Viết cho Anh, Anh Nguyễn Ngọc Danh.

(Gs. Phạm Minh Hoàng) Phạm Minh Hoàng
 
Vào thời điểm mọi người đang chuẩn bị bước sang năm mới 2025 thì anh em Việt Tân tại Pháp mất đi một người anh đáng kính : anh Danh, chiến hữu Nguyễn Ngọc Danh, một người suốt đời tận tụy dùng trí tuệ và sức lực giúp đỡ những nghèo khi ở trong chức vụ của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, một người không ngần ngại bỏ thời giờ và tiền bạc đi gầy dựng cơ sở vào những năm 80 và một người dùng kiến thức và lý luận của mình đóng góp và duy trì sinh hoạt cho giới trẻ suốt nhiều thập niên.

 

Hình ảnh xưa cũ nhất còn trong tôi là vào những năm 85, 1986, khi anh và các chiến hữu thời áo nâu xuống trình bày đường lối của Mặt Trận cho anh em sinh viên Orsay. Tôi còn nhớ nơi đấy là một phòng sinh hoạt trong cư xá Fleming. Gần 40 năm trôi qua đâu ai còn nhớ được những gì anh nói, chỉ nhớ mang máng hình ảnh của một thanh niên gầy gò, giọng rặt chất Nam bộ. Cách đây mới vài năm tôi có tôi trở lại chốn cũ thì mọi thứ đã thay đổi hẳn, phòng sinh hoạt đã bị san bằng cho các kiến trúc khác. Nhiều người tham dự buổi hội thảo năm ấy đã mất và ngày hôm nay thì đến lượt người anh kính mến của các thế hệ sinh viên thập niên 70 chúng tôi cũng ra đi.
 
Hôm nay ngồi đặt bút viết vài dòng về anh thì đầu óc rối bời không biết bắt đầu từ đâu. Mãi đến một lúc sau mới nhận ra đấy chính là tính chất đặc thù của ông anh nhà mình. Một khi đã quen biết thì có lẽ không ai còn lạ gì nếp sống lộn xộn bừa bãi của anh Danh. Phải nói trên bàn làm việc của anh ngổn ngang sách vở đến nỗi không còn một chỗ trống để viết, mà muốn viết thì cũng không thể tìm ra cây bút. Nhưng chớ có dại mà sắp xếp lại cái mớ hổ lốn ấy, vì theo anh « có một lô-gích trong cái vô trật tự ấy ».
 
Điều đặc biệt nơi anh mà tôi nghĩ các bạn bè đều đồng ý là sức đọc của anh. Theo một người bạn thì tốc độ đọc của anh khoảng 700 đến 1000 từ một phút. Nhưng điều quan trọng hơn là trí nhớ. Chúng tôi thực sự choáng ngợp khi anh anh diễn thuyết về lịch sử, các giai thoại các thời điểm, kiến trúc, địa chính trị… tóm lại là tất cả những gì không thuộc chuyên ngành đào tạo của anh.

Những địa danh nổi tiếng của Pháp như Notre Dame, Lisieux, bảo tàng Louvre, Versailles đối với anh là… đồ bỏ. Anh còn nắm trong tay những giai thoại hoặc người địa danh chỉ có trong bách khoa toàn thư. Tôi còn nhớ có lần dẫn bạn bè thăm viếng Paris, mà toàn là dân đã đi nhiều lần nên những địa danh như Tháp Eiffel, Notre Dame là quá quen thuộc. Lúc ấy tôi chợt nhớ đến nơi đã giam giữ và xét xử hoàng hậu Marie Antoinette và bá tước Monte Cristo cũng cách Notre Dame không xa nên liền gọi về cho anh. Và tôi thực sự choáng ngợp khi anh không những chỉ đến nơi đến chốn mà còn hướng dẫn về vài địa danh và chi tiết lịch sử chung quanh địa điểm ấy. Viết đến đây chắc mọi người nghĩ chuyên ngành của anh là Lịch sử ? Không ! Anh tốt nghiệp kỹ sư Ecole Centrale chuyên ngành viễn thông, một trường kỹ sư danh giá nhất nhì nước Pháp và từng làm việc cho Technip, một trong những công ty dầu lửa lớn nhất của Pháp.


 
Một trong những chủ đề mà anh Danh thích “gây chuyện » với mọi người là bàn về Tam Quốc Chí. Trong khi ai ai cũng nói tốt cho Khổng Minh hoặc chê bai Tào Tháo thì anh lại cà khịa khi đi khen…Lưu Bị. Lý luận của anh là phải làm sao mà một bậc quân sư lẫy lừng như Khổng Minh lại chọn cái « thằng » suốt đời chỉ biết khóc như Lưu Bị để phò. Và mỗi lần như thế là cái bếp của văn phòng lại chia làm Tam khẩu chiến và kết thúc bằng những trận cười nghiêng ngả.
 
Tuy nhiên, điều làm mọi người chúng tôi xúc động nhất là vào những ngày tháng cuối đời, khi anh đã biết cụ thể về tình trạng sức khỏe mà theo bác sĩ là « chỉ đếm từng tuần », anh đã mời các anh em trách nhiệm tại Pháp đến để gởi gắm người tâm tình cuối cùng, và tôi thực sự xúc động khi nghe những lời nhắn gởi của anh. Lúc ấy anh mệt nên không nói được nhiều nhưng ai ai cũng nhận thấy tấm chân tình của anh dành cho Đất nước và mong mỏi tinh thần ấy sẽ được tiếp nối nơi những người còn lại.
 
Rồi ngày cuối cùng cũng sẽ phải đến, khi anh chị em và bạn hữu đến thăm anh lần chót, tôi có cảm tưởng người độc nhất còn cười được chính là anh. Chắc anh nghĩ nụ cười héo hon ấy có thể xóa đi phần nào nỗi u buồn đang phủ kín căn phòng. Và đỉnh điểm của cơn xúc động ấp đến khi anh thều thào « Chúng ta sẽ thành công, nhưng rất tiếc tôi không thể tiếp tục cùng anh em, và đây là nỗi buồn của tôi. Thôi anh em cố gắng ».
 
Tôi nhớ ở đâu đó có viết, những lời sau cùng của một người sắp mất là những lời tỉnh táo và sáng suốt nhất.
Anh kéo vai áo lau nước mắt. Tôi biết với một người trong tình trạng suy kiệt thể chất thì đây là một cố gắng tột cùng. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi thấy anh chảy nước mắt.
Anh ơi,
 
Anh đã đóng góp suốt cuộc đời cho Đất nước. Nơi miền Vĩnh cửu, mong anh cầu nguyện cho lũ chúng em tiếp nối ước nguyện của anh nhé, Anh Danh !
Paris, 31/12/2024
Phạm Minh Hoàng