Chính phủ Úc bị thúc ép phải tăng cường đòi Việt Nam trả tự do cho Châu Văn Khảm

Anh Dennis Châu (giữa), con trai ông Châu Văn Khảm và tấm hình của cha, tại Geneva Summit 18/2. Gia đình anh đã không được tiếp xúc hay nói chuyện với ông Khảm, hiện đang bị chịu án tù ở Việt Nam, trong nhiều tháng qua. (Photo Facebook Geneva Summit 2020)

VOA|

Chính phủ Australia bị thúc ép phải tăng cường hơn nữa các nỗ lực đòi tự do cho ông Châu Văn Khảm, một công dân Úc gốc Việt đang chịu án tù ở Việt Nam sau khi bị kết án 12 năm tù vì tội “khủng bố” vào cuối năm ngoái.

Lời kêu gọi được đưa ra trong bài xã luận của Canberra Times của Úc được tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch có trụ sở ở New York, Mỹ, đăng tải hôm 15/6.

Ông Khảm, một thợ làm bánh 71 tuổi từ Sydney đã nghỉ hưu hiện đang bị giam ở một trại giam cách TP HCM 3 tiếng lái xe. Theo thông tin mà HRW chia sẻ, vợ và các con ông Khảm chưa từng được nói chuyện với ông kể từ khi ông bị bắt vào tháng 1/2019. Nhà cầm quyền Việt Nam cũng không cho phép nhân viên lãnh sự Australia được thăm ông từ tháng 1 năm nay, với lý do trại giam hạn chế thăm nuôi vì dịch virus corona.

Trước đó hôm 6/6, tờ The Guardian của Anh cho rằng nhà hoạt động dân chủ Úc gốc Việt đã “biến mất” trong hệ thống nhà tù của Việt Nam vì không ai trong gia đình ông hay chính phủ Úc được phép gặp mặt hoặc nói chuyện với ông trong gần 4 tháng qua. Gia đình ông Khảm lo ngại rằng chính phủ Úc đã “bỏ quên ông.”

Ông Khảm bị kết án 12 năm tù vì những cáo buộc về “tài trợ khủng bố” vì các hoạt động của ông với đảng Việt Tân, một tổ chức vì dân chủ có trụ sở ở Mỹ hiện đang hoạt động công khai và hợp pháp ở nhiều quốc gia trong đó có Úc, nhưng bị chính quyền Hà Nội coi là “khủng bố.”

Các tổ chức nhân quyền quốc tế, luật sư và gia đình ông Khảm nói rằng những cáo buộc chống lại ông là vô căn cứ và có động cơ chính trị. Bản án được đưa ra sau một phiên xử chóng vánh trong vòng 4 tiếng rưỡi với sáu bị cáo – gây nên nhiều quan ngại nghiêm trọng về quy trình tố tụng, theo HRW.

Nỗ lực kháng cáo của ông Khảm bị bác bỏ. Trước khi xảy ra bệnh dịch virus corona, các buổi thăm gặp hàng tháng của ông với lãnh sự quán diễn ra trước mặt giới chức Việt Nam và bị ghi hình, theo Canberra Times. Nhưng giờ thì không có đợt thăm gặp nào nữa và vào ngày 1/6, cán bộ quản lý trại bất ngờ chuyển ông Khảm từ TP HCM tới một nhà tù xa hơn ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, khiến ông càng bị cô lập hơn.

Ông Khảm là một trong số hơn 160 tù nhân chính trị ở Việt Nam, bị giam giữ vì các hành vi tự do biểu đạt ôn hoà, theo HRW. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao ở Hà Nội nhiều lần bác bỏ những các buộc của các tổ chức nhân quyền và cho biết không có cái gọi là 'tù nhân lương tâm' ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Canberra Times, hồ sơ nhân quyền yếu kém của Việt Nam ít khi được nêu trong tin tức quốc tế vì chính phủ Úc lo ngại về ảnh hưởng đang tăng lên của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á nên nói chung vẫn dè dặt không đưa ra quan điểm công khai và có nguyên tắc về các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Trump chỉ nêu các vấn đề về nhân quyền khi nào thấy có lợi về chính trị, theo nhận định của bài xã luận.

Liên minh châu Âu vừa hoàn tất một Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và bỏ qua phần lớn các quan ngại của các nhà vận động về hồ sơ nhân quyền của Hà Nội.

Australian đã củng cố các mối quan hệ sâu sắc hơn với Việt Nam qua việc ký kết Hiệp ước Đối tác Chiến lược vào năm 2018. Hiệp ước này được trông đợi sẽ tăng cường quan hệ kinh tế ở cả hai phía. Nhưng, theo bài xã luận được HRW chia sẻ, một nền kinh tế thịnh vượng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu người dân bị từ chối các quyền con người cơ bản. Một biểu hiện rõ là chính phủ Úc còn không thể bảo vệ được các quyền của chính công dân mình, người đã bị giam giữ tuỳ tiện đến gần 18 tháng.

Chính phủ Úc cần tăng cường các nỗ lực đòi tự do cho Châu Văn Khảm, bài xã luận viết và thúc giục các nhà ngoại giao Úc yêu cầu chính quyền Việt Nam cân nhắc việc phóng thích ông Khảm vì lý do nhân đạo như một ưu tiên cấp thiết.

Khi các chính phủ phương Tây gây sức ép với chính quyền Việt Nam một cách kiên quyết và mạnh mẽ về việc trả tự do cho tù nhân chính trị, đã có sự đáp ứng, với các trường hợp nhà bất đồng chính kiến được thả cho đi tị nạn ở Pháp, Đức và Mỹ. Bài xã luận của Canberra Times cho rằng Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne “cần tìm được tiếng nói vì lợi ích của công dân Australia này, đồng thời tuyên bố rõ với chính quyền Việt Nam rằng chính phủ Úc sẽ hành động khi các quyền cơ bản về tự do biểu đạt, lập hội và nhóm họp ôn hòa bị đè nén.”