Phan Ba|
Các nhà tiên phong về công nghệ sinh học Biontech và Moderna đã thống trị các tiêu đề trên báo với vắc xin của họ. Những loại thuốc này có lẽ sẽ chủ yếu đến các nước công nghiệp phát triển giàu có. Hy vọng của các nước nghèo được đặt nhiều hơn vào Astrazeneca và Đại học Oxford.
Thoạt nhìn, hiệu quả của vắc-xin ngừa cúm tàu thứ ba, hiện đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng, dường như kém hơn một chút so với hai hoạt chất đầu tiên. Đối với việc chống lại đại dịch trên toàn cầu, sản phẩm AZD1222 của công ty dược phẩm Anh-Thụy Điển Astrazeneca có thể sẽ đóng một vai trò lớn hơn vắc-xin từ các đối thủ cạnh tranh Biontech và Pfizer cũng như Moderna.
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn ngành y tế Airfinity, Astrazeneca đã nhận được đơn đặt hàng cho 3,2 tỷ liều vắc-xin. Phần lớn trong số này được dành cho các quốc gia bên ngoài Châu Âu và Bắc Mỹ. Pfizer và Biontech có đơn đặt hàng khoảng 1,1 tỷ liều và Moderna 777 triệu. Hầu hết các đơn hàng này đến từ các nước Châu Âu và Mỹ. Tất cả các công ty vẫn đang đàm phán với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế cho những đợt cung cấp bổ sung thêm bổ sung.
Sự phân chia thị trường và các quy mô khác nhau trong những đơn đặt hàng có thể được giải thích bằng cách tiếp cận khác nhau một cách cơ bản trong việc phát triển và sản xuất vắc xin. Biontech của Đức, đã hợp tác với Pfizer để sản xuất vắc-xin ngừa cúm tàu, và đối thủ cạnh tranh Moderna đang làm việc với một quy trình công nghệ sinh học mới chưa từng được đưa ra thị trường trước đây. Theo những gì được biết cho đến nay, giá là từ 20 đến 40 đô la cho mỗi một liều tiêm chủng.
"Những giá cả này có nguy cơ khiến cho một phần lớn nhân loại không thể tiếp cận được với vắc-xin", nữ chuyên gia y tế của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, Margaret Wurth, cảnh báo. Theo các hợp đồng được biết cho đến nay, việc cung cấp các vắc-xin công nghệ cao này, ít nhất là trong vài tháng đầu tiên, sẽ chủ yếu cho các nước công nghiệp phát triển giàu có ở châu Âu và Mỹ.
Ngược lại, Astrazeneca đã phát triển AZD1222 cùng với Đại học Oxford trên cơ sở công nghệ vectơ, sử dụng vắc xin cúm thông thường làm cơ sở. Điều này mang lại lợi thế lớn về kinh tế và vận chuyển. Nhà máy của các công ty dược phẩm trên toàn thế giới đều có thể được sử dụng để sản xuất. Nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, Viện Huyết thanh của Ấn Độ, thậm chí đã bắt đầu sản xuất ở Ấn Độ. Hơn 100 triệu liều sẽ có sẵn sàng ngay trong năm nay. AZD1222 cũng sẽ được sản xuất tại Brazil.
Tùy thuộc vào nơi sản xuất, thuốc sẽ được bán từ ba đến chín đô la một liều. Astrazeneca đã cam kết là sẽ bán vắc xin với giá vốn trong thời gian đại dịch trên toàn cầu. Astrazeneca muốn chuyển giao một phần sản xuất của mình cho Covax, một sáng kiến của Tổ chức Y tế Thế giới và liên minh tiêm chủng Gavi, cùng với những tổ chức khác, được cho là nhằm đảm bảo rằng các quốc gia nghèo hơn cũng được cung cấp vắc xin corona. Covax hiện đã thu được khoảng hai tỷ đô la từ các nhà tài trợ quốc tế. Moderna và Pfizer cũng đang đàm phán với sáng kiến này, mà họ cho rằng sẽ cần ít nhất 5 tỷ đô la để mua đủ vắc-xin chỉ riêng cho năm tới đây.
Trái ngược với vắc xin của Pfizer cộng tác với Biontech và của Moderna, sản phẩm của Astrazeneca cũng không yêu cầu làm lạnh quá mức. Lưu trữ, vận chuyển và phân phối hàng triệu liều ở nhiệt độ âm 70 độ là một thách thức ngay cả đối với các nước công nghiệp phát triển cao. Nhiều quốc gia nghèo hơn, vốn thiếu cơ sở hạ tầng cho việc này, vì vậy cũng dựa vào các sản phẩm như AZD1222, có thể được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh.
Phan Ba