hình Với luận án tiến sĩ của mình, nhà sinh học Ingmar Hoerr đã đặt nền móng quan trọng cho một thể loại vắc xin mới.
Hai loại vắc xin nhiều hứa hẹn nhất chống lại virus Sars-CoV-2, của Biontech và Pfizer và của công ty Moderna, hoạt động với công nghệ mRNA (chữ "m" là viết tắt của messenger). Sản phẩm Biontech vừa được phê duyệt tại Vương quốc Anh. Đối với Hoa Kỳ và EU, Biontech / Pfizer và Moderna cũng mong đợi điều tương tự trong những ngày tới, chậm nhất là vào đầu tháng 1.
Ngược lại, Curevac, công ty của nhà tiên phong về công nghệ mRNA, Ingmar Hoerr, muốn bắt đầu một loạt thử nghiệm cuối cùng lớn "trong thời gian sắp tới" với khoảng 35.000 đối tượng thử nghiệm ở Mỹ Latinh và Châu Âu. Đơn xin phê duyệt được dự kiến mãi đến giữa năm 2021.
Trước nhu cầu trên toàn thế giới về vắc xin, ước tính khoảng 14 tỷ liều, việc Curevac tụt lại phía sau Biontech và Moderna có thể sẽ không làm giảm triển vọng tài chính của công ty này nhiều cho lắm.
Curevac cho rằng họ sở hữu những bằng sáng chế tốt nhất về công nghệ vắc xin mRNA và do đó có thể sản xuất vắc xin này với giá rẻ hơn. Ngoài ra, việc hợp tác với một công ty con tại Đức của ông chủ Tesla, Elon Musk, hứa hẹn sẽ đơn giản hóa quá trình sản xuất.
Đơn đặt hàng trước cũng cho thấy rằng vắc xin từ Curevac chỉ kém Biontech một chút chứ không bị từ chối hoàn toàn. Ủy ban Châu Âu đã bảo đảm cho mình 225 triệu liều, cũng như lựa chọn mua thêm 180 triệu liều nữa. Ông Hoerr nói rằng "sự chậm trễ" này cũng liên quan đến việc "chúng tôi đã làm xong bài tập về nhà của mình".
Ý của Hoerr là vấn đề của dây chuyền làm lạnh. Trong khi BNT162b2, vắc xin của Biontech và Pfizer, rõ ràng phải được bảo quản ở nhiệt độ âm 70 độ C cho đến trước khi sử dụng, thì sản phẩm CVnCoV của Curevac được cho là dễ sử dụng hơn rất nhiều. Nhiệt độ lưu trữ khi xuất xưởng phải là âm 80 độ, nhưng nhiệt độ từ hai đến tám độ dương là đã đủ cho ba tháng tiếp theo và lâu hơn thế nữa. Vắc xin của Curevac vẫn ổn định trong gần 24 giờ ngay cả ở nhiệt độ phòng bình thường.
Việc Curevac có thể đã đầu tư nghiên cứu nhiều hơn những công ty khác để giải quyết vấn đề bảo quản dường như có liên quan đến một đối tác hợp tác khá khắt khe: Quỹ Bill & Melinda Gates.
Cụ thể, Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ cho công việc của Curevac một cách chọn lọc, chẳng hạn như cho một dự án về vắc-xin mRNA chống lại một nhóm virus gây ra nhiều vấn đề, đặc biệt là ở các quốc gia nghèo hơn ở phương nam địa cầu. Với các tỷ phú Microsoft và những nhà tài trợ từ thiện lớn, người ta không có cơ hội với một loại vắc-xin có yêu cầu phải được bảo quản siêu lạnh. Một sản phẩm như vậy sẽ không có giá trị gì đối với nhiều quốc gia là mục tiêu cung cấp.
"Có thể là với vắc-xin của chúng tôi, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm chính cho cái được gọi là Thế giới thứ ba." Bản thân Hoerr đã nghiên cứu về bệnh phong khi còn là một sinh viên ở Ấn Độ.
Công xưởng siêu nhỏ "in ra" vắc-xin
Cả liều lượng của hoạt chất, đủ để tạo miễn dịch, cũng đặc biệt nhỏ ở sản phầm của Curevac, từ hai đến mười hai microgam (một microgam là một phần triệu gam). Ngoài các cơ sở ở Tübingen tại Đức, các cơ sở của công ty Đức Wacker Chemie ở Amsterdam cũng có sẵn để sản xuất. Công ty Wacker Chemie đã sản xuất vắc xin ở đó khá lâu rồi.
Nhưng mối liên hệ đặc biệt nhất là liên kết với Elon Musk, tỷ phú PayPal và ông chủ Tesla. Vào năm 2017, Musk đã mua lại công ty chế tạo máy Grohmann Engineering tại Prüm ở bang Rheinland-Pfalz (Đức) để làm nhà cung cấp cho ô tô điện của ông - và qua đó bất ngờ đã trở thành người chơi trong trận đấu chống lại đại dịch virus. Bởi vì Grohmann cũng sản xuất những nhà máy siêu nhỏ, những thiết bị có kích thước bằng một thùng rác, có khả năng sản xuất hàng trăm nghìn liều vắc xin mRNA trong vòng vài tuần.
Elon Musk đổi ý
"Chúng tôi đã phát triển thiết bị này cùng với Grohmann", Hoerr thuật lại. Rồi Musk đến và muốn dừng tất cả các lĩnh vực không liên quan đến ô tô của ông ấy. "Vì vậy mà chúng tôi đã bay sang California và thuyết phục ông ấy tiếp tục dự án này." Musk ân xá cho chiếc "máy in RNA", như Hoerr gọi cái cỗ máy có nhiều truyền thuyết bao phủ này. Và cuối cùng ông ấy cũng đã thể hiện sự đoàn kết đến mức đã đến thăm Tübingen và Curevac hồi tháng 9.
"Tôi có ấn tượng rằng giờ đây ông ấy coi vắc-xin cũng quan trọng như chương trình vũ trụ của ông ấy", Hoerr nói. Sự so sánh thật táo bạo. Musk dự định sẽ sử dụng tên lửa SpaceX của ông ấy để vận chuyển hàng hóa lên sao Hỏa ngay từ năm 2022, vài năm sau đó là đến vận chuyển con người.
Tuy nhiên, doanh nhân nổi tiếng trên thế giới này hiện đang cam kết sẽ cung cấp cho một công ty 500 nhân viên ở Tübingen. Biontech, Moderna và sắp tới là Curevac: các công ty khởi nghiệp trước đây, nhỏ bé giống như virus, hiện đang trở nên quan trọng trên toàn cầu.
Phan Ba, theo Focus Online
05.12.2020