Một ngày của mấy nghìn ngày căm giận

Nguyễn Thông

Ngày mai 18.2, thiên hạ lại quên ngay cái mốc lịch sử buồn 17.2. Cũng không có gì lạ, bởi cuộc mưu sinh cuốn người ta đi, nhất là lúc đời sống, đặc biệt là kinh tế thu nhập đang ngày càng u ám tối tăm, chứ không phải mặt trời rực rỡ hoặc cơ đồ chưa bao giờ được như hiện nay, như có đứa nói phét.

Dân chúng bữa ni còn nhớ đến ngày 17.2 với tỷ lệ áp đảo trên mạng xã hội cũng là sự an ủi rồi, chứ tôi bảo thật, trong thực tế thì chán lắm, có khi chỉ vài phần trăm, còn đám lãnh đạo bặt luôn từ sáng tới giờ, không một lời hó hé.

Nhưng ngay cả chư vị trên mạng sốt sắng tưởng niệm ngày 17.2 của 44 năm trước cũng không mấy ai biết hoặc nhớ điều này: Sau khi quân xâm lược Trung Quốc rút khỏi 6 tỉnh nước ta, không có nghĩa ta đã thắng, đã có hòa bình. Chiến tranh "môi răng" còn kéo dài tới tận năm 1989, tức gần 10 năm sau, số bộ đội hy sinh thậm chí còn nhiều hơn tháng mở màn, nóng nhất là những năm 1984 - 1985, đẫm máu nhất ở mặt trận tỉnh Hà Giang.

Chục năm dai dẳng thiệt hại bi thương ấy gần như bị che giấu, ngay cả những người ở Hà Nội cũng không biết. Bạch hóa điều này để càng căm giận bọn Trung Quốc xâm lược, chúng chỉ hữu nghị 4 tốt nỏ mồm, chúng đã bắn giết biết bao người lính trẻ của đất nước ta, mà nghĩa trang Vị Xuyên, nơi yên nghỉ của hơn 1.800 liệt sĩ chiến đấu trên mặt trận Vị Xuyên là một trong nhiều minh chứng.

Nhớ một ngày không đủ./.