BI KỊCH CỦA NGƯỜI CỘNG SẢN

Đinh La Thăng đang bị tạm giam tại B14-Công An Hà Nội. Lúc này Thăng bị coi như tên tội đồ của dân tộc, là nạn nhân của tranh giành quyền lực từ những người Thăng gọi là “đồng chí”, bị hơn 700 tờ báo Đảng nhảy vào đánh hội đồng mà không được phép thanh minh. Nếu ở đất nước dân chủ, ít nhất cũng sẽ có vài tờ báo lắng nghe đến ý kiến của Thăng, Thăng sẽ được phép gặp luật sư, được quyền giữ im lặng “vì những lời anh nói có thể là bằng chứng chống lại anh trước toà”. Nhưng số phận Thăng rồi cũng giống như bao người tù VN khác : án bỏ túi, không được gặp luật sư trước khi kết thúc giai đoạn điều tra, không được hưởng sự độc lập của toà án.

Cũng tại B14, cách Thăng chỉ vài bức tường là phòng giam những đồng đội của tôi : luật sư Nguyễn Văn Đài, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, cô giáo Lê Thu Hà, kĩ sư Phạm Văn Trội, kí giả Trương Minh Đức. Nhưng khác với Thăng, đồng đội của tôi vào tù vì họ dám sống trọn vẹn với lí tưởng đấu tranh cho sự công bằng của xã hội, cho một nền dân chủ bị bóp nghẹt. Chính vì những điều đó, họ được một lực lượng hùng hậu “truyền thông lề trái” hậu thuẫn, được các tổ chức nhân quyền, chính phủ nước ngoài quan tâm. Họ còn có những anh em sát cánh vận động ngoại giao và chăm lo cho gia đình. Còn Thăng, cả một đời tham gia đảng cộng sản, điều cuối cùng Thăng nhận được là sự xa lánh và ghẻ lạnh của những người “đồng chí”.

Bi kịch mà Thăng đang gánh chịu có phần được xây dựng bởi chính bàn tay của ông ta. Đỉnh cao quyền lực của Thăng là Uỷ Viên Bộ Chính Trị, một vị trí đứng dưới vài người mà đứng trên triệu người. Để giữ thế độc tôn lãnh đạo của đảng cộng sản, Thăng không ngần ngại xếp những người đấu tranh cho tự do, công bằng và nhân quyền là thành phần phản động cần phải tiêu diệt.

Chỉ hơn nửa năm trước thôi, khi còn là Bí Thư Sài Gòn, chính Thăng dung túng cho đám giang hồ Phan Hùng đánh đập dã man nhà hoạt động xã hội Lê Mỹ Hạnh, chính Thăng bao che cho hàng động xịt nước vào buổi tưởng niệm chiến sĩ Hoàng Sa, chính Thăng dung túng cho đám an ninh thành Hồ đàn áp biểu tình, canh gác tư gia những người bất đồng chính kiến. Có lẽ, lúc này ngồi trong xà lim lạnh. Thăng là người thấm nhất giá trị của hai chữ “nhân quyền” mà đám “phản động” theo đuổi.

Từ bi kịch của Thăng, chợt nhớ đến cái kết của tác phẩm văn học Chí Phèo: Cả làng Vũ Ðại nhao lên. Họ bàn tán rất nhiều về vụ án không ngờ ấy. Có nhiều kẻ mừng thầm, không thiếu kẻ mừng ra mặt! Có người nói xa xôi: "Trời có mắt đấy, anh em ạ!" Người khác thì nói toạc: "Thằng nào chứ hai thằng ấy chết thì không ai tiếc! Rõ thật bọn chúng nó giết nhau, nào có cần phải đến tay người khác đâu".

Mừng nhất là bọn kỳ hào ở trong làng. Họ tuôn đến để hỏi thăm, nhưng chính là để nhìn (...) Những người biết điều thì hay ngờ vực, họ chép miệng nói: "Tre già măng mọc, thằng ấy chết, còn thằng khác, chúng mình cũng chẳng lợi tí gì đâu..."