Kinh tế luận luật pháp (Law and Economics) và Nghị định 168

Lê Công Định
 
Kinh tế luận luật pháp xuất hiện vào nửa cuối của thế kỷ 20 với tư cách là một môn luật học sử dụng các phương pháp phân tích kinh tế để giải thích, dự đoán và hoạch định hành vi ứng xử của con người trong các lĩnh vực xã hội và pháp lý khác nhau.

Kinh tế luận luật pháp chủ trương phân tích pháp luật dưới góc độ kinh tế, dựa trên cơ sở đánh giá phí tổn và lợi ích mà các quy tắc pháp lý cùng với thiết chế thực thi pháp luật có thể mang lại, để từ đó hoạch định chương trình sửa đổi và cải cách pháp luật, giúp gia tăng hiệu quả sử dụng và phân bổ nguồn lực xã hội, góp phần vào sự thịnh vượng của nền kinh tế quốc gia.

Vấn đề cốt lõi của việc soạn thảo luật phục vụ phát triển xã hội chính là phải tìm ra cách thức hợp lý, vốn được chứng minh bằng lý thuyết và thực tế, để thay đổi hiện trạng xã hội, cùng thói quen ứng xử và hành vi của con người, theo chiều hướng tốt đẹp, mà không làm hoặc ít làm hao tổn nguồn lực xã hội, tránh gia tăng chi phí cho nền kinh tế.

Ban hành luật nhằm thay đổi xã hội và hành vi con người theo chiều hướng tốt đẹp không phải là sản phẩm tưởng tượng chủ quan của nhà làm luật. Trái lại, đó phải là kết quả của quá trình nghiên cứu, phân tích và đánh giá tác động kinh tế và xã hội mà việc áp dụng các quy tắc pháp lý mới có thể mang lại.

Do đó, việc soạn thảo các văn bản luật theo ý muốn chính trị chủ quan, ngẫu hứng và tùy tiện đều dẫn đến hệ quả tai hại hơn cả chính những vấn đề là đối tượng cần được giải quyết và thay đổi bởi luật mới.

Nghị định 168 ban đầu được ban hành nhằm mục đích chấn chỉnh ý thức tuân thủ luật giao thông của người dân thông qua biện pháp gia tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm. Như vậy, ý định của nhà làm luật là thay đổi ý thức và hành vi của người dân theo chiều hướng tốt đẹp.

Tuy nhiên, trên thực tế, Nghị định 168 đã vấp phải hai phản ứng chính của xã hội trong những ngày qua, bao gồm:

Thứ nhất, người dân sợ bị phạt nặng nên cẩn trọng hơn trong lúc di chuyển bằng xe trên đường phố vốn dĩ chật hẹp ở các thành phố, khiến gây nên tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng. Hậu quả là nền kinh tế gánh chịu thêm tổn thất đột ngột, và xã hội tốn thêm nhiều chi phí không đáng.

Thứ hai, mức phạt nặng vượt quá thu nhập của người dân đã tác động bất lợi đến sinh kế cá nhân và gia đình của họ, dẫn đến tình trạng bần cùng hóa không tránh khỏi của đại đa số người dân vốn có thu nhập thấp. Hậu quả là sự bất mãn và thiếu niềm tin của dân chúng ngày càng gia tăng đối với chính quyền và hệ thống pháp luật. Đây là nguồn gốc của sự bất ổn xã hội.

Như vậy, dưới góc nhìn của môn Kinh tế luận luật pháp, việc ban hành và áp dụng một văn bản luật mà không dựa vào kết quả phân tích và đánh giá khoa học cẩn trọng những phí tổn mà nền kinh tế phải gánh chịu về lâu dài, cũng như thiếu dự đoán khả năng xảy ra bất ổn xã hội tiềm tàng, cho thấy mục tiêu ban đầu tuy tốt đẹp, nhưng kết quả trước mắt đã thất bại.

Giải pháp duy nhất là thu hồi Nghị định 168 không chậm trễ, trước khi sức chịu đựng của nền kinh tế và người dân vượt quá tầm kiểm soát. Việc sửa đổi Nghị định 168 cần được thực hiện nghiêm túc bằng sự phân tích và đánh giá khoa học những tác động kinh tế và xã hội dưới lăng kính của môn Kinh tế luận luật pháp như đã nói trên./.