Shangri-La 2019: Khi “vạc dầu Châu Á” sôi trào

Đối thoại hay đối đầu?

Đối thoại thường niên Shangri-La 2019 do Viện Quốc Tế Nghiên Cứu Chiến Lược (International Institute for Strategic Studies – IISS) tổ chức, với sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng từ các nước Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ, là một diễn đàn quan trọng nhằm tìm kiếm tiếng nói chung trong các vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia… vừa diễn ra trong hai ngày 1 & 2 tháng Sáu, 2019 với những tuyên bố nảy lửa của hai gã khổng lồ Trung Quốc và Mỹ.

Trung Quốc đến Đối thoại Shangri-La năm nay với một dàn 13 tướng lĩnh cấp cao nhất, dẫn đầu là Bộ Trưởng Quốc Phòng Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), sau 8 năm kể từ 2011, tướng lĩnh cao nhất của quân đội PLA tham gia Đối thoại. Sự quan tâm của Trung Quốc tại Đối thoại lần này hẳn nhiên liên quan mật thiết đến diễn biến mới trong quan hệ Mỹ Trung từ cuộc thương chiến đang leo thang và mở rộng sang nhiều các lĩnh vực liên quan như gián điệp công nghệ, an ninh quốc gia, thao túng tiền tệ và việc Hoa Kỳ ngày càng hỗ trợ nhiều hơn các quốc gia đồng minh ở Châu Á trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa các căn cứ hải không quân trên những đảo đá nhân tạo chiếm được của Việt Nam và Philippines.

Quyền Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, Patrick Shanahan, đã có những lời cảnh báo sắc lạnh thể hiện quan điểm cứng rắn nhất từ trước tới nay của Mỹ với kẻ đang thách thức vị trí siêu cường số 1 của mình tại vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương:

“Hành vi gây xói mòn lãnh thổ các quốc gia khác và reo rắc sự ngờ vực với các mối quan tâm của Trung Quốc phải chấm dứt.”

Đồng thời, trong bài phát biểu của mình, thông điệp mà ông Shanahan đưa tới lời khẳng định chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương” – nơi Mỹ sẽ đầu tư mạnh mẽ để đảm bảo vị thế, quyền lợi của Mỹ và đồng minh tại khu vực có hoạt động kinh tế sôi động nhât thế giới, luôn duy trì ưu thế và khả năng chiến thắng cao nhất trong các tình huống có thể xảy ra xung đột.

Trước khi đến với Đối thoại Shangri-La 2019, cần nhắc đến thất bại của tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Sau kết cục đáng thất vọng tại cuộc họp thượng đỉnh Mỹ Triều lần thứ 2 ở Hà Nội, việc duy trì nguyên trạng những mâu thuẫn tiềm ẩn ở Đông Bắc Á có thể làm cho kẻ “thọc gậy bánh xe” đắc ý. Nhưng kết quả này lại đẩy Triều Tiên tới nấc bực cao hơn của những bất mãn đối với chính sách can thiệp của Bắc Kinh, chất chồng thêm khó khăn mà chính quyền Kim Chính Ân phải đối mặt với chính sách trừng phạt của Hoa Kỳ.

Việc hành quyết tàn bạo cùng lúc 5 tướng lãnh cao cấp đã tháp tùng mình tới Hà Nội cho thấy sự phẫn nộ đỉnh điểm của Kim Chính Ân – những quan chức xấu số này có cùng một điểm chung là có khuynh hướng gần gũi Bắc Kinh, đã bị gọi là “kẻ phản bội Cách Mạng”. Thất bại ở Hà Nội cũng đã làm cho Donald Trump mất nhiều công sức và bị chỉ trích không thương tiếc.

Nỗ lực đàm phán thương mại Mỹ Trung thất bại khi Trung Quốc xóa bỏ những thỏa thuận trước đó hai bên đã đạt được, đã là giọt nước tràn ly. Con bài tẩy Huawei bị lật và tiếp theo đó là danh sách hơn 140 công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen “entity list” bị Mỹ “vạch mặt chỉ tên” biến cuộc thương chiến Mỹ Trung trở thành đám cháy rừng khó lòng kiềm chế. Shangri-La 2019 trở thành nơi mà người Mỹ đến để ủy lạo những đồng minh của mình và đưa ra lời cảnh cáo cuối cùng tới Bắc Kinh. Đây không phải là một cuộc “đối thoại” dù các bên cố đưa những lời lẽ ngoại giao hoa mỹ gượng gạo.

Trung Quốc và tình huống “tứ diện sở ca” ở Châu Á

Cùng với sự đầu tư mạnh mẽ vào lực lượng quân sự viễn chinh thường trực tại khu vực, những đồng dollar thơm phức luôn có sức nặng không thể phủ nhận với những chính quyền của các quốc gia có xu hướng “gió chiều nào, xoay chiều đó” đầy toan tính thực dụng và tầm nhìn hạn hẹp như Việt Nam, Philippines, Cambodia…

Sự “xê dịch” theo phía nào tùy theo mức độ hào phóng của người Mỹ hay Trung Quốc. Khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều xuất cảng đang gặp khó khăn bởi sự thay đổi các chính sách thương mại của Hoa Kỳ, Bắc Kinh đã tỏ rõ sự hụt hơi ở những đại dự án đầy tham vọng “một vành đai, một con đường”, khó lòng tiếp tục vung tiền cho các chế độ “thích vay, không thích trả” như trước. Người ta có thể thấy rõ sự thay đổi nhanh chóng trong giọng điệu ngoại giao và báo chí truyền thông “lề phải” khi nói về người bạn vàng 4 tốt.

Trước khi diễn ra cuộc Đối thoại Shangri-La 2019, một cuộc tấn công vào đoàn xe chở công nhân Việt Nam ở Philippines được thực hiện bởi nhóm phiến quân Cộng sản – đứa con rơi của chủ nghĩa Maoit do Trung Quốc cộng sản đảng “xuất cảng” ra các nước Đông Nam Á từ những năm 60 của thế kỷ trước – chẳng phải là sự trùng lặp vô tình? Có gì đó, như một lời nhắc nhở theo kiểu “yêu cho roi, cho vọt” mà một quan chức Việt Nam từng ví von.

Thuật ngữ “Ấn Độ – Thái Bình Dương” được thay thế cho “Châu Á Thái Bình Dương” kể từ khi chính phủ của Tổng Thống Donald Trump nắm quyền, thể hiện ưu tiên đặc biệt về vai trò địa chính trị khu vực và quyền lực đang trỗi dậy của Trung Quốc với “con đường tơ lụa trên biển” do Tập Cận Bình khởi xướng. “Tứ giác kim cương” gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Mỹ được hình thành nhằm đảm bảo trật tự quyền lực không bị thách thức bởi “con rồng đỏ” tham lam. Sức mạnh của “tứ giác” là một sức mạnh thực chất và đầy đủ uy lực.

Người Nhật đã không bỏ qua cơ hội vàng để khôi phục lại quyền lực quân sự thống lĩnh Châu Á của mình trong quá khứ. Thách thức chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc ở Điếu Ngư đã mở đường cho việc Samurai được tháo bỏ những xiềng xích trong quá khứ kể từ thế chiến thứ hai, cho phép Nhật Bản dành nhiều nguồn lực hơn để xây dựng một quân đội với đầy đủ sức mạnh viễn chinh hùng mạnh.

Với đơn hàng hơn 105 chiếc tiêm kích tàng hình F35 mới đây cùng đầy đủ mọi phiên bản, kho “đồ chơi” đầy uy lực hiện đại nhất, chưa kể 42 chiếc F35 của đơn hàng cũ đang thực hiện với sự chuyển giao của Mỹ tại nhà máy của Mitsubishi, Nhật sẽ sớm có lực lượng không quân vượt trội hoàn toàn so phần còn lại ở Châu Á. Những phiên bản tàu sân bay mini Uzumo đáp ứng mọi tiêu chuẩn của lớp hàng không mẫu hạm hiện đại, cho phép F35B có thể tác chiến dễ dàng với sự tương thích kỹ thuật hoàn hảo – điều mà Trung Quốc còn phải mất vài thập kỷ nữa để hiện đại hóa những tàu sân bay lỗi thời và biên đội hải không quân của mình.

Một Đài Loan ngày càng tự tin hơn, đang ráo riết chuẩn bị những kịch bản chiến tranh với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, cả về vũ khí, chuyên gia kỹ thuật và ủng hộ chính trị, ngoại giao. Cơn ác mộng mang tên “Đài Loan Độc lập” không khác gì việc con đập khổng lồ Tam Hiệp trên sông Dương Tử bị vỡ tan tành vào một ngày đẹp trời khi cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề độc lập được chính đảng Dân Tiến thực hiện thành công.

Những lời đe dọa của Trung Quốc trở thành lý do chính nghĩa đầy thuyết phục cho chính quyền Thái Anh Văn duy trì quyền lực tại hòn đảo này, cùng với tấm gương nhãn tiền về một nền tự do hiến định có lịch sử hơn 100 năm của Hong Kong đang tàn lụi trong vòng kìm kẹp của Bắc Kinh đã khiến cho người dân Đài Loan trở nên đoàn kết chưa từng thấy trong mục tiêu chung nhất: Độc Lập cho Đài Loan. Lời phàn nàn của viên tướng họ Ngụy khi phải nhận những ngôn từ “không mang tính xây dựng” từ phía người đồng cấp Hoa kỳ trong vấn đề Đài Loan, tại bữa tối hôm thứ S áu ngày 31 tháng Năm, 2019, trước khi diễn ra Đối thoại Shangri-La, sẽ còn là nỗi lo lắng thường trực, dài lâu khiến cho Bắc Kinh mất ăn, mất ngủ.

Dù các quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia hay Singapore giữ thái độ và giọng điệu đầy màu sắc ngoại giao, nhưng rõ ràng cái gọi là “niềm tin chiến lược” sẽ chẳng bao giờ tồn tại. Sự thay đổi lớn trong chính sách “hợp tác” với Trung Quốc của Malaysia, kể từ khi vị thủ tướng 93 tuổi Mahathir Mohamad lên nắm quyền đã làm cho những bước tiến của “Rồng Trung Hoa” xuống những vùng lãnh thổ phía Nam của Đông Nam Á gặp rất nhiều khó khăn.

Một Singapore đầy thực dụng, khôn khéo trong các vấn đề kinh tế, chính trị nhưng luôn duy trì một sức mạnh quân sự đáng gờm ở khu vực không dễ dàng gì dọa nạt. Có thể, con kênh đào Kra sẽ được hoàn thành trong vòng một thập kỷ tới, cùng với sức mạnh hải không quân tăng lên đáng kể khi căn cứ quân sự viễn chinh lớn nhất Đông Nam Á do Bắc Kinh xây dựng ở Koh Kong, Cambodia được hoàn thiện, câu chuyện đó vẫn còn ở thời tương lai và Singapore, Malaysia không ngồi yên để nhìn vị trí chiến lược của mình bị tước đoạt.

Vai trò của Úc và Ấn Độ có thể thấy lẩn khuất hơn và không đối đầu trực diện với tham vọng của Trung Quốc, nhưng sức mạnh hậu cần to lớn của khối “liên minh tứ giác kim cương” tại khu vực chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương được quyết định bởi hai thành viên quan trọng này. Xét cho cùng, khi Phương Tây và Hoa Kỳ đã phát triển những học thuyết hải quân hiện đại với nền tảng khoa học quân sự hoàn toàn vượt trội nhiều thập kỷ đi trước thì một Trung Hoa đầy tham vọng vẫn còn đang dò dẫm “nghiên cứu” những tác gia như Alfred Mahan hay Julian Corbett và xây dựng hạm đội của mình từ những kỹ thuật chắp vá, ăn cắp hay copy được.


Quyền Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Patrick Shanahan tại Đối thoại Shangri-La 2019. Ảnh: Asia Times

Trong bài phát biểu của mình, ông Shanahan cũng nhắc tới bộ “toolkit” các biện pháp răn đe và trừng phạt mà Mỹ có thể áp dụng với Trung Quốc. Đến một lúc, dù không muốn, cuộc đối đầu của hai gã khổng lồ tại vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ diễn ra và các quốc gia nhỏ trong khu vực sẽ phải đứng trước tình huống “lưỡng nan” là lựa chọn đứng ở phía bên nào trong cuộc chiến này. Mọi lời lẽ trung dung, hòa giải của các nước nhược tiểu tại thời điểm không thích hợp sẽ giống như câu chuyện “Bầy cá voi và con cá trích” của ngụ ngôn Aesop.

Việt Nam trước Nguy và Cơ

Việt Nam có thể coi là tâm điểm địa lý trong cuộc tranh giành ảnh hưởng về địa chính trị, kinh tế và quân sự của hai khối quyền lực Hoa Kỳ cùng đồng minh và Trung Quốc. Quốc gia có lịch sử đối đầu với tham vọng bá quyền của các triều đại Trung Hoa kéo dài hàng thiên niên kỷ này giờ đây có cùng một ý thức hệ cộng sản, một đội quân gần như cùng màu cờ sắc áo với rất nhiều tướng lãnh được “bồi dưỡng” từ các trường quân sự Trung Quốc, vẫn được nhìn nhận là quốc gia có “khả năng tiềm tàng” cao nhất Đông Nam Á trong việc kiềm chế tham vọng bá quyền của Trung Hoa.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam là những nước Đông Nam Á mua sắm rất nhiều vũ khí để hiện đại hóa và nâng cao năng lực hải, không quân. Tuy nhiên, chính sách mua sắm vũ khí của Việt Nam cũng gây rất nhiều sự khó hiểu như việc mua một loạt tàu ngầm Kilo của Nga trong khi cơ sở hậu cần, kỹ thuật và thủy thủ đoàn phải xây dựng từ con số không – điều này tiêu tốn một nguồn lực kinh tài khổng lồ và thực tế những chiếc Kilo này chỉ đem ra để chụp ảnh cho đẹp và neo đậu tại căn cứ hải quân mà thôi.

Việc liên tục để xảy ra tai nạn trong huấn luyện bay, tổn thất một lượng lớn máy bay gồm cả những chiến đấu cơ, tuần thám hiện đại nhất trong vài năm gần đây khiến người ta khó có thể tin rằng lực lượng này có thể đảm bảo năng lực chiến đấu khi cần thiết. Năng lực chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của quân đội Việt Nam thực sự không phải là một “khả năng tiềm tàng” gì đáng kể sau hơn 40 năm hòa bình và mải mê làm kinh tế. Thậm chí, khao khát của những quan chức và tướng lãnh cao cấp nhất Việt Nam là xây dựng những công ty như Viettel trở thành phiên bản của Huawei như biểu tượng thành công dán mác 4.0.

Mâu thuẫn giữa quyền lợi kinh tế trong việc khai thác nguồn dầu khí dồi dào ở thềm lục địa đang bị Bắc Kinh tước đoạt mà ví dụ gần đây nhất là mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ ở Bà Rịa Vũng Tàu, trong khi khó khăn về kinh tế của Việt Nam rõ ràng không thể giải quyết được bằng việc vay tiền lãi suất cao hay các dự án “bẫy nợ” đầy rủi ro từ người bạn vàng 4 tốt khiến cho Hà Nội ngày càng cần tới sự ủng hộ của Hoa Kỳ nhiều hơn.

Dù luôn miệng nói rằng “Việt Nam dựa vào sức mình là chính để bảo vệ các lợi ích quốc gia, dân tộc, không đi với nước này để chống nước khác”- những phát biểu của chính sách “3 Không” có từ thời kỳ diễn ra cuộc thảm sát ở Gạc Ma, nhưng Hà Nội đã cố gắng mời gọi biểu tượng sức mạnh của Hoa Kỳ hiện diện ở vùng biển của mình như chuyến viếng thăm Đà Nẵng của đoàn hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cũng như nhiều chiến hạm của các quốc gia khác như Úc, Nhật, Pháp, Ấn Độ…

Quân cảng Cam Ranh – cảng quân sự chiến lược tốt nhất thế giới được giới chức Hà Nội thập thò dưới gầm bàn trong những cuộc hội thảo, giao lưu quân sự với cả hai khối quyền lực Hoa Kỳ và Trung Quốc, có lẽ sẽ tùy thuộc vào sức nặng của túi tiền bên nào sẵn lòng trả giá cao hơn. Dù “tình đồng chí” với anh bạn “4 tốt” vẫn keo sơn, song thực tế là nền kinh tế Việt Nam chưa sụp đổ vì phần lớn dựa vào thặng dư thương mại từ hai thị trường chính là Mỹ và EU, nguồn viện trợ và kiều hối quan trọng nhất cũng từ xứ cờ hoa cựu thù này.

Trong khi những phe phái trong đảng cầm quyền, giới chức chính phủ và quân đội đang giằng kéo những quyền lợi của mình thì chính sách an ninh quốc gia của Việt Nam sẽ vẫn là cố gắng né tránh những tổn thất từ cuộc đối đầu Mỹ Trung, duy trì hiện trạng và tiếp tục “đu dây” càng lâu càng tốt. Miền Bắc Việt Nam sẽ trở thành công xưởng của các doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Đông, Vân Nam chạy sang để né tránh chiến tranh thương mại Mỹ Trung. Đồng thời việc nâng cấp, mở rộng cảng biển chiến lược Hải Phòng, cùng mạng lưới xa lộ, đường sắt nối với Côn Minh – Vân Nam sẽ mang lại sự phát triển phù hoa cho dải đất Hải Phòng – Quảng Ninh nhiều tài nguyên và có vị trí địa kinh tế số 1 vịnh Bắc Bộ.

Trong khi đó ở miền Nam, với sự đầu tư của Hoa Kỳ vào Bà Rịa-Vũng Tàu có thể biến thành phố du lịch xinh đẹp thành một đỉnh tăng trưởng chiến lược của miền Đông Nam Bộ ngay sát với thành Hồ. Rõ ràng, Hà Nội thích rượu Mao đài và Nhân dân tệ nhưng thành Hồ thì ưa thích Starbucks, các thương hiệu phương Tây và tiêu tiền dollars hơn. Tuy nhiên, một luật đời không bao giờ thay đổi là “chỉ có miếng phô mát miễn phí trên cái bẫy chuột” sẽ luôn đúng và khi cái “vạc dầu Châu Á” – một so sánh ví von của Robert D.Kaplan – thực sự sôi trào thì mới biết cái giá phải trả là điều gì.

Tân Phong
https://viettan.org/shangri-la-2019-khi-vac-dau-chau-a-soi-trao/