Bảo vệ Chủ quyền Dân tộc trên Biển Đông: Về mặt quốc phòng và công pháp quốc tế

I- Tầm Quan Trọng Của Biển Đông:

Biển Đông (tiếng Anh South China Sea) là một vùng biển rộng khoảng 3,5 triệu cây số vuông của Thái Bình Dương. Bao bọc bởi phía Tây là Phi Luật Tân, phía Nam là Mã Lai, Brunei, Nam Dương, Tân Gia Ba. Phía Đông là Việt Nam, Cam Bốt, Thái Lan. Phía Bắc là Đảo Hải Nam, Macao, Hong Kong, Trung Quốc (TQ), và phía Đông Bắc Đài Loan.

Đây là một vùng biển có nhiều tầu bè đi qua lại nhiều nhất thế giới với 55 tỷ tấn hàng hóa lưu chuyển qua đây mỗi năm. Bề ngang Biển Đông dài khoảng 1.400 cây số từ Việt Nam đến Phi Luật Tân, bề dọc từ Macao tới Brunei là 2.000 cây số.

Các quần đảo và đảo gồm: quần đảo Đông Sa, bãi ngầm Macclesfiled, quần đảo Batanes và Babuyan, quần đảo Hoàng Sa, bãi cạn Scarborough, quần đảo Trường Sa, quần đảo Natuna, cụm bãi cạn Luconia, đảo Ko Samui, đảo Ko Chang, đảo Koh Kong, quần đảo Anambas, đảo Phú Quốc, Côn Đảo.

Chung quanh Biển Đông, có 8 hải cảng của Trung Quốc đứng đầu thế giới về lưu lượng hàng hóa, thứ nhất là Thượng Hải.

 

Tổng số lượng dự trữ dầu thô ở Biển Đông lên đến 11 tỷ thùng theo ước lượng năm 2013 của Cơ Quan Năng Lực Hoa Kỳ, về khí thiên nhiên 7.500 tỷ mét khối. Dân số các quốc gia ven biển gồm Việt Nam 92 triệu dân, Phi Luật Tân 107 triệu, Mã Lai 30 triệu, Tân Gia Ba 5,6 triệu, Nam Dương 253 triệu, tổng cộng gần 500 triệu, so với Trung Quốc 1,35 tỷ. Các quốc gia trực tiếp liên hệ đến Biển Đông có một dân số 500 triệu (1/3 dân số TQ) và một TSLNĐ 2600 tỷ MK (22% TSLNĐ TQ). Tổng số xuất nhập cảng giữa ASEAN và TQ lên đến 1900 tỷ MK/năm.

Việt Nam có hơn 3.440 cây số bờ biển, tức có một vùng đặc quyền khai thác kinh tế khoảng 1.270.000 cây số vuông. Nếu cộng thêm các vùng Đặc Quyền Khai Thác Kinh Tế (EEZ Exclusive Economic Zone) chung quanh các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền VN khoảng 860.000 cây số vuông, dân tộc Việt Nam có tổng cộng một vùng đặc quyền khai thác kinh tế lên đến hơn 2,1 triệu cây số vuông, có nghĩa là gấp 6 lần diện tích trên đất liền là 332.000 cây số vuông.

Về mặt giao thương, đây là tuyến đường chiến lược, đường hàng hải vận chuyển dầu hỏa, khí đốt, hàng hóa xuất nhập cảng nguyên liệu, nhất là về dầu hỏa (80%) của nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới, TQ (1,35 Tỷ dân, TSLNĐ 11200 Tỷ MK), Nhật Bản (127 triệu, 4110 Tỷ MK), Đại Hàn (50 triệu, 1485 tỷ MK), Đài Loan (23 triệu, 528 tỷ MK), ASEAN (500 triệu, 2600 Tỷ MK), tất cả gồm 2 tỷ dân và một TSL gộp lại gần 20.000 tỷ MK (30% TSL thế giới).

Về mặt quân sự, nếu khống chế được hải lưu và không lưu trên Biển Đông, việc này sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến mặt an ninh quốc gia, phát triển kinh tế của nhiều nền kinh tế lớn như TQ, Nhật Bản, Úc, Đại Hàn và gây ảnh hưởng dây chuyền suy thoái trên toàn thế giới. Hiện nay với âm mưu xây cất các hải đảo nhân tạo để chứa phi trường quân sự, quân cảng tiếp liệu cho các chiến hạm tuần tiễu, tuyên bố vùng nhận diện phòng không (Air Defense Identification Zone ADIZ), TQ đang âm mưu khống chế toàn Biển Đông.

Biển Đông là một vùng biển chiến lược và sinh tử đối với Việt Nam. Những biến động ở đây sẽ có ảnh hưởng trên toàn thế giới, khi có tranh chấp hay có đụng độ quân sự, hậu quả sẽ dẫn đến các biện pháp phong tỏa kinh tế, cắt giảm các quan hệ song phương, về giao thương, du lịch.

Biển Đông còn là một lợi điểm vô cùng chiến lược cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam, vì ngày nay với kỹ thuật tiền tiến về xây cất, biến chế năng lực từ biển, máy turbin tạo ra năng lượng từ sự chuyển động của nước biển người ta có khả năng xây cất những hòn đảo nhân tạo vài cây số vuông, nổi trên mặt biển để chứa nhà máy điện, công xưởng kỹ nghệ, trại chăn nuôi ngư sản gần ngay trong thềm lục địa trong vùng EEZ của Việt Nam rộng hơn 2 triệu cây số vuông. Do đó, để có tài nguyên để canh tân, giữ được vị trí xung yếu để bảo vệ đất nước, người dân VN phải hiểu tầm quan trọng và nỗ lực bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.

II- Cán cân quân sự tại Biển Đông:

Hiện nay, hải quân TQ vượt trội hơn về mặt số lượng, kỹ thuật tất cả hải quân các quốc gia ASEAN ven Biển Đông cộng lại, đứng hàng thứ hai thế giới chỉ sau Hoa Kỳ (300.000 lính hải quân/324.0000 Hoa Kỳ, 490 tầu chiến/300) và trong vòng khoảng 10-15 năm nữa có khả năng bắt kịp hải quân Hoa Kỳ, nếu hải quân Hoa Kỳ không duy trì được ưu thế về mặt kỹ thuật (khả năng kiểm báo, phát giác mục tiêu, hỏa tiễn chống hỏa tiễn tầm xa, mức tinh nhuệ, mức sẵn sàng ứng chiến (operational readiness),...).

Theo Bản Tường Trình 2015 của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, TQ hiện có 1 Hàng Không Mẫu Hạm, 21 khu trục hạm loại lớn (6000-9000 tấn), 52 khu trục hạm loại nhỏ (3000-4000 tấn), 57 tầu chiến loại đổ bộ, 53 tầu ngầm diesel, 5 tầu ngầm chạy bằng nguyên tử.


Hàng không mẫu hạm của Trung Quốc

TQ đã có rada loại điện tử phased array, hỏa tiễn chống phi cơ, chống tiềm thủy đĩnh, với mức tối tân về lý thuyết không thua kém các khu trục hạm mới loại 6000 tấn của Anh (T45), Pháp (FREMM). Theo một chuyên viên về tình bào hải quân của Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, hải quân TQ sẽ tiếp tục gia tăng về phẩm và lượng trong vòng 15 năm tới. Họ sẽ có khả năng bảo vệ trong vùng biển cận duyên, gia tăng các hoạt động hải quân ngoài vùng EEZ, hải quân TQ sẽ tăng lên 99 tầu ngầm (+43), 102 khu trục hạm (+29), 73 tầu đổ bộ (+16), 4 HKMH (+3). Khu trục hạm tối tân loại Luyang III, 7500 tấn, khá giống khu trục hạm Arleigh Burke của Hoa Kỳ (10000 tấn).

Trung Quốc hạ thủy loại Luyang III năm 2014, trong lúc Hoa Kỳ đã chế tạo chiếc đầu tiên Arleigh Burke vào thập niên 1990. Loại tầu ngầm TQ Yuang (2006 3600 tấn), Song (2250 tấn), Kilo (4000 tấn), Ming nhỏ hơn 2 tới 3 lần loại tầu ngầm nguyên tử tấn công mới nhất của Hoa Kỳ như Virginia, Seawolf.

Nhằm đối phó lại, Việt Nam đã mua 6 tầu ngầm Kilo loại mới của Nga, cùng 12 tầu hộ tống nhỏ (corvette), Nam Dương mua 20 khu trục hạm do Hòa Lan chế tạo. Mã Lai, Tân Gia Ba, Phi, Việt Nam, Nam Dương đều nỗ lực tân trang hải quân từ các khuế ước mua tầu chiến từ Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Hòa Lan, Nhật, Đại Hàn.

Hiện nay, hải quân CSVN (45.000 lính, 66 tầu chiến), là tương đối có khả năng nhất để cầm cự và gây tổn thất cho hải quân TQ, với 6 tầu ngầm loại Kilo (3+3 cho tới 2016), 7 khu trục hạm (loại Guepard 2+2), Sigma của Hòa Lan (+2 2011). Nam Dương (74000) có tầu ngầm (2+2), khu trục hạm (6), tương đối có khả năng chống trả. Mã lai (15000) có 2 tầu ngầm Scorpene của Pháp, 6 khu trục hạm (2 La Fayette Pháp). Tân Gia Ba có 4 tầu ngầm, 6 khu trục hạm. Cán cân quân sự trên Biển Đông hiện nay hoàn toàn nghiêng về phía Trung Quốc, nếu không có sự hiện diện có tính cách gián chỉ (deterrent) của Hải Quân Hoa Kỳ với các nhóm đặc nhiệm của Đệ Thất Hạm Đội.

III- Phản Ứng Các Quốc Gia Đối Với Âm Mưu Của Trung Quốc:

KHỐI ASEAN:

Cho đến nay, ASEAN chỉ thể hiện thái độ cứng rắn trên mặt lý thuyết nhưng không có hành động cụ thể nhằm ngăn chặn các âm mưu bành trướng của TQ.

Thái độ gần nhất của Nam Dương cho thấy họ muốn đối phó lại hiểm họa Trung Quốc qua việc tăng cường hải quân, phòng thủ quần đảo Natuna và Anambas và việc cho nổ một tầu đánh cá lậu TQ mà Nam Dương đã bắt giữ từ năm ngoái.

Phi Luật Tân có thái độ cứng rắn nhất khi khởi đơn kiện TQ ra trước Tòa Trọng Tài Thường Trực vào đầu năm 2013 về đường Lưỡi Bò 9 điểm. Phi cổ võ cho sự hiện diện nhiều hơn của hải quân, không quân Hoa Kỳ, sẵn sàng cho Hoa Kỳ xử dụng căn cứ hải quân Subic Bay. Ngoài ra chính phủ Phi đã ra lệnh cho quân đội Phi bám trụ tại các đảo thuộc chủ quyền của họ trên Biển Tây Philippines.

Tuy nhiên hiện nay, ngoài thái độ cứng rắn, Phi không có phương tiện về quân sự đáng kể để đối đầu với TQ, nếu không có sự hỗ trợ trực tiếp từ Hoa Kỳ. Mã Lai và Tân Gia Ba đều muốn giữ một thái độ hòa hoãn, nhưng cũng đã gia tăng tân trang hải quân với các tầu ngầm, khu trục hạm do Pháp chế tạo, khu trục hạm loại tàng hình hiện đại với hỏa tiễn chống chiến hạm (anti surface missile). Nói chung ASEAN không có thái độ đồng nhất nhằm đối phó với TQ. Nội dung CoC Code Of Conduct (Cách thức ứng xử) cũng không được áp dụng vì TQ chỉ muốn đàm phán song phương nhằm lấy sức mạnh uy hiếp từng các quốc gia trong ASEAN yếu hơn so với họ nhiều.

CỘNG SẢN VIỆT NAM:

Về phía Việt Nam, cho đến nay chỉ có những lời tuyên bố mà chưa có hành động cụ thể nào trên bình diện quốc gia. Ngoại trừ một vài phản ứng địa phương tại các tỉnh quản trị Hoàng Sa, Trường Sa, lãnh đạo CSVN không dám chọc giận đàn anh TQ qua việc ra lệnh cho quân đội Nhân Dân sẵn sàng đương đầu với mọi âm mưu xâm lấn của TQ trên Biển Đông.

Tuy nhiên với việc CSVN tân trang hải quân với việc mua 6 tầu ngầm loại Kilo mới, có khà năng bắn loại hỏa tiễn thiểm du (cruise missile) chống chiến hạm, cho thấy có một bộ phận đáng kể trong guồng máy muốn có khả năng để chống trả lại TQ khi cần. Hiện đang có một số tiếp xúc với Hoa Kỳ nhằm mua các hệ thống kiểm báo hải dương như phi cơ loại P3 Orion (đời trước của phi cơ tuần thám P8 Poseidon).

Dựa trên bối cảnh nội bộ đảng CSVN, thái độ của lãnh đạo CSVN sẽ không thay đổi trong một tương lai ngắn hạn khi các thành phần dân tộc dân chủ chưa có khả năng để huy động một khối lượng quần chúng đông đảo hơn lên đến hàng chục ngàn trong các cuộc xuống đường bảo vệ chủ quyền, hay các thành phần tiến bộ trong nội bộ đảng chưa có đủ quyết tâm và ảnh hưởng để phản đối công khai thái độ ươn hèn, bán nước của lãnh đạo CSVN.

Có xác xuất cao là lãnh đạo CSVN sẽ tạm lùi bước trước các cuộc phản kháng mạnh của người dân khi TQ đưa giàn khoan thứ nhì, hay khai thác dầu hỏa, khí đốt ngay tại các đảo họ chiếm đoạt trái phép tại Trường Sa, hay ngang nhiên đem giàn khoan vào vịnh Bắc Việt thuộc chủ quyền VN để thăm dò dầu hỏa. Sau đó, họ sẽ ra lệnh bắt nguội, đàn áp sau đó khi khí thế xẹp xuống.

Tuy nhiên những sự việc phản kháng này trước đây thường không được dư luận báo chí thế giới quan tâm loan tải, ngày nay với liên hệ đến biến cố Biển Đông và cuộc tranh chấp Trung Quốc – Hoa Kỳ, các cuộc phản kháng này sẽ dễ dàng được loan tải rộng rãi và góp phần phơi bày bộ mặt bán nước, tay sai của CSVN.

NAM HÀN - NHẬT BẢN – HOA KỲ

Hiện nay, Nhật Bản, Nam Hàn cương quyết chống lại mọi âm mưu gặm nhấm lãnh hải của TQ trên Đông Hải và Hoàng Hải, đồng thời gia tăng sức mạnh hải quân của họ, với sự trợ giúp của Hoa Kỳ. Các phản ứng của 2 bên chung quanh đảo Điếu Ngư cho thấy TQ chủ trương hù dọa nhưng không dám đổ quân lên đảo, hay phong toả vì biết kỹ thuật, khả năng tác chiến của hải quân Nhật vẫn còn vượt trội so với hải quân TQ, dù ít chiến hạm hơn.


Máy bay Lực lượng Phòng thủ Nhật Bản tuần tra không phận quần đảo Điếu Ngư

Riêng Nhật Bản, chính phủ Nhật thái độ luôn cứng rắn nhằm đối đầu với TQ chung quanh Điếu Ngư qua việc cho tầu chiến, phi cơ chiến đấu tuần tiễu, cũng như gia tăng ngân sách quốc phòng. Mới đây Nhật đã cùng Phi hợp tác quân sự và các tham gia tập trận ngay trên Biển Đông. Vị chỉ huy trường hạm đội Thái bình Dương Hoa Kỳ Harry Harris gốc Nhất cũng đã lên tiếng đề nghị Nhật cho tầu chiến đi tuần, cùng với Hoa Kỳ, Úc. Sự cứng rắn của Nhật còn thể hiện qua lãnh vực kinh tế, thông tin, văn hóa.

Hiện hải quân Hoa Kỳ vẫn chiếm ưu thế về mặt kỹ thuật và võ khí tiền tiến. Qua nhiều lời tuyên bố của các nhân vật cao cấp của hành pháp như Bộ Trưởng Quốc Phòng Carter, Tân Chỉ Huy Trưởng Thái bình Dương, Harry Harris, và Tổng Thống Obama, Hoa Kỳ cho thấy ý chí sẵn sàng đối đầu lại với TQ khi TQ ngang ngược tuyên bố chủ quyền của họ trên toàn Biển Đông.

Hoa Kỳ đã góp sức tân trang cho hải quân Nam Hàn, Nhật Bản với các khu trục hạm tối tân nhất hiện đại loại Arleigh Burke, có khả năng hỏa tiễn chống hỏa tiễn (anti missile SM3 và M6) để phòng chống lại các vọng động của Bắc Hàn, cũng như để giằn mặt TQ. Hoa Kỳ cũng đưa chiến hạm LCS (Littoral Combat Ship) loại mới đến đóng tại Tân Gia Ba, gởi 2500 thủy quân lục chiến đến đóng tại Úc.

Sau khi giữ một vai trò lu mờ trong vụ tranh chấp Biển Đông, nay trước âm mưu bành trướng rất rõ nét của TQ qua việc xây hải cảng, phi trường nhân tạo trên một số đảo họ chiếm được, Hoa Kỳ đã thay đổi hẳn thái độ, sẵn sàng chấp nhận đối đầu, điển hình qua vụ gởi phi cơ tuần thám hải dương P8 Poseidon bay trên không phận của đảo Đá Vành Khăn. Gần đây, Hoa Kỳ cho thêm khu trục hạm loại Arleigh Burke đến đóng tại Yokohama, Nhật và ra lệnh cho đội hàng không mẫu hạm nguyên tử George Washington với lực lượng hộ tống đi từ VN qua Phi xuyên qua Biển Đông cách đây 10 ngày mà không gặp một phản kháng nào từ TQ.

Tình hình Biển Đông vẫn ở một mức độ căng thẳng cao, bất cứ một đụng độ quân sự nhỏ nào cũng có thể châm ngòi cho một cuộc tranh chấp lớn hơn.


Đảo nhân tạo Đá Thập (Fiery Cross Reef) qua không ảnh chụp tháng 8/2014 và tháng 1/2015 (Hình: CSIS)

IV- Hậu Quả Các Đụng Độ Về Quân Sự Trên Biển Đông:

Trong trường hợp có xảy ra đụng độ về quân sự, nhất là giữa các siêu cường như Trung Quốc với Hoa Kỳ hay Nhật Bản. Hậu quả sẽ rất lớn trên toàn vùng Đông Á và khó lường trước một cách chính xác.

Ở mức thấp nhất, tình hình căng thẳng sẽ kéo dài trong một thời gian khá dài, ảnh hưởng nặng nề về mặt kinh tế (đầu tư), du lịch, các hiệp ước song phương. Ở mức độ cao hơn, còn tuỳ thuộc vào diễn tiến của sự việc, nếu TQ ngang nhiên bắn hạ hay làm hư hại phi cơ hay tầu chiến, Hoa Kỳ và Nhật Bản có thể sẽ có phản ứng tự vệ bằng cách tiêu hủy tầu TQ bắn ra hay phá hủy trạm radar trên đảo.

Tuy nhiên, xác xuất xảy ra một cuộc chiến toàn diện rất thấp, vì lãnh đạo TQ không ngu dại để đối đầu với hải quân Hoa Kỳ, mạnh nhất thế giới hiện nay.

Với 60% hải lực, 6/10 đội hàng không mẫu hạm tấn công (Carrier strike group), hiện lực lượng Thái Bình Dương Hoa Kỳ có đủ sức một mình để làm cho TQ thiệt hại nặng nề, nếu hải quân TQ vọng động. Hiện nay dù có lượng về tầu chiến nhiều hơn tại hạm đội Nam Hải (South Sea Fleet) đóng ở Hải Nam, nhưng hải quân TQ vẫn còn thua Hoa Kỳ khá xa về mặt kỹ thuật cũng như về kinh nghiệm chiến đấu.


Hàng không mẫu hạm nguyên tử USS George Washington của Hoa Kỳ<

Ngoài ra có 4 điểm làm quy giảm khả năng tác chiến của quân đội Nhân Dân TQ:

    TQ chưa có kinh nghiệm trận mạc, cuộc tấn công VN vào năm 1979 dù đông và có nhiều hỏa lực hơn, nhưng đã bị tổn thất nặng nề, trong lúc Hoa Kỳ, nhất là hải quân luôn xung trận trên nhiều chiến trường từ hơn 40 năm nay; gần nhất là cuộc tấn công bằng không lực nhằm tiêu diệt Daesh, Irak, A Phú Hãn.

      Hiện các đơn vị TQ đều được điều động bởi một chính uỷ, thường người này chỉ trung thành với đảng, và thiếu kinh nghiệm chỉ huy và tác chiến; nói chung quân đội TQ như các quốc gia độc tài, thường không có được sự uyển chuyển chiến thuật (operational initiative) của quân đội Tây Phương, do đó dễ thất bại hay nướng quân.

    Vì chính sách chỉ có một đứa con, nên gia đình nào có con trai phải đi lính thường tìm cách chạy chọt để trốn lính hay ở hậu cứ, các con ông cháu cha chắc chắn không cần biết trận mạc cũng được thăng cấp lên tướng, tá một cách nhanh chóng. Do đó, tinh thần tác chiến của các đơn vị TQ sẽ không thể cao được trước những bất công và tình trạng tham nhũng, dựa vây cánh trên TU để mua chuộc quyền thế trong quân đội.

    Vấn đề Trách Nhiệm: tôn chỉ của quân đội thường là Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm, đối với một quân đội CS Tổ Quốc của họ là Đảng, còn vấn đề Danh Dự, Trách Nhiệm không hề được quan tâm thực hiện, đối với họ mọi phương tiện dù thấp hèn (như bắn vào người dân tay không, hay bắn chết tù binh đã đầu hàng đều là những chuyện đã xảy ra). Vì trong xã hội CS, họ chỉ biết đào tạo ra những con người Vô Trách Nhiệm đối với cộng đồng dân tộc. Với tinh thần vô trách nhiệm từ cấp chỉ huy, lính sẽ có khuynh hướng bỏ chạy ngay khi gặp khó khăn hay một đối thủ mạnh hơn.

Hiện nay xác xuất Bộ Chính Trị Đảng CSVN ra lệnh hải quân chống trả lại các hành động khiêu khích, xâm lấn của TQ rất thấp. Trong trường hợp có đụng độ khi phải chống trả lại Trung Quốc, hiện nay có xác xuất tuy chưa cao là một số chỉ huy trưởng đơn vi hay chiến hạm của hải quân có thể trái lệnh Bộ Chính Trị và cho lệnh nổ súng hay bắn lại hải quân Trung Quốc.

Trong lịch sử đã có những sự kiện tương tự xảy ra, khi các chế độ CS tại Đông Âu sụp đổ. Trong giờ thứ 25 đó, chỉ cần lệnh lạc từ BCT chậm đến vài chục phút là tình hình có thể thay đổi. Lúc đó, lệnh lạc sẽ do chính người chỉ huy cao cấp nhất trên trận địa lấy.

Với tầu ngầm loại Kilo và không quân với tầm hoạt động 1000 cây số, quân đội CSVN có khả năng gây thiệt hại cho hải quân TQ hay các đơn vị đồn trú trên các đảo chiếm được. Trong bối cảnh trên, các lực lượng dân chủ cần nỗ lực vận động nhằm hỗ trợ cho các thành phần quân đội tiến bộ, có lương tri để chống trả lại TQ bảo vệ chủ quyền.

Trong bản tường trình về sức mạnh quân sự của quân đội Nhân Dân TQ 2015 của Bộ Quốc Phòng cho Quốc Hội Hoa Kỳ, trong 3 năm trở lại đây, người ta không còn thấy có sự tập trận chung giữa quân đội CSVN và quân đội TQ nữa.

Ngoài ra, người ta cũng không thấy tầu chiến của TQ viếng thăm hay lấy tiếp liệu tại các quân cảnh như Cam Ranh, Sài Gòn, Hải Phòng, trong lúc ngược lại mức độ giao lưu giữa Hoa Kỳ và CSVN có gia tăng.

Có nghĩa là chỉ có giao lưu giữa 2 nước anh em CS ở mức thượng tầng vì nhu cầu cầm quyền và 2 bên tránh sự đụng chạm giữa những người lính với nhau. Đó là những yếu tố cần nhìn ra và khai thác tiềm năng Thoát Trung ngay trong nội bộ guồng máy cầm quyền CSVN.

V- Vụ Kiện Trung Quốc Của Phi Luật Tân Ra Trước Tòa Trọng Tài Thường Trực

Sau gần 2 năm rưỡi từ lúc khởi kiện, vào ngày 22/4/2015, Tòa ra quyết định thứ tư, cho biết, Tòa sẽ mở phiên tòa đặc biệt vào tháng 7/2015, nhằm cứu xét việc TQ luôn luôn phủ nhận thẩm quyền của Tòa Thường Trực và cho TQ quyền nộp hồ sơ cho tới 16/6/2015.

Theo dự đoán, sau phiên xử đặc biệt vào tháng 7 này, Tòa sẽ ra phán quyết sau cùng về đơn kiện của Phi vào cuối năm 2015. Có xác xuất cao là Tòa sẽ bác bỏ yêu sách của TQ đòi hỏi thẩm quyền trên 90% Biển Đông qua đường Lưỡi Bò 9 điểm, do chính TQ vẽ ra vì yêu sách này không dựa trên một căn bản lịch sử, công pháp quốc tế nào.

Về phía Việt Nam, CSVN không dám trực tiếp đệ đơn kiện quan thầy như Phi; Bộ Ngoại Giao CSVN chỉ gởi đến Tòa vào ngày 5/12/2014 một thông báo liên hệ về chủ quyền VN trong tiến trình kiện giữa Phi và Trung Quốc và được Tòa ghi nhận và gởi cho 2 bên.

Hiện nay Trung Quốc đang bối rối vì chưa biết phải phản ứng như thế nào. Các quan tòa của Tòa Trọng Tài đang tìm cách bẫy lại Trung Quốc qua việc đề nghị xét xử xem Tòa Trọng Tài có thẩm quyền hay không trong vụ kiện của Phi Luật Tân. Vì cả trong 2 trường hợp, Trung Quốc đều gặp khó khăn, tiến thoái lưỡng nan.

Nếu TQ từ chối không tham dự, rõ ràng là họ không đủ bằng chứng để chứng minh là tại sao họ lại từ chối thẩm quyền của Tòa. Ngược lại nếu họ chấp nhận tham dự phiên tòa vào tháng 7/2015, họ sẽ gián tiếp công nhận thẩm quyền của Tòa và do đó, không còn có lý do chính đáng để không chấp nhận phán quyết của Tòa vào cuối năm nay, và phán quyết này có nhiều xác xuất bất lợi cho họ.

Trong trường hợp TQ nhất quyết không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực, chắc chắn họ sẽ lâm vào một tình trạng khó khăn trên trường quốc tế. Vì trong vị trí một cường quốc trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, chính họ lại đứng ra khăng khăng phủ nhận vai trò các cơ chế quốc tế của LHQ, nhằm giải quyết các tranh chấp một cách ôn hòa trên thế giới và phủ nhận luật biển UNCLOS 1982 do chính họ ký kết.

Tòa Trọng Tài Thường Trực là một Tòa Án Quốc Tế có uy tín và đã xử hơn 120 vụ trong đó liên quan đến nhiều cường quốc như Nga, Hoa Kỳ, Pháp, Anh, từ hơn 100 năm nay và chưa có lúc nào phán quyết của Tòa lại bị coi thường như lần nay. Dư luận thế giới sẽ nhìn ra là TQ như là một quốc gia loại du côn (rogue state), chỉ chuyên sử dụng sức mạnh để khống chế, đàn áp các quốc gia khác nhỏ hơn và chà đạp lên Công Pháp Quốc Tế.


Người Philippines và người Việt biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc tại Manila ngày 17-05-2014

Chắc chắn Phi Luật Tân và Việt Nam là 2 quốc gia đang trực tiếp chịu áp lực, lấn áp từ TQ sẽ có được chính nghĩa và hậu thuẫn của quốc tế trong cuộc tranh chấp với TQ để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Trong trường hợp Phi và Việt Nam bắt buộc phải có những đối phó lại bằng quân sự, trước thái độ bất chấp công pháp quốc tế của TQ, lúc đó các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Nhật, Úc, sẽ dễ dàng can thiệp hơn.

Chưa kể là một yếu tố thường xảy ra trong lịch sử, đó là một chính quyền độc tài thường sụp đổ khi gặp thất bại lớn ở bên ngoài, lúc đó các mầm mống phản kháng tiềm tàng bên trong sẽ bung ra khi uy tín, sức mạnh của đảng bị coi thường, diễu cợt (Pháp Luân Công, Tân Cương, Tây Tạng, thành phần dân chủ).

VI- Kết Luận

Để bảo vệ chủ quyền dân tộc: cần một nỗ lực trường kỳ, đầy khó khăn, đòi hỏi sự kết hợp các nỗ lực trải rộng trên nhiều lãnh vực ngoại giao, nội vụ, kinh tế, quốc phòng.

Trong ngắn hạn phải tiếp tục lên tiếng báo động dư luận quốc tế, người dân trong nước, những thành phần còn có lương tri trong hàng ngũ công viên chức, quân đội CSVN về hiểm họa mất chủ quyền trên Biển Đông trước âm mưu xâm lược bằng hình thức gặm nhấm bằng sức mạnh của TQ.

Qua các cuộc biều tình chống TQ bảo vệ chủ quyền năm 2011, phản đối giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, cần liên kết rộng rãi với mọi thành phần dân tộc yêu nước. Phổ biến ý thức bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông nơi giới trẻ.

Về trung hạn, ngay khi Việt Nam bước vào giai đoạn chuyển tiếp, cần liên kết với các quốc gia ven Biển Đông trong ASEAN như Phi Luật Tân, Nam Dương, để đối đầu với TQ, đưa vấn đề Biển Đông ra trước Tòa Án Quốc Tế, như Phi đã kiện TQ trước Tòa Trọng Tài Thường Trực. Cần tiến hành ngay một số hành động để bảo vệ chủ quyền như tân trang hải quân, tập trận chung với các quốc gia có cùng quyền lợi khác trong ASEAN, Hoa Kỳ, Nhật, Úc.

Về dài hạn, Việt Nam cần phát triển nhanh chóng về mọi mặt kỹ thuật quốc phòng, kinh tế nhằm tạo khả năng chống trả lại TQ. Khai thác các vùng EEZ, qua việc xây dựng công trình quốc phòng, kinh tế, để chặn đứng ngay các âm mưu gặm nhấm của TQ.

Thế đoàn kết dân tộc để bảo vệ chủ quyền cần được khai triển, cổ xúy trong mọi thành phần dân tộc trên mọi lãnh vực giáo dục, văn hóa lịch sử. Nói chung phải xây dựng nội lực cho dân tộc VN gia tăng dân trí, tinh thần dân tộc, khả năng kỹ thuật, quốc phòng tiền tiến để bảo vệ chủ quyền và tiến hành đòi lại các phần lãnh hải bị chiếm bằng mọi phương tiện ôn hòa.

Nguyễn Ngọc Bảo

Tháng 6/2015.