Người Việt biểu tình chống Tô Lâm tại Paris

Trên đường đến Paris hôm nay 5.10, một người trong nhóm của chúng tôi chợt khẻ đọc kẻ câu thơ “Paris có gì lạ không em“ của nhà thơ Nguyễn Sa. Có người liền đáp: "Có! có cuộc biểu tình của cộng đồng Người Việt tại Paris để phản đối sự hiện diện của Tô Lâm, đầu lãnh của chế độ CSVN, người có hổn danh là Bò Dát Vàng, khi đến Paris tham dự Hội nghị Thượng đĩnh Pháp thoại lần thứ 19 được tổ chức tại tại đây".   Khi nhóm chúng tôi đến địa điểm tổ chức biểu tình tại công trường Salvador Allende thì đã thấy đông đảo bà con người Việt tại Paris và một số bà con người Việt đến từ Đức, Hòa Lan, Bỉ, Thụy Sĩ đã có mặt tham dự biểu tình này. Cuộc biểu tình bắt đầu lúc 15 giờ với nghi thức chào cờ, mặc niệm. Trình bày mục đích cuộc biểu tình, ông Mai Quốc Minh, đại diện Ban tổ chức đã cho biết là để tố cáo với công luận rằng nhà nước CSVN đã không tôn trọng những điều lệ căn bản của bản hiến chương Pháp Thoại đã ghi như đề cao các giá trị Dân Chủ và Nhân Quyền…vẫn tiếp tục duy trì những chính sách đàn áp và kiểm soát chặt chẽ Tự Do và Nhân Quyền, khiến nhiều người dân phải rời bỏ đất nước để tìm kiếm cuộc sống tự do. Những tiếng nói phản kháng, những nỗ lực đấu tranh cho một xã hội dân chủ, nhân bản và công bằng hơn đều bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đàn áp nhằm để duy trì một chế độ độc tài, độc đảng. Những phát biểu của các đại diện các tổ chức, hội đoàn: Ông Vũ Đăng Sơn (Tinh thần Trầ Văn Bá), ông Lê Minh Triết (Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Tự Do tại Pháp), ông Trần Sơn (Việt Tân),  ông Nguyễn Thanh Văn (Ủy Ban Điều Hợp Công Tác Đấu Tranh của NV tại Đức), ông Nguyễn Văn Cư (Cộng đồng NV tại Liege-Vương quốc Bỉ), ông Nguyễn Hữu Phước (Cộng đồng NV tị nạn CS tại Hòa Lan), ông Nguyễn Tấn Lạc (Hòa Kỳ)… đều lên án và tố giác trước công luận về những hành động chà đạp nhân quyền, đàn áp tôn giáo, đòi hỏi CSVN ngưng ngay hành động chà đạp nhân quyền…tại Việt Nam. Nhắc về những động thái gần đây như trong chuyến thăm Hoa Kỳ của người đứng đầu CSVN Tô Lâm, cũng như các phát biểu “có cánh“ như: “Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại”,  nào là “Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam”…khiến cho có người hy vọng Tô Lâm sẽ có thể trở thành người CS tiến bộ và có thể sẽ có cải cách thể chế chính trị tại VN trong thời gian sắp tới. Có người cho rằng câu nói bất hủ của cố tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đó là: “Đừng nghe những gì CS nói, mà hãy nhìn những kỹ gì CS làm“, luôn luôn đúng đối với những người CS; Và dân tộc VN muốn có tự do dân chủ, thì đừng trong mong gì từ cái gọi là thay đổi của chế độ csvn, mà chỉ còn cách là phải tự mình đứng lên giành lại những gì mà chế độ này đã tước đoạt của người dân mà thôi.   Xen kẽ các phát biểu là những khẩu hiệu đòi dân chủ, nhân quyền, tư do cho VN, và những bài hát đấu tranh, đặc biệt ca sĩ Tố Lan với chất giọng đặc biệt đã làm rung động lòng người biểu tình hôm nay khi chị hát hướng về quê hương. Đặc biệt trong cuộc biểu tình có sự hiện diện của bà Geneviere Garrigos, nghị viên phụ trách ủy ban quan hệ quốc tế của Hội đồng thành phố Paris. Trong phát biểu, bà cho biết công trường nơi cuộc biểu tình đang diễn ra mang tên Salvador Allende, tên một vị tổng thống dân cử người Chile, người đã bị quân đội tiến hành lật đổ vào năm 1973, để rồi sau đó Chile bị cai trị bởi chế độ độc tài quân phiệt Pinochet và cuối cùng qua sự bền bỉ đấu tranh của người dân để lật đổ chính quyền độc tài quân phiệt Pinochet, Chile ngày nay cũng đã trở thành một nước tự do, dân chủ. Bà cũng không quên chúc cho người dân VN  cũng sẽ như những người dân Chile đánh đổ được chế độ độc tài CS. Cuộc biểu tình chấm dứt vào lúc 17 giờ cùng ngày./. Văn Minh Thông ghi lại.  
......

Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Bác Ái Vinh Sơn Phaolô (2004 – 2024)

Chặng đường 20 năm của Hội Bác Ái Vinh Sơn Phaolô   Vâng, 20 năm đúng là một chặng đường dài mà Hội chúng tôi vừa đi qua. Một chặng đường có cả hoa hồng lẫn chông gai, nhưng chúng tôi tự hào vì đã được Cộng Đồng dân Chúa trong Giáo đoàn Đức Mẹ La Vang thuộc Tổng giáo phận Köln và Giáo phận Aachen, cũng như quý vị thiện tâm thuộc các tôn giáo bạn nâng đỡ, yêu thương và đồng hành. Nội qui và tôn chỉ của Hội là Yêu Thương, Chia sẻ, Cầu Nguyện và Phục Vụ theo linh đạo của Cha thánh Vincent de Paul.   Hôm nay, lúc 14 giờ ngày 28.09.2024 các hội viên Hội Bác Ái Vinh Sơn Phaolô và đông đảo anh chị em trong Giáo đoàn Đức Mẹ La Vang Köln & Aachen cùng với sự hiện diện của nhiều cảm tình viên đạo đời đã tề tựu đông đủ tại thánh đường Heilig Geist Mönchengladbach.   Mọi người hân hoan đến nhà thờ để tán tụng, ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa đã thương ban cho Giáo Hội một Vị thánh thể hiện lòng xót thương với tất cả anh chị em nghèo khổ, đồng thời cảm tạ Cha thánh Bổn mạng của Hội đã luôn đồng hành, bầu cử và chúc lành cho anh chị em trong Hội, kể còn sống cũng như người đã qua đời.   Đúng 15 giờ, trước khi ca đoàn hát ca nhập lễ, ông Bùi Thanh Thụ, Ban chấp hành Hội đọc danh sách các hội viên, cũng như quý vị ân nhân đã qua đời, đồng thời mời gọi mọi người tưởng nhớ và hiệp lời cầu nguyện cho các linh hồn trong Thánh lễ hôm nay.   Trước khi dâng lễ, Cha chủ tế Giuse Hồ Anh Tuấn linh hướng Giáo đoàn chào mừng mọi người đến cùng hiệp dâng Thánh lễ, đặc biệt chào mừng Cha xứ nhà thờ Heilig Geist Pfarr Johannes van der Vorst và Cha xứ St. Laurentius Achim Köhler, bà Gudrun Honsbrok, bà Marianne Lack, thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ, và bà Andrea Kett. Sau đó bà Andrea Kett, Leiterin Pastoale đại diện Tòa Giám mục đọc thư của Đức Giám mục Giáo phận Aachen chúc mừng Hội Bác ái Vinh Sơn  mừng lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội.   Ca đoàn cùng với tất cả mọi người tham dự Thánh lễ hát bài ca nhập lễ: Bao la tình Chúa yêu con mênh mông như biển Thái Bình. Dạt dào như ngàn con sóng vỗ về năm tháng đời con… Trong suốt Thánh lễ, ca đoàn hát những bài quen thuộc để mọi người cùng hiệp ý hát chung, qua sự điều khiển khéo léo của ca trưởng Huỳnh Công Hiệp, mọi người dâng lên Chúa những lời cầu xin cho các nạn nhân chiến tranh bên Ukraine, bên Trung Đông và các nạn nhân thiên tai, bão lụt tại Âu Châu, Mỹ châu, Á châu và nhất là tại quê hương Việt Nam.   Cha linh hướng Giuse, một nghĩa tử trẻ trung, đầy nhiệt huyết của cha thánh Anold Jansen Dòng Ngôi Lời. Ngài có lối giảng thật lôi cuốn, hấp dẫn. Ngài đã chia sẻ rằng:“ Chúng ta không chỉ yêu thương đồng loại bằng chia sẻ vật chất mà phải chia sẻ cả những lời cầu nguyện, lời nói yêu thương tốt đẹp nhất để mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân“.   Hình ảnh đẹp trong thánh lễ hôm đó: Hai cháu bé dâng của lễ, và sau Thánh lễ dâng tặng hoa lên cha chủ tế, hai cha khách và vị đại diện Đứa Giám mục Aachen. Hai cháu đúng là hai thiên thần đến để nhắc nhở cho ta rằng: „Nếu ai muốn vào nước Trời hãy trở nên như những em bé này“.   Phần kết lễ, Bà Marianne Lack, giáo xứ Heilig Geist, Ông Bùi văn Thiên Trưởng giáo đoàn lên chúc mừng Hội Bác Ái. Ông Vincent Nguyễn văn Rị, Tân Hội trưởng và 10 thành viên Ban chấp  hành Hội  lên dâng lời khấn nguyện phục vụ tông đồ bác ái theo dấu chân linh đạo và gương sáng của cha thánh Vincent de Paul. Ban chấp hành mới với nhiệm kỳ 5 năm 2024 đến 2029.  Ông Rị thay lời BCH cám ơn Cha linh hướng Giuse cùng tất cả Cộng đồng dân Chúa, đồng thời xin cầu nguyện, nâng đỡ Hội Bác Ái, để Hội chúng con thăng tiến trong việc tông đồ, ông cũng  không quên cám ơn Cha cố Giuse Nguyễn Văn Tịnh, Vị khởi xướng thành lập Hội khi ngài còn làm linh hướng cho Họ Đạo Đức Mẹ La Vang tại Giáo phận Aachen đến nay đã trọn hai mươi năm.   Phần văn nghệ liên hoan mừng Lễ Bổn mạng trong hội trường, với sự điều hợp và trình diễn rất duyên dáng của cô Kiều Khanh và hơn 20 chị em trong vùng. Mở đầu chương trình là bài hát Đâu có tình yêu thương… vì Chúa là tình yêu các dân tộc trên thế giới hãy thương yêu nhau trong tình bác ái, đạo đời hòa nhịp với cây đàn Keyboard được hòa âm của ca sĩ Đình Hướng, cùng các ca sĩ đóng góp văn nghệ. Những điệu nhạc Chachacha, Valse, Agogo, đã đưa ta về với tình tự quê hương dân tộc mà nó hằng luân chuyển trong xương tuỷ, máu huyết của mỗi con Hồng cháu Lạc… Xa quê nhưng lòng vẫn nhớ và nhớ da diết.   Phần ẩm thực được các tham dự viên đóng góp, kẻ ít, người nhiều. Đặc biệt một vài món đặc sản đã được bán để gây qũy.   Kết toán tài chánh từ ngài hội trưởng cho biết đã gom được 3000 Euro. Trừ một vài chi phí và trích một phần cho giáo đoàn Köln & Aachen. Phần lớn sẽ được chuyển vào qũy bác ái của Cha linh hướng Giuse. Số tiền trên sẽ được chuyển về giúp đồng bào bị thiên tai  bão, lũ lụt tại Việt Nam.   Thánh lễ mừng Bổn mạng và sinh nhật 20 tuổi của Hội hôm nay phải nói là thành công tốt đẹp. Cũng cần nhắc lại sau 20 năm hoạt động, Hội đã quyên góp được 79.365 Euro. Trong số đó 33.009 Euro đã được gởi nhiều lần về bệnh viện nhi đồng tại Bêlem Kinderhilfe Bethlehem qua trung gian Caritas Freiburg (có giấy chứng nhận). Phần còn lại đã được gởi nhiều lần về các các Giáo phận hoặc các Dòng tu tại VN, cũng như Dòng Steyler Mission (tất cả đều có hồ sơ lưu). Hỗ trợ giúp trại phong cùi, lũ lụt, khuyết tật, mái ấi tình thương, khiếm thị, thương phế binh, thế giới người nghèo khổ, bảo hộ phò sự sống thai nhi, trẻ em ung thư, cứu sống bệnh nhân dịch Corona. Tại Âu Châu qua Cơ quan Caritas, giúp nạn nhân thiên tai, động đất tại Türkei- Syrien, dịch Corona Ấn độ, chiến tranh Ukraina, dịch bệnh Abola, Phi Châu, đồng  hành với Liên hội NVTN giúp thiên tại lũ lụt  tại Đức, dịch bệnh và nhiều nơi khác v v. Hội cũng trợ giúp qua cơ quan Caritas, Misereor, Cap Anamur, Grünhelm, Aktion Deutschland Hilft, bão Taifun Opfer Phi Luật Tân… .     Sau cùng, chúng con chân thành cám ơn Cha linh hướng, cám ơn các tham dự viên đến từ Elfstadt, Köln, Düsseldorf, Neuss, Unna, Lünen, Kamen, Aachen. Đa số từ Mönchengladbach và Krefeld. Đặc biệt có những vị nặng tình với Cha thánh Vinh Sơn đã lặn lội hơn 200 cây số từ Bỉ Quốc về đây để khích lệ và giúp chúng con sống và thực hành đức bác ái.   Nguyện xin Chúa, qua lời bầu cử của Cha thánh Vinh Sơn thưởng công bội hậu cho quí Vị. Hẹn tái ngộ cùng quí Vị vào ngày 14.12.2024, Mùa vọng Giáng sinh tại thánh đường Heilig Geist Mönchengladbach.   Hội viên tường thuật Khuyết Danh ----------------------  https://der-lokalbote.de/odenkirchen/news-ok/40-jahre-vietnamesische-gemeinde-in-moenchengladbach Am 28. September 2024 feierte die Vietnamesische Gemeinde in der Kirche von Heilig Geist Geistenbeck ihr 40jähriges Bestehen. Ebenso lange ist sie in der Kirche Heilig Geist Geistenbeck zu Hause. Und: Schon seit 20 Jahren gibt es die Konferenz der St.-Vinzenz-von-Paul Gemeinschaft. Während des Festgottesdienstes verlas Andrea Kett, die im Bistum auch die muttersprachlichen Gemeinden begleitet, auch ein Grußwort von Bischof Helmut Dieser. Darin heißt es u. a.: "Ca. 12 % der 950.000 Katholikinnen und Katholiken im Bistum Aachen haben eine Zuwanderungsgeschichte. Manche leben schon in zweiter oder dritter Generation hier, weil ihre Großeltern oder Eltern aus anderen Ländern, z. B. in den 60er Jahren als so genannte Gastarbeiter, zu uns gekommen sind. Andere haben erst kürzlich auf der Flucht vor Krieg und Unterdrückung in ihrem Heimatland eine neue Bleibe in Deutschland gefunden. Die muttersprachlichen Gemeinden sind für diese Menschen häufig die erste Anlaufstelle. Hier werden religiöse Traditionen und Kontakte gepflegt, hier erfahren die neu Angekommenen Unterstützung auch in praktischen Belangen. Als vietnamesische katholische Mission haben Sie vielen der Menschen, die im Laufe der Jahre aus Vietnam in unser Bistum gekommen sind, das Ankommen erleichtert und ihnen in der Fremde ein neues Zuhause gegeben! Dafür danke ich Ihnen!" Und: "Die Präsidentin des Deutschen Bundestags, Frau Bärbel Bas, hat die Katholikinnen und Katholiken anderer Muttersprachen kürzlich als ein großes 'Potenzial für unsere pluralistische Gesellschaft, für gelebte Offenheit und Toleranz' bezeichnet. Diese Offenheit und Toleranz braucht Deutschland gerade in den aktuellen Zeiten, in denen die Prozesse politischer Meinungsbildung und demokratischer Entscheidungsfindung in unserem Land vielfältige Krisen aufweisen. Die öffentlichen Debatten geraten immer mehr unter Druck zwischen fremdenfeindlichen nationalistischen Forderungen auf der einen Seite und 'woken' illusionären Forderungen auf der anderen. Besonders erschreckend sind die schon mehrfach zu beklagenden terroristischen Messerattentate von islamistischen Einzeltätern, die unter dem Vorwand von Schutzbedürftigkeit in unser Land gekommen waren. Gegenüber all dem versuchen wir als Kirche immer neu zu unterscheiden, alle Ansätze von menschenverachtender Radikalisierung und ideologischem Extremismus zu entlarven und zu unterbinden und die Integration der friedfertigen Menschen anderer Kulturen in unserem Land zu fördern. Und in all dem tragen Sie und die anderen muttersprachlichen Gemeinden im Bistum Aachen einen großen Anteil zum Gelingen bei." Für die Gemeinde Heilig Geist begrüßte Marianne Lack die Gottesdienstteilnehmer/innen: "Wir freuen uns, dass Sie seit 40 Jahren hier in unserer Gemeinde Hl. Geist Ihre kirchliche Heimat gefunden haben, wo Sie Ihren Glauben gemeinsam feiern und ihn miteinander erfahren und teilen können." Wir erlebten einen feierlichen Gottesdienst, bei dem sich die Vietnamesen als sehr textsicher erwiesen. Das Fest zeigte auch, was die Geistenbecker schon lange kennengelernt haben: eine sehr herzliche Gastfreundschaft. Unter den Gästen auch Pfarrer Achim Köhler und Pfarrer i. R. Johannes van der Vorst. Nach dem Gottesdienst gab es einen kurzen Fototermin und schließlich ein schönes buntes Fest mit Essen, Trinken, Musik und Gesang im Vorsthaus. -------------------------------------- Vào ngày 28. September 2024, cộng đồng người Việt tổ chức buổi lễ kỷ niệm 40 năm thành lập tại nhà thờ Heilig Geist Geistenbeck. Trong suốt 20 năm qua các buổi hội nghị Cộng đoàn Thánh Vinzenz Phaolô cũng đã diễn ra tại đây. Trong buổi lễ, bà Andrea Kett, người chịu trách nhiệm hỗ trợ các cộng đoàn trong giáo phận có ngôn ngữ bản xứ không phải là tiếng Đức, đã đọc một bức thư chào mừng của Giám mục Helmut Dieser, trong đó có đoạn: "Khoảng 12% trong số 950.000 tín đồ Công giáo thuộc giáo phận Aachen có xuất thân từ các cộng đồng di dân. Một số người đã sống ở đây từ thế hệ thứ hai hoặc thứ ba, ông bà hoặc cha mẹ của họ đã đến từ các quốc gia khác, ví dụ như người lao động nhập cư vào những năm 60. Những người khác thì gần đây mới tìm được nơi trú ngụ mới tại Đức khi trốn khỏi chiến tranh và áp bức ở quê hương của họ. Các cộng đoàn có ngôn ngữ bản xứ không phải là tiếng Đức này thường là nơi đầu tiên những người này tìm đến. Ở đây, truyền thống tôn giáo và mối liên hệ được duy trì, những người mới đến cũng nhận được sự hỗ trợ cả về các vấn đề thực tiễn, sinh hoạt hằng ngày. Trong suốt nhiều năm qua, với tư cách là Cộng đoàn Công giáo Việt Nam, quý vị đã giúp đỡ nhiều người Việt Nam tìm thấy một ngôi nhà mới nơi đất khách khi họ đến giáo phận của chúng ta! Tôi xin chân thành cảm ơn quý vị!" Và: "Thủ trưởng Thượng viện Đức, bà Bärbel Bas, gần đây đã nhấn mạnh rằng các tín đồ Công giáo từ các cộng đồng có ngôn ngữ khác là một 'tiềm năng lớn cho xã hội đa nguyên của chúng ta, cho sự cởi mở và khoan dung'. Sự cởi mở và khoan dung này là điều mà nước Đức rất cần trong thời điểm hiện tại, khi các quá trình hình thành ý kiến chính trị và ban hành các quyết định dân chủ ở nước Đức đang gặp nhiều khủng hoảng. Các cuộc thảo luận công cộng ngày càng chịu áp lực từ những yêu cầu của phái theo chủ nghĩa dân tộc, kém thiện cảm với người ngoại quốc cũng như những yêu cầu đòi hỏi công bằng xã hội một cách thái quá ("woke") của phe đối lập. Điều đặc biệt đáng lo ngại là các hành động khủng bố đơn lẻ, tấn công bằng dao của những người Hồi giáo cực đoan, đến nước Đức dưới cái cớ cần được bảo vệ. Đối mặt với tất cả những điều đó, với tư cách là Giáo hội, chúng ta luôn cần phân biệt rõ ràng, để vạch trần và ngăn chặn tất cả những hành vi cực đoan mang tính bài xích con người, cũng như thúc đẩy sự hội nhập của những người hiền hòa đén từ các nền văn hóa khác. Quý vị và các cộng đoàn khác trong Giáo phận Aachen đã đóng góp một phần lớn cho sự thành công này" Đại diện cho cộng đoàn Heilig Geist, bà Marianne Lack đã chào đón khách của buổi lễ: "Chúng tôi rất vui mừng vì quý vị đã tìm thấy nhà thờ của mình tại cộng đoàn Heilig Geist trong suốt 40 năm qua, nơi quý vị có thể cùng nhau cử hành đức tin, trải nghiệm và chia sẻ nó với nhau." Chúng tôi đã được chứng kiến một buổi lễ trang trọng vang lời kinh cầu của người Việt Nam cho thấy điều mà người dân Geistenbeck đã biết từ lâu: một sự hiếu khách rất chân thành. Trong số các khách mời có cả linh mục Achim Köhler và linh mục hưu dưỡng Johannes van der Vorst. Sau thánh lễ mọi người cùng nhau tham gia chụp hình, ẩm thực và thưởng thức văn nghệ tại Vorsthaus.  
......

KÊU GỌI BIỂU TÌNH: phản đối sự hiện diện của nhà cầm quyền CSVN trong hội nghị Pháp Thoại 2024

Nhằm phản đối sự hiện diện của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong hội nghị Pháp Thoại (Sommet de la Francophonie) vào ngày 04 và 05 tháng 10 năm 2024.   Pháp Quốc, ngày 27 tháng 09 năm 2024   Kính thưa quý vị, Năm nay, hội nghị thượng đỉnh Pháp Thoại (Sommet de la Francophonie) lần thứ 19 sẽ được tổ chức tại Pháp vào hai ngày 04 và 05 tháng 10 năm 2024 tại thành phố Villers – Cotterêts và tại Grand Palais ở Paris. Dựa vào điều khoản thứ nhất của bản hiến chương Pháp Thoại ghi rất rõ mục tiêu là nhằm cổ võ sự hợp tác, giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia trong khối Pháp Thoại , đồng thời cũng để đề cao các giá trị Dân Chủ và Nhân Quyền. Tuy nhiên, sự hiện diện của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong hội nghị Pháp thoại này, chẳng những nó không nói lên được những giá trị phổ cập đã được ghi trong hiến chương mà nó còn làm cho hình ảnh của hội nghị Pháp Thoại trở nên xấu đi. Bởi lẽ, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là ông Tô Lâm vẫn tiếp tục duy trì những chính sách đàn áp và kiểm soát chặt chẽ Tự Do và Nhân Quyền, khiến nhiều người dân phải rời bỏ đất nước để tìm kiếm cuộc sống tự do. Những tiếng nói phản kháng, những nỗ lực đấu tranh cho một xã hội dân chủ, nhân bản và công bằng hơn đều bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đàn áp nhằm để duy trì một chế độ độc tài, độc đảng. Trước thực trạng đó, chúng tôi gồm nhiều tổ chức và đoàn thể tại Pháp và Âu Châu kêu gọi quý đồng hương, quý tổ chức và đoàn thể hãy cùng nhau biểu dương ý chí , xuống đường đông đảo vào: Ngày thứ Bảy 05 tháng 10 năm 2024 từ 12g cho đến 18g Place Salvador Allende 154 rue de Grenelle - Paris 7e . Métro La Tour –Maubourg (ligne 8) Chương trình biểu tình gồm : • Từ 12g đến 15g : Quầy thông tin - Triển lãm. • Từ 15g đến 18g : Biểu tình Sự hiện diện của chúng ta sẽ thay mặt cho 100 triệu con dân Việt Nam trong nước lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án, gây áp lực mạnh mẽ lên nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải thả tất cả các tù nhân lương tâm, phải thực thi những gì mà họ cam kết trước Liên Minh Âu Châu, trước Liên Hiệp Quốc , đồng thời phải trả lại quyền tự quyết cho dân tộc Việt Nam.   Đồng ký tên, 18 hội đoàn/tổ chức người Việt tự do tại Pháp   Ái Hữu Gia Long Âu Châu Hội Văn Hoá Cổ Truyền Việt Nam Ái Hữu Việt Nam vùng St Quentin Yvelines Hội Văn Hoá Người Việt Tự Do Câu Lạc Bộ Văn Hoá Việt Nam tại Pháp Hội Vì Việt Nam Tự Do Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Tự Do tại Pháp Liên Minh Dân Chủ Việt Nam Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Chính Trị Âu Châu Phong Trào Tinh Thần Trần Văn Bá Đảng Việt Tân Tinh thần Diên Hồng Ecole Sauvage Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris Hội Thanh Niên Việt Nam Tỵ Nạn Văn Phòng Liên Lạc các hội đoàn và người Việt tự do tại Pháp Hội Thanh Thiếu Niên Việt Nam Paris Việt Nam Quốc Dân Đảng    
......

Người Việt biểu tình chống Tô Lâm trước trụ sở Liên Hiệp Quốc

Đông đảo người Việt Nam cùng tham gia cuộc biểu tình bên ngoài trụ sở Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York vào trưa Chủ Nhật, 22 Tháng Chín, nơi ông Tô Lâm, tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam, đọc bài diễn văn tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Tương Lai. Những người biểu tình thuộc cộng đồng người Việt từ nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Đây là cuộc biểu tình do Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Toronto, Đảng Việt Tân, và Hội Anh Em Dân Chủ tổ chức. Những người biểu tình giơ cao các biểu ngữ có nội dung như “Tô Lâm, hung thủ hại chết Đồng Tâm,” “Tô Lâm ăn chơi trước nỗi đau của đồng  bào” in trên tấm ảnh ông Tô Lâm ăn bò dát vàng. Bên cạnh đó còn mang theo hình ảnh các tù nhân lương tâm còn đang chịu cảnh tù đày như “Free Lê Đình Lượng,” “Free Nguyễn Năng Tĩnh,” “Freedom for Peter Bui Lam.” Rất nhiều cờ vàng Việt Nam Cộng Hòa đã được giơ cao trước trụ sở Liên Hiệp Quốc. Ông Hoàng Tứ Duy, tổng bí thư đảng Việt Tân, mở lời khi bắt đầu cuộc biểu tình: “Khi CSVN cử một tướng công an nhiều tội ác làm chủ tịch nước, đảng này đã xem thường người dân Việt Nam, xem thường luật pháp và các giá trị quốc tế. Chúng ta có mặt ở đây để phơi bày các tội ác của Tô Lâm, các vấn đề như tổ chức, bắt cóc xuyên quốc gia, dùng vũ lực đàn áp dân làng Đồng Tâm và các đồng bào người Thượng, bắt giữ tùy tiện các nhà báo, nhà hoạt động dân sự, bóp nghẹt tự do ngôn luận trên các mạng xã hội.” “Ngay từ bây giờ, Tô Lâm phải chịu trách nhiệm trước luật pháp quốc tế và về đường dài, Tô Lâm phải chịu trách nhiệm trước người dân Việt Nam.” Ông Duy nhấn mạnh: “Tô Lâm hiện là kẻ thù của dân chủ Việt Nam.” Luật Sư Đặng Đình Mạnh đã tham dự cuộc biểu tình. Từ New York, ông trả lời câu hỏi của báo Người Việt về sức lan tỏa của buổi “xuống đường” trưa Chủ Nhật: “Tôi không lạc quan đến mức cho rằng những tiếng nói trong cuộc biểu tình sẽ được lắng nghe và sẽ được chế độ Cộng Sản trong nước hiện do ông Tô Lâm lãnh đạo chấp nhận. Nhưng tôi tin rằng cuộc biểu tình rất cần thiết trong việc gởi thông điệp cho ông ấy biết rằng cộng đồng người Việt ở hải ngoại hoàn toàn phản đối chính sách đàn áp tự do, dân chủ, nhân quyền đối với người dân Việt Nam.” Giữa lúc đó, bên trong trụ sở Liên Hiệp Quốc, Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Tô Lâm đã có bài phát biểu tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Tương Lai. Báo Tuổi Trẻ Online đã trích dẫn toàn bộ nội dung bài phát biểu. Trong đó có phần ông Tô Lâm nhắc đến giá trị của con người: “Thành tựu khoa học, công nghệ phải phục vụ tiến bộ xã hội, hướng về con người, giải phóng con người, phát triển con người toàn diện, không ngừng cải thiện đời sống, bảo đảm lợi ích và hạnh phúc của nhân loại và vì thế hệ tương lai.” Đặc biệt, ông Tô Lâm đã đưa ra lời kêu gọi ngay tại trụ sở Liên Hiệp Quốc: “Trong giai đoạn mang tính bước ngoặt này, chúng ta càng cần phải tăng cường đoàn kết, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến Chương Liên Hợp Quốc và giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.” “Các nước lớn cần hành xử có trách nhiệm, phải chia sẻ thành tựu chung trong nghiên cứu khoa học công nghệ để cùng phát triển.” Như bao lần trước khi lãnh đạo CSVN phát biểu tại diễn đàn LHQ, thì nhiều nguyên thủ quốc gia bỏ ra ngoài vì họ biết lãnh đạo CSVN toàn đọc những lời sáo rỗng. Hội Nghị Thượng Đỉnh Tương Lai diễn ra trong hai ngày 22 và 23 Tháng Chín ở New York, Mỹ, với sự tham gia của nhiều nguyên thủ, nhà lãnh đạo các nước để thông qua “Hiệp Ước Cho Tương Lai.” Truyền thông nhà nước CSVN mở hết công suất tuyên truyền về sự hiện diện của ông Tô Lâm ở New York. Theo Người Việt    
......

Lễ tưởng niệm Anh Hùng Đông Tiến năm thứ 37

HAWAII VINH DANH PHÓ ĐỀ ĐỐC HOÀNG CƠ MINH VÀ ĐẢNG VIỆT TÂN Buổi lễ tiếp nhận 5 Nghị Quyết và Chứng Nhận của một số cơ quan công quyền tại Hawaii vinh danh Cố Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và Đảng Việt Tân nhân lễ tưởng niệm Anh Hùng Đông Tiến năm thứ 37 đã được Đảng Bộ Hawaii, tổ chức trang nghiêm tại phòng khánh tiết của nhà hàng Hawaii vào chiều ngày 24 tháng 8, 2024, quy tụ 200 đồng hương và một số quan khách Hoa Kỳ tham dự. Dân Biểu Adrain Tam đã đại diện Hạ Viện Tiểu Bang Hawaii trao Nghị Quyết Vinh Danh Cố Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh cho ông Lý Thái Hùng, Chủ Tịch Đảng Việt Tân. Chứng Nhận Vinh Danh Đảng Việt Tân - Đảng Bộ Hawaii đã có những đóng góp xuất sắc cho phong trào đấu tranh tại Việt Nam được Dân biểu Adrian Tam trao cho ông Trần Trung Tấn, đại diện Đảng Bộ Hawaii. Dân Biểu Adrian Tam nói ông và các đồng viện tại Hạ Viện Hawaii rất ngưỡng mộ sự hy sinh hào hùng của Cố Phó Để Đốc Hoàng Cơ Minh và cầu mong Việt Nam sớm có Tự do, Dân chủ. Chủ Tịch Đảng Việt Tân đã cảm tạ sự hiện diện cũng như nghĩa cử của Dân Biểu Adrian Tam và tri ân một số thân hữu đã tiếp tay vận động các Nghị Quyết vinh danh Tướng Hoàng Cơ Minh và đặc biệt Thị Trưởng Thành Phố Honolulu đã chọn ngày 28 tháng 8 năm 2024 là Ngày Hoàng Cơ Minh và Việt Tân tại Honolulu. Đây là một sự kiện hy hữu mang tính lịch sử vì lần đầu tiên một cơ quan công quyền cấp Tiểu Bang Hoa Kỳ vinh danh người lãnh đạo sáng lập một đảng đang miệt mài tranh đấu cho một nền dân chủ bền vững tại Việt Nam. Những Nghị Quyết này cũng là thông điệp phủ nhận tất cả những vu cáo, xuyên tạc Việt Tân là khủng bố của nhà cầm quyền CSVN.   LỄ TƯỞNG NIỆM ANH HÙNG ĐÔNG TIẾN TẠI LITTLE SÀI GÒN, NAM CALIFORNIA Chủ Nhật ngày 25 tháng 8 năm 2024, cơ sở Đảng Việt Tân tại Nam California đã tổ chức Lễ Tưởng Niệm Anh Hùng Đông Tiến tại hội trường Miriam Warne Community Center thuộc thành phố Westminster, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Sau phần trình chiếu một đoạn phim 10 phút tóm lược chặng đường đấu tranh 40 năm của Đảng Việt Tân, ông Đỗ Hoàng Điềm, nguyên Chủ tịch Đảng Việt Tân, đã trình bày cùng đồng hương về tình hình xáo trộn đang xảy ra trong nội bộ đảng CSVN. Ông Đỗ Hoảng Điềm khẳng định rằng  CSVN thật ra không có sức mạnh vô song, mà chế độ này hiện đang phải đối diện với ba nhược điểm sinh tử: Người dân đang chán ngán chế độ; Guồng máy đảng tê liệt và chỉ còn lo… kiếm tiền; Rối loạn tại thượng tầng lãnh đạo. Trong tình huống đó, Đảng Việt Tân đang dồn sức thực hiện 4 công tác: Một là nỗ lực xây dựng tiềm lực các nhóm quần chúng để đứng lên đòi hỏi những thay đổi; Hai là phát triển hảng ngũ cán bộ, đảng viên để gia tăng sức mạnh hoạt động và lan tỏa của đảng Việt Tân; Ba là hướng dẫn đồng bào và dư luận nhìn thấy rõ những suy yếu của chế độ và thế tất thắng của chính nghĩa dân tộc, qua đó tác động lên hàng ngũ cán bộ đảng viên đảng CSVN bỏ đảng quay về hiệp lực đấu tranh cùng với dân tộc; Bốn là vận động và tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế nhằm gây áp lực về nhân quyền và kể cả kinh tế với CSVN. Tiếp theo đó là phần phát biểu cảm tưởng của một số thân hào nhân sĩ về tình hình, về cuộc đời và sự hy sinh của Tướng Hoàng Cơ Minh trong công cuộc chung. LỄ TƯỞNG NIỆM ANH HÙNG ĐÔNG TIẾN TẠI THÀNH PHỐ PERTH, TÂY ÚC Đảng bộ Việt Tân tại Perth, Tây Úc đã tổ chức Lễ Tưởng Niệm Anh Hùng Đông Tiến lần thứ 37 (1987 – 2024) vào chiều ngày Chủ Nhật, 25 tháng 8 năm 2024 tại Girrawheen Koondoola Senior Citizens Centre, vùng Girrawheen. Với sự hiện diện khoảng một trăm quan khách, gồm có: Thành viên Ban chấp hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do Tây Úc, hầu hết các vị Đại Diện các Tôn Giáo, Hội Đoàn, Tổ Chức, thân hữu và đồng hương, buổi lễ diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm và thân tình. Sau phần nghi thức khai mạc, Ban Tổ Chức trình chiếu phim tài liệu tóm tắt về hoạt động của Việt Tân từ khi thành lập cho đến nay, để dẫn đến phần đọc Điếu Văn do ông Trần Cao Hoài, đại diện Đảng bộ Việt Tân Perth, dâng lên các Anh Hùng Đông Tiến. Sau đó, đại diện Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do Tây Úc, các Hội Đoàn, Đoàn Thể và quý đồng hương lên thắp hương rất trang nghiêm và thành kính trước bàn thờ. Buổi lễ đã kết thúc vào lúc 6:00 tối cùng ngày sau khi mọi người cùng dùng tiệc trà thân mật. LỄ TƯỞNG NIỆM ANH HÙNG ĐÔNG TIẾN TẠI TORONTO Ngày 25 tháng 8 năm 2024 vừa qua, đảng Việt Tân Toronto đã tổ chức lễ tưởng niệm lần thứ 37 các Anh Hùng Đông Tiến. Năm nay, buổi lễ không chỉ đặc biệt bởi sự hiện diện của ông Hoàng Tứ Duy, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân, mà còn bởi những kỷ niệm và tâm tình mà ông đã có cùng với các kháng chiến quân, kể lại cho những người tham dự. LỄ TƯỞNG NIỆM ANH HÙNG ĐÔNG TIẾN TẠI NHẬT BẢN Hằng năm, vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9, các cơ sở Việt Tân trên toàn thế giới tổ chức lễ tưởng niệm các Kháng Chiến Quân đã hy sinh trên đường Đông Tiến. Để hòa cùng không khí chung, vào ngày 08/09/2024, cơ sở Việt Tân tại Nhật Bản đã tổ chức Lễ Tưởng niệm Anh Hùng Đông Tiến tại thành phố Kazo, Saitama, Nhật Bản. Buổi lễ đã thu hút đông đảo quý thân hữu và anh chị em Việt Tân đến từ Tokyo, Chiba, và Kanagawa. Cô Nam Phương, một đảng viên trẻ Việt Tân sinh ra và trưởng thành tại Nhật Bản, đã chia sẻ cảm tưởng và suy nghĩ của mình. Cô kêu gọi giới trẻ tiếp nối truyền thống hào hùng của các bậc tiền nhân trong công cuộc dựng nước và giữ nước trước hiểm họa xâm lăng từ phương Bắc, đồng thời phát huy vai trò của giới trẻ trong tình hình mới. Video clip “Tôi tự hào là đảng viên Việt Tân” được trình chiếu đã thu hút sự quan tâm của tất cả mọi người, thể hiện các giá trị tốt đẹp của Việt Tân đang được thế hệ trẻ kế thừa mạnh mẽ. Phần trao đổi ý kiến và tâm tình trước khi kết thúc buổi lễ diễn ra trong tinh thần cởi mở, với những chia sẻ chân thành của đồng hương dành cho Đảng Việt Tân và công cuộc vận động dân chủ hóa Việt Nam. Nhiều thân hữu và bạn trẻ đã bày tỏ mong muốn tiếp bước, phát huy lý tưởng và tinh thần canh tân của những người đi trước đã hy sinh. Buổi lễ kết thúc vào buổi trưa cùng ngày sau lời cảm tạ của ban tổ chức./. Nguồn: Tổng hợp từ Web Việt Tân  
......

Mùa thu Toronto nhớ về những chiến hữu trên đường Đông Tiến

Minh Nhật Toronto, những ngày cuối tháng 8, khi tiết trời se lạnh của mùa thu chớm ùa về, lòng tôi lại chộn rộn, khi trở lại Câu lạc bộ Hải Lục Không Quân Canada. Hai năm qua từ khi đặt chân đến Canada tôi đều đến đây để tưởng niệm những Anh Hùng Đông Tiến, những người đã hy sinh vì lý tưởng giải phóng quê hương. Tôi lớn lên và ăn học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, nhưng cũng chẳng biết từ bao giờ mà lại tra tìm trên Internet về những người bị chế độ coi là “bên kia chiến tuyến.” Năm nay, bên cạnh những khuôn mặt thân quen, tôi còn nhìn thấy những gương mặt trẻ, những người lần đầu đến nơi này. Có lẽ họ cũng giống tôi lần đầu tới đây. Trong ánh mắt họ, tôi thấy sự tò mò, nhưng cũng bao gồm cả sự trân trọng cho những người lính đã ngã xuống. Những người “mang gươm đi mở cõi” trong văn chương, chí lớn chưa thành nhưng hồn tử sĩ vẫn làm hậu thế ngả mũ cúi chào. Hình ảnh của người lính quỳ gối bên mộ đồng đội, và khẩu đại pháo màu xanh lục trước cổng vào Câu lạc bộ Hải Lục Không Quân, như một lời nhắc nhở thầm lặng về những hy sinh lớn lao mà sử sách không bao giờ được phép lãng quên. Ngày 25 tháng 8 năm 2024 vừa qua, đảng Việt Tân Toronto đã tổ chức lễ tưởng niệm lần thứ 37 các Anh Hùng Đông Tiến. Năm nay, buổi lễ không chỉ đặc biệt bởi sự hiện diện của ông Hoàng Tứ Duy, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân, mà còn bởi những kỷ niệm và tâm tình mà ông đã có cùng với các kháng chiến quân, kể lại cho những người tham dự. Giữa không gian lắng đọng, ông Hoàng Tứ Duy chia sẻ về những ký ức với bác mình, Tướng Hoàng Cơ Minh, người tiên phong quay trở lại để quang phục quê hương trong những ngày đen tối. Những câu chuyện về lòng can trường, sự hy sinh và tinh thần trách nhiệm của những người đã đi trước không chỉ là những lời tri ân, mà còn là lời nhắc nhở về con đường mà tiền nhân đã chọn và cũng là lối đi cho quê nhà yêu dấu. Trong những câu chuyện xúc động mà ông Hoàng Tứ Duy kể, có một ký ức đặc biệt về lần ông còn là một cậu bé, được gặp gỡ các chiến hữu của bác mình, như Trần Thiện Khải. Ông nhớ lại lần đầu tiên gặp Trần Thiện Khải, một người không chỉ là một chiến sĩ kiên cường mà còn là một nghệ sĩ tài hoa, người đã sáng tác và hát vang những bài ca cách mạng, truyền lửa cho biết bao người. Ông kể rằng Trần Thiện Khải đã từng đưa cho cậu bé Hoàng Tứ Duy một chiếc khăn tay để thấm máu khi cậu bị rụng răng sữa. Đó chỉ là một chi tiết nhỏ, nhưng nó in sâu vào tâm trí ông như một biểu tượng của sự gắn bó và tình người giữa những chiến sĩ cách mạng, một điều mà ông giữ mãi trong tim. Ông Nguyễn Quốc Hưng, đại diện Việt Tân tại Toronto, cũng chia sẻ những tâm tình của mình. Trong giọng nói trầm ấm của ông, tôi nghe rõ một sự trân trọng vô bờ đối với những người đã ngã xuống. Ông sơ lược lại bối cảnh của 37 năm trước, khi đoàn quân Đông Tiến chỉ còn cách biên giới Việt Nam vài chục cây số, nhưng đã sống trọn vẹn cho tình yêu tổ quốc đến giây phút cuối cùng. Ông cũng nhắc đến vụ án năm 2013, khi cộng sản bắt và xét xử 17 thanh niên Công Giáo – Tin Lành, trong đó có anh Lê Văn Sơn, một đảng viên Việt Tân, người đã viết trên blog của mình: “Hãy sống cho đến chết, đừng chết khi còn đang sống.” Câu nói ấy, giản dị nhưng sâu sắc, đã trở thành một lời nhắc nhở đầy ý nghĩa cho tất cả chúng ta về giá trị của sự sống, không chỉ là tồn tại, mà là sống với ý nghĩa, với lý tưởng cao đẹp mà bao người đã hy sinh để bảo vệ, đó cũng là lời cam kết mà ông Hưng dùng để kết thúc bài phát biểu của mình. Trong buổi lễ, cô Lê Thị Mộng Thu, Chủ tịch Cộng đồng người Việt Quốc gia Toronto, cũng đã chia sẻ về tình cảm đặc biệt mà cô dành cho đảng Việt Tân. Lý do thật đơn giản nhưng đầy ý nghĩa: Ba của cô đã từng là đoàn viên trong Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam của Tướng Hoàng Cơ Minh. Tình cảm ấy không chỉ là sự gắn bó gia đình, mà còn là niềm tự hào về một truyền thống đấu tranh vì tự do, vì tương lai của dân tộc và cũng là lý do cô ủng hộ đảng Việt Tân. “Từ khi qua đây, em được mọi người giúp đỡ và các anh chị coi em như là người trong gia đình…,” một bạn trẻ chia sẻ. Đúng vậy, không khí gia đình là điều mà những người kháng chiến quân đã nuôi dưỡng, và các thế hệ Việt Tân đã được tiếp nhận tinh thần đó để xây dựng một gia đình Việt Tân. Khi nói về tình gia đình, tôi lại nhớ tới sự quan tâm mà chiến hữu Nguyễn Kim đã từng dành cho các đồng đội và sau này là cho những người trẻ như chúng tôi. Hôm nay, trên bàn thờ bức hình của ông được long trọng đặt bên cạnh, vì chính ông từ là một người lính, một kháng chiến quân và rồi một vị chủ tịch của đảng nhưng đã sống một cách rất thân tình với anh em đồng đội. Tình yêu thương đó là di sản mà chiến hữu Nguyễn Kim đã nhận từ chiến hữu Hoàng Cơ Minh và truyền cho thế hệ tiếp nối. Trong bài chiến hữu Tổng bí thư Hoàng Tứ Duy cũng đã chia sẻ trong tâm tình của mình: “Tôi còn nhớ có mặt ở phi trường San Francisco để tiễn ông đi Á Châu. Chiến hữu Hoàng Cơ Minh là một người rất thương gia đình nhưng vì lòng thương non nước ông phải rời xa vợ con. Ông Hoàng Cơ Minh không chỉ tốt với gia đình, ông tốt với tất cả mọi người. Đó là cảm nhận của một đứa cháu với ông Minh khi thấy ông đối xử với mọi người, và sự quý mến nhiều người dành cho ông.” Buổi lễ kết thúc, nhưng những lời nói, những câu chuyện vẫn còn vang vọng trong lòng mỗi người. Toronto những ngày cuối tháng 8 se lạnh, nhưng lòng tôi ấm áp hơn bao giờ hết. Ở nơi đây, những hy sinh, những lý tưởng cao đẹp của các Anh Hùng Đông Tiến vẫn luôn sống mãi, trong trái tim của những người con đất Việt, dù xa quê nhưng lòng vẫn hướng về Tổ Quốc. Mùa tưởng niệm ở nhiều nơi, dịp gặp gỡ và tưởng nhớ lại hành trình của các Anh Hùng Đông Tiến cũng là dịp để nhìn lại chặng đường đã qua và hướng về phía trước. Đã lâu lắm rồi tôi không cầm bút, và thật khó để nói về những người tiên phong như Tướng Hoàng Cơ Minh. Thật khó cho người trẻ như chúng tôi, vốn lớn lên trong chế độ cộng sản, có thể đánh giá đúng và đầy đủ về ông. Nhưng xem qua cuộc đời của những Anh Hùng Đông Tiến, tôi lại thấy liên tưởng tới Nguyễn Hoàng, vị Chúa đầu tiên khai mở triều đại mới trong lịch sử, thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ đã diễn tả được chân dung của ngài ấy trong bài thơ “Nhớ Bắc,” mà nay tôi thấy bóng hình của Tướng Hoàng Cơ Minh. Họ đều là những người “mang gươm đi mở cõi,” và hậu thế sẽ còn tiếp tục nhớ về: “Ai về Bắc, ta đi với Thăm lại non sông giống Lạc Hồng Từ độ mang gươm đi mở cõi Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.” Minh Nhật Nguồn: Việt Tân  
......

Cờ vàng: Nỗi ám ảnh và sự nhỏ nhen

nguyenhuuvinh's blog Nỗi ám ảnh không nguôi Có lẽ, sau cuộc chiến Việt Nam kết thúc vào 30/4/175, mối quan hệ giữa người Việt Nam không cộng sản và người Cộng sản Việt Nam bị chi phối và ảnh hưởng nhiều nhất, ngăn trở lớn nhất đến cái gọi là “Hòa giải, hòa hợp dân tộc” mà người Cộng sản luôn hò hét, đó là lá cờ. Trực tiếp ở đây là giữa lá cờ vàng với ba sọc đỏ mà chế độ Việt Nam Cộng hòa lấy làm quốc kỳ và lá cờ đỏ sao vàng mà chế độ Cộng sản miền Bắc đã dùng cho đến nay. Có thể nói, đó là một sự bất đồng sâu sắc khó hòa giải, khó có thể làm mờ được với thời gian qua đi đã hơn nửa thế kỷ và nhất là thái độ của mỗi bên với vấn đề này, nhất là với nhà cầm quyền Việt Nam. Việc những người Việt xuất phát từ Việt Nam Cộng Hòa khó có thể dung hòa được vấn đề lá cờ, cũng có những nguyên nhân sâu xa của nó và có thể hiểu được. Đó là là cờ mà họ đã thừa kế từ tiền nhân, từ lịch sử đất nước để lấy làm biểu tượng cho một quốc gia, mà ở đó, có một chính quyền, dù chính quyền đó chưa được hoàn hảo, thì đó cũng là một chính quyền manh nha của nền dân chủ ở Việt Nam. Một chính quyền do người dân bầu ra và họ quản lý đất nước, lãnh thổ đó với sự chính danh, với sự đồng thuận của người dân tại đó trong một giai đoạn lịch sử. Đó là lá cờ biểu tượng cho một quốc gia đã từng sánh vai với các quốc gia lân bang, được công nhận bởi nhiều quốc gia lớn trên thế giới, đã đưa lại cho người dân một cuộc sống mà ở đó, giá trị của tự do, của dân chủ được thừa nhận và được phát triển hơn hẳn quốc gia lân bang ở phía Bắc. Đó là lá cờ mà người dân Miền Nam đã đổ máu xương, đã dồn hết mọi nỗ lực để chiến đấu vì nó. Và khi thất trận, họ đã đành bỏ Tổ Quốc, bỏ nơi chôn rau cắt rốn, bỏ lại mồ mả cha ông để ra đi ôm theo mối hận ngàn đời và lá cờ trở thành biểu tượng của một quốc gia, một thời trong lịch sử đất nước, của nhiều đời người và giờ chỉ còn trong ký ức. Thay cho lá cờ đó, là lá cờ đỏ, sao vàng. Đó là một lá cờ mang “màu cách mạng” – Cách mạng vô sản. Lá cờ đó, là biểu trưng của một chế độ được hình thành từ cuộc Cách mạng tháng Cướp chính quyền. Thế rồi từ cướp chính quyền cho đến cướp ruộng đất và tài sản của mọi giai cấp khác trong cuộc đấu tranh “không có gì để mất, trái lại được thì được tất cả”. Cũng trong phong trào đó, chế độ Miền Bắc tiến hành cái gọi là “Giải phóng Miền Nam”. Cụm từ “Giải phóng” đã trở thành điều trớ trêu trong ngôn ngữ Việt khi mà một quốc gia vô sản, nghèo hèn mạt rệp, đi giải phóng” một quốc gia giàu có và phồn vinh. Và lá cờ đỏ đã trở thành nỗi ám ảnh của mọi người dân Miền Nam đã sống qua thời kỳ “được giải phóng”. Có thể nói rằng, mâu thuẫn lớn lao giữa hai lá cờ là mâu thuẫn có thật, là một mối quan hệ khó xử lý, khó giải quyết. Thế nên, đã nửa thế kỷ trôi qua, vẫn còn đó vết hằn của sự thâm thù, của những hành vi thù địch và nhất là thái độ của cả hai bên. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, là thái độ ấy được thể hiện bởi ai và thể hiện như thế nào. Nếu như, những người bên phía cờ vàng có thái độ thù địch, bất hợp tác và coi thường, tẩy chay cờ đỏ và những người phía cờ đỏ, thì đó cũng chỉ là những hành vi và thái độ của những cá nhân hoặc tập thể nào đó thể hiện thái độ của mình với những kẻ bỗng dưng vào “giải phóng” của họ từ tài sản đến tính mạng, con người, đất đai và Tổ Quốc. Còn, phía cờ đỏ, sự thù địch lại bắt nguồn từ một nhà nước, một chính thể mà tự họ đã ca ngợi mình là quang minh, chính đại, là đạo đức, là văn minh. Nếu như phía cờ vàng hận thù vì bỗng dưng bị cướp đi tất cả để buộc họ trở thành lưu vong thì còn hiểu được, chứ việc phía cờ đỏ hận thù cờ vàng thì quả là thậm vô lý khi mà họ chính là thủ phạm lại căm thù nạn nhân. Và đó như một sự ghen ngược. Đó là hai trạng thái và đối tượng khác nhau. Những lời xin lỗi xuất phát từ nỗi sợ hãi Những ngày gần đây, mạng xã hội xôn xao về việc một số ca sĩ Việt Nam đua nhau “Xin lỗi” trên các diễn đàn mạng. Những lời “Xin lỗi” được đưa ra và cộng đồng mạng đua nhau phán xét theo cách nhìn của mỗi người đã tạo ra một sự hỗn loạn hiếm thấy về một hiện tượng cũng hiếm có trên lĩnh vực văn hóa bình thường. Đó là việc một số ca sĩ đã “nhỡ” đứng hát hoặc có hình ảnh liên quan đến lá cờ vàng có ba sọc đỏ và nay họ bị “Chiếu tướng” bởi cơ quan an ninh cộng sản, bởi cơ quan văn hóa nhà nước và nhất là “cộng đồng mõm” – nói theo ngôn ngữ dân gian – hò nhau “tẩy chay” họ để thể hiện cái gọi là “lòng yêu nước” . Và thế là họ phải tự kiểm điểm, tự kiểm duyệt để rồi mấy hôm nay đưa lên mạng những lời xin lỗi thật thống thiết và đáng thương. Họ thanh minh thanh nga rằng do chưa nhận thức đủ, do hoàn cảnh trước đây nọ kia… đủ cả và khẳng định rằng họ là người yêu nước… Ở đây, họ đã nhầm lẫn rất lớn – hay cố tình nhầm lẫn? - giữa khái niệm Tổ Quốc và đảng, bởi khi Đảng cố gắng để xóa nhòa ranh giới ấy, cố gắng để hợp nhất hai khái niệm ấy, thì trên thực tế, đảng là một thực thể hoàn toàn khác và nhiều khi đi ngược lại với khái niệm Tổ Quốc, Nhân Dân, Dân tộc. Thế nên, sự trung thành với Đảng khác với tình yêu quê hương, đất nước. Điều kỳ lạ, là thậm chí một đoạn video của một đôi vợ chồng sang Mỹ có việc đã được cho ngủ nhờ một căn phòng mà ở đó, có cờ vàng, cũng đã trở thành đề tài, thành dự án cho Công an, văn hóa có công việc mà làm, cho cộng đồng 3 củ tha hồ ném đá, mà kêu gọi tẩy chay. Đấy là câu chuyện buồn cười, bởi cho đến nay, chưa thấy bất cứ điều luật nào quy định việc đi ra nước ngoài, vào nhà người khác phải đứng nơi nào, ngồi hoặc nằm ở đâu thì mới được lòng đảng. Trước đây, các linh mục, Giám mục Công giáo trước khi đi học hoặc công việc ở nước ngoài, đều được lực lượng an ninh tổ chức gặp gỡ trước đó, và phải vượt qua bài thi về ứng xử với “thế lực thù địch” ở nước ngoài do An ninh đặt ra qua câu chuyện, thì mới được cấp giấy tờ ra đi. Thế nên, đã có câu chuyện một Giám mục khi ra đến Hải ngoại, đã không vào một khu thương mại người Việt vì có cờ vàng trên nóc nhà. Cuối cùng, người ta phải tháo lá cờ kia xuống để ngài vào thăm khu thương mại đó. Thế nhưng, không phải ai cũng “ngoan” với nhà nước như vị Giám mục kia. Người ta còn nhớ câu chuyện Đức Giám mục Hoàng Đức Oanh, Giáo phận Kon Tum. Trước khi đi sang Mỹ, nhà cầm quyền đã cho mời ngài đến nói chuyện. Trong câu chuyện họ đề nghị ngài không chụp hình ảnh hoặc ngồi dưới cờ vàng. Ngài đã thẳng thắn và dứt khoát như sau: - Các ông có thể cho tôi đi hoặc không thì tôi trả lại hộ chiếu, còn tôi khi đi đến nhà người ta, phải tôn trọng họ. Tôi không thể bảo họ phải đặt bàn chỗ nọ, đặt ghế chỗ kia, hay họ phải sửa bàn thờ hướng này, đặt trên bàn thờ cái kia thì tôi mới vào. Họ mời tôi đến chứ không phải tôi đến để chỉnh sửa họ theo ý tôi. Thế nên, họ đặt cờ hay đặt cái gì là quyền của họ chứ không phải của tôi. Và đến đó thì công an cũng… tịt. Với các ca sĩ, khi đến cộng đồng người Việt hải ngoại để hát, để kiếm tiền, để mưu cầu nhiều thứ khác, tại sao phải buộc họ đứng chỗ nào hay ngồi chỗ nào? Báo chí chưa nói rõ, sau khi xin lỗi vì đã đứng gần cờ vàng, các ca sĩ ấy có trả lại tiền, những đồng đola mà những chủ nhân cờ vàng ấy đã đưa cho họ hay không? Nhưng với tinh thần sám hối như hiện nay, rất có thể họ sẽ trả lại tất cả để thể hiện sự trung thành với đảng. Còn nhà nước và đảng, những đồng tiền mà các ca sĩ, nghệ sĩ ấy đi hát dưới cờ vàng mang về nộp thuế, những cộng đồng cờ vàng làm nên lượng Kiều hối hàng chục tỷ đola kia, đảng có từ chối tiền của những người cờ vàng không? Nếu không thì tại sao? Làm ra, mang tiếng con người nhỏ nhen Hẳn nhiên, câu chuyện này sẽ không tồn tại, nếu như gần đây cả hệ thống Công an cho đến Văn Hóa không làm những việc mà người ta nhìn vào thì thấy sự nhỏ mọn và thậm chí là sự đê tiện nếu đứng trên phương diện nhà nước, trên phương diện là cơ quan công quyền. Như trên đã phân tích, nếu như đồng bào hải ngoại, những người xuất phát từ Miền Nam Cộng Hòa có thái độ thù địch thì đã đành và có thể hiểu được. Còn việc nhà cầm quyền, là một chính thể là thể hiện sự hằn thù một cách rõ rệt với cờ vàng thì quả thật là một vấn nạn rất lớn về nhận thức. Người ta thấy điều này rất rõ ràng với hiện tượng ca sĩ hải ngoại về Việt Nam và ca sĩ Việt Nam đến Hải ngoại những tháng năm qua. Ở đó, có hai thái độ khác nhau. Người ta vẫn còn nhớ những trò bẩn bựa chẳng ai chấp nhận được nhưng là sách lược đối phó của nhà cầm quyền đối với vài ca sĩ, nghệ sĩ từ nước ngoài về Việt Nam biểu diễn. Dù đã đăng ký, đã được phê duyệt hẳn hoi, nhưng đến một lúc nào đó kẻ có quyền hoặc giật mình sợ hãi, hoặc cống nạp không đủ, lại quả không đẹp hay bất cứ một lý do nào đó không hài lòng, thì ngón đòn bẩn lập tức được sử dụng để phá hoại cuộc biểu diễn là bình thường. Đó là câu chuyện vài năm trước, ca sĩ Khánh Ly với chương trình biểu diễn tại Hà Nội và Hải Phòng, với hàng tỷ đồng đầu tư và chuẩn bị hàng tháng trời, để rồi cuối cùng đến khi chuẩn bị biểu diễn thì Nhà hát Lớn Hà Nội … mất điện. Và cái vụ mất điện ấy kéo dài cho đến nay với một thông điệp rằng Khánh Ly sẽ không được biểu diễn tại VN trước đám đông từ 1.000 người trở lên. Rồi không chỉ Khánh Ly mà cả Chế Linh cũng tương tự, những màn dạo đầu với những lời nói ngọt nhạt hòa hoãn, nào là muốn về quê hương để sau này gửi nắm tro tàn, rồi muốn xây một nhà lưu niệm mình tại Việt Nam,  rồi những động tác tưởng có thể lấy lòng quan chức cộng sản khi muốn về biểu diễn tại Việt Nam. Nhưng cuối cùng thì vẫn cứ… mất điện như chơi. Thế nên, các ca sĩ buộc phải “qua sông thì phải lụy đò”, về Việt Nam hát thì phải phục tùng nhà cầm quyền Cộng sản, phải “đẽo lưỡi cho vừa giày” quan chức. Thế nên, mới có câu chuyện “Trời vào thu Chiều Nay buồn lắm em ơi” làm dậy sóng mạng xã hội về thái độ hèn, về sự thiếu liêm sỉ khi một ca sĩ nổi tiếng tự sửa mồm mình cho vừa chân giày nhà nước. Thế nên, mới có câu chuyện ca sĩ Khánh Ly đã gây bất bình cho hệ thống công an, văn hóa khi hát bài hát “Gia tài của mẹ” khi không được cấp phép nên đã bị đảng phạt cho chừa. Bởi làm sao mà đất nước Việt Nam này, gia tài của Mẹ lại là “một nước Việt buồn” cho được khi mà có sự lãnh đạo của đảng trong thời đại rực rỡ nhất? Trong khi đó, các ca sĩ Việt Nam, lại có thể sang tận Hoa Kỳ để hét lên rằng: “Còn giặc Mỹ cọp beo, khi còn giặc Mỹ cọp beo. Em chưa ngừng tay vót chông và bủa vây”… Hoặc có những ca sĩ vừa cầm cờ đỏ hò hét “theo đảng đến cùng” thì ngay sau đó đã sang Mỹ để tự do lấy bà vợ hơn mình 16 tuổi, làm giấy tờ định cư xong thì ly dị mà không hề bị săm soi, chẳng hề phải xin lỗi. Hay những cô ca sĩ hò hét mùa xuân chiến khu náo nức chưa xong thì đã kêu gọi cộng đồng giúp đỡ để có thể đưa con về Mỹ vì bị nhà cầm quyền cấm xuất cảnh. Chính phủ Mỹ vẫn không buộc họ xin lỗi, không hề phái công an điều tra hay bất cứ một hành động nào khó khăn cho họ. Những buổi biểu diễn của họ cũng không bị mất điện theo kế hoạch, cũng chẳng phải bị phạt vì hát bài hát chưa xin phép… hay vì những phát ngôn trong quá khứ hoặc lời thề “chưa diệt giặc Mỹ chưa về quê hương”. Bởi, ngày xưa, với người đàn bà Hoạn Thư đã hành hạ mình đủ mọi tủi nhục, nhưng nàng Kiều vẫn nghĩ rằng: Tha ra, thì cũng may đời Làm ra, mang tiếng con người nhỏ nhen. (Kiều) Thế nên, với một nàng Kiều, một cô gái đã “thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần” vẫn còn nghĩ đến được những điều tử tế mà bỏ qua chuyện nhỏ mọn, lặt vặt trẻ con như báo thù, hận thù lẫn nhau. Vậy cớ sao một nhà nước “chính nghĩa sáng ngời” có một đảng là “đạo đức, là văn minh” đang kêu gào “bỏ qua quá khứ, hướng tới tương lai” rồi chuyện “hòa giải, hòa hợp”… … lại có cách hành xử tệ hại thua hẳn cô gái điếm thời xưa sao? Rất tiếc, đó lại là sự thật. Và đó, cũng là sự nhỏ nhen của cả hệ thống được thể hiện qua sự hận thù vặt vãnh để người ta phải đặt ra câu hỏi: Làm sao có thể lớn lên được. Và, người ta lại nhớ đâu đây câu thơ Tản Đà: Dân hai nhăm triệu ai người lớn? Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con. (Tản Đà) 27.08.2024 J.B Nguyễn Hữu Vinh
......

Sợ bị ‘xử lý’ giống Đàm Vĩnh Hưng, hàng loạt ca sĩ xin lỗi vì ‘dính’ cờ vàng VNCH

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Tóc Tiên là ca sĩ mới nhất lên tiếng xin lỗi công luận do lo sợ bị cấm sóng trên truyền hình ở Việt Nam bởi vì cô từng hát cạnh cờ vàng Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) trong quá khứ. Theo tạp chí Tri Thức (ZNews) hôm 23 Tháng Tám, cô ca sĩ từng góp mặt trong nhiều chương trình “Paris By Night” của trung tâm Thúy Nga, giải thích trên trang cá nhân rằng trong thời gian cô học tập và trình diễn ở Mỹ từ 15 năm trước, “không tránh khỏi việc vô tình xuất hiện trên một vài sân khấu không phù hợp.” Cô Tóc Tiên thừa nhận mình đã “không tìm hiểu kỹ lưỡng và thiếu sự quan sát cẩn trọng.” Nữ ca sĩ nhấn mạnh: “Tiên chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có bất kỳ liên hệ nào với các tổ chức chống phá lại quê hương. Sự tham gia của Tiên vào các sự kiện đó chỉ đơn thuần là những màn trình diễn phục vụ nghệ thuật cho cộng đồng người Việt tại hải ngoại với các bài hát hoàn toàn về tình yêu đôi lứa.” Một ngày trước, ca sĩ Phạm Khánh Hưng, người đang tham gia chương trình ca hát “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” phát sóng trên kênh VTV3 của đài Truyền Hình Việt Nam, cũng xin lỗi do lo sợ bị cấm sóng vì từng hát cạnh cờ vàng. “Qua sự việc này, Hưng cũng thấy mình còn sơ sót và chủ quan trong nhiều khâu. Hưng xin nghiêm túc rút kinh nghiệm, để không bị rơi vào những tình huống tương tự,” nam ca sĩ viết. Một trường hợp tương tự là ca sĩ Phan Đinh Tùng, đang thi hát tại “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” bị dân mạng đào lại ảnh cũ cho thấy anh này từng hát cạnh cờ vàng VNCH trên sân khấu tại Mỹ. Các ca sĩ nêu trên nhìn vào hai trường hợp gần nhất bị “xử lý” mạnh tay là Đàm Vĩnh Hưng và Myra Trần do có hình ảnh gây tranh cãi liên quan đến quốc ca, quốc kỳ hoặc các chi tiết liên quan VNCH. Hồi tháng trước, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị cấm trình diễn và phát hành băng đĩa tại Việt Nam cũng như ở hải ngoại trong vòng chín tháng, do ông này bị quy kết “đeo huy hiệu lạ” trong liveshow “Ngày Em Thắp Sao Trời” diễn ra hồi đầu Tháng Năm ở Sài Gòn. Thời điểm liveshow nêu trên diễn ra, trên mạng xã hội nhiều khán giả cho rằng các huy hiệu trên áo mà Đàm Vĩnh Hưng mặc mô phỏng Biệt Công Bội Tinh – một loại huân chương của chính quyền VNCH phát hành từ 1950 đến 1974. Một trường hợp khác, ca sĩ Myra Trần bất ngờ bị đài Truyền Hình TP.HCM (HTV) cắt phần góp mặt trong chương trình “Anh Trai ‘Say Hi’” vào cuối Tháng Bảy. Cô Myra Trần trình diễn một ca khúc tại đám tang ông Lý Tống diễn ra hồi Tháng Tư, 2019, tại nghĩa trang Westminster Memorial Park, vùng Little Saigon, California. Trong một đoạn video clip trên YouTube ghi lại tại đám tang ông Lý Tống, cô Myra Trần được nhìn thấy mặc áo dài trắng, hát ca khúc “Là Người Việt Nam Tôi Vẫn Nhớ” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.  (N.H.K)   
......

Việt Tân vận động cho nhân quyền Việt Nam tại Quốc hội Hoa Kỳ

Ngày 17 tháng 6, 2024, phái đoàn của Việt Tân đến Quốc Hội Hoa Kỳ, chia sẻ với các dân biểu Mỹ về tình trạng vi phạm quyền con người, đàn áp các nhà hoạt động dân chủ và môi trường của nhà nước cộng sản Việt Nam. Việt Tân kêu gọi các dân biểu Mỹ hỗ trợ và giải cứu các tù nhân lương tâm, các nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam, những người đã bị nhiễu năm tù đầy chỉ vì họ thực hành những quyền cơ bản của con người mà chính chế độ CSVN đã công nhận, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận. Một cách cụ thể để các vị dân biểu giúp là "bảo trợ" một tù nhân lương tâm và lên tiếng vận động cho người tù nhân lương tâm đó. Một đề tài thứ nhì không kém phần quan trọng là tình hình kiểm duyệt trên mạng Internet, đặc biệt là trên Facebook và Youtube. Một trong những ví dụ cụ thể được trình bày đến các dân biểu là sự lạm dụng của đội ngũ dư luận viên được nhà nước bảo trợ, để giới hạn mức phố biến của trang Facebook Việt Tân trong nước. Internet và các mạng xã hội là những phương tiện vô cùng cần thiết cho người dân trong nước tiếp cận với thế giới tự do, với những nguồn thông tin trung thực thay vì chỉ nhận được tin tức từ những cơ quan của Đảng Cộng Sản. Phái đoàn Việt Tân kêu gọi các vị dân biểu yêu cầu Meta, công ty mẹ của Facebook, ngưng hợp tác với Hà Nội. Phái đoàn tiếp xúc với văn phòng của nhiều thành viên Ủy Ban Ngoại Giao như các dân biểu Michael McCaul (chủ tịch), Chris Smith, Brad Sherman và Gerald Connolly. Các văn phòng dân biểu bày tỏ sự quan tâm về những đề tài được trao đổi và sẽ tìm cách lên tiếng cho người dân Việt Nam thật sự hưởng được những quyền cơ bản phổ quát của nhân loại./.
......

Hội đồng Liên Tôn Việt Nam được trao Giải Tự do Tôn giáo Nguyễn Kim Điền 2024

Đại diện HĐLTVN, mục sư Trần Thanh Vân (phải) tiếp nhận giải thưởng từ Trưởng ban tổ chức giải Đỗ Như Điện trong buổi trao giải ngày 08/6/2024 RFA Ngày 08/6, Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại đã trao Giải Tự do Tôn giáo Nguyễn Kim Điền 2024 cho Hội đồng Liên Tôn Việt Nam (HĐLTVN) vì sự đóng góp của tổ chức này cho phong trào đấu tranh đòi tự do tôn giáo ở Việt Nam. Giải thưởng trị giá 5.000 Mỹ kim được đặt theo tên của giám mục Giáo hội Công giáo Rôma tại Việt Nam - Philipphê Nguyễn Kim Điền, nguyên Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Huế, người đã thẳng thắn phê phán những sai lầm của đảng Cộng Sản và đột ngột qua đời vào tháng 6 năm 1988 ở Bệnh viện Chợ Rẫy (Sài Gòn). Kỹ sư Đỗ Như Điện, điều hợp viên của Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại kiêm trưởng ban tổ chức cho biết đây là giải thưởng thường niên có từ năm 2010 và HĐLTVN đã vượt qua bốn ứng cử viên khác. Ông Điện nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 11/6: “Hội đồng Liên Tôn Việt Nam có những can thiệp mạnh mẽ, họ không bỏ qua vụ đàn áp nào của nhà cầm quyền đối với các tôn giáo, không phải là chỉ Phật giáo hay là Công giáo mà là cả năm tôn giáo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tin Lành; tạo ra tiếng vang ở nước ngoài. Hội đồng Liên Tôn là mối liên kết giữa những người đấu tranh cho tự do tôn giáo trong nước với các tổ chức quốc tế và những tổ chức đấu tranh của người Việt ở hải ngoại cho vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền.” Cũng theo ông Điện, việc trao giải cũng là một cách để vinh danh tinh thần tranh đấu và hỗ trợ các thành viên của hội đồng trong bối cảnh các cuộc đàn áp bất đồng chính kiến gia tăng ở Việt Nam. Hoà thượng Thích Không Tánh, đồng chủ tịch của HĐLTVN, phát biểu với RFA: “Hội đồng Liên Tôn Việt Nam chúng tôi rất vui mừng, đây là một sự khích lệ lớn lao góp phần chung cho công cuộc dấn thân đấu tranh cho tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam bởi vì hiện tại chế độ cầm quyền cộng sản Việt Nam thường trực đàn áp và vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam.” Vị hoà thượng từng được trao giải thưởng này năm 2019 cùng với mục sư Tin Lành Nguyễn Hồng Quang kêu gọi các tôn giáo độc lập đoàn kết để cùng đòi nhà nước độc đảng ở Việt Nam tôn trọng quyền tự do tôn giáo và niềm tin. Phóng viên gửi email tới Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về việc HĐLTVN được trao Giải Tự do Tôn giáo Nguyễn Kim Điền năm nay, nhưng chưa nhận được ngay phản hồi. Chính phủ thường phủ nhận các cáo buộc đàn áp tự do tôn giáo. HĐLTVN được chính thức thành lập từ năm 2014 sau một giai đoạn sơ khởi với các cao trào đòi tự do tôn giáo từ cuối năm 2000 bằng việc một số chức sắc tôn giáo như cụ Lê Quang Liêm (cố hội trưởng Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo), Thượng toạ Thích Thiện Hạnh, hai linh mục Công giáo Nguyễn Văn Lý và Chân Tín ký bản Tuyên bố về Chính sách tự do tôn giáo của Cộng sản Việt Nam. HĐLTVN hiện nay gồm có 30 chức sắc thuộc các giáo hội độc lập như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo Chơn truyền, Cao Đài Thuần tuý, và Tin Lành. Song song với việc lên tiếng phản đối các vụ đàn áp tôn giáo trên cả nước, hội đồng còn tham gia, ủng hộ tinh thần với một số hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự như Hội cựu Tù nhân Lương tâm, Lao động Việt, Hội Phụ nữ Nhân quyền, Diễn đàn Xã hội Dân sự … Đại diện ngoại giao từ nhiều quốc gia như Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Đức… thường xuyên gặp gỡ HĐLTVN để trao đổi thông tin về tự do tôn giáo ở Việt Nam. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/inter-religion-council-honored-with-nguyen-kim-dien-religious-freedom-prize-06112024032526.html
......

Hội Bác Ái Vinh Sơn Phaolo - Đức Quốc quyên góp cho Tổ chức "Cứu trợ trẻ em Bethlehem "

Moenchengladbach   Bệnh viện Nhi đồng Caritas ở Bethlehem là bệnh viện duy nhất ở Westjordanland. Hàng năm, bất kể nguồn gốc và tôn giáo, hàng chục ngàn trẻ em dưới 18 tuổi bị bệnh được chăm sóc y tế, điều dưỡng và điều trị tại đây,. Bệnh viện hòan toàn trông cậy vào sự giúp đỡ của các khoản đóng góp từ thiện và vẫn mở cửa kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Gaza vào tháng 10, nhưng nhiều gia đình sống bên ngoài Bethlehem chỉ có thể đến bệnh viện trong điều kiện khó khăn do Westjordanland bị đóng cửa khẩu. Đó là lý do tại sao đường dây điện thoại hotline 24/24 tiếng được thiết lập. Ngoài ra, bệnh viện nhi đồng Caritas cùng với sự hợp tác của các nhà thuốc tây và bệnh viện bên ngoài Bethlehem còn tổ chức phân phát thuốc men, đặc biệt cho trẻ em mắc bệnh mãn tính. Tổ chức "Cứu trợ trẻ em Bethlehem "thuộc Hiệp hội Caritas Đức viết về tình hình hiện nay: “Người dân ở Westjordanland sống trong nỗi sợ hãi về những bạo lực đang xảy ra và một tương lai chính trị mơ hồ”.   Frank Polixa, Giám đốc điều hành Hiệp hội Caritas khu vực Mönchengladbach, đã chuyển tiếp các khoản quyên góp 2.545 Euro từ cộng đồng Vinzenz-von-Paul  (Hội Bác Ái Vinh Sơn Phaolo - Đức Quốc) đến bệnh viện này. Hội trưởng Van Ri Nguyễn cùng với các đồng nghiệp trong Ban quản trị là Trần Lê Hoàng và Trần Trâm Anh cũng như linh mục Johannes van der Vorst, đã trao ông một tấm ngân phiếu tượng trưng cho khoản cho quyên góp này. Thay mặt Children's Aid Bethlehem, ông Polixa nồng nhiệt cảm ơn sư, giúp đỡ này. Ông nói: “Với tấm lòng của các bạn, trẻ em ở Bethlehem và khu vực lân cận có thể nhận được trợ giúp y tế”. Van Ri Nguyễn (71) cho biết: “Cộng đồng chúng tôi có khoảng 70 thành viên ở Mönchengladbach và khu vực lân cận. Chúng tôi họp nhóm hai lần một năm để cử hành thánh lễ cũng như cùng nhau mừng Năm Mới”. Vào những dịp này, tiền được quyên góp cho những người cần được hỗ trợ. Ngoài ra, ông Van Ri Nguyễn còn đích thân gọi điện thoại cho các thành viên để kêu gọi quyên góp. Kể từ khi cộng đồng được thành lập cách đây 20 năm, người Việt đã quyên góp được hơn 60.000 Euro. Hai phần ba trong số này được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Caritas ở Bethlehem https://www.caritas-mg.de/aktuelles/presse/vietnamesen-spenden-2.545-euro-fuer-caritas-kinderklinik-in-bethlehem-33cbf2cd-2e21-4238-b3a8-f8a20a https://www.meine-woche.de/moenchengladbach/moenchengladbacher-vietnamesen-spenden-fuer-kinder_aid-111218543 https://www.caritas.de/diecaritas/in-ihrer-naehe/nordrhein-westfalen/presse/vietnamesen-spenden-2.545-euro-fuer-caritas-kinderklinik-in- https://www.extendbrowser.com/kidssafeweb/scripts/message.php?url=der-lokalbote.de&cats=Uncategorized&iudp=92 https://www.caritas-ac.de/unser-verband/neues-aus-der-verbandlichen-caritas/vietnamesen-spenden-2.545-euro-fuer-caritas-kinderklinik-in-bethlehem-94d60416-4f82-4f50-ad55-308f53  
......

Sinh hoạt người Việt tại Đức nhân 49 năm Tháng Tư Đen

Trưa 27 tháng Tư, 2024 gần 100 người Việt đã đến trước đại sứ quán CSVN ở Berlin để bắt đầu ngày sinh hoạt Tháng Tư Đen. Buổi biểu tình bắt đầu bằng nghi thức chào cờ Đức và Việt và tưởng niệm nạn nhân cộng sản đã bỏ mạng trong các trại tù cải tạo và trên đường vượt biên vượt biển sau ngày 30 tháng Tư 1975 tang thương đó. Sau nhiều tuần mưa gió lạnh liên tiếp, trời hôm qua bỗng ấm áp trên 20°C dưới ánh náng vàng khiến màu cờ vàng thêm phần rực rỡ. Bà bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm đã đại diện ban tổ chức buổi biểu tình và Liên Hội Người Việt Tị Nạn CS tại CHLB Đức đọc bài diễn văn ngắn chào mừng, cám ơn người tham dự. Bác sĩ Mỹ Lâm nhắc lại ý nghĩa đầy tai họa của ngày 30 tháng Tư 1975 đối với dân tộc Việt Nam mà từ đó cả nước sống trong một chế độ toàn trị và mất hết mọi quyền tự do căn bản. Giới quan chức lãnh đạo ĐCSVN thì sống xa hoa nhờ quốc nạn tham nhũng trong khi đại đa số dân Việt Nam phải đối diện với cuộc sống cơ cực, thiếu thốn, nghèo đói. Bất công xã hội là điều ai cũng thấy rõ. Thêm vào đó, nghị quyết 1334/QD-TTg ký ngày 10.11.2023 còn có mục đích khống chế người Việt hải ngoại, dù điều này vi phạm luật pháp của nhà nước pháp quyền Đức. Ông Huỳnh Nhu đại diện Hội Người Việt TNCS tại Hamburg tiếp lời bác sĩ Mỹ Lâm tố cáo CSVN là tập đoàn „hèn với giặc, ác với dân“. Bất công xã hội, kinh tế lạc hậu, đạo đức xã hội trở nên suy đồi hơn lúc nào hết là hậu quả trực tiếp của hàng loạt chính sách cai trị sai lầm. Luật sư Nguyễn Văn Đài so sánh việc thống nhất hai miền Đông và Tây nước Đức dưới thể chế tự do với quá trình tương tự ở Việt Nam và nêu ưu điểm vượt trội khi sống trong một thể chế tự do, nơi mọi quyền căn bản của con nước được tôn trọng và bảo vệ bởi luật pháp thật sự do dân và vì dân. Luật sư Đài nêu nhận xét, tình trạng tham nhũng ở Việt Nam thuộc về bản chất của chế độ nên không thể nào giải quyết rốt ráo và tốt đẹp được cho đất nước. ĐCSVN hô hào chống tham nhũng chỉ là làm cho có thôi. Ông Phạm Công Hoàng, cố vấn cho Liên Hội tố cáo CSVN đã biến đất nước thành nhà tù vĩ đại sau ngày 30 tháng Tư 1975 nhằm trả thù công chức, sĩ qua, binh lính Việt Nam Cộng Hòa và giam giữ những nhà bất đồng chính kiến cho đến tận hôm nay. Xen kẽ giữa các bài phát biểu súc tích là tiếng hô khẩu hiệu như „Tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam!“, „Đả đảo ĐCSVN“, „ĐCSVN hèn với giặc, ác với dân“ bằng cả hai ngôn ngữ Việt và Đức. Những bài hát đấu tranh như „Việt Nam quê hương ngạo nghễ“, „Trả lại cho dân“, „Việt Nam, Việt Nam“ ... được ban tổ chức mở lên để đoàn người cùng hát vang một góc phố. Sau gần 1 giờ đồng hồ, ban tổ chức đã thu xếp dụng cụ để cùng Sau khi chấm dứt buổi biểu tình trước sứ quán csvn, mọi người di chuyển đến quảng trường Pariser ngay cổng Brandenburg lịch sử nổi tiếng và cũng là nơi „phải đến“ của du khách khi viếng Berlin. Biểu tình cạnh Brandenburger Tor Phần nghi thức bắt đầu tại đây có thêm phần chào cờ và quốc ca Ukraine, quốc gia đang bị Nga xâm lăng và đang trở thành biểu tượng của việc chống các chế độ độc tài hung hăng trên thế giới. Nơi đây luôn có đông đảo du khách từ khắp nơi trên thế giới tới thăm. BS Mỹ Lâm đã có bài phát biểu tương tự bằng Đức ngữ. Các khẩu hiệu bằng tiếng Đức lên án CSVN cai trị Việt Nam bằng bàn tay sắt và lên tiếng đòi nhân quyền và các quyền tự do khác cho dân Việt Nam vốn là khát vọng bấy lâu nay của dân VN. Tiếp lời BS Mỹ Lâm, ông Nguyễn Thế Bảo, chủ tịch Hội NVTNCS tại Nürnberg và vùng phụ cận, cũng phát biểu bằng tiếng Đức đã nói cho dân Đức hiểu về sự cai trị độc đoán, chuyên quyền của ĐCSVN nên dân VN cũng như về ý nghĩa của ngày Tháng Tư Đen. Và vì sao dân Việt Nam phải lên tiếng biểu tình bày tỏ chính kiến. Ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh, phó chủ tịch Liên Hội và cũng là người điều khiển chương trình sinh hoạt tại 3 nơi hôm qua một lần nữa giải thích cho người Đức rõ vì sao người Việt tị nạn cộng sản có mặt tại nước Đức. Ông cũng lên tiếng cám ơn chính phủ và dân Đức đã mở rộng vòng tay cưu mang người Việt. Phần sinh hoạt thứ hai này kết thúc bằng những tấm ảnh chụp chung trước Brandenburger Tor với rừng cờ vàng và biểu ngữ. Hội trường nhà thờ St. Bonifatius Sau chừng 90 phút biểu tình, đoàn biểu tình giải tán để di chuyển đến nhà thờ St. Bonifatius ở gần đó. Ở đây mọi người được dùng bữa chiều với món bò kho đặc sắc do vợ chồng anh chị Giang – Huệ tự tay nấu và mang đến  từ thành phố Pinneberg cách Berlin gần 350km! (và đây cũng không phải là lần đầu tiên anh chị có đóng góp đáng quý này. Cầu nguyện theo nghi thức Phật Giáo do cư sĩ Trí Lực và ông Phạm Công Hoàng phụ trách; theo nghi thức Công Giáo do ông Nguyễn Văn Rị thực hiện bằng việc thắp nến trên bản đồ hình chữ S. Một lần nữa BS Mỹ Lâm cám ơn người tham dự. Lời cảm tạ đặc biệt dành cho anh Vĩnh Điệp đến từ Augsburg cách Berlin hơn 600km đã lo những dụng cụ  âm thanh cho biểu tình và văn nghệ rất nặng nề mà anh chở đầy 1 xe. Mỗi lần di chuyển là mỗi lần khó nhọc nhưng với tấm lòng tha thiết, nhiệt tình cháy bỏng với đất nước, anh đã không quản ngại bao khó khăn để phục vụ sao cho ngày sinh hoạt thành công. BS Mỹ Lâm cũng cám ơn cư sĩ Trí Lực đến từ xứ Thụy Điển xa xôi, ca sĩ Thụy Uyển và nhạc sĩ Cao Thìn, hai người luôn sát cánh với cộng đồng người Việt ở Âu Châu trong những sinh hoạt đấu tranh bằng lời ca tiếng nhạc đặc sắc đã trở thành quen thuộc. BS Mỹ Lâm không quên cám ơn anh chị Giang – Huệ và các anh chị luôn sốt sắng giúp đỡ ban tổ chức về mọi mặt. Bà cũng cám ơn tổ chức „Hành Động Kitô Giáo Nhằm Xóa Bỏ Tra Tấn“ (ACAT), tuy không thể đến tham dự nhưng đã gửi thư bày tỏ sự liên đới và ủng hộ ban tổ chức trong ngày sinh hoạt đầy ý nghĩa này. Kết thúc ngày sinh hoạt là tiết mục văn nghệ. Ngoài anh chị Uyển và Thìn, nhiều người đã chia sẻ với cử tọa những bài hát, bài thơ, câu chuyện vui trong bầu không khí vừa trang nghiêm vừa ấm áp tình giữa những người cùng chung chí hướng đấu tranh cho một Việt Nam tự do, dân chủ và nhân bản. Chương trình chấm dứt khoảng 20 giờ. Mọi người cùng chung tay dọn dẹp với ban tổ chức./.  
......

THƯ KÊU GỌI BIỂU TÌNH nhằm hỗ trợ cho nhân quyền và dân quyền nhân dịp « KIỂM ĐIỂM ĐỊNH KỲ PHỔ QUÁT – UPR » ( UPR – UNIVERSAL PERIODIC REVIEW )

Lá thư thứ hai   THƯ KÊU GỌI BIỂU TÌNH   nhằm hỗ trợ cho nhân quyền và dân quyền nhân dịp « KIỂM ĐIỂM ĐỊNH KỲ PHỔ QUÁT – UPR » ( UPR – UNIVERSAL PERIODIC REVIEW )   vào ngày 7 tháng 5 năm 2024   Genève, ngày 8 tháng 4 năm 2024   Kính gửi quý tổ chức và đoàn thể, Kính gửi quý đồng hương, Kính thưa quý vị,   Trong lần Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát của Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng giêng năm 2019, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã chấp nhận 241 khuyến nghị để cải thiện tình trạng nhân quyền và dân quyền của Việt Nam trên các lãnh vực chính trị, xã hội, văn hóa, kinh tế, giáo dục, tôn giáo. Vào tháng 10 năm 2022 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã trở thành thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, nhiệm kỳ 2023-2025.   Nhưng cho đến nay, tình trạng dân quyền và nhân quyền trong nước, chẳng những không được cải thiện mà còn thậm tệ hơn trước. Trong 5 năm qua, các nhà báo, bloggers, các nhà bảo vệ nhân quyền đã bị đàn áp nặng nề hơn, các tôn giáo bị bách hại, các tổ chức xã hội dân sự bị ngăn cản hoạt động.   Nhằm hỗ trợ cho đồng bào trong nước đang tranh đấu đòi nhân quyền và dân quyền, chúng tôi gồm các tổ chức ký tên bên dưới (danh sách sẽ tiếp tục được bổ túc trong các thư tới) kêu gọi quý tổ chức, đoàn thể và quý đồng hương hãy về Genève, Thụy Sĩ, nhân dịp Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc kiểm tra tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong phiên Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát – UPR, vào ngày 7 tháng 5 năm 2024 để cùng lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực mạnh mẽ lên nhà cầm quyền Đảng CSVN, để họ phải thực thi những gì mà họ đã cam kết trước Liên Hiệp Quốc.     Ký tên,   •    Hòa Thượng Thích Như Điển, Chánh Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Phương Trượng Tổ Đình Viên Giác   •   Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Thụy Sĩ Đại diện: Linh Mục Giuse Phạm Minh Văn – minhvan@bluewin.ch   •   Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Đức Đại diện: Ông Martino Phạm Duy Vũ  – vupham@gmx.de   •   Hội Người Việt Quốc Gia Lausanne tại Thụy Sĩ Đại  diện:  Bà  Tăng  Lâm  Thể  Hồng  –  info@hoi-nguoivietquocgia- lausanne.ch   •   Ủy Ban Thụy Sĩ – Việt Nam (Cosunam) tại Thụy Sĩ Đại diện: Ông Nguyễn Tăng Lũy – info@cosunam.ch   •   Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại Thụy Sĩ Đại diện: Ông Trần Hữu Kinh – kingtran1@gmail.com   •   Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ Đại diện: Ông Nguyễn Lê Nhân Quyền – liguevndh@gmail.com   •   Cộng-Đồng Việt-Nam tại Liège - Vương Quốc Bỉ Đại diện: Ông Lê Hữu Đào – cdvnlg2013@gmail.com   •   Hội Chuyên Gia Việt Nam – Vương Quốc Bỉ Đại diện: Bà Nguyễn Mộng Châu – mongchau@yahoo.fr   •   Hội Người Việt Hjørring Đan Mạch Đại diện: Ông Phạm Cần – cp52222000@gmail.com   •   Hội Người Việt Tự Do Đan Mạch Đại diện: Bà Nguyễn Kim Hương – kimhuongarhus@gmail.com   •   Ủy Ban Hỗ Trợ Việt Nam tại Đan Mạch Đại diện: Bà Helena Hương Nguyễn – StotteKomiteVN@gmail.com   •   Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức Đại diện: Bà Hoàng Thị Mỹ Lâm – hoangml69@hotmail.com   •   Hội Người Việt TNCS Bremen, Đức Quốc Đại diện: Ông Lâm Hoàng Linh – hoanglinhlam@gmail.com   •   Tổ Chức Sinh Hoạt Người Việt tại CHLB Đức Đại diện: Ông Phạm Công Hoàng – oavdhpc@aol.com   •   Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris - Pháp Đại diện: Ông Phạm Nam Anh – contact@agevp.com   •   Hội Ái Hữu Việt Nam vùng Saint Quentin en Yvelynes – Pháp Đại diện: Ông Mai Quốc Tuấn – maiquoctuan978@gmail.com   •   Gia Đình Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa tại Hòa Lan Đại diện: Ông Trần Văn Thắng – tranvanthang50@hotmail.com   •   Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hòa Lan Đại diện: Ông Nguyễn Hữu Phước – hpnguyen@ziggo.nl   •   Hội Bảo Tồn Truyền Thống Việt Nam Tại Moss – Na Uy Đại diện: Ông Trần Bửu Thọ – hoibtttvn.nu@gmail.com   •   Hội Người Việt Tị Nạn tại Stavanger – Na Uy Đại diện: Ông Minh Michael Nguyên – mmnguyen74@hotmail.com   •   Hội Thanh Niên Việt Nam Tỵ Nạn (Pháp Quốc) Đại diện: Ông Nguyễn Ngọc Liêm – liem_nguyenngoc1@yahoo.fr   •   Nhóm Nhân Văn Việt Tộc / Pháp Đại diện: Ông Hoàng Đức Phương – Vuvietnhan532@gmail.com   •   Hội Thân Hữu Việt Tân tại UK Đại diện: Bà Lê Thị Kim – lethikim1081975@gmail.com   •   Hội Anh Em Dân Chủ tại Việt Nam Đại diện: Ông Nguyễn Văn Đài – bfdvn2018@gmail.com   •   Đảng Việt Tân Đại diện: Ông Trần Kỉnh Thành – thanhtran5458@gmail.com       CHƯƠNG TRÌNH   THỨ  HAI  6.5.2024     Địa điểm:       FERME SARASIN 47, chemin Edouard-Sarasin – 1218  Le Grand-Saconnex     15g-17g    HỘI THẢO UPR VIETNAM UPR 2024 – THE MOMENT OF TRUTH                          Để tham gia Hội Thảo, xin vui lòng ghi danh trước qua: UPR-VN@viettan.org   Phát hình trực tiếp/livestream:  fb.com/viettan     20g-22g    VĂN NGHỆ ĐẤU TRANH KHI TIẾNG HÁT LÀ THÔNG ĐIỆP…   Vào cửa tự do – Có bán thức ăn tại chỗ       THỨ  BA  7.5.2024   Biểu tình từ 9 giờ đến 12 giờ trước trụ sở Liên Hiệp Quốc Palais des Nations, Genève, Thụy Sĩ       Ban Tổ Chức tại Thụy Sĩ:   •   Đại diện Đảng Việt Tân tại Thuỵ Sĩ, ông Nguyễn Đăng Khải ĐT: +41 76 547 94 98 – Email: khai@viettan.org   •   Đại diện Hội NVQG Lausanne, bà Tăng Lâm Thể Hồng ĐT: +41 79 617 08 73 Email: info@hoi-nguoivietquocgia-lausanne.ch   •    Đại diện Ủy Ban Thụỵ Sĩ – Việt Nam (Cosunam), ông Nguyễn Tăng Lũy ĐT: +41 79 398 59 60 – Email: info@cosunam.ch Khách sạn cho UPR Genève 2024     Từ địa điểm văn nghệ:     FERME SARASIN 47, chemin Edouard-Sarasin 1218 Le Grand-Saconnex     1.- Hôtel ibis budget Genève Palexpo Aéroport 28, route Francois Peyrot – 1218  Le Grand-Saconnex https://all.accor.com/hotel/A8F3/index.fr.shtml?utm_ campaign=seo+maps&utm_medium=seo+maps&utm_ source=google+Maps 400 m   2.-   Hôtel ibis Styles Genève Palexpo Aéroport 28, route Francois Peyrot – 1218 Le Grand-Saconnex https://all.accor.com/hotel/A8F2/index.fr.shtml   400 m   3.-   B&B HOTEL Geneva Airport 73, avenue de l’Etang – 1219 Vernier https://www.hotel-bb.com/fr/hotel/geneva-airport?utm_ source=googlemaps&utm_medium=fichehotel&utm_ campaign=yext   2.2 km   4.-   Hôtel ibis budget Genève Aéroport 26, avenue Louis-Casai, 1216 Cointrin https://all.accor.com/hotel/5653/index.en.shtml   2 km   Tất cả khách sạn tại Genève đều cho vé xe bus/tram, để khách có thể di chuyển 24/24, suốt thời gian lưu trú trong thành phố Genève.   Trên nguyên tắc, khi đặt phòng, 2 ngày trước ngày đến, sẽ nhận một email của văn phòng “Office du Tourisme de Genève” gửi cho các vé xe bus/tram. Nếu không nhận duoc, thì khi đến khách sạn, hỏi ngay tại phòng tiếp tân.     1.-  Hầm trú ẩn:  3, Voie-de-Moens 1218 Le Grand-Saconnes 2.-  Văn nghệ:    Ferme Sarasin 47, chemin Edouard-Sarasin 1218 Le Grand-Saconnex 3.-  Khách sạn:   Ibis Budget & Styles 28, route François-Peyrot 1218 Le Grand-Saconnex 4.-  Biểu tình:     Place des Nations, Genève trước trụ sở Liên Hiệp Quốc   Hôtel ibis budget Genève Palexpo Aéroport Hôtel ibis Styles Genève Palexpo Aéroport   Nơi biểu tình: Place des Nations, Genève, trước trụ sở Liên Hiệp Quốc     B&B HOTEL Geneva Airport 73, avenue de l’Etang – 1219 Vernier   Hôtel ibis budget Genève Aéroport 26, avenue Louis-Casai, 1216 Cointrin
......

Yêu cầu trả tự do cho bà Nguyễn Thuý Hạnh chữa bệnh ung thư

Kính gửi: Ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Bà Nguyễn Thuý Hạnh sinh 25/5/1963, là một nhà hoạt động nhân quyền, người chủ trương Quỹ 50K hỗ trợ các tù nhân lương tâm và gia đình họ. Ngày 7 tháng 4 năm 2021, công an Hà Nội đã bắt giam bà về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” quy định tại điều 117 Bộ luật hình sự năm 2015. Cuối tháng 4 năm 2022, tuy đã hết hạn điều tra, bà Nguyễn Thúy Hạnh vẫn bị chuyển vào giam giữ tại khoa Chữa bệnh bắt buộc của Viện Pháp y Tâm thần trung ương. Đến nay, sau gần ba năm bị bắt trong đó có hơn 22 tháng ở bệnh viện, bà Nguyễn Thúy Hạnh chưa bị tòa tuyên án, có nghĩa bà Nguyễn Thúy Hạnh chưa hề là phạm nhân. Sống hơn một năm trong trại tạm giam Hà Nội trước khi vào Viện Pháp y, bị đưa vào người những thức ăn và nước uống dơ bẩn, độc hại, hậu quả nặng nề là ngày 15/1/2024 bà Hạnh đã được phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn giữa. Tiếp tục giam giữ bà Hạnh dưới bất kỳ hình thức nào khi đã hết hạn điều tra từ rất lâu và trong tình cảnh bà bị bệnh hiểm nghèo ở tuổi trên 60 là việc làm trái pháp luật và hết sức vô nhân đạo. Chúng tôi, các tổ chức và cá nhân ký tên dưới đây, khẩn thiết yêu cầu ông chỉ đạo các cơ quan hữu trách trả tự do ngay lập tức cho bà Nguyễn Thuý Hạnh để bà được chữa bệnh một cách thuận lợi.   MỜI QUÍ VỊ KÝ TÊN YÊU CẦU TRẢ TỰ DO CHO BÀ NGUYỄN THUÝ HẠNH CHỮA BỆNH UNG THƯ (TRÊN TRANG KIẾN NGHỊ QUỐC TẾ CHANGE.ORG) Link của trang có thể vào thẳng từ nước ngoài: http://chng.it/n87VqKD2sg Link vượt tường lửa để vào: https://eu3.proxysite.com/process.php... TỔ CHỨC: 1. Diễn đàn Xã hội dân sự. Đại diện: TS Nguyễn Quang A 2. Diễn đàn Bauxite Việt Nam. Đại diện: GS Nguyễn Huệ Chi 3. Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng. Đại diện: Nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Chi CÁ NHÂN: 1. Nguyễn Quang A, TS Tin học, Hà Nội 2. Hoàng Hưng, làm thơ, dịch sách, Sài Gòn 3. Nguyễn Huệ Chi, GS Ngữ văn, Hà Nội 4. Nguyễn Đình Nguyên, TS Y khoa, Australia 5. Phan Hoàng Oanh, TS Hóa học, Sài Gòn 6. Nguyễn Mai Oanh, Ths Kinh tế Phát triển, Sài Gòn 7. Hoàng Dũng, PGS TS Ngữ văn, TP.HCM 8. André Menras Hồ Cương Quyết, cựu Giáo chức, Paris, Pháp 9. Hà Sĩ Phu, TS Sinh học, Đà Lạt, Lâm Đồng 10. Nguyễn Nguyên Bình, Nhà văn, Hà Nội 11. Nguyễn Thị Kim Chi, Nghệ sĩ, CLB Lê Hiếu Đằng 12. Mạc Văn Trang, PGS TS Tâm lý học, CLB Lê Hiếu Đằng 13. Lê Thân, CLB Lê Hiếu Đằng 14. Phan Đắc Lữ, Nhà thơ, CLB Lê Hiếu Đằng 15. Lê Phú Khải, Nhà báo, CLB Lê Hiếu Đằng 16. Đỗ Như Ly, Kỹ sư, CLB Lê Hiếu Đằng 17. Võ Văn Thôn, nguyên giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, CLB Lê Hiếu Đằng 18. Daniel Thiều Thị Tân, CLB Lê Hiếu Đằng 19. Vũ Trọng Khải, PGS TS Chính sách nông nghiệp 20. Bùi Nghệ, Kỹ sư, CLB Lê Hiếu Đằng 21. Lại Thị Ánh Hồng, Nghệ sĩ, CLB Lê Hiếu Đằng 22. Kha Lương Ngãi, nguyên phó TBT báo SGGP, CLB Lê Hiếu Đằng 23. Bùi Minh Quốc, Nhà thơ, Nhà báo, Đà Lạt, Lâm Đồng 24. Nguyễn Khắc Mai, Nhà nghiên cứu văn hoá, Hà Nội 25. Nguyễn Thị Khánh Trâm, hưu trí, TP.HCM 26. Ngô Kim Hoa, TP Hồ Chí Minh. 27. Vũ Huy Linh, bác sĩ y khoa Hoa Kỳ. 28. Đào Tiến Thi, Hà Nội. 29. Hà Dương Tường, nhà giáo Pháp. 30. Nguyên Ngọc, nhà văn Hội An. 31. Trần Minh Thảo, viết văn CLB Phan Tây Hồ, Lâm đồng. 32. Nguyễn Viện, nhà văn, TP.HCM. 33. Phạm Nguyên Trường, kỹ sư, Vũng Tàu. 34. Hoàng Thị Hà – Hưu trí – Thanh Xuân, Hà Nội. 35. Đặng Bích Phượng – Hưu trí, Hà Nội. 36. Đinh Hoàng Thắng – cựu đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Hà Nội. 37. Nguyễn Ngọc Giao, nhà giáo, Pháp.  
......

Biểu tình nhân 50 năm Hoàng Sa bị Trung quốc cưỡng chiếm

Như nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã nói: Trả ta sông núi từng trang sử Dân tộc còn nghe vọng thiết tha Ngược vết thời gian, cùng nhắn nhủ: Không đòi, ai trả núi sông ta Thành phố Den Haag hôm nay (20.1.2024) cái lạnh vẫn còn tròm trèm 0 độ C, nhưng trời trong và khô ráo, mà như ông Trưởng Ban Tổ Chức cuộc biểu tình Đinh Ngọc Hiển cho biết có lẽ nhờ hồn thiêng sông núi vì chỉ vài ngày trước đó tuyết lạnh đã đổ xuống nơi đây. Không quản ngại đường xá xa xôi, không sờn lòng vì cái lạnh đang trong mùa đông Âu Châu, khoảng hơn 160 bà con người Việt từ Na Uy, Đan Mạch, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ đã kéo về trước Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế PCA tham dự cuộc biểu tình nhân 50 năm Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm do Cộng đồng NVTNCS tại Hòa Lan, Gia đình Quân Cán Chính VNCH tại Hòa Lan và đảng Việt Tân tổ chức. Cuộc biểu tình bắt đầu từ 14 giờ với nghi thức chào cờ và mặc niệm. Xen kẻ với những bài hát đấu tranh và khẩu hiệu là những phát biểu của đại diện các tổ chức hội đoàn tham dự như: Ông Đinh Ngọc Hiển (Trưởng Ban Tổ Chức), bà Nguyễn Kim Hương (Hội NV Tự Do tại Đan Mạch), LS. Nguyễn Văn Đài (Hội Anh Em Dân Chủ), ông Trần Kỉnh Thành (Việt Tân tại Âu Châu), Bà Nguyễn Phượng Thanh Quyên (Cộng đồng NVTNCS tại Hòa Lan), ông Trịnh Đổ Tôn Vinh (Liên HỘi NVTNCS tại LHLBĐức), ông Nguyễn Thanh Văn (Ủy Ban Điều Hợp Công tác Đấu tranh của NV tại Đức),…với các nội dung chính như: Tố cáo hành vi xâm lược của TQ đối với biển đảo và chủ quyền của VN. Kêu gọi thế giới sát cánh cùng người Việt đòi Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền của các nước láng giềng. Thúc giục Hà Nội đứng lên bảo vệ chủ quyền của đất nước và kiện Bắc Kinh ra Tòa Trọng Tài Thường trực PCA và Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển tại Đức. Ghi chú hình 3 (trái sang phải, trên xuống): Bà Nguyễn Kim Hương (Hội NV Tự Do tại Đan Mạch), Ông Đinh Ngọc Hiển (Trưởng Ban Tổ Chức),  LS. Nguyễn Văn Đài (Hội Anh Em Dân Chủ), Chị Phi Yến, ông Trịnh Đổ Tôn Vinh (Liên Hội NVTNCS tại LHLBĐức), Bà Nguyễn Phượng Thanh Quyên (Cộng đồng NVTNCS tại Hòa Lan), ông Trần Kỉnh Thành (Việt Tân tại Âu Châu),  ông Nguyễn Thanh Văn (Ủy Ban Điều Hợp Công tác Đấu tranh của NV tại Đức). Đặc biệt cuộc biểu tình lần này có dự hiện diện của ông Lý Thái Hùng, Chủ tịch Đảng Việt Tân đến từ Hoa Kỳ. Trong phần phát biểu của mình truớc cuộc biểu tình, ông Lý Thái Hùng cho biết: Cuộc biểu tình hôm nay đánh dấu một sự kiện lịch sử của người Việt Nam, rằng ngày hôm nay chúng ta không chấp nhận để cho Trung quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa mãi mãi về sau. Người Việt (NV) không nên chờ đợi lãnh đạo CSVN với bản chất “hèn với giặc ác với dân” để đòi lại biển đảo đã mất vào tay Trung quốc. Có hai con đường mà NV có thể lấy lại Hoàng Sa cũng như 7 đảo ở Trường Sa: Chiến đấu chống lại sự xâm lược của TQ ở trên biển đảo. Vận động tòa Trọng Tài Quốc Tế để dùng áp lực của thế giới để buộc TQ trả lại những đảo đã chiếm của VN. Ông nhấn mạnh: Hướng về quê hương, hướng về Hoàng Sa để nói với tiền nhân, nói với những người đã anh dũng hy sinh cách đây 50 năm rằng chúng ta sẽ lấy lại HS trong thời gian trước mặt. Trong tinh thần lạc quan, ông Lý Thái Hùng hy vọng trong một ngày không xa người Việt sẽ hiện diện trong tòa trọng tài quốc tế tại Den Haag này để buộc Trung quốc phải trả lại những phần biển đảo mà họ đã cướp của VN 50 năm về trước. Nhân sự kiện 50 năm Hoàng Sa, một số tổ chức xã hội dân sự trong nước như: 1. Tổ chức Lập quyền dân, 2. Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh, 3. Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, 4. Câu lạc bộ Phan Tây Hồ, 5. Diễn Đàn Bauxite Việt Nam, 6. Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng…cùng các cá nhân trong và ngoài nước cũng đã góp tiếng nói của mình trong công cuộc đấu tranh chung qua một Bản Tuyên Bố (BTB) mang tên: TUYÊN BỐ VỀ 50 NĂM NGÀY HOÀNG SA BỊ TRUNG QUỐC CƯỠNG CHIẾM. Bản Tuyên Bố này cũng đã được ông Nguyễn Thanh Văn đọc trước cuộc biểu tình. Nội dung BTB cho thấy khá rõ ràng kẻ thù của dân tộc VN là quân Trung quốc xâm lược; Sự hy sinh của 74 chiến sĩ VNCH trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc phải được lịch sử  ghi nhận là những anh hùng dân tộc, cũng như sự kiện Hoàng Sa 1974 phải được truyền thông rộng rãi cho nhân dân đặc biệt là các thanh thiếu niên luôn luôn ghi nhớ quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam bị quân Trung Quốc cưỡng đoạt bằng vũ lực, vi phạm luật pháp quốc tế. Cuộc biểu tình chấm dứt vào lúc 16 giờ cùng ngày./. Văn Nguyễn  
......

Ba tổ chức nhân quyền Việt Nam phản biện báo cáo của VN đệ nạp cho UB-Nhân Quyền/LHQ

THÔNG CÁO BÁO CHÍ Ngày 5 Tháng 1 Năm 2024   Nhân phiên họp thứ 140 của Ủy ban Nhân quyền Liên hiệp quốc để kiểm điểm việc thực thi Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị của nhà nước Việt Nam vào ngày 28 tháng 3 năm 2024, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, và Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam đã đưa ra báo cáo phản biện báo cáo của Việt Nam. Trong phần dẫn nhập, báo cáo của 3 tổ chức nêu rõ: “Không giống như báo cáo của Việt Nam chủ yếu đề cập đến các luật, nghị định và quyết định hành chính như một sự đảm bảo việc tuân thủ luật nhân quyền quốc tế, báo cáo thay thế này sẽ trình bày việc chính phủ Việt Nam thực hiện các quy định của Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị thông qua các sự kiện thực tế.” Bằng những dữ kiện thu thập được bởi những nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam và hải ngoại và được kiểm chứng qua các phương tiện truyền thông đại chúng, báo cáo thay thế đã vạch trần những vi phạm của Việt Nam đối với 10 vấn đề chính của Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị, bao gồm: Quyền tự quyết Quyền sống  Nạn buôn bán người và lao động cưỡng bức Quyền tự do không bị giam giữ và tra tấn tùy tiện Quyền được xét xử công khai bởi một cơ quan tư pháp độc lập và công bằng Quyền tự do tôn giáo Quyền tự do ngôn luận Quyền hội họp ôn hòa Quyền tự do lập hội Quyền không bị phân biệt đối xử Báo cáo thay thế dài 24 trang với 113 bằng chứng được trích dẫn từ nhiều nguồn dữ liệu, bao gồm cả các trang mạng chính thức của các cơ quan công quyền Việt Nam, là bằng chứng thuyết phục về những vi phạm nghiêm trọng của Chính phủ Việt Nam liên quan đến Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị. Việc vi phạm lời hứa của Chính phủ Việt Nam đáng bị cộng đồng quốc tế lên án, nhất là khi nước này hiện là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Chúng tôi hy vọng rằng Ủy ban Nhân quyền Liên hiệp quốc sẽ có biện pháp khắc phục thích hợp đối với những vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam.   TOÀN VĂN BÁO CÁO THAY THẾ CỦA 3 TỔ CHỨC Ở ĐÂY  
......

Kêu gọi biểu tình nhân 50 năm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung quốc chiếm đóng (19-1-1974 / 19-1-2024)

Hòa Lan ngày 14 tháng 12 năm 2023 Kính gởi : - Quý Tổ Chức và Đoàn Thể, - Quý đồng hương. Kính thưa quý vị, Sau buổi biểu tình đầy khí thế trước Tòa Án Trọng Tài Thường Trực tại Den Haag (La Haye- The Hague) vào ngày 11 tháng 3 vừa qua, đã có hơn 130 tổ chức, đoàn thể ký tên vào bản Kiến Nghị Hoàng Sa thuộc Việt Nam, đồng thời với hơn 15.000 chữ ký của đồng bào khắp nơi để gởi đến các cơ chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Toà Án Trọng Tài Thường Trực, Liên Minh AUKUS, QUAD. Để kết thúc chiến dịch vận động này, chúng tôi kính mời quý vị tham dự buổi biểu tình đánh dấu 50 năm quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực :    TrướcTòa án Trọng tài Thường trực tại Hòa Lan:   Carnegieplein 2 - 2517 KJ Den Haag  Vào ngày thứ bảy, 20 tháng 1 năm 2024  Từ 14.00 đến 16.00 giờ   Sau cuộc biểu tình, kính mời quý vị đến tham dự buổi hội thảo ‘’Hoàng Sa 50 năm nhìn lại và những việc cần làm’’ và phần văn nghệ sẽ do các ca nhạc sĩ đến từ khắp nơi tại Âu Châu phụ trách, tại địa điểm cách nơi biểu tình khoảng 2 cây số:   Dienstencentrum Copernicus Daguerrestraat 16 2561 TT Den Haag   Từ 16.00 đến 18.00 giờ: Ăn chiều (thức ăn & nước uống bán tại hội trường) Từ 18.00 đến 19.30 giờ: Hội thảo Từ 19.30 đến 21.00 giờ: Văn nghệ Đấu tranh   Chúng tôi kính mời quý Tổ Chức, Đoàn Thể, quý đồng hương ở khắp Âu Châu về tham dự đông đảo buổi biểu tình phản đối hành động xâm lăng của Trung quốc, cùng nhau xác định Hoàng Sa là của Việt Nam, đồng thời cũng nhằm nói lên ý chí của con dân nước Việt là không muốn mất một tấc đất nào vào tay ngoại bang. Trân trọng kính chào, BTC: - Cộng Đồng VNTNCS/HL:  ô. Nguyễn Hữu Phước, Tel: +31.(0)6 38544847 - GĐQCC/VNCH/HL: ô. Trần Văn Thắng, Tel: +31.(0)6 81001982 - Cơ sở Việt Tân/ HL: ô. Đinh Ngọc Hiển, Tel: +31.(0)6 53605408  
......

Buổi Lễ kỷ niệm 75 năm bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền tại Berlin ngày 10.12.2023

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền là một văn kiện quốc tế quan trọng và phổ quát nhất trong lịch sử thế giới, xác định các quyền lợi của mỗi con người trên căn bản „mọi người sinh ra tự do, bình đẳng về nhân phẩm và quyền lợi“ không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, tài sản, thân phận. Văn kiện quốc tế này đã được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào ngày 10.12.1948 tại Paris Pháp. Văn bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã được 193 nước thành viên Liên Hiệp Quốc phê chuẩn và là nền tảng của các Công Ước quốc tế về nhân quyền cũng như của các hiến pháp và bộ luật quốc gia trên thế giới. Nhân kỷ niệm 75 năm bàn Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức đã cộng tác với tổ chức quốc tế Ki-Tô Giáo Chống Tra Tấn ACAT (Action by Christians for the Abolition of Torture) cùng tổ chức một buổi lễ trang trọng tại Berlin bao gồm biểu tình tại Brandenburger Tor và liên tôn cầu nguyện hòa bình cho Việt Nam và thế giới tại Evangelisches Kirchenforum. Trước sự kiện những kẻ độc tài và cực đoan liên tiếp gây tang thương chiến tranh và sử dụng bạo lực đàn áp dân chúng ngày càng hung hăng trên thế giới thì việc nhắc nhở con người phải tuân thủ những điều luật căn bản của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền lại cần thiết hơn bao giờ hết. Do đó, thể theo lời mời của Ban Tổ Chức đã có rất nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế và các chính trị gia nổi tiếng đã nhận lời tham gia vào buổi biểu tình và cầu nguyện này. Vào lúc 2 giờ chiều ngày Chủ Nhật 10.12.2023 trời Berlin vẫn còn mưa lất phất nhưng người Việt tỵ nạn Cộng Sản từ Nam Đức, Trung Đức, Bắc Đức và Berlin đã tề tựu đông đủ trước cổng thành Brandenburger Tor. Những lá cờ Vàng xen lẫn với những lá cờ Đức, cờ Ukraine và cờ Liên Minh Âu Châu phấp phới tung bay trong ngọn gió mùa Đông. Chương trình biểu tình được bắt đầu bằng nghi thức chào quốc kỳ bao gồm Quốc Ca Ukraine được hát bởi cô bé Ukraine tên Amellia Anisovych 7 tuổi đã trốn thoát sang Ba Lan cùng với bà ngoại, tiếp theo là quốc Ca Việt Nam, Quốc Ca Đức Quốc và cuối cùng là Quốc Tế Ca Nhân Quyền Human Rights Hymne do Ca Nhạc Sĩ Axel Schullz đàn hát live tại chỗ. Sau một phút mặc niệm tưởng nhớ những người đã mất hay đang bị hành hạ do các vi phạm Nhân Quyền trên thế giới, ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh là người điều hợp buổi biểu tình mời bà Hoàng Thị Mỹ Lâm, chủ tịch Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, và ông Christoph thuộc ban chấp hành ACAT, cùng tuyên bố khai mạc buổi biểu tình. Kế đó, ca nhạc sĩ Axel Schullz đàn ca chung với mọi người bài We shall overcome sôi động để không khí biểu tình thêm phần phấn khích. Tiếp theo là bài nói chuyện của diễn giả chính là bà luật sư người Nga Maria Krasova và cũng là một nhà chuyên môn về nhân quyền đã từng làm việc cho tổ chức Nhân Quyền Nga Memorial International có văn phòng tại Mạc Tư Khoa. Sau khi cuộc chiến tranh của Putin bùng nổ trên đất Ukraine bà rời Mạc Tư Khoa sang tỵ nạn chính trị tại nước Đức và hiện tại bà phục vụ cho cơ quan cứu giúp khẩn cấp các trẻ em Kindernothilfe tại Berlin. Bà là một phụ nữ tóc vàng nhỏ nhắn xinh xắn nhưng có ý chí và lời lẽ cương quyết đầy nghị lực chống lại các bất công chính trị xã hội. Xen kẽ trong những bài nói chuyện là phần trình bày âm nhạc của ca nhạc sĩ Axel Schullz và các lời hô hào khẩu hiệu phản đối những vi phạm Nhân Quyền đang diễn ra hàng ngày trên thế giới và tại Việt Nam. Phần đặc biệt tiếp theo là lời phát biểu đầy nhân ái của Cựu nghị Sĩ Martin Patzel (CDU) Đảng Ki tô Dân Chủ), một người đã về Việt Nam nhiều lần để gặp và ủng hộ các nhà bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam; lời chào của bà Sybille thuộc tổ chức toàn cầu OMCT (Organisation mondiale contre la Torture =SOS-Torture Network) là tổ chức quốc tế bao gồm 200 hiệp hội chống tra tấn và hỗ trợ điều trị bảo vệ các nạn nhân bị tra tấn ;lời phát biểu của Dr. Kamal Sido thuộc tổ chức bảo vệ các dân tộc bị áp bức Gesellschaft für bedrohte Völker GfbV. Ông cũng đưa một số người Kurden gia nhập đoàn biểu tình của để đòi hỏi tự do cho mảnh đất Afrin đang bị cai trị; lời phát biểu của ông Ludger Wehning đến từ Nordrhein-Westfalen thuộc tổ chức chống án tử hình (Initiative gegen Todesstrafe / Abolish the Death Penalty). Cuối cùng là bài phát biểu hùng hồn về nhân quyền cho Việt Nam và thế giới của Cựu Nghị Sĩ Frank Heinrich (CDU) hiện tại thuộc ban chấp hành của Liên Minh Tin Lành Đức Quốc=Evangelische Allianz Deutschland; ông là một người luôn chung vai sát cánh với những nạn nhân của chế độ Cộng Sản Việt Nam. Tuy trời mưa gió nhưng ông Cựu Nghị Sĩ Martin Patzel vẫn lạc quan ngỏ lời khuyến khích đoàn biểu tình là thời tiết đã chứng minh cho công cuộc đấu tranh vì nhân quyền không hề dễ dàng và chúng ta phải vượt lên tất cả khó khăn đời thường đó để đạt đến thành công. Hơn thế nữa, cho dù thời tiết không thuận lợi cho cuộc biểu tình ngoài trời nhưng số khách vãng lai tại quảng trường vẫn nườm nượp, trên 300 tờ truyền đơn của ban tổ chức không đủ để phát ra cho khách và rất nhiều người nhận diện được hai vị Nghị Sĩ nổi tiếng nên đã dừng lại nói chuyện và ghi hình với hai ông. Để kết thúc cuộc biểu tình tất cả mọi người trong đoàn biểu tình đã cùng đứng chung với nhau chụp một tấm hình kỷ niệm. Sau phần biểu tình mọi người di chuyển về hội trường Evangelisches Kirchenforum để tham dự buổi cầu nguyện hòa bình cho thế giới và Việt Nam do nhiều tôn giáo đảm trách. Trong hội trường bàn thờ Chúa và bàn thờ Tổ Quốc Việt Nam đã được dựng lên trang nhã và tôn kính; bao quanh là những lá cờ Vàng, cờ Đức, cờ Ukraina, cờ Liên Minh Âu Châu, biểu tượng của Liên Hội và ACAT cũng như hình ảnh của các nạn nhân chế độ Cộng Sản Việt Nam. Vào lúc 4:30giờ chiều ca nhạc sĩ Axel Schullz dạo nhạc trên phím đàn dương cầm để khởi đầu buổi cầu nguyện. Kế đó, ông Frank Boungart, chủ tịch ACAT, nhân danh ACAT và Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức chào mừng quan khách đại diện nhiều tôn giáo ở các vùng miền quốc gia khác nhau có mặt tại hội trường. Ông cũng ngỏ lời cám ơn đến Evangelisches Forum đã hỗ trợ phòng ốc phương tiện cho buổi cầu nguyện. Trước hết, Linh Mục Công Giáo Pater Simon Boiser, gốc Phi Luật Tân, được mời lên dâng lời cầu nguyện hòa bình và dâng nến lên bàn thờ Chúa. Tiếp theo, Liên Hội dâng lời cầu nguyện cho Việt Nam và thế giới đồng thời làm lễ cầu an theo nghi thức Phật Giáo, cuối cùng toàn thể người Việt có mặt đồng ca bài Kinh Hòa Bình. Sau đó, mục sư Tin Lành Peter Fritsch thuộc giáo xứ Frankfurt Oder dâng lời cầu nguyện và dâng nến lần hai. Kế đó là một bài hát Nhân Quyền Sing Human Rights Artikel 3 bằng tiếng Zulu Phi Châu được Axel Schullz đàn hát xen kẽ vào chương trình. Tiếp theo là ông Kamal Sido thuộc GfbV dâng lời cầu nguyện cho Âu Châu, toàn cõi Trung Đông, Ukraine và cả Việt Nam theo thể thức Hồi Giáo bằng ngôn ngữ Kurdisch và Ả Rập. Sau nghi thức dâng nến lần ba là lời cầu nguyện của bà Magdalena Fleischer đại diện ACAT và dâng nến lần thứ tư. Kết thúc buổi lễ cầu nguyện, ca nhạc sĩ Axel Schullz hát bài Sing Human Rights điều 6 bằng tiếng Anh. Sau buổi Lễ cầu nguyện là một bữa ăn tối thân mật ấm cúng do nhà hàng Việt Phở từ Hamburg chiêu đãi. Ban văn nghệ gồm ca sĩ Thụy Uyển, nhạc sĩ Cao Thình, ban hợp ca Hamburg và anh Vĩnh Điệp đã cống hiến những bản nhạc đấu tranh cho Nhân Quyền Việt Nam vô cùng xuất sắc. Buổi sinh hoạt kỷ niệm 75 năm Quốc Tế Nhân Quyền đã kết thúc hoàn mỹ trong niềm hy vọng vào một thế giới hòa bình nhân bản hơn trong tương lai sớm nhất. Hương Đình Tâm  
......

TNLT Trương Văn Dũng được trao giải thưởng Lê Đình Lượng 2023

RFA   Nhà hoạt động bất đồng chính kiến Trương Văn Dũng (hay còn gọi là Trương Dũng), người đang thụ án sáu năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước,” được tổ chức Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng (tức đảng Việt Tân) trao giải thưởng Lê Đình Lượng năm nay với chủ đề “75 Năm Quốc Tế Nhân Quyền- Tự Do, Bình Đẳng & Công Lý cho Việt Nam.”   Ông Trương Văn Dũng tham gia phong trào biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam từ 2011 và nhiều hoạt động phản đối vi phạm quyền con người và quyền dân sự ở Việt Nam. Ông cũng tích cực trợ giúp dân oan và những người yếu thế, nhiều lần cất lên tiếng nói bênh vực cho họ.   Đảng Việt Tân tổ chức trao giải thưởng vắng mặt cho ông Dũng trong một buổi lễ ở thủ đô Paris của Pháp trong ngày 10/12, đúng vào ngày kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, và cũng là ngày sinh nhật của ông Lê Đình Lượng, người cũng đang thụ án tù 20 năm về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.”   Trong thông cáo công bố thông tin người được trao giải, tổ chức Việt Tân viết:   “Ông Trương Văn Dũng được công luận trong nước và quốc tế biết đến là một nhà hoạt động cho dân chủ nhân quyền quả cảm và đầy nhiệt huyết. Được bạn bè gọi một cách trân quý là ‘Trương Tráng Sĩ’ vì ông luôn đi đầu trong các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc, luôn sẵn sàng hỗ trợ cho những nạn nhân của bất công và độc tài như các tù nhân lương tâm, bà con dân oan.”   Tiến sỹ Đông Xuyến, phát ngôn nhân của đảng Việt Tân, viết trong tin nhắn gửi Đài Ấ Châu Tự Do (RFA) ngày 10/12:   “Anh Trương Văn Dũng là một người lên tiếng ôn hòa dù bị đàn áp đánh đập nhiều lần, anh vẫn quyết tâm lên tiếng cho đồng bào mình và bất chấp sự tù đày.   Nói đến anh, mọi người đều nhớ hình ảnh anh hay đứng ở những nơi đông người qua lại, có lúc chỉ một mình, anh giương cao khẩu hiệu chống Trung Quốc, bảo vệ quyền con người, phản đối việc đàn áp dân, nhất là mặc chiếc áo in chữ: ‘Dân chủ không phải là tội.’ Sự kiên cường và tấm lòng của anh đã tạo nguồn cảm hứng cho nhiều người.”   Bà cho biết việc trao giải thưởng cho ông Trương Văn Dũng, người bị bắt giam từ hồi tháng 05/2022, cũng là sự biết ơn với những người nhiều tình yêu thương, chuộng lẽ phải và quả cảm như ông.   Cựu tù nhân lương tâm, luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân, đánh giá về khôi nguyên của Giải thưởng Lê Đình Lượng năm nay:   “Cá nhân tôi thấy anh Trương Văn Dũng xứng đáng với giải thưởng này. Anh đã rất là tích cực tham gia nhiều hoạt động khác nhau ủng hộ cho tự do dân chủ nhân quyền Việt Nam, đặc biệt là những vấn đề về biển đảo. Anh là một con người phải nói là rất dũng cảm, có thể đứng ra ngay giữa đường giơ biểu ngữ và anh chống tham nhũng hoặc là yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam hoặc là thách thức đối với Đảng Cộng sản về vấn đề lãnh đạo.”   Bà Nghiêm Thị Hợp cho biết giải thưởng là một nguồn động viên rất lớn cho gia đình bà để vượt qua những khó khăn. Bà nói với RFA trong ngày 11/10:   “Rất là mừng, thứ nhất là tinh thần, thứ hai là có mọi người luôn đồng hành, thì mình không bị cô đơn, không bị lẻ loi, còn có sự quan tâm của cộng đồng.”   Bà Hợp nói sau khi ông Dũng bị chuyển đến Trại giam Gia Trung cách xa nhà hơn 1.000 km, ông cảm thấy khoẻ hơn vì khí hậu ở vùng Tây Nguyên đỡ khắc nghiệt hơn ở trại giam An Điềm (Quảng Nam), nơi ông bị đánh và biệt giam cùng với tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương và Phan Công Hải trong tháng 9 năm nay sau khi biểu tình phản đối việc trại giam đối xử vô nhân đạo với tù nhân.   Trước khi bị bắt giam, bên cạnh các hoạt động đường phố, ông Dũng còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện trợ giúp dân oan và gia đình tù nhân lương tâm trong hai nhóm Bầu Bí Tương Thân và Quỹ 50K của nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh, người cũng đang bị điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.   Trước phiên xử sơ thẩm ông, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi Việt Nam phóng thích ông và huỷ bỏ mọi cáo buộc chống lại ông. Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở New York (Hoa Kỳ) cũng thúc giục chính quyền các quốc gia dân chủ đang xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam lên tiếng một cách công khai và mạnh mẽ để ủng hộ ông, và kêu gọi Việt Nam phóng thích các tù nhân chính trị, đồng thời có các bước tiến thực sự hướng tới cải cách. Giải thưởng Lê Đình Lượng được Việt Tân thành lập vào năm 2018, mang tên của chính nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền bị kết án 20 năm tù giam sau các hoạt động công khai đấu tranh cho quyền lợi của người dân và chủ quyền của Việt Nam.   Trong những năm trước, giải thưởng này được trao cho các nhà hoạt động nhân quyền trong nước như bà Nguyễn Thuý Hạnh, ông Phan Kim Khánh, linh mục Đặng Hữu Nam, và giảng viên cao đẳng sư phạm Nguyễn Năng Tĩnh. Họ đều là các công dân có trách nhiệm nhưng bị đàn áp hoặc bị cầm tù với những bản án nặng nề, hoặc bị bắt rồi đưa vào bệnh viện tâm thần như trường hợp của bà Nguyễn Thuý Hạnh.   Nhà nước Việt Nam luôn coi các giải thưởng nhân quyền, kể cả Giải thưởng Lê Đình Lượng, của các tổ chức của người Việt, và quốc tế, là sự can thiệp vào nội bộ Việt Nam, phục vụ cho ý đồ chống phá chính quyền hay “diễn biến hoà bình.” Hà Nội coi các cá nhân hoặc tổ chức được trao giải thưởng là “những đối tượng có hoạt động vi phạm pháp luật.”   Cũng trong ngày 10/12, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam 2023 ở Toronto (Canada) cho ba nhà hoạt động Trần Văn Bang, Y Wo Nie, và Lê Trọng Hùng. Cả ba đang bị cầm tù ở Việt Nam về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” với mức án từ bốn năm đến tám năm tù giam./.  
......

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam công bố Giải Nhân Quyền Việt Nam 2023 cho ba nhà hoạt động đang bị giam giữ

RFA Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam tại hải ngoại hôm 18/11 công bố Giải Nhân Quyền Việt Nam 2023 cho ba nhà hoạt động nhân quyền ôn hoà hiện đang bị cầm tù ở Việt Nam. Ba người được nhận giải năm nay bao gồm ông Trần Văn Bang (sinh năm 1961), ông Y Wô Niê (sinh năm 1970), và nhà báo độc lập Lê Trọng Hùng (sinh năm 1979). Nhà hoạt động Trần Văn Bang tham gia Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, một nhóm trí thức phần lớn xuất thân là những đảng viên CSVN phản tỉnh, lên tiếng về các vấn đề của đất nước, phản biện lại chủ trương độc tài đảng trị của chế độ. Ông Bang bị bắt hôm 1/3/2022 với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước). Vào ngày 12/5/2023, ông bị Toà án Nhân dân TPHCM tuyên án tù tám năm và ba năm quản chế. Hiện sức khoẻ của ông Bang trong tù đang bị suy giảm nghiêm trọng nhưng không được chăm sóc đầy đủ và kịp thời. Ông Y Wô Niê là người theo Thiên chúa giáo thuộc sắc tộc Ê-Đê. Ông là người đã nhiều lần lên tiếng phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của Chính phủ đối với người thiểu số. Vì các hoạt động của mình, ông đã bị kết án tù hai lần. Lần đầu vào năm 2005 với án tù chín năm tù theo cáo buộc “Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”. Lần thứ hai, ông bị Toà án Nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk hôm 20/5/2022 tuyên án bốn năm tù với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật hình sự. Nhà báo tự do Lê Trọng Hùng từng tham gia vào một chương trình truyền hình trên mạng xã hội chuyên nói về tình cảnh của dân oan có tên “Phong trào chấn hưng nước Việt”. Vào năm 2017 ông lập “Chấn Hưng TV” trên mạng Facebook để phổ biến kiến thức pháp luật mà chủ yếu là Hiến pháp. Ông cũng từng nộp hồ sơ tự ứng cử vào Quốc hội vào năm 2021. Ông bị toà án ở Hà Nội hôm 31/12/2021 tuyên án tù năm năm và năm năm quản chế với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 Bộ luật Hình sự 2015. Cũng nhân dịp này, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam đã công bố Báo cáo Nhân quyền tại Việt Nam 2022 - 2023. Theo báo cáo này, dù được bầu là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ vào năm 2022 nhưng hồ sơ nhân quyền của Việt Nam không có gì cải thiện. Báo cáo cho biết chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến 15/10/2023 Việt Nam đã truy tố 123 và kết án tù 98 người vì ly do chính trị và tôn giáo; 25 người khác còn trong quá trình tạm giam để điều tra. Theo Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, đây là Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 21 kể từ ngày được thành lập vào năm 2002. Trong 21 năm liên tục đã có 60 cá nhân và sáu tổ chức nhận Giải Nhân Quyền Việt Nam./.  
......

Chính phủ CSVN muốn thành lập các hội đoàn phủ kín cộng đồng người Việt hải ngoại

RFA Chính phủ Việt Nam mong muốn thành lập các hội, đoàn của người việt tại 100% các địa bàn có cộng đồng người Việt ở nước ngoài với mục đích nhằm huy động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) tham gia phát triển đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là nội dung của một quyết định mới được Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ký vào ngày 10/11/2023 phê duyệt Đề án nhằm huy động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) tham gia phát triển đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Truyền thông Nhà nước trích dẫn quyết định này cho thấy Chính phủ Việt Nam xác định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy mục tiêu được đặt ra trong đề án này là tạo môi trường, cơ chế trong nước để NVNONN yên tâm gắn bó, phát huy nguồn lực của mình với đất nước. Xây dựng hành lang pháp lý để NVNONN cơ bản được hưởng môi trường pháp lý tương đương với người trong nước khi tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh, khoa học công nghệ, văn hóa thể thao, nhân đạo… Đề án cũng nhìn nhận tầm quan trọng của nguồn tiền người Việt ở nước ngoài gửi về nước. Điều này thể hiện trong mục tiêu đặt ra là “duy trì đà tăng trưởng của kiều hối; thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư FDI của NVNONN”. Liên quan đến việc kết nới với NVNONN, đề án mới đặt ra mục tiêu là củng cố mạng lưới NVNONN trên toàn thế giới. Hoàn thành xây dựng Đề án cơ sở dữ liệu về người Việt Nam ở nước ngoài. Phấn đấu 100% các địa bàn có đông cộng đồng NVNONN thành lập được các hội, đoàn. Theo thống kê của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, tính đến cuối năm 2022, có khoảng hơn 5,3 triệu người Việt đang sinh sống, học tập, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển. Về mặt kinh tế, tính đến cuối năm 2021, có 376 dự án của kiều bào đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD và hàng nghìn doanh nghiệp có vốn góp của kiều bào. Kiều hối cũng được coi là nguồn thu quan trọng của Việt Nam. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, kiều hối về Việt Nam mỗi năm từ 10-12 tỷ USD. Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 2003 đã có Nghị quyết 23 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, và Nghị quyết 36 về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài, nhìn nhận tầm quan trọng của Việt Kiều mà họ thường gọi là “khúc ruột ngàn dặm”. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến của các Việt Kiều ở các nước phát triển cho rằng Đảng và Chính phủ Việt Nam chưa thực tâm muốn đoàn kết với người Việt ở nước ngoài bằng nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, và vẫn còn cái nhìn thù địch với những người khác chính kiến./.
......

Tường trình Lễ Giỗ Cố TT Ngô Đình Diệm

Năm nay, Lễ Giỗ Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và tưởng niệm Quân, Dân, Cán, Chính Việt Nam Cộng Hòa đã vị quốc vong thân lần thứ 60 và cầu nguyện cho Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận được tổ chức vào ngày 28.10.2023 tại Trung tâm Thánh Mẫu Banneux, Vương Quốc Bỉ. Đây cũng là lần đầu tiên Lễ Giỗ được tổ chức tại thánh địa Banneux.   Sáng sớm thứ Bảy 28.10.2023 vừa qua chúng tôi và một số anh chị em trong Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm dậy sớm để chuẩn bị cho ngày Lễ Giỗ.   Trước hết anh chị em chúng tôi tụ họp tại nhà anh Nguyễn Văn Rị để làm những phần ăn gồm bánh mì kẹp giò và thịt, nước giải khát, và trái cây để làm thức ăn lót lòng cho mọi người tham dự Lễ Giỗ. Sau khi làm xong các phần ăn, chúng tôi xếp vào các túi xách, đưa lên xe, rồi lên đường tiến tới Banneux.   Hôm nay rất may mắn là thời tiết đẹp sau những ngày dài mưa dầm. Khi đến nơi, chúng tôi đã thấy một số đồng hương tụ tập trước Thánh Đường Saint Francois trong Trung tâm Thánh Mẫu Banneux..   Trong lúc nói chuyện hàn huyên tâm sự, chúng tôi mới biết là có người đến từ Paris Pháp quốc, Liège Vương Quốc Bỉ, Düsseldorf, Mönchengladbach, Frankfurt Đức Quốc và có đồng hương đến từ Basel Thụy Sĩ. trong số đó có Đại diện Tổ Chức Việt Tân, Đại diện Tổ chức Vinh Danh Cờ Vàng, Đại diện Nhóm Lễ Giỗ Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm tại Frankfurt, Đại diện Cộng Đồng Công Giáo tại Frankfurt, Đại diện Liên Hội Người Việt Nam Tị Nạn tại Đức.   Vào khoảng 14 giờ chương trình bắt đầu, Ông Bùi văn Toàn ngỏ lời chào Quan khách và thông báo ngắn gọn ý nghĩa của ngày Lễ Giỗ Cố Tổng Thống Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm và bào đệ Gia-cô-bê Ngô Đình Nhu.   Tiếp theo Ông Nguyễn Tấn Năng, Trưởng Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm Đức Quốc đọc bài Diễn văn nói về ý nghĩa của Lễ Giỗ Cố Tổng Thống cùng bào đệ của Ngài đại ý như sau:   "Cái chết tức tửi của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã mang lại sự bất hạnh cho miền Nam Việt Nam, một xã hội thanh bình tốt đẹp đã bị phá vỡ, 60 năm ngậm ngùi mà cả dân tộc Việt Nam phải gánh chịu, bây giờ mọi người lại mơ ước được sống trong xã hội thời đó, ngày mà Tổng Thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo đất nước!"   Tiếp theo là bài thuyết trình của Cha Phêrô Nguyễn văn Khải có ý nghĩa như sau: ''Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một nhà Lãnh đạo liêm khiết, thương dân, sống một đời sống đạm bạc, đơn giản mà không ai ngờ với một cương vị Tổng Thống của một nước! Ngài tha thứ cho những người đã từng làm hại mình, Ngài đã giúp các Tu sĩ Phật Giáo xây dựng chùa chiền, chùa chiền đã được xây dựng nhiều nhất vào thời đó, khác với sự tuyên truyền của những kẻ đã muốn ám hại ông và gán cho ông những chuyện mơ hồ sai sự thật!"   Lễ thắp nến được bắt đầu lúc 16 giờ, mỗi người thắp một cây nến để tưởng nhớ đến Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Bào đệ của Ngài cũng như Quân, Dân, Cán, Chính Việt Nam Cộng Hòa đã vị quốc vong thân cùng Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận. Tiếp theo là Thánh Lễ do Cha Abbe ́ Jean Marie Bùi Phạm Tráng chủ tế.   Trong bài giảng Linh mục Tráng cũng nói về sự hy sinh của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm một Tổng Thống lãnh đạo rất trong sạch nhưng cuối cùng đã hy sinh một cách oan uổng.   Mọi người cùng trao đổi, chuyện trò thân mật và dùng món ăn nhẹ là bánh mì thịt giò và cùng nhau chụp những bức hình lưu niệm cho buổi gặp mặt ngày hôm nay.   Lễ giỗ của Cố Tổng Thống lần thứ 60 tại Trung tâm Thánh Mẫu Banneux đã qua, nhưng dư âm vẫn còn nằm trong trí nhớ mọi người, sự hy sinh cao cả và Tinh thần bất khuất của Ngài vẫn là một gương mẫu cho mọi thời đại.   Đặc biệt là anh chị em Việt Tân đã xin chữ ký cho Hoàng sa, Trường sa để nộp lên Tòa án Quốc tế tại Den Haag và được đồng hương hưởng ứng.   Buổi lễ kết thúc lúc 17 giờ cùng ngày.   Thành Viên Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm ghi lại.  
......

Sinh hoạt kỷ niệm ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 75 tại Berlin

Berlin , ngày 28.10.2023 Thông Cáo V/v Sinh hoạt kỷ niệm ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 75 tại Berlin   Kính thưa quý vị Lãnh Đạo Tôn Giáo , quý Hội Đoàn , quý Đoàn Thể và Tổ Chức chống Cộng Kính thưa quý thân hữu,   trước tình hình chiến sự sôi động tại Ukraine và Israel các giá trị Nhân Quyền lại càng nổi bật hơn bao giờ hết. Thế giới đang lên tiếng mạnh mẽ để kết án các hành động khủng bố bằng bạo lực của các thế lực độc tài cực đoan nhằm tước đoạt quyền sống của dân tộc tại hai vùng đất này. Nhìn lại quê hương Việt Nam đang oằn mình trong thể chế độc tài độc đảng, một thể chế Cộng Sản chư hầu lệ thuộc Nga Tàu đưa đến diệt vong cho cả một dân tộc Việt Nam, khiến chúng ta không thể không lên tiếng tố cáo âm mưu thâm độc này. Ngày 10.12.2023 là ngày kỷ niệm đúng 75 năm ra đời bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Đây là một dịp để chúng ta giương cao ngọn cờ chính nghĩa để đòi lại các quyền con người căn bản cho toàn thể dân tộc Việt Nam, đồng thời nhắc nhở thế giới về những vi phạm Nhân Quyền trầm trọng vẫn đang xảy ra hàng ngày tại Việt Nam. Do đó, ban chấp hành Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức sẽ cộng tác với tổ chức Ki-Tô Giáo Chống Tra Tấn ACAT( Action by Christians for the Abolition of Torture)tổ chức buổi sinh hoạt -kỷ niệm 75 năm ra đời bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền tại Berlin -vào ngày Chủ Nhật 10.12.2023 -từ 14:00 giờ đến 19:30 giờ với chương trình như sau: từ 14:00 giờ đến 15:30 giờ : biểu tình tại quảng trường trước Brandenburger Tor, Pariser Platz, 10117 Berlin từ 16:00 giờ đến 18:30 giờ : đại diện các tôn giáo cầu nguyện hòa bình cho Việt Nam và hội thảo với khách mời tại Georgensaal im Evangelischen Kirchenforum, Klosterstraße 66, 10179 Berlin-Friedrichshain từ 18:30 giờ đến 19:30 giờ : sinh hoạt văn nghệ đấu tranh do Trưởng Ban Văn Hóa Phan Đình Vĩnh Điệp điều khiển.   Chúng tôi trân trọng thỉnh cầu quý Đoàn Thể , quý Tổ Chức người Việt tỵ nạn Cộng Sản và thân hữu đến tham dự đông đảo .   Điện thoại liên lạc : -Ông Nguyễn Văn Rị , số điện thoại 0157 33495440 -Ông Hoàng Kim Thiên, số điện thoại 0163 6743097     Trân trọng kính chào   TM Ban Chấp Hành Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức e.V. BS Hoàng Thị Mỹ Lâm
......

Hội Bác Ái Vinh Sơn Phaolô mừng thánh bổn mạng

Vào chiều thứ Bảy 23.09.2023, tại Thánh đường Heilig Geist, Mönchengladbach, Hội Bác Ái Vinh Sơn Phaolô tổ chức buổi lễ mừng thánh bổn mạng của Hội. Anh chị em Hội viên cùng với giáo dân vùng phụ cận từ Düsseldorf, Mönchengladbach, Neuss, Krefeld, Aachen và đặc biệt có những vị đã lặn lội đường dài từ vương quốc Bỉ đến để cùng hiệp thông mừng kính Thánh Vincent de Paul, Bổn mạng của Hội.   Đúng 15 giờ Thánh lễ bắt đầu, Cha chủ tế cha Giuse  Hồ Anh Tuấn tiến lên xông hương bàn thờ và ảnh thánh Vincent de Paul, kế đến anh Bùi Thanh Thụ mời mọi người lần lượt thắp 25 ngọn nến chiếu sáng thay cho hương trầm dâng lên bàn thờ để tưởng nhớ đến các đấng bậc, các Cha cố linh mục, quí ân nhân, hội viên „Gia đình Bác ái“ đã về với trong Chúa trong suốt 19 năm qua.   Cha chủ tế trong Thánh lễ hôm nay là một môn đệ của cha thánh Anol Jansen thuộc dòng truyền giáo Ngôi Lời Sankt Augustin, ngài là tân linh hướng của Giáo đoàn Đức Mẹ La Vang Köln – Aachen.   Bài giảng của Cha cũng nhắc tới sự nghèo đói, bệnh tật, cô đơn về tinh thần và vật chất của biết bao nhiêu người cần sự giúp đỡ … . Đề nghị Hội bác ái Vinh Sơn hãy đến với các đối tượng này.   Sau bài giảng đến lời nguyện giáo dân. Lời nguyện cầu tha thiết theo gương sáng của thánh Vinh Sơn, kính Chúa thương yêu tha nhân, cùng cầu cho các vị mục tử trong Giáo hội, các bạn trẻ. Xin Chúa an ủi xoa dịu nước mắt đau thương trong chiến tranh Ukraine, thiên tai, động đất, lũ lụt tại các quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Syrien, Maroco, Libya…   Kết lễ, ông Hội trưởng Vincent Nguyễn Văn Rị ngõ lời cám ơn Cha Giuse Hồ Anh Tuấn và mọi người đã đến hiệp dâng Thánh lễ mừng kính Thánh Vinh Sơn Bổn Mạng của Hội. Tưởng cũng cần nhắc lại, Hội Bác Ái Vinh Sơn vừa tròn 19 năm, Hội do Cha Cố Giuse Nguyễn Văn Tịnh, cựu linh hướng các Cộng đoàn công giáo Việt Nam thuộc Giáo phận Aachen, Ngài đã cùng với anh chị em trong các Cộng đoàn sáng lập hội Bác Ái Vinh Sơn Phaolô, hiện ngài đang hưu dưỡng tại San Jose, Hoa kỳ.   Sau thánh lễ mọi người dời qua hội trường nhà xứ để dùng bữa ăn nhẹ và hàn huyên, tâm sự. Trong dịp này ông Nguyễn Văn Rị và thân hữu đã vận động chữ ký cho Kiến nghị thư vì Hoàng Sa và đã được nhiều người hưởng ứng.    
......

Hamburg: Người Việt biểu tình vì Hoàng Sa

Vào ngày 9.9.2023, tại thành phố cảng Hamburg - Đức quốc, Hội Người Việt TNCS tại Hamburg đã phối hợp với cơ sở Việt Tân tại vùng Bắc Đức tổ chức một ngày sinh hoạt nhân 50 năm ngày mất Hoàng Sa bằng cuộc biểu tình và buổi hội thảo văn nghệ để lên án bá quyền Trung quốc (TQ) và nhắc nhở mọi người hành động vì Hoàng Sa (HS) . Chương trình biểu tình trước lãnh sự quán TQ nằm trên đường Elbchausee 268, Hamburg được bắt đầu vào lúc 13 giờ với nghi thức chào cờ & mặc niệm. Sau đó, ông Nguyễn Đình Phúc, Hội trưởng Hội NVTNCS tại Hamburg đã tuyên bố lý do cuộc biểu tình. Bằng 2 ngôn ngữ Đức và Việt, ông Phúc nhắc lại sự việc TQ đã dùng võ lực đánh chiếm HS của VN vào ngày 19.1.1974. Theo ông thì trận Hải Chiến Hoàng Sa 1974 lúc nào cũng nhức nhối và canh cánh trong lòng người Việt; và trong gần 50 năm qua, người dân Việt Nam không bao giờ chấp nhận sự chiếm đóng Hoàng Sa bất hợp pháp của TQ và luôn phản đối, lên án trên mọi diễn đàn… Tiếp theo là những phát biểu của đại diện các tổ chức, hội đoàn như ông Phạm Công Hoàng, Tổ Chức Sinh Hoạt Người Việt tại CHLB Đức, bà Nguyễn Kim Hương, Hội Người Việt Tự Do tại Đan Mạch, ông Nguyễn Thanh Văn, Ủy Ban Điều Hợp Công tác Cộng đồng tại CHLB Đức, bà Lý Thị Kiếu, Hội NVTNCS tại Hamburg,…Phần lớn bằng Đức ngữ với các nội dung tố cáo bá quyền TQ cưỡng chiến Hoàng Sa & Trường Sa của VN, xâm phạm chủ quyền lãnh hải VN và hà hiếp ngư dân VN… Xen kẽ những bài hát đấu tranh, bà con đến từ Đan Mạch, Hannover, Bremen, Krefeld, Bochum, Essen,… đã cùng đồng bào tại Hamburg hô vang những khẩu hiệu đòi lại HS bằng tiếng Đức cho người cư ngụ quanh khu vực và người đi qua đường biết mục đích của cuộc biểu tình. Đặc biệt, ông Trần Văn Các đến từ Bremen cũng cho phát thanh những khẩu hiệu bằng Hoa ngữ với mục đích cho những nhân viên lãnh sứ quán TQ biết nội dung những phản đối của người biểu tình như: Đả đảo TQ, Hoàng Sa &Trường Sa là của VN, TQ phải cút khỏi lãnh hải VN,…   Trước khi kết thúc cuộc biểu tình, bà con đã diễn hành ngang qua cổng Lãnh sự quán TQ với các khẩu hiệu phản đối bá quyền TQ.   Buổi biểu tình chấm dứt vào lúc 14g30.   Sau biểu tình mọi người di chuyển về hội trường giáo xứ Mariä Himmelfahrt tại Rahlstedt – Hamburg để nghỉ ngơi và sửa soạn cho sinh hoạt phần 2.   Chương trình hội thảo văn nghệ bắt đầu lúc 16g30 bằng nghi thức chào cờ, mặc niệm. Ông Hội trưởng Hội Hamburg đã lên cảm ơn mọi người đã bỏ thời giờ quý báu cuối tuần để tham dự buổi sinh hoạt.   Kế đến chị Mỹ Lệ đã giới thiệu nhạc phẩm Đừng Im Tiếng của nhạc sĩ Anh Bằng do một nhóm các anh chị em ca sĩ chuyên nghiệp như chị Thụy Uyển, anh Cao Thình và một vài anh chị ca sĩ nghiệp dư đồng ca. Nhạc phẩm này đã làm không khí hội trường sôi động lên.   Tiếp theo là đề tài: Hoàng Sa, Biển Đông và Vấn Đề An Ninh Việt Nam do ông Nguyễn Thanh Văn trình bày.   Ông Nuyễn Thanh Văn trình bày tổng quát về vị trí và bối cảnh lịch sử mà VN có được chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ 16 khi các Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi về phương Nam cho đến khi người Pháp đô hộ VN và cuối cùng là trận hải chiến Hoàng Sa vào ngày 19.1.1974.   Kể về giai đoạn lịch sử trận hải chiến Hoàng Sa, ông Văn cho biết lúc đó phía chính quyền VNCH (Tướng Ngô Dzu) có đề nghị phía CSBV cùng đứng tên chung trong một giác thư để tố cáo hành vi xâm lăng của Trung quốc. Tuy nhiên phía CSBV đã từ chối và Lê Đức Thọ, một lãnh đạo cao cấp của CSB khi đó còn nói: “Thà để Hoàng Sa trong tay Trung quốc hơn là để trong tay ngụy quyền Sài Gòn“; hoặc Hoàng Tùng, TBT báo Nhân Dân nói: “Trung quốc có giải phóng Hoàng Sa giúp ta thì sau này cũng sẽ trả lại.“   Theo ông Văn thì hậu quả đầu tiên từ việc mất Hoàng Sa vào tay TQ đó là ngư dân VN bị cấm đánh bắt cá, thậm chí bị cướp phá, bắn giết tại vùng biển Hoàng Sa, là ngư trường truyền thống bao đời của mình.   TQ đứng vững tại địa điểm chiến lược này, tung thòng lọng chín khúc (Đường lưỡi bò 9 đoạn) thít chặt vào cổ Việt Nam và mấy nước nhỏ bé khác trong vùng trong bao năm qua.   Nhưng như vậy vẫn chưa hài lòng, hôm 28.8.2023 Bắc Kinh còn chính thức công bố “bản đồ tiêu chuẩn” phiên bản 2023. Mà theo bản đồ mới này thì hôm nay nó không còn là 9 đoạn nữa mà là 10 đoạn.   Trước khi chấm dứt phần 1 của bài thuyết trình, ông Văn cũng kêu gọi mọi ngưởi trong hội trường ký tên vào kiến nghị thư Hoàng Sa Thuộc Việt Nam. Đây là một trong các hành động mà người Việt có thể làm được trong tầm tay.   Trong giờ giải lao mọi người có dịp thưởng thức các món ăn như bánh bò, chè, nem nướng,…do bà con tại Hamburg chung tay làm để ủng hộ cho ban tổ chức.   Sau giải lao, chương trình phần hai bắt đầu bằng các bài hát đấu tranh do ca sĩ Thụy Uyển, người đã từng đoạt giải Á quân Tiếng Hạc Vàng do SBTN tổ chức tại Hoa Kỳ năm 2022, chị Nguyễn Kim Hương (Đan Mạch), anh Cao Thình, chị Mỹ Lệ và một số anh chị em ca sĩ nghiệp dư tại Hamburg đóng góp.   Phần hai của đề tài thuyết trình với tiêu đề: An ninh lãnh thổ VN trước sự bành trướng của TQ.   Trong phần này ông Văn đã trình bày tổng thể an ninh của VN mà 3 nước TQ, Lào và Campuchia ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp.   Biển Đông thì TQ đã bồi đắp một số đảo tại Trường Sa, Hoàng Sa thành căn cứ quân sự để có thể kiểm soát biển Đông nói chung và khống chế VN nói riêng. Phía tây bắc và tây nam thì TQ đang khống chế Lào và Campuchia qua các dự án kinh tế Vành đai Con đường (BRI). Và hiện nay TQ còn đang được xử dụng quân cảng Ream tại Shihanoukville, cách đảo Phú Quốc của VN khoảng 30km và sân bay Dara Sakor ở Koh Kong với một phi đạo dài 3.200m, cách Hà Tiên khoảng 160km, cũng như đang xây dựng tại đây một cảng nước sâu có thể tiếp nhận các tàu có trọng tải 10.000 tấn   Một căn cứ ở Campuchia sẽ mang lại cho TQ "khả năng viễn chinh trong khu vực ". Từ căn cứ Ream tại Sihanoukville, ngoài hoạt động hậu cần và giám sát tình báo, TQ vừa có thể giám sát từ vùng vịnh Thái Lan kéo dài tới eo biển Malacca, là hải lộ quan trọng nối liền Ấn độ dương qua Thái bình dương, cũng như vừa để bảo vệ tuyến đường BRI, vừa có thể khống chế VN về mặt địa lý.   Qua những sự kiện nêu trên, cộng thêm ngày càng hung hăng của TQ trên biển Đông thì có thể nói VN đang bị sức ép của TQ ngày càng nghiêm trọng. Và có lẽ CSVN đã thấm đòn, nên việc nâng cấp quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ lên chiến lược toàn diện là hướng đi mà Hà Nội phải đi nếu muốn thoát khỏi sức ép của TQ.   Sau đó mọi người cùng thảo luận về những vấn đề như:   - Người Việt có thể làm gì để đòi lại Hoàng Sa?; - Liệu sau khi nâng cấp quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ thì csVN có thoát Trung nổi hay vẫn sẽ tiếp tục đu dây? - Hoặc Hoa Kỳ có giúp thúc đẩy dân chủ tại VN hay không? - Người Việt nên tiếp tục kiên trì lên tiếng bằng nhiều hình thức để tố cáo TQ cưỡng chiếm HS của VN. - Nhân quyền, dân chủ VN thì người VN phải giải quyết. Không có quốc gia nào có thể giải quyết vấn đề này cho người Việt Nam. - Anh ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ thì cần phải liên kết với các nước dân chủ, lớn mạnh để cân bằng thế mạnh của TQ…   Chương trình hội thảo và văn nghệ đấu tranh chấm dứt vào 20 giờ cùng ngày và bà con đến từ Đan Mạch trước khi chia tay cũng đã ngỏ lời cảm ơn Hội NVTNCS tại Hamburg đã tổ chức buổi sinh hoạt thật có ý nghĩa này!   Văn Các  
......

Người Việt thuộc cộng đồng Vinzenz-von-Paul Mönchengladbach và vùng phụ cận quyên góp cho nạn nhân động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Dù đã hơn nửa năm kể từ trận động đất tàn khốc vào ngày 6 tháng 2 năm 2023, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vẫn đang nỗ lực giúp đỡ các nạn nhân vượt qua những hậu quả của thảm họa này. Theo thông tin của Caritas International vào cuối tháng 7: "Hàng trăm ngàn người sống trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, không có nhà cửa, bị tổn thương nặng về vật chất lẫn tinh thần, và điều này diễn ra trên một diện tích gần bằng với diện tích của Đức". Tại nhiều nơi, dân cư, cơ quan chính phủ và các tổ chức cứu trợ vẫn đang tiếp tục thu dọn những vết tích đổ nát còn để lại. Trận động đất đã làm ít nhất 52.000 người thiệt mạng và hơn 100.000 người bị thương. Khoảng 5,2 triệu người đang cần sự giúp đỡ nhân đạo. Những người Việt Nam sống ở Mönchengladbach và vùng lân cận đã quyên góp 2.280 Euro cho mục đích này. Ông Nguyễn Văn Rị, hội trưởng nhóm người Việt thuộc cộng đồng Vinzenz-von-Paul, đã cùng với thành viên ban điều hành, Bà Trâm Anh, và Linh mục Johannes van der Vorst đã trao một ngân phiếu tượng trưng cho ông Frank Polixa, giám đốc điều hành Hiệp hội Caritas địa phương. Ông Polixa sẽ chuyển tiền này đến Caritas International. "Yêu thương Chúa và giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn" - lời nhắn nhủ của Vinzenz von Paul đã được ông Nguyễn Văn Rị nhắc đến khi trao số tiền quyên góp. Đó cũng là tiêu chỉ của nhóm người Việt thuộc cộng đồng Vinzenz-von-Paul, đã giúp đỡ và ủng hộ nhiều chương trình cúu trợ. "Số tiền này là đóng góp của chúng tôi để giảm bớt nỗi khổ nạn nhân của trận động đất trong tình tương thân tương trợ của Kitô giáo". Ông Nguyễn Văn Rị cũng cho biết thêm: "Chúng tôi, những người tị nạn Việt Nam tại Mönchengladbach và vùng phụ cận, sẽ không bao giờ quên người dân Đức đã giúp đỡ chúng tôi khi chúng tôi được tiếp nhận vào đất nước này. Lúc ấy, chúng tôi không có gì ngoài hai bàn tay trắng". Cách đây hơn 40 năm, ông Rị, nay đã 70 tuổi, cùng gia đình đã được tàu "Cap Anamur" vớt sau một cuộc hành trình vượt biển Đông đầy hiểm nguy và định cư tại Mönchengladbach. Ông tham gia nhiều chương trình thiện nguyện nhằm bày tỏ lòng biết ơn của mình và cũng nhận được nhiều giải thưởng cho những việc làm thiện nguyện này. Ông Frank Polixa, cũng nhắc đến việc ông Nguyễn Văn Rị cách đây không lâu đã quyên góp gần 2.500 Euro cho trẻ mồ côi tại Ukraina. "Sự cống hiến không ngừng nghỉ của Ông cho những người gặp khó khăn thật là phi thường. Ông là một tấm gương lớn cho những ngườikhác", ông Polixa bày tỏ lúc nhận tiền quyên góp. https://rheinischer-spiegel.de/vinzenz-von-paul-gemeinschaft-spendet-fuer-erdbebenopfer-in-der-tuerkei-und-syrien/ https://lokalklick.eu/2023/08/24/vinzenz-von-paul-gemeinschaft-spendet-fuer-erdbebenopfer-in-der-tuerkei-und-syrien/ https://www.caritas-mg.de/aktuelles/presse/van-ri-nguyen-sammelte-erneut-viel-geld-fuer-menschen-in-not-724ccd65-fe38-4f84-8407-c83ed719269f https://lokalklick.eu/2023/08/24/vinzenz-von-paul-gemeinschaft-spendet-fuer-erdbebenopfer-in-der-tuerkei-und-syrie https://www.facebook.com/rsmoenchengladbach  
......

Cơ Sở VT Bắc Đức vận động chữ ký cho Hoàng Sa

Hannover - Đức quốc. Đại lễ Vu Lan năm nay được tổ chức vào các ngày 25 đến 27.8.2023 tại chùa Viên Giác thuộc thành phố  Hannover, Đức quốc. Thời tiết tháng 8 năm nay ấm áp. Có lẽ vì gần cuối hè nắng không còn gay gắt, nên phật tử cũng cảm thấy dễ chịu khi vãng cảnh chùa. Và cũng như hàng năm cơ sở Việt Tân vùng Bắc Đức được lập một bàn thông tin trong khuôn viên chùa để phổ biến đến bà con sách báo, tài liệu, tin tức bằng tiếng Việt và tiếng Đức liên quan đến nhân quyền và chủ quyền biển đảo VN. Kế bên bàn thông tin còn có 2 Roll-up (biểu ngữ). Một Roll-up với hình ảnh và tiểu sử của các Tù Nhân Lương Tâm VN và những bản án mà CSVN gán ghép cho họ. Một Roll-up mời gọi bà con tham gia ký tên xác nhận Hoàng Sa -Trường Sa là của Việt Nam. Anh chị em tại bàn thông tin của cơ sở Việt Tân Bắc Đức đã trình chiếu những đoạn phim đề cập đến việc CSVN vi phạm nhân quyền, đàn áp đồng bào trong nước… Có vài em du học sinh cũng ghé đến bàn thông tin để tìm hiểu về hoạt động của đảng VT. Nhiều bà con đã ý thức sự việc Hoàng Sa nên tự động ghé vào bàn thu nhận chữ ký để ký tên cho kiến nghị thư Hoàng Sa. Như mọi lần, Hòa thượng Thích Như Điển, Phương trượng chùa Viên Giác, cũng như một số thầy  ghé đến thăm hỏi anh em VT tại bàn thông tin và cũng ký tên vào thư kiến nghị. Văn Các  
......

Cựu Trung Tá Phi Công Ôn Văn Tài đã bay vào cõi xa!

Ảnh; Cựu Trung tá Không quân Ôn Văn Tài, phu quân nữ danh ca Thanh Thúy Mai Bá Kiểm   Ngày 2/8/2023, báo Người Việt đưa tin “Cựu Trung tá Không quân Ôn Văn Tài, phu quân nữ danh ca Thanh Thúy, tạ thế ở Sacramento, California, vào hôm thứ hai, 31/7/2023, hưởng thọ 91 tuổi. Ông qua đời trong giấc ngủ bình yên vì tuổi già sức yếu, để lại hiền thê Thanh Thúy, một người con trai là dược sĩ và đã lập gia đình, cùng 3 cháu nội.   Ông sinh ngày 23/11/1932, học Trung học Pétrus Ký, sau khi đậu tú tài năm 1953, tình nguyện vào Không quân, được Quân đội Liên hiệp Pháp đưa đi thụ huấn phi công tại Maroc (Morocco) ở Bắc Phi. Về nước năm 1955, Thiếu úy Ôn Văn Tài làm huấn luyện viên tại Trung Tâm Huấn luyện Không quân VNCH ở Nha trang vừa mới thanh lập. Sáu tháng sau, ông được cử đi học khóa I.P (Instructor Pilot) tại Hoa Kỳ và quay về dạy bay tại TT Huấn luyện KQ Nha trang.   Trong một lễ tốt nghiệp của các tân phi công, Trung tâm Huấn luyện có mời ca sĩ Thanh Thúy đến hát, ông làm quen và kết thân với nàng. Năm 1964, đại úy Ôn Văn Tài thành hôn với ca sĩ Thanh Thúy. Năm sau, Thanh Thúy sinh con và tạm nghĩ hát. Trước đó, Ôn Văn Tài không còn bay huấn luyện ở Nha Trang, mà chuyển ra bay oanh tạc ở Phi đoàn 518 ở Căn cứ KQ Đà Nẵng.     Chú thích ảnh: Đại Úy Ôn Văn Tài, Phi Đoàn 518, Đà Nẳng 1964, photo: Joe Reynes.   Thanh Thúy phải theo chồng ra Đà nẵng, khán giả Sài gòn tưởng chừng không còn gặp lại Thanh Thúy. Nhưng vài năm sau, nhạc sĩ Ngọc Chánh ra thuyết phục Thanh Thúy trở lại Sài gòn phục vụ khán giả. Năm 1968, trung tá Ôn Văn Tài nghỉ bay tác chiến , thuyên chuyển về Cân Thơ làm chỉ huy trưởng Căn cứ Không quân Bình Thủy (Không đoàn 74 chiến thuật, lúc chưa thành lập Sư đoàn 4 Không quân).   Năm 1971, Trung tá Không quân Ôn Văn Tài bỗng “tự ý lột lon” xuống thành “Hải quân Trung úy Vũ Minh Toàn” gây xôn xao khán giả điện ảnh! Thật ra, ông được mời làm tài tử, đóng vai “Hải quân Trung úy Vũ Minh Toàn” trong bộ phim Bão Tình, ra đời năm 1972. Trung úy Toàn là chồng của Thủy do nữ minh tinh nổi tiếng Kiều Chinh thủ vai.   Là vợ phi công, chờ chồng trong mỗi chuyến bay (Skyraider là thiên địch của xe tăng), Thanh Thúy cảm thụ từ con tim từng lời hát “Một Chuyến Bay Đêm” (của Song Ngọc – Hoài Linh): “Có người hỏi phi công ước mơ gì? Người ơi nhân thế muôn màu nào biết mơ ước chi? Ước rằng từ khi tung nhịp cánh Tình ta yêu thương là gió, nhân tình của mây”. https://www.nguoi-viet.com/cuu-chien-binh/cuu-trung-ta-kq-on-van-tai-phu-quan-danh-ca-thanh-thuy-qua-doi-tho-91-tuoi/    
......

Tâm Thư Của Tù Nhân Lương Tâm Châu Văn Khảm

Việt Tân    Sydney ngày 23 tháng 7, 2023   Kính gởi quý vị lãnh đạo các Tôn giáo, Cộng đồng, Tổ chức, Đảng phái, các Cơ quan truyền thông và quý đồng hương   Thưa quý vị,   Tôi là Châu Văn Khảm, đảng viên đảng Việt Tân, một Tù Nhân Lương Tâm vừa mới trở lại xứ sở tự do Úc Châu vào ngày 11 tháng 7, 2023 sau 4 năm, 6 tháng bị nhà cầm quyền CSVN bắt giữ và giam cầm một cách phi pháp, với cáo buộc tội “khủng bố lật đổ chính quyền”. Xin được có đôi lời tâm tình cùng quý vị.   Trước hết, thay mặt gia đình tôi xin được tri ân những tình cảm, những nỗ lực của quý vị đã dành cho chúng tôi nhằm vận động chính quyền liên bang Úc lên tiếng đòi nhà cầm quyền CSVN phải trả tự do cho tôi đã thành công một cách tốt đẹp.   Tuy phải trải qua 54 tháng tù phi lý, nhưng chính những cuộc vận động không chỉ ở Úc Châu mà còn lan rộng trên toàn thế giới, cho thấy chính nghĩa đấu tranh của người Việt tỵ nạn Cộng sản đã chiến thắng và giúp khích động tinh thần của những người tù lương tâm đang phải đương đầu với những bản án tù nghiệt ngã.   Sự kiện vào ngày 7 tháng 6 năm 2022 tức một năm trước đây, Nhóm Công Tác Về Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc đã công bố một phán quyết về việc nhà nước CSVN bắt giữ tôi (Châu Văn Khảm) là tùy tiện, vi phạm điều 9 Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân sự và Chính trị, mà Việt Nam đã ký cam kết tôn trọng. Quyết định này của Liên Hiêp Quốc cho thấy là sự bắt giữ và kết án 12 năm tù giam đối với tôi là vi phạm nhân quyền trầm trọng. Trong lúc tôi được tự do và trở về Úc Châu, hai Tù Nhân Lương Tâm Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền bị bắt và bị kết án cùng phiên tòa với tôi vẫn còn bị giam giữ, và đây là điều khiến tôi vô cùng áy náy. Tôi nguyện sẽ cố gắng tiếp tục tranh đấu, nhất là vận động chính phủ và chính giới Úc Châu lên tiếng đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do vô điều kiện cho hai anh Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền cũng như các Tù Nhân Lương Tâm khác bị bắt giữ chỉ vì lòng yêu nước.   Kính thưa quý vị,   Sự kiện tôi trở về Việt Nam và bị bắt giữ vào tháng Giêng năm 2019, tuy có làm khựng lại các đóng góp của tôi cho phong trào đấu tranh, nhưng đây cũng là cơ hội để tôi cọ sát với thực tế xã hội Việt Nam ngay trong lao tù.   Tôi không chỉ đối diện với những cán bộ điều tra của chế độ mà còn tiếp cận với đủ thành phần tù nhân trong mọi tầng lớp xã hội ở các trại giam đã đi qua. Tôi thấy rằng ai ai cũng có chung cảm nhận là Việt Nam đã có nhiều thay đổi to lớn trong cuộc sống với hàng hóa tiêu dùng phong phú. Nhưng phải nói là đa số không hài lòng với xã hội hiện tại vì nhiều lý do. Một điểm chung của tình trạng bất mãn mà tôi thấy rõ là chính tình trạng o ép, bao phủ không khí công an trị đã ngăn chặn sức sống và sức vươn lên của toàn dân tộc. Khi con người không được sống theo điều mình muốn và phải sống dối trá trong một xã hội nhiều nghịch lý thì chắc chắn xã hội luôn luôn có những đợt sóng ngầm.   Vì thế, tôi thấy rằng để góp phần tạo điều kiện cho Việt Nam sớm có chuyển đổi dân chủ và phát triển bền vững, chúng ta cần quan tâm hiểu biết cụ thể tình hình và các diễn biến tại Việt Nam. Có như vậy những nhận định, những phân tích của chúng ta về tinh hình Việt Nam mới không bị phản cảm và nhất là tạo những tác động tích cực để mọi người có thể đồng hành với quyết tâm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia dân chủ, tiến bộ và có một vị trí quan trọng trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.   Trong tinh thần đó qua bức Tâm Thư này, tôi xin đề nghị với toàn thể quý vị tích cực quan tâm và hỗ trợ những Tù Nhân Lương Tâm và gia đình của họ đang phải chiến đấu trong các lao tù tại Việt Nam. Đồng thời, chúng ta không thể góp sức thay đổi một Việt Nam Dân Chủ và Tiến Bộ, nếu không thật sự dành nhiều thời gian theo dõi và nắm bắt các chuyển biến xảy ra để sát cánh và đồng hành với bà con trong nước.   Tôi nguyện sẽ tiếp tục dấn thân vào đại cuộc chung và đồng hành với quý vị trong mọi cuộc vận động để tất cả các Tù Nhân Lương Tâm được trở về trong mái ấm gia đình, dân tộc Việt Nam sớm cùng nhau xây dựng được một xã hội tự do, nhân bản đầy ắp tình người trong một tương lai rất gần.   Trân trọng. Châu Văn Khảm          
......

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đóng vai trò như cánh tay nối dài của nhà nước ở hải ngoại

Văn Tâm (Luật Khoa Tạp Chí) Vào tháng 2/2023, các nhà sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) ngồi yên lặng, chăm chú lắng nghe một quan chức nhà nước định hướng về công tác hoằng pháp Phật giáo. [1] Vị quan chức ấy là Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng. Sau hơn 40 năm thành lập, GHPGVN gần như đã trở thành một tổ chức dưới quyền của nhà nước, giúp việc cho chính quyền. Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn sắp tới được giao phó cho giáo hội là trở thành cánh tay nối dài của nhà nước ở hải ngoại. Hoằng pháp ở hải ngoại để “bảo vệ tổ quốc” Năm 2019, tại một hội thảo về sứ mệnh hoằng pháp trong xu hướng toàn cầu hóa, ông Vũ Chiến Thắng, với vai trò Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, nói rằng hoằng pháp tại hải ngoại là công tác Phật sự quan trọng của GHPGVN. [2] Ông khẳng định đây là nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Ông nói rằng bên cạnh việc thực hiện trọng trách với giáo hội, chức sắc Phật giáo hoằng pháp ở hải ngoại còn được mong đợi sẽ thực hiện những nhiệm vụ mà nhà nước giao cho, trong đó có tuyên truyền chính sách, pháp luật của nhà nước về tôn giáo. Năm 2020, ông Thắng đã viết một bài báo cho rằng nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc ở hải ngoại chính là đấu tranh, phản bác những xuyên tạc về tự do tôn giáo tại Việt Nam do một số người gốc Việt gây ra. [3] Vì sao lại là Giáo hội Phật giáo Việt Nam? Chính quyền cho biết có khoảng 5,3 triệu người Việt sống ở nước ngoài, khoảng 80% cư trú ở những nước phát triển. [4] Và dĩ nhiên, một bộ phận lớn những người này tin theo hoặc có cảm tình với Phật giáo. Các văn bản chỉ đạo của đảng như Nghị quyết 36 năm 2004, [5] Chỉ thị 45 năm 2015, [6] Kết luận số 12 năm 2021 [7] đều khẳng định phải khai thác triệt để tiềm năng của người Việt ở nước ngoài trên tất cả lĩnh vực. Việc này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực tương tác với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, thông qua cách thức trực tiếp từ nhà nước, và cách thức gián tiếp từ các kênh khác.  Trong đó, việc sử dụng sức ảnh hưởng của tôn giáo là một cách tiếp cận gián tiếp, mềm mỏng nhưng hiệu quả khi ứng xử với cộng động có nhiều yếu tố phức tạp này.  Theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016, nhà nước nắm quyền cấp phép cho chức sắc tôn giáo trong nước ra nước ngoài hoạt động. Tuy nhiên, dường như chỉ có Phật giáo là tôn giáo từ bấy lâu nay được chính quyền tích cực tô điểm như ngọn cờ đầu phản ánh điều kiện thực hành và chính sách của nhà nước về tự do tôn giáo tại Việt Nam. Mặt khác, GHPGVN đã bị chính quyền kiểm soát toàn diện nên rất an toàn để đưa các chức sắc ra hải ngoại hoạt động, giúp việc cho chính quyền. Do đó, để đáp ứng định hướng đẩy mạnh hoạt động tôn giáo ở nước ngoài thì không thể có đại diện tôn giáo nào phù hợp hơn GHPGVN. Tháng 11/2022, văn kiện Đại hội Phật giáo Khóa IX đã xác định rằng giáo hội có nhiệm vụ thực hiện ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân. [8] Giáo hội cũng khẳng định công tác ngoại giao nhân dân mà giáo hội đang thực hiện là triển khai đường lối, chính sách đối ngoại của đảng. [9] Cũng tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, ni sư Thích Nữ Tâm Trí, Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, đã yêu cầu: “Giáo hội nên có hướng dẫn cụ thể để các ngôi chùa được hợp pháp hóa dựa trên sự phối kết hợp với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán các nước, Ban Tôn giáo Chính phủ để quy hoạch chương trình tu học, hành đạo [...]”. [10] Ngay cả chức sắc Phật giáo dù đã ra nước ngoài hoạt động vẫn muốn bám theo sự chỉ đạo của chính quyền trong các hoạt động của mình, dù là hoạt động chuyên môn như hoằng pháp. Nhu cầu kiểm soát người Việt ở nước ngoài Có thể bạn đã biết cộng đồng người Việt ở nước ngoài rất đa dạng và phức tạp xuất phát từ nguyên do rời bỏ đất nước, trạng thái nghề nghiệp, cho đến quan điểm về chính quyền Việt Nam. Trong đó, thành phần người Việt bất đồng chính kiến, không ủng hộ thể chế cầm quyền chắc chắn là nỗi lo của chính quyền. Bởi vì họ có thể được tập hợp lại để trở thành một lực lượng chính trị đối lập với chính quyền Việt Nam. Trong quá khứ, các đảng đối lập với chế độ cầm quyền thường được hình thành và hoạt động trước ở nước ngoài. Ví dụ như Quốc dân Đảng của Trung Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng được thành lập tại nước ngoài. Tại nước ngoài, các hoạt động liên quan đến người Việt luôn chịu sự giám sát rất kỹ lưỡng như bị theo dõi hoặc cài cắm người để nắm rõ về ý đồ của các hoạt động. Các hội người Việt ở nước ngoài như hội sinh viên, hội đồng hương, hội doanh nhân, hội phụ nữ, v.v. đều là những nhân tố giúp chính quyền nắm rõ thông tin về cộng đồng người Việt. Các chức sắc của GHPGVN ở nước ngoài cũng chính là một thành phần giúp chính quyền có được thông tin đa dạng, sâu sắc hơn về cộng đồng người Việt. Các chức sắc này ngoài thực hiện công việc hoằng pháp, giúp đỡ người Việt hải ngoại, còn tận dụng cơ hội đó để nắm các thông tin về cộng đồng người Việt, bao gồm cả những diễn biến tư tưởng hay các nhóm người Việt có khả năng ảnh hưởng đến an ninh, chính trị. Chi nhánh nước ngoài của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Hiện nay, GHPGVN có 22 hội phật tử Việt Nam ở các nước, thiết lập hoạt động hướng dẫn tăng, ni, Phật tử ở 35 nước. [11] Vào tháng 4/2022, Thượng tọa Thích Thọ Lạc dẫn một phái đoàn của GHPGVN đến Bỉ và Đức làm việc. Tại đây, ông đã có cuộc họp với hai vị đại sứ Việt Nam để thông báo về kế hoạch làm việc. Trong cuộc họp, Thượng tọa Thích Thọ Lạc nói rằng GHPGVN sẽ bổ nhiệm một trụ trì vào một ngôi chùa sắp sửa được xây dựng tại một thành phố của Đức. [12] Trong văn kiện Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX của GHPGVN, giáo hội đã nhấn mạnh rằng: “Tiếp tục thành lập các Hội Phật tử Việt Nam […] để gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc và hướng lòng yêu nước về Tổ quốc Việt Nam thân yêu.” [13] Đây là một định hướng trùng khớp hoàn toàn với các chính sách của nhà nước về người Việt ở nước ngoài. Có thể GHPGVN đang thực hiện những bước đi đầu tiên để thiết lập một bộ máy hoạt động ở nước ngoài, cả về phương diện hoằng pháp lẫn thay mặt nhà nước thâm nhập vào cộng đồng người Việt./.  
......

Luật sư bào chữa vụ Tịnh Thất Bồng Lai đến Hoa Kỳ

RFA Luật sư Đặng Đình Mạnh và Luật sư Nguyễn Văn Miếng, hai luật sư trong số năm luật sư từng tham gia bào chữa trong vụ “Tịnh thất Bồng Lai”, hiện đang có mặt tại Hoa Kỳ. Công an tỉnh Long An từng bốn lần gửi giấy triệu tập hai vị luật sư này để làm việc về tin báo tội phạm của Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an). Bộ Công an cho rằng, một số luật sư trợ giúp pháp lý cho Tịnh thất Bồng lai có dấu hiệu vi phạm Điều 331 của Bộ luật Hình sự. Việc đặt chân đến Hoa Kỳ sau khi bị "truy tìm" bởi Công an tỉnh Long An được những người mới đến chia sẻ với RFA. Luật sư Đặng Đình Mạnh sáng 19 tháng 6 năm 2023 cho biết: “Năm năm trước tôi đã có dịp đến Mỹ, chủ yếu là vùng bờ Tây và các tiểu bang miền nam. Lần này, tôi đến vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn và càng khẳng định lý do rất nhiều người trên thế giới muốn đến quốc gia này để sinh sống, học tập hoặc du lịch. Vì lẽ, đây là quốc gia thật sự đáng sống. Tôi không hiểu biết nhiều về nước Mỹ, nhưng cũng đủ làm tôi choáng ngợp. Tôi có một số dự án tại đây và đang bắt tay vào việc thực hiện những dự án đó. Tôi có biết về quyết định truy tìm đối với tôi của công an tỉnh Long An. Vì quyết định ấy không căn cứ theo những quy định của tố tụng hình sự, cho nên, tôi đánh giá rằng tôi không có trách nhiệm phải chấp hành. Hơn nữa, việc tôi xuất cảnh, đi lại, cư trú và chọn nơi lao động như thế nào là quyền của tôi. Đây là quyền tự do của công dân theo hiến pháp. Không một cơ quan nào có thể cản trở những quyền này của tôi cả. Thực tế, tôi đang thực hiện các quyền tự do của công dân theo Hiến pháp quy định mà thôi.” Luật sư Nguyễn Văn Miếng trình bày: “Tôi đến Hoa Kỳ vào trưa ngày 16/6/2023 trong cơn mưa nhè nhẹ tại phi trường Dulles, tiểu bang Virginia. Tôi như trút được một gánh nặng sau 100 ngày bị săn đuổi, ngay khi máy bay tiếp đất, lăn bánh trên phi đạo. Thủ tục hải quan chỉ mất khoảng 30 phút cho trường hợp sử dụng visa nhập cảnh của tôi, những trường hợp khác thì nhanh hơn, tôi vui mừng đến nỗi suýt quên cả lấy hành lý. Mọi người gặp mình dù không quen, cũng đều chào hỏi. Tôi mạnh dạn nói: “Tôi là người Việt Nam.” Khi biết tôi là người mới đến họ đều hỏi tôi có cần giúp đỡ gì không. Những người đồng hương Việt Nam khi biết tin, mọi người đều chúc mừng và nói trường hợp của chúng tôi, gia đình chúng tôi đến được Hoa Kỳ như một phép lạ. Tiếng lành đồn xa, những người quen biết tôi trong nước cũng như tại Hoa Kỳ, không biết bằng cách nào đều biết thông tin tôi và gia đình đã đến được bến bờ tự do.” Như tin đã loan, trang Thông tin điện tử Công an tỉnh Long An hôm 11 tháng 6 năm 2023 đăng Thông báo truy tìm người trong mục “Truy nã - Truy tìm”. Thông báo ghi rõ : “Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An thụ lý kiểm tra, xác minh tin báo trên và đã gửi Giấy triệu tập nhiều lần cho 03 đối tượng gồm: Nguyễn Văn Miếng; Đào Kim Lân và Đặng Đình Mạnh nhưng các đối tượng không đến để làm việc và không có lý do vắng mặt. Qua công tác xác minh, Công an phường nơi các đối tượng cư trú và thân nhân xác nhận hiện các đối tượng không có mặt tại địa phương, đi đâu, làm gì không rõ và không liên lạc được. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An đã ra quyết định truy tìm các đối tượng nêu trên để phục vụ công tác giải quyết tin báo về tội phạm (có các Quyết định truy tìm người kèm theo). Khi thấy các đối tượng truy tìm nêu trên, đề nghị thông báo ngay cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An.”  
......

Không chỉ là trái ớt

 Mặc Lâm Dương Thu Hương, Trần Anh Hùng, Phạm Thiên Ân, Sangeeta Kaur – Mai Teresa rõ ràng là những khuôn mặt rạng danh nước Việt. Tài năng của họ được công nhận bằng những giải thưởng danh giá hàng triệu người mơ ước. Bàn viết, sàn diễn, trường quay của họ với không gian bé nhỏ và khán giả chọn lọc cuối cùng sức sáng tạo cũng đã chiến thắng và họ bước lên đài vinh quang cùng với hàng triệu đôi mắt dõi theo của hàng triệu người Việt Nam khắp chốn. Và có một chiếc cúp khác không hình thể, cân nặng hay chất liệu nhưng trong nhiều năm qua âm thầm lóe sáng trên bàn ăn của hàng triệu gia đình nơi xứ sở của hàng chục quốc gia cùng cư trú. Cái cup có hình thể của một chai tương ớt từ nhiều chục năm qua làm bạn với không biết bao nhiêu là tiệm phở khắp năm châu. Nơi nào có phở, nơi ấy có tương ớt Sriracha Huy Fong với hình con gà trống vạm vỡ đầy sức sống. Cái chai tương ớt tưởng bình thường ấy lại là một câu chuyện thú vị của một người gốc Việt, lang bạc đến xứ người với vỏn vẹn vài trái ớt trong hành trang kinh nghiệm. Trái ớt bé nhỏ của Việt Nam khi tới Mỹ đã thay đổi cho hợp với phong thổ lẫn văn hóa ẩm thực của một đất nước có hàng trăm thứ tương ớt nhưng không có thứ nào phù hợp với phở, và từ đó tương ớt Con Gà ra đời. Thương trường là chiến trường đối với hầu hết những nhà kinh doanh nhưng đối với David Trần thì không hẳn thế. Người tạo ra thương hiệu Huy Fong không hề gặp sức cạnh tranh nào từ một thị trường đa dạng và cực kỳ khó tính như ở Mỹ vì nó không sản xuất cho cái lưỡi của người Mỹ, Mễ hay Hàn mà nó được làm cho tô phở Việt Nam, thứ mà đi tới đâu người Việt cũng mang theo bên hành trang của mình. Cách đây gần 60 năm, từ Sóc Trăng ông Trần chọn Sài Gòn làm nơi kinh doanh. Cùng với một người anh trai, hai anh em ông lặn lội làm ra những chai tương ớt bán cho các cửa hàng chạp phô rồi lần hồi tạo được uy tín từ khách hàng cho cái hương vị đặc biệt mà nó có. Nhưng cái số phận của chai tương ớt gắn liền với cuộc ra đi của gia đình ông vào năm 1978 trong những chuyến đi mang tên “bán chính thức” dành cho người Hoa đóng vàng vượt biên sang Hong Kong hay bất cứ xứ sở nào mà họ chọn. Chiếc tàu mang tên Huey Fong chở gia đình ông Trần sang Hong Kong và từ đó sang Mỹ đã gợi ý cho cái tên Huy Fong trên chai tương ớt bây giờ. Sinh năm Dậu nên ông Trần chọn con Gà Trống làm nhãn hiệu, cho thấy sự đơn sơ của một người chỉ biết nhắm vào những điều đơn giản và gần gũi. Cái chữ Sriracha không phải là ý muốn của ông khi chai tương ớt đầu tiên rao bán cho các quán phở chung quanh khu Bolsa nơi những tiệm phở, nhà hàng người Việt nhen nhúm mọc lên. Theo lời ông kể, lúc ấy Việt Nam chưa bang giao với Mỹ và mọi thứ hàng hóa đều nhập khẩu từ Thái Lan nên ông phải chọn chữ Sriracha cho hợp với thực tế lúc ấy. Tuy nhiên, ông không giải thích tại sao lại là Sriracha, nơi mà người Thái làm tương ớt trước ông nhiều thập niên và đến bây giờ họ vẫn còn giữ cái chất liệu trăm năm không đổi ấy. Làm sao ông Trần ngờ được người Việt và rồi nhiều sắc dân khác ở Mỹ thích thú món tương ớt của ông đến nỗi phát rồ khi nó bị trục trặc nguyên liệu buộc phải ngưng sản xuất trong ngắn hạn. Thứ tương này rất kén ớt, nó chỉ được làm từ trái ớt Jalapeno khi chín đỏ, còn mọi loại ớt khác có đầy ở Mỹ cũng vô dụng. Trong đại dịch Covid, nhiều nông trại trồng loại ớt này bị thất mùa, một phần do thời tiết, một phần do thiếu công nhân nên số lượng tụt giảm. Trái ớt đỏ Jalapeno đã tạo thành một cuộc “khủng hoảng” nho nhỏ trong lĩnh vực ẩm thực. Khi hãng Huy Fong gửi thư đi các công ty đối tác cho biết hãng phải tạm ngưng sản xuất vì khan hiếm ớt, ngay lập tức người ta đua nhau mua những chai tương ớt về cất để dùng dần. Costco, nơi thu mua ớt Con Gà nhiều nhất cũng hết sạch chỉ sau vài ngày. Nhiều nhà hàng Mỹ đưa tương Con Gà ra trong một cái chung nhỏ thay vì để nguyên chai trên bàn cho thực khác. Quán phở là nơi gặp khó khăn vì thiếu tương ớt nhiều nhất vì thực khách đã quen với hương vị tương ớt Huy Fong nên thay vào thứ gì cũng bị chất vấn! Một đầu bếp Mỹ khoe món cánh gà chiên ướp bằng tương ớt Con Gà của Huy Phong Foods (ảnh: Matt West/MediaNews Group/Boston Herald via Getty Images) Amazon cũng không ngoại lệ, giá một chai Huy Fong vọt lên gấp hai mươi lần. Walmart, chuỗi của hàng bán lẻ lớn nhất nước Mỹ cho biết tương ớt Huy Fong được bán với giá $80 nhưng hết hàng… Người Việt nhìn nhau tự hỏi làm sao mà cái chai tương này nổi tiếng đến như vậy? Nếu biết được sự nổi tiếng ấy xuất phát từ triết lý kinh doanh của ông chủ Huy Fong thì sự ngạc nhiên chắc sẽ còn tăng hơn nữa. Ông Trần khẳng định: “Hương vị của Huy Fong dành cho người giàu nhưng cái giá để mua nó thì dành cho người nghèo”. Không đơn giản chút nào. Phải yêu mến sản phẩm của mình như đứa con mang nặng đẻ đau mới nghĩ ra cái triết lý thông minh nhưng đầy thử thách như vậy. Thông thường, một sản phẩm bán chạy như Huy Fong thì không chóng thì chầy phải kiếm cách tăng giá. Giá có cao thì lợi nhuận mới tăng và với công suất sản xuất mỗi năm lên đến hàng trăm triệu chai thì doanh thu sẽ tăng tới mức nào. Nhưng không, ông Trần khẳng định khi còn ở Việt Nam ông cũng dư giả, rồi khi sang tới Mỹ cơ hội làm ăn thuận chèo mát mái, không gặp bất cứ vấn đề về tài chánh nào thì không cần tăng giá bán. Thật là khó tin nếu biết chai tương ớt Con Gà suốt 38 năm liền vẫn giữ cái giá thuở ban đầu xuất hiện bởi chủ nhân của nó muốn ngày càng có nhiều người biết tới và yêu mến nó. Tính cách kinh doanh khác thường của Huy Fong vô tình làm trở ngại cho bất cứ công ty nào muốn cạnh tranh với nó, vì với cái giá của 38 năm về trước không có bất cứ một công ty nào dù lớn tới đâu cũng không thể đọ sức. Theo số liệu chính thức của Phòng Thương mại Hoa kỳ thì tương ớt Huy Fong đứng thứ ba trên toàn nước Mỹ chỉ sau hai tập đoàn sản xuất tương ớt khác là Tabasco và Frank. Chưa hết, tại Mỹ cứ 10 gia đình thì có một gia đình dùng tương ớt Con Gà trên bàn ăn của họ! Nếu biết được ngay trên trạm vũ trụ Survival cũng có tương ớt cho phi hành gia thì chúng ta nghĩ sao? Chỉ có thể nói: Tự hào. Niềm tự hào này xứng đáng vì David Trần sinh năm 1945 tại Sóc Trăng chứ không phải là người được sinh ra bên ngoài Việt Nam. Ông chia sẻ số phận của người Việt tỵ nạn và từ đó biết rõ sự nghèo nàn, lạc hậu và đói nghèo đối với một con người, một tập thể và nhất là một quốc gia như thế nào. Chai tương ớt hiệu Con Gà mà ông mang vào nước Mỹ đã góp phần giới thiệu nền ẩm thực Việt Nam cho hàng triệu người. Ông không bước lên bục để nhận chiếc cúp vàng cho thành quả kinh doanh của mình nhưng sự kinh doanh của ông đã nói lên tấm lòng của một người tỵ nạn dành cho quê hương xa xôi của mình, cho những đồng bào tha hương xa xứ như ông./.    
......

Thánh lễ thắp nến cầu nguyện cho anh Phê Rô Bùi Tuấn Lâm tại Đào Viên - Đài Loan

linh mục Phêrô Nguyễn-Văn-Hùng.  Nguyễn Văn Hùng Cộng Đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Đào Viên đã Thắp Nến Cầu Nguyện cho Tù Nhân Lương Tâm (TNLT) Việt Nam; đặc biệt cho anh Phêrô Bùi Tuấn Lâm vào tối ngày Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Lên Trời lúc 6:30 ngày 21 tháng 5 năm 2023 tại nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đào Viên. Chủ tế trong thánh lễ là linh mục Phêrô Nguyễn-Văn-Hùng.   Nhà thờ đã chật kín các anh chị em công nhân lao động và di dân Việt Nam. Giây phút linh thiêng nhất trong tuần, khi anh chị em tụ họp nhau trong đức tin để thờ phượng Chúa và múc lấy ân phúc cho đời sống tâm linh.   Trong bài giảng, linh mục chủ tế đã chia xẻ với cộng đoàn về ý nghĩa của sự kiện Chúa Giêsu Lên Trời. Là Chi Thể của Nhiệm Thể Chúa Giêsu Kitô, chúng ta hy vọng, sẽ được Lên Trời với Ngài. Nước Trời là nơi chúng ta sẽ đến nếu chúng ta “sống mệnh lệnh Ngài truyền cho chúng ta”. Và Nước Trời phải được độc hưởng mà phải chia xẻ, nên cần hoàn thành sứ mạng “loan báo Tin Mừng” Ngài truyền lại cho các Môn Đệ.   Các Môn Đệ đã được Thiên Thần nhắc nhở “sao anh em cứ đứng mà nhìn lên Trời”, các môn đệ phải xuống núi và loan truyền Lời Chúa theo lệnh truyền, chúng ta nhớ đến các TNLT tại Việt Nam; trong số đó có rất nhiều tín hữu Công Giáo như thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, anh Lê Đình Lượng, chị Trần Thị Xuân, em Nguyễn Văn Hóa, v.v…, họ đã can đảm lên tiếng đấu tranh cho công lý, công bằng, nhân quyền, nhân phẩm cho người Việt Nam. Họ bị đi tù vì “yêu nước”. Theo thông tin chị Lê Thanh Lâm, vợ anh Bùi Tuấn Lâm, ngày mai 25/5 lúc 7:30 sáng, nhà cầm quyền csVN sẽ anh Phêrô Bùi Tuấn Lâm ra tòa án thành phố Đà Nẵng xét xử. Tội danh mà nhà bị nước csVN cáo buộc vi phạm điểm a, b Khoản 1 Điều 117 Bộ luật Hình sự với mức án từ 5 năm đến 12 năm.   Nghe qua đoạn video anh tự mình ghi hình lại trước khi bị bắt, cho thấy công an, an ninh nhà nước cs Việt Nam thực thi quyền lực “hèn với giặc, ác với dân!”   Trong cơn “đại nạn” của đất nước hôm nay, những lời cầu nguyện đã được đọc lên trong 1 không gian tĩnh lặng, với các ánh nến lung linh, xin Thiên Chúa đón nhận như:   1.CẦU NGUYỆN CHO GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng, nó đã ghét Thầy trước…. Vì anh em không thuộc về thế gian…”. Lạy Chúa, người dân VN chúng con đang sống trong một xã hội mà tự do tôn giáo bị cấm đoán một cách tinh vi. Sinh hoạt tôn giáo bị khống chế bởi luật pháp và công an trị. Các cơ sở tôn giáo bị cưỡng đoạt, các linh mục, giáo dân bị sách nhiễu đang khi dâng-dự Thánh Lễ, bị đánh đập, bắt bớ, bôi nhọ xuyên tạc. Xin cho Giáo Hội trung kiên với Tin Mừng; không tìm kiếm yên ổn, lợi lộc thế gian mà tìm kiếm sự dể dãi, a dua với cái ác và làm gương xấu. Xin cho Giáo Hội luôn trung kiên để vượt qua những gian nan thử thách; đặc biệt là GP Vinh đang bị nhũng loạn bởi quyền lực của thế quyền tham danh, hám lợi của các đấng bậc trong giáo phận. Xin khai lòng, mở trí để họ nhận biết sai lầm mà hối lỗi trở về!   2.CẦU CHO CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH “Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ”. Chúng con, những người công nhân tha hương cầu thực, khi nhìn về quê hương thấy biết bao cảnh bất công: đàn áp, bắt bớ, đánh đập và tù đày những người lên tiếng cho biển đảo, tự do, dân chủ. Chúng con cầu nguyện cho các anh chị em đang là tù nhân lương tâm bị giam cầm với những bản án đi tù vì “yêu quê hương”. Xin thêm sức mạnh, ý chí và lòng bền vững cho các anh chị. Xin ủi an gia đình của họ. Xin giúp chúng con biết hiệp thông và thao thức trong hành động. Để Việt Nam sớm có được công lý và hòa bình. Xin Chúa tác động những ngườ cộng sản Việt Nam, biết từ bỏ sự sợ hãi của sự thay đổi. Đánh động tâm hồn những người dấn thân cho công lý biết tha thứ để có những đổi thay trong tin yêu để tự do, dân chủ và công bằng sẽ sớm đến trên quê mẹ Việt Nam.   3.CẦU NGUYỆN ANH BÙI TUẤN LÂM “Khi anh em dùng danh Thầy mà cầu xin cùng Cha, Người sẽ ban cho anh em”. Lạy chúa, anh Bùi Tuấn Lâm đã bị bắt và sẽ bị đưa ra tòa án xét xử ngày 25/5 tại tòa án thành phố Đà Nẵng. Trong cuộc sống anh là người chồng tốt, người cha yêu thương con cái và 1 người công dân có trách nhiệm. Anh đã tham gia và lên tiếng trong các cuộc tuần hành bảo vệ biển đảo, tranh đấu công bằng cho các nạn nhân thảm trạng môi trường Formosa. Anh luôn mang trên mình cổ tràng Chuổi Mân Côi và xác tín đức tin vào Chúa và lòng yêu thương con người. Nhân danh Chúa Giesu Kitô, chúng con nguyện danh Cha cả sáng. Nếu là Thánh Ý và đẹp lòng Chúa, xin giải thoát anh khỏi nanh vuốt ma vương của phiên tòa “bỏ túi”. Nếu Chúa muốn anh là Chứng Nhân, xin gìn giữ che chở anh. Cho anh sự khôn ngoan và lòng dũng cảm làm chứng cho Chúa tại phiên tòa bỏ túi và sau đó. Xin Chúa cũng tiếp sức cho vợ và các con của anh. Xin ban cho chị và các con nhiều sức khỏe, bình an. Xin cho chúng con luôn hiệp thông trong kinh nguyện và đồng hành với gia đinh anh chị Phêrô Bùi Tuấn Lâm.   4.CẦU NGUYỆN CHO GIỚI TRẺ QUAN TÂM TỚI VẬN MỆNH ĐẤT NƯỚC “Các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian.” Lạy Chúa, xin giúp tuổi trẻ Việt Nam nhận thức căn tính Kitô hữu là những người được Chúa chọn. Chúng con nhận ra trách nhiệm làm chứng cho Chúa bằng cách biết xa lánh cám dỗ của vật chất, đi tìm sự “an thường thủ phận”, không quan tâm đến những sự an nguy của Tổ Quốc.   Xin cho mỗi người trẻ thức tỉnh trước những lời tuyên truyền tinh vi, giả dối của nhà cầm quyền độc tài cs Việt Nam. Họ đã và đang chỉ quan tâm đến sự tồn tại của đảng mà cam tâm làm tay sai cho ngoại bang, cai trị tàn phá quê hương. Bài hát “Kinh Hòa Bình” đã được cất lên, cả cộng đoàn đã cất cao lời cầu trong sự sốt sắng và tin tưởng, Thiên Chúa đã làm “phép lạ” khi Chúa Giê su con của Ngài, bị bắt, đánh đập, giết chết và sau 3 ngày Ngài sống lại và Lên Trời.   Tre Việt      
......

Hội thảo ‘Tự Do Internet tại Việt Nam’ tìm cách giúp giới trẻ trong nước đấu tranh

Các diễn giả tham gia hội thảo “Tự Do Internet tại Việt Nam,” tại đài truyền hình SBTN, Garden Grove, Nam California. Ảnh: Lâm Hoài Thạch/ Người Việt Lâm Hoài Thạch - Người Việt “Tự Do Internet tại Việt Nam,” qua hình thức Internet Freedom Roundtable (Bàn tròn Tự do Internet), do các thành viên Mạng Lưới Đồng Hành và Thanh Niên Phan Bội Châu Hải Ngoại tổ chức vào chiều Thứ Bảy, 20 Tháng Năm, tại đài truyền hình SBTN, Garden Grove, là một diễn đàn giúp giới trẻ trong nước đấu tranh. Tiến Sĩ Duyên Bùi, thành viên ban tổ chức, cho biết: “Tôi là một trong những thành viên của Mạng Lưới Đồng Hành, cùng nhiều đoàn thể thanh niên Việt Nam tại hải ngoại khác, ủng hộ sự đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam. Đồng tổ chức với chúng tôi hôm nay có Đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu, Nam California. Đặc biệt buổi tổ chức này là hoàn toàn bàn luận về Tự Do Internet tại Việt Nam.” “Chúng tôi luôn nhắm đến giới trẻ từ bậc trung học đến đại học, để họ có thể hiểu biết thêm về tình hình của Việt Nam như thế nào. Nhưng lâu rồi chúng tôi chưa được gặp lại nhau, kể từ đại dịch COVID-19 bùng phát cho đến bây giờ. Vì thế, đây cũng là cơ hội cho giới trẻ hải ngoại được gặp nhau để bàn luận về đề tài này,” cô Duyên Bùi cho biết thêm. Một số diễn giả nêu lên những trở ngại của những nhà đấu tranh ở trong nước gặp phải. Các diễn giả đưa ra những ý kiến, nhằm có thể tránh khỏi sự để ý của nhân viên kiểm soát, theo dõi những hành vi mà những nhà đấu tranh từ hải ngoại về nước để hoạt động, đồng thời cũng nêu lên một vài phương pháp để giúp cho những người đấu tranh trong nước tránh được sự bắt bớ của nhà cầm quyền CSVN. Diễn giả TS Duyên Bùi phát biểu tại hội thảo “Tự Do Internet tại Việt Nam.” Ảnh: Lâm Hoài Thạch/Người Việt Luật Sư Nguyễn Văn Đài là nạn nhân của sự đàn áp đó từ trong nước cho đến khi ông được định cư tại nước Đức. Ông là một diễn giả của hội thảo. Ông kể: “Năm 2020, chính quyền độc tài CSVN đã gây áp lực với chính phủ Đức. Phía Việt Nam yêu cầu Đức phải có biện pháp để tôi không được sử dụng mạng xã hội lên án chính quyền CSVN vi phạm nhân quyền và cổ xúy cho tự do và dân chủ tại Việt Nam. Nhưng chính phủ Đức đã từ chối.” “Sau đó, chính quyền Việt Nam đã kích động những người ủng hộ họ để đe dọa tôi. Năm 2021, một người Việt ở Na Uy đã treo giải thưởng $100,000 cho ai giết được tôi. Kết quả, cảnh sát Đức đã khởi tố vụ án và yêu cầu cảnh sát Na Uy thẩm vấn người này. Viện Công Tố Đức đang điều tra, vì hằng ngày, tôi nhận được hàng chục tin nhắn bình luận đe dọa từ Việt Nam,” Luật Sư Đài nói thêm. Diễn giả Chris Nguyễn phát biểu. Ảnh: Lâm Hoài Thạch/Người Việt Nói về sự bất đồng chính kiến trên các mạng xã hội, Luật Sư Nguyễn Văn Đài cho biết: “Chính quyền độc tài CSVN coi truyền thông có ý nghĩa quyết định tới sự tồn vong của họ. Bởi vậy chính quyền này đã độc quyền truyền thông như truyền hình, phát thanh, các loại hình báo chí, và cấm phát hành báo chí tư nhân.” “Họ có nhiều cơ quan để quản lý và giám sát các cơ quan truyền thông, gồm có Ban Tuyên Giáo Trung Ương, Bộ Thông Tin và Truyền Thông, Cục An Ninh Mạng của Bộ Công An, và Cục Tác Chiến An Ninh Mạng của Bộ Quốc Phòng,” Luật Sư Đài cho biết thêm. Theo Luật Sư Đài, từ khi có mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter,… thì chính quyền CSVN không còn được độc quyền tuyệt đối trên truyền thông. Bởi vậy, năm 2018, họ đã ban hành luật an ninh mạng để kiểm soát các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội và người dân. Trong bốn năm qua, chính quyền CSVN đã thực hiện nhiều biện pháp và hình thức khác nhau để đàn áp những người đối lập ở trong và ngoài nước sử dụng mạng xã hội. Anh Tâm Đoàn, thành viên ban tổ chức. Ảnh: Lâm Hoài Thạch/Người Việt Theo diễn giả Duyên Bùi, “Giới trẻ ở hải ngoại thì dễ dàng chia sẻ những ý kiến của mình trên Internet để đấu tranh, nếu cần. Nhưng ở Việt Nam thì các nhà đấu tranh trên mạng luôn bị nhà cầm quyền Cộng Sản kiểm soát, đàn áp hoặc bắt bớ. Vì thế, những nhà đấu tranh trẻ ở hải ngoại có thể giúp đỡ những người đấu tranh trong nước qua nhiều hình thức, từ dễ dàng cho đến khó khăn.” Anh Tâm Đoàn, thành viên ban tổ chức, nói: “Tôi tham gia vào tổ chức Mạng Lưới Đồng Hành và Đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu để học được thêm về lịch sử và văn hóa Việt Nam, đồng thời cùng tiếp tay với các anh chị em giới trẻ trong nước đang đấu tranh cho Việt Nam có nhân quyền, tự do và dân chủ.” Thành viên ban tổ chức hội thảo “Tự Do Internet tại Việt Nam.” Ảnh: Lâm Hoài Thạch/Người Việt Ông Minh Nguyễn, một người tham dự, nói: “Giới trẻ ở hải ngoại đã thực hiện phong trào rất quan trọng, đó là đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam trong lãnh vực truyền thông trên Internet. Thế hệ của những bậc lớn tuổi tại hải ngoại từng tranh đấu để giới trẻ noi theo, nhưng có lẽ vì thời gian không cho phép chúng ta tiếp tục lâu dài, nên giới trẻ Việt Nam từ trong nước cũng như ở hải ngoại tiếp tục đấu tranh, đó là điều mà các con em của chúng ta cần phải làm.” Cô Thanh Lan, cư dân Anaheim, nói: “Giới trẻ Việt Nam không có tiếng nói mạnh mẽ khi họ muốn phát biểu những ý kiến cá nhân của họ, nhất là vấn đề nhạy cảm đối với chính quyền hiện tại trong nước đàn áp rất mạnh bạo sự đấu tranh này. Điều này rất là bất công đối với giới trẻ trong nước. Hy vọng buổi hội thảo này sẽ có nhiều lợi ích cho sự tranh đấu của tuổi trẻ trong nước.” Vợ chồng ông Minh Nguyễn tham dự hội thảo “Tự Do Internet tại Việt Nam” tổ chức tại đài truyền hình SBTN, Garden Grove. Ảnh: Lâm Hoài Thạch/Người Việt Nhạc sĩ Trúc Hồ, Tổng giám đốc đài truyền hình SBTN, nơi giúp cho buổi hội thảo này được loan tải trên toàn thế giới, nói: “SBTN lúc nào cũng chủ trương giúp giới trẻ Việt Nam, vì họ là tương lai của sự trường tồn của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại. Không riêng chúng tôi, mà cả cộng đồng người Việt hải ngoại phải yểm trợ cho giới trẻ được thành công về việc tranh đấu vì quê hương, dân tộc Việt Nam.” Sau phần hội luận, các diễn giả giải đáp những câu hỏi của đồng hương đến dự. Lâm Hoài Thạch Nguồn: Người Việt
......

Hội NVTNCS Mönchengladbach & phụ cận gởi tiền lạc quyên cho trẻ em mồ côi do chiến tranh ở Ukraine

Người Việt sống tại Mönchengladbach và vùng phụ cận đã nhờ Caritas chuyển số tiền 2.450€ lạc tuyên từ lễ hội Tết Quý Mão vừa qua cho trẻ em mất cha mẹ do chiến tranh ở Ukraina. Ông Nguyễn Văn Rị, hội trưởng Hội Người Việt tị nạn Cộng sản và Hội Công giáo Việt Nam tại Mönchengladbach đã trao tặng một ngân phiếu tượng trưng cho ông Frank Polixa, giám đốc điều hành của Caritasverband Region Mönchengladbach tại trụ sở của Caritasverband với sự hiện diện của cựu linh mục giáo xứ Mönchengladbach, ông Johannes van der Vorst. Ông Polixa sẽ chuyển số tiền này đến Caritas International. Ông Nguyễn Văn Rị sinh sống tại Mönchengladbach đã hơn 40 năm. Như nhiều người Việt khác, ông và gia đình là một trong những "Boat People" đã được nước Đức đón tị nạn sau cuộc vượt biển kinh hoàng. Ông bày tỏ: "Chúng tôi cảm ơn nước Đức, đặc biệt là thành phố Mönchengladbach, đã tiếp nhận người tị nạn Việt Nam và tạo điều kiện cho chúng tôi được sống tự do và hạnh phúc trên quê hương thứ hai này". Năm nay ông đã 70 tuổi, luôn tham gia vào các hoạt động giúp đỡ những người gặp khó khăn.   Những hình ảnh kinh hoàng về chiến tranh ở Ukraina đã gợi lại ký ức đau thương của ông và đồng hương. "Người Việt Nam chúng tôi cũng đã trải qua một cuộc chiến tranh đẫm máu", ông cho biết. Ông kể rằng, ông từng là một người lính chiến đấu để bảo vệ miền Nam Việt Nam trước sự xâm lăng của cộng sản miền Bắc Việt Nam. "Tôi đã bị thương hai lần do trúng bom, những người thân của tôi và anh em của tôi bị  cộng sản truy đuổi và giết hại", ông giải thích. Năm 1981, ông cùng gia đình đã chạy trốn khỏi Việt Nam bằng thuyền, trôi dạt trên biển trong 6 ngày cùng với 95 người tị nạn khác. Trong hoàn cảnh nguy kịch nhất, họ đã được tàu "Cap Anamur" Đức cứu vớt.   "Đồng cảm với những người Ukraina đang chịu đựng những hậu quả của chiến tranh, chúng tôi thấy có trách nhiệm phải giúp đỡ họ. Với khoản quyên góp này, chúng tôi muốn góp phần giảm bớt nỗi đau thương của họ", ông bày tỏ. Ông Nguyễn Văn Rị chính thức là công dân Đức từ năm 1991 và đã được trao tặng Huân chương Thập tự Liên bang(Bundesverdienstkreuz) cho sự tận tâm đóng góp của ông cho cộng đồng xã hội.   https://lokalklick.eu/2023/05/09/vietnamesische-gemeinde-spendet-2-450-euro-fuer-ukrainische-waisenkinder/  
......

Hãy cùng ký kiến nghị thư, kêu gọi thế giới công nhận Hoàng Sa thuộc Việt Nam

Việt Tân HÃY CÙNG KÝ KIẾN NGHỊ THƯ KÊU GỌI THẾ GIỚI CÔNG NHẬN HOÀNG SA THUỘC VIỆT NAM VÀ BẢO VỆ NGƯ DÂN VIỆT NAM Tài liệu lịch sử cho thấy, từ thế kỷ thứ 17 các triều đại vua Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Các sự kiện lịch sử cận đại cũng chứng minh các nước trên thế giới chưa bao giờ phủ nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa là ngư trường đánh bắt truyền thống của ngư dân Việt Nam từ bao đời qua. Thế nhưng ngày 19 tháng 1 năm 1974, các lực lượng quân sự Trung Quốc đã tấn công hải quân Việt Nam Cộng Hòa, đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Và kể từ đó Bắc Kinh không ngừng gia tăng bành trướng quân sự tại Biển Đông, tấn công, đánh cướp các ngư dân Việt Nam ngay trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong gần 50 năm qua, người dân Việt Nam chưa bao giờ chấp nhận sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc. Ngay từ những ngày đầu sau trận hải chiến Hoàng Sa cho đến nay, người Việt Nam trong và ngoài nước vẫn liên tục lên tiếng khẳng định chủ quyền của quốc gia và phản đối sự xâm chiếm của Trung Quốc. Hãy cùng góp tiếng nói của bạn bằng cách ký tên vào kiến nghị thư “Hoàng Sa Thuộc Việt Nam” để lên án Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình chung và kêu gọi thế giới có hành động để bảo vệ ngư dân ở Biển Đông. Kiến nghị thư sẽ được gửi đến các Lãnh đạo AUKUS và Quad, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và Tổng Thư Ký Tòa Án Trọng Tài Thường Trực với hàng chục ngàn chữ ký chứng minh quyết tâm của dân tộc Việt Nam không bao giờ khuất phục trước bạo lực. Để ký tên: - bạn bấm vào link của trang mạng: https://vietnameseparacels.org/ - nếu bị tường lửa không vào được trang mạng, bạn có thể ký tên qua Google Biểu Mẫu Hoàng Sa Thuộc Việt Nam: https://forms.gle/PxJGvyGVHGy6tSNJ6 Kính gửi: - Các Lãnh đạo AUKUS và Quad - Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres - Tổng Thư Ký Tòa Án Trọng Tài Thường Trực Marcin Czepelak Ngày 19 tháng 1 năm 2024 đánh dấu 50 năm quân đội Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa  xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Sự chiếm đóng bất hợp pháp này chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế công nhận và người dân Việt Nam cũng chưa bao giờ chấp nhận. Triều đại nhà Nguyễn đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, nằm ngoài khơi bờ biển phía đông của Việt Nam. Các đoàn thám hiểm chính thức và ngư dân Việt Nam thường xuyên ghé vào quần đảo này từ thời đó. Vào đầu thế kỷ 20, trong thời kỳ Pháp đô hộ Việt Nam đã cho quân đội chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa. Tại hội nghị San Francisco về Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản năm 1951, đại diện của Quốc Gia Việt Nam đã tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Năm 1955, Việt Nam Cộng Hòa đóng quân tại đảo Hoàng Sa (Pattle), đảo lớn nhất trong nhóm đảo Lưỡi Liềm ở Hoàng Sa, để xác nhận chủ quyền lãnh thổ của mình. Vào ngày 19 tháng 1 năm 1974, các lực lượng quân sự Trung Quốc đã tấn công đơn vị đồn trú của Việt Nam và trong trận hải chiến sau đó, 74 sĩ quan và thủy thủ Việt Nam đã hy sinh. Việt Nam Cộng Hòa đã chính thức phản đối lên Liên Hiệp Quốc, nhưng Bắc Kinh đã sử dụng quyền phủ quyết của mình tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để ngăn chặn sự việc được đưa ra tranh luận. Với kiến nghị thư này chúng tôi khẳng định: 1. Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế khi cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc, tất cả các quốc gia thành viên phải giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và không thể sử dụng vũ lực để thay đổi biên giới. 2. Việc Trung Quốc tiếp tục chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa là mối đe dọa đối với hòa bình quốc tế, tự do hàng hải và ngư dân Việt Nam. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã sử dụng sự chiếm đóng quân sự của mình ở quần đảo Hoàng Sa để quấy rối ngư dân Việt Nam và giúp biện minh cho những yêu sách chủ quyền phi lý của họ trên Biển Đông. 3. Chính phủ Việt Nam hiện nay phải có những hành động cụ thể để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và vùng biển lân cận, bao gồm: (i) lên án hành động chiếm đóng của Trung Quốc tại các cuộc họp của ASEAN và tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và (ii) đệ đơn kiện Bắc Kinh tại Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ở The Hague. 4. Cộng đồng quốc tế có thể duy trì luật pháp quốc tế bằng cách công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, thảo luận về vấn đề này trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và yêu cầu Trung Quốc ngừng quấy rối ngư dân Việt Nam hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoặc vùng biển quốc tế. 5. Trong năm thập niên qua, người Việt Nam và những người ủng hộ luật pháp quốc tế đã liên tục lên án hành động xâm chiếm bất hợp pháp của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Chúng tôi sẵn sàng làm điều này trong năm thập niên nữa — cho đến khi quần đảo Hoàng Sa được trả về với đất mẹ. Trân trọng,  
......

Biểu Tình Ngày Quốc Hận lần thứ 48 trước Tổng lãnh sự Việt cộng tại Frankfurt

Tường Trình cuộc Biểu Tình Ngày Quốc Hận lần thứ 48 trước Tổng lãnh sự Việt cộng tại Frankfurt Sau 3 năm gián đoạn vì đại dịch Vũ Hán, năm nay 2023 chúng ta tiếp tục dựng lại truyền thống tổ chức ngày Biểu Tình Ngày Quốc Hận 30.04 trước Tổng Lãnh Sự (TLS) Việt cộng tại thành phố Frankfurt (Kennedyallee 49, 60596 Frankfurt am Main). Hưởng ứng lời mời tham gia cuộc Biểu Tình Ngày Quốc Hận lần thứ 48 trước TLS Việt cộng; Ngày thứ bảy 29.04.2023 trước 12:00 giờ, thời tiết tốt các Đoàn Thể, Đồng Hương NVTN khắp nơi đã không quãn ngại đường xá xa xôi cùng tề tựu tại địa điểm biểu tình, trong cuộc Biểu Tình này có sự hiện diện của quý vị đại diện Hội NVTN tại Köln, Hội NVTN tại Wiesbaden, Cộng Đồng NVTD tại München, Hội VHPNVNTD tại Đức, Hội NVTNCS tại Odenwald, Tập thể Cựu Chiến Sĩ VNCH tại Đức, Nhóm Vinh Danh Cờ Vàng tại Hòa Lan, Đại diện Vovinam-Việt Võ Đạo Vương Quốc Bĩ và Đức, Cộng Đồng NVTNCS tại Âu Châu, Ban Văn Vũ Điểm Sáng, quý Đồng Hương NVTN đến từ Thụy Sĩ, Pháp, Bĩ và Hòa Lan, Hanau, Mannheim, Giessen, Koblenz, vùng Rheinland Pfalz, Stuttgart và Frankfurt. Tất cả mọi người đã tề tựu và hợp nhau mỗi người một việc giúp BTC dựng lều, căng biểu ngữ, thiết kế âm thanh, đặc biệt là cùng nhau dựng một cột cờ tại địa điểm biểu tình. Đúng 14:00 giờ bắt đầu khai mạc cuộc biểu tình với nghi thức chào cờ mặc niệm truyền thống dưới cột cờ vàng thiêng liêng của Tổ Quốc. Sau phần nghi thức chào cờ mặc niệm và lời chào mừng khai mạc của đại diện Hội đoàn địa phương tại Frankfurt, là phần tham gia phát biểu của Đại diện tất cả các Tổ chức, Đoàn thể tham gia; xen kẻ sau những bài phát biểu, những tuyên cáo tố cáo tội ác Việt cộng từ ngày cướp miền nam tự do, là những thông cáo báo chí bằng Đức ngữ và những bản nhạc đấu tranh, những tiếng hô hào „đả đảo cộng sản VN“ „Menschenrechte für Việt Nam“ ... được cất lên vang dội sang cái hang ổ Việt cộng phía bên kia đường và trong cuộc biểu tình. Cuộc Biểu Tình năm nay cũng có sự tham gia phát biểu tố cáo tội ác Việt cộng (Vc) của những anh chị thuộc thế hệ thứ hai,thứ ba trong cộng đồng NVTN chúng ta tại Âu Châu. Đặc biệt lễ Tưởng Niệm Ngày Quốc Hận năm nay 29.04.2023 cũng trùng vào ngày Lễ Giổ Tổ Hùng Vương, ban rổ chức cũng đã dành 1 phút để mặc niệm tưởng nhớ đến Tiền Nhân đã có công dựng nước và giữ nước.   Theo dự trù là sau cuộc biểu tình trước TLS Vc, thì đoàn Biểu Tình sẽ đi tuần hành vào phố chính, nhưng vì cùng ngày có một đoàn thể ngoại quốc xin phép tổ chức trước tại phố chính, nên BTC đã xin hủy bỏ phần tuần hành, mà thay thế vào đó là tổ chức một Buổi Hội Luận Tâm Đàm tại hội trường nhà thờ Katholische Gemeinde St. Lioba (Ben-Gurion-Ring 16A, 60437 Frankfurt am Main) để dùng cơm chiều và lúc 19:00 giờ khai mạc Buổi Hội Luận Tâm Đàm với diễn giả Giáo Sư Nguyễn Thanh Châu đến từ Wiesbaden và thảo luận về tình hình đất nước và sau đó là phần văn nghệ đấu tranh. Cuộc Hội luận được chấm dứt lúc 22:00 giờ cùng ngày. Mọi người chia tay ra về và hẹn sang năm tham dự một ngày lễ Quốc Hận tại Việt Nam. Qua cuộc biểu tình và hội luận vào ngày thứ bảy 29.04.2023 vừa qua, đã nêu cao tinh thần liên kết đấu tranh chống Việt cộng của cộng đồng NVTN khắp nơi tại vùng Trung Nam nước Đức và đồng bào trong các cộng đồng NVTN từ Bỉ,Pháp,Hòa Lan,Thụy Sĩ. Cuối cùng, thay mặt ban tổ chức chúng tôi chân thành cảm ơn Quý Đoàn thể, Quý Đồng hương đã hỗ trợ cho ban tổ chức chúng tôi về tinh thần, công sức và tài chánh trong cuộc biểu tình vừa qua, cũng như một buổi ăn chiều rất thịnh soạn và đầy đủ. Đặc biệt cảm ơn sự hỗ trợ của quý em, cháu thế hệ thứ hai thứ ba đã tham gia, hỗ trợ cho ban tỏ chức, cũng xin cảm ơn gia đình anh Nguyễn Tín đến từ Thụy Sĩ mặc dù phương tiện di chuyển bị hỏng, nhưng anh đã cố công thu lại những tấm hình trong cuộc biểu tình vừa qua để phân tán đến cộng đồng NVTN chúng ta. (xin xem links đính kèm), tiếp đến là thành kính cảm ơn Giáo Sư Nguyễn Thanh Châu đã ngoài 100 tuổi, nhưng vẫn còn khỏe và minh mẫn đã cùng đến buổi hội luận để diễn thuyết đề tài ngày Quốc Hận và tâm đàm với NVTN chúng ta trong bầu không khí rất thân tình. Trong lúc lo chuẩn bị tổ chức cuộc biểu tình vừa qua,nếu có gì sơ xuất, mong Quý vị niệm tình thứ lỗi. Kính tường trình. TM. Ban Tổ Chức Võ Hùng Sơn  
......

Viết cho các em dư luận viên…“yêu vấu“!

Huỳnh T. Thanh Nhàn   Năm nào cũng vậy, cứ hễ gần 30 Tháng Tư là ban Tuyên giáo lại xua các em đi khắp ngã, đến từng trang cộng đồng, trang cá nhân của anh em dân chủ, chỉ để làm 1 công việc duy nhất là chọc quê, phá đám, xả rác rưởi trên trang của người khác. Và các em cần mẫn làm chuyện ấy trong vô thức.   Tuyệt nhiên, các em không có 1 tí gì là lý luận để biết mình nói vậy, nhận định vậy có đúng sự thật không, có vi phạm đạo đức làm người không, có tự hạ giá trị nhân văn của chính mình không. Tôi thấy tội nghiệp các em, chỉ vì tiền mà các em để ban Tuyên giáo sai các em làm con rối rẻ tiền! Hôm nay, tôi muốn nói một lần cho ra lẽ những từ mà các em hay dùng.   Ngoài những từ mà các em thường sử dụng như: Khát nước - Đu càng - Tộc Nail,... đặc biệt các em còn luôn sẵn sàng buông ra những tiếng chửi thề, những từ ngữ tục tĩu khó chấp nhận được từ miệng một người tử tế. Chửi người khác, khinh thường người khác nhưng không tự biết mình đang bước xuống vị trí rất thấp trong mức thang nhân văn khi làm vậy. Tôi thấy các em thật đáng thương và tôi muốn nói với các em 1 lần về những từ mà các em muốn đổ lên đầu người khác.   “KHÁT NƯỚC”   Khi các em hỏi ai đó “Khát nước không?” các em muốn ám chỉ họ là người mất nước, là vô tổ quốc. Cái đó còn tùy các em nghĩ thế nào là tổ quốc.   Thế giới bây giờ nhỏ lắm, con người di chuyển không ngừng giữa các lục địa. Em ở đâu, tôi ở đâu không thành vấn đề. Tổ quốc của em, tổ quốc của tôi chính là cái cội nguồn, là dòng máu, là tấm lòng của tôi, của em đối với tổ quốc. Chừng nào mà mình thấy mình có trách nhiệm đóng góp cho sự tồn vong của tổ quốc, thì mình xứng đáng là con dân của tổ quốc đó!   Hãy nhớ cho rằng tổ quốc là một trạng thái mà chính cá nhân đó cảm nhận được chứ không phải là điều gì mà em hay ai khác ban bố cho. Các em không có quyền gì với người khác về tổ quốc của họ! Vậy nên nói người này “khát nước” người kia “khát nước” là nói xàm em nhé!   Có biết bao người đang ở trong nước mà phá hoại đất nước dưới nhiều hình thức? Lại có biết bao người Việt dù xa xứ nhưng vẫn gửi những đồng tiền cực khổ của họ về giúp đỡ đồng hương ở quê nhà. Ai là người xứng đáng để có một tổ quốc hơn?   “ĐU CÀNG”   Hình ảnh đoàn người di tản kéo nhau lên chiếc trực thăng đậu trên nóc toà lãnh sự Mỹ để di tản trong ngày 30 Tháng Tư, 1975 là một hình ảnh đáng xấu hổ cho CS Bắc Việt lúc đó. Tại sao khi quân Bắc Việt vào, người dân không vui mừng ở lại chào đón mà vội vã ra đi, đến phải chen nhau bám lấy chiếc trực thăng. Xấu hổ không?   Ban Tuyên giáo không thấy xấu hổ để mớm cho các em dùng những từ này đi chế giễu người khác, thì thật ra họ đang tự vả vào mặt họ đấy! Các em nhắm mắt dùng thì tự các em cũng đang vả vào mặt mình các em biết không?   “TỘC NAIL” - “DŨA MÓNG”   Có lẽ không một ngành nghề nào mà đã đổ tiền nhiều nhất và sớm nhất về cho bà con trong nước sau năm 75 đấy các em.   Vào thập niên 80’ đất nước kiệt quệ vì bị cấm vận, có lẽ tiền từ “tộc Nail” là nguồn ngoại tệ duy nhất đổ vào Việt Nam để bà con đỡ phải ăn bo bo, húp cháo. Gia đình có Việt kiều ở hải ngoại là đầu vào của kiều hối, rồi từ đó kiều hối được phân tán dần qua các dịch vụ trao đổi, buôn bán,... qua nhiều ngõ ngách, nó đã chảy vào túi của các em đấy! Một cách gián tiếp, các em có ăn ké thì làm ơn đừng coi khinh người cho các em miếng ăn. Như vậy vô ơn lắm!   Mà nói thật nha, “dũa móng” thì đã sao? “Tộc nail” dùng sức lao động đổi lấy miếng cơm một cách lương thiện. Họ không khinh người, họ không chửi rủa, thù hằn ai, họ dành dụm tiền gửi về nước với một số lượng lớn, cần mẫn, đều đặn. Số kiều hối này không ít đâu. Nếu họ ngưng gửi, gia đình họ sẽ đói và các em cũng đói lây! So với họ về tiền bạc chưa chắc các em đã kiếm được nhiều tiền bằng họ, so về nhân cách sống thì các em không bằng họ đâu nhé!   Một điều mà các em không thể ngờ là chính người Việt tị nạn đã nâng ngành nail lên thành 1 kỹ nghệ có tầm vóc với nhiều hãng xưởng, nhiều cơ sở dịch vụ khắp nước Mỹ và nay lan qua cả Âu,Á châu. Tất cả doanh nghiệp này hầu như nằm trong tay của người Việt. Lợi nhuận mà họ tạo ra đóng góp vào nền kinh tế Mỹ không ít đâu. Đây là một sự thành công của người Việt mà các dân tộc khác cũng phải ngã mũ, không đáng hãnh diện hay sao?   VÀI LỜI VỚI BAN TUYÊN GIÁO   Nói với các em dư luận viên mà không nói tới ban tuyên giáo là một sự thiếu sót lớn.   Bởi vì chính quý vị đã xui đám trẻ nhỏ đi “đánh trận” mà không trang bị cho các em ấy bất cứ một luận cứ hợp lý nào để mà đi tuyên vận. Để các em ấy nói những lời ngây ngô, vô nghĩa, thù hận, chửi tục,... cho thấy quý vị cũng chẳng biết tuyên vận là phải làm gì. Cái gì đúng, cái gì sai quí vị cũng chẳng hiểu i tờ gì ráo, chỉ giỏi xúi trẻ ăn c.’t gà là hay thôi.   Tôi khinh quý vị!    
......

Sinh hoạt 30/4 của người Việt tự do tại Berlin, Đức quốc

Nguyen Phan   Đúng 12 giờ trưa ngày 29 tháng Tư, 2023 phần một trong bốn phần của ngày sinh hoạt 30/4 của người Việt yêu tự do tại CHLB Đức đã bắt đầu trước đại sứ quán CSVN bằng nghi thức chào cờ Đức – Việt và phút mặc niệm công đức tiền nhân, nạn nhân cộng sản. Khoảng 100 tham dự viên gặp nhau tay bắt mặt mừng vì vẫn còn gặp mặt nhau được trong những buổi biểu tình thế này. Bà bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm, chủ tịch Liên Hội Ngưòi Việt Tị Nạn (NVTN) tại CHLB Đức mở đầu ngày sinh họat với lời chào mừng và cám ơn đại diện các hội đoàn và tham dự viên hiện diện. Bà sơ lược về biến cố 30/4 đã dìm đất nước vào bao tai họa liên quan đến số phận hàng chục triệu gia đình và ý nghĩa của ngày bắt đầu thảm họa cho cả nước này. Ông Nguyễn Thế Bảo, chủ tịch Hội NVTN tại Nürnberg và vùng phụ cận bằng giọng nói hùng hồn đã lên tiếng tố cáo tội ác của chế độ CSVN và chính sách trả thù dân miền Nam thay vì thực hiện chính sách hòa hợp hòa giải dân tộc như họ vẫn tuyên truyền cho đến tận bây giờ. Ông Nguyễn Thành Văn đại diện Ủy Ban Điều Hợp Các Công Tác tại CHLB Đức tiếp lời hai vị phát biểu trước. Ông tố cáo CSVN dùng chính sách dùng vũ lực của công an, nhà tù và tòa án để đàn áp mọi tiếng nói phản biện của dân. Đồng thời ông tố cáo CSVN không lên tiếng khi Trung Cộng chiếm một phần quần đảo Trường Sa cũng nhưng độc chiếm Biển Đông. Ông Nguyễn Đình Phúc, Hội Trưởng Hội NVTN Cộng Sản tại Hamburg phát biểu bằng Đức ngữ về ý nghĩ ngày 30/4. Cuối cùng, đặc biệt anh Lê Đình Hiếu, con trai tù nhân lương tâm đang bị CSVN giam cầm với bản án nặng nề 20 năm, đã được mời lên phát biểu. Anh cám ơn các cộng đồng người Việt khắp nơi sau 48 năm vẫn quan tâm đến đất nước và những người đấu tranh cho nhân quyền trong nước, đã quan tâm đến và hỗ trợ gia đình anh và những TNLT Việt Nam khác. Xen kẽ giữa những phát biểu là những bản hùng ca với thiết bị âm thanh tuyệt vời do anh Phan Đình Vĩnh Điệp đảm trách như „Hãy lên tiếng“, „Việt Nam Quê Hương ngạo nghễ“ Suốt gần 1 giờ biểu tình trời rỉ rả mưa phùn. 12°C tuy không lạnh lắm nhưng những cơn gió khá mạnh đủ là run người đối với những ai mặc không đủ ấm. Sau gần 1 giờ biểu tình, ban tổ chức nhanh chóng thu dọn các phương tiện như băng rôn, giàn âm thanh để đến mục tiêu kế tiếp. Trước tòa đại sứ Trung Cộng (TC) Năm nay đoàn biểu tình được cảnh sát an bài vị trí sát cổng chính của ĐSQ TC. Lúc này đoàn biểu tình đông hơn trước vì một số tham dự viên đến trẽ do đường đi quá xa. Địa điểm sát trên cầu bắt ngang dòng sông Spree của Berlin. Gió mạnh hơn các nơi khác. Rừng cờ vàng bay phất phới trông rất đẹp mắt thu hút khách bộ hành hơn dù ở đâu không nhiều người qua lại. Lúc này trời đã tạnh mưa. BS Mỹ Lâm lên tiếng tố cáo chính sách bành trướng của TC sau nghi thức khai mạc. Bà phát biểu bằng tiếng Đức, nói về nền kinh tế TC đang hiện diện và chi phối nhiều sinh hoạt kinh tế và đời sống người dân Việt Nam. Ông Nguyễn Thế Bảo cũng có bài phát biểu bằng tiếng Đức, tố cáo những tham vọng bá quyền của TC không chỉ ở Việt Nam mà còn khắp thế giới. Ngoài ra còn có sự lên tiếng bằng tiếng Đức từ đại diện Hội NVTN CS tại Bremen mà ông Trần Văn Các là đại diện. Các tham dự viên chia nhau cầm cờ, biểu ngữ và đứng rất có trật tự theo sự sắp xếp của ban tổ chức. Trước cổng ĐSQ TC đã vang lên âm thanh của khẩu hiệu song ngữ đòi TC trả lại Hoàng Trường Sa cho Việt Nam và cút khỏi Biển Đông, tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam ... Và dĩ nhiên không thể thiếu những bài hùng ca. Trước Cổng Brandenburger Tor Phần thứ ba của chương trình diễn ra trên quãng trường Pariser Platz trước Brandenburger Tor như từ nhiều năm trước và bắt đầu khoảng 15g30. Sau nghi thức thường lệ BS Mỹ Lâm đề cập đếm thảm trạng đất nước sau 48 năm bị CSVN cai trị bằng bàn tay sắt. Bà Fleischer đại diện Tổ Chức Ki Tô Hữu Chống Tra Tấn (ACAT) được mời lên máy vi âm nhắc nhở đến tội ác của các chế độ độc tài toàn trị như TC, VN nơi con người thường xuyên bị tra tấn. Ông Nguyễn Thế Bảo nói về việc CSVN đã để mất nhiều phần lãnh thổ ông cha Việt để lại về tay TC vì cần chỗ dựa để ĐCSVN có thể tồn tại. Ông tố cáo TC liên tục bắn giết ngư dân Việt ngay trên lãnh hải Việt Nam. Ông bày tỏ sự đoàn kết với các dân tội Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng đang bị TC cai trị, và cả với dân Đài Loan đang bị áp lực nặng nề từ Bắc Kinh. Đặc biệt, đại diện một tổ chức phi chính phủ (NGO) từ Đài Loan đã gửi thư đến ban tổ chức biểu tình, bày tỏ tình liên đới đến với người Việt tự do và chia sẻ những giá trị về dân chủ, nhân quyền. Sau đó đoàn người biểu tình được BTC hướng dẫn diễn hành quanh Pariser Platz trong tiếng nhạc của những bài hát đấu tranh, đặc biệt là bài nhạc mới "Hoàng Trường Sa mãi mãi là của ta“ và tiếng hô vang dội của khẩu hiệu tốc các tội ác của CSVN và đòi tự do, nhân quyền cho đất nước. Sau hơn một giờ sinh hoạt, đoàn người giải tán để đến địa điểm cuối cùng của ngày sinh hoạt: Nhà thờ Tin Lành Lukaskirche Khoảng 17g30 đã diễn ra nghi thức cầu nguyện Phật Giáo. Bà mục sư Mary Buteyn, phụ tá mục vụ giáo xứ giáo xứ St. Lukas, Berlin , người đã tạo điều kiện thuận tiện cho đoàn biểu tình tổ chức buổi sinh hoạt văn nghệ đấu tranh, đã hướng dẫn mọi người cầu nguyện theo nghi thức Tin Lành. Sau khi thắp nến trên bản đồ Việt Nam trong tiếng ca bài „Kinh hòa bình“, mọi người được mời dùng bánh mì bò kho rất ngon miệng do vợ chồng Huệ – Giang từ Pinneberg khoản đãi. Cư sĩ Trí Lực từ Thụy Điển đã mang theo hơn 20 quyển hồi ký của ông để phổ biến tại chỗ và dùng số tiền đó để úng hội BTC. Luật sư Nguyễn Văn Đài, người luôn năng nổ trong đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam, cũng là cựu TNLT, đang sống tại Đức cũng trước BTC mời lên chia sẻ ngắn về công việc đấu tranh của ông. BTC đã cho phát video lời chia sẻ của dân biểu Peter Heidt, dân biểu quốc hội Đức, Phát ngôn viên của đảng FDP về Nhân Quyền, thành viên Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Hội Đức. Đọc thư của NGO Tổ Chức Pháp Lý Nam Hàn. Phần văn nghệ gồm nhiều tiết mục đặc sắc như bài thơ của Hòa Thượng Thích Quảng Độ do cư sĩ Thích Trí Lực diễn ngâm, của bà Bích Thủy, bài hát của ca nhạc sĩ Gabi Uhl, chủ tịch Tổ Chức Chống Án Tử Hình, Đức Quốc (bài „Don't give up“). Ca sĩ Thụy Uyển đảm nhận phần MC củng nhạc sĩ Cao Thình từ Hannover cống hiến những bài hát rất hay như „Nhận diện bản sắc“, „Chúng đi buôn“. Anh Vĩnh Điệp làm bừng bừng khí thế hội trường với bài „Con đường Việt Nam“ của nhạc sĩ lừng danh Việt Khang. Ngoài ra còn có lời chào mừng của ông Martin Patzelt, cựu dân biểu quốc hội Đức, cựu thành viên Ủy Ban Nhân Quyền QH Đức,người đã từng về Việt Nam thăm viếng thân nhân các TNLT mà vì lý do kỹ thuật nên BTC nhận trễ. Ngày sinh hoạt chấm dứt lúc 21g để lại nhiều lưu luyến trong lòng người tham dự. Mọi người hẹn nhau lần biểu tình tới./.  
......

Nhà văn Dương Thu Hương vừa được Viện Hàn Lâm Pháp trao giải thưởng CINO DEL DUCA 2023

Trang Nguyên   Ban giám khảo Giải Cino Del Duca vừa quyết định trao Giải thưởng Văn học Thế giới năm 2023, trị giá € 200,000, cho nhà văn Dương Thu Hương. Ban giám khảo Giải Cino Del Duca do bà Hélène Carrère d’Encausse, Thư ký Thường trực của Viện Hàn lâm Pháp làm Chủ tịch, Ủy ban Quỹ Del Duca, do Xavier Darcos, Thủ tướng của Viện làm Chủ tịch, quyết định trao giải thưởng cho nhà văn Dương Thu Hương – tác giả cuốn “Chốn Vắng” (Terre des oublies), để tri ân một nhà văn lớn có tác phẩm và nhân cách cùng những thành tựu đặc biệt mang thông điệp của chủ nghĩa nhân văn hiện đại, được giải thưởng thế giới này công nhận.”, theo ViaBooks. Nhà văn Dương Thu Hương, 76 tuổi, rất nổi tiếng, cả ở Việt Nam, và ở ngoại quốc, và đặc biệt là ở Pháp, nơi từng xuất bản hàng chục tiểu thuyết, chủ yếu từ nhà xuất bản Sabine Wespieser, tất cả đều được dịch sang tiếng Pháp, từ “Terre des oublies” (2016), cuốn sách được đọc nhiều nhất của bà, đến “Eucalyptus Hills” (2014), “Au zénith” (2009). Theo ViaBooks, sách của bà mô tả cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam, sức nặng của quá khứ và truyền thống trong một xã hội được đánh dấu bởi các cuộc chiến tranh. Nhà văn Dương Thu Hương sinh ra tại tỉnh Thái Bình. Lúc 8 tuổi trong thời kỳ Cải cách ruộng đất, bà đi theo các đoàn học sinh để chứng kiến phong trào chia đất cho nông dân và tố cáo địa chủ. Năm 1967, bà tình nguyện tham gia Thanh niên xung phong, phong trào Tiếng hát át tiếng bom, phục vụ trong một đoàn văn công tại một trong những khu vực chiến tranh ác liệt nhất lúc đó: Bình Trị Thiên. Sau chiến tranh, trở ra Bắc, bà cầm bút viết văn và công tác trong ngành điện ảnh. Bà tham dự khóa đầu tiên Trường viết văn Nguyễn Du (1980). Nữ văn sĩ hiện đang sống tại Pháp, là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Bên kia bờ ảo vọng”, “Những thiên đường mù”… Những tác phẩm thể hiện sự bất mãn của bản thân bà đối với chế độ cộng sản. Năm 1994, tác phẩm của bà nhận được Huân chương Văn hóa Nghệ thuật Chevalier des Arts et des Lettres do Bộ trưởng Văn hóa Pháp, Jacques Toubon trao tặng. Cuốn tiểu thuyết “Chốn vắng” của bà nằm trong danh sách đề cử giải Femina và nhận Giải thưởng lớn Độc giả của tạp chí Elle (Grand prix des lectrices de Elle) năm 2007. Nhà văn Dương Thu Hương được biết đến như một người từng có thời hết mực tận tụy với đảng Cộng sản Việt Nam và tự nhận là “thuộc thế hệ xẻ Trường Sơn đánh Mỹ”, nhưng trong lần trả lời phỏng vấn của The New York Public Library (live) ngày 30 Tháng Tư, 2006, bà nói: “Sau ngày 30 Tháng Tư, mọi người tràn vào Sài Gòn, những người phương bắc cười như điên dại, vì sung sướng. Riêng tôi, đối với mọi người, giống một con điên, vì họ thấy tôi khóc như cha chết. Tôi khóc vì cảm thấy cuộc chiến tranh là trò đùa của lịch sử, toàn bộ năng lượng của một dân tộc dồn vào sự phi lý, và đội quân thắng trận thuộc về một thể chế man rợ. Tôi cảm thấy tuổi trẻ của tôi mất đi một cách oan uổng, gieo vào tôi trạng thái hoang mang và cay đắng…” Hiện nay, các tác phẩm văn chương của nhà văn Dương Thu Hương bị cấm tại Việt Nam vì lý do chính trị. Bà cũng từng phải vào tù vì dám lên tiếng phát biểu phê phán việc áp dụng chủ nghĩa Marx-Lenin vào Việt Nam, phản đối độc quyền của Đảng Cộng sản. Tháng Tư năm 2006, nhà văn Dương Thu Hương được mời sang Paris và New York, dự một hội nghị Văn bút Quốc tế. Sau khi kết thúc chuyến đi, bà xin lưu trú tại Pháp. Nhà văn Dương Thu Hương, năm 2006. (ảnh: Pool ANDERSEN/GAILLARDE/Gamma-Rapho via Getty Images) Các tiểu thuyết của bà như: Hành trình ngày thơ ấu (bản tiếng Pháp được in với tựa Itinéraire d’enfance), năm 1985; Bên kia bờ ảo vọng (bản tiếng Pháp: Au-delà des illusions), năm 1987; Những thiên đường mù (bản tiếng Pháp: Paradis aveugles) năm 1988; Quãng đời đánh mất, năm 1989; Tiểu thuyết vô đề (còn có tên là Khải hoàn môn; bản tiếng Anh: Novel Without a Name);  Lưu ly (bản tiếng Anh: Memories of a Pure Spring, 1996; bản tiếng Pháp: Myosotis, 1998); Chốn vắng (bản tiếng Anh: No Man’s Land; bản tiếng Pháp: Terre des oublis), năm 2002; Đỉnh cao chói lọi (được dịch sang tiếng Pháp với tựa Au Zénith), năm 2009; Hậu cung của con tim (tên tiếng Pháp Sanctuaire du cœur), năm 2011; Đồi bạch đàn (tên tiếng Pháp Les Collines d’Eucalyptus), năm 2013. Tác giả Dương Thu Hương từng được Giáo sư Joseph Pivato, dạy môn Văn chương Anh ngữ tại Đại học Athabasca ở Alberta, Canada đề cử vào danh sách thẩm xét cho giải Nobel văn chương của năm 2009. Với giải thưởng văn học Cino del Duca do Simone Del Duca lập ra vào năm 1969, là Giải thưởng Thế giới tôn vinh sự nghiệp của tác giả người Pháp hoặc người ngoại quốc có tác phẩm cấu thành, dưới hình thức khoa học hoặc văn học, mang thông điệp của chủ nghĩa nhân văn hiện đại, mà nhà văn Dương Thu Hương vừa được nhận, có trị giá € 200,000 (tương đương gần $222,000) là giải thưởng văn học trị lớn (về hiện kim), chỉ sau giải thưởng Nobel. Giải thưởng sẽ được trao cho Dương Thu Hương dưới mái vòm của Institut de France trong buổi lễ long trọng tổ chức vào ngày 21 Tháng Sáu năm 2023. Năm 2022, nhà văn Nhật H.Murakami được trao giải thưởng này. Người Việt Nam đầu tiên được giải này, vào năm 2012, là Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý thiên văn học, hiện giảng dạy tại Virginia University. *** DANH SÁCH CÁC NHÀ VĂN, NHÀ KHOA HỌC NHẬN GIẢI CINO DEL DUCA (NHÂN GIẢI CINO DEL DUCA 2023 ĐƯỢC TRAO CHO NHÀ VĂN DƯƠNG THU HƯƠNG) • 1969 : Konrad Lorenz, nhà động vật học và điểu học Áo • 1970 : Jean Anouilh, nhà soạn kịch Pháp • 1971 : Ignazio Silone, chính khách, nhà văn Ý • 1972 : Victor Weisskopf, nhà vật lý Áo-Hoa Kỳ • 1973 : Jean Guéhenno, nhà văn Pháp • 1974 : Andrei Sakharov, nhà vật lý hạt nhân Liên Xô • 1975 : Alejo Carpentier, nhà văn Cuba • 1976 : Lewis Mumford, nhà sử học Hoa Kỳ • 1977 : Germaine Tillion, nhà nhân học Pháp • 1978 : Léopold Sédar Senghor, nhà thơ, chính khách Senegal • 1979 : Jean Hamburger, nhà phẫu thuật và viết tiểu luận Pháp • 1980 : Jorge Luis Borges, nhà văn Argentina • 1981 : Ernst Jünger, nhà văn, nhà triết học, nhà côn trùng học Đức • 1982 : Yaşar Kemal, nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ • 1983 : Jacques Ruffié, nhà văn, nhà giáo dục Pháp • 1984 : Georges Dumézil, nhà ngữ văn học so sánh Pháp • 1985 : William Styron, nhà tiểu thuyết Hoa Kỳ • 1986 : Thierry Maulnier, nhà văn Pháp • 1987 : Denis Burkitt, nhà giải phẫu Anh • 1988 : Henri Gouhier, nhà triết học và sử học Pháp • 1989 : Carlos Chagas Filho, nhà vật lý học và sinh học Brazil • 1990 : Jorge Amado, nhà tiểu thuyết Brazil • 1991 : Michel Jouvet, nhà nghiên cứu thần kinh Pháp • 1992 : Ismail Kadare, nhà văn Albania • 1993 : Robert Mallet, nhà thơ và nhà viết tiểu luận Pháp • 1994 : Yves Pouliquen, nhà nghiên cứu y khoa Pháp • 1995 : Yves Bonnefoy, nhà thơ và nhà viết tiểu luận Pháp • 1996 : Alain F. Carpentier, nhà phẫu thuật tim Pháp • 1997 : Václav Havel, nhà văn và chính khách Czech • 1998 : Vương Chấn Nghĩa, nhà sinh lý bệnh học Trung Quốc • 1999 : Henri Amouroux, nhà sử học Pháp • 2000 : Jean Leclant, nhà Ai Cập học Pháp • 2001 : Yvon Gattaz, nhà doanh nghiệp Pháp • 2002 : François Nourissier, nhà văn Pháp • 2003 : Nicole Le Douarin, nhà phôi học Pháp • 2004 : (không trao giải) • 2005 : Simon Leys, nhà văn Bỉ • 2006 : Jean Clair, nhà sử học, viết tiểu luận và nghệ thuật Pháp • 2007 : Mona Ozouf, nhà sử học và nhà văn Pháp • 2008 : Mario Vargas Llosa, nhà văn Peru và Tây Ban Nha • 2009 : Milan Kundera, nhà văn Pháp và Czech • 2010 : Patrick Modiano, nhà văn Pháp • 2011 : (không trao giải) • 2012 : Trịnh Xuân Thuận, nhà thiên văn học, nhà văn Việt-Pháp-Hoa Kỳ • 2013 : Robert Darnton, nhà sử học văn hóa Hoa Kỳ • 2014 : Andreï Makine, nhà văn Pháp • 2015 : Thomas W. Gaehtgens, nhà sử học Đức • 2016 : Sylvie Germain, nhà văn Pháp • 2017 : Benedetta Craveri, nhà văn Ý • 2018 : Philippe Jaccottet, nhà văn Thụy Sĩ • 2019 : Kamel Daoud, nhà văn Algeria • 2020 : Joyce Carol Oates, nhà văn Mỹ • 2021 : Maryse Condé, nhà văn Guadeloupe-Pháp • 2022 : Haruki Murakami, nhà văn Nhật Bản • 2023 : Dương Thu Hương, nhà văn Việt Nam    
......

London: Lễ giỗ tổ Hùng Vương và đại hội thường niên của Hội Thân Hữu Việt Tân Anh quốc

Tường trình bởi Anh Nguyễn – Thảo Trương. Chúa nhật, ngày 16 tháng 4 năm 2023, Hội thân hữu Việt Tân tại UK cùng với cơ sở Việt Tân Anh quốc tổ chức buổi lễ ghi ơn quốc tổ Hùng Vương, kết hợp với báo cáo Đại hội thường niên của Hội thân hữu VT tại Anh quốc. Sau giây phút chào cờ và mặc niệm, ông Hoàng Anh, phó chủ tịch Hội thân hữu VT tại UK thay mặt Ban tổ chức đọc văn tế lễ và dẫn dắt mọi người làm lễ bái quốc tổ. Nghi thức tế lễ tuy đơn sơ, giản dị nhưng đầy trang nghiêm thể hiện tinh thần thương nhớ nguồn cội của những người con Đất Việt, tuy lưu lạc trên khắp thế giới vẫn không quên tổ tiên mình. Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba Tiếp theo là bài báo cáo của Bà Kim Lê, chủ tịch Hội thân hữu VT UK, bà Kim Lê đã trân trọng ghi nhận sự đóng góp nhiệt tình của các thành viên của Hội thân hữu VT tại UK, mọi người đã hoạt động rất tích cực và đồng hành cùng cơ sở VT Anh quốc tại các sự kiện trong năm 2022 vừa qua như: buổi biểu tình ngày quốc hận 30/4, buổi biểu tình nhân ngày quốc tế Nhân quyền 10/12, các buổi cơm quây quỹ yểm trợ quốc nội, các buổi hội thảo, hội luận về tình hình VN trong bối cảnh chính trị thế giới hiện nay. Bên cạnh đó, các diễn đàn thân hữu VT online cũng được mở ra với mục đích trao đổi, trò chuyện với nhiều diễn giả từ khắp nơi trên thế giới như Pháp, Bỉ, Hà Lan, Úc , Mỹ, …. và kể cả diễn giả đến từ VN cũng được các thân hữu VT tại UK hưởng ứng nhiệt tình. Ngoài ra Hội Thân hữu VT tại UK cũng tham gia những công tác yểm trợ gia đình tù nhân lương tâm, những người đã hy sinh sự tự do của mình để lên tiếng phản đối sự bất công và đòi quyền tự do dân chủ cho người dân VN. Nhân sự kiện người dân Việt trên khắp thế giới cùng lên tiếng đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa bị Trung cộng cưởng chiếm bằng vũ lực vào năm 1974 và 1988, ông Huy Phan, một diễn giả đến từ nước Mỹ đã chia sẻ nhiều kiến thức về lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa. Ngoài ra Ông Huy cũng cho các bạn trẻ hiểu thêm về tội ác bán nước của Đảng cộng sản VN, quá trình chiếm đóng biển đảo HS-TS của Trung quốc. Ông Huy Phan cũng kêu gọi mọi người không chỉ dừng lại ở việc đòi lại chủ quyền biển đảo HS-TS cho VN mà còn nên đấu tranh nhằm ngăn chặn sự bành trướng lãnh thổ của TQ đối với VN. Đây cũng chính là mục tiêu chính của Đảng Việt Tân và những người yêu nước đã, đang và sẽ thực hiện. Sau khi nghe ông Huy Phan chia sẽ, tâm tình về tình hình biển đảo HS-TS, mọi người cùng  ký tên trên bản kêu gọi chủ quyền cho HS-TS do Đảng Việt Tân phát động. Kết thúc buổi lễ, quý thân hữu và đồng hương cùng nhau thưởng thức các món ăn VN do Ban tổ chức chuẩn bị và chụp hình lưu niệm trong không khí thân tình và ấm cúng. Tường trình bởi Anh Nguyễn – Thảo Trương.  
......

Chủ tịch đảng Việt Tân gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Đức

Ảnh: Chủ tịch đảng Việt Tân ông Lý Thái Hùng Việt Tân Trong những ngày cuối tuần vừa qua Chủ tịch đảng Việt Tân ông Lý Thái Hùng đã ghé đến thành phố Frankfurt để gặp gỡ và nói chuyện với các đảng viên, các thân hữu và đồng hương. Tuy thời tiết còn khá lạnh nhưng trong căn phòng ấm cúng tình đồng bào đã tạo được một bầu không khí phấn chấn, lạc quan và quyết tâm. Chủ tịch đảng Việt Tân gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Đức ngày 15.04.2023   Mở đầu phần thuyết trình về “Việt Nam trước cơn lốc xung đột toàn cầu”, Ông Lý Thái Hùng đã chia xẻ về buổi họp mặt với tổ chức Liên Minh Dân Chủ Á Châu tại Tokyo, gồm có những tổ chức sắc tộc như Tây Tạng, Đài Loan, Tân Cương, Thái Lan, Miến Điện, Việt Nam, Campuchia... Nơi đây quan tâm chính của họ không phải là chiến tranh xâm lược của Nga tại Ukraina song là thời điểm nào Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan. Và nếu Trung Quốc chiếm đánh Đài Loan thì chắc chắn sẽ tạo ảnh hưởng rất lớn đến cục diện Đông Á.   Ông Lý Thái Hùng nhận định Trung Quốc có năm cái lợi ích cốt lõi mà họ đã và đang nỗ lực giải quyết trước khi đối đầu với Hoa Kỳ:   1) Họ đã chiếm xong Tây Tạng vì đây là vị trí chiến lược nhìn xuống cao nguyên Nam Á để khống chế Ấn Độ Dương. 2) Họ đã khống chế Tân Cương vì đây là vùng đất họ dùng để ngăn chận sự xâm nhập của Hồi Giáo. 3) Họ cũng đã khống chế được Hồng Kông, được coi là cái gai có thể tạo cách mạng dân chủ tại Bắc Kinh và Thượng Hải. 4) Còn lại hai nơi là Đài Loan và Biển Đông. Đài Loan được coi là lực lượng phản động, chủ trương độc lập muốn tách rời Trung Quốc. 5) Và Biển Đông thì Trung Quốc chủ trương khống chế để ngăn chận lực lượng hải quân của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương.   Một khi Trung Quốc nắm được năm lợi ích cốt lõi trên đây thì họ sẽ vươn ra thống trị toàn cầu. Một vành đai khống chế 60 quốc gia để thực hiện “Made in China 2025”.   Ông Lý Thái Hùng trình bầy tiếp về năm biến cố thay đổi thế giới có ảnh hưởng lên Việt Nam:   a) Trước chiến tranh tại Ukraina có 27 quốc gia Liên Âu Châu lệ thuộc 65% vào nguồn năng lượng của Nga. Ngày hôm nay chỉ còn lệ thuộc 12%. Họ đẩy nhanh xây dựng nguồn năng lượng tái tạo để cùng lúc đáp ứng những thách thức khí hậu thay đổi, giảm bớt nhiều hệ lụy khác. Chấm dứt sự lệ thuộc là cô lập nền kinh tế và tách Nga ra khỏi Liên Âu. Và Nga sẽ trở thành một ốc đảo. Kinh tế sẽ bị suy sụp.   b) Từ năm 1980 hàng ngàn công ty của Hoa Kỳ qua Trung Quốc đầu tư. Và nền kinh tế của hai nước gắn liền với nhau đến nỗi không ai nghĩ rằng có thể tách ra được. Sự trao đổi thương mại lên đến 600 tỷ Mỹ Kim hàng năm. Hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc được tiêu thụ tại Mỹ. Nguồn lợi tức của các công ty Hoa Kỳ đa số đến từ Trung Quốc. Nhưng chỉ trong vòng mấy tháng sau khi Tổng Thống Biden ban hành đạo luật ngăn chận Trung Quốc ảnh hưởng lên công nghệ cao, thì các công ty Hoa Kỳ đã rút nhanh ra khỏi Trung Quốc, chuyển sang Ấn Độ và các quốc gia tại Đông Nam Á, để Hoa Kỳ sẽ không trở thành nạn nhân khi Trung Quốc tấn công Đài Loan.   c) Chiến tranh xâm lược của Nga đã đưa Nhật Bản đi đến quyết định nâng ngân sách quốc phòng lên gấp đôi. 65% dân chúng Nhật cho rằng phải đứng lên bảo vệ Đài Loan và Nam Hàn. Phi Luật Tân đồng ý cho Hoa Kỳ sử dụng 9 căn cứ quân sự. Trong đó có chỗ chỉ cách Đài Loan 48 hải lý. Không khí chuẩn bị đối phó sự tấn công từ Trung Quốc hiện lên rõ rệt.   d) Chiến tranh xâm lược của Putin đã bộc lộ sự yếu kém của quân đội Nga. Và họ đã trở thành lệ thuộc vào Trung Quốc. Phải bám vào Trung Quốc để giữ cái thế của họ.   e) Thế giới đang tách làm đôi. Một bên là thế giới tự do với Hoa Kỳ dẫn đầu. Bên kia là những quốc gia chuyên chế, chuyên quyền, độc tài như Nga, Trung Quốc và Iran… Trận chiến hiện nay là trận chiến giữa chuyên chế độc tài và tự do dân chủ.   Ông Lý Thái Hùng cho rằng qua 5 biến cố thay đổi thế giới trên đây Cộng Sản Việt Nam đã hưởng được 3 cái lợi sau:   1) Các công ty ngoại quốc rời Trung Quốc thì di chuyển sang Việt Nam cũng như các quốc gia lân cận, giúp cho Việt Nam có mức Tổng Sản Lượng Quốc Gia lên tới 700 tỷ Mỹ Kim năm 2022. Người dân có công ăn việc làm và người dân hài lòng với những gì họ đang có.   2) Việt Nam có địa điểm chiến lược ở Biển Đông để ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc, nên CSVN đu dây, ỡm ờ để hưởng lợi.   3) Khi công luận chú tâm vào chiến tranh xâm lược của Nga, và Mỹ cũng như Trung Cộng o bế Việt Nam thì Cộng Sản Việt Nam thẳng tay đàn áp những ai bất đồng chính kiến, các phong trào dân chủ...   Song song cũng mang đến sự phân hóa trầm trọng trong nội bộ CSVN vì tranh dành quyền và tiền qua chiến dịch Đốt Lò của Nguyễn Phú Trọng; làm tê liệt bộ máy hành chánh, ảnh hưởng lên đời sống của người dân.   Mức độ phát triển kinh tế dự định là 6% nhưng chỉ đạt được 3%. 85% nền kinh tế Việt Nam là dựa vào đầu tư ngoại quốc.   Hệ quả của đại dịch Covid vẫn còn tại Việt Nam. Số người thất nghiệp và nghèo khó lên tới mấy chục triệu người. Vì đại dịch họ mất công ăn việc làm trong khi chính phủ lại không có tiền giúp đỡ.   Xã hội Việt Nam đang ở trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn vì gánh nặng hậu đại dịch. Chiến dịch đốt lò tạo e sợ lên tầng lớp có tiền không dám tiêu xài. Qua đó tầng lớp dân nghèo lại càng ít đi cơ hội có công ăn việc làm. Sự bất ổn chính trị trên thượng tầng ảnh hưởng lên đầu tư ngoại quốc. Và khi đầu tư ngoại quốc giảm thì tạo khó khăn cho đời sống người dân. Họ sẽ ra đường để đòi hỏi quyền lợi và quyền sống. Sau phần phân tích ở trên ông Lý Thái Hùng đã chia xẻ về 4 nỗ lực của Việt Tân đang cố gắng tiến hành:   Gia tăng phát triển hạ tầng cơ sở và nhân sự trong nước và hải ngoại để nhiều người đang mong muốn thay đổi có cơ hội đến với Việt Tân.   Đảng Việt Tân không thể đấu tranh một mình song chủ trương liên kết với nhiều lực lượng và nhiều tổ chức. Hỗ trợ cho những lực lượng đang bị đàn áp hay là những tổ chức đang gặp khó khăn để họ cùng đồng hành đấu tranh. Kể cả những người ở trong guồng máy của chế độ gặp khó khăn khi chống lại.   Việt Tân nỗ lực vận động quốc tế và những phong trào sắc tộc nạn nhân của Trung Quốc như Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan, Miến Điện... Họ là những người đồng minh của chúng ta...   Cộng đồng hải ngoại là chỗ dựa quan trọng. Sau hơn 40 năm thì cũng có những vấn đề khó khăn khách quan và chủ quan. Vì thế Việt Tân nỗ lực hỗ trợ để củng cố tinh thần đoàn kết, vì đó là sức mạnh và sinh khí để chuyển vào trong nước.   Ông Lý Thái Hùng cho rằng trong 5 tới 10 năm trước mặt Đông Nam Á sẽ là điểm nóng. Sau Ukraina sẽ là Biển Đông, sẽ là Phi Luật Tân, sẽ là Nhật Bản. Đây là bài toán trước mặt mà người Việt phải chuẩn bị.   CSVN qua 10 năm Đốt Lò chống tham nhũng đã phá nát sự đoàn kết của chính họ và đã làm cho xã hội bị tê liệt. Thêm vào đó hiện nay tại Nhật Bản, Đài Loan và Thái Lan có gần hai triệu người trẻ Việt Nam lao động. Họ đều khao khát đất nước phải thay đổi để họ không phải còn làm những công việc cu ly ở ngoại quốc.   Ông kết thúc rằng dân tộc Việt Nam có triển vọng. Chúng ta phải nhìn lạc quan để có sự thay đổi. Đảng Việt Tân luôn đồng hành vói dân tộc trên con đường đấu tranh chấm dứt độc tài Cộng Sản để canh tân một nước Việt Nam tự do, dân chủ và tiến bộ. Một đóng góp rất đặc biệt cho buổi nói chuyện là những ca khúc “Bản Sắc Dân Tộc” và “Nhận Diện Nào Cho Quê Hương?” do ca sĩ Thụy Uyển và nhạc sĩ Cao Thình trình bầy.  
......

Người Việt tị nạn biểu tình tại Bangkok: "Phản đối bắt cóc blogger Đường Văn Thái!"

RFA Lo lắng cho sự an toàn của bản thân sau vụ blogger Đường Văn Thái nghi bị bắt cóc, hơn 300 người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan ký tên khẩn cầu quốc tế sớm định cư người tị nạn. Sáng ngày 19/4, khoảng 40 người tị nạn tập trung trước văn phòng Cao uỷ về Người tị nạn của Liên Hiệp quốc (UNHCR) tại Bangkok (Thái Lan) phản đối bắt giữ ông Đường Văn Thái, yêu cầu UNHCR đưa ra biện pháp bảo vệ hiệu quả, cũng như sớm định cư những người đã có quy chế tị nạn. Blogger Thái Văn Đường, tên thật là Đường Văn Thái mất tích chiều tối 13/4 khi đang tị nạn chính trị tại Thái Lan, tuy nhiên công an Hà Tĩnh sau đó thông báo đã bắt giữ ông vào chiều 14/4 khi ông Thái "xâm nhập trái phép" vào Việt Nam, bạn bè nghi ngờ ông bị mật vụ bắt và dẫn giải về. Người biểu tình mang theo hai biểu ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Anh với nội dung: "Phản đối nhà cầm quyền bắt cóc người tị nạn" và "SOS! Người tị nạn Việt Nam tại Thái Lan đang gặp nguy hiểm." Ông Nguyễn Văn Tráng, một người từng nhiều lần bị nhà chức trách tỉnh Thanh Hóa kêu gọi đầu thú khi đang tị nạn chính trị tại Thái Lan nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 19/4: "Rõ ràng vụ bắt cóc ông Đường Văn Thái ở một đất nước có chủ quyền cho thấy việc vi phạm luật pháp quốc tế, cũng như tính bất chấp của chính quyền cộng sản Việt Nam. Điều quan trọng là nó phản ánh một xu hướng leo thang của việc đàn áp người bất đồng chính kiến xuyên quốc gia." Ông Lê Thương, một quân nhân xuất ngũ hiện đang tị nạn chính trị ở Thái Lan từ năm 2018 bày tỏ:  “Không riêng bản thân tôi mà tất cả người tị nạn ở Thái Lan hiện giờ đang có tâm lý rất hoang mang sợ hãi liên quan đến việc ông Thái Văn Đường bị bắt cóc. Trong buổi sáng hôm nay, người Việt Nam tị nạn bao gồm các anh chị em, kể cả người Việt, cộng đồng người Thượng Tây Nguyên, Khmer Krom và Hmong đều tập trung tại đây để có một buổi đưa tin liên quan đến sự việc anh Thái Văn Đường bị bắt cóc về Việt Nam. Ông Lê Thương đại diện trao thỉnh nguyện thư có hơn 300 chữ ký của người tị nạn cho văn phòng UNHCR, thỉnh nguyện thư cũng gửi cho chính phủ các quốc gia dân chủ, các tổ chức nhân quyền... khẳng định thông tin ông Thái “xâm nhập” Việt Nam từ Lào là bịa đặt và là cách thức Nhà nước hợp thức hóa vụ bắt cóc ông ở Thái Lan. Có ba yêu cầu được đưa ra trong thư ngỏ, bao gồm kêu gọi "điều tra về vụ bắt cóc nhà báo Thái Văn Đường. Vấn đề bắt cóc các nhà hoạt động cần được thông tin rộng rãi để người dân Việt Nam đều biết và lên án. "Thực hiện các biện pháp bảo vệ người Việt tị nạn tại Thái Lan một cách hiệu quả hơn, tránh tái diễn các vụ bắt cóc trong tương lai.   Nhanh chóng thực hiện việc tái định cư cho những người Việt tị nạn đã được UNHCR cấp quy chế, để người tị nạn đến một quốc gia an toàn hơn Thái Lan." Theo bà Grace Bùi, một người hoạt động nhân quyền độc lập người Mỹ gốc Việt ở Bangkok, hiện có khoảng 1.500 người tị nạn đến từ Việt Nam đang sống ở nhiều tỉnh và thành phố của Thái Lan, một quốc gia chưa ký Công ước quốc tế về người tị nạn 1951. Tuy phải đối mặt với đàn áp xuyên biên giới ngày càng gia tăng của bộ máy an ninh Việt Nam và bắt giữ của cảnh sát Thái Lan, người tị nạn Việt Nam nhận được sự trợ giúp rất ít ỏi từ UNHCR. Ông Nguyễn Văn Ân, một nhà hoạt động về tự do tôn giáo đến từ giáo xứ Kẻ Giai thuộc Giáo phận Vinh và hiện đang sống tị nạn cùng gia đình ở Bangkok, cho biết UNHCR chỉ khuyến cáo người tị nạn sống lặng lẽ và chuyển nhà khi có dấu hiệu mất an ninh. Mỗi khi gặp sự đe doạ, người tị nạn gọi điện thoại cho văn phòng của cơ quan này nhưng rất ít khi có người nhấc máy, ông cho biết. CPJ kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà báo Đường Văn Thái Hôm 18/4, Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) ra thông cáo báo chí kêu gọi Hà Nội trả tự do cho ông Đường Văn Thái và chấm dứt mọi nỗ lực sách nhiễu và bắt giữ người lưu vong. “Nhà chức trách Việt Nam cần phải trả tự do cho nhà báo Đường Văn Thái và công khai chi tiết việc bắt giữ ông,” ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao của CPJ ở khu vực Đông Nam Á nói trong thông cáo. “Việt Nam có lịch sử nhắm vào các nhà báo sống lưu vong. Nhà chức trách Thái Lan cần điều tra kỹ lưỡng và minh bạch về quá trình mất tích của ông (Đường Văn Thái- PV) ở Bangkok, và bảo dảm rằng các nhà báo không bị nhắm đến vì tác nghiệp của họ,” ông nói đồng thời dẫn lại trường hợp blogger Trương Duy Nhất bị bắt cóc về Hà Nội sau khi đăng ký nộp hồ sơ xin quy chế tị nạn chính trị tại Thái Lan. Theo thống kê của CPJ, Việt Nam giam giữ ít nhất 21 nhà báo vì các hoạt động báo chí của họ. Con số này chưa kể đến blogger Nguyễn Lân Thắng của RFA và ông Đường Văn Thái./.  
......

Thông báo sinh hoạt Tưởng Niệm Quốc Hận lần thứ 48 tại Berlin

Lễ Tưởng Niệm Quốc Hận lần thứ 48 tại Berlin sẽ được tổ chức vào ngày thứ Bảy, 29.04.2023 với chương trình chi tiết như sau:  *từ 12:00 giờ đến 13:00 giờ:   biểu tình trước Tòa Đại Sứ Việt Cộng, Elsenstr. 3, 12435 Berlin  *từ 13:30 giờ đến 14:30 giờ biểu tình trước Tòa Đại Sứ Trung Cộng, Märkisches Ufer 54, 10179 Berlin  *từ 15:30 giờ đến 17:00 giờ:    biểu tình và tuần hành tại Brandenburger Tor, Pariser Platz, 10117 Berlin  *từ 17:30 giờ đến 18:30 giờ:   liên tôn cầu nguyện cho hòa bình Việt Nam   tại nhà thờ Evangelische Lukaskirche, Bernburger Str. 3-5, 10963 Berlin   *từ 19:00 giờ đến 21:00 giờ:  hội thảo và văn nghệ chủ đề đấu tranh cho Tự Do và Nhân Quyền Việt Nam tại Hội Trường nhà thờ Lukaskirche, Bernburger Str. 3-5, 10963 Berlin Trước nguy cơ bán nước hại dân của nhà cầm quyền CSVN sau 48 năm cai trị ngày càng lộ rõ, chung tôi thành khẩn kêu gọi sự tham gia đông đảo của quý Hội đoàn và thân hữu chống cộng vào các cuộc biểu tình nêu trên và cùng đến nhà thờ Lukas để dâng lời cầu nguyện cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Berlin, ngày 31.03.2023    BS Hoàng Thị Mỹ Lâm TM Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức e.V.    Điện thoại liên lạc:  Ông Nguyễn Văn Rị, Tel. 0157 33495440                                  Ông Hoàng Kim Thiên, Tel.01636743097      
......

Pages