Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ buộc tội các công ty hàng đầu của Đức ủng hộ khủng bố

Thông tấn xã Pháp (Agence France-Presse / AFP) ngày 19.07.2017 lúc 14:40 loan tin Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc các công ty của Đức hỗ trợ khủng bố.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa cho nhà chức trách Đức một danh sách những người bị cáo buộc ủng hộ khủng bố, trong đó có nhiều công ty Đức. Theo tin của tờ tuần báo "Die Zeit, danh sách có tên của 68 công ty và cá nhân đã được trao cho Sở cảnh sát liên bang Đức (Bundeskriminalamt/BKA) vài tuần trước đây. Trong số đó có các công ty lớn như Daimler và BASF, một quán ăn nhẹ có tên là Spätkauf-Imbiss  và một tiệm bán món thịt nướng Dörner Kebap ở tiểu bang Nordrhein-Westfalen.

Các công ty này được cho là có quan hệ đến phong trào của nhà giảng đạo Fethullah Gülen, là người mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan quy cho trách nhiệm về cuộc đảo chánh một năm trước đây. Theo báo „Die Zeit“ chính phủ Đức ở Berlin đánh giá danh sách này là "lố bịch" và „nực cười“. Sở cảnh sát liên bang Đức đã yêu cầu các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thêm tin tức, nhưng cho đến nay chưa nhận được câu trả lời nào. (AFP)


Fethullah Gülen
----------------------------
Theo TS. Dương Hồng Ân, Tổng thống Thổ Recep Tayyip Erdogan từ hơn một năm nay có nhiều hành động vi phạm nhân quyền trắng trợn, bắt bớ hàng chục ngàn người Thổ bị coi là đối lập, sa thải hàng trăm ngàn nhân viên, công chức, tướng lãnh, thẩm phán, giáo sư đại học, nhà báo, truyền thông, doanh nhân… quy cho họ tội hậu thuẫn phong trào đối lập Gülen. Bà Idil Eser, giám đốc tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International) ở Thổ Nhĩ Ký, cũng bị bắt giam từ đầu tháng 7. Chẳng những bắt người Thổ trong nước, mới đây tổng thống Thổ Erdogan còn bắt thêm 10 người Đức, trong đó có 7 người Đức gốc Thổ có lưỡng tịch Đức-Thổ, 2 người Đức gốc Thổ chỉ có quốc tịch Đức: ông Deniz Yücel, ký giả nhật báo Đức có tiếng „Die Welt" và bà Mesale Tolu Corlu, nhà báo tự do và thông dịch viên, và một người Đức thuần túy Đức: ông Peter Steudtner, một nhà hoạt động nhân quyền.

TT Erdogan rất „cay cú“ chinh phủ Đức vì họ không trục xuất, trả về Thổ Nhỉ Kỳ, các sỹ quan Thổ làm việc trong Minh ước Bắc Đại Tây Dương (Nato) xin tỵ nạn chính trị tại Đức. Để trả đũa TT Erdogan cấm không cho dân biểu quôc hội liên bang Đức thăm các binh lính Đức đóng quân tại căn cứ Incirlik và Konya ở Thổ trong chương trình chống khủng bố IS (ISIS). Ngoài những chuyện bắt bớ của Thồ Nhĩ Kỳ trả thù nước Đức, nhà độc tài Erdogan còn có thêm một sáng kiến mới mà không ai  ngờ được: nhà nước Thổ lập một „sổ đen“ ghi tên các công ty hàng đầu thế giới của Đức như Mercedes, BASF… buộc tội họ hỗ trợ quân khủng bố. Người ta tự hỏi tại sao nhà độc tài Thổ ở thế kỷ 21 lại hành dộng điên rồ như thế. Hậu quả cho Thổ Nhĩ kỳ đã rõ: các công ty kỹ nghệ Đức sẽ ngưng đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều người Đức sẽ tránh đi nghỉ hè tại Thổ, đơn xin gia nhập liên minh Âu Châu (EU) của Thổ sẽ bị khước từ, Đức và liên minh Âu Châu (EU) sẽ  xét lại việc viện trợ kinh tế cho Thổ…. Nhiều người, kể cả chúng tôi, không biết là Đức và liên minh Châu Âu vẫn còn viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù nước này nay đã là một „quốc gia phồn thịnh kinh tế“ được mời tham gia hội nghị thượng đỉnh G20 tuy chỉ trong tư thế là khách được mời. Câu hỏi tương tự Trung quốc và chế độ CSVN có còn nhận lãnh viện trợ của Đức và EU nửa hay không? Nếu còn thì quả là chuyện „ngược đời“.