Còn Đảng còn mình, còn nhân dân, còn lụt thì sao?

Cánh Cò - canhco's blog

Trong cùng một ngày 12 tháng 10 hai sự kiện trái nghịch nhau đến đau lòng. Một: bão lụt gầm thét, người dân chống chọi một cách đơn độc và tuyệt vọng. Hai: Hà Nội tổ chức đại hội Đảng bộ Công an nhân dân do Thủ tướng chủ trì. Trong ngôi nhà đầy hoa và ấm áp ấy Thủ tướng rạch ròi trong một tuyên bố nhất quán: “Công an còn Đảng còn mình”.

Báo chí loan tải trong trận lũ lụt năm nay tính đến sáng ngày 12 tháng 10 đã có 19 người thiệt mạng và 14 người mất tích. Cái chết mới nhất và đau lòng nhất là chị sản phụ Hoàng Thị Phượng (1985) trú tại Thôn Phường Hóp, xã Phong An, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế trở dạ nên chồng chị thuê thuyền đi sinh. Thuyền đi được một đoạn thì sản phụ bị rơi xuống nước và bị nước lũ cuốn trôi.

Một  số người dân gần đó phát hiện vụ việc chạy đến ứng cứu nhưng do lũ lớn, không có phương tiện cứu hộ nên đành bất lực.
 

Bức ảnh người chồng đau đớn quỳ lạy than khóc van xin thủy thần hãy trả lại thân xác vợ con tội nghiệp của anh giữa vùng trời đất xám mù làm người ta vừa đau đớn vừa uất ức như chính người thân của mình vừa bị thần lũ cuốn trôi. Đau vì thân phận con người như nhau sao lại có kẻ bất hạnh đến như thế, uất ức vì bản thân không thể cứu giúp nạn nhân, uất ức vì thấy chính quyền không những bất lực mà còn không cần che đậy hành vi đi ngược lòng dân một cách công khai và liên tục.

Khi bão lũ nổi lên không ai nghe thấy một chính sách kịp thời đưa ra chống lụt hay ít nhất cũng hạn chế mất mát người và của cho nhân dân. Chính quyền các cấp mãi bận rộn với những đại hội từ địa phương tới trung ương với hàng ngàn tỷ rút từ ngân sách để phung phí và khoe mẽ.

Nếu số tiền hàng ngàn tỷ ấy bỏ vào mua sắm thuyền cứu hộ hay máy bay trực thăng cho những trường hợp cấp cứu thì số người chết đã giảm được phần nào. Hình thức đi chăng nữa cũng làm mát lòng dân đang trong thời kỳ khó khăn sau cơn dịch Covid. Không, người ta thà chịu bị chửi rủa vì phung phí chứ không chấp nhận bỏ tiền ra làm những chuyện không lợi lộc gì cho Đảng.

Trong khi người đàn ông bất hạnh quỳ gối giữa trời cầu xin cho người vợ thì trong căn nhà sang trọng, rộng lớn và đầy tiếng vỗ tay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói như đinh đóng cột: “trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào, lực lượng Công an nhân dân cũng phải kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện về mọi mặt đối với Công an nhân dân; mỗi đảng viên, cán bộ, chiến sỹ Công an phải thấm nhuần sâu sắc nhận thức còn Đảng là còn mình; tuyệt đối trung thành với Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân.”

Rõ ràng thân là Thủ tướng nhưng ông Phúc không một chút gì lo đến số phận của nhân dân. Đáng lẽ kêu gọi công an cần giúp đỡ cho người dân một cách thiết thực thì lại bảo công an bảo vệ cho Đảng của mình. Bảo vệ bằng tất cả mọi nguồn lực kể cả sinh mạng vì còn Đảng thì mới còn công an. Câu khẩu hiệu tưởng chỉ có người cuồng đảng mới có thể chấp nhận dè đâu ông Phúc lại là kẻ cuồng đảng còn hơn ông Trọng, vốn được xem là cái đầu của Đảng.

Nhân dân đã chán ngấy cái trò đại hội nên chỉ biết lắc đầu khinh bỉ. Nhưng khinh bỉ cách mấy khi nhìn lại chính bản thân mình thì họ cũng nhận ra hai từ nhân dân vốn quen được nhà nước cho đi máy bay giấy hơn 70 năm qua vẫn còn giá trị lợi dụng. Nhà nước cho phép Ủy ban các cấp được tùy nghi sử dụng công quỹ để làm bất cứ điều gì tôn vinh Đảng mà không lo bị kiểm điểm hay mất ghế. Tượng đài chưa đủ, họ nảy sinh ra biết bao là sáng kiến nhằm ăn chận của nhân dân từ đồng bạc lẻ đề mua sắm, trao tặng cho nhau những phần quà làm dáng làm sang cho Đảng. Chính quyền không những không sợ dân bức xúc mà còn công khai với báo chí những việc làm sai trái của họ. Và nhân dân một lần nữa “tự dưng biến mất” dưới cái nhìn của chính quyền các cấp.

Nếu ông Phúc cho rằng công an phải còn đảng còn mình vậy thì nhân dân sẽ phản ứng gì khi nghe cái câu khẩu quyết đầy miệt thị người dân ấy? Chắc chắn họ sẽ không chịu ngồi yên chịu thua cái Đàng của các ông mà họ sẽ làm cho nó biến mất bởi vì khi không còn đảng thì mới còn người dân, không phải người dân cam chịu của chế độ cộng sản mà người dân của sung túc, ấm no khi không còn Đảng nữa.

Và lúc ấy mặc dù vẫn còn bão lụt hàng năm nhưng họ sẽ cùng nắm tay nhau chung sức bảo vệ cho đồng bào của họ. Những cảnh ngộ thương tâm sẽ dần đẩn mất đi nhường lại cho những cảnh đời tuy mất mát nhưng vẫn cảm thấy đáng sống vì sự đùm bọc của thể chế mới, một thể chế biết thế nào là sức sống từ nhân dân và thế nào là những cám dỗ đầy hào quang nhưng sẽ làm chết chế độ của đảng phái.

Cánh Cò - canhco's blog