StoryMaker: Tại sao Hà Nội lại lồng lộn đả kích?

Trong ba ngày từ 15 đến 17/5/2015 vừa qua tại Singapore, hơn 30 người đến từ Việt Nam và một số quốc gia khác đã tham dự một sinh hoạt công khai nhằm huấn luyện về việc sử dụng một công cụ truyền thông mới có tên là StoryMaker. Công cụ này nhằm giúp cho mọi người - với smartphone - có thể thực hiện một bản tin, một phóng sự rất dễ dàng và nhanh chóng.

Sự kiện này được dư luận quan tâm theo dõi và hoan nghênh vì nó thực sự đem lại nhiều lợi ích trong việc phổ biến tin tức nhanh chóng và trung thực mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là trong tình hình hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà khắp mọi nơi.

Thế nhưng khóa huấn luyện này lại làm cho Ban tuyên giáo trung ương đảng CSVN lo ngại và đã chỉ thị cho báo Nhân Dân phản ứng bằng bài viết: “Phải chăng họ muốn đi ngược lại các nguyên tắc đã cam kết?”. Nội dung bài viết tập trung tấn công Đài Á Châu Tự Do, Đài truyền hình SBTN, Tổ chức Article 19, RSF vì đã cộng tác với đảng Việt Tân tổ chức sinh hoạt này.

Võ Hợp Lân, tác giả bài viết đăng trên báo Nhân Dân đã viết: “Sự kiện này cho thấy RFA, SBTN, RSF,... đã không chỉ ngang nhiên thách thức dư luận, mà còn công khai bắt tay với tổ chức khủng bố "Việt tân" tổ chức các hoạt động chống phá Việt Nam.” Những cáo buộc mang tính hồ đồ của Võ Hợp Lân và Ban tuyên giáo trung ương CSVN chỉ nói lên sự lúng túng của chế độ, qua một số điểm như sau:

Thứ nhất, bài báo đã vô hình chung tự thú những gì mà CSVN đã liên tục vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn trong nhiều năm qua. Điển hình như “Phúc trình năm 2015 của Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ” (USCIRF) công bố ngày 30/4/2015, khuyến cáo Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách "các nước đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo" (CPC); hay nhân Ngày tự do báo chí thế giới, ngày 1/5 Tổng thống Obama tiếp ba nhà báo đến từ ba nước vi phạm tự do báo chí trầm trọng nhất, trong đó có blogger Điếu Cày một nhà báo tự do đã từng bị kết án 12 năm tù.

Họ tiếp tục tự thú rằng ngày 30/4/2015, dân biểu Chris Smith của Ủy ban Ðối ngoại - Hạ viện Mỹ đệ trình Dự luật nhân quyền Việt Nam" (HR. 2140), và ngày 14-5, Tiểu ban nhân quyền đã thông qua dự luật, tiếp tục trình Ủy ban Ðối ngoại. Tác giả tỏ ra căm tức dự luật HR. 2140 và cho rằng dự luật này đã đưa ra một số đòi hỏi “vô lý và phản nhân quyền” như coi nhân quyền là một điều kiện để Mỹ bán thiết bị quân sự cho Việt Nam hay Việt Nam cần được coi là một nước phải đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo...

Thái độ vừa giận dữ vừa tự thú tội của CSVN cho thấy hiện nay, một mặt sức ép về nhân quyền đang đè nặng lên chính sách đối ngoại, một mặt sức ép của các phong trào đấu tranh và các tổ chức xã hội dân sự đòi hỏi CSVN phải có những cải cách sâu rộng trong bối cảnh Việt Nam đang chạy đua vào hiệp định TPP. Như một võ sĩ đang “tứ bề thọ địch” đối phó loạn chiêu, tưởng rằng có thể cáo buộc người khác nhưng chính ra đã làm lộ ra bộ mặt giả nhân giả nghĩa của chế độ trước dư luận quần chúng.

Thứ hai, bài báo cũng đã tự thú về những thất bại liên tục khi sử dụng những luận điệu cũ rích khi kết án đảng Việt Tân là “khủng bố”, là “phản động”!

Nhưng khổ thay, ai cũng thấy được ngoài khóa huấn luyện về phần mềm ứng dụng StoryMaker mới đây, hoạt động của Việt Tân từ trước đến nay lại còn nhiều lần kết hợp làm việc với những cơ quan, tổ chức quốc tế có uy tín khác. Ngày nay không thể chối cãi đảng Việt Tân luôn đi đầu trong việc tố giác các hành động vi phạm nhân quyền tại Viêt Nam. Đó cũng là một trong nhiều lý do khiến CSVN tức tối các hoạt động của đảng Việt Tân nhưng không làm gì được ngoài những cáo buộc vu vơ quen thuộc.

Hà Nội luôn ra sức xoay trở mọi hướng để bôi nhọ Việt Tân mỗi khi có dịp nhưng không bao giờ đưa ra được các bằng cớ nào. Thậm chí họ còn ngụy tạo một cách trẻ con, trong khi Việt Tân là một đảng chính trị hoạt động công khai tại các quốc gia trên khắp thế giới, thường xuyên hợp tác làm với chính giới, các tổ chức nhân quyền quốc tế có uy tín. Những cuộc gặp gỡ như gặp nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ hay Bộ trưởng ngoại giao Úc và viên chức quốc hội các nước, phải chăng đó là những hoạt động làm cho CSVN vô cùng căm tức? Phải chăng những cuộc điều trần về nhân quyền trước quốc hội các nước hay tham gia hoạt động Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là những hoạt động “khủng bố” chống Việt Nam như Hà Nội hàm hồ kết án?

Thứ ba, bài báo đã tự thú về sự cay cú khi thấy những nỗ lực của Việt Tân trong việc hỗ trợ tự do Internet và sự phát triển mạng xã hội tại Việt Nam hiện nay. Ngón nghề của chế độ lâu nay là bưng bít dư luận và tô son trét phấn lên bộ mặt đã quá lem luốc của đảng độc tài. Càng bưng bít được nhiều bao nhiêu càng lừa bịp nhân dân được nhiều bấy nhiêu để kéo dài sự tồn tại bất nhân của đảng. Giữ chặt nhân dân trong bức màn đen tối của ao tù là chủ trương lớn của đảng. Không ai quên trong nhiều năm liền Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) xếp Việt Nam là “kẻ thù internet” và là một trong 5 nước kiểm soát báo chí gắt gao nhất thế giới.

Chính những nỗ lực của Việt Tân trong việc giới thiệu, huấn luyện phần mềm StoryMaker hay giúp cư dân mạng vượt tường lửa đã góp phần vào việc việc phá tan bức màn bưng bít của CSVN. Nó cũng khiến cho CSVN không chỉ mất dần khả năng khống chế xã hội Việt Nam mà còn có thể dẫn đến tình trạng đột biến xã hội với hiện tượng tức nước vỡ bờ. Những cuộc biểu tình dai dẳng của dân oan cả nước đã khiến chế độ lúc nào cũng ở trong thế đối nghịch với nhân dân và bùng nổ bất cứ lúc nào.

Ngày nay quả thực dù với sự độc quyền của hơn 800 báo đài trong tay tuyên giáo và công an, họ cũng không còn có thể tự tung tự tác, vo tròn bóp méo để lừa bịp dư luận được nữa! Họ chỉ còn lại những bài báo kết tội người khác một cách hàm hồ giống như một cuộn băng đã nhão chẳng còn ai muốn nghe!

Thứ tư, bài báo còn nêu lên một sự tự thú mang tính ngớ ngẩn của Vũ Hợp Lân khi nhắc lại Tuyên bố chung Hoa Kỳ-Việt Nam trong chuyến thăm của ông Trương Tấn Sang năm 2013, trong đó hai bên “cam kết tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau" và tự hỏi “dường như một bộ phận trong chính giới Mỹ đang muốn đi ngược lại các nguyên tắc đã cam kết?”

Không khó để khẳng định ai là kẻ đã đi ngược lại với những cam kết khi nhìn lại thực tế tại Việt Nam chỉ trong hai năm vừa qua kể từ khi CSVN thay đổi hiến pháp 2013. Không ai khác hơn chính nhà cầm quyền Việt Nam đang đi ngược lại những cam kết với nhân dân mình trên giấy trắng mực đen. Họ đã tự tố cáo những điều sai phạm của chế độ là đi ngược lại các nguyên tắc đã cam kết trong bản hiến pháp 2013. Hiến pháp này ghi rõ các điều khoản tôn trọng quyền con người, tôn trọng các quyền tự do căn bản như quyền biểu tình, lập hội, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do cư trú, đi lại.

Nhưng tất cả những điều tốt đẹp trên giấy ấy họ lại không bao giờ có trên thực tế. Người biểu tình yêu nước vẫn bị đàn áp, người bất đồng chính kiến ôn hòa vẫn bị đánh đập công khai ngoài đường phố, blogger sử dụng quyền tự do báo chí bị bắt bớ và tống vô tù. Công dân xuất cảnh hợp pháp bị ngăn chận tịch thu hộ chiếu bất hợp pháp, hoặc lúc trở về bị bắt giữ tra hỏi cả ngày ở sân bay. Có chính quyền nào luôn rêu rao “có tự do nhân quyền hơn nhiều nước khác” lại hành xử theo kiểu côn đồ như thế?

Và mới đây, sự kiện quốc hội khóa 12 trì hoãn việc bàn thảo thông qua dự luật về biểu tình sang khóa họp năm 2016 càng cho người dân Việt thấy bản chất tráo trở của chính quyền. Và hiến pháp thực sự là một văn bàn vô tích sự; hiến pháp nói một đường, quốc hội làm một nẻo.

Nói tóm lại, người dân Việt Nam đã nghe quá nhiều lời cam kết, những hứa hẹn tốt đẹp từ chế độ; nhưng với những điều tự thú nói trên, CSVN tưởng là để cho Vũ Hợp Lân có thể biện minh dùm cho chế độ, nhưng không ngờ lại vạch trần những tội ác của chế độ trước công luận.

Xem ra, càng lồng lộn tố cáo người khác, Hà Nội càng thắt chặt sợi dây thòng lọng chà đạp nhân quyền quanh cổ mình!