Khái Niệm về Xã hội Dân Sự

Trong thời gian vừa qua, giới lướt mạng bắt gặp khá nhiều bài viết sâu sắc về sinh hoạt Xã Hội Dân Sự (XHDS) ở Việt Nam. Đặc biệt là những bài đăng trên trang Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, trang Dân Luận… hoặc, trên trang blog cá nhân của nhà báo Đoan Trang.

Tất cả đã ngầm khuyến khích không ít độc giả chịu khó truy cập Wiki, hoặc truy tìm ở một số trang khác, để quay lại tìm hiểu thêm ở mức khái niệm cơ bản: Sinh hoạt XHDS là gì, với những đặc điểm nào, phát triển ở VN ra sao…

Trang nhà sẽ lần lượt gửi đến các bạn một số loạt bài liên quan đến Xã Hội Dân Sự của tác giả Lưu Tấn Đông.

 

Lưu Tấn Đông
Khái niệm về XHDS - Phần 1

Loạt bài này chỉ nhằm ghi chép lại những khái niệm cơ bản đó, và rất mong được bè bạn trên Facebook cùng góp ý, điều chỉnh, bổ khuyết...

1. Nguồn gốc
Có nhiều luận thuyết về nguồn gốc của thuật ngữ “XHDS”, nhưng phần lớn cho rằng nó xuất hiện ở châu Âu vào khoảng 1400.

Gần đây, XHDS được nói nhiều từ nguồn gốc tiếng Pháp là Société Civile, tiếng Anh là Civil Society, do đó, cũng có những cách diễn đạt khác nhau là Xã Hội Dân Sự và Xã Hội Công Dân.

Dù vậy, điểm chung mà nhiều người đồng ý là: Sự hình thành và phát triển của XHDS đánh dấu một bước tiến trong cách tổ chức xã hội con người, bao gồm các định chế công quyền, các luật lệ, và các quy tắc nhà nước của đời sống xã hội.

2. Định nghĩa
Theo Liên minh vì Sự tham gia của Công dân – CIVICUS: XHDS là “Diễn đàn giữa gia đình, nhà nước và thị trường, nơi mà mọi con người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung.

Theo Trung tâm XHDS của trường Đại học Kinh tế London: “Xã hội dân sự bao gồm các hoạt động tập thể tự nguyện xung quanh các giá trị, mục tiêu, ý thích chung. Xã hội dân sự thường được hình thành dưới dạng các tổ chức như các hội từ thiện, các hiệp hội, các công đoàn, các nhóm tương trợ, các phong trào xã hội, các hiệp hội kinh doanh, các liên minh, và các đoàn luật sư”.

Theo N.M.Voskresenskaia và N.B.Davletshina trong quyển Chế độ Dân chủ, Nhà nước và Xã hội, thì: “Xã Hội Dân Sự là xã hội trong đó các tổ chức khác nhau của các công dân như đảng phái, công đoàn, hợp tác xã, nhóm,... thực hiện mối liên hệ giữa công dân với nhà nước; không để cho nhà nước áp bức các công dân đã tạo dựng ra nó”.

Tức là có nhiều định nghĩa khác nhau tùy theo góc nhìn và lãnh vực ảnh hưởng. Nhưng từ góc nhìn đấu tranh và phát triển đất nước của các lực lượng dân chủ, thì phát triển XHDS là tiến trình hình thành các định chế và hoạt động xã hội để:

• Người dân có thêm phương tiện tự đấu tranh cho quyền lợi của chính mình trên nhiều lãnh vực, mà không cần và không phải thông qua nhà cầm quyền;
• Tạo thêm nhiều thẩm quyền trong tay người dân bằng nỗ lực chuyển dời quyền lực từ trong tay giới cầm quyền độc tài về tay quần chúng.

 

3. Đặc tính
XHDS có các đặc tính cơ bản sau:
• Là tổ chức ở ngoài nhà nước, là đối tác với nhà nước.
• Hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện (có tổ chức).
• Tự chủ, tự quản, độc lập về tài chính (tự trang trải).
• Hình thức tổ chức các định chế này rất đa dạng.
• Mục tiêu chung là vì sự phát triển của cộng đồng, phần lớn là những tổ chức phi lợi nhuận.

 

4. Các nhân tố hợp thành XHDS
Các bộ phận, nhân tố của XHDS gồm có:

a. Các tổ chức xã hội có tính đại diện từng giới như : thanh niên, phụ nữ, nông dân, công nhân lao động, cựu chiến binh v.v…

b. Các tổ chức xã hội có tính đại diện nghề nghiệp, ngành, lĩnh vực như: khoa học, văn học nghệ thuật, thương gia, luật gia v.v…

c. Các tổ chức phi chính phủ NGO (Non Governmental Organization), đây là thuật ngữ do Ngân hàng Thế giới (WB) đề xuất, được Liên Hiệp Quốc và nhiều nước sử dụng.

 

NGO - Tổ chức phi chính phủ.
PVO - Tổ chức tình nguyện tư nhân.
NPO - Tổ chức phi lợi nhuận.

d. Các phương tiện truyền thông đại chúng ngoài nhà nước, các nhà xuất bản, các đài, báo, … kể cả của tư nhân. Đây là bộ phận thường được gọi là quyền lực thứ tư bên cạnh 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

e. Các tổ chức từ thiện của tôn giáo và tổ chức nhân đạo.

f. Các tổ chức NGO quốc tế. Hiện nay có khoảng 200 NGO có tính toàn cầu lớn nhất, hoạt động ở rất nhiều nước với tầm ảnh hưởng quan trọng.

(Còn tiếp kỳ sau)

Lưu Tấn Đông
FB Việt Tân
https://www.facebook.com/viettan/photos/a.10151333017390620.561958.35182...