Bàn tay Trung quốc và sự thờ ơ của chính phủ

Làn sóng người Tàu thâu tóm các doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ của Việt Nam đang diễn ra rất rầm rộ và phức tạp. Họ nhắm đến các doanh nghiệp xuất khẩu nông, sản đang có nguy cơ làm ăn kém hoặc thua lỗ. Họ cho các nhà môi giới tìm đến những doanh nghiệp này và đám phán định giá doanh nghiệp, mua lại cổ phần và dùng chiêu trò để kiểm soát, thâu tóm doanh nghiệp của Việt Nam.

Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các FTA, mới nhất là CPTPP thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ là dễ bị tổn thương nhất. Và chiến tranh thương mại đang khiến ngành xuất khẩu của Trung Quốc phải trả giá nghiêm trọng. Người Trung Quốc sang Việt Nam săn các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản đang thiếu vốn, thua lỗ hay thiếu năng lực thích nghi với xu thế hiện nay để thâu tóm nhằm tìm đường giải thoát cho hàng Trung Quốc. Họ vẽ ra bức tranh hợp tác bền vững trong phát triển ra thị trường quốc tế đồng thời bơm một khoảng vốn hơn 50% giá trị mình định ra để DN thích thú và hợp tác. Điều kiện là phải nhường cho họ quyền trực tiếp điều hành. Sau khi thò được chân vào doanh nghiệp, họ cho người tìm hiểu quy trình, công nghệ của doanh nghiệp cần thâu tóm, rồi yêu cầu cổ phần 50-50 hoặc vẽ ra viễn cảnh thua lỗ dài hạn, thoái vốn tạo sức ép và mục đích cuối cùng là thâu tóm toàn bộ doanh nghiệp.

Thống kê mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy năm 2018, các nhà đầu tư Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan đã bỏ khoảng 3,4 tỉ USD mua bán lại cổ phần, cổ phiếu của các DN tại Việt Nam. Cụ thể, tổng vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam là 2,46 tỉ USD, vốn đầu tư trực tiếp FDI cấp mới và tăng thêm là 1,6 tỉ USD, còn lại hơn 800 triệu USD là vốn đầu tư gián tiếp thông qua việc mua bán cổ phần DN. Đáng nói, hơn 1.029 lượt dự án góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư đến từ quốc gia này. Tính trung bình nhà đầu tư Trung Quốc bỏ ra hơn 770.000 USD để góp vốn vào DN Việt, tăng gấp đôi về lượng vốn so với con số 487 triệu USD cho hơn 800 dự án trong năm 2017.

Một chuyên gia tài chính phân tích việc xé nhỏ các đồng vốn và chia đều vào các dự án, DN Việt Nam cho thấy các nhà đầu tư Trung Quốc đang nhắm đến Việt Nam để thâu tóm DN, tìm hiểu thị trường và sẵn sàng chuyển vốn sang Việt Nam khi cần. Việc đầu tư vốn cổ phần sẽ có lợi cho DN Việt khi tăng vốn, lên sàn, tuy nhiên nếu nhà đầu tư Trung Quốc có cổ phần lớn, chắc chắn quyền điều hành DN sẽ rơi vào tay họ.

TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM, xác nhận thực trạng này đang và sẽ tiếp diễn. Theo ông Thắng, DN Trung Quốc thích hợp tác, mua lại DN Việt Nam là do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Chính vì vậy, DN Trung Quốc tìm cách đa dạng hóa ra bên ngoài bằng cách chọn nước thứ 3 là Việt Nam - quốc gia có nhiều nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Chưa kể, Việt Nam đang có nhiều lợi thế vì đã tham gia nhiều hiệp định thương mại, mới đây nhất là CPTPP… nên các DN Trung Quốc có pháp nhân tại Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong hoạt động xuất khẩu. Ông Thắng khuyến cáo các DN Việt cần có giải pháp chống thâu tóm hoặc tìm cách phát triển bền vững hơn để không bị lấn sân, mất cơ hội trong hoạt động xuất khẩu nông sản ngay tại sân nhà.

Nhìn tình hình trên chúng ta thấy rằng chính phủ của anh Phúc chưa quan tâm đến chính con đẻ của mình, để họ tự bơi mà chỉ chú trọng giành ưu ái cho dòng vốn nước ngoài vì thành tích tăng trưởng. Và anh Phúc cũng chưa có giải pháp nào cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước thích ứng với canh bạc hội nhập kinh tế sớm này. Nếu đã làm thì đâu đến nỗi để doanh nghiệp vừa và nhỏ rơi vào tình trạng như vậy. Những điều trên cũng phản ánh tầm nhận thức, hoàn cảnh bi đát của khối doanh nghiệp này. Nó cũng phản ánh sự tuyệt vọng của doanh nghiệp trước sự hỗ trợ của chính phủ. Khối doanh nghiệp nội là nền tảng kinh tế bền vững của quốc gia. Những năm gần đây chính phủ đã quá mải mê với con số thành tích kim ngạch xuất nhập khẩu, tăng trưởng mà dành quá nhiều ưu ái cho FDI. Rồi nền kinh tế sẽ lại càng lâm vào tình trạng gia tăng phụ thuộc, thiếu bền vững. Haizzz.

(Bài viết có sử dụng tư liệu từ nhà báo Sơn Nhung).