Thượng viện Canada biểu quyết thông qua nghị quyết ngày 30 tháng tư

Hôm Thứ Năm, 4 tháng 12 vừa qua, Thượng Viện Canada đã kết thúc phiên thảo luận về dự luật 219 mang tên “Ngày 30 Tháng Tư Đen” và sẽ được đưa ra để biểu quyết thông qua vào tuần này, nhân tuần lễ kỷ niệm ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10/12.

Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải

Dự luật này do Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải bảo trợ, sẽ công nhận ngày 30 Tháng Tư hàng năm là ngày toàn quốc Canada tưởng niệm những thuyền nhân đã bỏ nước ra đi tìm tự do sau khi Miền Nam bị quân Cộng Sản cưỡng chiếm vào ngày 30/4/1975 và được chấp nhận định cư ở Canada. Trước sự phản đối dữ dội của nhà nước CSVN, tựa đề của dự luật được đổi lại là: “Đạo Luật Hành Trình Tìm Tự Do”  (Journey to Freedom Act), nhưng nội dung thì không thay đổi.

Phát biểu trong phần mở đầu phiên thảo luận lần thứ nhì về bản dự thảo này vào mùa xuân vừa qua, Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải đã nói rằng: “Đối với người Canada gốc Việt và hầu hết người Việt hải ngoại thì ngày 30/4 là ngày miền nam bị rơi vào vòng thống trị của chế độ độc tài cộng sản, một chế độ chà đạp quyền con người”. Ông cũng nói thêm rằng: “Chúng tôi - người Việt tỵ nạn cộng sản - nhớ ngày 30/4 vì đó là ngày chúng tôi mất đất nước, mất gia đình, bạn bè, nhà cửa; nhất là mất tự do và các quyền dân chủ. Đó là ngày tưởng niệm những mất mát và đau buồn”.

Vào tháng 10, khi dự luật được chuyển đến Uỷ Ban Nhân Quyền Thượng Viện để thảo luận kỳ này, ông Tô Anh Dũng, đại sứ CSVN tại Canada, đã gửi chủ tịch uỷ ban một lá thư bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” của chính phủ ông đối với bản dự luật và xin được (đến thượng viện) tham dự để làm “nhân chứng”. Nhưng Uỷ Ban Nhân Quyền đã không mời ông Tô Anh Dũng và yêu cầu ông viết một bản kiến nghị về việc này. Tuy nhiên, đến tuần vừa qua, thượng viện Canada đã kết thúc phần thảo luận trước khi kiến nghị của ông Tô Anh Dũng được đưa ra, vì còn phải chờ dịch sang tiếng Pháp. Bản kiến nghị của ông Tô Anh Dũng kết án thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải là khơi dậy quá khứ, bóp méo lịch sử Việt Nam và làm ngơ quan hệ tích cực giữa VN và Canada trong 40 năm qua. Ông Dũng cũng viết thêm rằng : “Nhiều đại diện các cấp của chính phủ Canada đã bày tỏ sự 'quan ngại sâu sắc'  - của Hà Nội- về ngôn ngữ và nội dung của bản dự thảo mà nếu được thông qua sẽ gây trở ngại cho quan hệ giữa hai nước.”

Người ta không thấy một cơ quan truyền thông Canada nào loan tải những tin tức về việc “nhiều đại diện các cấp chính phủ Canada  bày tỏ sự quan ngại sâu sắc...”  như được ông Tô Anh Dũng nêu ra trong bản kiến nghị của ông.

Trước đó, vào tháng 6, Phó Thủ Tướng Kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao CSVN Phạm Bình Minh cũng đã gửi một thư cho người đồng nhiệm của ông là ông John Baird, Bộ Trưởng Ngoại Giao Canada cho rằng, dù đó là một dự luật mang tính “tư nhân” việc thông qua dự luật 219 sẽ gửi một thông điệp sai lầm đến cộng đồng quốc tế và người dân VN.

Phát ngôn viên ngoại giao Canada, Adam Hodge, đã trả lời rằng "đây không phải là một dự luật của chính phủ, và các Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu có quyền đệ trình các dự luật cá nhân”./.