Việt Nam đã có đảng đối lập?

Tòa Án Nhân dân tỉnh Nghệ An đã đưa vụ án “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật Hình sự 1999 ra xét xử hình sự sơ thẩm đối với ông Lê Đình Lượng, với mức án tuyên 20 năm tù giam và 5 năm quản thúc. Với mức án gần kịch khung như thế này, nếu đúng tội trạng, cho thấy ở Việt Nam đã hình thành và phát triển những đảng phái đối lập với Đảng Cộng sản.

 

Nhìn từ bản án sơ thẩm đã tuyên

Điều 79, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân: “Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau: 1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình; 2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm”.

Như vậy, theo Hội đồng xét xử hình sự sơ thẩm của tỉnh Nghệ An, thì ông Lê Đình Lượng được xem là “người tổ chức, người xúi giúp, người hoạt động đắc lực” trong các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Về mặt tố tụng, hành vi nếu có của ông Lê Đình Lượng thuộc “Các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia”, và nằm trong nhóm các tội trực tiếp uy hiếp sự tồn tại của chính quyền nhân dân.

Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân được xem là là hành vi hoạt động thành lập, hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân các cấp từ Trung ương đến địa phương. Hoạt động thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân có thể được thể hiện bằng một số hành vi như đề xướng chủ trương đường lối hoạt động của tổ chức (viết cương lĩnh, điều lệ, kế hoạch, chương trình hoạt động,…), tuyên truyền, lôi kéo, tập hợp người vào tố chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Hoạt động tham gia tổ chức lật đổ chính quyền nhân dân, là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ mục đích của tổ chức nhưng đã tán thành và nhận lời tham gia vào tổ chức, thực hiện chương trình, kế hoạch và hoạt động của tổ chức.

Theo cáo buộc của công tố tại phiên hình sự sơ thẩm, thì “trong quá trình sử dụng Facebook, ông Lê Đình Lượng đã thể hiện rõ tình cảm, ý chí đồng lòng cùng tổ chức Việt Tân, tích cực theo dõi, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết tuyên tuyền cổ súy cho Việt Tân, trong đó có nhiều bài viết bình luận, ca ngợi Việt Tân, cổ vũ cho đường lối của tổ chức khủng bố Việt Tân, xuyên tạc về tình hình Việt Nam, nói xấu Đảng Cộng sản Việt Nam, lợi dụng các sự kiện chính trị, xã hội, phát triển kinh tế, an sinh xã hội, môi trường để xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm gây tâm lý hoài nghi, hoang mang trong quần chúng nhân dân.

Xét hành vi, tính chất, vụ án thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo diễn ra trong thời gian dài, lôi kéo nhiều người tham gia, tiến hành cùng với việc có nhiều bài viết lợi dụng các vấn đề xã hội trong nước để xuyên tạc lịch sử, kích động quần chúng nhân dân, đưa tin, vu cáo, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hệ thống cơ quan công quyền, phá hoại tư tưởng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với với vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Bị cáo ý thức được việc làm của mình là vi phạm pháp luật nhưng không dừng ở đó mà còn dụ dỗ, lôi kéo nhiều người tham gia để phát triển tổ chức Việt Tân” (dừng trích).

Với cáo buộc nói trên, nếu đúng, có thể thấy rằng ở Việt Nam đã có sự tồn tại, phát triển của tổ chức Việt Tân, một tổ chức mà Bộ Công an Việt Nam cho rằng là “tổ chức khủng bố”.

Thẩm phán Trần Ngọc Sơn, chủ tọa phiên xét xử, có lời nhận định lúc tuyên án như thế này (trích): “Hội đồng xét xử cũng khẳng định qua vụ án này cho thấy các thế lực thù địch nói chung, tổ chức Việt Tân nói riêng cũng như những người phạm tội thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia có những phương thức, thủ đoạn khác nhau, khi thì kích động, khi thì xuyên tạc, khi thì đóng vai là người đi đầu trong các phong trào chống tiêu cực, nhìn bề ngoài chúng ta nghĩ rằng họ là những người yêu nước, yêu chế độ, yêu dân tộc, nhưng dù phương thức, thủ đoạn thay đổi nhưng bản chất không thay đổi, tất cả đều phục vụ cho mục đích cuối cùng là lật đổ nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam”.

Xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam”, là một cách nói của việc đòi hỏi có sự cạnh tranh đa đảng phái trong các nhiệm kỳ của chính phủ.

Việt Tân là ‘tổ chức khủng bố’ và đã có ‘chi nhánh’ ở Việt Nam?

Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, Việt Tân không bị liệt vào danh sách khủng bố theo luật Hoa Kỳ. Ông Katina Adams, phát ngôn viên văn phòng Đông Á của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với thông tấn xã Reuters: “Chúng tôi đề nghị bạn nên liên hệ với Chính phủ Việt Nam để lấy thêm tin tức về lời cáo buộc này của họ” [https://www.reuters.com/article/us-vietnam-security-idUSKCN1271HZ]

Trong bản tin của mình, Reuters bình luận rằng mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam liên tục hô hào, cổ vũ về những cải cách kinh tế, cải cách các mối quan hệ xã hội dân sự, tuy nhiên Đảng Cộng sản Việt Nam lại luôn mạnh tay trấn áp, trừng trị những người bất đồng chính kiến [Despite steadily introducing more liberal social and economic reforms in recent years, the Communist Party has a zero-tolerance approach to criticism and has punished detractors harshly – nguồn đã dẫn].

Cũng theo Reuters, phản ứng với lời cáo buộc, Đảng Việt Tân ra thông cáo bằng tiếng Anh nói chính phủ Việt Nam “sợ đối lập có tổ chức” và phía cảnh sát thì “tung ra những tuyên truyền vô căn cứ” nhằm ngăn chặn người Việt Nam “cổ vũ chính trị hòa bình”, hãy để nhân dân Việt Nam quyết định Việt Tân có phải là một mối đe dọa hay không” [nguồn đã dẫn].

Theo tuyên bố chính thức từ trang mạng của Việt Tân thì tổ chức này tự đề ra phương thức hoạt động sau: “Chủ trương tiến hành cuộc cách mạng bằng chính sức mạnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam để giải phóng đất nước thoát khỏi ách độc tài Cộng sản hầu có điều kiện chấm dứt tình trạng nghèo nàn và lạc hậu của đất nước”. Chủ trương của đảng phái này được đăng tải công khai như một slogan trên website của họ: “Việt Tân là một tập hợp những người Việt yêu dân chủ với khát vọng canh tân con người và canh tân Việt Nam qua các hoạt động đấu tranh bất bạo động”.

Tuy có tên là “Đảng” Việt Tân, nhưng thực ra tổ chức này hoạt động tại Mỹ như một hội đoàn theo quy chế “unincorporated association” - hội đoàn không đăng ký pháp nhân (*). Như vậy, sẽ thuyết phục hơn nếu tại phiên xét xử sơ thẩm công dân Lê Đình Lượng, vị thẩm phán cùng bên đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố, chỉ ra được cụ thể những thành viên nào của Đảng Việt Tân đã cùng với ông Lê Đình Lượng trong hành động được gọi là “lật đổ chính quyền”? Nghĩa là cáo buộc cụ thể những công dân quốc tịch Hoa Kỳ nào đó đang cùng với ông Lê Đình Lượng thực hiện những hành động nhằm "lật đổ chính quyền".

Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét về thân chủ của mình như sau: “Bên cạnh tư cách là người bào chữa cho ông Lê Đình Lượng, thì với tư cách là đồng bào và là đàn ông với nhau, chúng tôi thật sự khâm phục và ngưỡng mộ về những điều ông ấy đã làm, đã dấn thân, kể cả thái độ mà ông ấy đã thể hiện trong phiên tòa mà ông ấy là bị cáo. Sự điềm tĩnh, ung dung của ông ấy khiến có những lúc chúng tôi đã phải tự hỏi “Có đúng ông ấy đang là bị cáo trong phiên tòa hay không?”...

Không chỉ ông, mà cả hai nhân chứng Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng (Dũng Phi Hổ) đều là những người tranh đấu quả cảm. Sự mất tự do trong hoàn cảnh hiện tại không hề làm giảm mất đi khí phách ngoan cường của họ.

Công chúng xứ sở này cần biết về họ...”.

Ông Lê Đình Lượng là ai?

Ông Lê Đình Lượng là một cựu chiến binh, và là người tham gia vận động đòi hỏi bồi thường thỏa đáng cho những ngư dân bị tác động bởi thảm họa môi trường biển từ tháng tư năm 2016 do Nhà máy Thép Formosa xả chất độc ra biển.

Thảm họa đó đã dẫn đến một phong trào xã hội vô cùng lớn tại Việt Nam. Ngoài việc tham gia đòi hỏi quyền lợi cho ngư dân, ông Lê Đình Lượng còn đấu tranh cho các tù nhân chính trị, cũng như phản đối các quy định hạn chế quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Các hoạt động của ông đối với xã hội, thực chất đó chỉ là những hành vi của một cựu quân nhân sống có trách nhiệm cao với cộng đồng, với địa phương và là một công dân thực hiện quyền tham gia xây dựng, quản lý Nhà nước theo hiến pháp mà thôi”. Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét.

Liệu ông Lê Đình Lượng có ‘chống án’ lên tòa phúc thẩm?

(*) Quy chế unincorporated association là hợp pháp tại Hoa Kỳ. Với unincorporated association, các thành viên không chịu trách nhiệm chung, mà các cá nhân sẽ chịu trách nhiệm riêng. Mục đích của việc lập hội là đem lại một số lợi ích nào đó cho công cộng, và không tính đến chuyện lợi nhuận, do đó các thành viên hình thành một hội đoàn bất vụ lợi không đăng ký pháp nhân (unincorporated nonprofit association).

Trần Thành (VNTB)

http://www.vietnamthoibao.org/2018/08/vntb-viet-nam-co-ang-oi-lap.html