Nhà thơ Trần Tiến Dũng: Bản bút ký đại dịch, gửi vào mai sau

Nhạc sĩ Tuấn Khanh  -

Đại dịch đã kéo dài từ đầu năm 2020 cho đến tận hôm nay, nhưng ở Việt Nam, giai đoạn kinh hoàng với hơn 30.000 người thiệt mạng, hàng chục ngàn người bị đẩy vào trại cách ly, hàng trăm ngàn người đói ăn và khốn khó… nhưng số lượng các tác ghi chép xuyên suốt thời kỳ này không nhiều. Hầu hết mọi người đều bị tê liệt trước hoàn cảnh bất ngờ cũng như sự ứng phó đầy bất cập của nhà cầm quyền.

Đầy dẫy trên các trang mạng là những lời chỉ trích, kêu cứu, sự tức giận của người dân trước một hiện trạng tan hoang của đất nước và con người, bên cạnh những lời tuyên bố huênh hoang và ngu muội của nhiều kẻ có quyền.

Nhà báo- nhà thơ Trần Tiến Dũng là một trong số ít trí thức của Việt Nam, công khai bày tỏ quan điểm của mình trong bối cảnh đó. Tập bút ký kèm theo sau đây để tặng các quý vị, là sự tập hợp những cột mốc sự kiện, được coi như là suy nghĩ chung của những người Việt có cái nhìn tỉnh táo trước thời cuộc, của những người miền Nam sống và trải qua, so sánh với những gì mà cuộc đời họ đã trải nghiệm với chế độ hiện nay. Một phần lớn những bài viết trong tập sách này, đã được đăng tải trên báo Saigon Nhỏ trong suốt thời kỳ phong tỏa Sài Gòn.

*** Thưa ông, ghi chép các dữ kiện suốt 3 giai đoạn phong thành Sài Gòn, điều mà ông chưa nói hết được trong các bài viết, còn đọng lại cho ông đến ngày hôm nay là gì?
Tôi thuộc thế hệ thanh niên miền Nam Việt Nam, là gạch nối lịch sử giữa hai thể chế Tự Do và Cộng Sản. Tôi trải qua biến cố 30-4-1975 và đinh ninh rằng đó là biến cố lịch sử quan trọng nhất tôi phải chứng kiến, vượt qua từ vị trí nạn nhân thường dân. Trong mọi cách nghĩ về năm tháng còn lại của mình, trong tôi, thật lòng mà nói chưa bao giờ tưởng tượng rằng cuộc đời mình, gia đình mình, cùng với hàng triệu đồng bào phải chịu cảnh thảm họa khủng khiếp đại dịch cúm Tàu trong năm 2021.

Trong hơn nhiều tháng Sài Gòn và các tỉnh miền Nam bị phong thành nghiêm ngặt, có thể nói, hiện trạng giới nghiêm, phong tỏa, barrier ngăn đường, kẽm gai, dây giăng bịt kín hẻm, nhà, tiếng còi xe cứu thương, cảnh người bệnh bị đưa đi rồi trở về với hủ tro cốt…

Nhớ lại tất cả các cảnh đó, tôi cho rằng khủng khiếp hơn cả các vùng chiến sự trong chiến tranh, và chính điều đó tạo ra từng cơn sợ hãi như sóng thần ập đến làm tê liệt ý thức- bản năng sinh tồn, làm cho hàng triệu người Sài gòn và một số tỉnh miền Nam rơi vào thảm trạng bị nhốt chung vào cái chuồng lớn, không thể chạy đâu cho thoát dù chỉ là chạy về quê nhà mình hay một nơi trốn trú nào đó; tất cả đều chung số phận chờ bị lây virus SARS-CoV-2, bị đưa đi trại cách ly và nếu không may là chết trong cô độc.

Giờ đây, trong ghi chép các dữ kiện suốt 3 giai đoạn phong thành Sài Gòn, điều mà tôi chưa nói hết được trong các bài viết, còn đọng lại cho tôi đến ngày hôm nay chỉ là: Từ thảm họa này, đó là minh chứng cho thấy không chỉ thảm họa đã diễn ra mà cả thảm họa sẽ tới, số phận thường dân trong chế độ chuyên chế khi gặp thiên tai dịch họa, họ chỉ có một thứ “quyền con người” duy nhất là phải gánh chịu hậu quả và tiếp tục chờ nhận mọi sai lầm, vô trách nhiệm của hệ thống cán bộ chỉ đạo chống dịch và lãnh đạo chế độ.

*** Đã có người nhận xét rằng có vẻ như dân tộc Việt Nam ít có thói quen ghi chép mang tính lịch sử. So với thời kỳ sinh hoạt văn hóa xã hội trước năm 1975, các ghi chép độc lập và phổ biến với công chúng thì lại ngày càng hiếm hoi trong gọng kìm kiểm duyệt hiện nay… điều gì đã thúc đẩy ông ghi chép và hình thành một chuỗi bài viết như vậy?

Nếu có niềm tin cho là viết là một cách để nhớ, để có bài học, lưu lại… và nếu nghĩ người Việt Nam thời Cộng sản hiện nay ít viết hơn thời trước biến cố 1975 thì chưa chính xác. Người Việt thời này dễ cho qua các sự kiện chính trị-xã hội-văn hóa ảnh hưởng trực tiếp tới số phận họ chớ không hẳn họ dễ quên; có khi đó cũng là cách phổ quát để thích nghi mà tồn tại dưới chế độ chuyên chế. Viết luôn luôn là ý thức được cá nhân-công dân chọn lựa thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình. Nhưng ngoại trừ viết để trở thành bồi bút hoặc viết theo ý chí áp đặt của hệ thống tuyên giáo, thì hầu hết người ý thức viết và đã viết vì niềm tin tự do ngôn luận, đó luôn là việc làm rất nguy hiểm cho cá nhân họ.

Không đáng kinh ngạc hoặc khó hiểu khi biết giáo dục-văn hóa ở trong nước ngày càng phổ cập, thông tin đa chiều toàn cầu ngày một dễ tiếp cận, ngoại trừ viết tám chuyện Facebook, Zalo… thì người viết với ý thức cộng đồng cần tiếng nói có chính kiến cá nhân lại càng ít, rất ít đến mức những tiếng chuông cảnh báo về ngày lụi tàn của tiếng nói phản biện, phản kháng… cũng không còn ai để ý nữa.

Tôi viết không phải do tôi là trí thức hay nghệ sĩ, và một cá nhân-công dân như tôi cũng không đa mang cho mình trách nhiệm phải viết. Tôi chọn văn bản viết là con đường ngôn ngữ lớn dẫn đến bên trong con người và mở ra ý thức và tâm hồn người; bởi con người dẫu u tối hay sáng đẹp đều là cái đẹp toàn phần không động vật nào có. Nhưng VN hiện nay chỉ có thứ chữ nghĩa là công cụ nô bộc cho chính trị độc đoán, nịnh bợ tán tụng giới cai trị hoặc trơ trẽn tự son phấn để xin xỏ được ngồi lê đôi mách…

*** Hôm nay, khi gửi tặng tập bút ký đến với mọi người, ông có nhắn gửi điều gì?

Trong các tập bút ký của tôi, nhất là trường hợp với tập” Sài Gòn Trong Vòng Vây Cúm Tàu; tôi chọn viết vì tôi không biết ngày mai mình có nhiễm virus cúm Tàu, có bị hốt đi cách ly không, có còn sống không; và hơn hết người Sài Gòn và Miền Nam mà tôi kính yêu đang tuyệt vọng như tôi, mọi người có còn hy vọng vượt thoát nào cho họ không, ngày mai cho người Sài Gòn đang ở đâu? Có còn đến như hàng thế kỷ qua nữa không! Tôi tin văn bản viết không bao giờ là di sản của quá khứ cá nhân mà là ngôn ngữ, dù chỉ là từ ý thức một người, cũng là tiếng nói nếu hiểu là kêu cứu và nguyền rủa thì cũng vì hiện tại và tương lai.

Tải về bản PDF Bút ký ở đây https://bit.ly/3GSttF