Đất nước ta đã thống nhất 50 năm, nhưng hòa giải, hòa hợp dân tộc vẫn còn bao khắc khoải.
Vì sao và làm thế nào để những người yêu nước, dù “bên thắng cuộc” hay “thua cuộc”, dù ở Bắc - Trung - Nam - Hải ngoại đều hòa hợp, chung sức chung lòng xây dựng đất nước và sống chan hòa yêu thương hạnh phúc?
Có nhiều giải pháp về Chính trị, Kinh tế, Văn hóa, Xã hội, Khoa học - Công nghệ để xử lý vấn đề.
Riêng sự xuất hiện của Phật sĩ Đầu đà Minh Tuệ đã đem đến những thông điệp quý báu về PHẬT PHÁP cho mỗi người Việt chúng ta: Muốn hòa giải, hòa hợp Dân tộc, trước hết mỗi Cá nhân hãy tự “hòa giải” từ trong TÂM mình. Những thông điệp này không chỉ dành cho các Phật tử mà cho tất cả mọi người cùng suy ngẫm, chiêm nghiệm.
- Trước hết người lãnh đạo phải có khát vọng “hòa giải”, “hòa hợp”, “Đại đoàn kết dân tộc”.
Sư Minh Tuệ nêu công khai lý tưởng, mục tiêu, khát vọng tu theo lời Phật dạy để đạt Chánh đẳng Chánh giác và kiên định con đường tu tập đó đến cùng; dù ai nói ngả nói nghiêng, phê phán, bôi nhọ, chống phá đủ cách, nhưng quyết không lay chuyển. Chính nhờ vậy mà sư Minh Tuệ - người nghèo nhất hành tinh - lại có sức thu hút, hấp dẫn, thuyết phục bao nhiêu người tán thán, ủng hộ, tu theo… Một sự thu hút, hấp dẫn kỳ lạ.
Lý tưởng “hòa giải”, “hòa hợp”, “đại đoàn kết dân tộc” vô cùng cao đẹp, nhưng người lãnh đạo phải nêu gương, tỏa sáng và kiên định đến cùng bằng hành động, bằng tấm gương thì sẽ lay động và có sức thu hút lớn lao những người yêu nước từ mọi khuynh hướng ủng hộ, làm theo mạnh mẽ, chứ không phải cần nhiều tiền của…
- Phải tự “hòa giải” với chính mình trước đã
Nhà văn Lưu Trọng Văn đã gặp trực tiếp sư Minh Tuệ và hỏi:
- Thưa thầy, có rất nhiều sự hòa giải: Hòa giải với vũ trụ, hòa giải với dân tộc, hòa giải với nhiều người, hòa giải với chính mình. Theo thầy, sự hòa giải nào khó khăn nhất và cách vượt qua khó khăn đó?
- Dạ, muốn hòa giải được với vũ trụ, với dân tộc, với mọi người, với chính mình, thì cần hòa giải trước với tham, sân, si; chung sống với tham, sân, si mà không tham, không sân, không si nữa.
Vậy đó, lòng đầy sân hận, căm thù, nghi ngờ hay chứa đầy Ngã chấp sinh ra ngã mạn (kiêu ngạo) ngã tướng (biết tao là ai không?), ngã si (cuồng si với chiến thắng), ngã ái (chỉ thích khen ngợi), ngã kiến (ý kiến của ta là nhất)... Những cái “chấp” ấy khiến che mờ Phật tính thành vô minh. Đã vô minh thì suy nghĩ, nói năng, hành động đâu còn sáng suốt, nhất quán với tuyên bố muốn “hòa hợp”, “hòa giải”...
Cho nên muốn hòa giải, hòa hợp thì mỗi người dù ở bên nào, nhất là “bên thắng cuộc” trước hết phải tự mình buông bỏ những “dính mắc”, giải thoát khỏi những cái tham, sân, si, mạn, nghi…
Có lần sư Minh Tuệ đã hỏi TS Đoàn Văn Báu đi bên cạnh: Thầy Báu đang bị trói thì có cởi trói cho người khác được không?
Vậy đó, Tâm mình còn bị “trói chặt” bởi vô minh thì sao đi “cởi trói” cho người khác được!
Tấm lòng chân thành, ánh mắt cảm thông, nụ cười cởi mở, bàn tay ấm áp, lời nói đinh ninh thì mới tin nhau được.
- Phải có lòng từ bi, bao dung lớn lao
Sư Minh Tuệ từng bị người ta mắng chửi, bị đánh chảy máu mồm, nhưng ông bảo, con chỉ mong cho họ được hạnh phúc, tốt đẹp thì họ sẽ không đánh con nữa!
Con mong Thầy Báu tu thành Phật thì Thầy sẽ không hại con mà còn gia trì cho con tu tập tinh tấn…
- Có nhiều người viết trên mạng rất ghét Thầy, Thầy nghĩ sao?
- Con mong cho họ hạnh phúc và họ đừng gặp con, vì gặp con họ sẽ buồn bực. Con mong cho họ sống an vui…
- Có một chị từng không bố thí bánh mì cho Thầy, giờ chị ấy ân hận. Thầy nói gì với chị ấy?
- Chị không cho con bánh mì vì con chưa đủ phước đức để nhận bố thí của chị…
Khi ngủ nơi gốc cây, nghĩa, địa, nhà hoang, sư Minh Tuệ cũng luôn tránh làm kinh động đến loài vật xung quanh và những vong hồn nơi đó.
Sự bao dung luôn tôn trọng người khác, tha thứ cho lỗi lầm của người khác, nhận lỗi về mình đã xúc động, cảm hóa lòng người biết bao và khiến nhân cách của sư càng cao quý hơn.
Sư Minh Tuệ luôn nói: Tất cả mọi người đều là anh em cha mẹ của con... Vì vậy ông yêu thương tất cả mọi người.
Đức hạnh của sư Minh Tuệ tỏa sáng, chinh phục cảc Phật tử khắp nơi, không phân biệt đẳng cấp, chính trị, sắc tộc, màu da, và cả những tín đồ các tôn giáo khác.
Để hòa giải, hòa hợp với nhau, chúng ta học được gì từ đây?
- Hãy xem hiện tại, đừng phán xét quá khứ, đừng “dán nhãn” lẫn nhau
Khi anh Báu, Giáp, Hùng rời sư Minh Tuệ, có anh Phước Nghiêm đến tình nguyện trợ giúp, một đám Youtubers xúm vào phản đối: Phước Nghiêm là Hòa Hảo, Phước Nghiêm từng chơi cờ bạc, Phước Nghiêm lợi dụng Thầy để kêu gọi tài trợ rất nhiều tiền, Phước Nghiêm liên quan Việt Tân…
Sư Minh Tuệ kiên quyết:
- Mọi người ở đây, ai chưa từng mắc lỗi lầm, ai chưa từng có tội, hãy bước ra xem nào?
Không một ai dám đứng ra! Sư Minh Tuệ nói tiếp: Con đang đói người ta cho cái bánh mì, con ăn để tu tập, còn từ đâu người ta có bánh mì để cho là phước hay hoạ của người ta. Hiện nay anh Phước Nghiêm giúp đỡ được cho con, vậy là tốt đẹp…
Mỗi năm TP Hồ Chí Minh nhận hàng chục tỷ đô-la kiều hối, có hỏi tiền này của ai, yêu chính quyền hay ghét chính quyền?
Vậy đó. Đừng có dùng tà kiến dán nhãn nhau “Việt tân”, “Việt cộng”, “phản động”, “thù địch”, “bất hảo”... tùm lum cho nhau.
Hãy xem năng lực, hành động của người đó, làm được gì ích nước lợi dân thì trọng dụng vào việc thích hợp, đừng có phán xét thành phần, lý lịch “đỏ”, “đen”, “vàng”... Như vậy mới hòa giải, hòa hợp, thu hút nhân tài phát triển đất nước được chứ! (Nhờ Đặng Tiểu Bình: “Không cần biết mèo trắng hay mèo đen, chỉ cần bắt được chuột đều là mèo tốt" mà Trung Quốc thu hút được biết bao nhân tài).
Một vị tu hành lại có quan niệm thực tế, thực chứng như vậy. Còn chúng ta?
- Một Phật tử hỏi: Thầy coi giặc là thế nào?
Sư Minh Tuệ trả lời: Giặc là kẻ làm ÁC. Ta tránh họ, không tiếp tay cho họ… Ta làm thiện, không làm ác thì tránh xa được giặc. Con chỉ biết giữ giới, làm điều thiện…
Tôi nghĩ, “GIẶC LÀ KẺ LÀM ÁC” thật khái quát: Có giặc ngoại xâm, giặc nội xâm, giặc ngay trong ta, xúi giục ta làm Ác…
Đừng có quen dán nhãn “thế lực thù địch” là giặc, mà bất kỳ kẻ nào làm Ác với muôn loài, Ác với dân, với nước là giặc đó; Tham nhũng, lãng phí xưa nay vẫn gọi là “Giặc nội xâm”, rồi "lâm tặc", "cát tặc"... Bao nhiêu loại Giặc sao xử án nó nhẹ hều? Còn nhiều người phản biện, không làm ác với ai, không là giặc, sao bắt tù hàng chục năm?
Quan niệm kẻ làm ÁC là giặc rất quan trọng trong cách đánh giá “thế lực thù địch”, và đó là điều rất mới để hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc.
- “Tất cả chúng ta đều đang tham gia Trò chơi của Nghiệp”
Thông điệp này của sư Minh Tuệ vô cùng rộng lớn. Vận dụng vào bài viết này, tôi chỉ muốn nói: Tất cả chúng ta, ai vun đắp hay phá hoại công cuộc hòa giải, hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc đều đang chơi trò chơi của Nghiệp. Nghiệp Thiện hay Nghiệp ÁC không chỉ mình ta gánh, mà còn để phước hay gieo hoạ cho con, cháu chúng ta.
Sư Minh Tuệ còn nhiều thông điệp sâu xa nữa, nhưng tác giả mới lĩnh hội được chừng ấy.
Xin phép lấy câu của Thiền sư Javas Khomeini Iran để kết thúc bài viết: “Nếu được gặp sư Minh Tuệ, tôi sẽ cúi đầu trước ông ấy và nói: Thưa sư, Ngài là ngọn gió mát lành thổi qua sa mạc của thế gian, mang theo hương thơm của sự giác ngộ. Cảm ơn Ngài đã cho chúng tôi thấy rằng, con đường tâm linh vẫn sống động ngay cả trong thời đại hỗn loạn này”.
Nam mô A di đà Phật!
3/4/2025
MVT