Đinh Yên Thảo - VOA|
Câu chuyện nữ đại úy công an Lê Thị Hiền hành hung, chửi bới nhân viên hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất vài tuần trước tưởng đã nguội bớt đi vì những tin tức thời sự chồng chất, nào ngờ lại một lần nữa gây xôn xao dư luận.
Chứng cứ, thái độ lỗ mãng của người nữ đại úy này như thế nào thế nào thì những thước phim mộc được quay tại chỗ và đưa lên mạng đã thể hiện rõ ràng với bất cứ ai xem qua. Nhưng nay bà bỗng tố ngược là phim đã bị "chỉnh sửa, photoshop ", phim thiếu cảnh bà "bị sỉ nhục, hành hung trước" nên mới nổi cơn thịnh nộ và người nữ nhân viên bị bà chửi mắng, ôm mặt khóc là "diễn sâu" đóng kịch. Cũng như cả hai mẹ con đã bị "giam lỏng" như thế nào.
Tất nhiên những điều này chỉ làm công luận nếu không cười nụ thì cũng khiến họ giận dữ công kích những lời tự bào chữa đầy vô lý và lố bịch này thêm nặng nề hơn. Nhưng khi người nhân viên hàng không đưa clip phim lên mạng đã phải tháo gỡ phim và đóng tài khoản facebook của mình, cũng như cơ quan an ninh hàng không bối rối giải thích rằng đã bị bà "hiểu lầm" và công an Quận Đống Đa đang "tiếp tục xem xét và báo cáo lên thành phố" (!?), thì người ta có quyền hỏi rằng, "thật ra người nữ công an này là ai, con cháu của "thần mặt trời" nào?" mới có thể tiếp tục ngang ngược, thách thức lại công luận khi xem mình là nạn nhân và tố ngược lại cho những người đã bị bà ta hành hung, chửi mắng và các cơ quan liên quan phải dè chừng như vậy.
Hay là dù chỉ là một đại úy công an bà vẫn là một "trời con" như vô số ông hay bà "trời con" đang có trên khắp đất nước Việt Nam hiện nay? Dù thế nào, thì nữ đại úy này xem ra đã "có cửa" thật sự để phán "mày có biết tao là ai không?" tại phi trường.
Một tài xế hay hành khách chạy xe biển xanh - tức xe công vụ, chạy quá tốc độ hay đang có mùi rượu nồng nặc cũng sẽ bước xuống xe buông câu "mày có biết tao là ai không?" ngày càng phổ biến hơn.
Chỉ sau vụ Đại úy Hiền vài tuần thì mới tuần trước một người đàn ông chạy xe biển xanh tại Thanh Hóa cũng chỉ mặt, tát tai cảnh sát giao thông với thái độ "ông trời con" như vậy. Những người công an đứng đường dù có quen việc xách nhiễu, thô bạo với người dân có lẽ cũng sẽ dè chừng, né tránh với kẻ buông câu nói "mày có biết tao là ai không?" Bởi theo tâm lý và trên thực tế, chỉ có những kẻ có quyền hay thế lực sau lưng mới có thể buông ra câu nói này. Dân thường khó lòng có thể bước xuống xe mà buông lời "mày có biết tao là ai không?" để chơi đòn cân não, hăm dọa với cảnh sát giao thông.
Hai năm trước, cộng đồng mạng ắt không quên thước phim đã được đưa lên mạng cảnh trung tướng hồi hưu Võ Văn Liêm, từng là Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Quân Ủy Trung Ương thuộc Bộ Quốc Phòng sỉ mắng, văng tục người cảnh sát giao thông bằng thái độ "mày có biết tao là ai không?" tại Cần Thơ. "Giám đốc mày tao còn cách chức được chứ đến mày". Lời dọa của tướng Liêm quả có thật khi Giám Đốc Công An Cần Thơ phải "trình lên Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An xin ý kiến (!?)" và tin tức sau đó lan truyền rằng viên trung úy cảnh sát dừng xe tướng Liêm bị kỷ luật vì "cư xử thiếu tế nhị, để lan truyền hình ảnh cự cãi làm xấu hình ảnh cán bộ cao cấp...".
Cái văn hóa "trời con" rằng, "mày có biết tao là ai không?" dường như ngày càng đậm đặc tại Việt Nam, không chỉ với những người có quyền hành cùng con cái, người thân của họ như nữ đại úy Hiền hay tướng Liêm. Nó lan vào cả xã hội dân sự. Một người vợ hay bồ nhí của sếp đến công ty mà nhân viên mới "lỡ dại" không biết, không cho vào thì cũng có thể bị đối diện cái thái độ hung hăng "mày có biết tao là ai không?" này.
Mới tháng trước, báo chí trong nước đưa tin một "đại gia" địa ốc sàm sở, quấy rối tình dục với hành khách và tiếp viên trên phi cơ của Hàng Không Việt Nam cũng đã buông lời "mày có biết tao là ai không?" khi bị nhân viên ngăn chận. Họ đem cái vị thế hay thế lực, sự quen biết sau lưng để buông lời hăm doạ, tạo áp lực với người khác trước hành vi sai trái của mình. Chỉ dăm vụ tình cờ bị người dân ghi lại và đưa lên mạng xã hội cùng công luận, còn hàng trăm, hàng ngàn vụ khác đã và đang có thể đang xảy ra hàng ngày và khắp mọi nơi thì sao? Từ những kẻ có quyền đến có tiền, họ xem mình những ông hay bà "trời con", có thể đứng trên pháp luật, thậm chí tấn công cả người thi hành công vụ. Cái văn hóa ông/bà "trời con" này cho thấy một nhóm người tự coi mình là đứng trên người khác, đứng trên pháp luật và hệ thống pháp luật đã dung dưỡng cho những người này, cho họ cái đặc quyền như vậy.
Họ không hiểu rằng, ở một xã hội dân chủ, như tại Mỹ chẳng hạn, những người liên quan đến công quyền càng phải có thái độ và hành xử thận trọng, đúng mực hơn với người dân lẫn cơ quan công lực. Các trang mạng của các tổ chức dân sự và đăng thông tin liên quan đến các ứng cử viên cùng báo chí luôn theo dõi và báo cáo các vi phạm, sai trái như bạo hành, uống rượu lái xe, các cáo buộc xách nhiễu tình dục... của những cấp dân biểu liên bang đến địa phương, từ thẩm phán đến cảnh sát trưởng, của các ứng cử viên, của những người được đề bạt vào trọng trách..., để xem họ có xứng đáng phục vụ người dân hay không. Hoặc họ có buộc phải từ chức khi vướng vào những điều như vậy.
Chuyện kể rằng, có một đêm bình thường ngoài công vụ, xe chở ngài thủ tướng Winston Churchill của Anh bị chận lại. Một cận vệ xuống xe và giải thích rằng trong xe đang chở ngài thủ tướng nhưng viên cảnh sát vẫn khăng khăng ghi phạt người tài xế phạm lỗi giao thông. Nghe được câu chuyện, Churchill viết thư cho cảnh sát trưởng London đề nghị khen ngợi viên cảnh sát. Vị cảnh sát trưởng viết thư phúc đáp rằng, "chúng tôi không khen thưởng những người đang thực hiện đúng trách nhiệm của mình". Chỉ khi nào, từ những người đứng đầu quốc gia xuống đến nhân viên công lực bình thường, có cùng thái độ thượng tôn pháp luật và quân pháp nghiêm minh như câu chuyện trên thì cái văn hóa "trời con" và "mày có biết tao là ai không" kia mới chấm dứt. Nhưng xem ra đây là điều không tưởng tại xã hội Việt Nam hiện nay.