Hoàng Thuyên
Nếu không có những cải cách thực sự từ trên xuống, thì dù có kêu gọi đến đâu, thanh niên Việt Nam cũng sẽ không thể “vươn mình” theo cách mà Đảng mong muốn.
Gần đây, trong bài viết “Tương lai cho thế hệ vươn mình”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã bày tỏ lo ngại về việc giới trẻ Việt Nam ngày càng xa rời các giá trị truyền thống do ảnh hưởng của công nghệ và truyền thông quốc tế. Ông nhấn mạnh rằng thanh niên là nhân tố chủ chốt trong việc định hình và phát triển tương lai của đất nước, và sự thành công của sự nghiệp cách mạng phụ thuộc rất lớn vào đóng góp của lực lượng này. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, TBT cũng đề cập đến những thách thức to lớn mà công tác thanh niên phải đối mặt. Cụ thể, tệ nạn xã hội, tỉ lệ phạm tội trong giới trẻ ngày càng diễn biến phức tạp và đang len lỏi vào đời sống của một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên, làm suy yếu nòi giống của dân tộc (1).
Liên quan tới chủ đề này, câu hỏi lớn đặt ra là, thực sự ai đang làm hỏng thanh niên Việt Nam? Và ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng thanh niên đang “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” như ĐCSVN đã buộc phải thừa nhận? (2)
Thanh niên “nhạt Đảng” là do Đảng hỏng
Nếu giới trẻ hôm nay bị mất phương hướng, thiếu lý tưởng, đó không chỉ là lỗi của một mình thanh niên, mà đó còn là hệ quả của quá trình suy thoái trong nội bộ Đảng Cộng sản. Trong nhiều năm qua, Đảng luôn nhấn mạnh vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (TNCS HCM) như “cánh tay phải” của mình. Nhưng chính những sai lầm và mất đoàn kết trong nội bộ Đảng và các chính sách của Đảng đối với thanh niên đã khiến lớp trẻ ngày càng mất niềm tin vào lãnh đạo.
Đoàn TNCS HCM từng là nơi đào tạo lớp trẻ với tinh thần cống hiến, nhưng nay chỉ còn là một tổ chức hình thức, xa rời thực tế, không phản ánh được nhu cầu và mong muốn của thanh niên. Hệ quả là giới trẻ ngày càng thờ ơ với các hoạt động chính trị, điều mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải than thở: “Tuổi trẻ khô Đoàn, nhạt Đảng” (3)
Mới đây, một thanh niên đã gửi bức thư ngỏ dài gần 6.000 chữ tới Tổng Bí thư Tô Lâm về việc đặt tên các tỉnh, thành sau khi sáp nhập. Những vấn đề mà thanh niên ấy nêu trong bức thư không hề “hỏng” chút nào. Đó chính là tư duy phản biện đầy tình thần xây dựng, hay còn gọi là “những tư vấn về chính sách” sáng suốt một cách đáng ngạc nhiên. Nhưng đáng tiếc, tất cả mọi góp ý ấy của thanh niên cũng như các bậc trí thức, hay lão thành cách mạng không hề được “bác Tô Lâm” và ĐCSVN phản hồi.
Một trong những dòng trạng thái đã bình luận rất đúng: “Chế độ Cộng sản với bản chất độc đoán thâm căn cố đế không có thói quen nghe lời can khuyên của dân, chế độ độc tài toàn trị Việt Nam lại càng không. Nó chưa bao giờ tôn trọng người dân. Ai nói trái ý Đảng Cộng sản đều bị coi là ‘thế lực thù địch’ tuốt, cho dù ý kiến đó có lợi cho đất nước mấy đi nữa. Như vậy, còn ai muốn góp ý nữa? Lãnh đạo Việt Nam nhìn gương Bắc Triều Tiên, Nga, Trung Quốc và thấy rằng chẳng cần nghe dân vẫn tồn tại, chỉ cần còng số tám và bộ máy ngu dân” (4).
Toàn cầu hóa không làm hỏng thanh niên
Tổng Bí thư Tô Lâm lo ngại rằng toàn cầu hóa làm thanh niên mất đi bản sắc văn hóa, nhưng thực tế không phải vậy. Nếu so sánh với thanh niên ở các nước khác cũng chịu tác động của toàn cầu hóa, ta sẽ thấy sự khác biệt nằm ở chính sách giáo dục và văn hóa của mỗi quốc gia.
Ở Việt Nam, giáo dục vẫn nặng về lý thuyết, nhồi nhét tư tưởng hơn là khuyến khích tư duy phản biện. Nhiều năm qua, thanh niên Việt Nam lớn lên với một nền giáo dục áp đặt, bị kiểm soát thông tin, bị tuyên truyền một chiều. Đến khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài, họ nhận ra những gì từng được dạy không hoàn toàn đúng, dẫn đến mất phương hướng, mất niềm tin vào hệ thống. Điều này không phải lỗi của toàn cầu hóa, mà là lỗi của cách giáo dục và tuyên truyền của chính Đảng.
Trên đài BBC cũng có bài phân tích chỉ ra rằng sự suy yếu của nền tảng đạo đức trong giới trẻ không chỉ do ảnh hưởng của toàn cầu hóa, mà còn xuất phát từ sự lỏng lẻo trong giáo dục và chính sách văn hóa của Đảng. Nếu không có những cải cách thực sự từ trên xuống, thì dù có kêu gọi đến đâu, thanh niên cũng sẽ không thể “vươn mình” theo cách mà Đảng mong muốn (5).
Muốn thay đổi thực trạng, Đảng phải cải tổ
Nếu thực sự muốn để thế hệ trẻ có thể “vươn mình”, Đảng không thể chỉ đòi hỏi thanh niên thay đổi mà bản thân hệ thống phải tự thay đổi trước. Điều đó bao gồm:
Cải cách giáo dục theo hướng cởi mở, khuyến khích tư duy độc lập: Giáo dục cần chuyển từ việc nhồi nhét kiến thức sang việc phát triển kỹ năng tư duy phản biện, sáng tạo và khả năng tự học. Điều này giúp thanh niên không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn biết cách áp dụng vào thực tế, đồng thời có khả năng đánh giá và phản biện thông tin một cách độc lập.
Thay đổi cách quản lý văn hóa, không còn kiểm duyệt và áp đặt một chiều: Môi trường văn hóa cần được mở rộng và đa dạng hóa, cho phép sự giao lưu và tiếp nhận các giá trị văn hóa khác nhau. Việc kiểm duyệt và áp đặt một chiều chỉ làm hạn chế sự sáng tạo và khả năng tiếp cận thông tin đa chiều của thanh niên.
Xây dựng một môi trường chính trị trong sạch để thanh niên có niềm tin vào đất nước: Sự minh bạch và công bằng trong hệ thống chính trị là yếu tố quan trọng để xây dựng niềm tin của thanh niên. Khi thanh niên thấy rằng tiếng nói của họ được lắng nghe và quyền lợi của họ được bảo vệ, họ sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội và chính trị.
Kết luận:
Tương lai của thanh niên Việt Nam không thể chỉ được quyết định bằng những khẩu hiệu hay lời kêu gọi suông, mà phải đến từ những thay đổi thực chất trong hệ thống. Nếu Đảng thực sự mong muốn thế hệ trẻ “vươn mình”, thì trước hết cần tạo ra một môi trường giáo dục cởi mở, nơi tư duy phản biện và sự sáng tạo được khuyến khích thay vì bị kìm hãm. Đồng thời, một nền chính trị minh bạch, nơi tiếng nói của người dân được lắng nghe và phản hồi, mới có thể khơi dậy niềm tin và sự nhiệt huyết trong giới trẻ.
Cáo buộc toàn cầu hóa làm “hỏng” thanh niên chỉ là một cách né tránh trách nhiệm. Thực tế, những quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến và một nền chính trị cởi mở đã tận dụng toàn cầu hóa để phát triển thế hệ trẻ mạnh mẽ hơn, chứ không để họ lạc lối. Nếu Việt Nam tiếp tục duy trì cách quản lý khép kín, kiểm duyệt thông tin và áp đặt tư tưởng một chiều, thanh niên sẽ ngày càng mất niềm tin và tìm kiếm cơ hội ở những nơi khác.
Do đó, câu hỏi không phải là “làm thế nào để thanh niên vươn mình?”, mà là “liệu hệ thống có sẵn sàng thay đổi để thanh niên có cơ hội vươn mình hay không?”. Nếu không có những cải cách thực sự từ trên xuống, thì dù có kêu gọi đến đâu, thanh niên Việt Nam cũng sẽ không thể “vươn mình” theo cách mà Đảng mong muốn.
——————————
Mời đọc thêm:
(1) https://tuoitre.vn/tong-bi-thu-to-lam-tuong-lai-cho-the-he-vuon-minh-202...
(2) https://doanthanhnien.vn/tin-tuc/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/%E2%8...
(3) https://www.sggp.org.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tinh-trang-nhat-dan...
(4) https://baotiengdan.com/2025/03/22/thu-ngo-gui-tbt-to-lam-ve-viec-dat-te...
(5) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c798p7j09pjo