Ở hướng Tây, Nga không muốn họ bị NATO và EU áp sát. Putin muốn giữa Nga và EU phải có một vùng đệm trung lập. Tuy nhiên, sau cuộc chiến Ucraina, vùng đệm ấy khả năng bị EU và NATO nuốt chửng. Tình thế này xem ra không thể đảo ngược được. Mỹ và Phương Tây đang là đồng minh. Họ hợp sức đánh sụm sức mạnh quân sự Nga là mục đích chung.
Nếu nói phía Tây là đầu con gấu Nga thì phía Đông là đuôi con gấu. Phía đông của nước Nga có 2 cường quốc thân Mỹ án ngữ ở đấy, đấy chính là Nhật Bản và Hàn Quốc. Đông – Tây đồng lòng trong chiến lược trừng phạt kinh tế đối với nước Nga thì xem ra gấu Nga bị hóa đầu khóa đuôi hết không gian để vùng vẫy.
Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ mục đích là kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì Mỹ cần Nhật – Hàn tham gia vào kế hoạch cô lập kinh tế Nga. Nhật là thành viên G7 còn Hàn là thành viên G20. Tiềm lực kinh tế 2 quốc gia này rất mạnh, nếu họ đồng lòng với Mỹ siết kinh tế Nga thì kinh tế Nga sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Trong trục ác gồm Nga – Trung – Triều, Mỹ đang muốn đánh mạnh vào Nga và hạn chế đà lớn mạnh Tàu.
Hồi tháng 4, Trung Quốc thông báo rằng, họ đã ký hiệp ước an ninh với đảo quốc Solomon thuộc Thái Bình Dương. Hành động này làm cho Úc và Mỹ cảm thấy không yên tâm. Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng, đây là điều mà Mỹ và đồng minh không muốn. Quần đảo Solomon cách Úc 2000km, là mối đe dọa không nhỏ cho sự an ninh quốc gia này. Trung Quốc ra đòn thì Mỹ phải trả đòn, đó là điều tất yếu.
Ngày 20/5 tới đây, Tổng thống Biden sẽ có chuyến thăm 6 ngày đến 2 đất nước này. Đây là sự đáp trả lại những động thái mà Trung Quốc đã thực hiện. Chuyến đi của ông Biden có 2 mục đích, mục đích trước mắt là cô lập kinh tế Nga, mục đích lâu dài là kết nối đồng minh bao vây Trung Quốc. Đáng chú ý là, ông Biden sẽ có cuộc họp với Bộ tứ Kim Cương gồm ông Biden và lãnh 3 nước còn lại gồm Australia, Nhật Bản, Ấn Độ. Những năm qua, sự kết dính của Bộ tứ Kim Cương còn rất lỏng lẻo, việc gặp gỡ lần này có mục đích thắt chặt hơn nữa mối quan hệ để cả khối có những hành động đáp trả mạnh mẽ hơn với thái động thái gây ảnh hưởng của Trung Quốc.
Nhật Bản và Hàn Quốc đều là 2 cường quốc có quân đội Mỹ đồn trú. Đáng nói là Mỹ đóng quân tại quần đảo Okinawa. Quần đảo này kéo dài hàng ngàn km ngoài khơi biển Hoa Đông, nó là cửa ngỏ giám sát cả khu vực duyên hải của Trung Quốc – khu vực phát triển nhất đất nước này. Quần đảo Okinawa kết hợp với Đài Loan nó tựa như tấm lưới chắn án ngữ cửa đông của Trung Quốc đại lục. Nếu những quốc gia Đông Nam Á quanh vùng Biển Đông mà nâng tầm quan hệ quân sự với Mỹ như Hàn - Nhật thì khi đó Mỹ có thể vao vây Trung Quốc từ hướng đông xuống hướng nam. Tuy nhiên, các quốc gia Đông Nam Á không có tầm như Hàn – Nhật, họ chỉ nhìn thấy miếng ăn trước mắt chứ không phóng tầm mắt ra xa để nhìn thấy tầm quan trọng của an ninh quốc gia. Hội nghị Mỹ - ASEAN vừa qua, các nước ASEAN chủ yếu là thỏa mãn cái miệng ăn (tức chủ yếu là tìm kiếm cơ hội về kinh tế) chứ họ không đi sâu vào vấn đề phòng thủ Biển Đông để hạn chế sức mạnh Trung Quốc. Các quốc gia Đông Nam Á không đủ tầm như hai cường quốc Đông Á kia.
Hình ảnh nước Nga là phiên bản của Trung Quốc nếu Trung Quốc có cơ hội tương tự như Nga. Nếu có cơ hội, Trung Quốc không ngần ngại thôn tính Việt Nam như Nga đã làm với Ucraina. Mỹ đang có chiến lược bao vây hạn chế sức mạnh của trục Nga – Trung – Triều, họ cần mảnh ghép ASEAN (đặc biệt là các quốc gia vùng Biển Đông như Việt Nam, Phillipines, Indonesia và Malaysia) vào để tạo thành chuỗi liên hoàn trên biển kéo dài từ Biển Nhật Bản – Biển Hoa Đông – Biển Đông – Vịnh Bengal. Đây là cơ hội để từng nước tách ra khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Cộng. Trong các quốc gia ASEAN thuộc vùng Biển Đông, Việt Nam đang có vị trí chiến lược lớn đối với kế hoạch của Mỹ và đương nhiên Mỹ luôn ve vãn Việt Nam, tuy nhiên ĐCS không nhìn ra.
Chính sách quốc phòng 4 không: “Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” là thái độ của ĐCS trước nhiều lần “ve vãn” của Mỹ về vấn đề hợp tác quân sự. Dù có ra chính sách tỏ rõ thái độ rồi, nhưng lời đề nghị từ phía bên kia đại dương không hề tắt mà vẫn tiếp tục.
Tầm của ĐCS chỉ nhìn ra cơ hội đớp lấy miếng ăn chứ họ không nhìn ra cơ hội để đất nước tách khỏi tầm ảnh hưởng của Tàu Cộng. Thật ra Mỹ không có ý đồ lật CS mà Mỹ muốn CS đứng cùng họ trong mảnh ghép chiến dịch cô lập trục ác Nga – Trung – Triều nói chung hay cô lập Trung Quốc nói riêng. Mỹ không hề nuôi một tổ chức chính trị nào để lật đổ CS, thời đó qua rồi. Vì cái sợ, cái thiếu tự tin mà CS đã đánh mất nhiều cơ hội lớn để đưa Việt Nam ra ngoài tầm ảnh hưởng của Tàu Cộng.
Mỹ xoay trục sang Châu Á là chiến lược đúng. Xoay sang Châu Á không có nghĩa Mỹ bỏ Phương Tây mà xoay sang Châu Á là để tạo thêm một gọng kìm nữa kẹp lấy “trục ác quỷ” Nga – Trung - Triều (gọng kìm kia là Phương Tây mà đại diện là EU và NATO). Trong chiến lược xoay trục sang Châu Á, nếu Việt Nam biết tận dụng lợi thế thì cơ hội thoát Trung không phải là không có, quan trọng là ĐCS có nhìn ra hay không mà thôi. Vấn đề quan hệ với Mỹ không nên gói gọn ở kinh tế mà nên mở rộng sang vấn đề quân sự. Điều này thực sự rất cần thiết./.
-Đỗ Ngà-
17.05.2022