Melbourne: Tưởng niệm Tiến Sĩ Rupert Neudeck

Tiến Sĩ (TS) Rupert Neudeck đã ra đi nhưng hình ảnh, việc làm, công đức của TS không bao giờ phai mờ trong lòng Người Việt tỵ nạn. Nhân một năm ngày TS Rupert Nudeck vĩnh viễn ra đi (31/05/2016), Mục sư Christoph Dielmann và vị Tổng Lãnh Sự Đức Quốc tại Úc, Michael Pearce SC, đã ngỏ lời mời các vị đại diện CĐNVTD/VIC và Liên Bang Úc Châu cùng một số đồng bào đến tham dự buổi thánh lễ dâng lên TS Rupert Nudeck tại nhà thờ German Trinity Lutheran vào sáng Chủ Nhật 28/05/2017.

Mục sư Christoph Dielmann chào đón cộng đồng Người Việt đến tham dự buổi thánh lễ đặc biệt hôm nay - một buổi lễ tưởng niệm và vinh danh TS Rupert NeuDeck, vị Đại Ân Nhân của Người Việt tỵ nạn. TS Rupert NeuDeck là người sáng lập của tổ chức CAP ANAMUR và đã cứu sống trên 11 000 người vượt biển tìm tự do trên biển Đông trong thập niên 80. Mục sư cho biết buổi lễ đã nhận được những lời cầu an và cảm tạ từ Bà quả phụ Christel Neudeck từ Đức.

Vị Tổng Lãnh Sự Đức, ông Michael Pearce SC, sơ lược về cuộc đời của TS Rupert NeuDeck - Ông sinh vào ngày 14/05/1939, ở Danzig, Ba Lan. Vào năm 1945, ông và gia đình trốn khỏi Danzig dưới sự kiểm soát của quân đội Hồng Nga (Red Army), và ra đi trên một con tàu chở người tỵ nạn sang Đức, MV Wilhelm Gustloff. Con tàu đã bị tàu ngầm Nga đánh chìm, hàng ngàn người chết, nhưng may mắn thay gia đình ông sống sót và đã đến được Tây Đức. Ông lớn lên và học hành tại Đức, theo học môn thần học và muốn trở thành mục sư. Nhưng sau đó ông lại chuyển sang làm nhà báo. Những sự bất ổn và bao cảnh khổ đau trên thế giới đã thúc đẩy ông dấn thân vào con đường hoạt động nhân đạo ...

Ông Michael Pearce SC, cảm động trước đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của Người Việt tỵ nạn, đã nhắc đến việc di ảnh của TS Rupert Neudeck cùng một tấm bảng đồng vinh danh và ca ngợi công đức của TS được trang trọng treo tại Đền Thờ Quốc Tổ để bày tỏ lòng tri ân đối với TS.

Ông Nguyễn văn Bon (Chủ Tịch CĐNVTD Liên Bang Úc Châu) chia sẻ kinh nghiệm về chuyến vượt biên của mình, lúc bấy giờ ông mới được 11 tuổi. Có một chi tiết đáng ghi lại, theo lời ông kể, vào ngày thứ tư, máy tàu chết, mọi người chỉ còn biết cầu nguyện. Đang rơi vào cảnh vô cùng tuyệt vong thì từ xa có 3 ngọn đèn pha đang từ từ tiến tới. Ánh sáng của các ngọn đèn lớn dần, mọi người vui mừng khôn cùng, bổng dựng cả 3 ngọn đèn tắt phụp, bỏ đi. Cả tàu lại rơi vào sự tuyệt vọng cùng cực. Nhưng còn có 1 ngọn đèn khác, nhỏ hơn, cũng đang từ xa tiến lại gần, và quá may mắn cả tàu đã được một chiến hạm cứu vớt. Lúc lên tàu, ông Bon mới được cho biết 3 ngọn đèn sáng ấy chính là của 3 chiếc tàu hải tặc, nhưng đã phải bỏ đi vì bị chiếc chiến hạm dọa bắn chìm. Rồi sau đó mọi người được chuyển sang tàu Cap Anamur để đưa đến những trại tỵ nạn tại các quốc gia Đông Nam Á.

Kể câu chuyện này ra, ông Bon muốn cho những người Đức tham dự buổi lễ biết được chút ít về những cuộc hành trình vượt biển đầy hiểm nguy của Người Việt tỵ nạn, hiểu được cảm xúc (không thể diễn tả bằng lời) của những người được cứu sống khi đang cận kề bên cái chết, và cho rằng mọi công dân Đức đều có quyền hãnh diện về TS Rupert Neudeck - một con người giàu lòng bác ái, quảng đại, sống một đời vì tha nhân.

Tiếp theo, Mục sư Christoph Dielmann đã mời mọi người bước lên trước di ảnh của TS Rupert Neudeck, để cầu nguyện, để tưởng niệm, để tạ ơn Người.

Khi được mời lên để có đôi lời, ông Nguyễn Thế Phong đã bắt đầu bằng một câu chuyện về niềm mơ ước của một đứa bé nghèo khổ khi đứng trước một tiệm giày. Đứa bé chỉ cầu mong một điều huyền diệu đến với em - xin Chúa cho em một đôi giầy. Lời cầu xin của em đã được một vị khách bộ hành, một người phụ nữ, giàu lòng bác ái lắng nghe và điều huyền diệu đã xảy ra, niềm ước mơ của em đã thành sự thật. Với đôi mắt đỏ hoe vì quá xúc động và bất ngờ, em hỏi nhỏ người phụ nữ tốt bụng - "Thưa bà, bà có phải là vợ của Chúa không?" (Excuse me, are you God's wife?)

Qua câu chuyện này, ông Phong muốn nhắn gởi đến mọi người, TS Rupert Neudeck chính là một vị cứu tinh đã được Chúa, Phật gởi đến để cứu nhân độ thế, đã ban cho hàng ngàn người Việt tỵ nạn sự sống. Lòng bác ái của TS Rupert Neudeck chính là ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy (Kindness is the language which the deaf can hear and the blind can see - Mark Twain).

Sau buổi thánh lễ, Đức và Việt có dịp gần gũi, trò chuyện nhiều hơn trong phòng ăn của nhà thờ, là dịp để tạo sự gắn bó và tình cảm thân thiết giữa hai cộng đồng Đức-Việt. Đây là lần đầu tiên cộng đồng người Đức ngỏ lời mời thân hữu đến với cộng đồng người Việt. Và được mời đến tham dự buổi thánh lễ dâng lên TS Rupert Neudeck nhân ngày giổ đầu của TS là một vinh dự lớn lao cho cộng đồng Người Việt.

Melbourne
28/05/2017

Một số hình ảnh của buổi lễ - https://goo.gl/photos/Z1XMbcrAXZGvobgw5