Công an Hà Tĩnh định chơi trò gì với vụ Nguyễn Văn Hóa?

Nhà hoạt động môi trường Nguyễn Văn Hóa (sinh năm 1995, trú tại thôn Quảng Ích, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã bị Công an Hà Tĩnh bắt cóc và tống giam từ ngày 11/1/2017, nhưng đến lễ giỗ tổ Hùng Vương ngày 6/4/2017, đột nhiên báo Hà Tĩnh và sau đó là nhiều báo đảng mới phát tin “Hà Tĩnh: Khởi tố, bắt khẩn cấp Nguyễn Văn Hóa (Việt Tân) vì kích động biểu tình gây rối”.

Ảnh: Nhà hoạt động môi trường Nguyễn Văn Hóa

Như vậy, cái tin được thông báo sốt dẻo trên hóa ra lại chậm đến gần 3 tháng sau khi Nguyễn Văn Hóa bị bắt. Về mặt thông tin và truyền thông, sự chậm trễ quá sâu như thế là bất lợi cho chính Công an Hà Tĩnh, bởi dư luận sẽ cho là cơ quan này khuất tất khi thực hiện bắt và tiến hành tố tụng hình sự đối với Nguyễn Văn Hóa.

Trong thực tế, nhiều trường hợp người hoạt động nhân quyền bị bắt giữ ở Việt Nam đã chỉ được cơ quan công an thông tin một thời gian khá lâu sau thời điểm bắt giữ. Bản thân độ trễ này đã là bằng chứng rất lớn về thói khuất tất của công an Việt Nam.

Nhưng câu hỏi đặt ra là trong khi dư luận xã hội  và giáo dân miền Trung thừa hiểu việc nhà hoạt động Nguyễn Văn Hóa đã bị bắt từ ngày 11/1 và chắc chắn đã bị tống giam kèm lệnh khởi tố, tại sao Công an Hà Tĩnh vẫn quyết định công bố quyết định này sau đó gần 3 tháng?
Trong bản tin của báo Hà Tĩnh với nội dung và giọng văn hầu như chỉ có thể lấy từ báo cáo của ngành công an, có một số nội dung đáng chú ý: 
“Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Tĩnh đã lập Chuyên án mang bí số V116 để đấu tranh và ra quyết định bắt đối tượng Nguyễn Văn Hóa”.
“Sau khi được lực lượng An ninh điều tra Công an Hà Tĩnh tuyên truyền giải thích, Hóa đã nhận thức rõ hành vi vi phạm pháp luật, thành khẩn khai báo và khuyên những ai đã, đang và sẽ ấp ủ hành vi sớm tỉnh ngộ, không theo vết xe đổ của Hóa để nhận sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”.

Ngay sau khi bản tin của báo Hà Tĩnh công bố, một số dư luận viên cho rằng việc khởi tố và tạm giam Nguyễn Văn Hóa là thể hiện thái độ “kiên quyết” của chính quyền đối với hành vi chống phá.
Nhưng lại có dư luận, sau khi “soi” kỹ bản tin trên, đã cho rằng nếu công an và chính quyền Hà Tĩnh, và chắc chắn đứng phía sau phải là Bộ Công an, muốn “xử” nặng Nguyễn Văn Hóa, thì đã không có chuyện cho báo đảng thông tin về “thành khẩn khai báo để nhận khoan hồng” của Hóa.

Dư luận cũng cho rằng từ trước tới nay, khá nhiều trường hợp trước khi thả người bị bắt, cấp công an bắt người lại tung tin trên báo đảng về người bị bắt đã “khai hết”, “được khoan hồng”… như một cách tác động tâm lý rằng người bị bắt đã “đầu hàng”, dù chẳng hề trưng ra được một văn bản giấy tờ hoặc bằng chứng nào về việc người bị bắt đã “thành khẩn khai báo” hay “hối hận”.

Trường hợp Công an TP.HCM thả hai blogger Nguyễn Quang Lập và Hồng Lê Thọ trong quá trình tạm giam để điều tra vào đầu năm 2015 là ví dụ điển hình. Trước khi được thả, cả hai blogger này đều được báo đảng tuyên truyền là “thành khẩn khai báo”.

Hay vụ Công an Hà Tĩnh bắt cóc nhà hoạt động Trương Minh Tam, tra tấn dã man, sau đó buộc phải thả ra cùng việc báo đảng tô hồng là “chiến công của ngành công an” cùng “đối tượng đã khai báo thành khẩn”… Chỉ có điều sau khi được tự do, nhà hoạt động Trương Minh Tam vẫn chẳng hề có dấu hiệu “hối cải” mà vẫn tiếp tục hoạt động phản đối tội phạm Formosa gây ô nhiễm biển miền Trung. 
Còn với vụ nhà hoạt động Nguyễn Văn Hóa, Công an Hà Tĩnh có thể muốn tiến hành một “trò chơi” gì?

Và nếu mục đích thông tin của báo Hà Tĩnh là để Nguyễn Văn Hóa được thả ra trong thời gian tới, việc thả này là do sức ép quốc tế về nhân quyền đối với chính quyền Việt Nam, hay do nhà cầm quyền buộc phải thả người để xoa dịu làn sóng biểu tình đang bùng nổ từ phía hàng trăm ngàn giáo dân Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung?

Theo ijavn.org