Kinh tế Việt Nam 2021: Phía trước là vực thẳm!

ảnh ông Nguyễn Xuân Phúc

Tân Phong - Web Việt Tân|

Thu nhập bình quân 3.500 USD/người nhưng không thể mua thịt lợn ăn Tết

Trái với báo cáo của chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc về tăng trưởng kinh tế với mức thu nhập bình quân đầu người trong năm 2020 đã tăng tới 3.500 USD, một cái Tết cổ truyền thê lương chưa từng có đã bộc lộ sự xuống dốc thê thảm về mức sống và thu nhập của tuyệt đại đa số dân chúng.

Suốt từ Bắc tới Nam, một tình trạng buôn bán ế ẩm tới khó tưởng tượng nổi so với cùng thời điểm Tết Canh Tý 2020. Những khu phố chợ Tết bán, đào, mai, cúc, quất… truyền thống vắng người mua. Cơn mưa trái mùa ác nghiệt sát ngày Tết đẩy hàng ngàn tiểu thương vào thảm cảnh tuyệt vọng khi chứng kiến tất cả vốn liếng bị cuốn trôi theo một cơn giông tố.

Việc dịch bệnh Covid-19 quay trở lại vào thời điểm cận kề Tết Nguyên Đán khiến cho việc giao thương và buôn bán đã khó lại càng khó thêm. Nhưng nguyên nhân chính và trực tiếp nhất là sự suy giảm nguồn thu nhập của người dân.

Với hơn 30 triệu người lao động bị ảnh hưởng thu nhập theo những khảo sát chính thức vào thời điểm quí III – năm 2020 của Tổng Cục Thống Kê không thể hiện hết được thực trạng thê thảm của người lao động bằng việc chỉ cần đi tham quan một vòng qua những trung tâm thương mại, chợ đầu mối truyền thống trong những ngày này. Giá thịt lợn sau một thời gian “làm mình làm mẩy” với những thông tư chỉ thị bình ổn giá cả của Thủ Tướng Phúc thì đến giờ đã giảm kỷ lục mà vẫn ế trương.

Theo thống kê vào thời điểm quí I – năm 2020, nhu cầu thịt lợn đã giảm hơn 13% so với cùng kỳ vì giá cao. Thịt lợn là nhu yếu phẩm thiết yếu và quan trọng nhất trong nguồn dinh dưỡng của người Việt nhưng ước tính nhu cầu tiêu thụ trong năm 2020 đã giảm tới 15% vì thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong khi giá thịt vẫn leo cao ngất ngưởng. Thật trớ trêu khi báo cáo kinh tế của chính phủ rằng năm 2020, thu nhập bình quân người dân đã tăng tới 3.500 USD/người nhưng thực tế thì Tết này, hàng chục ngàn người lao động bị kẹt lại ở thành phố không có nổi cân thịt ăn Tết.

Giá rau củ quả trong dịp Tết cổ truyền năm nay ở hầu hết các chợ truyền thống các tỉnh thành phía Nam đều không tăng mà lại giảm mạnh nhưng không thoát khỏi tình trạng ế ẩm. Sức mua rất thấp khiến cho niềm hy vọng của giới tiểu thương vào dịp Tết có thể gỡ gạc lại chút thu nhập đã hoàn toàn tiêu tan. Chưa kể ở những tỉnh thành như Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng… nơi có nghề hoa truyền thống và diện tích nông nghiệp lớn, hàng trăm ngàn tấn rau quả bị ách tắc đúng dịp cuối năm khiến nông dân mất trắng nguồn thu nhập và ngập trong nợ nần.

Hình ảnh những cây ATM ở Hà Nội, thành phố HCM ngày cận Tết thật lạ lùng. Không có những hàng dài những công nhân, người lao động xếp hàng nhận lương qua thẻ ATM như mọi năm, quang cảnh thưa thớt không khác gì thường nhật.

Báo chí “lề đảng” liên tục có những bài viết về những mức thưởng, lương kỷ lục “trên Trời” hàng tỷ đồng nhưng trên thực tế thì đối với hàng chục triệu lao động, mong ước của họ năm nay chỉ là có đủ lương và công ty có thể duy trì việc làm cho người lao động đã là may mắn lắm rồi. Và điều đó đồng nghĩa với việc hàng triệu người sẽ không có Tết.

H1: Những chi nhánh ngân hàng đóng cửa sớm và ATM vắng khách trong ngày Tết

Tăng trưởng ma, phá sản thật

Giới chức Việt Nam khoe khoang hợm hĩnh thành tựu “quốc gia có tăng trưởng GDP nhanh nhất thế giới” với con số ghi nhận 2,9%. Nhưng con số này rất khó có thể lý giải cho tổn thất ít nhất 50 tỷ Mỹ Kim ở các ngành du lịch, bất động sản, xây dựng, xuất khẩu lao động, da giày, may mặc và kiều hối đều suy giảm mạnh. Tổng Cục Thống Kê cho biết chỉ riêng ngành du lịch đã mất trắng 23 tỷ USD.

Con số tăng trưởng xuất cảng tăng nhờ việc tạm nhập tái xuất hàng Trung Quốc chỉ giúp các doanh nghiệp Việt và giới chức hải quan lượm nhặt vài đồng bạc lẻ dịch vụ logistics và trốn lậu thuế nhưng sẽ để lại hậu quả tồi tệ cho nền kinh tế Việt Nam khi bị Hoa Kỳ áp đặt những chính sách trừng phạt thương mại trong thời gian tới đây.

Bất chấp dịch bệnh tàn phá nền kinh tế trong nước, giao thương với Trung Quốc năm 2020 ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số (13,8%) so với năm 2019, đạt 133, 09 tỷ USD trong năm 2020 theo đường “chính ngạch.” Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam tới Trung Quốc đạt 48,9 tỷ USD, tăng 17,9%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 84,1 tỷ USD (cao gần gấp đôi so với xuất khẩu), tăng 11,5% so với cùng kỳ.

Nhập siêu từ thị trường Trung Quốc có giá trị 35,2 tỷ USD, tăng 3,74% so với năm 2019. Theo Vụ Thị Trường Châu Á – Châu Phi, Bộ Công Thương động lực tăng trưởng chính của thương mại Việt Nam – Trung Quốc năm 2020 chủ yếu đến từ nhóm hàng chế biến chế tạo (đạt 37,07 tỷ USD, tăng 20,06%) và vật liệu xây dựng (đạt 3,12 tỷ USD, tăng 104,09 %)…

Trong những trao đổi gần đây với giới xuất nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc, Hàn Quốc và mấy người bạn làm trong ngành điện, điện tử và xây dựng cho biết, hàng hóa từ Trung Quốc và cả Hàn Quốc kể từ 2019 đã được nhập khẩu hoàn toàn miễn thuế nhập khẩu và kể cả VAT. Không chỉ 7 tỉnh biên giới có hiệp định miễn thuế quan với Trung Quốc mà bất cứ tỉnh thành nào đều có thể đặt mua hàng trực tiếp qua Alibaba, Chotot, Taobao, Lazada, Tiki,… được hệ thống Logistics của các doanh nghiệp thương mại điện tử Trung Quốc gửi đến tận nhà với cước phí vận chuyển hợp lý, rẻ hơn nhiều so với các dịch vụ chuyển phát trong nước. Có thể nói, thị trường thương mại điện tử Việt Nam với độ lớn hiện tại gần 12 tỷ Mỹ kim và mức tăng trưởng tới 18% năm 2020, đã hoàn toàn bị các ông lớn Trung Cộng nuốt trọn. Ngay cả những cái tên thuần Việt như Chotot cũng đã phải bán mình từ lâu cho Alibaba.

Việc hàng hóa Trung Quốc có giá rẻ hơn nhiều so với hàng hóa sản xuất cùng loại trong nước, trong khi chất lượng không thua kém so với Hàn Quốc, Nhật Bản là bao, dễ dàng được mua trực tuyến và không bị đánh thuế, đã khiến cho nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo, vật liệu xây dựng tăng vọt. Điều này mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhưng trên khía cạnh kinh tế vĩ mô thì sẽ gây ra tốn thất rất lớn cho nền kinh tế. Nền sản xuất nội địa vốn “mong manh dễ vỡ”, sẽ nhanh chóng hoàn toàn phá sản và hoặc phải “bán mình” với giá rẻ mạt. Không chỉ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19 mà những hiệp định hợp tác thương mại có lợi cho Trung Quốc nhưng gây tổn hại cho Việt Nam, đã là nguyên nhân trực tiếp và lớn nhất khiến hơn 110.000 doanh nghiệp Việt đóng cửa, phá sản trong năm 2020.

Đây là con số thực sự “chết chóc” đối với nền kinh tế nhỏ bé như Việt Nam và là kỷ lục kể từ sau 1986. Thị trường bán lẻ truyền thống, du lịch và bất động sản là những lĩnh vực có thể nhìn thấy rõ ràng nhất mức độ tàn phá của dịch Covid-19 khi toàn thị trường suy giảm hơn 80% doanh số.

Hơn 1.000 doanh nghiệp bất động sản đã rời bỏ cuộc chơi và những “quả bóng bất động sản” đã được bơm căng như Đà Nẵng, Bình Thuận, Long An, các khu vực mở rộng của thủ độ Hà Nội, Bắc Giang… đã chính thức nổ tung với hàng loạt những dự án “tỷ đô” vỡ trận hoặc các chủ đầu tư bị khởi tố bắt giam.

Đội ngũ doanh nhân “thuần Việt” với xuất phát điểm rất thấp về mọi mặt kể từ khi “mở cửa” đã trải qua hơn 30 năm đầy khó khăn, vật lộn trong một môi trường kinh doanh tệ hại, “tầng tầng, lớp lớp” nhũng lạm và quan liêu của giới cầm quyền, hiện chỉ có thể đóng góp khoảng 10% GDP. Tuy mức đóng góp vào nền kinh tế chính thức còn hạn chế, bị nhận xét mỉa mai là “không chịu lớn,” nhưng với 700.000 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, họ đã đóng vai trò không hề nhỏ trong việc tạo ra hàng chục triệu công ăn việc làm.

Kể từ những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, một nhóm triệu phú USD – những người đã trở nên siêu giàu nhờ sự sụp đổ của Đông Âu và Liên Xô – đã góp mặt vào hàng ngũ doanh nhân Việt, nhanh chóng tạo ra sự thay đổi lớn cả về “chất và lượng” với những tên tuổi như Vingroup, Sungroup, Masan, Vietjet Air…

Nhưng cũng chính các “ông lớn” này đã tạo ra cả một vực thẳm với phần còn lại hơn 90% doanh nghiệp tư nhân có qui mô nhỏ trong nền kinh tế vốn dĩ đã méo mó lại càng lệch lạc hơn bởi sự thao túng của các “cá mập.” Trong môi trường xã hội được biết tới với cái tên “định hướng XHCN,” nhóm các đại gia Đông Âu và Hoa kiều Chợ Lớn liên kết chặt chẽ với giới chức cộng sản, hình thành nên đỉnh chóp quyền lực của xã hội Việt Nam. Họ có thể tác động tới chính sách quốc gia mà trong đó lợi ích của đám “thượng lưu tôn quí” được đặt lên trên lợi ích cộng đồng hay thậm chí cả dân tộc.

Kinh tế không sụp đổ vì Covid-19 nhưng sẽ vỡ nợ bởi cuộc đỏ đen điên cuồng vào bất động sản và chứng khoán.

Covid-19 cũng là lý do hoàn hảo để giới chức Việt Nam triển khai các chính sách nới lỏng tiền tệ, in tiền và bơm tiền vô tội vạ dưới những chiêu trò được quảng bá là “hộ trợ doanh nghiệp, hộ trợ người dân.” Hơn 900.000 tỷ đồng là số tiền mà Ngân Hàng Trung Ương đã bơm vào thị trường theo công bố chính thức trong năm 2020. Mức tăng trưởng tín dụng là gần 14% trong khi mức tăng trưởng GDP danh nghĩa ghi nhận là 2,9%.

Trong khi giới doanh nghiệp “chết như rạ” vì dịch bệnh và các yếu tố bất lợi bởi các chính sách kinh tế như thuế, hiệp định thương mại với Trung Quốc… nguồn tiền thừa mứa và giá rẻ đã không được đầu tư vào khối sản xuất, chế biến, chế tạo. Thay vào đó, tiền lại được rót vào những lĩnh vực đầy rủi ro như bất động sản và chứng khoán. Cuộc cờ bạc vô tiền khoán hậu có tên VNindex đã chứng kiến những cơn tăng điểm điên rồ và lao dốc chưa từng có trong lịch sử hình thành thị trường này trong tháng Giêng năm 2021. Ngay khi tăng điểm gần chạm mức kỷ lục cũ 2008 vào ngày 19 tháng Giêng, 2021, VN-Index đã quay đầu rơi tự do và mất 168 điểm tương đương 25 tỷ USD trong vòng 9 ngày, đúng thời điểm “nhạy cảm” là đại hội đảng CSVN.

Có lẽ vì lý do thời điểm “nhạy cảm” về chính trị, cơn bán tháo hoảng loạn của hàng triệu newbie có thể tạo ra những bất ổn ngoài ý muốn. Một “cục tiền” 23.000 tỷ đồng được Ngân Hàng Trung Ương tung ra dưới hình thức vay OMO cho một thành viên chỉ để vớt lại vài điểm trong ít ngày, không khác gì “đá ném ao bèo.”

Khối ngoại bán tháo mạnh, ôm hàng ngàn tỷ về nước ăn Tết sau một năm làm ăn khấm khá nhờ… Covid-19 như trường hợp Ardolis Investment Pte. Ltd. và Government of Singapore thuộc quỹ Chính phủ Singapore (GIC) đã bán ra tổng cộng 19,8 triệu cổ phiếu Masan (MSN), qua đó giảm lượng sở hữu xuống còn 126,17 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 10,74%, kiếm về 1.700 tỷ đồng ngon ơ. Trong khi đó, các quĩ đầu tư nội vung tiền “mua vui được vài trống canh.” Hàng triệu những F0 hay newbie trắng tay, học những bài học đầu tiên trong cuộc vui đỏ đen chốc lát, lờ mờ hiểu chút ít về ma trận lừa đảo của giới truyền thông.

Cảnh tượng chưa từng xảy ra trong lịch sử thị trường chứng khoán. Ảnh do tác giả cung cấp

Kịch bản giống hệt như những gì đã xảy ra vào tháng Năm, 2018 khi VN-Index vượt ngưỡng trần kỷ lục 1200 điểm bởi liều doping 1,2 triệu tỷ được ngân hàng TW bơm vào thị trường cuối năm 2017. Khi đó, VN-Index từ ngưỡng hơn 600 điểm tăng hơn 500 điểm chỉ trong 9 tháng. Thị trường bùng nổ để rồi ngay sau đó vào ngày 25 tháng Năm, 2018 đã bị thổi bay mất 20% giá trị, rớt dưới ngưỡng 1000 điểm.

Ở thời điểm 2018, thế giới chưa biết tới cúm Covid-19 và tác động hủy diệt của dịch bệnh với kinh tế như 2020. Đó đơn thuần là một cuộc tung hứng của những “cá mập” trên thị trường, sau khi đã ăn no quẫy đuôi đi chơi, bỏ lại hàng triệu những nhà đầu tư tay ngang, nhỏ lẻ chết chìm cùng mớ trái phiếu có giá trị không bằng một cốc trà đá sau một thời gian ngắn lên cơn “ngáo giá.”

Đặc tính của con người là hay quên và bài học hôm nay hẳn sẽ “đắng” hơn nhiều so với năm 2008. Nền kinh tế có thể không sụp đổ vì dịch bệnh nhưng chắc chắn sẽ vỡ nợ với những cuộc đỏ đen và đầu cơ điên cuồng vào bất động sản và chứng khoán bất chấp tất cả những qui luật về kinh tế.

Cơ cấu theo nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2020. Nguồn: Fiin Rating

Diễn biến đáng lưu ý đã góp phần tăng độ rủi ro cho trò chơi này là khối doanh nghiệp tài chính ngân hàng, bất động sản và các “ông lớn” đa ngành như Masan, Vingroup, Vietnam Airlines, Vietjet Air… đã tung ra trên thị trường hàng núi trái phiếu doanh nghiệp “3 Không,” tương đương hơn 400.000 tỷ đồng. Được giới truyền thông chính thống của đảng và nhà nước “bơm thổi,” các bí kíp “biến tiền thành giấy lộn” làm bùng cháy ham muốn “làm giàu không khó” của hàng triệu những nhà đầu tư “newbie.” Kết quả là các “cá mập” đã nuốt gọn 20 tỷ USD, liếm mép và ung dung đi đánh golf.

Một báo cáo tài chính mới đây cho thấy khả năng trả lãi của khối doanh nghiệp bất động sản đã giảm mạnh. Hình trên cho thấy cơ cấu trái phiếu của khối doanh nghiệp bất động sản đã tăng thêm 14% trong năm 2020, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hơn 400.000 tỷ tiền trái phiếu “3 Không” được phát hành vô tội vạ. Đây là quả bom sẽ sớm nổ tung trong thời gian tới.

Những nghịch lý thị trường và những hoang tưởng về tăng trưởng tiếp tục được giới chức CSVN làm sâu sắc thêm khi liên tục đăng đàn “nổ” về viễn cảnh tươi sáng về kinh tế trong khi không hề có bất cứ cơ sở thực tiễn và khoa học nào. Nguồn tiền dễ dãi tiếp tục được đổ vào những siêu dự án tỷ đô, những đại đô thị thông minh, những thành phố Thủ Đức, Long Thành, Phú Quốc, Vân Đồn,… và những câu chuyện thần kỳ của thị trường chứng khoán “sáng mua, chiều xổ.”

Tuy vậy, không có phép lạ nào của “mảnh da lừa” mà không phải trả giá. Và cái giá cuối cùng cho sự tham lam, ngu dốt và hoang tưởng này sẽ vô cùng đắt.

Tân Phong

https://viettan.org/kinh-te-viet-nam-2021-phia-truoc-la-vuc-tham/