Tô Lâm bắt đầu thanh sát quân đội

Nguyễn Công Bằng

Ngày 26/8, Quốc hội Việt Nam đã có kỳ họp bất thường. Mặc dù thông tin luôn kín như bưng, nhưng làng “phây búc” (Facebook) đã lan truyền từ trước về thông tin ai sẽ lên và ai sẽ xuống. Buổi chiều cùng ngày, báo chí Việt Nam đã tường thuật kết quả kỳ họp lần này, mọi việc đúng như lời đồn.
 
Ông Bùi Văn Cường - Tổng thư ký Quốc hội đã thông báo từ sáng 26/8 là Quốc hội sẽ phê chuẩn một loạt nhân sự mới.
 
Sau cơn lốc càn quét cán bộ cấp cao dưới chiêu bài “chống tham nhũng” nhưng thực chất là cuộc đấu đá phe phái, giành giật quyền lực, rất nhiều cán bộ cấp cao, trong đó có nhiều Uỷ viên Bộ chính trị đã phải ra đi. Bộ máy chính quyền và đảng đã thiếu nhân sự trầm trọng. Ông Tô Lâm đã phải “an dân” bằng cách bổ sung nhân sự ngay sau khi ông ta nhậm chức không lâu.
 
Ông Lê Minh Khái, do dính líu nhiều sai phạm, cả vụ dự án Đại Ninh lẫn vụ bà Trương Mỹ Lan nên đã bị kỷ luật ở mức cảnh cáo, và đương nhiên là phải rời khỏi chức vụ Phó Thủ tướng.
Cách đây không lâu, Bộ chính trị cũng điều động ông Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng về giữ chức Trưởng ban kinh tế trung ương. Chức Trưởng ban kinh tế trung ương này trước đây do ông Trần Tuấn Anh (con trai cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương) nắm giữ, tuy nhiên ông Trần Tuấn Anh đã dính líu nhiều sai phạm, đặc biệt liên quan đến trách nhiệm của Quy hoạch Điện VII, dẫn tới tình trạng thiếu điện trầm trọng năm 2023, chưa kể Việt Nam mua hàng loạt nhà máy điện than từ Trung Quốc, khiến đất nước trở thành bãi rác thải công nghệ từ nước láng giềng khổng lồ này.
 
Trước đó, có tin đồn ông Trần Lưu Quang sẽ được đưa vào Bộ Chính trị từ lần họp Ban chấp hành trung ương hôm 16/8, nhưng rốt cuộc chỉ có ông Lương Tam Quang - Bộ trưởng Công an là vào được Bộ chính trị, còn lại vẫn chưa có thêm nhân vật nào.
 
Những người thạo tin chính trị lề đường ở Việt Nam cho biết rằng khi còn sống, ông Nguyễn Phú Trọng đã dọn đường sẵn để sẽ đưa ông Lê Minh Hưng - Cựu chánh văn phòng trung ương, hiện đang giữ chức Trưởng ban Tổ chức trung ương, lên làm Thủ tướng tương lai, thế nhưng khi ông Trọng không còn, ông Tô Lâm đã bắt đầu tạo dựng ê kíp khác. Việc ông Trần Lưu Quang và ông Mai Văn Chính (đều là người miền Nam) chưa vào được Bộ Chính trị có lẽ là do các phe phái chưa thoả thuận được với nhau. Chính vì vậy, hai ông này đều được đưa lên làm Trưởng ban của trung ương, đồng nghĩa với việc hai ông sẽ sớm trở thành uỷ viên bộ chính trị trong kỳ đại hội sắp tới. Ông Trần Lưu Quang nếu vào Bộ chính trị thì rất có thể sau này sẽ đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng sau khi ông Phạm Minh Chính nghỉ hưu.
 
Nếu ông Trọng còn sống thì có lẽ ông Lê Minh Trí cũng sẽ sớm nghỉ hưu, thế nhưng, lần này, ông đã thay thế Nguyễn Hoà Bình, giữ chức Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao. Ông Trí là người cùng quê Củ Chi với ông Phan Văn Khải - Cựu Thủ tướng. Ông Trí cũng có thời gian giữ chức Phó Chủ tịch thành phố Sài Gòn và cũng là người gần gũi với Trương Tấn Sang - Cựu Chủ tịch nước.
 
Nguyễn Hoà Bình nguyên là Thiếu tướng Công an, sau qua làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, do là Uỷ viên Bộ Chính trị nên đã được cho giữ chức Phó Thủ tướng, theo tin đồn thì ông ta sẽ trở thành Phó Thủ tướng thường trực. Nguyễn Hoà Bình chính là người đã quyết tâm đưa Hồ Duy Hải trở thành tử tù, cho dù chứng cứ buộc tội Hải rất yếu, nhưng ông Bình đã phát ngôn một câu xanh rờn: Mặc dù tố tụng còn nhiều thiếu sót nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án.
 
Hồ Đức Phớc, người Nghệ An, cũng được bầu bổ sung chức vụ Phó Thủ tướng. Phớc hồi đầu mùa dịch Covid 19 đã có phát biểu chấn động khi nói chính phủ đã hết tiền, tuy nhiên sau đó lại quay xe, nói là do báo chí hiểu nhầm.
 
Bùi Thanh Sơn - Bộ trưởng Ngoại giao được giữ thêm chức vụ Phó Thủ tướng. Sơn là người đã bị cảnh cáo trong vụ Chuyến bay giải cứu, là vụ mà nhóm Công an đã tiêu diệt nhóm Ngoại giao. Dưới thời Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Ngoại giao không có vai trò lớn bằng Trưởng ban Đối ngoại trung ương do Trọng chỉ tập trung vào nhóm Đảng hơn là nhóm Chính phủ. Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung - người cùng là Thứ trưởng ngoại giao với Bùi Thanh Sơn, là người đã có chân trong Ban Bí thư, còn Sơn vẫn chưa vào được Bộ Chính trị như người tiền nhiệm Phạm Bình Minh.
 
Ngoài 3 Phó Thủ tướng, Quốc hội cũng bầu thêm 3 Bộ trưởng khác, và bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội của Lê Thanh Vân - Người đã bị công an bắt cách đây chưa lâu, do cùng băng nhóm phạm tội với Lưu Bình Nhưỡng.
 
Tuy nhiên, một chức vụ mà người ta chờ đợi kỳ họp Quốc Hội lần này, nhưng vẫn phải chờ, đó chính là chức Chủ tịch nước. Ngay từ khi ông Tô Lâm nắm giữ cả hai chức vụ Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước thì đã có lời đồn là ông Lương Cường - Thường trực Ban Bí thư sẽ giữ chức Chủ tịch nước. Tuy nhiên, cho đến nay, việc này vẫn chưa xảy ra. Nhưng không phải là lời đồn không có căn cứ, chiều ngày 26/8, ông Bủi Văn Cường cũng thông báo là tháng 10 sắp tới, Quốc Hội sẽ bầu Chủ tịch nước.  về mặt lý thuyết, rõ ràng là ông Tô Lâm, xuất thân là Công an, hiện nay đã giữ vị trí cao nhất, vì thế phải có người của phe quân đội nắm chức Chủ tịch nước. Phải như vậy thì phe quân đội mới chịu chấp nhận. Tháng 10 cũng là dịp hội nghị Trung ương 10, có lẽ các phe sẽ còn đấu đá nhau cho tới sau hội nghị trung ương 10 mới ngã ngũ.
 
Cách đây chỉ có vài ngày, ông Tô Lâm đã chỉ đạo Uỷ ban Kiểm tra Trung ương “làm việc” với Ban Thưởng vụ Quân uỷ Trung ương. Điều này cho thấy, Tô Lâm đang muốn nắm lấy quân uỷ, khi muốn tiếp tục dùng kiếm Tổng Bí thư để “đe doạ” quân uỷ trung ương - cơ quan quyền lực nhất Việt Nam, do nắm quyền chỉ huy toàn bộ quân đội. Kết quả cuộc đấu đá phe phái thế nào giữa phe ông Tô Lâm và phe quân đội, chúng tôi sẽ tiếp tục thông báo đến quý vị độc giả.