Lại… thuế!

Núp dưới cái gọi là “bảo vệ môi trường” để móc túi người dân, Bộ Tài chính CSVN vừa có văn bản gửi 6 Bộ là Xây dựng, Công Thương, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường đề nghị việc thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Sự kiện này đang gặp rất nhiều phản đối của dư luận.

Thực tế, khi sử dụng xăng dầu, người dân phải đóng thuế bảo vệ môi trường lên đến 4.000 đồng/lít – để xử lý các chất độc hại từ xăng dầu, trong đó có khí thải. Giờ nhà cầm quyền lại bắt dân đóng phí cho khí thải; nghĩa là đánh cả thuế lẫn phí cho cùng một loại nguồn ô nhiễm. Đây là lý do phản đối của dư luận vì thuế chồng thuế, phí chồng phí.

Một lý do khác khiến đề án thu phí khí thải của nhà cầm quyền CSVN trở nên thiếu thuyết phục, đó là trong phương tiện giao thông, đã có quy định tiêu chuẩn mức xả thải ra môi trường. Ví dụ ô tô có các tiêu chuẩn như Euro 2, Euro 1. Như vậy, phương tiện giao thông muốn lưu thông cũng đã được kiểm định chất lượng, trong đó có chuẩn khí thải. Vì sao họ đã đạt chuẩn lưu hành rồi còn bắt đóng thêm phí khí thải?

Ở một khía cạnh khác, trước khi thu phí khí thải ô nhiễm môi trường, nhà cầm quyền CSVN cần trả lời dư luận việc khí thải phương tiện giao thông tác động như thế nào đến môi trường. Ví dụ, như con số đánh phí dựa trên tính toán nào? Cần so sánh tác động khí thải phương tiện giao thông lên môi trường với tác động từ vấn đề công nghiệp hóa, khai thác khoáng sản, xây dựng… Bởi thực tế đối tượng của khí thải rất rộng, ở khắp các ngành chứ không riêng gì các phương tiện vận tải. Việc chỉ thu phí từ người sử dụng từ xe máy, ô tô là không công bằng, không phù hợp với thực tiễn, thiếu sự nghiên cứu, đánh giá khoa học.

Bên cạnh đó, giới lãnh đạo cộng sản cũng cần phải chứng minh những khoản thu này được sử dụng đúng mục đích và đã, đang và sẽ có đóng góp, cải thiện, bảo vệ môi trường. Bởi người dân đang phải đối diện với một thực tế là môi trường mỗi lúc một ô nhiễm, cây xanh bị chặt, rừng bị phá nhiều hơn. Trong khi, thuế môi trường thu được bao nhiêu, sử dụng ra sao để bảo vệ môi trường, dự án nào, thường không được nhà cầm quyền giải trình rõ ràng. Vì vậy, khi chưa chứng minh được là sử dụng tốt thuế môi trường thì không có lý do gì để thu thêm của người dân. Nếu chỉ nhân danh môi trường để tận thu rồi lấy tiền thuế, phí của dân chi tiêu cho việc khác là không minh bạch.

Có thể nói, hiệu quả bảo vệ môi trường của việc đánh phí khí thải là không, nhưng những hệ lụy tiêu cực của đề án trên đến vấn đề kinh tế-xã hội là nhãn tiền.

Bởi nếu thêm phí cho khí thải, giá bán lẻ xăng chắc chắn sẽ tăng. Trong khi xăng dầu là mặt hàng mang tính chất đầu vào của cả nền kinh tế. Vì vậy có thể dẫn tới lạm phát và sẽ kéo theo giá của các mặt hàng khác tăng lên theo. Hiện nay, thu nhập của người dân vẫn chưa cao, việc sinh hoạt hàng ngày vẫn còn rất nhiều khó khăn, nếu giá hàng hoá tăng cao, sẽ làm cho cuộc sống của người dân càng khó khăn hơn.

Một vấn đề đáng lo ngại khác đó là chi phí vận chuyển tại Việt Nam hiện đã rất cao. Trong đó, tổng mức thuế, phí chiếm tới 54% giá thành của mặt hàng xăng dầu. Nếu loại phí khí thải tiếp tục đánh trên xăng dầu, sẽ đẩy cao mức giá các mặt hàng xuất khẩu. Khi giá của hàng hoá tăng cao, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ ngày càng yếu trên thị trường quốc tế vì phải gánh quá nhiều loại phí.

Bên cạnh đó, việc thu thêm phí môi trường khí thải sẽ gây tác động tiêu cực đến thị trường ô tô tại Việt Nam. Ô tô tại Việt Nam đã chịu các loại thuế, phí như: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí đăng ký và lấy biển số xe, phí trước bạ, phí bảo hiểm dân sự, phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ… Quá nhiều các thứ thuế, phí chồng chất khiến giá xe tại Việt Nam cao bậc nhất thế giới. Và nếu phí khí thải được áp dụng, sẽ tăng thêm gánh nặng cho người dân khi sử dụng ô tô. Điều đó sẽ khiến “ước mơ” được sở hữu xe ô tô với nhiều người Việt thêm xa vời.

Còn đối với những người sử dụng xe gắn máy, đa phần là những lao động bình thường hoặc người có thu nhập thấp. Với hệ thống giao thông công cộng nghèo nàn như ở Việt Nam, họ thường không có nhiều lựa chọn khác ngoài việc vẫn phải sử dụng phương tiện cá nhân. Áp lực thuế, phí khiến xăng tăng giá, trong khi thu nhập thì vẫn giữ nguyên, đồng nghĩa với việc họ sẽ phải chắt bóp những chi tiêu, sinh hoạt thường ngày. Những bữa cơm có thể sẽ đạm bạc hơn, những nhu cầu học tập, giải trí cũng theo đó mà bị thu hẹp dần.

Từ những nguy hại trên, có thể thấy, lý do mà Bộ Tài chính đề xuất đánh phí đối với khí thải không phải giải pháp thực sự vì dân, vì sự phát triển nền kinh tế hay bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh áp lực trả nợ quốc tế tăng, ngân sách chi cho việc đầu tư tượng đài nghìn tỷ, cao tốc bỏ không, dự án đội vốn, v.v… quá lớn, vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế. Đây mới là nguyên nhân chính dẫn đến việc CSVN phải tìm nguồn thu mới, khiến phí chồng phí.

Một nền kinh tế được quản trị tốt phải hướng đến việc không ngừng giảm gánh nặng chi phí, tăng lợi ích cho toàn dân, chứ không phải là suốt ngày nghĩ cách tăng mức thu thuế để bù thâm hụt cho những khoản tiêu xài hoang phí. Muốn vậy, Bộ Tài chính nên nghĩ đến các biện pháp cắt giảm chi phí ở các cơ quan hơn là bắt dân phải còng lưng nuôi những kẻ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

Ngô Đồng
https://viettan.org