Bộ Ngoại giao Mỹ: Việt Nam không tiến bộ trong minh bạch tài chính

  Ảnh: Một cuộc họp của Quốc hội Việt Nam ở Hà Nội. Chính phủ Việt Nam, theo đánh giá của Bộ Ngoại giao Mỹ, không đạt tiến bộ về minh bạch tài chính trong năm qua.

VOA

Báo cáo hàng năm mới nhất của Mỹ về minh bạch tài chính toàn cầu nhận định rằng Việt Nam không có tiến bộ trong việc công khai các nguồn thu của chính phủ hay các thông tin về khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra hôm 15/6 cho thấy Việt Nam không nằm trong số 76 trên 141 quốc gia được đánh giá đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu về minh bạch tài chính.

Minh bạch tài chính, theo Bộ Ngoại giao Mỹ, là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc quản lý tài chính công một cách hiệu quả, giúp xây dựng niềm tin thị trường tư nhân và củng cố sự bền vững về kinh tế. Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong báo cáo mới nhất rằng minh bạch tài chính cho công dân biết thu nhập và thu nhập từ thuế của chính phủ được sử dụng như thế nào và do đó nó cung cấp một cửa sổ cho người dân nhìn vào ngân sách của chính phủ cũng như giúp các chính phủ chịu trách nhiệm về việc quản lý của họ.

Theo tiêu chí toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, những nước đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu về minh bạch tài chính là khi chính phủ của họ đưa ra công chúng các tài liệu ngân sách trong một thời gian hợp lý. Những tài liệu này phải hoàn chỉnh và đáng tin cậy.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết dù chính phủ Việt Nam trong thời gian qua cho phép công chúng truy cập đề xuất ngân sách điều hành và ngân sách được thực hiện nhưng chính phủ Hà Nội đã không công bố báo cáo cuối năm trong một khoảng thời gian hợp lý. Thông tin về số nợ của các doanh nhiệp nhà nước không được công khai.

Theo đó, dù chính phủ Việt Nam công khai các tài liệu về các khoản chi tiêu và nguồn thu theo kế hoạch nhưng họ vẫn không minh bạch hoá các tài khoản ngoài ngân sách. Thêm nữa, dù chính phủ Việt Nam dường như tuân theo các điều luật và quy định về trao hợp đồng hoặc giấy phép khai thác tài nguyên thiên nhiên theo quy định nhưng các thông tin cơ bản về việc cho phép khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam không phải lúc nào cũng có sẵn công khai.

Theo Ngân hàng Thế giới, minh bạch tài chính đặc biệt có một tác động quan trọng ở Việt Nam khi ngành kinh tế công đóng một vai trò tương đối lớn trong nền kinh tế của đất nước. Ngân hàng này đánh giá rằng Việt Nam có những tiến bộ đáng kể so với thập niên 1990 trong việc minh bạch tài chính.

Kết quả khảo sát toàn cầu về Chỉ số công khai ngân sách mở 2019 được đưa ra hồi tháng 5 năm nay cho thấy điểm số công khai, minh bạch ngân sách của Việt Nam đã tăng mạnh so với các kỳ đánh giá trước đó, tăng 23 điểm so với năm 2017. Thời báo Tài chính cho biết đây là kết quả nỗ lực của Bộ Tài chính trong suốt những năm qua và mục đích của việc công khai, minh bạch ngân sách là nhằm tăng cường sự giám sát của cộng đồng, đảm bảo hiệu quả trong chi tiêu ngân sách cũng như yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách.

Bộ Ngoại giao Mỹ tiến hành đánh giá hàng năm về sự minh bạch tài chính của các chính phủ trên thế giới hiện đang nhận sự trợ giúp tài chính của Hoa Kỳ nhằm giúp đảm bảo rằng các quỹ từ tiền thuế của người dân Mỹ được sử dụng hợp lý và cũng để cung cấp những cơ hội đối thoại với các chính phủ về sự quan trọng của minh bạch tài chính.

Hồi tháng 5, Mỹ công bố viện trợ cho Việt Nam 9,5 triệu USD để chống dịch COVID-19 và một tháng trước đó, Mỹ tài trợ 42 triệu USD để giúp phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam.

Theo đánh giá của Forbes đưa ra hồi tháng 4, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong hơn một thập niên qua, với kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng liên tục ở mức hơn 20% trong ba năm gần đây. Riêng quý I năm nay, Mỹ là đối tác thương mại lớn của Việt Nam với tổng kim ngạch 19,5 tỉ USD, tăng gần 20% trong đó Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ gần 16 tỉ USD, theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan.