Hợp tác quốc phòng giữa CSVN và Hoa Kỳ

Nhằm khẳng định chủ quyền của mình trên Biển Đông, chỉ trong vòng một thời gian ngắn Trung Cộng đã dồn mọi nỗ lực bồi đắp các bãi đá ở Trường Sa thành đảo nhân tạo. Việc nhanh chóng biến Trường Sa thành những căn cứ không - hải cho thấy là Bắc Kinh không giấu giếm ý đồ khống chế hải lộ này bằng vũ lực, đặt thế giới trước một sự đã rồi.

Cách hành xử sai lầm ấy gây ra tình trạng căng thẳng chẳng những trong khu vực mà còn buộc một cường quốc biển từng hiện diện nơi đây suốt 70 năm qua phải hành động. Hoa Kỳ đã lên tiếng và hành động mạnh mẽ, công khai liên kết với các quốc gia trong vùng đẩy mạnh chiến lược xoay trục về Á Châu, nơi mà ngày nay họ thường xuyên bị thách thức.

Trong bối cảnh đầy bất trắc, các quốc gia trong vùng đều tìm thấy những phương cách riêng của mình trước hết để phòng thủ và bảo vệ đất nước, sau nữa là đi tìm thế liên minh với các nước khác để tồn tại trước chủ nghĩa bá quyền Trung Cộng.

Việt Nam tuy có bờ biển trải dài hàng nghìn cây số nhưng chưa bao giờ chú trọng đúng mức tới lợi thế thiên nhiên của mình về hướng đông. Ngày nay, với sự bành trướng và o ép của người bạn láng giềng “đồng thời là đồng chí anh em trong nhà” sau khi xảy ra vụ giàn khoan HD 981, CSVN bắt đầu nhìn thấy con đường “hữu nghị” không những không còn an toàn mà có thể đe dọa sự tồn tại của chế độ từ bên trong.

Trong bối cảnh đó, chuyến viếng thăm Việt Nam của Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ trong hai ngày sau khi dự Diễn Đàn Đối Thoại Shangri-La hôm đầu tháng 6 vừa qua là một diễn biến, đã làm tăng độ lệch về phía CSVN với Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Nói cách khác, chuyến đi của Bộ trưởng quốc phòng Carter đã thúc đẩy CSVN tiếp cận nhiều hơn với Hoa Kỳ.

Sự kiện hai bộ trưởng quốc phòng của hai nước ký kết bản tuyên bố “Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ” bao gồm 5 điểm đã mở ra một chân trời mới về những hợp tác cụ thể giữa hai nước trong tương lai.

Với vị trí đặc biệt của mình trong bàn cờ chiến lược, sự xích lại gần hơn với Hoa Kỳ chẳng những tạo cho Việt Nam một thế đứng mới trước áp lực Trung Cộng mà còn mở ra ba viễn cảnh quan trọng cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Thứ nhất, sự hợp tác về quân sự vốn đã có từ nhiều năm qua nay sẽ được củng cố chặt chẽ hơn qua các chương trình như tìm kiếm quân nhân mất tích, tẩy độc dioxin, rà phá bom mìn. Những chương trình này tuy cũ nhưng vừa được nhắc lại trong tuyên bố chung. Khi tiếp tục cùng nhau làm việc trong những chương trình này, sẽ là cơ hội tìm hiểu và tăng thêm sự gắn bó giữa quân đội hai nước trong tương lai.

Trước mắt khi tới thăm Bộ Tư Lệnh Hải quân và Bộ Tư Lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, ông Carter cam kết sẽ cung cấp 18 triệu đô-la để giúp Việt Nam mua tàu tuần tra tối tân của Mỹ hầu cải thiện khả năng phòng vệ biển của Hà Nội. Tại Cảng Hải Phòng, ông Carter cũng khẳng định thêm: “Chúng ta phải hiện đại hoá quan hệ đối tác song phương. Sau 20 năm bình thường hóa bang giao, có rất nhiều điều mà hai nước có thể hợp tác để làm việc với nhau.”

Món quà đầu tiên 18 triệu đô-la tuy không phải là lớn so với hơn 400 triệu mà Thượng nghị sĩ McCain hứa vận động viện trợ cho các nước Đông Nam Á gia tăng phòng thủ, nhưng đó cũng là khúc dạo đầu đầy hấp dẫn để tiến tới tương lai.

Thứ hai, từ khi Trung Cộng ngang nhiên kéo giàn khoan HD 981 vào vùng biển Việt Nam, Hà Nội sau đó đã hoàn toàn ý thức được rằng lực lượng hải quân của họ sẽ không làm được gì hơn trước Hạm đội Nam Hải hùng mạnh trong vùng. Nay những cuộc diễn tập hàng năm trên biển Đông đầy hứa hẹn với hải quân Hoa Kỳ và hải quân các nước khác, chắc chắn sẽ làm tăng khả năng tác chiến trên biển của hải quân Việt Nam. Từ đó cải thiện khả năng chỉ huy, kỹ thuật hành quân để bảo vệ lãnh hải một khi trong tương lai xảy ra sự đối đầu với Trung Cộng.

Thứ ba, sự hợp tác này cũng mở ra một chân trời mới cho CSVN trong việc tham gia vào các chương trình hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Trong khuôn khổ các nỗ lực đẩy mạnh hợp tác quốc phòng giữa hai nước, ông Ashton Carter loan báo Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam thành lập một trung tâm huấn luyện binh sĩ để tham gia các chiến dịch gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc.

Đồng thời, Hoa Kỳ sẽ đưa một chuyên gia về công tác gìn giữ hoà bình tới làm việc ở Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội. Từ sự trợ giúp này, trong tương lai Việt Nam có khả năng tham gia vào đội quân gìn giữ hòa bình tại những quốc gia có sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, điều mà Việt Nam đang mong muốn.

*

Với những viễn cảnh nói trên, rõ ràng quân đội CSVN buộc phải càng ngày càng đi gần hơn với Hoa Kỳ. Không chỉ riêng trong lãnh vực quốc phòng, Việt Nam còn có thể mở rộng giao tiếp sang nhiều lãnh vực khác, nhất là về kinh tế, xã hội, giáo dục... sau khi CSVN chính thức gia nhập TPP.

Những diễn tiến này ít nhiều đã trở thành động lực đủ để CSVN giảm thiểu vào sự lệ thuộc Bắc Kinh. Tuy nhiên đối với CSVN, mọi chuyện đang còn ở phía trước do hệ thống quyền lực của đảng đang sắp xếp thay đổi đầy bất trắc trước đại hội 12 vào tháng 1/2016.

Phạm Nhật Bình

5/6/2015.