Di sản Đông Đức 25 năm sau ngày thống nhất

Hai mươi lăm năm sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, nước Đức Thống Nhất, cùng với ngân khoản khổng lồ để tái thiết những vùng trước kia ở bên kia bức màn sắt của nước Đức lên tới một ngàn năm trăm tỷ Euros, khoảng 2000 tỷ mỹ kim, hai miền của nước Đức nay vẫn còn nhiều khác biệt từ kinh tế đến con người. Một bản tin của AFP vào cuối tháng 10 vừa qua (1) cho biết như vậy. Ngân khoản to lớn vừa kể (ước tính cho đến nay) là khoản tiền thuế phụ trội 5.5% có tên gọi là thuế “đoàn kết” (solidarity tax) mà người dân Tây Đức phải đóng thêm từ năm 1991 cho đến năm 2019 để tái thiết lại Đông Đức sống dở chết dở sau bao nhiêu kế hoạch ngũ niên của nhà nước cộng sản Đông Đức.

 

Một bản tin khác của AFP tháng trước đó (2) thuật lại một số chi tiết trong bản báo cáo hàng năm, đánh giá về việc tái thiết Đông Đức để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 25 năm nước Đức thống nhất năm nay, tuy có đưa ra hình ảnh tích cực hơn của Đông Đức sau 25 năm nước Đức thống nhất, nhưng vẫn cho thấy những nét ảm đạm của “di sản Đông Đức”.

Bản báo cáo vừa kể của bà Iris Gleicke, đại diện của những tiểu bang “mới” cho biết, mặc dù việc tái thiết 5 tiểu bang thuộc Đông Đức cũ đã đạt được nhiều tiến triển và hài lòng về “bức tranh tổng thể”, cũng như đã thành công phần lớn trong việc hội nhập của người dân Đông Đức, nhưng vẫn còn một khoảng cách đáng kể giữa hai miền trong lãnh vực kinh tế và công ăn việc làm. Mặc dù lợi tức bình quân đầu người của người dân Đông Đức nay đã tăng gấp đôi so với lúc bức tường Bá Linh vừa sụp đổ vào năm 1990, nhưng lợi tức này nay vẫn chỉ bằng khoảng 2/3 lợi tức bình quân của người dân Tây Đức, trong khi đó thì sự thịnh vượng của Tây Đức gần gấp đôi Đông Đức. Bản báo cáo này còn cho biết, từ năm 1995 đến năm 2013 nền kinh tế ở Đông Đức tăng trưởng 20%, cùng thời gian đó kinh tế Tây Đức Tăng trưởng 27%.

Theo bản báo cáo thì con số ít ỏi các công ty lớn di chuyển sang Đông Đức là yếu tố quan trọng làm cho năng suất lao động của người dân vùng này thấp kém, điều này cũng khiến sự hội nhập của người dân Đông Đức trong mấy năm vừa qua chậm lại. Mặt khác, nền công kỹ nghệ ở Đông Đức sau năm 1990 chỉ gồm những công ty loại trung bình và nhỏ. Không có một công ty nào có tên niêm yết trên thị trường chứng khoán DAX của Đức đặt trụ sở của họ ở phía Đông Đức. Các công ty đa quốc gia đặt trụ sở ở phía Tây Đức vì điều kiện làm việc tốt hơn, họ cũng trả lương cao hơn, và nhờ thế họ mới giữ được lực lượng lao động có tay nghề và năng suất cao.

 

Theo các con số chính thức thì tỷ lệ thất nghiệp ở phần đất Đông Đức là 10.3%, dù rằng trong năm 2013 Đông Đức đã hạ được tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất kể từ khi nước Đức thống nhất đến nay; trong khi tỷ lệ đó ở Tây Đức chỉ khoảng 6%. Mười năm trước đây tỷ lệ thất nghiệp ở Đông Đức lên đến 18.4%, gấp đôi ở Tây Đức. Một báo cáo khác của viện nghiên cứu kinh tế Ifo công bố gần đây cũng cho thấy một hình ảnh tương tự.

Theo một cuộc thăm dò vào cuối tháng 9 thì có đến 75% “Ossis”, tức những người ở Đông Đức cũ như ở Đức vẫn gọi họ, thấy nước Đức thống nhất là sự kiện tích cực, trong khi đó chỉ có 48% "Wessis" (người ở phía Tây Đức) cảm nhận tương tự. Nhiều người dân Đông Đức thuộc thế hệ già cả vẫn nuối tiếc hệ thống y tế và giáo dục “bao cấp” thời cộng sản.

Nhìn chung thì ai cũng phải thừa nhận những nguyên nhân, sự khác biệt và yếu kém của nền kinh tế Đông Đức cũ dưới chế độ cộng sản. Nó để lại một di sản nặng nề và tồi tàn cho nước Đức sau khi thống nhất. “Việc tái thiết (Đông Đức) vẫn chưa xong, rõ ràng là như vậy. Tuy nhiên đã thấy ánh sáng ở cuối đường hầm”. Ông Michael Burda, kinh tế gia ở đại học Humboldt, Berlin, đã nhận xét như vậy khi nhìn lại chặng đường 1/4 thế kỷ bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức thống nhất.

 

---

(1) Theo ước đoán của giáo sư Thomas Lenk, đại học tài chánh công Leipzig (public finance at Leipzig University), 25 years on, Germany's east-west divide still palpable (http://news.yahoo.com/25-years-germanys-east-west-divide-still-palpable-...)

(2) Eastern Germany still lags 25 years after Berlin Wall's fall, (http://news.yahoo.com/eastern-germany-still-lags-25-years-berlin-walls-2...)

 

Theo FB CTM