Chuyện đất đai ở Việt Nam.

ĐẤT

Đất là tất cả. Là cội nguồn cuộc sống, là nước mắt tổ tiên, là mồ hôi cần lao của bao nhiêu thế hệ. Bất kỳ ai dù có mất tất cả, vẫn bằng mọi giá giữ được mảnh đất thiêng liêng của mình.

Ảnh: Những người nông dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Tp Hà Nội, quyết giữ đất đã đồng tâm bắt hàng chục cảnh sát cơ động nhốt lại, đòi nhà cầm quyền thả những người và đáp ứng các yêu sách của mình.

Đô thị hoá đang cuốn phăng những miền quê với tốc độ chóng mặt. Đất đai tăng giá trị. Nhưng nghịch lý là những người chủ thật sự không được thừa hưởng nó. Ngày hôm trước mảnh đất được đền bù với giá một tô phở. Ngày hôm sau đã thành cao ốc giá nghìn đô. Đó là một thực tế chát chúa nhưng phổ biến.

Luật sở hữu toàn dân đang khiến bất kỳ ai cũng tạm bợ trên chính đất của mình. Chỉ được quyền sử dụng nhưng không có quyền định đoạt. Điều này khiến đất của họ rất dễ bị thu hồi theo barem của dự án giáo dục, quốc phòng, an sinh xã hội...mà một thời gian sau sẽ xuất hiện yếu tố thương mại của một Doanh Nhân (DN) nào đó. Điều đáng lẽ từ đầu DN phải thương lượng với dân đền bù theo giá thị trường.

Đánh tráo quy hoạch là hình thức lợi ích nhóm vô cùng phổ biến. Nơi đó, chính quyền thành công cụ của DN. Điều này lí giải vì sao đất đai chiếm gần 80 phần trăm số vụ khiếu nại ở đất nước này.

Chưa một nhà báo nào chưa từng bị dân bíu lấy nhờ cứu giúp. Chưa nhà báo nào không thấy cảnh oan dân căng băng rôn gào thét ở đâu đó. Khi nghe chuyện một bà má miền Tây giăng mùng ngủ ở Hà Nội hàng chục năm. Lúc biết tin một lão nông nửa đời đi kiện đòi đất rồi chết đi khi công lý còn chưa kịp đến. Đất, thành nỗi đau...

Luật cũng quy định khi lấy đất của dân phải tạo nơi ở mới điều kiện sống tốt ngang hoặc hơn nơi cũ. Nhưng thực tế họ bị xua đến những nơi tồi tàn xa nơi cũ. Họ ít khi được ở lại trên chính mảnh đất của mình khi nó biến thành cao ốc hoặc trung tâm thương mại.

Uất ức là lẽ đương nhiên. Xung đột cũng vậy. Mỗi cuộc giải phóng mặt bằng trở thành chiến tranh thật sự. Những khu quy hoạch được treo hàng chục năm vì không thể giải phóng mặt bằng. Dân và chính quyền thi gan xem ai đầu hàng trước.

Tôi không nghĩ dân sẽ đối đầu với chính quyền minh bạch và hài hoà lợi ích. Nhất là biết tôn trọng họ. Dân cũng sẽ tôn trọng bất cứ DN nào tạo ra thặng dư và phân phối nó một cách sòng phẳng. Thay vì mưu lợi bằng cách chiếm đoạt đất của họ một cách trắng trợn bằng dã tâm và thủ đoạn.

Tiếng súng Văn Vươn, xung đột Vũng Tàu và hiện tại là chiến trận Đồng Tâm. Máu sẽ còn đổ trên đất nhưng đó là sự phản kháng tất yếu. Chừng nào chính quyền và DN còn xem đất của dân là một món lợi

FB Nguyễn Tiến Tường