Vĩnh biệt ông Lê Văn.

 
Ông Lê Văn làm việc cho VOA từ thời chiến tranh năm 1964, ông nghỉ hưu vào năm 2002.
Nhân kỷ niệm một năm Viễn Xứ 30/04/1976, ông Lê Văn là người đầu tiên đã đưa nhạc phẩm “Sai Gòn Ơi Vĩnh Biệt” của nhạc sĩ Nam Lộc đến với quần chúng qua chương trình phát thanh VOA.

***

Lê Văn, biên tập viên kỳ cựu của VOA, qua đời ở tuổi 84

Hoàng Long - VOA

Lê Văn, chủ biên kỳ cựu của ban Việt ngữ Đài Tiếng nói Hoa Kỳ với giọng nói thân thuộc với hàng triệu thính giả Việt Nam suốt nhiều thập niên, qua đời ngày thứ Bảy, 23 tháng 10, thọ 84 tuổi.

Ông ra đi thanh thản trong giấc ngủ và sau hai năm mắc bệnh ung thư, vợ của ông cho biết. Bà không cho biết thêm chi tiết về bệnh tình của chồng.

Làm việc cho VOA từ năm 1964 đến khi về hưu vào năm 2002, ông được các đồng nghiệp thuộc mọi thế hệ kính trọng về tác phong chuyên nghiệp và vốn hiểu biết sâu rộng, và được thính giả gần xa tin tưởng và quý mến về những thông tin mà ông đem tới cho họ.

Ông được xem là một trong những tượng đài trong lĩnh vực phát thanh tin tức tiếng Việt ở Mỹ. Với kinh nghiệm gần 40 năm trước micro, ông là một trong những tiếng nói tiêu biểu nhất của ban Việt ngữ, mang đến cho thính giả những tin tức mới nhất và đáng tin cậy nhất từ những thời khắc nóng bỏng của Chiến tranh Việt Nam cũng như khơi lên hy vọng cho những người dưới đáy vực tuyệt vọng trong những năm hậu chiến.

Trong những phát biểu cuối cùng của ông trước khi qua đời, ông trò chuyện với VOA về những kỷ niệm đáng nhớ của ông với thính giả khắp nơi, nêu bật sức lan tỏa và tác động to lớn từ những chương trình phát thanh của ông.

“Sau năm 1975, mỗi một lần tôi có dịp lên sân khấu phát biểu về một điều gì đó thì đến khi tôi đi xuống rất nhiều người tới nói với tôi rằng là ông Lê Văn, tôi xin phép cho tôi ôm ông một cái,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 9.

“Tôi mới bảo ủa tại sao có người muốn tới đây ôm mình một cái, thì họ mới nói là bởi vì hồi xưa tôi ở Việt Nam tôi nghe ông nói về những chương trình ở bên Mỹ này giúp cho người Việt có cơ hội thoát khỏi chế độ cộng sản và đi ra nước ngoài, thì cái điều đó khiến chúng tôi nức lòng phấn khởi bởi vì đã có lúc nhiều người trong bọn chúng tôi, những người đi tù cải tạo thất vọng muốn tự tử.

“Nhưng mà đến khi tôi nghe ông loan tin về những chương trình của chính phủ Mỹ thương thuyết với Việt Nam để đưa những người trước kia từng cộng tác với Mỹ, từng làm việc cho các cơ quan của Mỹ hay là những người muốn được sang thế giới tự do thì có thể ra đi theo những chương trình mới đó, lúc đó chúng tôi nhớ có những tin tức như vậy mà chúng tôi sống sót, chúng tôi bỏ ý định tự tử đi.

“Đấy là cái tác động tâm lý lớn nhất và nó cũng là một niềm an ủi đối với tôi bởi mình đã đem đến cho đồng bào những tin tức mà họ rất mong muốn, họ rất cần được biết.”

Lê Văn và vợ trong một bức ảnh chụp gần đây.

‘Tiếng nói’ của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ

Những người từng làm việc với Lê Văn nói họ mãi biết ơn ông về sự giúp đỡ mà họ từng nhận được từ ông. Ông được mô tả là một ký giả tài năng luôn hết lòng với công việc và tận tâm hướng dẫn những đồng nghiệp ít kinh nghiệm hơn.

Cựu phát thanh viên Lan Phương, nhân viên của VOA Tiếng Việt từ năm 1986 đến năm 2012, nói đến giờ này bà vẫn xem Lê Văn như một người anh cả trong gia đình. Bà nói những chỉ dẫn của ông trong tư cách chủ biên là những bài học quý giá đầu tiên khi bà bắt đầu sự nghiệp của mình.

“Trong vấn đề dịch thuật, khi mình dịch tin bác ấy chỉ dẫn cho mình sửa đổi làm sao cho thoát ý. Trong những bài phóng sự mình viết, bởi vì mình không có thì giờ nhiều cho bài viết để phát thanh, bác ấy luôn luôn hướng dẫn viết làm sao cho nó cô đọng, súc tích, đầy đủ và phải trong một thời lượng cho phép. Bác ấy chỉ dẫn từng chút từng chút một,” bà chia sẻ.

Đó cũng là những nhận xét của nhà báo Nguyễn Văn Khanh, cựu giám đốc ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự do. Ông từng được Lê Văn tuyển mộ và làm việc tại ban Việt ngữ của VOA trong những năm 1990. Đến giờ ông vẫn nhận mình là học trò của ông.

“Anh ấy bắt tôi phải ngồi xuống, đưa cái bài tôi biết và bảo rằng cái chỗ này thêm một dấu phẩy, chỗ kia phải thêm một dấu chấm. Những điều nhỏ nhoi như thế đã khiến tôi học hỏi được rất nhiều từ anh,” nhà báo kỳ cựu này nói.

“Ông ấy rất bình tĩnh khi ông ấy ngồi trước micro. Điểm đó tôi tập mãi mà không được. Điểm thứ nhì là giọng nói của ông ấy rất đặc biệt, một giọng nói rất là dịu dàng. Kể cả những lúc ông phải đưa ra những lời lẽ đầy cương quyết thì ông cũng vẫn rất là dịu dàng, không chỉ với anh em chúng tôi mà với cả khán giả của đài VOA trong suốt bao nhiêu năm trời.”

“Có thể nói ông thầy tôi là ‘tiếng nói’ của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ.”

Lê Văn tên thật là Lê Lai. Ông sinh ngày 28 tháng 4 năm 1937 ở Nam Định. Ông lấy bằng cử nhân luật và văn chương sau khi di cư vào miền Nam năm 1954. Năm 1961, ông sang Mỹ học cao học lấy bằng thạc sĩ về Khoa học Chính trị tại Đại học Georgetown ở thủ đô Washington. Sau khi về hưu, ông dọn về sinh sống ở thành phố Houston bang Texas cho đến khi qua đời.

Người thân và bạn bè cho biết ông là người có tính tình nồng hậu, ấm áp, biết tận hưởng cuộc sống. Ông đặc biệt am hiểu về rượu vang và đã viết một cuốn sách về nó.

Gia đình dự định tổ chức tang lễ cho ông vào ngày 12 tháng 11 ở Houston và sau đó sẽ hỏa thiêu. Tro cốt của ông sẽ được an táng tại bang Virginia, nơi ông từng sống phần lớn cuộc đời khi ông làm việc tại VOA.

“Chồng tôi có nhắn nói lại với VOA rằng ông ấy rất cảm ơn ân tình của tất cả thính giả mọi nơi,” bà Lê Văn nói trong niềm xúc động nghẹn ngào.