Đặng Tiểu Bình Chỉ Huy Trận Chiến Hoàng Sa 1974

Ký giả Bill Hayton vừa cho xuất bản một quyển sách rất hay liên quan đến Biển Đông: The South China Sea: The Struggle for Power in Asia.

Trong Chương 3 đề cập về “Danger and Mischief từ 1946 -1995”, tác giả đã dựa theo tài liệu quân sự của Hoa Kỳ thập niên 70 được giải mật, và một tài liệu được soạn thảo bởi Hải quân Trung cộng vào năm 1987 – trong đó, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai là người - vào năm 1973 - đã đưa ra quyết định đánh chiếm Hoàng Sa, sau cuộc gặp lịch sử giữa Mao và Nixon năm 1972.

Người được giao trách nhiệm thực hiện quyết định này là Đặng Tiểu Bình do sự đề bạt của Chu Ân Lai. Đặng Tiểu Bình lúc đó đang bị thất sủng sau cuộc cách mạng văn hóa vào năm 1966, và phải sống lưu đày cùng với vợ tại Giang Tây từ năm 1969 đến 1973. Chu Ân Lai đã cho đưa họ Đặng về Bắc Kinh vào ngày 20/3/1973 để tiến hành quyết định đánh Hoàng Sa của hai thủ lãnh Mao, Chu.

Kế hoạch đánh chiếm bắt đầu được chuẩn bị và luyện tập từ tháng 9/1973. Theo tin tức tình báo Hoa Kỳ vào lúc đó, cảng Beihei đã được Trung Cộng cho kiểm soát gắt gao và từ giữa tháng 12/1973, hàng trăm lính Trung Cộng được đưa xuống 6 tàu đánh cá, hàng ngày rời khỏi cảng Beihei và trở lại cảng lúc trời tối, liên tục trong vòng 10 ngày.

Kế hoạch đưa người ra chiếm Hoàng sa hoàn tất vào đầu tháng 1 năm 1974.

Những nghiên cứu của ký giả Bill Hayton nói trên đã cho chúng ta thấy là việc đánh chiếm Hoàng sa của Trung Cộng là bước khởi đầu, nằm trong chiến lược khống chế biển Đông đã được vạch ra từ những lãnh đạo cao cấp nhất của Bắc Kinh là Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình.

Vì thế mà sau khi đưa hàng trăm lính ra chiếm các đảo của Việt Nam Cộng Hòa, ngày 11/1/1974, Bộ Ngoại giao Trung Cộng ra tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc và tố cáo Việt Nam Cộng Hòa chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đương nhiên Việt Nam Cộng Hòa đã ra tuyên bố khẳng định Hoàng sa, Trường sa là lãnh thổ của Việt Nam và bác bỏ mọi cáo cuộc phi lý của Trung Cộng.

Lo ngại Trung Cộng có thể đưa quân chiếm đóng, Bộ tư lệnh hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã quyết định thiết lập một phi trường trên đảo Hoàng sa có khả năng chuyên chở vận tải cơ hạng nặng C-7 Caribou để chuyển quân nhanh ra các đảo thuộc nhóm Nguyệt Thiềm. Nhưng đã quá trễ.

Ngày 16/1/1974 khi phái đoàn Hải quân Việt Nam Cộng Hòa ra thăm các đảo ở Hoàng sa để nghiên cứu thiết lập phi trường thì đã phát hiện lính Trung Cộng nằm đầy trên các đảo.

Trận hải chiến Hoàng Sa bùng nổ và kết thúc vào ngày 19/1/1974.

Lý Thái Hùng
8/9/2014