Anh Cự bị cho nghỉ hưu

Sau một thời gian ra sức bao che cho Võ Kim Cự, Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng (từ 2008-2010), bất chấp phản ứng dư luận, cuối cùng hôm 17 tháng 2 vừa qua, ông Võ Kim Cự đã bị đảng lột hết mọi chức vụ trong thời gian ở Hà Tĩnh.

Ảnh: Ông Nguyễn Phú Trọng và ông Võ Kim Cự

Là người tích cực mang Formosa vào Hà Tĩnh, với vốn đầu tư gần 10 tỷ đô-la đầy sức hấp dẫn, ông Võ Kim Cự chắc cũng không thể ngờ là ông đã mang vào một thảm họa cho Việt Nam và cho chính sự nghiệp chính trị của mình. Với đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những chức danh đầu đàn ở Hà Tĩnh của ông Cự giờ đây đã không cánh mà bay, từ Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng đến Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 và Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban quản lý Khu kinh tế (2008-2010).

Tuy bị lột hết chức vụ cũ nhưng ông Cự vẫn còn niềm an ủi là chức Đại biểu quốc hội khóa XIII (2016-2021) và Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã… chưa bị rớ tới. Trong hai chức vụ này ông Cự chưa làm gì sai và ông tưởng ông sẽ yên thân với tháng ngày còn lại cho tới ngày về hưu một cách đàng hoàng.

Nhưng giống như một “người gian mắc nạn”, ngày 28 tháng 4, trong dịp tiếp xúc cử tri Ninh Kiều, Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói tách bạch ra về trường hợp của ông Cự: “Quốc hội sẽ làm thủ tục cho thôi nhiệm vụ đại biểu và chính phủ làm thủ tục cho nghỉ hưu đối với ông Võ Kim Cự, vì ông đã đến tuổi nghỉ hưu. Có nghĩa là nghỉ hưu là hết chức. Chức trong quá khứ là cắt, chức hiện tại là thôi đồng nghĩa không còn gì nữa." Lý luận vòng vo giữa “cắt” và “thôi” của bà Kim Ngân để giải thích hành động thải hồi của đảng đối với ông Cự thực ra cũng không làm ai ngạc nhiên vì đó chỉ là sự ngụy biện thường thấy.

Rõ ràng ông Cự “chưa sai” trong vai trò còn lại nhưng không có gì bảo đảm là ông sẽ không sai nên lệnh của đảng ép ông ta phải nghỉ qua miệng bà Kim Ngân cho hợp tình hợp lý. Vì với một người nhiều thành tích trong thảm họa Formosa như ông mà cho tiếp tục ngồi trong Quốc hội dù là ngồi chơi xơi nước, thì thật bất lợi cho đảng.

Ông Cự còn giữ ghế đại biểu quốc hội sẽ là lý do để người dân bôi tro trát trấu vào mặt đảng vì cả hai đã đồng tình bao che Formosa đến giây phút cuối cùng. Không gì tốt đẹp và hợp tình hợp lý hơn là đảng chế tạo ra lý do “xin về hưu” mà trong thực tế là bắt ông phải cầm sổ hưu trong lúc năng lực ông Cự vẫn còn phơi phới… và còn muốn hy sinh phục vụ cách mạng nhiều năm nữa.

Thông thường trong một xã hội dân chủ và pháp trị, những người phục vụ trong bộ máy công quyền nếu có quyết định sai lầm phương hại đến nhiều người hay làm điều gì trái luật pháp thì chính luật pháp đó sẽ xét xử công minh cả về trách nhiệm lẫn hình phạt. Nhưng dưới chế độ đảng trị ở Việt Nam, ông Cự cũng là một viên chức đầu sỏ nằm trong bộ máy đảng nên không thể xét theo luật bình thường. Ông Cự bị chính các đồng chí của mình quyết định kỷ luật do đã làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của đảng, cho dù hiện nay cái uy tín ấy nhẹ như bông. Buộc phải nghỉ hưu cũng là một hình thức vớt vát cho dư luận thấy đây là một sự nhận trách nhiệm chứ không do luật pháp xét xử.

Vì thế, xoay quanh vụ ông Cự bị cho nghỉ hưu, chúng ra thấy ba điều:

Thứ nhất, đảng sẵn sàng vắt chanh và vứt cả vỏ khi thấy nguy hiểm đến mình. Ông Cự tuy tận tình phục vụ và bị lỗi trong quá khứ nhưng đảng đã coi ông là đồ hủi nên vứt luôn bằng cách ép ông nghỉ hưu. Điều này cho thấy là trong đảng không có tình nghĩa gì cả mà chỉ có quyền lợi với nhau. Hết quyền tức là hết lợi.

Đây cũng chẳng phải là trường hợp cuối cùng. Hội nghị Trung ương 5 vừa chấm dứt cũng đã vứt bỏ không thương tiếc một ủy viên Bộ chính trị khi truy cứu cái gọi là trách nhiệm trong quá khứ. Giờ đây trong mắt các tầng lớp đảng viên, bộ mặt giả nhân giả nghĩa của đảng không còn đủ hấp lực khiến mọi người trung thành như một đàn cừu. Từ đó lại thấy bật ra một câu hỏi: Còn ai nữa trong bộ máy cầm quyền cao nhất đáng bị đưa lên bàn mổ, truy cứu trách nhiệm trong quá khứ?

Thứ hai, trước đây ông Cự tuyên bố rằng ông mang Formosa vào Hà Tĩnh là vì muốn người dân Hà Tĩnh có công ăn việc làm và mọi công việc đều theo quy định của Trung Ương. Thế nhưng khi vỡ lở vụ Formosa đầu độc môi trường thì đảng lại cho rằng ông Cự lộng quyền, coi thường Trung ương khi cho Formosa ở đến 70 năm mà không tham khảo Trung ương. Dĩ nhiên ai cũng biết, không chỉ một mình Võ Kim Cự lại có thể tự tung tự tác trong vấn đề Formosa mà chính cấp ủy đảng trung ương cũng phải chịu trách nhiệm, điển hình cao nhất là Nguyễn Phú Trọng, suốt thời gian đó đang ngồi ghế tổng bí thư. Rõ ràng là khi một người cán bộ ngã ngựa, lãnh đạo đảng đổ lên đầu họ mọi tội lỗi và phủi hết mọi công trạng cống hiến do tin tưởng vào đảng một cách mù quáng.

Thứ ba, không những đuổi cổ ông Cự về vườn mà đảng còn tìm cách bịt miệng ông Cự để ông ta phải im lặng với quyết định của đảng. Vì cái ghế đại biểu ở quốc hội không còn, nên ông không còn dịp đăng đàn đề tự bào chữa hay đổ thừa là “tại cơ chế”. Mọi sự rồi sẽ chìm xuồng như chưa bao giờ có một nhân vật nào mang tên Võ Kim Cự. Biết đâu trước khi lui về quê làm “người tử tế”, ông Cự còn phải xin lỗi đảng, xin lỗi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, xin lỗi nhân dân cho phải đạo như Ông Đinh La Thăng đã làm.

Chính yếu tố này khiến người ta thấy là lãnh đạo CSVN rất dã man từ cách nghĩ tới cách làm, chẳng những dã man với nhân dân mà còn với chính đảng viên của chúng.

http://www.viettan.org/Anh-Cu-bi-cho-nghi-huu.html