư luận tràn ngập trên mạng xã hội. Hiện nay các người con trai và cháu của cụ Lê Đình Kình không biết còn sống hay đã chết. Trong khi công an và cảnh sát cơ động tiếp tục khống chế mọi sinh hoạt của người dân để ngăn chặn không cho những tin tức của vụ trấn áp loạt ra bên ngoài. Vì thế, cuộc trấn áp tuy thành công về phương diện bạo lực, nhà nứớc chiếm được xã Đồng Tâm và cướp trắng 59 ha đất nông nghiệp; nhưng chắc chắn là cuộc trấn áp này hoàn toàn thất bại vì nó chỉ làm cho lòng dân ngày thêm phẫn nộ đối với chế độ với sự mất lòng tin ngày một gia tăng. Thứ nhất, sự kiện nhà cầm quyền Hà Nội tấn công và sát hại cụ Lê Đình Kình ngay tại nhà và buộc gia đình phải ký giấy nói dối rằng cụ đã chết trên cánh đồng Sênh, trong tay còn cầm một quả lựu đạn cho thấy là lãnh đạo CSVN đã cố tình sát hại cụ Lê Đình Kình nhằm triệt hạ một vị lãnh đạo tinh thần của bà con xã Đồng Tâm. Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ Tịch Thành phố Hà Nội thấy rằng ngày nào cụ Lê Đình Kình còn sống họ không thể nào cưỡng chiếm 59 ha đất, dù là cụ có bị khống chế, bắt giam trong tù. Nói cách khác, chính cụ Lê Đình Kình đã là ngọn đuốc thắp sáng chính nghĩa đấu tranh của bà con Đồng Tâm và chính nghĩa này đã lan tỏa trên phạm vi toàn quốc. Sự thương tiếc của cộng đồng mạng về cái chết của Cụ đủ thấy sự cảm phục của mọi người, mọi thế hệ về quyết tâm chống lại những bọn sâu mọt của chế độ. Thứ hai, việc Bộ Công An phải dàn dựng trên tay cụ Lê Đình Kình còn cầm quả lưu đạn khi bị bắn chết và nhất là không nói rõ vụ 3 sĩ quan công an cơ động tử thương như thế nào trong vụ đột kích, cho thấy là lãnh đạo CSVN đã dàn dựng một kịch bản quá tồi, không ai tin. Thế nhưng họ không còn kịch bản nào khác để vẽ lên hình ảnh bạo động của cụ Lê Đình Kình và nhất là huy động đám dư luận viên xào nấu, tung ngược các dữ kiện sai trái về cụ Kình vào trong hàng ngũ nội bộ đảng, để chứng minh rằng trong đảng có những kẻ “tự diễn biến” chống đảng, đúng theo bài bản đốt lò khống chế nội bộ của phe nhóm Nguyễn Phú Trọng hiện nay. Điều này cũng giải thích phần nào lý do vì sao Nguyễn Phú Trọng đã ra lệnh Bộ Công An phải mở cuộc trấn áp Đồng Tâm ngay vào giữa tháng Giêng năm 2020 chứ không thể trễ hơn, vì sau Tết Canh Tý là đại hội của các đảng bộ cơ sở, Tỉnh, Thành hầu chuẩn bị nhân sự cho đại hội 13, làm ảnh hưởng đến tinh thần đảng viên các cấp. Thứ ba, lãnh đạo thành phố Hà Nội sẽ áp dụng biện pháp “nội bất xuất – ngoại bất nhập” tại xã Đồng Tâm trong vòng một năm trước mặt, cho đến khi tổ chức xong Đại hội 13. Lý do là những tin tức trấn áp và sát hại người dân vô tội tại Đồng Tâm chắc chắn ảnh hưởng đến việc thăng quan tiến chức của một số cán bộ. Nếu không có gì đột biến thì Nguyễn Đức Chung có thể sẽ vào bộ chính trị hoặc sang giữ một ghế bộ trưởng nào đó. Hoặc Tô Lâm được Nguyễn Phú Trọng cho tiếp tục giữ ghế bộ chính trị kiêm bộ trưởng Bộ công an thêm một nhiệm kỳ… Hơn lúc nào hết, lãnh đạo CSVN rất lo ngại những rỏ rĩ thông tin từ vụ trấn áp Đồng Tâm lọt ra bên ngoài. Nó không chỉ làm gia tăng và kéo dài sự phẫn nộ của dư luận, dẫn đến những chống đối có thể xảy ra tại nhiều nơi buộc CSVN phải lùi bước và giải quyết lại vụ Đồng Tâm như đã từng lùi bước phải giải quyết vụ Thủ Thiêm. Nói tóm lại vụ Đồng Tâm chưa chấm dứt. Bộ Công An và chính quyền thành phố Hà Nội tưởng là giết được cụ Lê Đình Kình là chấm dứt mọi phản kháng tại Đồng Tâm, cướp trắng 59 ha đất nông nghiệp giao cho Tập đoàn Viettel. Thế nhưng chính cái chết tức tưởi của cụ Lê Đình Kình và những người con, người cháu cùng với hàng chục “đồng chí” đã từng sát cánh với Cụ trong việc bảo vệ đất đai của xã Đông Tâm đang còn trong lao tù, sẽ là ngọn lửa chính nghĩa thôi thúc bà con Đồng Tâm tiếp tục hành trình đi tìm công lý và sự thật. Hơn thế nữa, trong thời đại truyền thông mạng ngày nay, lãnh đạo CSVN càng bưng bít thông tin, càng tuyên truyền dối trá sẽ chỉ làm cho dư luận trong và ngoài nước phẫn nộ và bộc phát thành cao trào đấu tranh quyết liệt, khi thời điểm chín mùi của sự ĐỒNG TÂM cả nước được kết nối./. Phạm Nhật Bình  
......

Tấn công Đồng Tâm: Chúng chỉ muốn cướp đất của dân bằng mọi giá

Trang Nguyen| Phơi bày những dối trá của chính quyền trong vụ Đồng Tâm Hàng nghìn cảnh sát cơ động đã tấn công thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội lúc 4h sáng ngày 9/1/2020. “Trận đánh đẹp” khiến ít nhất 5 công an bỏ mạng và nhiều người dân thương vong. Hiện nay các cơ quan tuyên truyền chính thức lẫn đám dư luận viên đang bật hết công suất để biện minh cho hành động cướp đất Đồng Tâm. Tuy nhiên, bản chất ăn cướp của chúng là không thể giấu diếm. - Tại sao tấn công lúc 4h sáng? Nếu một chính quyền đàng hoàng, họ sẽ đường đường chính chính tới khu vực “đất quốc phòng bị lấn chiếm” để thực thi công vụ chứ không tấn công theo kiểu đánh úp giữa lúc dân làng đang ngủ say. - Tại sao báo chí không được tác nghiệp? Truyền thông trong nước đều dẫn lại bản thông báo trên website Bộ Công An, tuyệt nhiên không đến hiện trường tác nghiệp, dù là đứng ở xa. Nếu không làm việc mờ ám, không có gì phải giấu diếm, chính quyền hoàn toàn mời truyền thông, hội đoàn đến chứng kiến. Đằng này họ chặn tất cả mọi con đường vào Đồng Tâm, cô lập tất cả những nhà hoạt động đưa tin về Đồng Tâm, đánh sập tất cả Fanpage người dân Đồng Tâm lập nên. - Tại sao phải cắt mạng internet tại Đồng Tâm trước khi tấn công? Thông thường những kẻ làm điều xấu xa mới sợ nhiều người biết. Nếu chính quyền cho rằng làm đúng luật, thực thi công vụ thì tại sao cần phải tìm cách cản trở sự phát tán thông tin về những hành động này. - Có thật người dân tấn công trước? Báo lề phải mô tả dân chúng là những kẻ hiếu chiến, trong khi đó Bộ Công An nói rằng “Trong quá trình xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn, một số đối tượng có hành vi chống đối...” Thực chất, lực lượng CSCĐ đã chủ động tấn công vào thôn Hoành - một địa điểm cách khu vực xây dựng tường rào sân bay đến 3km. Đây là khu dân cư, thậm chí còn không phải là cánh đồng Sênh - nơi đang tranh chấp đất giữa người dân và quân đội. - Có phải dân Đồng Tâm tàng trữ vũ khí và là kẻ khủng bố? Đám dư luận viên loan tải hình ảnh bom xăng, dao phóng và tuyên bố dân Đồng Tâm là khủng bố. Thực chất, người dân Đồng Tâm luôn nói rằng họ thượng tôn pháp luật nhưng cũng tuyên bố sẵn sàng dùng bạo lực để chống trả kẻ cướp đất. Họ còn khẳng định nếu chính quyền đưa ra quyết định thu hồi đất và chứng minh đất đồng Sênh là đất quốc phòng, họ tự nguyện bàn giao trong 3 tiếng đồng hồ. Nếu cố tình ăn cướp, họ sẽ chống trả đến cùng. Và thực tế là nhà cầm quyền tấn công đúng kiểu ăn cướp, nên người dân phản kháng lại cũng không lạ. - Tại sao lại ngăn cản báo chí ngọai quốc tác nghiệp? Theo người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng thì các phóng viên nước ngoài muốn tác nghiệp tại Đồng Tâm cần phải được cơ quan có thẩm quyền “xem xét”. Nếu việc cưỡng chế đất tại Đồng Tâm là “đúng pháp luật Việt Nam” thì sao không chủ động mời báo chí ngoại quốc vào cuộc đưa tin, như vậy có phải dễ “đập tan luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch” hơn không? Đằng này lại đòi hỏi “xem xét”, làm ngoại giao ai cũng hiểu đây là cách khước từ. - Tại sao không nhắc đến hai khu đất 47 ha và 59 ha? Chính quyền Hà Nội lẫn giới báo chí lề phải luôn nói dân Đồng Tâm lấn chiếm đất quốc phòng, tuy nhiên họ lờ đi việc có hai khu đất 47 ha và 59 ha. Cụ thể, theo quyết định quy hoạch xây sân bay Miếu Môn năm 1980 thì giai đoạn 1 chính quyền đền bù, giải toả 47 ha. Số tiền đền bù thời điểm đó là 150 triệu. Nhưng sau giai đoạn 1 thì dự án bị treo và 59 ha dự tính thi công ở giai đoạn 2 chưa bao giờ được làm thủ tục giải toả hay đền bù. Từ đó đến nay người dân Đồng Tâm vẫn canh tác và đóng thuế bình thường. Dân Đồng Tâm chỉ đòi hỏi quyền lợi ở 59 ha chưa làm thủ tục đền bù và giải tỏa, họ không tranh chấp diện tích 47 ha đã được đền bù năm 1980. Ấy vậy mà chính quyền cương quyết cướp số đất chưa đền bù nói trên. Biết là đấu lý sẽ thua, nhà cầm quyền không tổ chức đối thoại, không giải quyết khiếu kiện của dân Đồng Tâm. Giải pháp xuyên suốt từ đầu tranh chấp đến nay là cưỡng chế, cưỡng chế và cưỡng chế. Tóm lại, nhà cầm quyền tấn công Đồng Tâm thực chất là màn cướp tài sản. Họ muốn kiểm soát toàn bộ thông tin, phớt lờ các trình tự pháp lý, không muốn đối thoại với dân và bỏ qua những khiếu nại về bằng chứng lịch sử. Mục tiêu duy nhất họ hướng đến là đè bẹp sự phản kháng để lấy dễ bề chiếm đất, chia tiền./.
......

Tô Lâm - kẻ sát nhân máu lạnh

Phạm Minh Vũ| Thảm sát ở Đồng Tâm là một vụ thảm sát vô tiền khoáng hậu ở giữa lòng Thủ Đô ngàn năm văn hiến, do Quân đội và công an gây ra. Sự việc giằng co hơn 2 năm trời khi năm 2017, Hàng trăm công an định vào sát hại nhưng hụt do thiếu tính toán và không lường hết sự việc, cũng do một phần nhân đạo của Nhân Dân Đồng Tâm, hình ảnh hàng chục cảnh sát cơ động cúi chào cảm ơn Bà con Đồng Tâm vì đã tha mạng anh em công an đã quên? Sao hôm nay lại sát hại những người đã từng tha mạng các em vậy? 2 năm qua là cuộc đấu trí thật sự, khi Công an đã rút kinh nghiệm lần thất bại trước và chuẩn bị kế hoạch tỉ mỉ. Trước một tuần cuộc thảm sát diễn ra, những dấu hiệu leo thang như hàng đêm đem máy phá sóng, đem quân về để tập dợt, thám sát tình hình sinh hoạt Dân làng ra sao. Nắm bắt đầy đủ, một kế hoạch vẽ ra rất táo bạo, táo bạo đến nổi hung bạo man rợ mà chắc chắn những ai theo dõi mấy năm qua không thể tưởng tượng nổi. Việc Ông Trọng truy thăng 3 Chiến sỹ có công “giết dân cướp đất” đã “hi sinh” lên liệt sỹ đều là 3 chiến sỹ công an. Vì thế, kế hoạch thảm sát Đồng Tâm chắc chắn là do Tô Lâm vẽ ra, đề xuất lên Nguyễn Phú Trọng gật đầu, Ông Trọng gật đầu vì thế cả sư đoàn mới được điều về để gây ra cuộc thảm sát ấy. Cuộc thảm sát ở Đồng Tâm do Tô Lâm điều bộ tư lệnh cảnh sát giữ vai trò chủ đạo, trong đó Quân đội có lực lượng Đặc công cũng vào cuộc với tư cách yểm trợ. Bắn vào Đầu và tim Cụ Kình chắc chắn là do Tô Lâm hạ lệnh trực tiếp. Nếu như Trần Đại Quang nỗi tiếng với cuộc thảm sát ở Tây Nguyên, Nguyễn Bá Thanh ở Cồn Dầu Đà Nẵng, Phạm Quý Ngọ ở Thái Bình thì hôm nay Tô Lâm nối tiếp đàn anh đã nhuộm máu Đồng Tâm. Số phận các đàn anh đi trước ra sao chắc Tô Lâm biết được, hãy chờ và đón nhận sự trả giá vì tội ác của mình gây ra đi Tô Lâm.   -------------------- Gần một sư đoàn, Chó nghiệp vụ, có trang bị súng ống hoả lực mạnh, dùi cui, xe bọc thép khí tài quân sự chuyên để dùng cho chiến tranh. Vậy mà đảng dùng cho việc thảm sát một gia đình có Cụ già gần 90 tuổi và em bé mới chưa đầy 3 tháng tuổi, đang khi cả làng đang ngủ ngon vào rạng sáng, để lấy giấy tờ gốc đất đai Đồng Sênh. Nổ mìn, bắn hơi cay đánh đập tàn bạo, nổ súng giết người... Đảng này là đảng gì? Khủng bố? Mafia hay là gì? Là gì đi chăng nữa, Tô Lâm, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Phú Trọng phải ra toà để chịu sự phán xét về tội ác của mình đã gây ra với Đồng Tâm. Chết cũng phải hồi tố tội ác sát nhân ấy./.
......

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng!

Phạm Minh Vũ|   Đồng Tâm - Sẽ được nhắc mãi trong một giai đoạn cầm quyền của Nguyễn Phú Trọng với vai trò Tư lệnh các lực lượng vũ trang.   Sự việc Quân Đội- Cảnh sát bắn chết Cụ trên tầng 2 nhà Cụ ở Làng Hoành sẽ là vết nhơ lịch sử của chế độ cầm quyền cộng sản.   Không thể biện minh cho dù đó là lời lẽ như thế nào đi chăng nữa. Xông vào nhà người khác lúc 4h sáng để sát hại bằng hoả lực quân sự, cho chó nghiệp vụ để hạ sát các thành viên trong gia đình Cụ, rõ ràng là một kế hoạch giết người rất quy mô và bài bản có tính toán.   Thương vong có thể còn lớn hơn, Nguyễn Phú Trọng là cái tên phải chịu trách nhiệm chính cho vụ thảm sát này, điều Liên quân Quân đội và cảnh sát ở giữa Thủ đô cả nữa Sư đoàn, cuộc hành quân rầm trời giữa đêm Hà Nội như vậy chắc chắn kế hoạch đã được Ông Trọng gật đầu đồng ý, nếu không muốn nói là bút phê lệnh được thảm sát trong tình huống khả thi.     Nói tới đây, Tôi nhớ lại giữa lúc Trung cộng chiếm Bãi Tư Chính của VN thăm dò địa chất mà các lãnh đạo im lặng đến lạ lùng, Ông Trọng có phát ngôn thì kêu công đoàn cẩn thận thế lực thù địch mà không hề kêu gọi cảnh giác với âm mưu xâm lược của Trung cộng.   Bộ trưởng Bộ quốc phòng qua tàu bị chúng nó làm nhục mà chỉ biết cười, bộ trưởng ngoại giao đi LHQ họp lên án tàu nước ngoài xâm lược... chẳng dám nêu đích danh thằng tàu cộng. Thế mà tuyên giáo cho 47 đi chửi bới khắp nơi gọi Cụ già 84 tuổi là thằng, gọi Cụ là phản loạn, khủng bố, phải chi tuyên giáo cho lực lượng 47 gọi tàu cộng là thằng thì hay biết mấy, Phải chi tuyên giáo cho 47 gọi tàu là giặc thay vì coi Nhân dân là giặc thì hay biết mấy!   Phải chi, Nguyễn Phú Trọng lên kế hoạch tỉ mỉ như đánh vào Đồng Tâm để chiếm lại các đảo bị tàu cộng chiếm của nước ta thì hay biết mấy!   Thế mới thấy, Trong mắt quan chức cộng sản chúng nó xem Dân ta mới là kẻ thù, là thù địch sẵn sàng nổ súng để hạ sát một gia đình 4 đời không thương tiếc.   Làm người, những điều trông thấy sao mà không đau đớn lòng cho được? Sao mà Không căm phẫn cho được?      
......

Biến cố Đồng Tâm: Ai soạn 'kế hoạch 15 ngày quyết thắng'?

Trân Văn - VOA| Xung đột giữa dân chúng xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội với lực lượng vũ trang Việt Nam vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 đã dẫn đến kết quả hết sức thảm khốc: “Ba cán bộ, chiến sĩ công an hi sinh, một đối tượng chống đối chết, một đối tượng chống đối bị thương”. Đó là chưa kể những “đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng” bị “các đơn vị chức năng khống chế và bắt giữ” mà Bộ Công an Việt Nam không cho biết con số cụ thể (1). Thêm một lần nữa, nước mắt và máu lại chan hòa sau vô số những lời hoa mỹ! *** Đầu thập niên 1980, chính quyền Việt Nam tiến hành thu hồi đất ở ba xã thuộc huyện Chương Mỹ (Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc) và một xã ở huyện Mỹ Đức (Đồng Tâm) thuộc tỉnh Hà Tây (sau này được sáp nhập vào Hà Nội) để xây dựng phi trường quân sự Miếu Môn. Tuy nhiên kế hoạch xây dựng phi trường Miếu Môn chỉ tồn tại trên giấy, phần lớn đất đã thu hồi bị bỏ hoang và được các đơn vị quân đội được giao trách nhiệm quản lý cho dân thuê lại hoặc giao lại cho chính quyền địa phương để bán. Năm 2014, Bộ Quốc phòng Việt Nam quyết định giao “đất quốc phòng” thuộc kế hoạch xây dựng phi trường quân sự Miếu Môn cho Viettel – một doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng. Khu “đất quốc phòng” được trao vào tay Viettel có cả 46 héc ta mà dân chúng xã Đồng Tâm đã nhận lại và canh tác trong hàng chục năm. Phản kháng bùng phát, dân chúng xã Đồng Tâm yêu cầu hệ thống công quyền phân định rạch ròi đâu là đất nông nghiệp, đâu là đất quốc phòng. Thay vì đối thoại, hệ thống công quyền ở Hà Nội tổ chức trấn áp. Ngày 15/4/2017, sau khi công an bí mật bắt bốn người với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”, dân Đồng Tâm phản công, bắt 38 người (bao gồm một số viên chức, sĩ quan công an huyện Mỹ Đức và cảnh sát cơ động của thành phố Hà Nội) rồi rào làng tử thủ. Dư luận rúng động. Không tiện dấn tới, hệ thống công quyền Việt Nam buộc phải thương lượng để dân phóng thích con tin, chính quyền thì trả tự do cho bốn người bị bắt… Tuy nhiên hệ thống công quyền đã không thực thi nghiêm chỉnh cam kết xem xét cẩn trọng nguồn gốc đất cũng như tính hợp pháp của việc thu hồi 46 héc ta đất ở Đồng Tâm. Ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự bốn cán bộ huyện Mỹ Đức, mười cán bộ xã Đồng Tâm vì “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” (2), hệ thống công quyền bác bỏ toàn bộ chứng cứ mà dân chúng trưng dẫn, khăng khăng bảo rằng, 46 héc ta họ muốn thu hồi là “đất quốc phòng”... Sau hai năm “thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước tới nay đối với đất ở khu vực sân bay Miếu Môn”, tháng 7 năm ngoái, Thanh tra thành phố Hà Nội tuyên bố, khu vực đồng Sênh ở xã Đồng Tâm không có đất nông nghiệp! Dân Đồng Tâm tiếp tục khiếu nại, Thanh tra của chính phủ Việt Nam khẳng định, kết luận của thanh tra thành phố Hà Nội hoàn toàn chính xác! Sau đó vài tháng, hệ thống công quyền bắt đầu điều động hàng loạt đơn vị quân đội đến xây hàng rào cho “sân bay Miếu Môn”! *** Trước tháng 4 năm 2017 – thời điểm dân Đồng Tâm nổi loạn, bắt giữ con tin, rào làng để đòi xem xét, tôn trọng các quyền mà họ cho là hợp pháp và các lợi ích mà họ cho là chính đáng – nhiều viên chức hữu trách của chính quyền thành phố Hà Nội và Bộ Quốc phòng khẳng định, kế hoạch xây dựng “sân bay Miếu Môn” đã bị khai tử, việc thu hồi 46 héc ta ở đồng Sênh mà dân chúng Đồng Tâm khẳng định là “đất nông nghiệp” nhằm giao cho Viettel quản lý, sử dụng. Có thể vì nỗ lực thu hồi đất đang có tranh chấp về nguồn gốc giữa dân và hệ thống công quyền để giao cho một doanh nghiệp, tuy là doanh nghiệp làm kinh tế cho Bộ Quốc phòng khó thuyết phục, dễ gây phản cảm nên gần đây, các viên chức hữu trách thi nhau lôi “sân bay Miếu Môn” ra khỏi mồ, dựng kế hoạch đã chết này đứng dậy như một lý do. Dựa vào tin từ Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), một số cơ quan truyền thông loan báo, chiều 8 tháng 1, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam “đã đến thăm, động viên, tặng quà các đơn vị đang thi công công trình tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn”. Theo tin vừa dẫn, ngoài Lữ đoàn 543 Công binh 543 của Quân khu 2, tham gia xây dựng hơn 1.000 mét tường rào này còn có… Sư đoàn 312 và Sư đoàn 308 của Quân đoàn 1. TTXVN cho biết, “các đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ về vật chất, phương tiện, điều kiện ăn ở dã ngoại, làm tốt công tác dân vận, đồng thời phát động phong trào thi đua ‘15 ngày hành động quyết thắng’, tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ đăng ký xung phong thực hiện nhiệm vụ...” và được tướng Phương khen là “đã thực hiện tốt công tác tư tưởng, xây dựng quyết tâm, động cơ thi đua cho bộ đội, thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, thi công đảm bảo tiến độ, an toàn, hiệu quả”. TTXVN nhấn mạnh: “Nhiều người dân trên địa bàn bày tỏ sự đồng tình với chủ trương thi công tường rào sân bay, đồng thời cho biết trước đây, do chưa hiểu thấu suốt chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng về bảo vệ đất quốc phòng, về nhiệm vụ xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn, họ đã có những lời nói, hành động chưa phù hợp, ảnh hưởng tới tình đoàn kết quân dân. Nay được quân đội - đặc biệt là bộ đội Quân đoàn 2, Binh chủng Công Binh - tuyên truyền nên nhiều người dân đã có nhận thức đúng hơn, hiểu rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước, quân đội và ủng hộ bộ đội hoàn thành nhiệm vụ” (3). Thượng tướng Trần Quang Phương Tướng Phương đến thăm “công trình tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn” vào chiều 8 tháng 1 thì chừng mười tiếng sau, khoảng ba giờ sáng ngày 9 tháng 1, xung đột giữa dân chúng xã Đồng Tâm và lực lượng vũ trang bùng phát. Nếu TTXVN tường thuật trung thực, tại sao “nhiều người dân đã có nhận thức đúng hơn, hiểu rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước, quân đội và ủng hộ bộ đội hoàn thành nhiệm vụ” mà lực lượng vũ trang vẫn bao vây, tấn công thôn Hoành như lời một số nhân chứng tố cáo trên mạng xã hội? Ai là người soạn - phê duyệt kế hoạch “15 ngày hành động quyết thắng”? Dân ở đâu trong kế hoạch dường như có sự phối hợp hết sức chặt chẽ này giữa quân đội và công an trong việc… trị dân, giành đất? Từ lúc nào “quyết thắng” trở thành chủ trương để giới lãnh đạo lực lượng vũ trang dốc toàn lực (một lữ đoàn của Quân khu 2, hai sư đoàn của Quân đoàn 1, kèm theo đủ loại công an, cảnh sát) để tân công lương dân, biến lương dân thành những “đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng” và đè cho bẹp dúm? Chú thích (1) https://thanhnien.vn/thoi-su/ba-chien-sy-cong-an-hy-sinh-o-dong-tam-1169993.html (2) https://tuoitre.vn/truy-to-14-cuu-can-bo-lien-quan-sai-pham-dat-dai-tai-dong-tam-1343047.htm (3) https://www.vietnamplus.vn/dam-bao-thi-cong-an-toan-cong-trinh-tuong-rao-bao-ve-san-bay-mieu-mon/617483.vnp
......

Với Đồng Tâm, chính quyền vẫn phải tiếp tục đối thoại

nhacsituankhanh| 3000 quân rầm rập trong một đêm, với đủ các loại khí cụ hiện đại nhất, chỉ để tấn công vào ngôi làng nhỏ trong đêm mờ tối. Đó là điều khó tin mà có thật ở đất nước đang ngồi ở vị trí chủ tịch Hội Đồng Bảo An của Liên Hợp Quốc. Tiếng hô của viên chỉ huy được kể lại là “đầu hàng thì sống, không thì chết”. Đầu hàng cho chuyện gì, khi công an với đủ thành phần đạp cửa xông vào nhà không lý do, bắn vào người già và quăng lưu đạn cay và trẻ nhỏ? Sức mạnh uy vũ của lực lượng công an đã làm tiếng trẻ con khóc ngất, tiếng phụ nữ hoảng sợ kêu thét. Xóm làng cháy đỏ, và trong đó, những cụ già có đến 30-40 năm dài theo đảng, bị gọi là phản động. Nhiều nhà phân tích nói rằng Trung Quốc sau khi tổ chức quân đội mạnh, dẫn đến tình trạng kiêu binh và điên cuồng muốn thể hiện sức mạnh với các nước nhỏ. Tên gọi ngắn, là cuồng vì sức mạnh. Chỉ có thể mượn hình ảnh đó để diễn đạt cuộc đánh úp không lý lẽ và man rợ vào người dân Đồng Tâm ngày 9/1/2020. Thật đau đớn cho sự mất mát cho những người nông dân, và đau đớn cho cả những người vũ trang, bỏ mạng cho những quan chức giấu mặt, vốn giỏi gìn giữ mạng sống để tận hưởng bằng máu của kẻ khác. Vinh quang gì khi đánh và giết những nông dân Việt Nam trong chính ngôi nhà của họ? Vào giờ phút này, chắc chắn nội bộ của những người cộng sản đang rối rắm, tranh cãi, đổ cho nhau về “thành tích” Đồng Tâm. Làm trước, nghĩ sau vẫn là hiện trạng tồi tệ trên đất nước này. Nhân dân luôn là những cuộc đời bị xé nát trong kiểu cầm nắm quyền lực hoang dã như vậy. Giết dân như kẻ thù, là một nỗi nhục không bao giờ có thể xóa. Và dù biện minh bằng những tổn thất của kẻ tấn công hay cố vu vạ cho dân, cũng chỉ đem lại sự khinh rẻ hơn mà thôi. Đối thoại, pháp lý và lẽ phải, đó là những gì mà người dân Đồng Tâm đã tha thiết kêu gọi từ năm 2017 cho đến nay. Họ cũng đã nhiều lần chứng minh thiện chí của mình nhưng không được đáp lại. Tất cả nhìn thấy hôm nay, đều là nhân dân. Và khi nhân dân bị xô vào ngõ hẹp để kình chống nhau, cần phải xem ai là người được lợi, ai là kẻ tổ chức tội ác đó. Và đặc biệt khi nhà nước luôn hô to và kiên nhẫn xin đối thoại với kẻ thù đang xâm lấn biển Đông, thì nhân dân trên đất nước này phải là đối tượng ưu tiên cần được đối thoại. Nhân dân không thể bị xem thấp hơn kẻ thù phương Bắc. Ngay cả lúc này, trách nhiệm của chính quyền, đặc biệt Bộ Công An, là đối thoại với những nạn nhân của mình tại Đồng Tâm. Hãy cởi chiếc áo man rợ, và đối thoại với nhân dân như một chính quyền học biết văn minh hôm nay là gì.  
......

Tắm máu đồng bào!

Phạm Minh Vũ| Vụ thảm sát ở Đồng Tâm trong trận đánh úp rạng sáng ngày chín tháng một năm 2020 cơ bản có những điểm giống với vụ Thiên An Môn do đảng cộng sản anh em Trung Quốc gây ra. Vụ đánh úp ở Thiên An Môn cũng trong đêm tối, khi điều quân đoàn 27 một quân đoàn vô học, Chính quyền Bắc Kinh tuyên truyền là “đám phản loạn, nghiện hút đang gây rối”, giết hại nhiều đồng bào để làm cho binh lính xuống tay hạ sát Sinh viên không thương tiếc. Đêm mùng tám rạng sáng mùng chín ngày hôm qua, Quân đội, Công an đem hàng loạt khí tài quân dụng được vũ trang có hoả lực mạnh, xe bọc thép hoặc thiết bị LRAD chỉ được sử dụng trong chiến tranh cục bộ, vậy mà được đảng huy động đánh úp vào Đồng Tâm. Nếu Quân đoàn 27 thể hiện sự khát máu vô học thì K20, thuộc Bộ tư lênh cảnh sát cơ động VN cũng như thế. Nếu Bắc Kinh tuyên truyền cho quân đoàn 27 là “nhóm phản loạn, nghiện hút xì ke” đang giết hại đồng chí đồng đội thì Hà Nội hôm qua cũng đã có những dấu hiệu tuyên truyền ý đồ nói Nhân dân giết đồng đội, kiểu 1 đổi 3, đó là chiêu bài kích động để cho binh lính ở đây là K20 thể hiện sự khát máu hơn nữa cho mặt trận Đồng Tâm, tương tự cũng tác động tới truyền thông khi dlv, hay trung đoàn 47 tung quân đi chửi tục. Nhằm mục đích xoá mờ đi tính chất cướp đất giết người của Đảng đối với Đồng Tâm. Không thể biện minh cho hành động điều quân đội, cảnh sát được vũ trang với khí tài quân sự, chỉ chuyên sử dụng trong chiến tranh mà đem đến đàn áp ở một ngôi làng yên bình mà nói là chính danh được. Sẽ trả lời sao cho mọi hành động “thực thi công vụ” mà đánh úp Dân trong khi dân làng đang ngủ ngon giấc vào lúc 4h sáng mà nói là chính danh được. Sẽ trả lời sao cho hành động phong toả với 3 vòng đai bảo vệ kiểu nội bất xuất ngoại bất nhập mà nói là chính danh được. Sẽ trả lời sao cho hành động cô lập cắt Internet, phá sóng điện thoại mà nói là chính danh được. Cho tới bây giờ không biết thiệt hại ra sao? Nói là Nhân dân gây rối cản trở thi hành công vụ đất đai, nhưng Đồng Sênh cách làng Hoành 3km, trong đêm ai ra đó gây rối cách nhà 3km? Sẽ trả lời ra sao khi công khai giết Dân, nhưng quan sát viên quốc tế muốn vào theo dõi thì lại từ chối? Không thể biện minh được, vì hiểu một cách dễ nhất là Giết người, bỏ tù những người có uy tín ở Đồng Tâm rồi ngang nhiên chiếm 59ha ở Đồng Sênh để làm sân Gofl, mà thực tế hôm qua đã rào kẽm gai xong rồi. Suy cho cùng, sự việc Đồng Tâm là một vụ thể hiện rõ bản chất man rợ, khát máu của chế độ độc tài đối với Nhân dân. Đảng không từ thủ đoạn nào để đạt được mục đích cướp đất của mình. Cho dù phải tắm máu đồng bào, thậm chí tắm luôn máu đồng đội của mình.  
......

TUYÊN BỐ ĐỒNG TÂM 10.1.2020

Tình hình Tin trên các báo (lấy lại từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công an) cho biết có một đơn vị quân đội đến “xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn, huyện Mỹ Đức” (trong thực tế là xây tường rào cho phần đất thuộc “dự án sân bay Miếu Môn” cũ) từ 31/12/2019; sáng 9/1/2020 gặp phải “một số đối tượng có hành vi chống đối”, và hậu quả, “có 3 cán bộ chiến sĩ công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối tử vong, 1 đối tượng bị thương”. Nhưng đến nay, công luận đã thấy rất rõ qua các bằng chứng lan truyền: Vào khoảng 4h sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020 nhân dân Đồng Tâm bị các lực lượng lên đến hàng ngàn người bao vây, xông vào làng, tấn công bằng lựu đạn cao su, hơi cay, dùi cui… Đặc biệt họ cô lập, ném lựu đạn cao su, xả hơi cay vào khu nhà cụ Lê Đình Kình, ông Lê Đình Công. Vài chục người, trong đó có toàn bộ gia đình cụ Kình đã bị bắt đưa đi đâu không rõ. Đến cuối ngày 10 tháng 1, đã có thông báo chính thức là Cụ Lê Đình Kình (84 tuổi, cựu Bí thư Đảng uỷ xã Đồng Tâm, người lãnh đạo Tổ Đồng Thuận thay mặt bà con khiếu nại về quyền sử dụng khu đất Đồng Sênh) đã tử vong. Số thương vong của cả hai phía dân và lực lượng vũ trang được cho là có thể còn nhiều hơn nữa. Được biết, trước đó, từ 25/12/2019 lực lượng chức năng đã cho chuẩn bị quân cán, diễn tập, uy hiếp nhân dân Đồng Tâm. Đến tối ngày 6/1/2020 nhà cầm quyền đã cắt Wifi ở Đồng Tâm và canh giữ, cản trở những người hoạt động dân sự độc lập từ Hà Nội muốn tiếp cận với Đồng Tâm để minh bạch thông tin từ Đồng Tâm. Và cho đến cuối ngày 10/1/2020, toàn bộ đường vào Đồng Tâm vẫn bị phong toả, Đồng Tâm thực sự bị đặt trong tình trạng giới nghiêm. Công luận có quyền đặt ra những câu hỏi: 1. Nhà cầm quyền đã dùng một lực lượng vũ trang đông đảo hàng nghìn người trang bị tận răng tiến vào Xã Đồng Tâm trong đêm tối nổ súng, bắt người, gây thương vong. Hành động ấy có minh bạch không? Có hợp pháp không? 2. Tường rào sân bay Miếu Môn nằm xa khu dân cư, sự phá rối không thể xảy ra trong khu dân cư, như vậy qui tội cho một số phần tử gây rối có phải là vô căn cứ, là lý do bịa đặt để che đậy hành vi bất minh? 3. Việc tranh chấp đất Đồng Sênh đã kéo dài nhiều năm, nhưng chưa được giải quyết rốt ráo cả về mặt hành chính lẫn tư pháp. Nôn nóng sử dụng vũ lực để trấn áp phản ứng của người dân có phải là biện pháp chính đáng của “Chính quyền Nhân dân”? Hậu quả của vụ Đồng Tâm đã vượt khỏi dự liệu của tất cả mọi người. Đau đớn thay! Máu đã đổ, máu của chiến sĩ, máu của dân, đều là máu của người Việt Nam. Điều cực nguy hiểm là người dân đã bị đẩy thành thù địch, đối đầu với chính quyền, lòng tin của người dân với chính quyền không còn một chút nào! Vụ Đồng Tâm sẽ đi vào lịch sử như một vết nhơ không bao giờ rửa sạch. Lần đầu tiên, dưới chế độ luôn tự xưng là “của dân”, người nông dân công khai trương ra và thực hiện khẩu hiệu: “Phải giữ đất dù phải hy sinh xương máu!” Tuyên bố Trước tình hình trên, các Tổ chức Xã hội Dân sự và các cá nhân ký tên dưới đây Yêu cầu Nhà Cầm quyền Việt Nam: 1. Chấm dứt ngay việc dùng lực lượng vũ trang (quân đội, công an, các lực lượng khác) dùng bạo lực dưới mọi hình thức trong việc giải quyết vấn đề đất đai với nhân dân Đồng Tâm cũng như với nhân dân tất cả các địa phương ở Việt Nam. 2. Chữa trị chu đáo cho những người bị thương ở Đồng Tâm, bồi thường mọi tổn thất về vật chất và tinh thần của người dân Đồng Tâm do hậu quả của các hành động bạo lực của cảnh sát, đồng thời không được ngăn cản người dân và các Tổ chức Xã hội Dân sự đến cứu hộ, giúp đỡ người dân Đồng Tâm. 3. Lập tức điều tra một cách khách quan trung thực về sự thật xung quanh vụ đổ máu ngày 9/1 ở Đồng Tâm, có sự tham dự của báo chí, giới luật gia, các nhân sĩ và tổ chức dân sự độc lập. Khởi tố vụ án không chỉ đối với những người dân bị coi là chống đối, mà cả với những người ra mệnh lệnh, chỉ đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang xông vào khu dân cư trong đêm tối một cách bất minh vì đó là nguyên nhân buộc người dân chống đối. 4. Giải quyết công khai minh bạch toàn bộ vụ việc đất đai Đồng Tâm, thông qua trình tự pháp luật dân sự, và phải có các tổ chức Xã hội Dân sự Độc lập, người dân và báo chí trong nước, quốc tế tự do tìm hiểu, chứng kiến mọi ngóc ngách của vấn đề và quá trình giải quyết. Không hình sự hóa trong việc giải quyết dân sự về đất đai. 5. Khởi tố ngay những kẻ chủ mưu, kẻ thừa hành trong việc biến đất của người dân Đồng Tâm thành đất của một nhóm lợi ích giả danh nhà nước, che đậy bằng ngôn từ lừa dân “đất quốc phòng”. 6. Vấn đề đất đai gây bao đau thương oan khuất từ 1954 đến nay trên khắp nước Việt Nam phải được thay đổi từ gốc rễ, ở Hiến pháp và Luật Đất đai, phải trả lại quyền Tư hữu đất đai cho mọi người dân Việt Nam.   Tuyên bố làm ngày 10 tháng 1 năm 2020 Các tổ chức và cá nhân đồng ý ký tên xin ghi rõ: Tên tổ chức và tên người đại diện/ Tên cá nhân và chức danh/nghề nghiệp (nếu có), tỉnh/thành (và quốc gia nếu ở nước ngoài) đang cư trú. Gửi về địa chỉ email: tuyenbodongtam2020@gmail.com Tổ chức Đợt 1 1. Nhóm Lập Quyền Dân. Đại diện: Nguyễn Khắc Mai 2. Diễn đàn Xã hội Dân sự. Đại diện: Tiến sĩ Nguyễn Quang A 3. CLB Lê Hiếu Đằng. Đại diện: Lê Thân 4. Ban Vận động Văn đoàn Độc lập VN. Đại diện: Nhà văn Nguyên Ngọc 5. Nhóm Vì Môi Trường. Đại diện: Nguyễn Thị Bích Ngà, Nhà báo, Sài Gòn 6. Hội Giáo chức Chu Văn An. Đại diện: Vũ Mạnh Hùng, Nhà giáo về hưu, Hà Nội 7. Diễn đàn Bauxite Việt Nam. Đại diện: GS Phạm Xuân Yêm, Pháp 8. Câu Lạc Bộ Phối Hợp Công Tác Paris/Pháp; Collectif Transparance (Paris, Pháp) 9. Văn Phòng Liên Lạc các Hội đoàn tại Pháp (Paris, Pháp) 10. Phong trào Thăng Tiến VN. Đại diện: Tường An, Nhà báo tự do (Paris, Pháp) 11. Tập thể Giáo xứ Mỹ Khánh, Giáo phận Vinh. Đại diện: Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam 12. Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Đại diện: Nguyễn Tường Thụy 13. Hội Bầu bí Tương thân. Đại diện: Nguyễn Lê Hùng 14. Khối Nghiệp đoàn Viêm Việt. Đại diện: Tôn Phi, Tổng thư ký, Sài Gòn Đợt 2 15. Báo “nguoivietxaque.info” CH. Séc: Đại diện: Chủ bút Nguyễn Thi 16. Nhóm Văn Lang, tại Praha, Cộng hòa Séc. Đại diện: Chu Đình Lân. 17. Nhóm Tuổi Trẻ Yêu Nước Quốc Nội. Đại diện: Trần Vũ Anh Bình, Nhạc sĩ, cựu TNLT, Sài Gòn 18. Khối 8406 NSW (Sydney, NSW, Australia). Đại diện: Phạm Anh Tuấn, Australia 19. Nhóm hoạt động ủng hộ Quốc Dân Việt, tại San Jose, CA Hoa Kỳ. Đại diện: Đoàn Văn Lập Đợt 3 20. Tập Hợp Quốc Dân Việt. Đại diện tại Quốc nội: Hoàng Lê Hy Lai, Sài Gòn 21. Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hoà Liên Bang Đức. Đại diện Ban Chấp Hành: Bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm 22. Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD). Đại diện: Vũ Quốc Ngữ 23. Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền. Đại diện: Linh mục Nguyễn Hữu Giải/Huế 24. Tập Hợp Quốc Dân Việt. Đại diện: Linh mục Nguyễn Văn Lý/Huế. Đợt 5 25. Đại diện chính đảng Tự Do – Dân Chủ Việt Nam. Đại diện: Giang Hồng Đợt 6 26. Phong Trào Dân Quyền UK. Đại diện: Thắng Bùi Cá nhân Đợt 1 1. Nguyễn Khắc Mai, Trung tâm Minh Triết, Hà Nội 2. Nguyễn Quang A, TS Tin học, Hà Nội 3. Lê Thân, Nhà hoạt động xã hội, TP HCM 4. Trần Bang, Kỹ sư, Thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, TP HCM 5. Nguyễn Thị Kim Chi, Nghệ sĩ, TV CLB Lê Hiếu Đằng, TP HCM 6. Nguyễn Nguyên Bình, Nhà văn, TV CLB Lê Hiếu Đằng, Hà Nội 7. Mạc Văn Trang, Tiến sĩ Tâm lý học, Hà Nội 8. Phùng Ân Hưng, Thạc sĩ vật lý, giáo viên, TPHCM 9. Nguyễn Thị Giáng Vân, Nhà thơ, Hà Nội 10. Hoàng Hưng, Nhà thơ, Dịch giả, TP Hồ Chí Minh 11. Nguyễn Thị Khánh Trâm, Nghiên cứu viên, hưu trí TP HCM 12. Vũ Ngọc Tiến, Nhà văn ở HN 13. Đặng Bích Phượng, Cán bộ hưu trí, Hà Nội 14. Tịnh Huệ, TP HCM 15. Nguyễn Lệ Uyên, Nhà văn 16. Phạm Nguyên Trường, Dịch giả, Vũng Tàu 17. Chu Anh Tuấn, Vũng Tàu 18. Lê Thăng Long, Doanh nhân, Sài Gòn 19. Nguyễn Hồng Liêu, Hưu trí, TPHCM 20. Dương Sanh, Cựu giáo chức, Khánh Hoà 21. Huỳnh Thị Út, Giáo viên, Sài Gòn 22. Mai Thanh Sơn, PhD 23. Phùng Hoài Ngọc, Nhà nghiên cứu, cựu Giảng viên Đại học, An Giang 24. Đỗ Trọng Khơi, Nhà thơ, Thái Bình. 25. Nguyễn Xuân Nghĩa, Nhà văn, Hải Phòng 26. Võ Xuân Tòng, Nhà văn, Hội viên HNV Hà Nội 27. Trần Thanh Tuấn, Giảng viên, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội 28. Ngô Kim Hoa (Sương Quỳnh), Nhà báo tự do, Sài Gòn 29. Lại Thị Ánh Hồng, Nghệ sĩ, Sài Gòn 30. Lê Phước Sinh, Dạy học, Sài Gón 31. Vũ Trọng Khải, PGS, TS, Chuyên gia độc lập về chính sách phát triển nông nghiệp 32. Uông Đình Đức, Kỹ sư cơ khí, Nguyễn Cư Trinh Q.1, TP.HCM 33. Đỗ Trung Quân, Nhà thơ, SG 34. Võ Văn Tạo, Nhà báo, Nha Trang 35. Trần Lương, Nghệ sĩ thị giác/curator, Hà Nội 36. Nguyễn Khắc Bình, Kỹ sư, TP HCM 37. Phùng Thế Anh, Kỹ sư, đã nghỉ hưu, sống tại Sài Gòn. 38. Trần Thị Thảo, Giáo viên nghỉ hưu tại Hà Nội 39. Hoàng Dũng, PGS TS, TPHCM 40. Lê Đình Thắng, cựu Thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, hiện sinh sống tại Sài Gòn 41. Bùi Nghệ, Kỹ sư XD, Sài Gòn 42. Võ Hồng Ly, Nhân viên VP, Q2, Sài Gòn 43. Nguyễn Mạnh Sơn, cựu TNLT, Hải Phòng 44. Lê Trần Cảnh, Giảng viên, TP Bà Rịa 45. Mã Lam, Nhà thơ, Sài Gòn 46. Đào Tiến Thi, Nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn học, nguyên Uỷ viên Ban chấp hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hà Nội 47. Lê Minh Hiền, Người thích làm thơ, Stanton, California, USA 48. Nguyễn Tuệ Hải, Hưu trí, Canberra, Australia 49. Nguyễn Ngọc Giao, Nhà giáo về hưu, Paris, Pháp 50. Văn Hiền, Lập trình viên, Bình Thuận 51. Phạm Viêm Phương, Người hưu trí, Sài Gòn 52. Phạm Kỳ Đăng, Làm thơ, viết báo, dịch thuật, CHLB Đức 53. Phan Quốc Tuyên, Kỹ sư tin học, Thụy Sĩ 54. Đào Văn Bính, Hưu trí ở Hà Nội 55. Lê Quốc Thăng, Linh mục Tổng giáo phận Sài Gòn 56. Nguyễn Thị Hồng Loan, Q. Gò Vấp Sài Gòn 57. Nguyễn Mạnh Hùng, Mục sư, Sài Gòn 58. Tiêu Dao Bảo Cự, Nhà văn tự do, Đà Lạt 59. Bùi Hiền, Hưu trí, Canada 60. Nguyễn Phú Yên, Hưu trí, Sài Gòn 61. Trương Mình Hưởng, Dân oan, Hà Nam 62. Bùi Minh Quốc, Nhà thơ, nhà báo, Đà Lạt 63. Ngô Thị Kim Cúc, Nhà văn- Nhà báo, Sài Gòn 64. Nguyễn Viện, Nhà văn, Sài Gòn 65. Phan Bá Phi, Chuyên viên cấp cao Tin học, Hưu trí, Seattle USA 66. Trần Minh Khôi, Kỹ sư điện toán, Berlin, CHLB Đức 67. Tống Mạnh Hà, Giám đốc cty TNHH thương mại và dịch vu đa ngành Thanh Hà 68. Đinh Đức Long, Tiến sĩ, Bác sĩ, Sài Gòn. 69. Nguyễn Đình Thục, Linh mục giáo phận Vinh, Nghệ An 70. Phạm Thành, Nhà báo, Nhà văn ở Hà Nội 71. Bùi Đình Sệnh, Công dân Hà Nội 72. Kha Lương Ngãi, nguyên phó TBT báo Sài Gòn Giải Phóng, TV CLB LHĐ. 73. Nguyễn Xuân Diện, Tiến sĩ, Hà Nội 74. Tô Lê Sơn, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn 75. Hà Thúc Huy, TS Hóa học, Sài Gòn 76. Trần Huy Quang, Nhà văn, Hà Nội 77. Nguyễn Thế Hùng, GS.TS, Giảng viên Đại học Đà Nẵng, Phó chủ tịch Hội Cơ học Thủy khí Việt Nam 78. Nguyễn Huệ Chi, GS Ngữ văn, Hà Nội 79. Nguyễn Đình Nguyên, TS Y khoa, Australia 80. Đặng Thị Hảo, TS Văn học, Hà Nội 81. Phan Thị Hoàng Oanh, TS Hóa học, Sài Gòn 82. Nguyễn Mai Oanh, ThS Kinh tế phát triển, Sài Gòn 83. Trần Đức Quế, Chuyên viên hưu trí, Hà Nội 84. Bùi Thị Diệu Huyền, Hưu trí, Sài Gòn 85. Lã Minh Luận, Nhà giáo, Hà Nội 86. Bùi Văn Thuận, Lao động Tự do, Yên Thuỷ, Hoà Bình 87. Hồ thị Ngọc Yến, Hưu trí, Tp HCM 88. Đàm Ngọc Tuyên, Nhà báo tự do, Quảng Ngãi 89. Vũ Thị Hằng, Sài Gòn 90. Đào Công Tiến, Đại học Kinh tế, Sài Gòn 91. Hồ Ngọc Nhuận, Nhà báo. 92. Nguyễn Ngọc Thiện, Học sinh, Bình Dương 93. Nghiêm Xuân Thịnh, Kinh doanh tự do, Phương liệt, Thanh Xuân, Hà Nội 94. Bùi Phi Hùng (FB Bùi Phi Hùng) cựu Cán bộ Nhà nước, Hà Nội 95. Nguyễn Cường, Tư vấn Bất động sản, Praha, CH Séc 96. Phạm văn Thạo, Mục sư Tin Lành, Hà Nội 97. Hà Dương Tường, Giáo viên về hưu, Pháp 98. Lê Doãn Cường, Kỹ sư (Software Engineer), Gothenburg, Thụy Điển 99. Hà Dương Tuấn, nguyên Chuyên gia CNTT, Pháp 100. Harry Ngo, Kinh doanh, Georgia – Hoa Kỳ 101. Đỗ Quang Nghĩa, Kỹ sư, Berlin, CHLB Đức 102. Larry Dang, Vancouver, Canada 103. Nguyễn Thị Thanh Bình, Nhà văn, Hoa Kỳ 104. Nguyễn Xuân Hoài, Hưu trí, cựu quân nhân, Tân Phú, SG 105. Lê Văn Tâm, nguyên Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản, Chiba/Nhật 106. Quảng Tánh Trần Cầm, Nhà thơ, Hoa Kỳ 107. Nguyễn Trọng Hoàng, Bác sĩ, Paris – Pháp 108. Nguyễn Đào Trường, Hưu trí Hải Dương. 109. Nguyễn Văn Chương, Công nhân ở Đồng Nai 110. Thuỳ Linh, Nhà văn, Hà Nội. 111. Vũ Linh Huy, Bác sĩ y khoa, Sarasota, Florida, Hoa Kỳ 112. Lê Công Định, Sài Gòn 113. Hà Sĩ Phu, TS Sinh học, Đà Lạt 114. Nguyên Ngọc, Nhà văn, Hội An 115. Chu Hảo, TS, Hà Nội 116. Nguyễn Ngọc Lanh, nguyên GS ở Hà Nội 117. Mai Thái Lĩnh, Nhà nghiên cứu, CLB Phan Tây Hồ, Đà Lạt. 118. Phan Tấn Hải, Nhà văn, USA 119. Phạm Tiền Phong, Cán bộ hưu trí thành phố HCM 120. Huỳnh Ngọc Chênh, Hội viên Hội Nhà Báo Độc Lập 121. Nguyễn Thuý Hạnh, Công dân Hà Nội 122. Trương Dũng, Thành viên NoU Hà Nội 123. Cấn Thị Thêu, Nông dân Dương Nội 124. Trịnh Bá Phương, Nông dân Dương Nội 125. Trịnh Bá Tư, Nông dân Dương Nội 126. Huỳnh Sơn Phước, Nguyên Phó TBT báo Tuổi Trẻ 127. Đoàn Công Nghị, Nha Trang 128. An Nam, Berlin BRD 129. Trần Văn Lưu, Công chức hồi hưu, San Diego, California, Hoa Kỳ. 130. Nguyễn Bá Dũng, Hưu trí, Hà Nội 131. Trần Công Tâm, Hưu trí, Sài Gòn 132. Nguyễn Xuân Lâm, Kents, Uk. 133. Nguyễn Quang Nhàn, Cán bộ hưu trí, Đà Lạt. 134. Phạm Hoàng Phiệt, Giáo sư Y học, Tp HCM 135. Tống Hồng Phương, Công dân Thái Bình. 136. Nguyễn Văn Tiến, Hưu trí, TP HCM 137. Hofa Vũ, Giáo sư đại học, Pháp 138. Bộ Nguyễn, Kỹ sư đường bộ, Canada. 139. Tôn Quang Trí, Cán bộ hưu trí TP Hồ Chí Minh 140. Lê Thị Chiêm, Nhân viên văn phòng, Cổ Nhuế – Hà Nội 141. Antôn Đặng Hữu Nam, Linh mục Giáo Phận Vinh, Nghệ An 142. Nguyễn Quang Vinh, Sĩ quan QĐ nghỉ hưu, Đội Cấn, Hà Nội. 143. Trần Tiến Đức, Nhà báo độc lập, Đạo diễn truyền hình và phim tài liệu, Hà Nội 144. Nghiêm Việt Anh, Hưu trí, Đống Đa, Hà Nội 145. Trần Vũ Việt Trung, Kỹ sư cơ khí, TP HCM 146. Nguyễn Công Thanh, phường 13, quận 10, TP HCM 147. Phạm Đình Trọng, Nhà văn. Sài Gòn 148. Nguyễn Đức Quỳ, cựu Giáo chức, Hà Nội. 149. Vũ Duy Thắng, Nông dân, Vĩnh Lộc – Thành Hoá 150. Diệp Chí Huy, Công dân Việt Nam, Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng 151. Huỳnh Nhật Hải, Hưu trí, Đà Lạt. 152. Huỳnh Nhật Tấn, Hưu trí, Đà Lạt 153. Phạm Minh Hoàng, Hưu trí, Paris (Pháp) 154. Bến Văn Nguyễn, Nhà văn (bút danh khác: Nguyễn Đức Huệ, Nguyễn Thẩm Văn) làng Khương, Thanh Xuân – Hà Nội. 155. Phan Đắc Lữ, Nhà thơ, Thành viên CLB LHD 156. Huỳnh Văn Thắng, TP.HCM 157. Nguyễn Kim Khánh, Giáo viên, Sài Gòn. 158. Nguyễn Hồng Hiệp, Công dân, Sài Gòn 159. Huỳnh Hải Bỉnh, Kỹ sư xây dựng, Hà Nội 160. Lý Việt Hùng, Đội Cấn Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội 161. Hồ Vân Hằng, Hưu trí, Sài Gòn 162. Nguyễn Mê Linh, TS, TP HCM. 163. Tô Oanh, Giáo viên đã nghỉ hưu, TP Bắc Giang 164. Tô Linh Giang, Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội 165. Hoàng Xuân Phú, Hà Nội 166. Võ Văn Dũng, Luật sư 167. Nguyễn Tiến Dân, Nhà giáo, Hà nội 168. Phan Trọng Khang, Thương binh 2/4, Hà Nội 169. Vũ Anh Tuấn, Luật gia 170. Nguyễn Thanh Trúc, Nội trợ, Sài Gòn 171. Lưu Thị Xuân Lan, Vợ liệt sĩ, Bác sỹ, hưu trí ở Thành phố Phan Thiết Bình Thuận 172. Nguyễn Đức, Nhà báo độc lập ở Sài Gòn 173. Nguyễn Hữu Thao, Bulgaria 174. Nguyễn Nam, Cựu binh chống giặc Trung Quốc 175. Trương Anh Thuỵ, Nhà văn, Hoa Kỳ 176. Vũ Thị Nho, TS Tâm lý học, Hà Nội 177. Nguyễn Long, Lao động tự do, TâyHồ HN 178. Nguyễn Thanh Hà, Thanh Trì – Hà Nội 179. Bắc Phong, Hưu trí, Canada 180. Trần Nguyên Phong, Cựu chiến binh 181. Phạm Quang Hoa, Bác sĩ Đà Lạt Lâm Đồng 182. Võ Quang Luân, cựu Giáo chức, Hà Nội 183. Vũ Thu Hương, Hưu trí, Hà Nội 184. Nguyễn Phú Bình, Bắc Ninh 185. Lê Hồng Hạnh, Hưu trí tại HN 186. Nguyễn Ngọc Như, TP Hồ Chí Minh 187. Nguyễn Tiến Trung, Kỹ sư máy tính, làm tự do ở Sài Gòn 188. Trần Văn Phúc, Kỹ sư xây dựng, Đà Nẵng 189. Dương Thị Tân, Sài Gòn, quận 3 190. Phạm Hồng Hà, Kỹ sư hưu trí tại Nghệ An 191. Huong Dinh, Bác sĩ y khoa, Hoa Kỳ 192. Nguyễn Giao Thời, Thiết kế, Singapore 193. Hà Quang Vinh, Hưu trí ở Sài Gòn 194. Bút Thép, Nhà báo tự do, Quận 9 195. Trần Quốc Việt, Sinh viên, Hà Nội 196. Đặng Trần Liên, Hà Nội 197. Đỗ Văn Huy, Nghề nghiệp làm tự do. Dương Kinh, TP Hải Phòng. 198. Hồ Thị Cầm Trang, Công dân Sài Gòn 199. Hoàng Tùng Thiện, Học viện Tài chính, Mỹ Đình I, Nam Từ Liêm, Hà Nội 200. Lê Hồ Sinh Nguyên, Kỹ sư cơ khí, Đồng Nai 201. Lê Thị Cẩm, Giáo viên hưu trí, Saigon 202. Cao Kỳ Xương, Giáo viên hưu trí, Saigon 203. Trần Công Thắng, Bác sĩ, Na Uy 204. Thái Văn Đường, Hà Nội 205. Dương Trọng Chiến, Kinh doanh, Hà Nội 206. Nguyễn Tuấn Anh, Cựu sỹ quan chống Trung Quốc, Việt Trì -Tỉnh Phú Thọ 207. Nguyễn Tiến Dũng, Họa sỹ ở Hà Nội 208. Nguyễn Thế Kiệt, Hoa kỳ 209. Nguyễn Hữu Hùng, Thị trấn Hoàn Lão- Bố Trạch- Quảng bình 210. Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nhà văn, Virginia USA 211. Nguyễn Lương Thịnh, Hưu trí, P Hiệp Bình chánh, Thủ Đức 212. Helen Nguyen, Công dân Việt Nam, cư trú New zealand 213. Đào Lê Tiến Sỹ, Hà Nội 214. Nguyễn Thanh Trúc, Tân Phú-Đồng Nai 215. Nguyễn Ngọc Xuân, Nông dân, Xuyên Mộc, Bà Rịa Vũng Tàu. 216. Trần Ngọc Bình, Hưu trí, Sài Gòn 217. Lê Xuân Ban, Lao động tự do, Việt Nam 218. Lâm Thị Ái (vợ Nhạc sĩ Tô Hải), Nội trợ, Sài Gòn 219. Trịnh Thị Uyên, Nội trợ, Trường Chinh, Tân Hưng Thuận, Quận 12 220. Trần Kim Thập, Giáo chức, Perth, Australia 221. Trịnh Kim Thuấn, Nông dân, ấp An Thịnh, Hội An, Chợ Mới, An Giang 222. Phạm Ngọc Trường, Tours – France 223. Đinh Huyền Hương, Giáo viên, hưu trí 224. Đặng Doan, Kinh doanh ở TP Gia Nghĩa, Đak Nông 225. Trần Nguyệt Minh, Giáo Viên tại Tây Ninh 226. Nguyễn Quý Thắng, Bác sĩ, P. Thống Nhất, TP Nam Định, Nam Định 227. Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Kỹ sư xây dựng, Hà Nội 228. Nguyễn Hương Giang, Nội trợ, Phú Xuyên, Hà Nội 229. Nguyễn Văn Lịch, Cựu binh, hưu trí, Đống Đa, Hà nội. 230. Đoàn Nhật Hồng, nguyên Giám đốc sở GDĐT tỉnh Lâm Đồng 231. Tương Lai, GS, nguyên Viện trưởng Viện XHHVN, Sài Gòn 232. Lê Xuân Thành, Kỹ sư, Nha Trang Khánh Hòa 233. Ngô Đức Tráng, Hà Nội 234. Nguyễn Tường Thụy, Nhà báo độc lập, Hà Nội 235. Nguyễn Đăng Quang, Đại tá, nguyên Cán bộ Bộ Công an, Hà Nội 236. Nguyễn Quốc Thịnh, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. 237. Phạm Thị Ngân Hà, Kế toán, TP. Đà Nẵng 238. Phan Đức Quỳnh, TP Matsudo tỉnh Chiba, Nhật Bản. 239. Đào Đình Nguyên, Kỹ sư Cơ khí, Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương. 240. Vinh Anh, CCB, Trung Liệt, Hà Nội 241. Hoàng Châu, Cử nhân kinh tế, Tây Hồ Hà Nội. 242. Thích Ngộ Chánh, Tu sĩ, thế danh Nguyễn Đức Lão, Bảo Lộc, Lâm Đồng. 243. Yenbinh Tran, Công nhân viên, Sydney – Australia 244. Trần Văn Toàn, Nghề nghiệp tự do, phường Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội. 245. Chu Sơn, Làm thơ tự do, Thủ Đức – Sài Gòn. 246. Nguyễn Thị Kim Thoa, Bác sĩ, Thủ Đức – Sài Gòn. 247. Võ Thị Mình Thư, TP Qui Nhơn, Bình Định 248. Hoàng Thị Như Hoa, Bộ đội xuất ngũ, Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội. 249. Trần Quốc Thắng, Sydney Úc 250. Lý Thành Đạt, Hưu trí, TP HCM 251. Nguyễn Lê Thu Mỹ, Hưu trí, TP HCM 252. Võ Văn Thôn, nguyên GĐ sở Tư pháp TP HCM, TV CLB LHĐ. 253. Nguyễn Thu Hằng, Bác sĩ tại Pháp 254. Nguyễn Văn Linh, Phát triển cộng đồng, Thủy Nguyên, Hải Phòng 255. Mạc Hiền, Làm tự do, Tân Hiệp, Đồng Nai 256. Nguyễn Hồng Chuyên, Kỹ Sư, TP Biên Hoà, Đồng Nai 257. Vũ Ngọc Yên, Nhà báo, Stuttgart, CHLB Đức 258. Trương Anh Nhân, cựu Công an, Long Bình Tân, Biên Hoà, Đồng Nai 259. Doãn Mạnh Dũng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P 8, Q.3, Tp HCM 260. Phạm Quốc Trung, Giảng viên, Sài Gòn 261. Đặng Đăng Phước, Giáo viên, Đăk Lăk 262. Nguyễn Ngọc Sơn, Kỹ sư, Alabama, Hoa Kỳ 263. Phạm Mai Hiền, Hà Nội 264. Nguyễn Hồng Kiên, Nghiên cứu viên, Hà Nội 265. Trần Thái Hùng, Hà Nội 266. Nguyễn Trọng Cương, Khoa Công nghệ thông tin, Học viện Nông nghiệp Việt Nam 267. Nghiêm Sỹ Cường, Cử nhân kinh tế, Hà Nội 268. Hồ Vĩnh Trực, KTV vi tính, Sàigòn 269. Ý Nhi, Nhà thơ, Sài Gòn Đợt 2 270. Nguyễn Tuấn Đạt, Lập trình viên, TP HCM. 271. Nguyễn Ngọc Cẩn, kinh doanh, Bình Chánh, Tp HCM 272. Hoàng Bá Tùng, Cựu giáo chức, Sài gòn 273. Hoàng Thị Tùng Lâm. Hưu trí, Hà Nội. 274. Đỗ Đình Oai, Giáo viên, Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi 275. Lê Khánh Hùng, TS Công nghệ Thông tin, Hà nội 276. Lê Văn Dũng, Hà Nội 277. Đặng Huyền Trang, Chuyên viên dự án, Sicily, Italy 278. Võ Ngọc Ánh, Cựu PV Saigon Times Group, Hiện đang sinh sống tại Mỹ. 279. Tran Duc Don, USA 280. Nguyễn Thị Thu Huyền, UK 281. Nguyễn Ngọc Phú Tâm, Sinh viên, Bà Hom, Quận 6, TP.HCM 282. Vũ Thạch, Kỹ sư, Sài Gòn 283. Lê Thị Công Nhân, Luật gia, Hà Nội 284. Ngô Duy Quyền, Xuân Cẩm, Hiệp Hoà, Bắc Giang 285. Đinh Thị Quỳnh Như, Hưu trí, TP HCM 286. Vu Thi Nha, Hà Nội 287. Lê Kiên Cường, Nghệ sĩ âm nhạc, Hà Nội 288. Trần Đăng Quang, Làm việc tự do, Hà Nam 289. Doãn Minh Đăng, Kỹ sư, CHLB Đức 290. Bùi Hồng Mạnh, Cử nhân Hoá học, CCB79, Blogger, Biên khảo tự do. Thành phố Mu-ních, CHLB Đức 291. Phan Hà, Milpitas CA 95035 292. Lê Văn Kiên, Sinh viên tại Swansea, Anh Quốc 293. Diane Doan, Làm nghề tự do, Atlanta, Georgia Hoa Kỳ 294. Đỗ Hồng Quang, Kỹ sư máy bay, Toronto, Canada 295. Nguyen Nghia, Công Nhan, Milpitas, California. USA 296. Trần Ngọc Sơn, Kỹ sư, Pháp 297. Nguyễn Thanh Hằng, Dược sĩ, Pháp 298. Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Tài khoản Quốc gia tại Liên Hiêp Quốc 299. Nguyễn Xuân Châu, Y tá, USA 300. Tiết Hùng Thái, Dịch giả, Vũng Tàu 301. Tư Đồ Tuệ, Canada 302. Phạm Đình Bá, Nghiên cứu, Đại học Toronto, Ontario, Canada 303. Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thư ký Hội trí thức yêu nước TP.HCM 304. Trần Công Lý, nguyên CCB chiến trường K 1978 – 1984. P. Cửa Nam, Vinh 305. Trung Dũng Kqđ, Hoạ sỹ, Tp.HCM 306. Đinh Hữu Thoại, Linh mục, Quảng Nam 307. Phạm Hy Sơn, Nhà văn, Texas, Hoa Kỳ 308. André Menras- Hồ Cương Quyết, Nhà giáo Pháp-Việt, sống ở Pháp 309. Hoàng Ngọc Lĩnh, Hưu trí, Canada 310. Nguyễn Tiến Dũng, Thợ chụp ảnh, Tp Vinh – Nghệ An 311. Nguyễn Văn Trí, Nghệ an 312. Đinh Xuân Kỷ, Hà Nội 313. Nguyễn Văn Đức, Lao động tự do, Quân 12 Sài Gòn. 314. Tha Nhân, Văn nghệ sĩ độc lập, Orange County, Nam Califrnia, USA. 315. Huỳnh Thu Vân, Nhạc sĩ, Dĩ An, Bình Dương 316. Nguyễn Đức Quân, Thợ điện, huyện Bình Chánh 317. Vũ Đình Quyền, Hoàng Mai, HN 318. Hà Văn Thùy, Nhà văn, Sài Gòn 319. Trần Lê Thái, Nghề nghiệp Tự do, Pleiku, Gialai 320. Phùng Quốc Khánh, Kỹ sư, quận 9- HCM 321. Ngô Thị Thứ, Hưu trí, Sài Gòn 322. Nguyễn Phục Hưng, Kỹ sư điện, Tp. HCM 323. Nguyễn Văn Phong, Kĩ sư, Nhật Bản 324. Nguyễn Đắc Diên, Bác sĩ, Sài Gòn 325. Hồ Thị Bích Hợp, CHLB Đức 326. Nguyễn Hồng Anh, Th.S, TP.HCM 327. Phùng Thành Chủng, Nhà văn, Hà Nội 328. Phan Thanh Lâm, Hưu trí, nguyên Ủy viên thư ký kiêm chánh văn phòng UBND Q1 Tp HCM 329. Nguyễn Trần Hải, cựu Sĩ quan Hải Quân NDVN, Q. Lê Chân, Tp Hải Phòng 330. Lê Thanh Trường, Lao động tự do, TP Đà Nẵng. 331. Bùi Thu Trang, Nghề nghiệp Tự do, Hà Nội 332. Lê Đình Dũng, Nông dân, Quảng Nam 333. Cao Lập, Hưu trí, định cư California Hoa kỳ 334. Phạm Quốc Thăng, Lao động tự do, Sài Gòn 335. Nguyễn Thị Kim Hương, Nghề tự do, Thủ Dầu Một, Bình Dương, Việt Nam 336. Trần Đức Lưu, Nghề tự do, Thủ Dầu Một, Bình Dương, Việt Nam 337. Hoàng Xuân Cảnh, Đông Hà – Đông Hưng – Thái Bình 338. Lê Văn Thảo, Hưu trí, Hà nội Việt Nam 339. Mai Su, Công nhân, Houston, Texas 340. Vũ Đình Tiến, Sửa Điện tử, Nam Định. Việt Nam 341. Hoàng Đức Doanh, Hưu trí, Thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam 342. Nguyễn Tuyết Lan, Nha trang – Khánh Hòa 343. Phan Văn Tráng, Kỹ sư Xây Dựng, Hải Phòng 344. Lê Văn Lâm, Tân Lập, Phú Túc, Định Quán, Đồng Nai 345. Hùynh Khánh Long, Kinh doanh, Sài Gòn 346. Jimmy Dang, San Jose, California USA. 347. Nguyễn Thành Nga, Bs Y khoa, Thương binh 4/4, Thường trú tại BRVT 348. Nguyễn Lê Tuấn, Kiến trúc sư, Lausanne, Thụy Sĩ 349. Phạm Thị Phương, Giáo viên, TP.HCM 350. Nguyễn Xuân Nghĩa, TS, Nhà giáo, Sài Gòn 351. Phạm Văn Thành, cựu Tù nhân chính trị VN, Lưu vong tại Pháp 352. Đoàn Phú Hòa, Phiên dịch, tư vấn, Cộng Hòa Séc 353. Nguyễn Thu Giang, nguyên Phó giám đốc Sở Tư pháp Tp HCM, Sài Gòn 354. Thích Không Tánh, Hòa thượng Tăng đoàn GH. PGVNTN. 355. Trần Chí Hòa, Kỹ sư, Melbourne, Úc châu. 356. Trần Quốc Dũng, KS Phần mềm, Bà Hạt, Quận 10 TPHCM 357. Nguyễn Danh Lam, Nhà văn, Houston, Texas – Hoa Kỳ. 358. Trương Vấn, Nhà văn, Houston – Hoa Kỳ 359. Trần Minh Thảo, Viết văn, Bảo lộc, Lâm Đồng, (Thành viên CLB Phan Tây Hồ) 360. Phạm Lan Hương, Sài Gòn 361. Võ Huy Hoàng, Kinh doanh, P. Tân Phú, Quận 7 362. Pham Do Chi, Hoa Kỳ 363. Lư Văn Bảy, Nghề nghiệp tự do, cư ngụ tỉnh Kiên Giang, Việt nam 364. Lý Trực Sơn, Họa sĩ, Hà Nội 365. Vũ Thị Quỳnh, ĐHTH khóa 19 366. Phạm Xuân Hảo, USA 367. Trần Hùng Sơn, Nhân viên ngân hàng 368. Đỗ Trường Giang, Quảng Xương-Thanh Hoá 369. Lê Bửu Tùng, Làm thơ 370. Nguyễn Thị Bích Uyên, Người dân, Tp HCM 371. Đỗ Anh Tuấn, Công dân Việt Nam sinh sống tại Hà Nội 372. Nguyễn Văn Phượng, Thành phố Lai Châu tỉnh Lai Châu 373. Nguyễn Thanh Nguyện, Hưu Trí, TP. Vũng Tàu 374. Nguyễn Thu Hiền, Nội trợ, Thiên Lôi, Vĩnh Niệm, Ngô Quyền, Hải Phòng 375. Võ Duy Dinh, Nghề tự do, Sài Gòn 376. Trần Thị Ngọc Thủy, Công nhân, Sài Gòn 377. Trần Thị Uyên Uyên, Nghề nghiệp Tự do, Học Ngữ văn Đại học Tổng hợp 378. Nguyễn Huy, Kensington, Victoria, Australia 379. Hoàng Vũ, Công nhân, Windsor Lake Blvd Columbia Sc Usa 380. Nguyễn Xuân Hải, Hưu trí tại thành phố Hải Phòng 381. Lê Đình Phương, Bác sĩ, Sài Gòn 382. Trần Hoàn Vũ, Nhân viên kỹ thuật, Đồng Nai 383. Hà Hùng, Lập trình Viên, Sài Gòn 384. Nguyễn Quốc Việt, Làm tự do, Hà nội 385. Lê Quang Huy, cựu Giáo chức, Sài Gòn 386. Phạm Văn Hải, Buôn bán tự do, Linh Đàm, Hà Nội 387. Nguyễn Thanh Trúc, Doanh nhân, Hà Nội. 388. Nguyễn Thanh Loan, Nông dân, Di linh, Lâm Đồng 389. Trịnh Văn Toàn, Nông dân, Di linh, Lâm Đồng 390. Đỗ Thành Nhân, Tư vấn đầu tư, Quảng Ngãi 391. Trương Văn Xuân, Nhân viên, Nha trang, Khánh hòa 392. Nguyễn Thị Quỳnh Anh- pháp danh Phật tử: Hồng Diệu Nhẫn 393. Minh Cận, Công dân nước CHXHCNVN, thành phố Đà Nẵng 394. Đức Phạm, Kỹ sư Công chánh, Texas, Hoa Kỳ 395. Nguyễn Khắc Hân, Họa sĩ, Vancouver, Canada 396. Nguyễn Minh Đức, Kỹ sư điện, USA 397. Bùi Tuấn Dương, Lao động tự do. Quảng Khê, Đắk Glong, Đắk Nông 398. Nguyễn Hồng Phượng, Cử nhân phân tích, Hà Nội 399. Nguyễn Văn Nghệ, Phú Lộc Tây – Diên Khánh- Khánh Hòa 400. Mai Đình Sơn, Thanh Hóa 401. Nguyễn Đỗ, Nhà thơ, Dịch giả, USA 402. Mai Võ, Sài Gòn 403. Phạm Anh Tuấn, Dịch giả, sống tại Hà Nội 404. Phạm Văn Đạo, Kiến trúc sư, Thành phố Hồ Chí Minh 405. Phan Khắc Uyên Linh, Thu ngân, Berlin 406. Trần Đức Hiện, Hưu trí, Thống Nhất, Đồng Nai. 407. Lê Đình Hồng, Kế toán, hưu trí, B.C. Canada 408. Lê Xuân Diệu, Kinh doanh, Y- wang p. Eatam TP BMT daklak 409. Nguyễn Trung Đan, Kinh Doanh, Phú Nhuận – Sài Gòn 410. Đỗ Thái Bình, Kỹ sư đóng tàu, phó Chủ tịch Hội CN Tàu thủy VISIA, Phường Tân Phong, Quận 7 Thành phố Hồ Chí Minh 411. Đỗ Duy, Chuyên viên kỹ thuật, Chonburi, Thailand 412. Lục Minh Thanh, Cử nhân Luật, Bình Thạnh- Sài Gòn 413. Lâm Hải Đăng, Kinh doanh văn phòng phẩm, tỉnh Tây Ninh, 414. Huỳnh Phan Anh Sa, Sài Gòn 415. Lê Đức Thọ, Công dân Tại Quận 9, TPHCM 416.Trần Thị Như Ý, Phong An, Phong Điền, Thừa Thiên Huế 417. Nguyễn Văn Hải, Nông dân, Đaklak 418. Trần Tuấn Hiệp, Người dân Sài Gòn. 419. Phan Thái Bình, Kỹ sư điện, quận Tân Phú 420. Nguyễn Hồng Thanh, Hà Nội 421. Nguyễn Khánh Việt, Cán bộ hưu trí, Hà Nội. 422. Trần Tú Anh, Kỹ sư lâm nghiệp, thành phố Hồ Chí Minh 423. Trần Đĩnh, Nhà văn 424. Nguyễn Minh Thiện, Công chức nghỉ hưu, Dương Minh Châu, TP Tây Ninh 425. Nguyễn Tấn Thắng, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội 426. Trương Hồng Liêm, Toulouse, Pháp. 427. Trần Văn Hải, Kỹ sư, TPHCM 428. Nguyễn Đình Chí, Nhà thơ, Công tác tại MaiducphuongnamDegia Co.Ltd 429. Nguyễn Duyên Khuy, Hà Nội 430. Nguyễn Hồ, Kiến trúc sư, Luật sư, Sài Gòn 431. Nguyễn Thị Bé Duyên, Nhân viên văn phòng, TP HCM 432. Cao Thị Hải Hiền, Kế toán, Gò Vấp, Sài Gòn 433. Cao Thị Kim Tuyết, Phạm Thế Hiển, TP Đà Nẵng 434. Trần Phi, Kinh doanh tự do, Sài Gòn 435. Nguyễn Thắng, Nhân viên viễn thông TPHCM: 436. Trương Thị Minh Sâm, Nội trợ, Đồng Nai 437. Đinh Hồng Sơn, Ds ĐH (đã nghỉ hưu), Hoàng Mai HN 438. Ngô Đình Thẩm, Lao động Tự do, Gò Vấp, Sài Gòn 439. Ngô Văn Hiền, Kỹ sư, Sài Gòn 440. Trần Quang Thọ, Lao động tự do, Thành phố Ulsan, Hàn Quốc. 441. Võ Thị Hảo, Nhà văn, Berlin 442. Nguyễn Quang Tuyến, Nghệ thuật thị giác, San Francisco, USA 443. Trương Thế Minh, Công nhân, Seattle, Washington, Hoa Kỳ 444. Nguyễn Đăng Hưng, Giáo sư Danh dự Đại Học Liège, Bỉ, sống tại Sài Gòn 445. Nguyễn Hữu Tuyến, Kỹ sư hưu trí, Q10 TP Sài Gòn 446. Đào Minh Châu, Tư vấn Hành chính công & Chính sách công, Hà Nội 447. Phạm Nam Hải, Nông nghiệp, Nguyễn Hoàng Tôn – Hà Nội 448. Trần Thị Lệ Thuỷ, Truyền thông, Q.7/ Sài Gòn 449. Lê Nguyễn, KSXD, Huế 450. Trần Bá Khánh, KSXD, Long An 451. TS Lê Kim Song, Giảng viên Đại học Murdoch, Miền Tây nước Úc 452. Lê Trung Hiếu, TP Đà Nẵng – Việt Nam. 453. Lương Ngọc Tuấn, Nghề tự do, Bình Dương 454. Lê Hồng Thắng, Công nhân, thành phố Huế 455. Nguyễn Thị Hoàn, Công dân Việt Nam, Bruxelles, Belgium 456. Nguyễn Huy Hoàng, ở Sài Gòn 457. Thiếu Khanh, Nhà thơ, Dịch giả, Sài Gòn 458. Đặng Xuân Diệu, Kỹ sư tại Paris, Pháp 459. Trần Viết Tuyên, Kiến trúc sư, nghỉ hưu, Hamburg, CHLB Đức 460. Nguyên Huỳnh Mai, Hưu trí, Bỉ 461. Nguyễn Văn Chinh, Tu sĩ Công giáo, Hiện đang tu học tại Hoa Kỳ. 462. Peter Đăng, Nghề nghiệp tự do, Cư dân TP. Garden Grove California USA 463. Nguyễn Trường Gang, Công giáo, Công nhân, Thuận An – Bình Dương 464. Trần Thế Việt, nguyên Bí thư Thành ủy TP Đà Lạt, Lâm Đồng. 465. Cù Huy Hà Vũ, Tiến sĩ Luật, Hoa Kỳ 466. Nguyễn Thị Dương Hà, Luật sư, Hoa Kỳ 467. Nguyễn Công Trung, Kinh doanh tự do, TP Vũng Tàu 468. Phạm Thị Lê, Kỹ sư hoá học, Việt Nam. 469. Danh Đức Kiên, Nghề nghiệp tự do, Cầu Giấy Ba Đình Hà Nội 470. Phạm Công Nhiệm, Bác sĩ, Đống đa Hà nội 471. Lê Trúc Lâm, Kỹ sư hóa, Hải Phòng 472. Hoàng Cao Nhân, Kỹ sư làm việc tại HCM 473. Đặng Minh Tuấn, Kinh doanh, Bà Rịa Vũng Tàu 474. Vũ Bá Vương, Kĩ sư cơ khí, TPHCM 475. Vũ Văn Tri, Melbourne, Úc Châu 476. Nguyễn Thành Vũ, Công nhân viên, Việt Nam 477. Nguyễn Đình Tính, Công dân Việt Nam 478. Hoàng Anh Tuấn, TP. Ingolstdt – CHLB Đức 479. Nguyễn Tuấn Khanh, Nguyễn Huệ, p7, TP Mỹ Tho -TG 480. Đỗ Quang Tuyến, Kỹ sư, Seattle Washington, USA. 481. Trần Hữu Quang, PGS-TS xã hội học, Sài Gòn 482. Nguyễn Minh Khang, Nhân viên văn phòng, Tp. HCM 483. Đặng Thành Trung, Công dân Việt Nam, sống tại Sài Gòn 484. Nguyễn Hoàng Hưng, Kỹ sư xây dựng, Hà Nội 485. Trần Thị Mỹ Hạnh, Tư vấn tài chính, TPHCM 486. Vũ Thanh, Nhà báo nghỉ hưu, ở TP.HCM 487. Bùi Ngọc Anh, Giảng viên ĐH nghỉ hưu, ở TP.HCM 488. Trần Công Khánh, Hưu trí, Hải Phòng 489. Nguyễn Văn Thanh, Cử nhân Kinh tế, Sài Gòn 490. Nguyễn Văn Hùng, Kỹ sư cơ khí, Tỉnh Hưng Yên 491. Hoàng Văn Hùng, Kỹ sư, Nhà báo tự do, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội 492. Ngô Chí Bình, Kinh doanh, Nguyễn Đình Chiểu, P4 Q3, Sài gòn 493. Nguyễn Thị Trúc Vân, Nhân viên văn phòng, Sài Gòn 494. Vũ Đình Khôi, Thạc sỹ Luật, Sài Gòn 495. Võ Bình Nguyên, Dịch giả, Mỹ 496. Trần Văn Khiêm, Bộ đội về hưu, Nghệ An 497. Nghiêm Ngọc Nhi, Kinh doanh tự do, Bình Dương 498. Tạ Thị Diệu Kế, Kinh doanh cà phê, Vũng Tàu 499. Ninh Xuân Trường, Chuyên viên tin học, Đồng Nai 500. Nguyễn Trọng Chức, Nhà báo, Sài Gòn 501. Nguyen Phuc Thanh, Dịch giả, Sài Gòn 502. Phan Vũ Cường, nguyên Cán bộ Công an, Hà Nội Đợt 3 503. Thuan Tran, Stagneliusgatan 39D, lgh 1101, 39237 Kalmar, Sweden. 504. Bùi Mạnh Tiến, Lái xe, Hải Dương 505. Nguyễn Hồng Hải, Lao động tự do, Hà Nội. 506. Trần Hiếu Nghĩa, Kỹ sư, Sài Gòn 507. Tran Kim Thanh, Hưu trí, TP Hanoi 508. Pham Van Nam, CCB, TP Hanoi 509. Nguyễn Khoa Chiến, Nhà báo đã nghỉ hưu, TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre 510. Tran Minh Hieu, Cư ngụ tại Paris Pháp Quốc 511. Nguyễn THị Thanh Hà, Johnsonville, Wellington, New Zealand 512. Đoàn Khắc Xuyên, Nhà báo, Saigon 513. Lê Thị Thập vợ TNLT, Sài Gòn 514. Hoàng Quốc Hùng, Doanh nhân, Praha – Cộng hoà Séc 515. Nguyễn Mạnh Tiến, Tiến sĩ, Hà Nội 516. Tạ Hoàng Lân, TP Cheb, CH Séc 517. Trần Hoàn, Kỹ sư cơ khí, Đà Nẵng 518. Lê Văn Hòa, Luật sư, Đoàn LS Hà Nội, nguyên hàm Vụ trưởng Ban Nội chính TW, Hà Nội. 519. Phạm Tân Hưng, Cử nhân, Lao động tự do, Hà Nội 520. Lê Công Trí, Giáo viên đã nghỉ hưu 521. Phan Nguyên, Hoạ sĩ, Nhà giáo, Paris-Sài gòn 522. Nguyễn Thượng Long, Dậy học, viết báo, Hà Đông – Hà Nội. 523. Đặng Văn Tiến (Tien Dang), Kỹ thuật video điện ảnh, Sài gòn 524. Vicky Do, Nghệ sĩ tự do/ Curator Saigon, Vietnam 525. Trần Quang Tuyến, Kinh doanh, Cộng hòa Séc 526. Hoàng Anh Tuấn, Kỹ sư, San Jose, California 527. Đào Duy Đạt, TS Sử học, Viện Nghiên cứu Trung Quốc – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. 528. Vi Đức Hồi, cựu đảng viên Cộng sản Việt nam, cựu TNLT, Lạng Sơn 529. Long Nguyễn, Công dân Việt Nam sống tại Warszawa, Ba Lan 530. Võ Thị Hảo, Nhà văn, CHLB Đức 531. Trần Thiên Hương, Kỹ sư, CHLB Đức 532. Lê Lan, Thiết kế, Hà Nội 533. Hoàng Trường Sa, Kinh doanh, Sài Gòn 534. Andy Hứa, Công nhân viên, Sài Gòn 535. Hana Nakládalová, Kinh doanh cá thể, Olomouc Czech 536. Nguyễn Thượng Thành, Hà Nội 537. Lê Sỹ Bình, Vĩnh Lộc B, Bình Chánh, HCM 538. Huỳnh Quang Minh, CN Kinh tế, Quảng Nam 539. Nguyễn Tấn Hưng, Giáo lý viên, Tổng Giáo phận Saigon, Tân Bình, TPHCM 540. Nguyễn Quang Hòa, Nghệ sỹ xăm hình, Vinh, Nghệ An 541. Nguyễn Hải Gian, Hoạ sĩ tự do, Khu tập thể địa chất/khu I Đại phúc- Bắc Ninh 542. Nguyễn Đình Phúc, TP HCM 543. Đaminh Lê Thanh Trưởng, Linh mục giáo phận Xuân Lộc 544. Lê Mạnh Năm, Nghiên cứu viên, Hà Nội 545. Nguyễn Trinh Thi, Nghệ sĩ, Hà nội 546. Lê Trần Thị Hải Âu, thường trú tại Cộng hòa Liên bang Đức 547. Đỗ Thị Bắc Giang, Kế toán, Quận 1, Sài Gòn 548. Trịnh Ngọc Khánh, Kiến trúc sư, Sài Gòn 549. Vũ Đình Hưng, cựu Quân nhân chuyên nghiệp phục viên, Thanh Hoá 550. Lê Quang Hợp, Hưu trí, Q2, TP HCM 551. Nguyễn Đức Phương, Thừa Thiên Huế. 552. Phạm Ngọc Cường, Công dân, Neuburg- CHLB Đức 553. Đỗ Thị Kim Dung, Nam Định 554. Vũ Thế Cường, Hưu trí, CHLB Đức 555. Nguyễn Trí Dũng, Phiên dịch tự do, Hà Nội, Việt Nam 556. Nguyễn Giang An, Giáo viên tại TP. HCM 557. Hà Vũ Trọng, Dịch giả, Canada 558. Nguyễn Đình Vinh, Cử nhân, Sài Gòn 559. Trần Hạ Vi, Nhà thơ, Canada 560. Nguyễn Trọng Nghĩa, Thợ điện, Rennes, Pháp 561. Đinh Nam Thắng, Kĩ sư, sống tại Espana 562. Vĩnh Hảo, Nhà văn, cư ngụ tại Midway City, California, USA 563. Lê Khánh Luận, TS nguyên Giảng viên Trường ĐHKT, Tp.HCM 564. Bùi Quang Vơm, Kĩ sư, Parỉs, Pháp 565. Trần Thục Quyên, Nhân viên hỗ trợ nghiên cứu, San Diego, California, USA 566. Maria Trần Thị Hài, Hưu trí, Q2, Sài Gòn 567. Nguyễn Hoàng Văn, Doanh nhân tại Sài Gòn 568. Lưu Thắng, Công nhân, Hoa kì 569. Trần Hưng Thịnh, Kỹ sư đã nghỉ hưu, Đại kim, Hoàng Mai, Hà Nội 570. Võ Thành Nhân, 6329 Arlington Blvd. Unit B Falls Church, USA 571. Nguyễn Ngọc Thiên Hương, Dược sĩ, Tam Hiệp, Biên Hoà, Đồng Nai 572. Tony Bui, 5251 Gasmer, Houston, Texas 77086 USA 573. Trần Trung Hậu, Giảng viên, TP.HCM 574. Nguyễn Đức Tuấn, Biên tập & MC, Sài Gòn 575. Quynh Dao, Hoi vien An Xa Quoc Te Uc Chau 576. Trần Minh Triết, Kỹ sư cơ khí, Osaka, Japan 577. Phạm Tử Bình, Kinh doanh, Cộng hòa Áo 578. Huỳnh Thanh Nam, Viết tự do, Sài Gòn 579. Trần Duy Tân, Kỹ sư, New Zealand 580. Hồ Văn Tiến, Kỹ sư tin học, Geneva, Thụy Sĩ 581. Hoa Nguyễn, Nghệ sỹ, Melbourne, Australia 582. Văn Nguyễn, Nghệ sỹ, Melbourne, Australia 583. Đỗ Như Ly, Kỹ sư- Hưu trí- TV CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn 584. Nguyễn Thanh Thủy, hiện cư trú West Bay Ecopark 585. Hoàng Nhơn, Kinh doanh, Saigon 586. Thoa Nguyễn, Chăm sóc người cao niên, San Jose, USA 587. Tran Phong, Air-technik, Vienna, cộng hòa Áo 588. Lâm Minh Cảnh, 15 Leighton Crescent, Deer Park Vic, Australia 589. Phạm Anh Tuấn, Kỹ sư, Sydney, Úc châu 590. Phùng Thị Xuân, Phú Nhuận, Sài Gòn 591. Tường An, Nhà báo tự do (Paris, Pháp) 592. Lại Văn Phước, Nghệ nhân thư pháp, Pháp 593. Phạm Đức Nguyên, PGS. TS. Hà Nội 594. Phạm Lệ Thủy, Ba Vì, Hà Nội 595. Hùng Phạm, Hưu trí tại Canada 596. Nguyễn Công Hệ, Hưu trí, Bình Thạnh. 597. Hồ Sỹ Hải, Công dân CCB, Hà Nội 598. Trần Thi Kim Phụng, Tân bình, Sài Gòn 599. Đinh Ngọc Hưng, Hưu trí, Hà Nội Đợt 4 600. Vũ Đình Thi, Công nhân công ty cao su, Dầu Tiếng, Tây Ninh. 601. Đỗ Văn Bốn, Công nhân công ty cao su, Dầu Tiếng, Tây Ninh 602. Lê Văn Hai, Công nhân công ty cao su, Dầu Tiếng, Tây Ninh 603. Nguyễn Đình Ngọc, Công nhân công ty cao su, Dầu Tiếng, Tây Ninh 604. Trần Lê Tuấn Anh, Công nhân công ty cao su, Dầu Tiếng, Tây Ninh 605. Lò Thị Chín, Công nhân công ty cao su, Dầu Tiếng, Tây Ninh 606. Nguyễn Đình Bảy, Công nhân công ty cao su, Dầu Tiếng, Tây Ninh 607. Cù Huy Đức, Công nhân công ty cao su, Dầu Tiếng, Tây Ninh 608. Lê Văn Tòng, Công nhân công ty cao su, Dầu Tiếng, Tây Ninh 609. Ngô Sĩ Dũng, Công nhân công ty cao su, Dầu Tiếng, Tây Ninh 610. Trần Đình Duy, Công nhân công ty cao su, Dầu Tiếng, Tây Ninh 611. Trần Thanh Ngôn, Kỹ sư tin học, Berlin, Cộng Hòa Liên bang Đức 612. Chu Văn Keng, CCB Đoàn tàu không số E125 HQ, Be rlin, CHLB Đức 613. Dương Hải Đăng, Kỹ sự điện làm việc tại Phú Quốc, sống tại Sài gòn 614. Trương Thế Kỷ, Hưu trí, Korbinianplatz 4a, 80807 München, Germany 615. Trần Kim Ngọc, Nhạc sĩ 616. Kim Ngọc Cương, Chuyên viên chính về kinh tế, nghỉ hưu, Đống Đa – Hà Nội. 617. Nguyễn Hùng Cường, Sinh sống tại cộng hòa Áo 618. Oanh Nguyen, Bác sĩ, 3340 Tyrone Blvd. St.Petersburg.Fl.33710 619. Nguyễn Minh Tấn, Luật sư, sống tại thành phố Hồ Chí Minh 620. Nguyễn Đình Cống, GS. ĐHXD. Hà Nội 621. Trịnh Xuân Sang, Ngọc Hòa Chương Mỹ HN 622. Nguyên Văn Vỵ, Giáo viên về hưu, Hà Nội 623. Lê Văn Oanh, Kỹ sư xây dựng, Hà Nội 624. Nguyễn Thị Hiền, Hưu trí, CHLB Đức 625. Nguyễn Nghiêm, Cựu chiến binh, hưu trí, Phú Nhuận, TP HCM 626. Lưu Văn Vượng, Cố vấn giáo dục, Thành phố Stavanger, Nauy 627. Lưu Vân Khương, Kỹ sư, Italia 628. Nguyễn Quỳnh, Dân oan Vĩnh Phúc 629. Đỗ Tuyết Khanh, Thông dịch viên, Thuỵ Sĩ 630. Nguyễn Minh Đức, Nhà báo lâu năm, Cô Giang, Q.1, Việt Nam 631. Đoàn Xuân Nguyên, Tiến sĩ Kinh Tế, Đại học Metropolitan, Missouri, Hoa Kỳ 632. Nguyễn Lê Nghĩa, Lập trình viên, Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 633. Natali Nguyen, Borås, Thụy Điển 634. Phạm Văn Chính, Luân Đôn, Anh Quốc 635. Nguyễn Thành Hà, Thợ đụng, 6040 Hermitage Dr. Pensacola. FL 32504, USA 636. Trần Trung Sơn, TS nguyên Giảng viên Trường SQKQ, Nha Trang đã nghỉ hưu 637. Nguyễn Trọng Hoàng, TS Vật lý, TP Frankfurt am Main, CHLB Đức 638. Lương Ngọc Châu, Hưu trí, TP Mainz, Đức Quốc 639. Trần Thiện Kế, Dược sĩ, Hà Nội 640. Phạm Văn Chung, Thạc sĩ tài chính ngân hàng. Hà Nội 641. Tô Thúy Ái, Nhà văn tự do, sống tại Sydney,Australia 642. Phạm Mạnh Tiến, Kỹ sư, Nghệ An, Công dân Việt Nam 643. Võ Văn Đức, Nhạc sĩ, Tp.HCM 644. J.B Nguyễn Hữu Vinh, Nhà báo tự do. Hà Nội, Việt Nam 645. Lê Mai Đậu, Kỹ sư, Hưu trí, Hà Nội. 646. Nguyễn Duy Hiền, Công an hưu trí, Q3, Sài Gòn 647. Nguyễn Cảnh Hiền, Lao động tự do, Q9, TPHCM 648. Vũ Thị Thu Dung, Luật sư, Q1, Sài Gòn 649. Ngô Đình Luân, Công nhân may, Q7, Sài Gòn 650. Trần Văn Tày, nhạc sỹ, Bình Dương 651. Cố Thị Mẫn, Thạc sỹ kinh tế, Đồng Nai 652. Tôn Nữ Ngọc Dung, Luật gia, Đồng Nai 653. Giáp Văn Chính, Chuyên viên tài chính, Tân Bình, Sài Gòn 654. Nguyễn Nho, Chuyên viên tài chính, Tân Bình, Sài Gòn 655. Nguyễn Vũ Linh, Chuyên viên tài chính, Tân Bình, Sài Gòn Đợt 5 656. Trần Hải Hạc, nhà giáo về hưu, Paris, Pháp 657. Lê Hoàng Hà Nội, Nội Trợ, Georgia, U.S.A 658. Thu Dương, Thông dịch viên tại Sở di trú Munich, CHLD Đức. 659. Huỳnh Hậu, Nghề Tự Do, sống tại Houston, TX, USA 660. Lê Hải Nam, Thạc sĩ, giáo viên tiếng Anh, Sài Gòn 661. Huỳnh Thanh Long, Giáo viên Trường THPT Marie Curie TP HCM 662. Bùi Việt Dũng, Kỹ sư, Sài Gòn 663. Trần Mai Phương, Doanh nghiệp, Tp Vancouver, bang British Columbia – BC. Canada 664. Đoàn Thuận, Nhà giáo, Nhà thơ, tp. HCM 665. Lê Trung Thu, Lao động tự do, Hồ Chí Minh 666. Nga Vu, Y tá phụ, sống tại Melbourne Úc Châu 667. Mai Đức Hòa, Cử nhân Hóa Học-ĐHQG Hà Nội, cư trú Hà Nội 668. Uông Đắc Đạo, Cử Nhân Luật, hưu trí, Hoa Kỳ 669. Phùng Thị Thanh Hà, Nghề tự do, Thành phố Hồ Chí Minh 670. Nguyễn Thị Yến, Nội trợ, Sinh sống tại Sài Gòn 671. Nguyễn Anh Quân, Công nhân, Hòa Bình 672. Nguyễn Bích Lan, Dịch giả, Hà Nội 673. Trần Văn Thuận, Kỹ sư cơ khí, Karolingerstr.32, 82205 Gilching 674. Nguyễn Ba, Thiếu tá quân đội về hưu, Sơn Trà, Đà Nẵng 675. Lê Xuân Thiêm, Hưu trí, Sài Gòn 676. Việt Khang, Nhạc sĩ, Hoa Kỳ 677. Trần Văn Thành, Kỹ sư CNTT, Paris – Nước Cộng Hòa Pháp 678. Đoàn Huyền, Viết báo, Dịch thuật, Hà Nội. 679. Lê Hải Lý, Kỹ sư, Chuyên gia kiểm toán, CHLB Đức 680. Hoàng Cường, Kỹ sư giao thông, Ba đình – Hà nội 681. Thế Dũng, Nhà Văn, Nhà Thơ, CHLB Đức 682. Nguyễn Thị Ái Vân, Nghệ sĩ, Hoa Kỳ 683. Trịnh Thanh Hùng, Kinh doanh, Cư trú tại TPHCM Đợt 6 684. Vũ Đình Bon, TS, Kỹ sư Công chánh, Hoa Kỳ 685. Trần Văn Tấn, Kỹ sư, Berlin, CHLB Đức 686. Trương Chí Tâm, CCB chiến trường Campuchia, Cử nhân y khoa, TPHCM 687. Lê công Giàu, Phong trào HSSV Saigon. Hưu trí, sống tại TP HCM 688. Dr. Trần Anh Chương, 14322 Bensworth Way, Glenelg MD21737, USA 689. Hoàng Minh Xuân, Làm báo, Sài Gòn 690. Trương Minh Thủy, Người lao động, P. Phú trung, Q Tân phú, TP Hồ Chí Minh 691. Phạm Việt Cường, Phiên dịch, Hà Nội 692. Nguyễn Thị Mỹ Hà, Giáo viên, Hà Nội 693. Huỳnh Văn Thanh, Người dân Sài Gòn 694. Trương Đại Nghĩa, Cựu QNQLVNCH, California, USA. 695. Thomas Phạm, Hưu trí, USA 696. Nguyễn Đắc Thắng, Kỹ sư hóa học, Thụy Sỹ 697. Nguyễn Thiện Công, Kỹ sư Cơ khí tại MercedesBenz, hưu trí, CLB Đức 698. Nguyễn Xuân Dũng, Sinh viên triết học, Saigon 699. Mailan Luong, Quản trị khách sạn, Cộng hoà Áo 700. Nguyễn Lê Tiến, Tiến sĩ kỹ thuật, Dr Ing, Cupertino, California, Hoa Kỳ 701. Phùng Chí Kiên, Designer, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. 702. Hoàng Linh, Nhà báo, Hà Nội 703. Đào Thu Huệ, Giảng viên ở HN 704. Chu Bá Sinh, Melbourne, Úc châu 705. Phạm Thanh Nghiên, cựu TNLT, Sài Gòn 706. Huỳnh Anh Tú, cựu TNLT, Sài Gòn 707. Phạm Hồng, Facebooker, Pháp 708. Thái Văn Dung, cựu TNLT, Nghệ An, Việt Nam 709. Hoa Mai Nguyen, Làm báo tự do, cư trú tại TP. Hamburg CHLB Đức 710. Trần Bá Khánh, Kỹ sư XD, Long An 711. Hồ Lưu Thiện, Công dân Việt Nam, Bình Định 712. Nguyễn Phước Long, Hưu trí, TP HCM 713. Phạm Văn Thành, 3025 Alphonse de Lamartine, Laval, Quebec, Canada 714. Trần Văn Hoàng, Retired database consultant, Toronto, Canada 715. Nguyễn Đức Anh, Kỹ Sư, Sài Gòn, VN 716. Nguyễn Tuấn Kiệt, Kỹ sư xây dựng, sinh sống Đồng Nai 717. Trần Thị Mỹ Ngọc, Giáo viên mầm non, Q6, TPHCM 718. Bùi Trọng Thắng, Chuyên viên IT, Q. Tân Bình, Sài Gòn 719. Nguyễn Ngọc Kính, Làm việc tự do, Hoa Kỳ 720. Ngô Tiến Danh, Cán bộ hưu trí, Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu 721. Lê Thanh Hiệp, Nhà báo, sinh sống tại Pháp 722. Trần Duy Anh Khôi, Q3, TPHCM Đợt 7 723. Tô Thị Ánh Tình, Nghề tự do, Đà Nẵng 724. Andy Nguyen, Hưu trí, Vancouver, Canada 725. Phí Mạnh Hồng, PGS, TS Kinh tế, Hà Nội 726. Tonthat Hùng, Kỹ sư, California, Hoa Kỳ 727. Phạm Doanh, Kỹ sư phần mềm (về hưu), Texas, USA 728. Trần Quang Ngọc, Kỹ sư về hưu, Stuttgart, CHLB Đức 729. Trần Duy Bình, Bán hàng, Thành phố Đà Nẵng 730. Dương Văn Minh, Kỹ sư hưu trí, Hà Nội 731. Raymont Lee Tran, Nhà báo, Abington Massachussets 732. Lưu Văn Quang, Lao động, Sài Gòn 733. Trần Trí Dũng, Kỹ sư, Hà Nội 734. Huỳnh Tấn Mẫm, Bác sĩ, nguyên Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viện Sài Gòn trước 1975, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên, hiện là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM 735. Nguyễn Thanh Hạnh, Cán bộ về hưu, hiện sinh sống ở Hà Nội 736. Nguyễn Thế Thanh, Kỹ sư điện toán, CHLB Đức 737. Nguyễn Đức Nhuận, Nhà giáo, nhà nghiên cứu về hưu, CNRS/Université Paris 738. Nguyễn Hải Sơn, Công nhân, CHLB Đức 739. Nguyễn Hùng, Kỹ sư tin học, Melbourne, Úc châu 740. Nguyễn Hồng Ngọc, Công dân tại Thái Bình 741. Trang Nguyên, Kế toán, Boston, Massachusetts, USA 742. Nguyễn Gi Lăng, Kỹ sư, Hungary 743. Nguyễn Quốc Thắng, California, USA 744. Nguyễn Hoài, Kỹ sư – giáo viên, Việt Nam 745. Nguyễn Mạnh Dương, Chung cư xanh, Hồng Hà, Hạ Long, Quảng Ninh 746. Trần Ngọc Thành, TP Viena, Cộng Hòa Áo, 747. Nguyễn Phú Xuân, Giáo sư hưu trí, Angers, Pháp 748. Trương Quang Khanh, Kỹ sư điện, SG 749. Tuấn Khanh, Nhạc sĩ, blogger tại Saigon 750. Nguyễn Thị Huế, Kỹ sư kinh tế xây dựng, Hà Nội 751. Nguyễn Ngọc Út, Dược sỹ, TP Hồ Chí Minh 752. Cao Thế Phong, Kỹ sư, đang sống tại Hà Nội, Việt Nam 753. Lê Phước Long, Kinh doanh, Quảng Trị, Việt Nam 754. Nguyễn Vũ Bình, Nhà báo, đang sinh sống tại Hà Nội 755. Jessie Dinh, Saskatoon, Canada 756. Lê Thị Hạnh, Bác sĩ bệnh viện nhi đồng 2, TP HCM 757. Phan Quang Cương, Cán bộ hưu trí, TP HCM 758. Phan Quang Trung, Tiểu thương, TP HCM 759. Lê Trung Thông, kỹ sư, Sài Gòn 760. Nghê Lữ, Phóng viên, CLB Truyền thông báo chí Bắc Cali 761. Huỳnh Quốc Thắng, Giáo viên tiếng Anh, Khánh Hòa 762. Nguyễn Đăng Quang, Kỹ sư điện tử, hiện đang sinh sống tại Hà Nội 763. Nguyễn Tam Thanh, Cử nhân, Hà Nội 764. Nguyễn Tiến Tài, Nhà giáo hưu trí tại Hà Nội 765. Nguyễn Hồng Tiến, Kỹ Sư, TP Hồ Chí Minh 766. Liên Huỳnh, Nội trợ, Texas USA 767. Trịnh Lê Hữu Đức, Kỹ sư về hưu, Montréal, QC, Canada 768. Trần Kim Liên, Nhân viên văn phòng, TP HCM 769. Nguyễn Hạnh Toàn, Kinh doanh tự do, Bà Rịa Vũng Tàu 770. Phạm Quang Tuấn, Quản lý dự án – Lập trình viên, Gò Dầu – Tân Phú – TP HCM 771. Bùi Thị Minh Trâm, Nội trợ, Gò Vấp, Sài Gòn 772. Gấu Le petit, Công dân Viet Nam 773. Thích Vĩnh Phước, Tăng đoàn GHPGVNTN, trú trì chùa Phước Bửu, ấp Thạnh Sơn 1A, Phước Thuận, Xuyên Mộc, BRVT 774. Tri Ngọc Nguyễn, Business Owner, Garden Grove, California – USA 775. Lê Văn Cát, Hưu Trí, CHLB Đức 776. Nguyễn Kim Bình, TS Y Khoa, Úc Châu 777. Phạm Hải Hồ, TS, dịch giả, cư trú tại CHLB Đức 778. Tống Văn Công, Nhà báo, đang ở Hoa Kỳ 779. Mai Hiền, Nhà báo, đang ở Hoa Kỳ 780. Huỳnh Quang, Computer programmer, Houston, Texas, Hoa Kỳ 781. Lê Quang Trung, Nhân viên an ninh, Thám tử tư, Melbourne, Úc châu 782. Lê Anh Dũng, Lao động tự do, Hải Phòng 783. Mai Văn Tuất (Văn Ngọc Trà), đang sống tại California, Hoa Kỳ. 784. Vũ Hạ Bạch Nga, Chuyên viên kiểm toán, sinh sống tại Q1, TPHCM 785. Trần Văn Bậu, Lái xe buýt, Q6, TPHCM 786. Lê Danh, Kỹ sư CNTT, sinh sống tại Úc 787. Nguyễn Công Ánh, CCB, Biên Hòa, Đồng Nai 788. Đặng Quan Tôn, Tài xế, Bình Chánh, TPHCM 789. Lô Bích Huệ, Kế toán, sinh sống tại Nhật 790. Lô Bích Nhi, nội trợ, sinh sống tại Nhật 791. Trần Minh Nghĩa, Kỹ sư hóa học, sinh sống tại Lusiana, Mỹ 792. Võ Thị Lán, Công nhân may, KCN Tân Phú Trung, Củ Chi, TPHCM 793. Nguyễn Văn Chiên, Công nhân may, KCN Tân Phú Trung, Củ Chi, TPHCM 794. Tạ Thị Nuôi, Công nhân may, KCN Tân Phú Trung, Củ Chi, TPHCM 795. Võ Quốc Đại Nhân, Công nhân may, KCN Tân Phú Trung, Củ Chi, TPHCM 796. Phan Khắc Cường, Nhà báo, sinh sống Sài Gòn 797. Lê Ngọc Nhựt, Buôn bán trái cây, Q1, TPHCM 798. Phan Chí Sĩ, Kinh doanh nhà hàng, Bình Dương 799. Nguyễn Thị Bạch Dương, Chuyên viên tài chính, Tân Bình, TPHCM 800. Nghiêm Ngọc Loan, Chuyên viên tài chính, Tân Bình, TPHCM 801. Trần Thị Dịu Linh, Chuyên viên tài chính, Tân Bình, TPHCM  
......

Đảng lên kế hoạch tác chiến hoàn hảo để tiêu diệt kẻ thù

Đỗ Ngà|   “Cuộc chiến của chúng ta kỳ này rất quan trọng. Đây là kế hoạch tác chiến thật với quân địch thật chứ không phải chỉ giả định kẻ thù ảo như trong các đợt tập trận trước đây. Chính vì thế, tôi báo cáo với các đồng chí là lần này chúng ta đã tập hợp hỏa lực mạnh nhất có thể. Sau cú đánh này, chúng ta sẽ được vinh danh là “anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Xin báo cáo với các đồng chí, về thiết bị quân sự chúng ta có xe phá sóng để cắt đứt liên lạc quân địch, vũ khí âm thanh LRAD để phá hủy màng nhĩ quân địch, xe bọc thép 2000 MK3 có súng 12,7 ly có thể nã đạn vào quân địch nếu chúng ngoan cố chống cự. Ngoài ra mỗi chiến sỹ chúng ta còn được trang bị áo giáp, khiên, dùi cui, lựu đạn hơi cay, súng bắn đạn cao su và súng bắn đạn thật đầy đủ. Mục đích là để các đồng chí có thể tấn công triệt hạ bất kỳ tên địch nào muốn chạy trốn. Để đảm bảo khi chúng ta đánh quân địch không kịp trở tay, thì tôi xin trình bày chiến thuật này để các đồng chí rõ. Xin báo cáo với các đồng chí, trong cuộc tiến công sắp tới, tôi cùng một số đồng chí trong bộ tổng tham mưu đã quyết định áp dụng phương pháp đánh vào lúc quân địch bất ngờ nhất, và từ đó chúng ta sẽ dành chiến thắng vẻ vang. Như các đồng chí biết, đêm 30 tết Mậu Thân năm 1968, chúng ta cũng từng đánh úp quân giặc vào lúc bọn chúng không thể phòng bị thì hôm nay cũng vậy, chúng ta cũng chọn thời điểm đêm khuya để tấn công chúng.” Thủ trưởng chiến dịch đang thao thao bất tuyệt thì bên dưới một thuộc hạ giơ tay có ý kiến. Tên thủ trưởng liền đưa tay về phía trước và nói “Mời đồng chí!”. Sau khi được cho phát biểu thì anh thuộc hạ này liền hỏi rằng “Xin đồng chí cho biết, kế hoạch tác chiến của chúng ta kỳ này là tấn công vào lực lượng của cường quốc nào ạ? Xin thủ trưởng cho biết để em còn nhờ người nhà cầu nguyện cho em ạ!”. Vừa nghe xong thì tay thủ trưởng này phảy tay trấn an “Đồng chí đừng lo! Quân địch của ta kỳ này không phải là lực lượng quân đội của cường quốc nào cả mà là dân Đồng Tâm. Với vũ trí được trang bị tận răng, và kế hoạch tác chiến hoàn hảo như thế này thì tôi tin, chỉ có chúng ta hạ địch chứ địch không có khả năng làm trầy da của đồng chí đâu, đồng chí an tâm!”. Sau cuộc chiến, 1 người dân bị chết và 3 người lính bị giết (Báo Viettnamnet. Còn theo dân Đồng Tâm thỉ chẳng có công an nào chết cả), còn bọn quan chức chủ mưu cho hành động ăn cướp này vẫn bình an vô sự. Những người lính này chắc chắn bị nhân dân nguyền rủa suốt đời vì hành động xông vào nhà dân cướp đất. Còn người nông dân kia, dù cho chính quyền khốn nạn quy cho họ là kẻ “chống đối” nhưng rõ ràng với nhân dân, người này là anh hùng. Khi bị cướp, chống đối là nhiệm vụ. Vâng! Đấy là một mẩu chuyện dựa trên những gì đã diễn ra ở xã Đồng Tâm về những chiến công thời nay của “Quân Đội Nhân dân Việt Nam”. Một thứ quân đội làm công cụ phục vụ cho đảng và từ đó nó được dùng để làm công cụ cướp đất dân. Không biết những người cầm súng kia họ nghĩ gì khi họ vâng lệnh bọn quan chức để chĩa súng vào đầu dân cướp đất cho những bọn quan tham bên trên không nhỉ? Tôi không cho rằng tất cả những người lính cầm súng kia điều vô lương như những gì họ đang làm. Các bạn trẻ, hãy nhận ra rằng, hành động của các bạn đang làm với nhân dân Đồng Tâm là vết nhơ không thể gột rửa. Đất đai, quyền lợi lớn từ vụ cướp chỉ có bọn quan chức trên cao hưởng, còn những hình ảnh đánh dân của bạn thì đã được lưu trên Google để muôn đời các bạn bị nhân dân nguyền rủa. Không biết những người lính nghĩ sao khi chính mình phải trung thành với loại chính quyền như thế này nhỉ?    
......

Kẻ Sỹ Nam Kỳ & Ván Bài Lật Ngửa

Sĩ khí rụt rè, gà phải cáo. Văn trường liều lĩnh, đấm ăn xôi. Trần Tế Xương   Tưởng Năng Tiến| Tác giả của bộ phim Ván Bài Lật Ngửa, ông Trần Bạch Đằng (Bí Thư Thành Ủy Sài Gòn) qua đời vào năm 2007. Tuy thế, hơn 10 năm sau nhiều vị trí thức ở Thành Phố Hồ Chí Minh Quang Vinh vẫn tụ tập nhau lại để vinh danh ông là Kẻ Sĩ Nam Bộ bằng một tác phẩm cùng tên – dầy đến 400 trang. Báo Lao Động cho biết thêm chi tiết: “Nhóm chủ biên đã nhận được sự cộng tác của hơn 50 người từng có thời gian gắn bó với ông Trần Bạch Đằng để hình thành nên cuốn sách này.” Thiệt là tình nghĩa và trang trọng hết biết luôn. Chỉ có điều đáng tiếc là công trình trước tác đồ sộ này không có người mua, và cũng không được bao cấp (như Tuyển Tập Nông Đức Mạnh hay Tuyển Tập Nguyễn Phú Trọng) nên “các tác giả có bài viết trong tác phẩm sẽ được trả nhuận bút bằng sách ” –  theo như nguyên văn lời tâm sự của T.S Quách Thu Nguyệt (thành viên của ban biên tâp) trên báo Phụ Nữ, đọc được vào hôm 22 tháng 7 vừa qua. Thiệt là một “tâm sự” não lòng. Ấy thế mà vẫn còn có chuyện não nề hơn, cũng liên quan đến Trần Bạch Đằng và một “kẻ sĩ” khác (cùng gốc gác Nam Kỳ) theo lời kể của nhà báo Lê Đức Dục:   Năm 1997, trên báo Tuổi Trẻ Chủ nhật (nay là Tuổi Trẻ cuối tuần) có đăng bài báo của ông Trần Bạch Đằng (Tư Ánh), có tựa “Kẻ sĩ Gia Định”. Tôi nhớ mãi bài báo ấy vì ông Trần Bạch Đằng có kể câu chuyện về một kẻ sĩ của Sài Gòn bấy giờ là cụ Lưu Văn Lang – kỹ sư bản xứ đầu tiên của người Việt (các bạn cứ “gúc” Lưu Văn Lang thì biết cụ Lang tầm cỡ như thế nào với miền Nam thuở trước). Ông Tư Ánh kể năm 1967, nghe tin cụ Lang mệt nặng, khu ủy Sài Gòn cử ông Đặng Xuân Phong (sau này là thượng tá – đã mất) đến thăm vào báo cáo tình hình kháng chiến với cụ Lưu Văn Lang và xin ý kiến của cụ về thời cuộc. Vì hoạt động bí mật, gặp từ khuya, xong còn tìm đường lên cứ, nên anh Phong kể xong hỏi cụ chỉ giáo gì không, nghe xong cụ nói “Mấy anh làm tốt rồi, nhưng coi chừng Trung Cộng”. Thế là dù đã đến giờ giao liên đón, nhưng anh Phong vẫn ngồi lại giải thích cho cụ là TQ đang giúp cho cuộc chiến chúng ta này nọ, viện trợ này kia, bla bla… Mong cụ Lang hiểu được tình hình hữu nghị, vì biết tiếng nói của một trí thức lớn như cụ ảnh hưởng rất lớn đến phong trào… Và sau một hồi giải thích, người giao liên phát tín hiệu phải lên đường, không thể muộn hơn, anh Phong nghĩ chắc cụ Lang đã “thấm nhuần” nên chào từ biệt cụ. Bước ra tới cửa, anh quay lui bên cụ lễ phép: Dạ cụ chỉ giáo gì thêm không ạ. Cụ Lang chỉ buông đúng cái câu lúc nãy: “Coi chừng Trung Cộng”! Anh cán bộ Phong, chắc nói theo kiểu chừ là bó tay, nhưng ông Trần Bạch Đằng cực kỳ đắc ý với chi tiết này và cảm khái: Kẻ sĩ Gia Định là như thế đó! Lưu Văn Lang, Kẻ Sỹ Gia Định. Ảnh: Tuyên Giáo An Giang Tôi thiệt không hiểu rõ “như thế đó” là “như làm sao” nên làm theo lời khuyên của tác giả Lê Đức Dục (“các bạn cứ ‘gúc’ Lưu Văn Lang thì biết cụ Lang tầm cỡ như thế nào với miền Nam thuở trước”) và biết thêm được ba điều bốn chuyện, cũng hơi thú vị:      Lưu Văn Lang (1880– 1969) là kỹ sư người bản xứ đầu tiên của Việt Nam và toàn cõi Đông Dương. Ông là một nhà trí thức yêu nước nổi tiếng ở miền Nam nửa đầu thế kỷ 20…Sau khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương ngày 9 tháng 3 năm 1945, ông được vua Bảo Đại mời ra tham gia nội các Trần Trọng Kim để giữ chức bộ trưởng Công Chánh, ông đã từ chối để thể hiện sự bất hợp tác với chính quyền mà ông cho là chỉ là một công cụ của người Nhật… Sau Hiệp định Genève năm 1954, ông tham gia sáng lập phong trào Hòa Bình đòi thì hành Hiệp định, tổng tuyển cử thống nhất đất nước, được cử làm chủ tịch danh dự. Tháng 11 năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đã bắt giam ông cùng một số trí thức lãnh đạo phong trào. Một thời gian ngắn sau đó, chính quyền phải trả tự do cho ông vì áp lực của dân chúng và thiếu bằng chứng buộc tội… Tháng 7 năm 1955, một lần nữa ông cùng Phong trào Hòa bình kêu gọi thi hành tổng tuyển cử. Phong trào bị đàn áp mãnh liệt, nhiều trí thức bị bắt giam, giáo sư Nguyễn Thị Diệu bị ám sát dã man, Phong trào bị chính quyền giải tán. Kỹ sư Lưu Văn Lang tuy không bị bắt giam, nhưng bị chính quyền quản thúc chặt chẽ cho đến tận năm 1958. Thời gian sau đó cho đến tận cuối đời, tuy không trực tiếp tham gia các hoạt động chính trị nữa, nhưng kỹ sư Lưu Văn Lang vẫn có những liên hệ bí mật với Ban Trí vận Trung ương Cục miền Nam và thường xuyên phổ biến các văn kiện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng ngay giữa Sài Gòn… Té ra ông kỹ sư là một cán bộ cộng sản nằm vùng nên tuy suốt đời người sống ở miền Nam nhưng luôn hướng vọng về một ông “Bác Kính Yêu,” ở tuốt luốt bên kia vỹ tuyến: “Bác tự nguyện nhận mình chỉ nêu ra được có tác phong, còn tư tưởng, lý luận thì để cho Mao Chủ tịch. Được lãnh tụ ráo riết giáo dục, (điều lệ thêm câu ‘lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam’, điện đảng gửi Đảng Cộng sản Trung Quốc viết Đảng Lao động Việt Nam nguyện học tập Đảng Cộng Sản Trung Quốc, học tập tư tưởng Mao Trạch Đông, tư tưởng lãnh đạo nhân dân Trung Quốc và các dân tộc Á Đông v.v… Từ 1951, tuần nào báo Nhân Dân cũng có vài mẩu của CB (tức Cụ Hồ) phổ biến kinh nghiệm mọi mặt của Trung Quốc… dần dà đảng viên cộng sản Việt Nam lại tìm ra chỗ để tự hào: được làm em của hai nước vĩ đại, Liên Xô anh cả, Trung Quốc anh hai. (Trần Đĩnh. Đèn Cù I. Westminster, CA: Người Việt, 2014). Lưu Văn Lang cương quyết theo bác Hồ. Bác lại “nguyện học tập Đảng Cộng Sản Trung Quốc” rồi “lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam,” và chưa bao giờ dấu giếm bất cứ ai về ý nguyện của mình. Bác chơi bài ngửa mà. Chú Tố Hữu cũng đã lớn tiếng xác định thay cho Bác:  Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt! Thế mà đến lúc lâm chung ông kỹ sư miền Nam lại trăn trối lại rằng: “Coi chừng Trung Cộng.” Thế nà thế lào? Suốt đời Lưu Văn Lang và Trần Bạch Đằng đều quyết tâm đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào để dọn đường cho Tầu vào đất Việt. Đến khi “nhiệm vụ hoàn thành một cách vẻ vang” rồi thì ông này lại vô cùng “cực kỳ đắc ý” và  “cảm khái” về sự “đốn ngộ” của ông kia, vào phút lâm chung: “Coi chừng Trung Cộng.” Sao lại ra nông nỗi thế, hả Trời! Đến ngay cả một người ngoại quốc (Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, Mark Esper) vừa chân ướt chân ráo đến VN mà còn biết chuyện Hai Bà Trưng chống quân Đông Hán từ vài ngàn năm trước, vậy mà hai “kẻ sỹ” của đất Nam Kỳ mãi cho đến cuối đời mới ngộ ra cái chuyện phải … “coi chừng Trung Cộng.” Tui thiệt đến là bó tay.com luôn với cả hai cha. Cỡ thường dân Nam Bộ (như tui) cũng không đến nỗi ngu kỹ và ngu lâu tới vậy! Tưởng Năng Tiến 1/2020
......

Ba đoạn văn xưa, gửi người hôm nay.

“…Dù bị hủy diệt, nhưng nền giáo dục đó cứ như những tiếng chuông an ủi, cứ vang lên vào lúc xã hội Việt Nam suy đồi văn hóa, giáo dục hỗn loạn. Cũng may, người Việt chúng ta cũng còn một chỗ để vịn vào và đứng dậy, dẫu đó là tro tàn…’ Nhạc sĩ Tuấn Khanh - Tuấn Khanh's Blog| Chỉ còn vài tháng nữa, là đến ngày tưởng niệm 45 năm nền giáo dục của miền Nam Việt Nam – Việt Nam Cộng Hòa bị xóa sổ. Một nền giáo dục được kỳ công xây dựng với ba tiêu chí Nhân Bản – Dân Tộc – Khai Phóng. Nghe thì đơn giản nhưng nền giáo dục ấy kỳ công bởi gột rửa con người khỏi các âm mưu tuyên truyền chính trị, dạy để biết yêu thương người cùng màu da tiếng nói, dạy để biết lý trí của lẽ phải và vươn lên, chứ không nô lệ cho một chủ thuyết nào. Dù bị hủy diệt, nhưng nền giáo dục đó cứ như những tiếng chuông an ủi, cứ vang lên vào lúc xã hội Việt Nam suy đồi văn hóa, giáo dục hỗn loạn. Cũng may, người Việt chúng ta cũng còn một chỗ để vịn vào và đứng dậy, dẫu đó là tro tàn. Đã 45 năm rồi, chúng ta đứng giữa sự bất lực, nhìn những người chịu trách nhiệm loay hoay, vật vã, tranh cãi liên miên cho những điều cải cách vô nghĩa, biến các gia đình và học sinh thành chỗ thí nghiệm cho một nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, mãi không thành. Bạn là phụ huynh? Vậy thì xin dành chút thời giờ nhìn lại, và hãy tự hỏi con bạn đã nhận được bao nhiêu, trong nền giáo dục hôm nay, so với 3 đoạn văn ngắn học làm người của một cuốn sách giáo khoa sơ đẳng và rất cũ. 1. Với tình thương “Bổn phận người ta đối với xã hội, thường chia làm hai mối là: công bình và nhân ái. “Không hại người” tức là công bình, “làm hay cho người” tức là nhân ái. Người ta mà không công bình, chẳng những có tội đối với lương tâm, mà luật pháp lại còn trừng trị nữa. Giết người thì phải thế mạng; trộm cắp thì phải ngồi tù, xưa nay ở đâu cũng vậy. Con người mà không có lòng nhân ái, thì tuy đối với luật pháp không có tội lỗi, nhưng đối với lương tâm, thì là không phải. Gặp người đói khó, mà mình không giúp người ta, cũng không ai bắt được mình, nhưng trong bụng không đành”. (Trích Công bình và nhân ái ,Quốc Văn Giáo Khoa Thư/Luân lý Sơ Đẳng). 2. Với con người “Người làm ruộng có trồng trọt cấy cày, thì ta mới có thóc gạo mà ăn. Thợ nề, thợ mộc có làm nhà, thì ta mới có nhà mà ở. Thợ dệt có dệt vải, thợ may có may áo, thì ta mới có đồ mặc vào mình. Quyển sách ta học cũng phải có người làm, người in. Cái đường ta đi cũng phải có người sửa, người quét. Nói tóm lại, nhất thiết một chút gì ta cần dùng đến, cũng là có người chịu khó làm việc mới nên”. (Trích bài Người ta phải làm việc, Quốc Văn Giáo Khoa Thư/Luân lý Sơ Đẳng) 3. Với vạn vật “Trọng cái tính mệnh của người ta, là đừng làm điều gì phạm đến thân thể và quyền tự do của người ta. Người ta ở đời, không có gì trọng hơn cái tính mệnh, hễ phạm đến, là một tội đại ác. Không những là giết người mới có tội, cậy quyền cậy thế mà hà hiếp người ta, làm mất cái quyền tự do của người ta, cũng là một điều trái với lẽ công bình, người có lương tâm không ai làm.…Những loài vật đã giúp việc cho ta mà ta phải thương xót, là cái nghĩa vụ của ta. Nhưng đối với loài cầm thú khác, ta cũng nên có lòng nhân ái mới phải đạo làm người. Cầm thú tuy là giống không biết thiện ác và phải trái như người, nhưng nó cũng biết đau, biết khổ như mình… (Trích Ta nên thương loài vật, Quốc Văn Giáo Khoa Thư/Luân lý Sơ Đẳng) nhacsituankhanh
......

Làm từ thiện bằng đồng tiền bẩn có đáng tôn vinh?

Đây là vấn đề được đặt ra trong đại án MobiFone mua AVG.   Bằng thủ đoạn móc ngoặc, hối lộ, Phạm Nhật Vũ đã làm thiệt hại cho nhà nước 8500 tỉ đồng, trong đó, riêng y kiếm lợi bất chính trong thương vụ này là 5850 tỉ đồng. Thế nhưng y chỉ bị kết án 3 năm tù giam. Một trong những lý do để tòa giảm mức án cho Vũ là y có nhiều hoạt động từ thiện, đóng góp cho hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Việc này đã gây ra nhiều phản đối của dư luận xã hội. Không nói thì ai cũng biết, số tiền mà Vũ đã bỏ ra làm từ thiện là từ những nguồn thu lợi bất chính, ví dụ số tiền 5850 tỉ đồng vừa nhắc.   Hoạt động từ thiện là nếp văn hóa đẹp, thời nào cũng có, quốc gia nào cũng có. Nó duy trì, khơi dậy tình yêu thương con người qua những việc làm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, đóng góp xây dựng quê hương... Tuy nhiên, không phải là hoạt động từ thiện nào cũng xuất phát từ mục đích tử tế.   * Thở nhỏ, theo mẹ ra chợ, tôi hay đứng xem ăn mày. Những bà nông dân lam lũ, ra chợ bán mớ rau, củ khoai nhưng cũng bỏ vào cái mê nón rách của anh què lê ở chợ năm xu, một hào, có khi chỉ 1, 2 xu. Cũng có người bỏ vào một củ khoai đã luộc chín. Có những người nông dân từ các huyện đói kém hơn xuống quê tôi ăn xin rong. Họ vào tận từng nhà kêu chúng em đói quá. Khiêm nhường xưng em vì họ biết thân phận của mình chứ họ cũng ngang tuổi bố mẹ tôi. Chúng tôi phải cho họ của khoai hay củ dong riềng mà mẹ cho để dành ăn giữa buổi. Sau này, những hình ảnh ấy cứ ám ảnh tôi mãi. Quê tôi hồi ấy, nhà ai cũng thiếu đói, chúng tôi đói suốt ngày, ăn khoai trừ cơm mà vẫn đói. Vậy mà ăn mày vẫn kiếm sống được. Khi ấy, tôi chưa có khái niệm gì về việc thiện, về lòng hảo tâm. Lớn lên tôi mới biết đến những cụm từ “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Những việc làm từ thiện ấy rõ ràng xuất phát từ tấm lòng thương yêu đồng loại, chẳng cần ai biết đến và cũng chẳng nghĩ nhằm tích đức gì cả mà chỉ để cho thanh thản cõi lòng.   Càng về sau, hoạt động từ thiện quy mô hơn. Ở vùng quê nào cũng có những người con đi làm ăn xa ở các tỉnh khác hoặc ở hải ngoại. Họ làm ăn gặp may mắn nên có của ăn của để và họ có nhu cầu chia sẻ, giúp đỡ người thân và giúp quê hương. Quê hương tuy nghèo khó nhưng đấy là nơi họ sinh ra và lớn lên cũng trong nghèo khó nhưng đầy ắp những kỷ niệm nên họ muốn có những việc làm trả nghĩa cho quê hương. Có người bỏ tiền ra làm cho thôn con đường bê tông, có người cúng chùa làng quả chuông hay xây hoặc tu bổ một hạng mục nào đó. Mỗi lần tôi về quê, đều đi qua cây cầu bê tông dài rộng ở đầu huyện, bắc qua con sông cái nghe nói của một Việt kiều nào đó ở Canada bỏ tiền ra xây.   Đó là làm từ thiện bằng tâm thiện.   *   Từ thiện nay không như từ thiện xưa. Đi lễ chùa, có đặt những hòm công đức, không bỏ hay bỏ ít bỏ nhiều chẳng ai để ý. Người công đức cũng chẳng cần ai biết đến. Rồi đến lúc, nhà chùa đón được ý khách, qui định ai công đức tối thiểu ở mức nào thì được cấp một cái giấy chứng nhận. Việc công đức ở chùa mất ý nghĩa dần từ đấy.   Trong vụ AVG, thấy báo chí nói, người nhà Phạm Nhật Vũ đi khắp nơi để xin xác nhận số tiền mình đã từ thiện, cung cấp cho tòa để được giảm tội.   Những năm gần đây, nếu để ý thì sẽ thấy, những người có chức quyền, giàu có tham gia làm từ thiện ngày càng đông. Một ông quan cấp huyện cấp tỉnh hoặc cao hơn, một ông giám đốc, một bà kế toán khi làm việc thì hưởng lương nhà nước, thường là mươi, mười lăm triệu/tháng nhưng khi về hưu có tài sản hàng trăm tỉ. Số này bỏ tiền ra làm từ thiện cũng khá hào phóng nhưng thử hỏi khối tài sản khổng lồ mà họ có được ở đâu ra nếu không tham nhũng? Giải thích hiện tượng này như thế nào?   Dù khó lý giải bằng khoa học nhưng người ta đều tin vào luật nhân quả. Nhiều khi luật này báo ứng đến hãi hùng làm cả người vô thần cũng phải dè chừng. Hẳn nhiều người đã biết cái chết đến của 3 người từng tham gia vào quá trình điều tra, xét xử vụ án Hồ Duy Hải mà dư luận cho là vụ án oan.   Ngày càng nhiều quan chức và những người giàu có hay đến viếng chùa và bỏ tiền cúng phật. Có người sau khi về hưu chuyên tham gia các hoạt động của phật giáo, chăm chỉ ngồi thiền như muốn quên đi quá khứ. Tôi cho rằng tâm lý của nhiều người trong số ấy là mong lấy thiện trừ đi ác vì hơn ai hết, họ là người biết rõ nhất việc làm thất đức của họ.   Có điều lạ là nhiều người giàu có, sẵn sàng bỏ tiền ra làm từ thiện nhưng giúp anh em, cha mẹ nghèo lại là chuyện vô cùng khó khăn. Có lẽ họ cho rằng Phật mới giúp được họ xóa được tội lỗi, tránh được quả báo chứ còn người thường thì không.   Vì vậy sinh ra tâm lý, vừa tham nhũng vừa làm từ thiện để được giảm tội vì lo trời phạt, thậm chí còn tính đến việc nếu bị phát giác sẽ được tòa giảm tội như trường hợp Phạm Nhật Vũ.   Việc làm từ thiện mà được giảm án là chuyện vừa xảy ra trong vụ AVG vì những người xử là những con người, họ cũng có bản năng, dục vọng của con người. Nhưng nếu cúng chùa mà giảm được tội, không bị quả báo, chẳng lẽ họ cho rằng, Phật cũng tiêu thụ của gian hay nhận hối lộ như băng đảng của họ?   Không có chuyện cứ việc làm điều ác, cứ việc tham nhũng rồi trích từ đó ra một phần làm từ thiện để yên tâm hưởng phần còn lại mong tránh được quả báo. Làm từ thiện kiểu đó không có gì đáng ca ngợi hay tôn vinh và cũng không tránh được luật nhân quả.  Việc từ thiện chỉ có ý nghĩa và đáng hoan nghênh khi dùng những đồng tiền chân chính của mình. http://ntuongthuy.blogspot.com/2020/01/lam-tu-thien-bang-ong-tien-ban-co-ang.html
......

Pages