Đảng còn tình người không khi vẫn bắt Nguyễn Phú Trọng ‘đối ngoại’?

Thảo Vy - (VNTB)
 
Bất chấp các đồn đoán về tình trạng sức khỏe, liên tiếp trong các ngày từ 18 đến 21/04, Thông tấn xã Việt Nam đã đưa tin về các hoạt động ngoại giao của ông Nguyễn Phú Trọng.
 
“Ngày 18/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện mừng tới Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên Choe Ryong Hae”. Bản tin ngày 18/04/2019 lúc 20:37 [http://bit.ly/2ZidFpY].
 
“Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện mừng đến Tổng thống Indonesia Joko Widodo sau khi Indonesia tổ chức thành công cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội”. Bản tin ngày 19/04/2019 lúc 20:57 [http://bit.ly/2UNRNEh]
 
“Được tin các vụ đánh bom tại Sri Lanka ngày 21/4 làm nhiều người thiệt mạng và bị thương, ngày 21/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện chia buồn đến Tổng thống Sri Lanka”. Bản tin ngày 21/04/2019 lúc 19:47 [http://bit.ly/2GkwOig]
 
Tuy nhiên cũng trong lãnh vực đối ngoại, ở sự kiện quan trọng hơn rất nhiều về quan hệ Việt – Mỹ, thì lại không thấy tin tức liên quan đến ông Nguyễn Phú Trọng. “Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tiếp Đoàn Thượng viện Hoa Kỳ. Thường trực Ban Bí thư bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần tích cực thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh hai bên hướng tới kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ”. Bản tin trên Thông tấn xã Việt Nam lúc 19:04 ngày 18/04/2019, viết tiếp: “Chiều 18/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã tiếp Đoàn Thượng viện Hoa Kỳ gồm 9 Thượng nghị sỹ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, đại diện cho nhiều tiểu bang khác nhau của Hoa Kỳ do Thượng nghị sỹ Patrick Leahy, Phó Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi làm Trưởng Đoàn đang thăm, làm việc tại Việt Nam”. [http://bit.ly/2vhR7b2]
 
Xét về mặt ngoại giao thì nội dung bản tin ở trên đã trái ngược nội dung ở thông cáo của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy công bố vào ngày 12 tháng 4, cho biết phái đoàn chín thượng nghị sĩ lưỡng đảng do ông dẫn đầu đến Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước “sẽ hội kiến Chủ tịch và Tổng bí thư, Bộ trưởng Quốc phòng cùng các quan chức Việt Nam khác và sẽ thăm Quốc hội” [http://bit.ly/2KUp7VP]
 
Câu hỏi đặt ra: phải chăng ông Nguyễn Phú Trọng hiện tại vẫn nằm điều trị trên giường bệnh, và bước đầu đã có sự tỉnh táo để xử lý những công việc mang tính nghi thức của quan hệ ngoại giao? Hoặc, tất cả 3 bức điện như nói ở trên đều do bộ phận văn phòng tổng bí thư thực hiện theo quy định, mà không cần đến sự hiện diện, hoặc thông qua ý kiến của tổng bí thư?
 
Dù ở lý do nào thì vẫn cho thấy “Đảng và Nhà nước” dường như đã không cho ông Nguyễn Phú Trọng quyền được nghỉ ngơi khi sức khỏe đang được đồn đoán là có vấn đề. Kịch bản này tương tự như xảy ra trước đó với ông Trần Đại Quang, cố chủ tịch nước.
 
Theo tin tức trên báo chí, ông Trần Đại Quang phải nhập viện để cấp cứu vào chiều 20/09/2018, và ông qua đời lúc 9:05 ngày 21/09/2018.
 
Trước đó, bản tin trên Thông tấn xã cho biết lịch làm việc của ông Trần Đại Quang dầy đặc: Ngày 13/09/2018, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp bà Aung San Suu Kyi, cố vấn Nhà nước Myanmar – Trưởng đoàn Myanmar tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) tổ chức tại Hà Nội ngày 11 đến 13/09/2018.
 
Sáng 15/09/2018, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tổ chức Phiên họp thứ 6. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp. Ngày 18/09/2018, sau khi nhận được tin siêu bão Măng Cụt (Mangkhut) gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho các tỉnh miền Đông Bắc Philippines, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi điện thăm hỏi tới Tổng thống nước Cộng hòa Philippines Rodrigo Duterte.
 
Chiều ngày 19/09/2018, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc Chu Cường đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Ngày 20/09/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có thư gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng trên cả nước.
 
Tính đến thời điểm này thì không thể viện dẫn Luật bảo vệ bí mật nhà nước để làm rào chắn tin tức liên quan đến sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng, vì phải đến ngày 01 tháng 7 năm 2020, luật này mới có hiệu lực thi hành. Như vậy, chỉ có thể nói rằng “Đảng – Nhà nước” đã không có một chút tình người khi đối xử một người già 75 tuổi đang lâm trọng bệnh, vẫn buộc ông phải làm những công việc đối ngoại ‘vô thưởng – vô phạt’ ở trên.