"TÔI ĐẤU TRANH TỪ TIẾNG GỌI CỦA LƯƠNG TÂM"

Gặp và nói chuyện với Đoàn Huy Chương mới biết trước khi bị án tù 7 năm theo điều 89, thì Chương đã phải chịu một án tù 18 tháng theo điều 258, cùng với người cha 4 năm tù, và anh trai 2 năm. 3 cha con cùng một vụ, "tội" chống lại bất công.

Ảnh Đoàn Huy Chương tại tượng đài Lý Thái Tổ.

Chàng trai ấy xuất thân từ một công nhân. Thấy cuộc sống của những người công nhân cơ cực vì bị bóc lột, Chương đã tìm hiểu, học hỏi để lên tiếng đấu tranh. Năm 2006 Chương thành lập "Hiệp hội Đoàn kết Công nông" nhằm đấu tranh đòi công bằng cho những người lao động. Và chỉ mấy tháng sau Chương bị bỏ tù. Khi ấy Chương mới 25 tuổi, và 2 con của Chương còn rất nhỏ, đứa út mới lên 2, đứa lớn 5 tuổi.

Ra tù, Chương lại tiếp tục đấu tranh cho quyền lợi của người lao động. Và sau cuộc đình công thắng lợi của hơn 11 ngàn công nhân ở Trà Vinh, Chương bị kết án tù 7 năm, cùng với Minh Hạnh 7 năm, và Quốc Hùng 9 năm. Tại tòa, 3 anh em cương quyết không nhận tội, và còn hát vang khi tòa tuyên án.

Ở tù biền biệt cả thảy 8 năm rưỡi, Chương đành phó mặc 2 con thơ cho người vợ cũng là công nhân. Chương kể, có lần vợ lên thăm chỉ đi người không, một gói mì tôm cũng không có mang theo, bởi tiền chỉ đủ mua vé ô tô, nhớ chồng thì lên thăm chứ không có tiền mua quà tiếp tế.

Tù đày, khổ cực, nhưng Chương không ân hận về những điều mình đã làm: "Tôi đấu tranh từ tiếng gọi của lương tâm, chứ không vì để được nổi tiếng, hay bất cứ cái gì khác".

Chiều nay trên chiếc xe máy đời 82, mình đèo cháu đi thăm khắp phố phường Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Chương ra Hà Nội, nhưng nơi Chương muốn đến thăm nhất là Tượng đài Lý Thái Tổ, nơi xuất phát các cuộc biểu tình và thắp nhang tưởng niệm các liệt sĩ, của anh em Hà Nội. "Ra tù, điều cháu bất ngờ, và mừng nhất là phong trào đấu tranh đã phát triển gấp 10 lần so với thời cháu còn ở ngoài". Chương cứ lặp đi lặp lại câu đó với nét mặt vui sướng.

Đảng cộng sản Việt Nam xưng danh đại diện cho giai cấp công nông, đảng kỳ của họ là búa liềm. Nhưng rõ ràng giai cấp công nông đã đang bị lợi dụng, bị phản bội. Khắp nơi nông dân bị cướp đất, hoa màu, gia súc của họ phải cõng hàng chục thứ thuế. Công nhân bị bóc lột, những người đấu tranh cho quyền lợi của công nhân thì bị đàn áp, bị bỏ tù nhiều năm như Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng...

Đảng đã đánh rơi chiếc mặt nạ ngay từ đầu, và tồn tại nhờ độc tài, bạo lực. Nhưng khi tối nhất là lúc trời sắp sáng, ngày càng có nhiều người bất chấp nhà tù, đứng lên đòi quyền sống, quyền làm người cho mình và cho mọi người, như Chương, Hạnh, Hùng, Bùi Thị Minh Hằng, Cấn Thị Thêu...và biết bao những người khác.

Ngày ấy không còn xa!

FB Nguyễn Thúy Hạnh