Cựu tù nhân lương tâm Chu Mạnh Sơn đến Canada tị nạn

VOA Tiếng Việt

Ông Chu Mạnh Sơn, cựu tù nhân lương tâm tôn giáo chạy trốn từ Việt Nam sang Thái Lan 5 năm qua, vừa cùng gia đình tới Canada định cư.

Là nhà hoạt động trong nhóm Thanh niên Công giáo, từng bị chính quyền Việt Nam bỏ tù 30 tháng từ năm 2011-2014 vì tội “Tuyên truyền chống nhà nước”, ông Sơn nói với VOA rằng ông và vợ và hai con nhỏ đến thành phố Toronto của Canada hôm 29/9.

“Đến được Canada đối với tôi đó là một tương lai, tuy nhiên, việc phải ra đi như vậy là một điều rất buồn, bởi vì có quê hương, có người thân mà không thể trở về được.

“Mọi người ở đây - những người tôi quen biết và những người bảo trợ - ra đón làm tôi ấm lòng. Bản thân tôi ấm lòng, nhưng khi nghĩ về đất nước, quê hương làm tôi buồn hơn.”

Ông Sơn sang Thái Lan lánh nạn sau khi ông bị công an Việt Nam câu lưu hồi cuối tháng 4/2016 với cáo buộc “kích động người dân biểu tình” liên quan đến vụ scandal nhà máy của hãng Formosa làm ô nhiễm biển ở miền trung Việt Nam khi ông đến khu vực Hà Tĩnh ghi nhận tin tức về sự kiện cá chết tại đây.

Vào hồi tháng 4 năm nay, ông Sơn bị nhà chức trách Thái Lan câu lưu 4 ngày về tội nhập cảnh bất hợp pháp khi ông đến đồn cảnh sát để xin giấy xác nhận lý lịch tư pháp để hoàn tất hồ sơ tị nạn chính trị tại Canada do tổ chức VOICE Canada bảo trợ thông qua chương tị nạn của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR).

Thái Lan, quốc gia không phải là một bên tham gia Công ước về Người tị nạn năm 1951 của LHQ, xem mọi người đào tị là di dân bất hợp pháp.

Ông Sơn, 33 tuổi, chia sẻ VOA về lý do ông rời Việt Nam:

“Bản thân tôi luôn bị nhà cầm quyền theo dõi, có những hành động như đánh đập, bớt bớ, khủng bố tinh thần, theo dõi 24/24, đặc biệt là sau thảm họa môi trường Formosa, họ tìm cách bắt bớ tôi…”

Chính quyền Nghệ An chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA đề phát biểu của ông Sơn.

Vào năm 2011, cùng với nhóm Thanh Niên Công giáo, ông Sơn bị chính quyền Nghệ An kết án tù 30 tháng tù và một năm quản chế, cho rằng ông “rải truyền đơn kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội”, cáo buộc nhóm này là “thành phần Việt Tân” hoạt động “âm mưu lật đổ” chế độ.

Theo thống kê của tổ chức BPSOS, tính đến giữa năm 2021, có khoảng 4.203 người tị nạn tại Thái Lan, trong đó khoảng 892 người Việt Nam.