Nguyên nhân Trung cộng dựng dàn khoan HD 981 trên lãnh hải Việt Nam

Ngày 01.05.2014 nhà cầm quyền Bắc Kinh cho dựng một dàn khoan dầu khổng lồ mang tên HD 981 trên lô 143, phía Nam quần đảo Hoàng Sa và cách bờ biển Việt Nam 150 dặm (khoảng 240 cây số). Dàn khoan này được sự bảo  vệ của trên 80 tầu chiến quân sự các hạng của hải quân Trung cộng. Nhà cầm quyền Bắc kinh tuyên bố cấm tầu bè không được phép di chuyển trong  khu vực dàn khoan HD 981 và phải giữ khoảng cách 3 hải lý (4,8 cây số).

Trong khi nhà cầm quyền Hà Nội cáo buộc Bắc kinh xâm phạm lãnh hải của Việt Nam thì Bắc kinh cho là khu vực cắm dàn khoan HD 981 do họ vừa thực hiện chỉ cách quần đảo Hoàng Sa 17 hải lý (24 cây số) trong khi đó cách bờ biển Việt Nam những 150 hải lý (tương đương 240 cây số).

 

Chuyên gia về Á châu, GS Carl Thayer thuộc đại học South Wales nhận định là nơi Bắc kinh cho dựng dàn khoan HD 981 “thuộc về Việt Nam. Trung cộng (Trung quốc) không thể tự tiện đem dàn khoan vào  khai thác dầu mà không được Việt Nam cho phép.[1]”.

 

Các chuyên gia về Á châu cho biết sự kiện không xảy ra bình thường vì Trung cộng hành động một cách bất ngờ và chưa hề có hành động ttương tự trong quá khứ . Sự kiện cho thấy có vấn đề không đơn giản tiềm ẩn bên trong. Người viết xin được phép trình bày nhận xét của bản thân qua những tin tức thâu lượm được từ báo chí tại Đức quốc.

Nối kết của hai cựu thù làm Trung cộng tăng sức mạnh

Sự kiện Ukraine đã đưa Nga vào ngõ cụt bởi sự phong toả của Hoa kỳ và Liên hiệp châu âu. Để thoát khỏi vòng phong toả của thế  giới Puttin đã liên kết với Trung cộng. Đây cũng là điều mong ước của Trung cộng, điều này thể hiện qua chuyến công du Nga của Tập Cận Bình vào tháng ba năm 2013, sau khi ông này lên nhậm chức chủ tịch Trung cộng. Đây là chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của Tập Cận Bình.

 

Vài ngày sắp tới, một hiệp ước về việc cung cấp khí đốt cho Trung cộng từ Nga sẽ được ký kết. Hiệp ước này đã bị bế tắc từ hàng chục năm qua, các khó khăn mà phái đoàn hai nước phải vật vã thảo luận hiện nay đột nhiên được thông suốt làm các chuyên gia về Nga – Tàu phải ngạc nhiên, ngỡ ngàng. Có phải hai kẻ cựu thù đã nối kết với nhau nhằm đối phó với các quốc gia dân chủ, tự do? Nga và Tàu cộng đã cảm thấy mạnh mẽ hơn sau cuộc nối kết này vì họ sẽ cùng bênh vực nhau trước dư luận quốc tế, đặc biệt trước hội đồng bảo an LHQ.

 

Quan hệ giữa Trung cộng và Nga[2] 

 

Chính sách “xoay trục về Á châu” của TT Obama

 

Nhận diện được hiểm hoạ của Tàu cộng nên TT Obama có chính sách về đông Á châu rõ ràng hơn người tiền nhiệm là Bush. Cuộc khủng hoảng nặng nề tại Hoa kỳ cản trở bước tiến hành, mãi ba năm trước đây TT Obama mới đưa ra chính sách “xoay trục về Á châu” (pivot to asia) nhằm cân bằng lại chính sách toàn cầu của Hoa kỳ, đặc biệt là vùng đông Á mà Hoa kỳ đã bỏ ngỏ từ hàng chục năm qua. 

 

Mặc dù những căng thẳng tại Ukraine, TT Obama đã thực hiện chuyến công du Á châu qua các quốc gia Nhật bản, Đại hàn, Mã Lai và Phi Luật Tân từ ngày 23.04.2014 đến ngày 29.04.2014. Tại Đại hàn ông phát biểu những lời lẽ rất rõ ràng là “Mỹ sẽ không ngần ngại sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ đồng minh và đời sống của chính mình”. Đặc biệt trong chuyến công du Á châu này của TT Obama, Hoa kỳ đã ký kết “bảo đảm an ninh” cho Nhật bản. Với hiệp ước này Hoa kỳ sẽ tham chiến bảo vệ Nhật, ngay cả trong trường hợp Trung cộng xâm chiếm quần đảo Senkaku mà Nhật cùng Trung cộng đang tranh chấp. Đồng thời tại Phi Luật Tân một hiệp ước an ninh được ký kết, cho phép việc mở rộng sự hiện diện của quân đội Hoa kỳ trên quần đảo Phi Luật Tân.

 

Nguyên nhân dẫn đến sự kiện dàn khoan HD 981

 

Sự kiện dàn khoan HD 981 xảy ra chỉ 2 ngày sau chuyến công du Á châu của TT Obama. Hoa kỳ chắc chắn hiểu được những tiềm ẩn bên trong của sự kiện, do đó ngoại trưởng Kerry đã lên án Trung cộng là “khiêu khích”. Thành phần chủ yếu để Trung cộng “khiêu khích” trong sự kiện dàn khoan HD 981 không phải là Việt Nam mà chính là Hoa kỳ.

 

Hoa kỳ chính là nước mà Trung cộng muốn “khiêu khích” bởi vì kết qủa chuyến công du Á châu của TT Obama vào tháng 4 vừa qua cản trở kế hoạch bành trướng của Trung cộng và  Việt Nam đã trở thành nước nạn nhân Trung cộng dung làm phương tiện để “khiêu khích” Hoa kỳ bởi vì Việt Nam có trang bị quân sự yếu, đồng thời không có những hiệp ước quân sự với các quốc gia dân chủ tự do, đặc biệt với Mỹ và NATO.

 

Tổng kết

 

Một lần nữa đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta lại trở thành nơi để cường quốc tranh giành, khiêu khích nhau. Chắc chắn là Trung cộng và Hoa kỳ đã từng mời mọc CSVN trở thành “đối tác hoàn toàn” của họ. Nhưng có lẽ đa số thành viên bộ chính trị quyết định đeo đuổi chính sách “trung lập”, nghĩa là đối tác với cả hai: Hoa kỳ lẫnTrung cộng. Đây là chính sách mà CSVN thường đeo đuổi và trong quá khứ họ chỉ thành công một lần duy nhất: vừa làm bạn của Nga, vừa làm bạn của Tàu cộng trong cuộc chiến Nam-Bắc vừa qua. Khi ấy, miếng mồi “béo bở” miền Nam Việt Nam đã làm cho Nga Tàu nhịn nhau chứ không phải là do sự “lãnh đạo sáng suốt và tài tình của đảng” như các cán bộ  tuyên huấn thường rêu rao. Sau khi chiếm được miền Nam Việt Nam, CSVN bắt buộc phải chọn một trong hai và họ đã chọn theo Nga. Do đó đã xảy ra chiến tranh Campuchia và chiến tranh với Trung cộng năm 1979.

 

Sự kiện dàn khoan HD 981 buộc CSVN phải chọn lựa giữa Trung cộng và các quốc gia dân chủ, tự do. Nếu CSVN đứng về phía Tàu cộng thì chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành một nước chư hầu của Trung cộng như Tây tạng, Tân cương, dân tộc Việt sẽ vô cùng cơ cực và sẽ bị hủy diệt một ngày rất gần.

Đứng về phía các quốc gia dân chủ tự do, trong đó có Hoa kỳ để chống lại chế độ bá quyền Trung cộng là con đường bảo vệ dòng giống Lạc Hồng, bảo vệ Tổ quốc mà Cha Ông ta ngàn đời để lại đồng thời bảo vệ quyền lợi Dân tộc Việt, trong đó có bản than, gia đình và giòng họ của mình.

Dân tộc Việt chỉ có thể vượt qua và đạt được thắng lợi nếu chúng ta đoàn kết, thống nhất trong hành động. Điều kiện đạt được đoàn kết dân tộc là mọi người Việt chúng ta phải chấp nhận nhau, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, chủng tộc vv…

 

Một chính phủ và một quốc hội Việt Nam được hình thành bởi một số đảng phái chính trị khác nhau. Đồng thời người được giao trọng trách hết long, hết sức hoàn thành trách nhiệm. Mọi quyết định được dựa trên nền tảng lợi ích của tổ quốc, lợi ích của dân tộc là điều mơ ước của mọi con dân nước Việt. Có thế chúng ta mới bảo vệ Tổ quốc và xây dựng được một nước Việt Nam thực sự độc lập, giầu mạnh, công bình và nhân ái.

 

Nguyễn Hội

 

[1] Nguồn: http://www.tagesschau.de/ausland/vietnam162.html

[2] Nguồn: http://www.tagesschau.de/ausland/russland-china-pipeline100.html