Lithium, thách thức cho chuyển đổi năng lượng của Liên Âu

Một mỏ muối ở Nevada, Mỹ, nguồn lithium quý của tương lai năng lượng sạch của thế giới. AP - John Locher

Anh Vũ  - RFI

Trong khi Liên Hiệp Châu Âu hy vọng đến năm 2035 sẽ phổ cập sử dụng ô tô điện, nhu cầu về các kim loại để sản xuất bình điện, đặc biệt là lithium, bùng nổ. Thị trường kim loại này hiện chỉ do một vài nước nắm giữ, Liên Âu muốn đẩy mạnh khai thác dưới lòng đất của mình nhưng vấp phải những vấn đề nan giải về môi trường.

Nhân khai mạc triển lãm ô tô thế giới tại Paris, hôm 18/10/2022, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo một loạt các biện pháp để tạo điều kiện cho việc mua xe chạy điện. Mục tiêu là dần tiến tới xóa bỏ hoàn toàn loại xe chạy động cơ nhiệt mà Liên Hiệp Châu Âu đã lên chương trình cấm bán từ năm 2035.

Nếu như viễn cảnh mà châu Âu đề ra được nhìn nhận như là một bước đi không thể thiếu trên con đường chuyển đổi năng lượng thì nó cũng đang đặt ra nhiều vấn đề nghiêm túc : Sẽ phải cần tới một số lượng khổng lồ các kim loại thiết yếu dùng để chế tạo bình điện, đặc biệt là lithium, thứ nguyên liệu đã được gắn biệt danh « vàng trắng ».

Những con số thống kê sau đây tự thân đã nói lên nhiều điều. Theo Cơ quan Năng Lượng Quốc Tế, từ năm 2015 khối lượng sản xuất « vàng trắng » đã nhân gấp 3 lần trên thế giới so với sản lượng của năm 2021 là 100 nghìn tấn. Khối lượng sử dụng kim loại này có thể sẽ còn tăng thêm 7 lần từ nay đến năm 2030. Trong phạm vi châu Âu, đến năm 2050 khu vực này sẽ cần một lượng lithium lớn gấp 35 lần hiện nay, theo một nghiên cứu của Đại học Louvain của Bỉ công bố hôm 25/04 năm nay.

Ông Olivier Vidal, nhà địa chất học, giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Khoa học Quốc gia của Pháp (CNRS) đánh giá : « Chúng ta đang trong hoàn cảnh mà tất cả các nước đều triển khai chương trình chuyển đổi năng lượng gần như cùng lúc với nhau và như vậy đã nảy sinh nhu cầu rất lớn về các kim loại thiết yếu. Tình trạng này sẽ trở nên căng thẳng trong những năm tới với việc giá cả tăng vọt, nguồn cung ứng khó khăn. Như vậy đó sẽ là một thách thức thực sự về chiến lược và chủ quyền quốc gia cho các nước ».

Bằng chứng cho mối lo lắng đó là Ủy Ban Châu Âu ngay từ năm 2020 đã liệt kê lithium vào danh sách các nguyên vật liệu cơ bản có nguy cơ bị khan hiếm. Tháng 09/2022, bà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen khẳng định : « Lithium sắp tới sẽ còn quan trọng hơn dầu lửa và khí đốt ».  

Hơn thế nữa, hiện nay, sản lượng lithium chỉ do một vài nước trên thế giới nắm giữ : Úc chiếm 20% trữ lượng « vàng trắng ». Achentina, Chilê, Bolivia nắm giữ 60%. Trung Quốc thì đã rất sớm tập trung vào tinh chế và hiện nắm 17% sản lượng lithium của thế giới. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho rằng đó là tình trạng gần như độc quyền khi riêng 5 quốc gia nói trên nắm giữ 90% sản lượng của thế giới.

Châu Âu sẵn sàng lao vào cuộc săn tìm lithium

Trước tình trạng đổ xô tìm nguồn « vàng trắng » được báo trước như vậy, châu Âu hy vọng tháo gỡ khó khăn bằng cách đẩy mạnh khai thác dưới lòng đất của mình.

Trữ lượng lithium chủ yếu của châu Âu tập trung ở Bồ Đào Nha, Đức, Áo và Phần Lan. Tại Pháp,năm 2018, cơ quan nghiên cứu địa chất và mỏ đã lên thống kê các khu có trữ lượng lithium ở Alsace, vùng núi miền Trung và ở vùng Bretagne.

Những năm qua đã bắt đầu xuất hiện nhiều dự án khai thác lithium ở châu Âu. Dự án khả thi nhất là ở Phần Lan. Sản xuất lithium có thể được khởi động vào năm 2024 nhờ việc khai thác một mỏ nhỏ nằm cách thủ đô Helsinki 600 km về phía bắc, theo nhà kinh tế địa chất Christian Hocquard.  « Tại Cộng Hòa Séc, công ty Úc European Metals đang muốn khai thác một mỏ thiếc cũ nằm ở phía bắc Praha. Nhiều dự án tương tự cũng đã có ở Đức và Áo. Nhìn chung đó là những dự án khai thác mỏ do các doanh nghiệp nhỏ thực hiện. Các công ty lớn thích đầu tư tại Úc hay Mỹ Latinh hơn», nhà địa chất này cho biết thêm.

Dân chúng phản đối

Hôm thứ Hai 24/10, tập đoàn khai thác mỏ Imerys đã thông báo từ nay đến 2027 sẽ mở tại Pháp một trong số những dự án khai thác lithium lớn nhất Liên Hiệp Châu Âu. Ông Alessandro Dazza, tổng giám đốc của Imerys khẳng định ước tính trữ lượng của mỏ khoảng một triệu tấn ô-xít lithium. Từ năm 2028, dự tính mỗi năm sản xuất 34 nghìn tấn hydroxit lithium, kéo dài trong 25 năm. Sản lượng trên có thể phục vụ cho 700 nghìn xe điện sử dụng bình điện lithium-ion, mỗi năm, theo thẩm định của tập đoàn Imerys.

Tập đoàn Imerys đã phải mất 18 tháng thăm dò, nghiên cứu để xác định được lợi ích kinh tế của khu mỏ. Nhưng có một chướng ngại vật giữa đường của Imerys. Các dự án khai thác mỏ, như vẫn thường thấy, đã vấp phải sự phản đối của dân chúng địa phương. Tại Bồ Đào Nha, một khu khai thác mỏ lộ thiên, được cho là lớn nhất Tây Âu, dự kiến sẽ ra đời vào năm 2026. Các công trình hiện tại đang bị ngừng lại sau nhiều cuộc biểu tình của dân chúng. Theo các chuyên gia môi trường, việc khai thác mỏ lithium không tránh khỏi tích tụ các chất thải, gây ô nhiễm nguồn nước hoặc không khí.

Về phần mình, nước Pháp nghiên cứu giải pháp thay thế : Chiết xuất « lithium xanh ». Khác với việc chiết xuất từ quặng đá hay muối mỏ như truyền thống, loại « lithium xanh » được chiết xuất từ nguồn địa nhiệt.

Tại Alsace, dự án của châu Âu Lithium Địa nhiệt ( EuGeLi) đang đi đầu trong lĩnh vực này. Dự án này mới đây đã chiết xuất thành công những cân lithium sử dụng theo kỹ thuật địa nhiệt này. Hiện tại, kỹ thuật này vẫn còn quá đắt để có thể sản xuất trên quy mô công nghiệp, theo các chuyên gia.

Một hướng thay thế khác là tập trung vào tinh lọc thay vì khai thác. Hồi đầu tháng 6, một dự án tại Đức đã được công bố. Theo đó, từ nay đến 2025, công ty Viridian sẽ mở một nhà máy sản xuất lithium cho bình điện của Pháp đầu tiên tại Đức. Nhà máy sẽ được cung cấp quặng mỏ từ Mỹ Latinh và có tham vọng từ nay đến năm 2030 sản xuất 100 nghìn tấn hydroxit lithium. Nhưng từng đó chưa đủ để giải quyết vấn đề tự chủ về nguyên liệu.

Trên phương diện môi sinh, cách làm như vậy là có lợi nhiều. Hiện tại quặng mỏ hầu như được chuyển qua Trung Quốc để tinh chế. Trong những năm tới, Liên Hiệp Châu Âu dự trù mở ba công xưởng cực lớn sản xuất bình điện và tinh luyện lithium trên lãnh thổ của mình để có thể tiết kiệm hàng nghìn cây số vận chuyển. 

Hướng tái chế bình điện

Nhưng dù thế nào, tất cả những dự án đang được hiện thực của châu Âu cũng sẽ không thể cạnh tranh với những mỏ muối ở châu Mỹ Latinh hay sản lượng của Úc, theo giới chuyên gia. Trái lại, lĩnh vực có thể giúp châu Âu thực sự thoát khỏi bế tắc đó là tái chế lithium từ bình điện cũ.

Hiện tại, số lượng kim loại này để tái chế còn có hạn vì các loại bình điện lithium mới ra đời cách đây 10 năm. Đến năm 2035, chúng ta sẽ có số lượng lớn bình điện cho xe chạy điện hết hạn sử dụng và sẽ có một kho lớn để tái chế. Theo Đại học Louvain, đến năm 2050, Liên Hiệp Châu Âu có thể được bảo đảm từ 40% đến 75% nhu cầu về kim loại nhờ vào tái chế. Như vậy sẽ góp phần đáng kể vào việc bảo đảm nguồn cung cũng như giảm đáng kể tác động môi trường.  

Để làm được điều đó, ngay từ bây giờ các nhà chế tạo phải thiết kế các sản phẩm của họ theo hướng dễ tái chế, giá thành rẻ.  Ngoài các vấn đề đặt ra như vậy, Lithium không chỉ là nguyên liệu thiết yếu cho bình điện xe chạy điện mà còn có trong rất nhiều vật dụng hàng ngày. Vì thế vấn để cốt lõi vẫn là làm sao tiết kiệm hơn nữa sử dụng nguyên vật liệu.

Theo France 24.com