Bất tuân dân sự, biện pháp đối phó với giáo dục Việt Nam

Hiệu trưởng Đinh Bằng My ở Phú Thọ bị cáo buộc xâm hại tình dục nhiều học sinh.

Câu chuyện của ông Hiệu trưởng Đinh Bằng My đã lên tới cao trào của sự phẫn nộ sau khi ông ta bị bắt. Báo chí phanh phui những điều tệ hại trong ngôi trường này cho thấy chân dung toàn diện của một nền giáo dục tha hóa không còn phương thức nào chữa khỏi.

Đinh Bằng My phạm tội đã đành nhưng những giáo viên trong ngôi trường ấy nào phải vô tội. Chính cô giáo Phùng Thị Thuỷ Ngân lại là người đưa các em nam sinh lên cho hiệu trưởng trường làm trò đê tiện. Còn những giáo viên khác cũng dần lộ mặt là đám “cò” ấu dâm đồng tính không hơn không kém. Báo chí phỏng vấn một trong những nạn nhân cho thấy sự man dại trong cung cách giáo viên đối xử với các em là không có điểm dừng, hãy thành thật với chính mình bạn có nổi giận không khi đọc đoạn phỏng vấn này:

“- Thế thầy cô trong trường có biết việc em lên phục vụ ông My không?

– Thầy cô nào trong trường cũng biết. Thầy cô biết trước.

– Sao em biết các thầy cô trong trường cũng biết?

– Vì các thầy cô còn hỏi trêu hôm nay lên thầy có cho ăn kẹo mút không.

– Các thầy cô hỏi thế à?

– Vâng.”

“Ăn kẹo mút” là cụm từ dơ bẩn nhất xuất phát từ miệng của thầy cô giáo của ngôi trường Phổ thông Dân tộc nội trú Thanh Sơn, Phú Thọ. Thử hỏi, những ngôn từ như thế sẽ giúp gì cho kiến thức của các em và tại sao bản thân là nhà giáo họ lại có cách ứng xử thô bỉ như vậy?

Câu trả lời: Đấy là hệ quả của một nền giáo dục rách nát, mục ruỗng từ bên trong nhưng bên ngoài người ta vẫn cố sơn phết lên đủ loại màu sắc để che đậy bản chất của nó và tiếp tục đục khoét vào túi tiền của người dân như từ trước tới nay.

Tuy nhiên lần này dư luận không còn mù mờ hay thỏa hiệp như mọi lần. Làn sóng lên án, phân tích sự tệ hại của nền giáo dục do ông Nhạ cầm đầu đang diễn ra trên mạng xã hội. Những bài viết dài ngắn khác nhau nhưng mục tiêu không ra ngoài việc tẩy chay nền giáo dục mông muội và tha hóa này.

Nhà báo Bạch Hoàn viết trên trang Facebook của mình: “Một lần nữa, ngành giáo dục lại vung một cái tát vào mặt nhân dân, lại đâm một nhát dao sắc nhọn vào cả lý trí và trái tim những ai còn lương tri, còn biết thở than trước hiện thực điêu tàn và mệt mỏi này, những ai còn biết âu lo trước tương lai mù tối của những đứa trẻ là con là cháu mình, còn biết đớn đau trước nguy cơ điêu linh của dân tộc mình, biết sợ hãi trước tương lai vô vọng của đất nước mình.

Cái tát ấy, nhát dao ấy là tấn bi kịch tột cùng xảy ra ở Trường THCS dân tộc nội trú Thanh Sơn, Phú Thọ”

Còn nhà thơ Đỗ Trung Quân chia sẻ: “Kinh hoàng vì nó diễn ra ngay trong môi trường sư phạm, trong phòng hiệu trưởng và hầu như mọi giáo viên của trường đều biết rõ, thậm chí nó còn được sự tiếp tay của một nữ giáo viên bộ môn giáo dục công dân. Nạn nhân hầu hết là các nam học sinh vị thành niên. Thủ phạm mang bóng dáng một kẻ ấu dâm, nó đã kéo dài bao lâu rồi là vấn đề còn phải xác minh. Sự phẫn nộ của công luận không thể khác trước tiên dành cho Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ, triều đại giáo dục của ông liên tiếp xảy những vụ việc phản giáo dục dồn dập. Bạo lực học đường từ học trò với học trò đến thầy cô với học trò, những vụ việc mà ai cũng đã biết thời gian qua.”

Ông Đinh Bằng My giống như hầu hết các quan chức của Đảng luôn có hai bộ mặt. Bộ mặt trước công chúng và bộ mặt trong văn phòng kín như bưng của y. Trong văn phòng thì y tận dụng mọi quyền hành để thỏa mãn thèm khát thú vật rồi sau đó khi khép cửa văn phòng lại thì bỗng biến thành người thánh thiện, hết lòng chống lại cái…ác mà y vừa làm.

Đinh Bằng My từng phát biểu tại chương trình “Ngoại khóa phòng chống xâm hại trẻ em năm 2018” diễn ra vào tháng 5 năm 2018, tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) do nhà trường cùng Ban thường vụ Tỉnh đoàn kết hợp Công an Tỉnh Phú Thọ tổ chức. Dĩ nhiên bài phát biểu này kêu rất vang và vọng rất xa. Nó lên án bọn xâm hại trẻ em, những kẻ vô lương tri trước sự hồn nhiên, ngây thơ của trẻ. Đinh Bằng My nhận được nhiều tràng vỗ tay mà trong đó có cả các thầy cô giáo từng tiếp tay cho y trong việc xâm phạm trẻ em trong chính ngôi trường mà y là hiệu trưởng.

Câu hỏi đặt ra cho hôm nay: Giáo dục đã phơi trọn bộ mặt phản giáo dục như thế bậc làm cha mẹ có nên tiếp tục chịu đựng nữa hay không?

Có thể nói, muốn thay đổi hệ thống giáo dục này chỉ có người dân mới làm được chứ không ai khác. Phản ứng trước những tiêu cực cần phải hành động tích cực của phụ huynh học sinh, một trong những biện pháp khả thi nhất là bất tuân dân sự. Khi áp dụng biện pháp này không ai trực tiếp bị đe dọa vì sự bất tuân dân sự được chia đều trên mỗi người dân và chính quyền chỉ có một cách duy nhất là phải thỏa mãn yêu cầu chính đáng của họ và không có khả năng đàn áp, vu khống hay bạo hành.

Hãy lấy Hà Nội làm thí điểm.

Đây là thủ đô của đất nước, nơi tập trung khá nhiều trí thức từng lên tiếng trong những vụ việc trước đây, hãy bắt đầu từ yêu sách đòi “đổi mới toàn diện và triệt để nền giáo dục nước nhà” qua các cuộc tọa kháng tại nhà hay từng nhóm nhỏ tại nơi công cộng. Với những yêu sách hợp lý cần thực hiện ngay với những câu chữ nói lên sự quan tâm của người dân và kể cả những phê phán hành vi của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và đòi ông ta từ chức ngay lập tức.

Trong khi ấy hãy chấp nhận sự thử thách bằng cách cho con em nghỉ học cho tới khi nào yêu sách được chính quyền xem xét một cách cụ thể. Bãi khóa là phương pháp hữu hiệu nhất dùng để đối phó với chính quyền trong trường hợp này, nó không cần tụ tập đông người, không cần tốn kém thời gian khi đến trường đưa yêu sách. Bãi khóa là hình thức bất tuân dân sự cao nhất mà chính quyền rất khó đối phó.

Nếu cuộc bãi khóa tràn lan khắp nước thì hệ quả sẽ rất dễ thấy: Bộ giáo dục dù muốn hay không cũng trở thành ngoan ngoãn vì nhà trường luôn luôn cần sự hiện diện của học sinh.

Thử thách lớn nhất của các cuộc bãi khóa là sự lo sợ bị trả thù hay cơ hội học tập của các em bị đình trệ. Tuy nhiên xét về mặt luận lý thì sự trả thù không thể xảy ra khi xã hội có quá nhiều người cùng mục đích. Riêng về cơ hội học tập của các em bị đình trệ thì câu trả lời rất đơn giản: Việc học của các em ngay hôm nay không phải là một biểu hiện đình trệ tới tận cùng rồi hay sao? Chúng ta không thể tiếp tục giao phó linh hồn, thể xác con em chúng ta cho bọn quỷ dữ đội lốt giáo dục. Bởi một ngày nào đó rất gần, chính con em chúng ta sẽ trở thành các cháu của trường Phổ thông Dân tộc nội trú Thanh Sơn, Phú Thọ.

Không chính quyền nào có khả năng để cho một vụ bãi khóa quy mô kéo dài vì nó sẽ làm bộ mặt xã hội bất ổn, nền chính trị sẽ bị thử thách và kinh tế sẽ dần dần sụp đổ.

Chỉ có bất tuân dân sự mới cứu vãn được con em chúng ta.

Mặc Lâm – VOA