Gạc Ma: 14 tháng 3- Ngày của nỗi đau và uất hận!

Lời giới thiệu:

Trong bài thơ nhan đề: “THÁNG BA, NGÀY 14, VIỆT NAM ƠI!” hướng về các chiến sĩ đã gửi thân xác lại vùng biển Trường Sa trong trận chiến Gạc Ma, Giáo sư Hà Văn Thịnh đã uất nghẹn hỏi rằng “Sao tôi chẳng được quyền kể về các anh? (Và nếu) Lỡ gọi tên (các anh)  có thể là tù tội”.

Dưới tựa đề “14 tháng 3- Ngày của nỗi đau và uất hận!” để giới thiệu cho bài thơ vừa kể, nhà văn Nguyễn Quang Lập đã viết trên trang blog ngày 13/3/2012 của mình như sau: 
“Trong một cuộc thẩm vấn người biểu tình chống Trung Quốc, một sĩ quan công an đã hỏi Gạc Ma là cái gì? Nếu anh ta hỏi Gạc Ma ở đâu, chuyện gì xảy ra ở đó thì hảy còn dễ hiểu, đằng này anh ta lại hỏi Gạc Ma là cái gì? Thật là kinh khủng. Đó là hậu quả cuả những nổ lực thảm hại đánh đu với 16 chữ vàng. Sự ngu tín hóa toàn dân đã dẫn đến những hậu quả đau lòng và nhục nhã. Đảm bảo cho đến bây giờ vẫn có nhiều người như sĩ quan công an kia không biết Gạc Ma là cái gì, như một ông bí thư chi bộ vẫn đinh ninh Hoàng Sa chỉ là bãi chim ỉa.

Hôm nay không một tờ báo nào trên tất cả các báo lề phải nhắc đến sự kiện Gạc Ma 14/3/1988. Đó cũng là một nỗi đau và nhục nhã. Nực cười thay, sự im lặng khốn cùng ấy được đánh tráo bằng hai chữ hữu nghị! “
DĐ/CTM xin trân trọng gửi đến quý độc giả bài thơ “THÁNG BA, NGÀY 14, VIỆT NAM ƠI!” của giáo sư Hà Văn Thịnh.

THÁNG BA, NGÀY 14, VIỆT NAM ƠI!

Hà Văn Thịnh

Tháng Ba

Mùa Xuân chở mây ra khơi xa
Nước xanh như màu mây ấy
Biển thét gào nỗi đau sống dậy:
64 linh hồn uất nghẹn
Gạc Ma!

Tháng Ba

Tự cổ chí kim chưa thấy bao giờ:
64 người con hy sinh vì Tổ Quốc
Chết cho Nước khỏi sống quỳ sống nhục
Bị biến thành ma!?

Tháng ba

Sao tôi chẳng được quyền kể về các anh?
Lỡ gọi tên có thể là tù tội
Anh dũng hiên ngang bị vùi trong bóng tối
Việt Nam ơi, nhức mỏi đến bao giờ?

Tháng Ba

Nỗi đau Ngày Mười Bốn Tháng Ba
Năm có hai số tận cùng Phát Phát (1988)
Các anh chết để cho ai phát tài, phát nhát?
Phát cả tai ương – dân tộc đoạ đày
Phát cả nỗi căm hờn thành hữu hảo chua cay…

Tháng Ba

Xương cũng hoá thành bùn héo rũ những vòng hoa
Thành mười sáu chữ vàng nhức buốt
Lũ giặc Tàu nghênh ngang cùng lũ chuột
Rứt rỉa đau thương bày tiệc trận cười!

Tháng Ba

Chẳng có cái chết nào có thể hoá phôi pha
Dẫu bạo ngược cường quyền muốn thế
Dẫu cuộc đời ngập chìm dâu bể
ViệtNamơi, không khiếp sợ, bao giờ!

Tháng Ba

Chúng muốn ta quỳ mỏi gối xin cho
Để Hoàng Sa, Trường Sa máu cuộn cùng nước mắt
Các anh đã hy sinh để hôm nay, sự thật
Tổ Quốc biết những gì CÒN – MẤT
Từ những ngọn sóng xanh bầm đỏ căm thù!

Tháng Ba

Nỗi đau ngày đuổi tận mơ đêm
Cả dân tộc nhớ thương bằng tiếng thĩ thầm
Khen kẻ ngoài là chê bên trong dở
Nhắc lại ngày xưa là chê thời nay đó
Thuỷ Hoàng ư? Khép nép tẽn tò…

Tháng Ba

Tôi viết bài ngợi ca người Nhật
Tsunami! Chẳng thèm rơi nước mắt
Bonsai như nửa nụ cười…
Có kẻ chỉnh nhắc rằng, khen ít lại, vừa thôi!

Tháng Ba

Ngày mười bốn, mỗi năm
Người Việt nào cũng khóc
Khóc bởi 24 năm qua không biết chỗ
Các Anh nằm
Khóc bởi biết rằng trong chốn mù tăm
Các anh hiểu hàng triệu người vẫn nhớ!

Tháng Ba,

Không thể gọi là thơ những câu chữ ghép vần
Nhưng tiếng trái tim của muôn người là sự thật
Lịch sử sẽ ghi những dòng tươi sáng nhất
Tên các anh
Mãi mãi rạng ngời
Trong bất khuất Lạc Hồng
Sống mãi, Việt Nam ơi!…

Huế, tháng Ba, 2012.
Theo BVN.
http://bolapquechoa.blogspot.ca/2012/03/14-thang-3-ngay-cua-noi-au-va-ua...