TRẰN TRỌC THÁNG BẢY - Phần 2

Phần 2 : Thoát Trung chủ yếu là thoát về chính trị, không phải văn hóa
 

Lịch sử đưa đẩy hai nước Việt Trung vào cùng một “đại gia đình Cộng sản” là tạo ra cơ hội bằng vàng, nhốt con thỏ và con sói vào cùng một chuồng thành hai anh em ruột, chị em ruột. Thế là toàn bộ chương trình dài hơi nhằm nô dịch Việt Nam, biến Việt Nam thành chư hầu kiểu mới của Trung Quốc được thiết kế trên cái nền Cộng sản, trong đó “quyền đảng” được nâng lên tối đa và “quyền dân” thực tế bị hạ xuống tối thiểu, khiến cho hai đảng cứ tự do làm việc ngầm với nhau, quyết định mọi việc trong quan hệ cá lớn nuốt cá bé, trong khi nhân dân bị đứng ngoài cuộc. Vậy đây là một cuộc cờ chính trị “vĩ đại”, yêu cầu thoát Trung chẳng qua là thoát khỏi sự kìm kẹp chính trị Cộng sản khủng khiếp ấy.

Trong tiến trình ràng buộc có sử dụng sự ràng buộc kinh tế, ràng buộc tư tưởng, ràng buộc văn hóa – xã hội, nhưng tất cả chỉ là phương tiện nhằm cái đích nô dịch chính trị. Chính trị là cái nút thắt, cũng là nơi để chiếc chìa khóa mở ra. Nếu hiểu lý thuyết rằng văn hóa hoặc kinh tế là nền móng rồi dồn sức vào các lĩnh vực mênh mông là văn hóa hoặc kinh tế thì chỉ luẩn quẩn mãi trong rừng rậm không có lối ra, có khi gây tác dụng ngược, cuối cùng vẫn bị yếu tố chính trị thắt lại, vì chính trị nhanh tay hơn, ma mãnh hơn văn hóa và kinh tế rất nhiều.

Thật vậy, về văn hóa, ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đối với Việt Nam tuy có những điều bất lợi nhưng nhìn tổng thể cũng là điều bình thường xưa nay, trong đó có xấu có tốt, có thể điều chỉnh, có yếu tố đã trở thành sức mạnh của Việt Nam. Thế giới có khoảng 200 quốc gia nhưng con số những nền văn hóa lớn thì ít hơn rất nhiều, mỗi nền văn hóa lớn thường tỏa rộng ảnh hưởng ra các quốc gia xung quanh, tạo nên những vùng “địa văn hóa”, “cụm văn hóa” gồm nhiều quốc gia lân cận. Quan hệ quốc tế hiện nay làm cho ranh giới “địa văn hóa” mờ dần đi, ngày càng thâm nhập vào nhau một cách đa phương nên muốn dùng độc quyền văn hóa làm công cụ nô dịch cũng không dễ dàng như trước. Trái lại những giá trị văn hóa dù hình thành ở đâu cũng là thành quả chung của loài người để dùng chung như ta dùng lửa, dùng điện, dùng Internet vậy. Không có gì phải mặc cảm khi một quốc gia nằm trong cụm văn hóa Hy-La hay văn hóa Trung Hoa (chưa kể theo tác giả Hà Văn Thùy thì văn hóa Trung Hoa bắt nguồn từ Văn hóa Việt!).…

 

Mặt khác, vì xã hội luôn có hai thành phần tương sinh tương khắc là nhân dân và tầng lớp thống trị nên nền văn hóa nào cũng cấu thành bởi hai nhân tố xung khắc ấy, vừa có mặt nhân văn tích cực của nhân dân, lại có mặt phản dân chủ mà giới cầm quyền khéo dùng làm công cụ để nô dịch dân mình và nô dịch cả dân nước khác, đồng thời tất cả vẫn nằm trong dòng tiến hóa từ lạc hậu đến ngày một văn minh hơn. Khi du nhập những nét văn hóa tích cực luôn phải thanh lọc những yếu tố nô dịch tiêu cực hoặc không phù hợp với tập quán dân tộc mình. Điều này dân tộc Việt Nam đã làm, làm khá thành công nên sau 1000 năm Bắc thuộc mà vẫn không bị đồng hóa. Tóm lại, thái độ đối với văn hóa là sàng lọc, đồng hóa hoặc tẩy trừ từng phần chứ không nhất thiết phải xử lý trọn gói. Tấm gương biết sàng lọc văn hóa không ai bằng cụ Phan Châu Trinh, xuất thân Nho học, tiếp tận Âu Tây mà biết sàng lọc rất trúng, vừa chống “hủ Nho” vừa chống “hủ Âu” trở thành nhà dân chủ, nhà cách mạng đầu tiên của nước nhà [*]. Cụ chẳng vì chuộng Âu mà phải thoát Á, vì khi đã lệch về một phía thì dễ thiên vị, quên sàng lọc mà tôn sùng cả cái xấu của người ta.

Điều oái oăm với văn hóa Việt Nam là trong khi dòng chảy văn hóa đang từng bước tự hoàn thiện thì có sự du nhập “một nền văn hóa trọn gói” nặng tính ngoại lai và áp đặt, là “văn hóa vô sản” thực chất là “văn hóa Cộng sản”, “văn hóa đảng”. Nói văn hóa Cộng sản có tính “trọn gói” vì nó tách biệt hẳn ra thành một khối, không kế thừa, dính vào đâu là nó hủy diệt các giá trị truyền thống ở đó, nên không có khả năng hòa đồng vào bất kỳ nền văn hóa nào. Vì bản chất là phi dân chủ nhưng lại nhân danh dân chủ nên văn hóa Cộng sản cộng hưởng ngay với chất mị dân của chủ nghĩa thân dân phong kiến, mà thực chất là vương quyền áp đặt, tôn sùng minh quân, đồng thời làm mất gốc dân chủ và tương thân tương ái của văn hóa bản địa, thay bằng thứ tình yêu giai cấp vừa chật hẹp giữa con người lại vừa mở rộng phi lý vượt biên cương.

Chính nền chuyên chính độc đảng toàn trị Cộng sản đã làm cho quan hệ “quỳ lạy-xin cho” tiêu cực của văn hóa phong kiến trỗi dậy và làm tha hóa xã hội đến mức bệnh hoạn. Tôi hiểu đấy chính là lý do khiến nhà báo Lê Phú Khải phải kịch liệt phê phán thứ “văn hóa quỳ lạy” đang chế ngự xã hội. Một nét tiêu cực của văn hóa phong kiến như thế tưởng đã qua đi, nay gặp môi trường mới thích hợp lại nảy nở thành một tệ nạn, chứ đạo Nho chỉ khuyên người ta đứng thẳng, không khuất phục trước uy vũ (uy vũ bất năng khuất) và con người phải biết tự trọng thì người khác mới trọng mình (ngô tự trọng nhi hậu nhân trọng chi, ngô tự khinh nhi hậu nhân khinh chi), Khổng giáo không khuyên người ta quỳ lạy.

Văn hóa Khổng Mạnh vừa sinh ra Phan Châu Trinh rất dân chủ, vừa sinh ra tên vua Khải Định thích dân quỳ lạy. Cho nên Cụ Phan viết thư hạch tội vua Khải Định 7 điều, trong đó tội thứ nhất là quá tôn quân quyền, cậy quyền thế mà ép dân, tội thứ nhì là không công bằng và tội thứ ba chính là “Chuộng sự quỳ lạy”!

Ngày nay một lực lượng vũ trang ăn lương của dân mà coi dân như cỏ rác, ngang nhiên thách thức “chỉ biết còn Đảng còn mình”, tất nhiên nịnh trên mà nạt dưới, thì chắc chắn người đưa ra khẩu hiệu rất “quỳ lạy” đó không hề đọc sách Khổng Mạnh mà chỉ nhiễm “văn hóa Đảng” thôi.

Nhiều người dân vào đồn công an bị đánh đến phải quỳ lạy, nơi “quỳ lạy” ấy không hề có đạo Khổng, chỉ có “6 điều Bác dạy” (mặc dù lời dạy cũng có câu “với dân phải kính trọng, lễ phép”).

Thuở nước nhà sơ khai, các trí thức chịu ảnh hưởng đạo Nho và văn hóa Trung Hoa rất nhiều, nhưng những Giang Văn Minh, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt đã dùng chính chữ Nho làm vũ khí chống lại Tàu, sức mạnh Nho giáo đã thành sức mạnh dân tộc. Trong khi Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc lại dùng chữ Nho để theo Tàu phản bội Tổ quốc, còn khối kẻ hàng Tàu bây giờ đâu có biết một chữ Nho bẻ làm đôi? Vậy hèn mạt hay anh hùng ít khi do nền văn hóa, chủ yếu do nhu cầu chính trị, vì chính trị gắn với quyền lợi và nhu cầu sinh tồn.

 

Ngay chuyện bây giờ, khi ta nói sở dĩ đảng Cộng sản Việt Nam phải lệ thuộc Tàu là do Ý thức hệ Cộng sản thì cũng chỉ đúng một phần. Đâu có phải cứ hai nước cùng chung Ý thức hệ Cộng sản thì thôn tính nhau? Vấn đề là nước Cộng sản nhỏ muốn tiến hành chiến tranh, rồi lại muốn chống xu thế dân chủ để tiếp tục nắm quyền độc trị thì phải dựa vào nước Cộng sản lớn giúp đỡ, nước lớn vốn rắp tâm xâm lược nên sử dụng sự giúp đỡ làm cái bẫy để bắt Đảng CS nhỏ bán dần chủ quyền, mặc dù đến nay cả hai bên chẳng ai xây dựng chủ nghĩa CS gì hết, chẳng ai còn tin vào cái bánh vẽ “thế giới đại đồng”. Vậy bản chất sự lệ thuộc Tàu là do ràng buộc chính trị trong môi trường Cộng sản, như một hệ quả đau đớn của việc chọn con đường CS, chứ không phải do sự thấm nhuần Ý thức hệ. Ý thức hệ chỉ là yếu tố bắt nguồn lúc đầu. Những kẻ theo Tàu hiện nay là do nhu cầu chính trị, do quyền lợi chứ chẳng vì lý tưởng giai cấp vô sản gì hết.

Lại so sánh chế độ miền Bắc và chế độ miền Nam trước đây về hai mặt Thoát Trung và Khổng học. Miền Nam còn giữ Khổng học rất nhiều, từ sách vở đạo đức, đến quan hệ xã hội nhưng họ dứt khoát Thoát Trung, biểu hiện ở việc chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa năm 1974, và quy định một số nghề người Hoa không được làm để phòng người Tàu chi phối kinh tế và quốc phòng.

Trong khi miền Bắc lúc đó bài trừ Khổng học, coi Khổng học là phong kiến phản động nên phá hết văn chỉ, đem câu đối làm cầu ao, chuồng lợn, đấu tố Nho học, thì lại ôm chân Tàu rất rõ, dập khuôn Tàu, phụ thuộc Tàu đến nỗi sinh ra nguy cơ Bắc thuộc hiện nay. Vậy không phải chống Khổng học thì Thoát Trung mà có khi ngược lại, vì nhiều nét của Khổng học đã được người Việt đồng hóa để thành vốn liếng văn hóa của chính người Việt.

Cuối cùng, xin cảm ơn việc khơi ra cuộc thảo luận Thoát Trung, đã huy động được sự đóng góp từ nhiều phía, làm cho một vấn đề rất hệ trọng được sáng ra, lần đầu tiên được đề cập một cách hệ thống, thiết tưởng là một sáng kiến đóng góp rất hữu ích cho công cuộc Thoát Trung hiện nay.

*****

TRẰN TRỌC THÁNG BẢY - Phần 1

http://www.ttdq.de/node/1537