Những người vô tổ quốc

Đọc trên báo Tuổi Trẻ có một tin làm nhói lòng. Bài báo viết tổ công tác của Trạm cửa khẩu Đồn biên phòng quốc tế Vĩnh Xương phối hợp với Trạm cửa khẩu quốc tế Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã phát hiện 1 hộ gia đình gồm 8 người (3 nam, 5 nữ), có 4 người lớn và 4 trẻ em đi trên hai chiếc vỏ lãi từ Kompong Chnang về đến biên giới. Họ là những người Việt sinh sống ở Campuchia, nay nước này đang bị dịch bệnh nên họ về nước trốn dịch. Dĩ nhiên là nhập cảnh trái phép vì ở bên kia họ cũng chẳng được ai công nhận, không giấy tờ thì làm sao có thể xin giấy phép nhập cảnh. Tổ công tác đã ngăn chặn, đẩy đuổi nhóm người trên quay về Campuchia không cho phép quay lại Việt Nam.


Xét về lý, lực lượng biên phòng đã làm đúng, không sai, nhưng nghĩ về tình bỗng thấy lòng quặn thắt. Họ vẫn là người Việt, họ vẫn là đồng bào, nhưng rồi họ bị chính quê hương mình, đồng bào mình khước từ, ruồng bỏ. Vẫn nghĩ là việc ngăn chận nhập cảnh trái phép là việc rất cần thiết trong lúc này, không thể để dịch bệnh lan tràn, bùng phát. Thế nhưng, trong trường hợp này, cũng có cách để giải quyết kia mà, đâu có nguyên tắc cứng nhắc thế, đau lòng lắm. Có thể chấp nhận họ như những đứa con xa xứ trở về và cách ly họ theo thời gian quy định. Sau đó sẽ tiến hành những thủ tục cần thiết. Hãy hình dung cả gia đình sau một thời gian trên sông nước hi vọng trở về đất nước, đến biên giới lại bị đuổi đi, thất vọng và đau đớn biết bao nhiêu? Họ gạt nước mắt quay ngược mũi thuyền để rồi lênh đênh. Họ trở thành những người vô tổ quốc. Những kẻ lưu vong không có chốn để trở về.

Tôi đã từng đến Tà Dơ, một vùng đất nghèo ở tỉnh Tây Ninh. Tôi cũng đã đến xóm nhà lá ở gần chợ Bình Điền. Những người sống ở đây là từ Campuchia trôi giạt về. Họ sống tạm bợ trong những căn lều chắp vá bằng đủ thứ lượm được, đó là tấm vải bạt, là tấm gỗ, là chiếc thùng, là mái lá. Họ gọi đó là nhà nhưng không thể gọi là nhà. Những ngôi nhà trên ven hồ lúc nào cũng lai láng nước. Mùa hè nóng như đổ lửa và mùa mưa nước dội trên đầu. Họ sinh sống gần chục năm nay, sinh con đẻ cái, những thế hệ tiếp nối ra đời. Nhưng họ chẳng được ai chấp nhận. Họ không có một mảnh giấy tuỳ thân. Chính quyền Campuchia không chấp nhận họ. Về đến Việt Nam cũng chẳng ai nhận họ. Họ nói tiếng Việt, sinh hoạt như người Việt, cúng kiến, giỗ quải như như người Việt bởi họ là gốc Việt nhưng không ai chấp nhận họ là công dân Việt. Họ trở thành những người vô tổ quốc. Trẻ con không được đến trường, người lớn không kiếm được việc làm cũng vì không có giấy tờ. Không biết cuộc đời họ rồi sẽ về đâu?

Nhưng nghĩ cho cùng, những người ở Tà Dơ hay ở ven sông chợ Bình Điền vẫn còn may mắn hơn gia đình 8 người vừa bị đuổi trở lại Campuchia. Bởi họ đã được về với quê hương dù chưa trọn vẹn. Còn gia đình kia, giờ họ trôi giạt về đâu?

27.4.2021
DODUYNGOC