Nhiều người nhắc đến ngày 19-01-1974, ngày Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa. Có người còn lo lắng, rằng có thể sẽ không còn nhiều người nhớ những ngày như 19-01-1974, 17-02-1979, và 14-03-1988, là những ngày Trung Quốc tấn công chúng ta.
Tôi thì không lo người dân sẽ quên. Thế nào thì cũng sẽ có người nhắc cho họ nhớ. Nhưng vấn đề là nhớ những ngày đó để làm gì? Bữa trước có bạn đề xuất một cách nhắc nhở, kiểu như hẹn nhau “Sang năm gặp lại tại Hoàng Sa”. Đó là một kiểu nhắc nhở để nhớ, chứ thực ra, không biết bao giờ mới đến “sang năm”.
Tôi thì cho là, nếu mọi thứ cứ diễn biến như hiện nay, thì ngày mà chúng ta có thể lấy lại Hoàng Sa còn xa lắm lắm. Giặc xâm lược Trung Quốc thì rất cần chống. Nhưng để chống được giặc xâm lược Trung Quốc, việc đầu tiên, chúng ta phải mạnh. Muốn mạnh, chúng ta phải chống được giặc nội xâm. Đó chính là các thế lực thù địch của dân tộc, của lịch sử.
Nhưng làm sao chống được chúng? Ngay cả việc nhận định, kẻ nào là giặc nội xâm cũng còn chưa có định nghĩa. Tuy nhiên, mặc dù chưa có định nghĩa, nhưng nhiều người biết chúng là ai. Biết nhưng không nói ra, không quan tâm khi bản thân mình và gia đình chưa bị ảnh hưởng trực tiếp, thậm chí còn vào hùa với chúng đàn áp những người dám nói ra.
Trong bối cảnh đó, giữ được những gì chưa mất đã là khó khăn, chứ nói gì đến việc mạnh lên đến mức chống lại được bọn xâm lược Trung Quốc để lấy lại Hoàng Sa./.