Nhật Bản và G7 trong vụ Biển Đông

Liên tiếp trong hai năm 2014 và 2015, bảy cường quốc có nền kinh tế hàng đầu thế giới gồm Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Anh, Ý, Nhật Bản, Gia Nã Đại đã họp thượng đỉnh G8 đã không có sự tham dự của Nga. Nói cách khác là Nga đã và đang bị “cô lập” vì vấn đề Ukraine.

Hội nghị G7 năm nay, họp tại thành phố Kruen, miền Nam Đức vào hai ngày 7 và 8 tháng 6. Tại hội nghị các Ngoại trưởng G7 vào tháng 4/2015 nhằm chuẩn bị cho Thượng Đỉnh Kruen 2015 tại Lubeck, Đức, Ngoại trưởng Kishida của Nhật yêu cầu đưa vấn đề Trung quốc muốn thay đổi hiện trạng ở biển Đông bằng sức mạnh quân sự vào nghị trình Thượng đỉnh G7.

Ngoại trưởng các quốc gia Âu châu trong nhóm G7, tuy lên tiếng chỉ trích những hành động gây ra cuộc khủng hoảng biển Đông của Trung quốc, nhưng không muốn đưa vào nghị trình vì địa lý biển Đông ở quá xa đối với Âu Châu. Hơn nữa mang vấn đề biển Đông ra thảo luận ở Thượng Đỉnh Kruen sẽ không có lợi trong việc mậu dịch với Trung Quốc. Từ thái độ tiêu cực đó các chuyên gia về biển Đông cho rằng khó mà đem vấn đề này vào nghị trình của G7 nói chi đến chuyện ra Nghị quyết chung lên án Trung Quốc. Bắc Kinh cũng tin là như thế.

Tại Thượng đỉnh G7 Kruen, Thủ tướng Nhật, ông Abe, đã tích cực đề nghị thảo luận ba vấn đề: 1/ Tình hình biển Đông trước sự bành trướng quân sự của Trung quốc; 2/ Tìm sự thống nhất của G7 đối với ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung quốc đứng ra thành lập và 3/ G7 sẽ hỗ trợ như thế nào cho Ukraine.

Trước khi đến dự Thượng đỉnh G7 Kruen, Thủ tướng Abe đã viếng thăm Ukraine. Tại đây ông Abe đã viện trợ cho Ukraine 1,5 tỷ Mỹ Kim để tái thiết đất nước và hứa sẽ đem vấn đề Ukraine vào nghị trình Thượng đỉnh G7. Thủ tướng Abe làm như vậy để chứng tỏ với Cộng đồng Âu Châu là dù ở Á Châu, Nhật Bản vẫn quan tâm trước tình trạng Ukraine đang bị Nga ức hiếp, không thể viện cớ vì địa lý xa xôi mà làm ngơ trước chuyện ỷ mạnh hiếp yếu của nước lớn.

Những việc làm và phát ngôn của Thủ tướng Abe về Ukraine đã làm cho Nga tức giận và có thể gặp trở ngại trong việc đòi lại 4 hòn đảo của Nhật ở phía bắc đang bị Nga chiếm đóng. Thủ tướng Abe chấp nhận cái giá này để làm sao đưa được vấn đề biển Đông ra thảo luận trong Thượng đỉnh G7 2015 tại Kruen.

Thủ tướng Abe đã làm theo tính toán của mình và được sự hiệp tác tích cực của Tổng thống Obama Hoa Kỳ nên toàn thể Thượng đỉnh G7 đồng ý đưa vào Nghị trình thảo luận về những sai trái của Bắc Kinh trong việc gia tăng các hoạt động nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Đông và biển Hoa Đông. Trong thông cáo chung, G7 đã ghi rõ quan điểm như sau:

“Chúng tôi tiếp tục quan ngại về tình hình Biển Hoa Đông và Biển Đông, bày tỏ quan ngại đối với bất cứ hành vi đơn phương nào làm thay đổi hiện trạng và gia tăng tình hình căng thẳng tương tự như việc lấn biển xây đảo quy mô lớn.”

Lẽ dĩ nhiên, Bắc Kinh đã lên tiếng phản bác lại những chỉ trích của G7 bằng một giọng điệu cố hữu rằng đó là lãnh hải và lãnh đảo bất khả phân của Trung quốc. Tuy nhiên Bắc Kinh không coi các nước Âu Châu trong G7 là đối thủ nguy hiểm trong vụ tranh chấp ở biển Đông và biển Hoa Đông vì những ràng buộc thương mại và mậu dịch với Bắc Kinh, các quốc gia Âu Châu sẽ chỉ lên tiếng chừng mực.

Bắc Kinh coi Nhật Bản và Hoa Kỳ mới là đối thủ, trong đó Nhật Bản là đối thủ nguy hiểm của Trung Quốc vì hai lý do:

1/ Nhật Bản sẽ sát cánh với Hoa Kỳ để tìm cách ngăn chận sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang tìm cách bành trướng trong toàn vùng Á Châu - Thái Bình Dương.

2/ Nhật Bản sẽ là con thoi giúp Hoa Kỳ vận động và liên kết các quốc gia nhằm hình thành một liên minh chống Trung Quốc.

Với sự vận động thành công trong việc G7 đưa vấn đề biển Đông vào thông cáo chung cho thấy là khả năng vận động và lôi kéo của ông Abe đáng cho Bắc Kinh quan tâm. Hiện nay Bắc Kinh đang cho bộ máy tuyên truyền ào ạt dấy lên phong trào bài Nhật trong mấy ngày vừa qua.

Như vậy, trận chiến biển Đông sẽ không chỉ tạo ra những nguy cơ bùng vỡ ở trên biển mà còn có thể gây ra những va chạm trong mặt trận ngoại giao giữa Bắc Kinh và một số quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ.