Shadow Report II: yêu cầu áp dụng các biện pháp chế tài đối với cán bộ CSVN trách nhiệm các vụ giết người và hành vi tra tấn tại Việt Nam

Nhân dịp khóa UPR (Kiểm điểm định kỳ phổ quát) ngày 22 tháng 1 năm 2019 về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam tại Geneva, Ủy Ban COSUNAM tại Thụy Sĩ, Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hoà Lan, Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức cùng 3 hội đoàn tại Hoa Kỳ – Hiệp Hội Phụ Nữ Việt Nam Hoa Kỳ tại Houston, Hội Đền Hùng tại San Diego, Đài Phát Thanh TNT tại Houston – với sự cộng tác của Việt Tân, đã đệ nạp cho Văn Phòng Thư Ký UPR, và cho bà Michele BACHELET, Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UN High Commisioner for Human Rights), bản Báo cáo Không Chính Thức số 2 (Shadow Report II) về “Bạo lực cảnh sát trong hành vi giết người, tra tấn và bắt cóc đối với thường dân vô tội từ năm 2007 đến 2018 tại Việt Nam” (SHADOW REPORT II On Police Brutality In Murders, Tortures & Kidnaps Against Innocent Civilians From 2007 To 2018 In VIETNAM).

Trước đó, vào tháng 5/2018, một phiên bản của Shadow Report II mang tên “Human Rights Violation Petition Report on Police Brutality Against Formosa Pollution Victims from Song Ngoc Parish Seeking Compensation And Against Human Rights Activists From 2010 to 2018 In VIETNAM“, can thiệp cho phái đoàn giáo dân Song Ngọc bị đàn áp thô bạo vào tháng 2/2017, cũng đã được gởi tới UBNQ Liên Hiệp Quốc (UN Human rights Committee) trong Khóa Lượng Duyệt về việc thực thi các quyền dân sự và chính trị (tổ chức) trong tháng 7/2018 (International Covenant on Civil and Political Rights – ICCPR).

Bản Báo cáo số 1 (phổ biến vào tháng 5 năm 2016) và số 2 là các báo cáo không chính thức của các tổ chức phi chính phủ Việt Nam và Cosunam, để làm sáng tỏ việc nhà cầm quyền CSVN không tuân thủ Công ước chống tra tấn (Công ước chống tra tấn và các bạo hành khác hay các hành vi dã man, vô nhân đạo hay xúc phạm nhân phẩm của Liên Hiệp Quốc – Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment), mà Việt Nam là một trong những quốc gia cuối cùng trên thế giới phê chuẩn vào năm 2015 (ngày 5 tháng 2), trễ đến hơn 30 năm (Công Ước được thông qua ngày 10 tháng 12 năm 1984). Các Báo cáo Không Chính Thức này nhằm mục tiêu (xem trích lục tài liệu bằng tiếng Anh)

– Cung cấp thông tin cho người dân Việt Nam hiểu rõ về nghĩa vụ của chính phủ Việt Nam về trách nhiệm pháp lý đối với Công Ước của Liên Hiệp  Quốc về chống tra tấn (UNCAT), trong đó Việt Nam là quốc gia thành viên từ năm 2015;

– Khuyến khích các nạn nhân và các nhà hoạt động báo cáo các vi phạm Công Ước UNCAT bởi các viên chức nhà nước và các tác nhân không phải là người của nhà nước, nhưng hoạt động dưới sự chỉ đạo của các quan chức nhà nước;

– Giám sát việc thực thi UNCAT của chính phủ Việt Nam và ủng hộ các chính phủ liên hệ về việc trừng phạt những người vi phạm theo luật pháp ở các quốc gia đó.

Báo cáo Shadow II là một tài liệu dài 538 trang, với các chi tiết được tham khảo phong phú, từ các nguồn công khai (danh tính nạn nhân, địa điểm và ngày tháng, bối cảnh, dụng cụ tra tấn, nhân chứng, danh tính của những người chịu trách nhiệm về các hành vi bạo lực này) về những vụ giết người, tra tấn thường dân vô tội ở Việt Nam.

Báo cáo này trình bày 450 trường hợp bạo hành của công an dẫn đến tử vong và thương tích nghiêm trọng cho người bị giam giữ từ năm 2007 đến 2018. Báo cáo tập trung vào các vụ bạo hành trong đồn công an nơi giam giữ, bao gồm các bạo hành trong khi bị bắt, thẩm vấn tại đồn công an và giam giữ trước khi ra tù, dẫn đến tử vong. Tài liệu không đề cập đến các lạm dụng trong tù sau khi bị kết án. Báo cáo dựa trên đánh giá của các tổ chức, hội đoàn đứng tên, về các vụ lạm dụng của cảnh sát được đăng tải trên các tờ báo tiếng Việt do nhà nước CSVN kiểm soát bao gồm các bản tin cấp quốc gia và tỉnh, cũng như các báo cáo đến từ các blogger độc lập, nhà báo-công dân và các cơ quan báo chí nước ngoài.

Vào tháng 3 năm 2015, trong một cuộc họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số nhà lập pháp và thành viên của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội CSVN đã đặt ra nghi ngờ về mức độ tin cậy của một báo cáo của Bộ Công An trong đó đưa ra số người chết trong đồn cảnh sát là 3 người – trong thời gian từ tháng 10 năm 2011 đến tháng 9 năm 2014 – trong tổng số 226 trường hợp với kết luận nguyên nhân chính gây tử vong là do bệnh và tự tử (http://www.thanhniennews.com/polencies/doubts-linger-as-vietnam-reports-...).

Vào ngày 22 tháng 9 năm 2010, một báo cáo của Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) đã ghi nhận 19 trường hợp về hành vi tàn bạo của cảnh sát dẫn đến 15 người chết trong 12 tháng.

Nghiên cứu của VN-CAT (Vietnam – Coalition Against Toture), cũng dựa trên thông tin được công bố trên các phương tiện truyền thông điện tử do nhà nước kiểm soát, có tới 124 trường hợp trong giai đoạn 2010-2017. Trong đó có 8 trường hợp tra tấn và bạo hành của công an và 116 trường hợp tử vong. Số vụ tự tử được cho là chiếm 44% tổng số ca tử vong. Trong số 51 trường hợp tự tử, 43 trường hợp được báo cáo là treo cổ. 11 người chết vì không rõ nguyên nhân, 17 người bị bệnh, 20 người bị thương nặng trong khi bị cảnh sát giam giữ như chấn thương sọ não, xẹp phổi, gãy xương sọ, gãy xương hàm và thủng ruột, v.v. (VN-CAT – ‘Số vụ tra tấn Việt Nam’: http://endtorturevn.org/article.php?&L=en&M=1&type=0).

Các tài liệu này bổ sung cho các tài liệu khác của Việt Tân và các tổ chức NGO về các vi phạm nhân quyền trầm trọng và liên tục, nhằm tố cáo một chiến dịch đàn áp chưa từng có trong hai năm 2017, 2018, với các bản án rất nặng nề cho các nhà hoạt động dân chủ (Ông LÊ Đình Lượng hoạt động vì quyền tự do tôn giáo, blogger 20 năm tù và quản thúc 5 năm, bà TRẦN Thị Nga, nhà hoạt động vì quyền lao động 9 năm, bà TRẦN Thị Xuân hoạt động bảo vệ môi trường, 9 năm, ĐỖ Công Đương, nhà báo công dân 9 năm, NGUYỄN Đình Thành nhà hoạt động 7 năm, NGUYỄN Văn Hóa nhà báo 7 năm, NGUYỄN Văn Oai 5 năm, PHẠM Kim Khánh blogger 5 năm, HOÀNG Đức Bình hoạt động bảo vệ môi trường 14 năm, VƯƠNG Văn Thả, nhà hoạt động cho tự do tôn giáo 12 năm, blogger ĐÀO Quang Thực 14 năm, nhà báo TRƯƠNG Minh Đức 12 năm, bà ĐỖ Thị Hồng, nhà hoạt động cho quyền tự do tôn giáo 13 năm, ĐOÀN Đình Nam hoạt động cho tự do tôn giáo 16 năm, HỒ Đức Hòa, blogger 13 năm, Mục sư NGUYỄN Trung Tôn 12 năm, NGUYỄN Trung Trực, trách nhiệm cộng đồng 12 năm, nhà báo NGUYỄN Bắc Truyển 11 năm, blogger VŨ Quang Thuận 8 năm, PHẠM Văn Trội blogger 7 năm, …).

Báo cáo Shadow Report I và II với các phiên bản, nổi bật với những điểm đặc thù sau:

– thu thập tài liệu về các vụ giết người trong đồn công an, nơi giam giữ trước khi xét xử, liên hệ đến thường dân vô tội. Các tài liệu không tập trung vào các trường hợp của các nhà dân chủ, bất đồng chính kiến, được biết đến bởi các tổ chức nhân quyền phi chính phủ và dư luận, nhưng chú trọng về dân thường vô tội, thường không được biết đến.

– tổng hợp và phân loại thông tin và tài liệu tham khảo theo Istanbul Protocol được Liên Hiệp Quốc công nhận, với mục đích có thể nhanh chóng chuyển thành các dữ kiên pháp lý, tại một tòa án trong tương lai để xét xử những người chịu trách nhiệm về những hành vi này là lãnh đạo và cán bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

– nêu tên đích danh những thành phần cán bộ đảng CSVN, chịu trách nhiệm cho chính sách đàn áp và bạo lực bừa bãi đối với người dân, nhằm thông báo môt cách dứt khoát cho họ rằng họ sẽ phải trả lời vê những hành vi giết người và tra tấn này. Họ sẽ không còn có thể đứng trên hay sống ung dung ngoài vòng pháp luật được nữa.

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức bởi tay sai của Bộ trưởng Bộ Công An TÔ LÂM, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và luật pháp Đức và Slovakia, được trình bày rất chi tiết, trong bản Báo Cáo.

Các khuyến cáo của các tài liệu này được trích dẫn dưới đây.

Báo cáo kiến nghị này nhằm yêu cầu Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, Ủy ban Nhân quyền LHQ và UNCAT xem xét các trường hợp trên và đưa ra các hành động thích hợp đối với chế độ Cộng sản Việt Nam. Báo cáo được đệ trình lên các Tổ Chức LHQ nêu trên với các mục tiêu sau:

· Giúp nâng cao nhận thức quốc tế đối với các hành vi vi phạm nhân quyền có hệ thống do các viên chức của CHXHCN Việt Nam thực hiện;

· Yêu cầu Hội đồng tiến hành điều tra riêng và sau đó liệt kê các cá nhân có tên trong báo cáo này là những người vi phạm nhân quyền (vi phạm thô bạo) từ CHXHCN Việt Nam.

Những tài liệu này giúp cho người ta thấy một cách đơn giản rằng chính sách đàn áp, giết người, hành động tra tấn, bởi bản chất dai dẳng và phổ biến của nó trong không gian và thời gian ở Việt Nam, chống lại thường dân vô tội, các thành phần dân chủ là một chính sách có chủ ý, được tổ chức và quyết định ở cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chính sách đàn áp khốc liệt này của nhà cầm quyền Việt Nam nhằm dập tắt mọi toan tính đối kháng bằng cách đàn áp khủng bố mà không có sự phân biệt đối xử và vi phạm tất cả các Công ước quốc tế mà nhà cầm quyền Việt Nam đã ký kết. Những bản án cực kỳ nặng nề (20 năm, 16, 14, 11 năm, …) dành cho những người dân chủ đã dám bày tỏ một cách ôn hòa về các vấn đề môi trường, tham nhũng, tự do tôn giáo, … tại Việt Nam. Hàng trăm thường dân vô tội đã chết do bị tra tấn và bạo hành bởi lực lượng Công An, theo lệnh của Bộ trưởng Bộ Công An, tướng Tô Lâm. Theo định nghĩa chính xác của “Rogue State”, chính quyền CS Việt Nam quả là xứng đáng với danh xưng “Nhà Nước Côn Đồ”.

Trong bối cảnh này, các tổ chức và hội đoàn đứng tên các Shadow Report, yêu cầu những người chịu trách nhiệm về những hành vi giết người, hành vi tra tấn này phải được công nhận là chịu trách nhiệm trước tòa án trong tương lai hoặc bị trừng phạt trong ngắn hạn qua lợi ích thiết yếu của họ (đóng băng tài sản bất chính kiểu mafia, tịch thu tài sản thụ đắc bất hợp pháp qua việc chiếm đoạt tài sản của người khác hoặc tham nhũng lớn, từ chối thị thực nhập cảnh) theo quy định của các lệnh trừng phạt trong khuôn khổ của đạo luật Global Magnitsky toàn cầu, được thông qua bởi Hoa Kỳ, Canada, Estonia, Vương quốc Anh (một phần)). Tài ìệu Shadow Report II đã dược chuyển đến Bộ Ngoại Giao Đức (25/1/19) và Bộ Ngoại Giao Hòa Lan (16/1/19) trong các buổi tiếp kiến về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.

Danh sách các nhà chức trách Việt Nam được coi là chịu trách nhiệm cho các hành vi giết người và tra tấn được trình bày trong Shadow Report II. Các chi tiết về tiểu sử của họ có thể được tìm thấy trong bản Báo cáo:

– Lãnh đạo CSVN tỉnh Vĩnh Long (TRẦN Văn Rón, NGUYỄN Văn Quang, TRƯƠNG Văn Sáu), Giám đốc CA Vĩnh Long LÊ Văn Út, Đại tá NGUYỄN Văn Hiếu, Đại tá PHẠM Ngọc Tính.

– Lãnh đạo CSVN tỉnh Kiên Giang (NGUYỄN Thanh Nghị, PHẠM Vũ Hồng, bà ĐẶNG Tuyết Mai, HUỲNH Đông Bắc), Giám đốc CA Kiên Giang Bà BÙI Tuyết Minh.

– Lãnh đạo CSVN tỉnh Nghệ An (NGUYỄN Đắc Vinh, NGUYỄN Xuân Đường, NGUYỄN Xuân Sơn), Giám đốc CA NGUYỄN Hữu Cầu.

– Lãnh đạo CSVN tỉnh Bình Thuận (NGUYỄN Thu Sơn, NGUYỄN Mạnh Hưng, NGUYỄN Ngọc Hải,), Giám đốc CA NGUYỄN Văn Thân.

– Lãnh đạo CSVN tỉnh Bình Định (NGUYỄN Thành Tùng, HỒ Quốc Dũng,), Giám đốc CA NGUYỄN Bá Nhiên, Đại tá LÊ Đức Minh, Trung tá VÕ Quý Tuấn, NGUYỄN An Ninh.

– Lãnh đạo CSVN tỉnh Long An (PHẠM Văn Ranh, TRẦN Văn Cần), Giám đốc CA PHAN Chí Thanh.

– Lãnh đạo CSVN tỉnh Đăk Nông (LÊ Diễn, NGUYỄN Bốn), Giám đốc CA NGUYỄN Ngọc Chương.

– Lãnh đạo CSVN thủ đô Hà Nội (HOÀNG Trung Hải, PHẠM Quang Nghị, NGUYỄN Thế Thảo), Giám đốc CA NGUYỄN Đức Nhanh, NGUYỄN Đức Chung, ĐOÀN Duy Khương.

– Lãnh đạo CSVN NGUYỄN Phú Trọng, NÔNG Đức Mạnh, NGUYỄN Sinh Hùng, NGUYỄN Tấn Dũng, NGUYỄN Xuân Phúc, TRẦN Đại Quang (đã chết), tướng TÔ Lâm, Lực lượng Công an LÊ Quý Vương, ĐẶNG Văn Hiếu, BÙI Quang Bến, TRẦN Việt Tân, BÙI Văn Thành, BÙI Văn Nam, NGUYỄN Văn Thanh, PHẠM Dũng, TRẦN Trung Lương.

– Vụ án bắt cóc TRỊNH Xuân Thanh: Tướng TÔ Lâm, Tướng PHẠM Dũng, NGUYỄN Khánh Toàn, LÊ Mạnh Cường, ĐƯỜNG Minh Hưng, ĐOÀN Xuân Hưng (Đại sứ tại Đức), NGUYỄN Đức Thoa (Bí Thư Thứ Nhất Đại sứ quán tại Đức), DƯƠNG Trọng Minh (Đại sứ tại Slovakia)./.

https://viettan.org/shadow-report-ii-yeu-cau-ap-dung-cac-bien-phap-che-t...