Liệu những tháng cuối nhiệm kỳ, tổng thống Mỹ Biden có chuyển thế “luộc ếch” (Nga và Trung Đông) qua thế “hầm ếch” ?

Nguyen Khan

Trong chính trường Mỹ, năm cuối cùng trong nhiệm kỳ đầu của một vị tổng thống là năm “yên ắng” nhất. Vì các tổng thống luôn xử lý đối nội và đối ngoại một cách “cầu toàn”, ít sai sót để “câu phiếu” nhiệm kỳ 2. Nhưng qua nhiệm kỳ 2, nhiệm kỳ cuối cùng của một vị tổng thống Mỹ, không còn bận tâm câu phiếu nên các tổng thống Mỹ có thể xử lý đối nội và đối ngoại mạnh dạng hơn, tất tay hơn…

Công bằng mà nói, hơn hai năm qua, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden đã kiểm soát hai cuộc chiến ở Đông Âu và Trung Đông khá tốt, không để hai cuộc chiến ấy bùng lên thành thế chiến. Có được thành công ấy là nhờ Chiến lược luộc ếch của Biden.

Ở Trung Đông, Biden kềm chế rất tốt cuộc chiến ủy nhiệm của Iran qua các tổ chức cực đoan Houthi ở Yemen, các dân quân Hồi giáo Iraq, các chiến binh Syria và lực lượng cực đoan Hezbollah ở Miền Nam Lebanon… Không để các tổ chức này hỗ trợ dễ dàng cho lực lượng cực đoan Hamas và Jihad ở Dải Gaza làm phức tạp thêm tình hình…Với chính sách luộc ếch, tức đun nóng từ từ chớ không dội bão lửa, nên ếch Trung Đông chỉ vẫy vùng trong nồi, không nhảy khỏi nồi gây nên thế chiến. Dẫu Iran lúc nào cũng muốn thoát khỏi gọng kìm bao vây cấm vận của Mỹ và phương Tây, nhưng ngay cả việc Iran tấn công ồ ạt bằng vũ khí tầm xa vào Israel, Biden giúp đánh chắn, vô hiệu hóa gần hết phi đạn và UAV của Iran, song không cho Israel trả đũa tương xứng, vì không muốn đun nước quá nóng có thể khiến Ếch Iran nhảy ra khỏi nồi luộc gây hiểm họa khó lường… Biden cũng kềm chế những cái đầu nóng tại Tel Aviv để giảm bớt những hành động quân sự thái quá có thể gây sự phẫn nộ kinh hoàng của các lân bang và của nhiều nước trên thế giới. Tóm lại, chiến lược luộc ếch Trung Đông của Biden đã tỏ ra khá tốt tính cho đến lúc này.

Nhưng xuất sắc nhất của Biden là chiến lược luộc ếch Nga. Nga là quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới, có lực lượng quân sự mạnh thứ hai thế giới, có nền công nghệ quân sự hàng đầu thế giới, có kho vũ khí nguyên tử lớn nhất thế giới, có tài nguyên quý giá nhiều nhất thế giới… Trong lúc Ukraina là quốc gia nghèo mạt, sức mạnh quân sự chỉ là hàng “cháu chắc” so với sức mạnh to lớn của quân sự Nga, sức mạnh kinh tế tài chính cũng chỉ là “nhí sữa” so với nền kinh tế tài chính Nga. Vậy mà hơn hai năm qua, kể từ ngày Nga phát động chiến tranh xâm lược toàn diện Ukraina 24/2/2022 đến nay Nga vẫn chưa làm được gì nhiều so với sức mạnh vượt trội của mình.
Có được thành tích đó một phần không nhỏ nhờ vào chiến lược luộc ếch Nga của Tổng thống Biden. Không đun nóng nước đột ngột khiến ếch Nga nhảy khỏi nồi luộc, bấm nút bom thứ dữ… Biden tăng dần viện trợ (số lượng và uy lực) vũ khí cho Ukraina vừa đủ cầm cự trên thực chiến để không dồn Nga vào đường cùng có thể khiến Nga “liều lĩnh” bấm nút, hậu họa khôn lường.

Giai đoạn đầu Biden chỉ cung cấp vũ khí phòng thủ, hỏa tiễn vác vai Stinger, Javelin… không viện trợ Mig 29, xe thiết giáp, tank, đại bác… Không viện trợ vũ khí diệt hạm Harpool… Vì sợ ếch Nga nhảy khỏi nồi luộc gây nên thế chiến. Sau khi quân Nga tháo chạy khỏi khu vực phía Bắc và chung quanh Kyiv, Biden mới cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraina. Nhưng chỉ đến khi TP Mariupol và TP song sinh Severodonets và Lysychansk của Ukraina bị thất thủ, đại quân Nga phát huy khí thế, hừng hực tiến công, thì Biden mới cung cấp hỏa thần Himars tạo ra bước ngoặt khiến quân Nga bỏ của chạy lấy người, chạy trối chết khỏi vùng Đông Bắc Kharkiv (Balakliia, Kupyansk, Izium, Lyman…), vùng Kherson oblast hữu ngạn sông Dnepr và TP Kherson. Sau khi Ukraina tổng tấn công không thành công, bị hạ viện Mỹ đóng băng gói viện trợ quân sự gần nửa năm, Nga lợi dụng tình hình tổng phản công gây nhiều khó khăn cho Ukraina, thì Biden mới cung cấp hỏa thần ATACMS và chuẩn bị chuyển giao Chiến đấu cơ F16 cho Ukraina, cho phép Ukraina sử dụng Himars tấn công vào lãnh thổ Nga, song vẫn chưa đồng ý cho Ukraina sử dụng ATACMS tấn công xuyên biên giới.

Hiện tại, có thể là điều không may cho Nga ? Khi Biden tuyên bố rút lui không tranh cử nhiệm kỳ 2, tập trung giải quyết hai cuộc chiến Ukraina và Trung Đông trong hơn năm tháng cuối cùng của nhiệm kỳ. Đây sẽ là thời điểm Biden có thể có những quyết sách táo bạo và tất tay trước khi về “làm người tử tế”? Nên rất có thể chiến lược luộc ếch cầu toàn của Tổng thống Biden sẽ chuyển qua chiến lược “hầm ếch” đầy thách thức trước khi rời vũ đài chính trị?