Từ xét xử cựu giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội trong chiến dịch “Đốt lò” tới giải quyết gốc rễ nạn tham nhũng

Phiên tòa xử cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn và đồng phạm ở Hà Nội hôm 17/4/2023. Ảnh: Pháp luật và Xã hội

Một cựu Giám đốc Bệnh viện tim ở Hà Nội, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Tuấn, cùng một số bị can cùng vụ án đã ra tòa tại thành phố Hà Nội, ngày 17/04/2023, truyền thông chính thức của Nhà nước Việt Nam cùng ngày đưa tin.

Ông Nguyễn Quang Tuấn bị xét xử trong vụ án mà ông và các bị cáo bị cáo buộc vi phạm đấu thầu hơn 4.500 vật tư y tế xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội, gây thiệt hại hơn 53 tỷ đồng, vẫn theo báo chí chính thống hôm thứ hai.

Từ Australia, Bác sỹ David Phan Đình Hiệp, một nhà hoạt động truyền thông có quan tâm các vấn đề quản lý y tế, chăm sóc sức khỏe và các khía cạnh xã hội ở Việt Nam, đưa ra bình luận:

“Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội hôm nay được đưa ra xét xử cùng với nhiều bị cáo khác liên quan vấn đề vi phạm trong đấu thầu vật tư y tế, việc này xảy ra nói thực là rất khó để giải quyết được.

“Bởi vì trước đây đến giờ, hệ thống y tế của Việt Nam vẫn theo cách thức là giám đốc bệnh viện nắm tất cả, tức là có rất nhiều ảnh hưởng đến vấn đề chuyên môn và lợi ích kinh tế, và nếu có thể nói thẳng được, trước nay có rất nhiều trường hợp, ví dụ quen biết thì đẩy vào làm, rồi có khi quen biết thì đấu thầu ăn chia với nhau. Nó luôn luôn xảy ra và xảy ra rất nhiều.

“Rất hiếm khi người nào lên làm lãnh đạo mà giữ được vị trí trung lập, một cơ chế khi mà mức lương, đãi ngộ không đủ cao, điều kiện lại để người ta có quyền lực tuyệt đối thì dẫn đến tha hóa tuyệt đối.”

Lấy ví dụ về vấn đề này, Bác sỹ David Phan Đình Hiệp, người đang hành nghề bác sỹ gia đình tại thành phố Melbourne, nói:

“Ví dụ như tôi ký hợp đồng này đi, thì cho tôi 5% giá trị hợp đồng thôi, nếu mà chúng ta tính ra tiền tỷ, thì số tiền sẽ là rất lớn. Và người này ăn được, thì người khác cũng ăn được và nó tạo thành một cơ chế, guồng máy. Cá nhân tôi không (theo dõi) ở bên trong vụ này, nên không biết nội vụ ra sao, nên chúng ta cứ đợi phiên tòa xử.

“Nhưng dù muốn hay không, có thể khẳng định rằng trường hợp này không phải là trường hợp duy nhất, tôi tin chắc rằng đã có rất nhiều trường hợp khác cũng đã xảy ra.”

“Tất cả là do thiếu đối lập?”

Gần đây, cũng đã xảy ra một số vụ việc khác, bên cạnh vụ việc trên ở Bệnh viện Tim Hà Nội, đó là, chẳng hạn các vụ Việt Á, được biết đến như là một ‘đại án’ nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19, rồi vụ “các chuyến bay giải cứu,” cũng diễn ra trong cao điểm đại dịch COVID-19 ở Việt Nam, mà trong đó nhiều cán bộ và cán bộ quản lý thuộc ngành y tế ở Việt Nam, bên cạnh các ban, bộ, ngành khác đã bị bắt giữ, khởi tố, xâu chuỗi lại các sự kiện, Bác sỹ David Phan Đình Hiệp, người từng tu nghiệp và tốt nghiệp tại Đại học Y Hà Nội trước đây, nói:

“Tất cả cái này nằm trong cơ chế chung là Việt Nam không có đối lập ngay từ đầu, Việt Nam không có cơ chế đối lập ngay từ nguyên thủy, thành ra mọi vấn đề cứ đùn lên, người ta gọi là ‘ăn quen, bén mùi,’ và chuyện đó sẽ tiếp tục xảy ra cho đến khi luôn luôn sẽ có đối lập.

“Ví dụ ai đó làm cái gì, thì luôn luôn đối lập sẽ khui ra được, còn nếu anh cứ để một cơ chế mà chỉ có một người làm lãnh đạo và tất cả trên dưới theo một guồng đó, và Việt Nam vẫn còn tư tưởng tôn sùng lãnh tụ, chẳng hạn như một người lên làm giám đốc bệnh viện, thì cả làng cứ hô tụng rằng người đó giỏi.

“Xin thưa, người ta phải tách biệt rõ, một bên là chuyên môn, một bên là quản lý. Cách đây chừng 6-7 năm, tôi cũng đã viết một bài là đừng để nhân viên y tế làm chuyên môn giỏi đi làm quản lý về kinh tế. Rất hiếm khi người nào có hai khả năng, mà thường thì chúng ta chỉ có một khả năng.”

Theo Bác sỹ David Phan Đình Hiệp, khi một thày thuốc hay cán bộ chuyên môn ngành y được đưa vào vị trí quản lý kinh tế đó, có khả năng rất cao là sẽ gây ra lãng phí chuyên viên, chuyên gia đó, và thậm chí có thể dẫn tới việc người đó bị hư hỏng do môi trường quản lý đó thúc đẩy, gây ra.

“Tâm đức và chứng chỉ chính trị cao cấp”

Về trường hợp của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Tuấn, Bác sỹ Phan Đình Hiệp nói tiếp:

“Việc Bác sỹ Nguyễn Quang Tuấn đang bị xét xử hôm nay, thì trong ngành y tế, rất nhiều người lao xao lắm, ví dụ ai cũng biết Bác sỹ Tuấn là người có tài về mặt chuyên môn, bản thân tôi học sau anh Tuấn một năm nên có biết.

“Nếu anh làm chuyên môn không thôi, thì tất cả chúng ta đều tôn trọng anh, nhưng mà khi anh chuyển sang làm quản lý kinh tế, thì có khi vì lợi ích kinh tế thì anh nâng giá đấu thầu lên, khi đó nó sẽ giáng giá cả xuống đầu dân, như vậy cái tâm đức của anh nằm chỗ nào?

“Nhưng rõ ràng nhiều bác sỹ, thầy thuốc còn đang lưỡng lự chuyện (mô hình sử dụng con người) đó, nhưng rõ ràng cái nào, chuyện nào ra chuyện nấy, và cái đó Việt Nam chưa quen rạch ròi.”

Nhân dịp này, Bác sỹ Hiệp, nhà hoạt động truyền thông và phản biện chính sách y tế, xã hội Việt Nam từ Úc cũng phát biểu quan điểm cho rằng từ năm ngoái Việt Nam đã bổ nhiệm một quan chức không có chuyên môn đào tạo từ lĩnh vực y tế, y học vào vị trí bộ trưởng ngành này, ông cho rằng tuy còn chờ kết quả, nhưng diễn biến này cũng có thể đi theo mô hình ở nhiều nước đang phát triển, mà ông lấy nước Úc làm thí dụ, là nơi có nhiều đời bộ trưởng y tế không phải là thầy thuốc, bác sỹ, dược sỹ…

Bác sỹ Phan Đình Hiệp cũng cho rằng, trong trường hợp đó, Nhà nước Việt Nam cần giảm thời lượng đào tạo các môn, chứng chỉ chính trị cao cấp, để những người được dự kiến bổ nhiệm đó được đào tạo về các vấn đề liên quan tới quản lý y tế, quản lý vận hành hệ thống y dược, chăm sóc sức khỏe, bệnh viện, các cơ sở y tế khác, và đặc biệt, như một thí dụ, tạo điều kiện cho các ứng viên được đào tạo kỹ lưỡng và đầy đủ chẳng hạn về đấu thầu trong vật tư y tế chẳng hạn, để họ làm tốt công việc được giao phó.

Cũng quan tâm tới phiên xử này, cũng như các vấn đề y tế, xã hội tại Việt Nam, từ Berlin, CHLB Đức, Nhà báo, Nhà văn Võ Thị Hảo, nêu quan điểm riêng của mình:

Tôi nghĩ rằng khi Việt Nam phát hiện và đưa ra trước pháp luật bất cứ vụ tiêu cực, tham nhũng, hối lộ nào cũng là rất cần thiết. Quan trọng là từ khâu điều tra đến xét xử phải công bằng. Đám quan chức và hệ thống nhóm lợi ích của họ – nói thẳng một từ cho đúng bản chất là: ‘lũ siêu trộm cướp’ – trong mọi lĩnh vực tại Việt Nam đã ngày càng táo tợn và bất lương vô đối do thể chế độc tài triệt tiêu cơ chế kiểm soát và thu hút những kẻ bất lương.

“Những vụ bê bối của ngành y tế gần đây, đặc biệt là từ đại dịch COVID-19 khiến người ta ghê tởm khi đó luôn là ngành đặc biệt liên quan tối thượng đến sinh mạng, lương tâm và đạo đức toàn dân. Ông Nguyễn Quang Tuấn chỉ là giám đốc một bệnh viện thôi, mà – theo cáo trạng – và nếu cáo trạng này đúng – chỉ trong năm gói thầu đã cấu kết với một số công ty tạo thành nhóm trộm cướp của người bệnh và quỹ Bảo hiểm Y tế 54 tỷ đồng. Có bao nhiêu người dân Việt Nam đã chết oan dưới bàn tay tham lam của đám này? Có bao nhiêu quan chức cấp trên ăn hối lộ nhưng chưa bị động tới và thoát lửa ‘đốt lò’ trong vụ này và nhiều vụ khác?!”

“Đã xử lý được gốc rễ, hay mới chỉ là phần ngọn?”

Khi được hỏi “đốt lò” như thế là đã giải quyết phần ngọn, phần thân hay là đã tới gốc rễ vấn đề, như trong vụ án trên, hay trong vụ Việt Á, hoặc vụ “các chuyến bay giải cứu” mà ngành y tế cũng có nhiều cán bộ và cán bộ quản lý liên can bị xử lý, bắt giữ, truy tố, điều tra, bà Võ Thị Hảo đáp:

“Qua nhiều vụ ‘đốt lò,’ dẫu là vì nguyên nhân và mục đích gì, cái lợi là khiến cho người ta ngày càng biết thêm bên trong sự đáng ghê tởm của vô số ‘con đỉa’ có chức quyền được khoác đủ thứ ‘áo choàng’ lòe loẹt của thể chế độc tài ngày càng không thể kiểm soát nạn trộm cướp từ các kiểu có quyền lực dù lớn nhỏ.

“Đơn cử trường hợp chức nhỏ như Nguyễn Quang Tuấn, đã có đủ thứ danh hiệu giáo sư, tiến sỹ y khoa, là đại biểu Quốc hội từ năm 2016-2021, danh hiệu công dân thủ đô ưu tú, Bệnh viện Tim hai lần được tặng Huân chương Lao động v.v…, mà chỉ qua năm vụ đấu thầu đã trộm cướp được mấy chục tỷ đồng.”

Liên hệ mở rộng ra, với việc cả Việt Nam hiện có khoảng 1.150 bệnh viện công, 182 bệnh viện tư, chưa kể một hệ thống với rất nhiều phòng khám chữa bệnh khác nữa trong cả nước, bà Võ Thị Hảo nói thêm:

Cái cung cách đấu thầu trộm cướp đó rất phổ biến ở Việt Nam và như thế người dân còn gì để hy vọng? Dẫu một y bác sĩ có lương tâm mấy thì người đó cũng phải ‘nhúng chàm’ bởi cái cơ chế ‘trộm cướp’ đó từ cấp trên đặt họ vào.

“Tôi xin nói thẳng, ít ra là giá khám chữa bệnh, giá thuốc và vật tư, dịch vụ y tế, chăm sóc, khám chữa bệnh cao đến mức nhiều người bệnh và gia đình họ phải táng gia bại sản. Khốn khổ thay, khi bước vào bệnh viện, người dân đã trở thành một kiểu dân oan, theo một ý nghĩa nào đó của việc bị tước đoạt tài sản và cơ hội chăm sóc y tế, sức khỏe như điều kiện sống cơ bản.

“Do đó, tôi cho rằng vấn đề của các vụ ‘đốt lò’ là chỉ giải quyết phần ngọn, bỏ qua cái gốc chống tham nhũng quyền lực, khiến lũ sâu mọt tha hồ đục rỗng. Điều này luôn khiến cho ‘lũ đỉa’ tham nhũng sinh sôi và các vụ trộm cướp sau lại táo tợn hơn, khiến cho người dân Việt Nam ngày càng bị tổn thương hơn so với các vụ trước.”

Tham nhũng kinh tài, “đốt lò” và tính chính danh của Đảng Cộng Sản?

Mấy năm gần đây, truyền thông và báo chí của đảng Cộng Sản và Nhà nước Việt Nam liên tục đưa tin về các thành tích chống tham nhũng, tiêu cực do ban lãnh đạo đảng do ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư và các cộng sự thuộc các ban ngành từ trung ương tới địa phương tiến hành, coi đây là “dấu ấn,” “dấu son” của tổng bí thư và các nhiệm kỳ lãnh đạo đảng, chính quyền các cấp, so với thời kỳ của các tổng bí thư, chủ tịch nước và cả thủ tướng tiền nhiệm.

Nhiều báo của đảng và Nhà nước tại Việt Nam cũng đã trích dẫn các số liệu từ báo cáo của một số tổ chức quốc tế và nước ngoài “ghi nhận” việc chống tham nhũng qua chiến dịch “đốt lò” ở Việt Nam đã giúp làm tăng thứ hạng trên bảng xếp hạng, chẳng hạn của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, trong đó, chỉ số này được báo chí chính thống Việt Nam trích lại và nêu rõ là năm 2021, Việt Nam đạt hạng “87/180 quốc gia trên bảng cảm nhận” về tham nhũng của International Transparency.

Chỉ số này, được cho là tăng từ hạng 104 theo thống kê công bố năm 2020 và vào thời điểm đó, Việt Nam đứng thứ 21 trong 35 quốc gia được đánh giá về tham nhũng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vẫn theo các nguồn này.

Nhiều báo và cơ quan truyền thông chính thống của chính quyền Việt Nam cũng dẫn lời một số tổ chức quốc tế “đánh giá tích cực” thành tích chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn mấy năm qua, với Việt Nam có quyết tâm và cam kết điều tra, xử lý, trừng phạt tham nhũng “không có vùng cấm,” làm hàng trăm cán bộ trung cao, chưa kể cán bộ đảng, chính quyền cơ sở phải bị xử lý theo kỷ luật nội bộ của đảng và xử lý pháp luật hình sự theo quy chế luật pháp hiện hành của Nhà nước Việt Nam, v.v…

Tuy nhiên, trên quan điểm cá nhân của mình từ CHLB Đức, Nhà báo, Nhà văn Võ Thị Hảo, đưa ra một nhận định khác, và có liên hệ giữa các chiến dịch “Đốt lò” với điều được cho là cố đảm bảo “tính chính danh” của chế độ do đảng Cộng Sản lãnh đạo độc tôn, duy nhất tại Việt Nam, nơi mà như Bác sỹ David Phan Đình Hiệp ở trên đưa ra bình luận, có sự thiếu vắng của cơ chế “đối lập” được hiểu mở rộng là tồn tại trong nhiều cơ tầng, bộ máy trong quản lý lãnh đạo ở các cấp, ban, ngành từ trung ương đến địa phương, trong đó có ngành y tế.

Bà Võ Thị Hảo nói: “Theo tôi, rõ ràng việc chống tham nhũng quyền lực bằng cách thiết lập tam quyền phân lập, đảm bảo tự do ngôn luận của dân là cái gốc duy nhất khả dĩ chống tham nhũng, tiêu cực. Không chống được tham nhũng quyền lực bằng một cơ chế hữu hiệu, đương nhiên không thể chống được tham nhũng kinh tài.

“Các động thái như trên đã nói, tiếc thay, nó đưa ra những tín hiệu rõ ràng về việc quan chức và các nhóm lợi ích cần chọn lựa, gấp gáp cấu kết ‘cánh hẩu’ với những vị có quyền lực nhất trong bộ máy cầm quyền thì mới giữ được quyền lợi, nếu không muốn bị trở thành ‘củi đốt lò’.”

“Như thế, theo tôi, một thể chế độc tài, triệt tiêu cơ chế giám sát độc lập và tự do ngôn luận thì không bao giờ đảm bảo được tính chính danh,” Nhà báo, Nhà văn Võ Thị Hảo từ Berlin chia sẻ quan sát trên quan điểm cá nhân hôm 17/4/2023.

Trở lại với phiên xét xử vụ án liên quan cựu giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cùng các bị cáo cùng vụ án được truyền thông chính thống Nhà nước hôm thứ Hai 17/4 đưa tin đồng loạt, tờ VnExpress.net, trên chuyên mục Pháp luật cho hay:

“Bệnh viện Tim Hà Nội là nguyên đơn dân sự. Phiên toà tại TAND Hà Nội dự kiến kéo dài năm ngày, do thẩm phán Nguyễn Xuân Văn làm chủ toạ. 19 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo, trong đó ông Tuấn có hai người…

Tại tòa, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn giải thích do ‘tình trạng cấp bách, nguy cơ đóng cửa vì thiếu vật tư,’ ông đã chỉ định bốn gói thầu, không đấu thầu tập trung.”

Chiều 17/4, trong phiên xét xử vụ án vi phạm quy định đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội, ông Tuấn nhanh chóng thừa nhận các cáo buộc Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 222 Bộ luật Hình sự, nói ‘nhận thức được sai phạm’.” Tuy nhiên, ông khẳng định “không vụ lợi, không được thoả thuận ăn chia gì từ việc chênh giá,” vẫn theo báo mạng VnExpress đưa tin vào lúc phiên tòa vẫn còn diễn ra.

Quốc Phương

Nguồn: RFA