Lên án hay ca ngợi hai tên tội phạm ghê tởm

Chương trình văn nghệ khai mạc Đại hội VHNT Hà Nội lần thứ 13 ngày 26-27/7, xiển dương hai tên tội phạm tham nhũng Chu Ngọc Anh - Nguyễn Thành Long Phạm Đình Trọng Vào Facebook hai hôm nay thỉnh thoảng lại thấy facebooker khoe ảnh hội hè, người người áo quần bảnh bao, váy áo xênh xang, mặt mày hớn hở dự đại hội nghệ sĩ kinh kỳ mà ngao ngán. Đến dàn xướng ca kết thúc cuộc đại hội nghệ sĩ kinh kỳ thì chỉ còn biết cúi mặt, thở dài. Ông nhạc trưởng tên Cường của dòng dõi Nguyễn Lân có học say mê chỉ huy một dàn xướng ca lạc lõng. Đây là những nghệ sĩ, những người được kỳ vọng là gương mặt văn hoá của đất nước, nói tiếng nói nhân dân, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn nhân dân ư? Một thể chế tạo ra đám quan chức thông đồng với đám tư bản hoang dã trấn lột đất sống của dân xây cao ốc kinh doanh, kiếm lợi nhuận trên nước mắt và cả máu dân. Một quyền lực nhà nước cấu kết với đám tư bản bất lương xâu xé, băm nát đất nước gấm vóc làm thuỷ điện, làm công trình nhà hát tàn phá thiên nhiên, đầu độc môi trường kiếm lợi nhuận chia nhau. Một thể chế, một nhà nước đã đẩy người dân cả nước vào thân phận dân oan. Hành pháp đã chồng chất nỗi oan ngút trời cho dân. Dân oan Văn Giang. Dân oan Dương Nội. Dân oan Đồng Tâm. Dân oan Thủ Thiêm. Dân oan Lộc Hưng… gia đình người nông dân lương thiện Cấn Thị Thêu Tư pháp lại giáng thêm những nỗi oan sâu thẳm cho dân bằng những phiên toà chỉ có bạo quyền không có công lí. Phiên toà xử người dân mất đất, mất cả mạng sống ở Đồng Tâm, Hà Nội. Phiên toà xử gia đình người nông dân lương thiện Cấn Thị Thêu ở Hoà Bình. Phiên toà xử tiếng nói của quyền con người Phạm Đoan Trang ở Hà Nội. Phiên toà xử những dân lành tu tại gia ở tịnh thất Thiền Am, Long An… Nguyễn Lân Thắng Cháu ông nhạc sĩ Cường là công dân vô tội, là trí thức Nguyễn Lân Thắng biết chia sẻ nỗi đau với dân oan, biết lo vận nước vừa bị bắt giam trong ngục tối là dân oan nhức nhối và gần gũi máu thịt với ông nhạc trưởng Nguyễn Lân Cường đấy. Vậy mà ông nhạc sĩ Cường lại tập hợp dàn xướng ca, say sưa, đắm đuối, véo von, hùng hồn ca ngợi thể chế dân oan ấy. Thật thảm hại cho nhân cách ông được gọi là nhạc sĩ và nhân cách những xướng ca trong nhóm, trong bầy của ông. Càng quái đản hơn khi màn xướng ca lại được minh hoạ bằng màn hình lớn ngay trên đầu dàn xướng ca với hình ảnh hai tên tội phạm ghê tởm Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long xuất hiện cùng với hình ảnh Hồ Chí Minh, Nguyễn Phú Trọng mà hình ảnh tội phạm họ Chu, họ Nguyễn còn choán hết màn hình, lồng lộng hơn nhiều hình Hồ Chí Minh, Nguyễn Phú Trọng thì đó là lên án hay ca ngợi tội phạm tên Anh, tên Long? Hay đưa hình ảnh như vậy để ông nhạc sĩ ngầm bảo rằng Hồ Chí Minh, Nguyễn Phú Trọng cũng một duộc, cũng cùng hội, cùng thuyền với tội phạm họ Chu, họ Nguyễn?  
......

Vì sao chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi đầy sóng gió?

Trung Điền - Việt Tân Bà Pelosi, Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ dự trù viếng thăm một số nước Á Châu như Nhật Bản, Indonesia, Singapore từ đầu tháng 8, 2022, và Đài Loan là chặng cuối cùng trước khi về lại Mỹ. Trong mấy ngày qua, dư luận Hoa Kỳ nói riêng và khu vực Á Châu nói chung đã “lên cơn sốt” về chuyến ghé thăm Đài Loan của bà Pelosi. Không những Bắc Kinh lên tiếng chống đối mạnh mẽ, mà còn đưa ra những hăm dọa sẽ tấn công máy bay của bà Pelosi; trong khi đó, Tổng thống Biden và Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ lên tiếng yêu cầu bà Pelosi không nên ghé Đài Loan vì chỉ tạo thêm sự căng thẳng không cần thiết với Trung Quốc vào lúc này. Bà Pelosi dự kiến thăm Đài Loan vào tháng 4 năm nay, nhưng vì bị dính Covid-19 nên bà đã phải hủy chuyến đi. Lúc đó, Bắc Kinh cũng lên tiếng chống đối mạnh mẽ việc bà Pelosi thăm Đài Loan nhưng không mang tính hăm dọa như hiện nay là sẽ cho không quân “tấn công vào máy bay chở phái đoàn bà Pelosi nếu đi qua eo biển Đài Loan.” Tại sao Bắc Kinh lại hung hăng đối với chuyến đi lần này của bà Pelosi? Chuyến đi của bà Pelosi xảy ra đúng vào thời điểm Tập Cận Bình chủ tọa một khóa họp rất quan trọng giữa Thường vụ Bộ chính trị với các nguyên lão trong đảng tại khu nghỉ mát Bắc Hải Đới để chung quyết về nhân sự và đường lối chuẩn bị cho Đại Hội Đảng lần thứ 20, dự trù diễn ra vào cuối tháng 10 năm nay. Tại khóa họp đặc biệt này, Tập Cận Bình muốn thuyết phục các “nguyên lão” ủng hộ để họ Tập tiếp tục thêm nhiệm kỳ thứ ba của ghế Tổng Bí Thư, hoàn toàn trái với ý hướng của Đặng Tiểu Bình đưa ra từ năm 1984 là ghế Tổng Bí Thư chỉ được làm 2 nhiệm kỳ liên tiếp mà thôi. Họ Tập dùng yếu tố bà Pelosi viếng thăm Đài Loan không phải để thách thức Hoa Kỳ mà là để “nắn gân” nội bộ đảng qua việc dùng chiêu bài “chống Mỹ” để khuynh loát nội bộ đi theo những chủ trương riêng của họ Tập. Nói cách khác, Tập Cận Bình dùng sự kiện sẵn sàng “ăn thua đủ với chuyến đi Đài Loan của bà Pelosi” để cho thấy là Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của mình, đang lớn mạnh và không sợ nước Mỹ. Sự kiện Bắc Kinh còn tuyên bố sẽ tập trận và bắn bằng đạn thật tại eo biểu Đài Loan vào đầu tháng 8 cho thấy là họ Tập đang cần phải chứng tỏ một hành động mạnh đối với nội bộ để nói lên quyết tâm “thống nhất” Đài Loan. Vấn đề đặt ra là liệu Bắc Kinh có dám có những hành động “can thiệp” vào chuyến bay của bà Pelosi khi đến eo biển Đài Loan hay không? Tổng Thống Biden và Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ thì cho rằng có nhiều xác suất là Bắc Kinh sẽ ra tay quấy phá máy bay chở bà Pelosi. Người ta chưa biết mức độ “quấy phá” của lực lượng không quân Trung Quốc, nhưng sợ nguy hiểm đến tính mệnh bà Pelosi nên Tòa Bạch Ốc đã yêu cầu bà Pelosi không ghé Đài Loan. Điều này khiến người ta nhớ đến những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan 1995-1996. Vào thời điểm đó, Đài Loan đã vận động Quốc hội Hoa Kỳ dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng hòa, để gây áp lực buộc chính quyền của Tổng thống Bill Clinton (Đảng Dân Chủ) cho phép Tổng Thống Lý Đăng Huy của Đài Loan, đến New York để phát biểu tại Đại Học Cornell, vốn là ngôi trường cũ của họ Lý. Bắc Kinh đã giận dữ và cho tiến hành một loạt các cuộc tập trận mà đỉnh điểm là các vụ thử tên lửa ở gần Đài Loan một cách nguy hiểm, khiến Tổng thống Bill Clinton phải đưa hai nhóm tàu sân bay tới eo biển Đài Loan. Mặc dù Trung Quốc đã nhanh chóng lùi bước sau những áp lực của Hoa Kỳ, nhưng cuộc khủng hoảng này đã thúc đẩy Bắc Kinh dồn nỗ lực hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, đặc biệt, lực lượng hải quân của Trung Quốc đã có những tân trang đáng kể. Vì thế, các nhà phân tích thế giới lo ngại là nếu một cuộc khủng hoảng mới xảy ra ở eo biển Đài Loan thì sẽ nguy hiểm hơn nhiều vì Trung Quốc tin rằng họ có thể chấp nhận rủi ro lớn hơn nhờ các khả năng mới của mình. Ngược lại, một số dư luận cho rằng tại sao Hoa Kỳ không sử dụng lực lượng tiêm kích sẵn sàng tấn công đối phương để bảo vệ máy bay của bà Pelosi nhằm chứng tỏ sức mạnh của Hoa Kỳ. Nếu chẳng may rơi vào tình huống này, xung đột giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh có thể bùng nổ., Hiện nay phía bà Pelosi chưa lên tiếng chính thức về việc có ghé Đài Loan hay không vì chuyến đi chỉ mới bắt đầu ở Nhật Bản, còn phải qua hai quốc gia Indonesia và Singapore, trước khi đưa ra quyết định sau cùng. Đa số dư luận tại Á Châu đều ủng hộ việc bà Pelosi nên ghé thăm Đài Loan. Tuy chuyến viếng thăm không thay đổi tình hình, nhưng đưa ra hai thông điệp quan trọng. Thứ nhất, lập pháp Hoa Kỳ công khai đứng về phía nhân dân Đài Loan và thứ hai là biểu hiện ý chí của Hoa Kỳ sẵn sàng đối đầu trước các răn đe của Bắc Kinh. Chuyến viếng thăm Đài Loan của bà Pelosi nếu đuợc thực hiện chắc chắn sẽ đi vào lịch sử trong cuộc đối đầu giữa: Tự do Dân chủ và Độc tài Chuyên chính.
......

Tại sao Hộ chiếu mới của Việt Nam không có nơi sinh?

Đoàn Hùng| Một quan chức giấu tên  tiết lộ. Việc Nơi sinh của Hộ chiếu để hay không để đã được thảo luận kỹ trong giới chức có thẩm quyền chứ không phải là một sai sót về quy trình. Bởi việc đưa vào như cũ là rất đơn giản khi nay việc chuyển dữ liệu lưu nhân thân từng người từ hồ sơ sang là tự động bởi computer. Một thao tác rất đơn giản. Nhưng sau khi cân nhắc thì quyết định bỏ Nơi sinh. Đây không phải chuyện An ninh gì ghê gớm mà phải giấu. Mà rất đơn giản là để tránh chuyện khi xin visa vào nước khác bị từ chối. Ở Việt Nam những người có nơi sinh ở các tỉnh Miền Bắc như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình và một số vùng ở Nam Định bị liệt vào Sổ đen Black List của các nơi cấp visa, thường là các Sứ quán nước ngoài ở Việt Nam,khi vào Châu Âu thuộc khối Schengen là Liên minh về Visa và ở Châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản. Những người có xuất xứ là Nơi sinh từ các tỉnh này khi xin được Visa vào các nước trên thì có khả năng cao là sẽ trốn ở lại. Có những vùng như một cả một huyện ở một tỉnh thì nếu được cấp visa để vào nước người ta đạt tỷ lệ trốn lại đến 100%. Bởi sự rủ rê trong làng trong xóm gây hiệu ứng đám đông rất mạnh. Vụ 39 người chết ngạt khi vào Anh Quốc bằng xe tải đông lạnh năm 2019 có đến 32 người là cùng một huyện và có 7 người trong cùng một làng nhỏ. Những người này phải đi chui nhủi đến cả tỷ bạc,khi mà chỉ cần một chuyến du lịch Anh do Cty Du lịch Việt tổ chức vào Anh với lý do đi du lịch theo Đoàn thì sẽ vào Anh được chỉ với 3000 bảng Anh là cùng, khoảng 80 triệu đồng VN. Nhưng họ không thể mua tour du lịch vào Anh được mà chịu mất đến 40.000 đô để đi chui nhủi trong xe ngạt thở mà chết. Đơn giản là nếu họ đưa Hộ chiếu cho Cty Du lịch để xin Visa thì với xuất xứ nơi sinh đã có trong Sổ đen sẽ bị từ chối ngay lập tức mà không cần xem bất cứ thứ gì. Để giúp đỡ công dân mình dễ dàng " tìm đường cứu Nước, cứu Nhà" thì giới hữu trách đã xóa bỏ Nơi sinh nhằm tạo điều kiện cho việc xuất khẩu được thêm phần mạnh mẽ. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mới đưa Việt Nam vào những nước có Nạn Buôn người có tổ chức mà không được ngăn chặn thậm chí có dấu hiệu có sự chi phối của Nhà nước. Và chuyện gì xảy ra đã rõ. Mẫu Hộ chiếu mới đã cấp cả trăm ngàn giờ bị nước ngoài từ chối vì họ nhìn ra cái" Trí khôn của ta đây " của anh Vịt. Fb  Đoàn Hùng
......

Chuyên gia Mỹ phân tích bảy yếu tố chiến tranh - và dự đoán thất bại của Putin

Hình: Cờ Ukraine trên đảo Rắn   Gs Timothy Snyder - Phan Ba dịch Đối với nhiều nhà quan sát, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine giống như trận chiến giữa David và Goliath. Nhà sử học Hoa Kỳ nổi tiếng Timothy Snyder hiện đã xem xét cuộc xung đột dựa trên bảy yếu tố - và đi đến một kết quả sẽ làm cho Putin không hài lòng. Đối với Timothy Snyder, tác giả và giáo sư lịch sử tại Đại học Yale nổi tiếng, Nga sắp thua trong cuộc chiến ở Ukraine. Việc Putin xâm lược Ukraine không chỉ là một tội ác, mà còn là một sai lầm. Thừa nhận sai lầm này là điều khó khăn, đặc biệt là đối với Putin, người mà quyền lực dựa trên hình ảnh của ông như là một người đàn ông mạnh mẽ: "Trong cuộc chiến này, Nga đã đạt đến giai đoạn mà họ đang chiến đấu chỉ vì sẽ rất xấu hổ nếu như không chiến đấu", nhà sử học người Mỹ viết trên blog "Thinking about…" của ông. Ông tin rằng bây giờ người Ukraine có thể sẽ tạo được sự năng động cần thiết trên chiến trường để chống lại quân đội của Putin. Ngay cả khi khó có thể dự đoán được chiến tranh, Snyder tin rằng Ukraine rất có thể sẽ giành được chiến thắng. Để minh chứng cho luận điểm của mình, chuyên gia Mỹ phân tích 7 yếu tố chiến tranh mang tầm quyết định đến diễn biến của các cuộc xung đột vũ trang. 1. Cuộc chiến của Putin và yếu tố thời gian Thời gian đóng một vai trò quan trọng đối với Nga, vì Putin ban đầu đã tính đến một chiến thắng nhanh chóng. Snyder nói: "Nếu không có chiến thắng nhanh chóng và kẻ thù không bị sỉ nhục, thì thời gian sẽ chiếm ưu thế do những yếu tố không lường trước được". Bởi vì chiến tranh càng kéo dài, thì những lợi ích, mà một cường quốc như Nga dường như đang có, sẽ càng giảm đi. 2. Nền kinh tế Nga, các lệnh trừng phạt và lý do tại sao nước Đức có thể có tác động quyết định Nga là một nền kinh tế lớn hơn nhiều so với Ukraine, đó là lý do tại sao các lệnh trừng phạt chống lại Nga sẽ sớm có tác động, Snyder dự đoán. Các biện pháp trừng phạt sẽ có tác hại, đặc biệt nếu quân đội Ukraine bắt đầu thể hiện ưu thế công nghệ mà Nga không thể theo kịp nếu không có hàng nhập khẩu do bị trừng phạt. Xét cho cùng, Ukraine được hỗ trợ bởi các cường quốc kinh tế Mỹ và châu Âu, rõ ràng có thể vượt xa Nga. "Để kinh tế tạo ra sự khác biệt, các chính phủ (đặc biệt là ở Berlin) phải sẵn sàng sử dụng sức mạnh kinh tế của mình một cách sáng tạo và nhanh chóng theo những cách không phù hợp trong thời bình", nhà sử học Mỹ viết. Theo Snyder, Đức đặc biệt phải chứng minh rằng họ có thể sản xuất và giao hàng pháo và đạn pháo đúng tiến độ. 3. Hậu cần: Ukraine đang tiến hành chiến tranh trên chính lãnh thổ của mình Snyder viết rằng Ukraine có lợi thế rõ ràng về mặt hậu cần: Nước này đang tiến hành cuộc chiến trên chính lãnh thổ của mình. Do đó, binh lính và đạn dược sẽ không phải vận chuyển trên một quãng đường dài. Vào đầu cuộc chiến, khi Nga xâm lược từ Belarus, hậu cần của Nga là một thảm họa, Snyder lưu ý. Tình hình của quân đội Nga hiện đang tốt hơn ở Donbass, vì phía đông Ukraine có biên giới với Nga và miền nam Ukraine có thể tiếp cận từ Crimea, do Nga kiểm soát. "Nhưng những đường liên kết này có thể bị thách thức và thậm chí bị phá vỡ với những loại vũ khí phù hợp", Snyder tin chắc như vậy. 4. Địa hình: Nga không tận dụng được địa hình thuận lợi Đối với Snyder, điều kiện địa hình cũng có tính chất quyết định đối với diễn biến tiếp theo của cuộc chiến. "Tôi không thể không lưu ý rằng vào tháng 5 và tháng 6, khi Ukraine không triển khai được số lượng lớn vũ khí tầm xa thu được từ các đối tác, Nga hầu như không thể tận dụng được địa hình tương đối thuận lợi của miền đông nam Ukraine", sử gia Hoa Kỳ biết. Cung cấp vũ khí của phương Tây giờ đây sẽ mang lại lợi thế cho Ukraine. Thêm vào đó, những đồi và rừng rậm giờ đây sẽ tạo khó khăn cho người Nga ở phía Bắc. Theo Snyder, tuy hầu như không có bất kỳ trở ngại nào cho quân lính Nga ở phía đông nam của đất nước, nhưng Nga đã tiến bộ rất chậm. Vũ khí cung cấp từ phương Tây giờ đây sẽ mang lại thêm sự năng động cho cuộc chiến. 5. Cách tác chiến: Nga dựa vào tiêu diệt từ xa Theo Snyder, binh lính Nga thích chiến đấu từ xa: "Chiến tranh của Nga phụ thuộc vào pháo binh, vào việc giết người từ xa". Cho đến nay, Nga đã có lợi thế hơn do có nhiều pháo và đạn pháo hơn. Tuy nhiên, tính chất của cuộc chiến sẽ thay đổi khi Ukraine hiện đang nhận được những vũ khí chính xác hơn, có tầm bắn xa hơn, Snyder nói. Snyder viết nếu Ukraine tiếp tục nhận được vũ khí phù hợp từ phương Tây, nước này có thể sớm chiếm quyền chủ động trong cuộc chiến. Ông cho rằng rất có thể Nga sẽ rút lui dần dần, vì họ không phải là những chiến binh giỏi trong cận chiến. 6. Tinh thần chiến đấu: "Người Ukraine biết họ đang chiến đấu vì điều gì" Ngược với người Ukraine, người Nga có thể rút về quê hương họ bất cứ lúc nào, nhà sử học Mỹ nói tiếp. Ông có ấn tượng rằng nhiều binh sĩ Nga không có tinh thần chiến đấu đặc biệt cao và không thực sự biết tại sao họ lại ở Ukraine. Snyder phân tích, ngay cả khi ban lãnh đạo Nga tỏ ra không quan tâm đến những người lính đã ngã xuống, thì bản thân những người lính được triển khai ở Ukraine cũng quan tâm đến việc sống sót trở về, ông Snyder phân tích. Mặt khác, người Ukraine không còn nơi nào khác để đi vì Putin đang công khai đe dọa tiêu diệt đất nước này, chuyên gia Mỹ viết. "Họ biết chính xác rằng họ đang chiến đấu vì những gì." Đây là một lợi thế tinh thần nữa cho Ukraine. 7. Chiến lược: Cuộc xâm lược dựa trên suy nghĩ sai lầm của Putin ngay từ đầu Ngay từ đầu, cuộc xâm lược của Nga dựa trên quan niệm sai lầm của Putin rằng người dân Ukraine sẽ đón nhận sự hủy diệt của ông và chào đón những người lính Nga như "những người anh em", Snyder viết. "Quốc gia và nhà nước Ukraine đã biến đổi bởi cuộc chiến này, nhưng không theo hướng có lợi cho Nga." Theo Snyder, kế hoạch hiện tại của Nga dự tính sẽ phá hủy nền kinh tế Ukraine, khủng bố dân thường bằng các cuộc tấn công bằng tên lửa và cắt nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu. Bằng cách chặn xuất khẩu lương thực, Putin sẽ khiến cho châu Phi và châu Á phải chịu thiệt hại. Ông kết luận: "Một phần lớn trong chiến lược của Nga đối với cuộc chiến ở Ukraine là thiết lập sự phong tỏa thế giới từ một quốc gia". Mặt khác, kế hoạch của Ukraine dường như là để đảm bảo sự tồn tại vật chất và xã hội của đất nước và phát động các cuộc phản công để chiếm lại những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Việc tái chiếm có thể phá vỡ hình ảnh còn sót lại về tính bất khả chiến bại của người Nga. Vào thời điểm này, các mục tiêu của Ukraine mang tính thuyết phục hôn rất nhiều cho chuyên gia người Mỹ. Kết luận của chuyên gia: Nga chỉ có một cơ hội chiến thắng Đối với Snyder, cuộc chiến đã cho thấy Ukraine kiên cường và có khả năng hoạt động hơn nhiều so với những gì nhiều người đã nghĩ. Theo ý ông, đất nước có khả năng chiến thắng trong cuộc chiến này. Cách duy nhất để đi đến chiến thắng của Nga là thuyết phục phương Tây rằng Ukraine không thể giành chiến thắng. Chuyên gia Mỹ viết: Chiến tranh sẽ chỉ kết thúc khi Putin nhận ra rằng tình thế cá nhân của ông đang bị đe dọa bởi thất bại. Snyder nói: "Tất cả những gì chúng ta phải làm là nhìn nhận mọi thứ như chúng đang là, thể hiện sự kiên nhẫn và ủng hộ nền dân chủ đang bị tấn công - với thái độ đúng đắn và vũ khí phù hợp".  
......

Từ thằng mõ xưa đến loa phường nay

Thái Hạo Thông tin Hà Nội sẽ khôi phục và 'phủ sóng' loa phường đang làm cả nước ngạc nhiên! Hình ảnh này làm liên tưởng đến 'thằng mõ' xưa. Hình ảnh ấy, hình ảnh loa phường, vốn đã trở thành nỗi ám ảnh này làm liên tưởng đến “thằng mõ” xưa. Theo một số cứ liệu xác đáng, mõ/thằng mõ/mõ làng ít nhất đã ra đời từ thế kỷ 15, và tồn tại đến giữa thế kỷ 20 mới biến mất khỏi tổ chức của làng xã Việt Nam. Mõ có nhiều nhiệm vụ, nhưng chủ yếu và quan trọng nhất là “truyền tin”. Mỗi khi làng có việc, “thằng mõ” sẽ đi khắp “thượng - hạ - tây - đông” với chiếc mõ bằng tre khô, vừa gõ vừa rao, để dân làng biết việc hoặc để cùng nhau tập trung về đình. Như thế, trong đời sống của người Việt xưa, mõ giữ một vai trò quan trọng trong mạng lưới thông tin, kết nối giữa người quản lý các cấp với người dân. Trải suốt ít nhất 500 năm tồn tại, đến giữa thế kỷ 20 với những biến động xã hội to lớn, nghề mõ và tiếng mõ biến mất. Lúc này xã hội Việt Nam đã bước vào một hoàn cảnh mới với chiến tranh liên miên. Tiếng mõ và lời rao của “thằng mõ” được thay thế bằng những phương thức khác, trong đó có trống, và đặc biệt là tiếng kẻng. Kẻng cũng đã tồn tại khoảng nửa thế kỷ, gắn liền với những “thông báo” về trộm cướp, cháy nhà, hội họp... Khi hệ thống thông tin hiện đại được du nhập và phát triển gắn liền với các thiết bị điện và vô tuyến thì tiếng trống, tiếng kẻng cũng dần chìm vào im lặng, chính thức nhường lại không gian cho radio, tivi... Tuy nhiên, để truyền tin trực tiếp tới người dân ở những đơn vị hành chính nhỏ nhất thì các phương tiện ấy không thể đáp ứng được. Hệ thống loa phóng thanh gắn trên nóc những nhà văn hóa thôn/phường ra đời với chức năng của thằng mõ xưa. Đó là “thằng mõ hiện đại” - hình ảnh điển hình của khoảng vài chục năm nay. Người ta gọi nó là “loa phường”, ngay cả khi nó được dựng giữa các thôn làng, vì dường như loại loa này ở đô thị còn riết róng và mang tính đại diện cao hơn cả ở nông thôn! Nó không những hiện diện ở trụ sở mà ghê gớm hơn, gắn khắp các tuyến phố! Lạ là, ngày nay khi công nghệ thông tin đã phát triển đến mức chưa từng thấy với mạng internet và thiết bị thông minh mà phổ biến nhất là smartphone, dường như mỗi người Việt trưởng thành đều sở hữu, thì “thằng mõ hiện đại” vẫn điềm nhiên ngự trị ở đó, thách thức với thời gian, thách thức với xã hội hiện đại như một sự kiên gan để trêu ngươi. Xin lưu ý lại, nếu xưa kia ở đô thị Việt Nam vốn không có thằng mõ, thì ngày nay loa phóng thanh được phân bổ đều cho mọi không gian, từ nông thôn tới thành phố lớn! Ngoài những thông báo bất thường thì loa phóng thanh được đặt lịch tiếp sóng và phát sóng của đài huyện cho đến đài tỉnh… Trong cơn mưa tầm tã, nước ngập lênh láng cùng với rác thải lềnh phềnh, dân đang lội bì bõm cùng những chiếc xe chết máy thì loa phường vẫn hát “chưa có bao giờ đẹp như hôm nay”! Giữa trưa gió Lào trong cái nóng như lò lửa, người dân ngồi trong nhà, mồ hôi vã ra như tắm, nhưng loa thôn vẫn hát “gió mùa thu mẹ ru con ngủ”!  Với công suất lớn, độ vang và sự chát chúa của loại loa không tiếng bass và có sức “xuyên thủng” khủng khiếp, loa phường đều đặn cứ sáng sớm, giữa trưa và chiều là lại vang lên với đủ mọi nội dung trên trời dưới đất. Loa cứ phát, người cứ làu bàu bực bội, trẻ con bị đánh thức, người già mất ngủ… Ô nhiễm tiếng ồn tràn lan, và không có dấu hiệu suy giảm. Khi mà internet cùng mạng xã hội đã phổ biến như cơm ăn, nước uống, như khí trời thì “thằng mõ hiện đại” vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, nắng mưa bão tố lòng không nản. Chẳng có ai nghe cả, trừ vài thông tin cần thiết như đóng tiền điện hay thông báo ủng hộ nọ kia. Chúng ta chớ quên rằng, ngay cả đến tivi, một phương tiện xa xỉ của 20 năm trước, giờ cũng không mấy người ngó mắt đến nữa nếu không kết nối trực tiếp với internet để truy cập vào các trang như Youtube chẳng hạn, chứ đừng nói đến thằng - mõ - loa - phóng - thanh! Nhưng sự lạc hậu mà lì lợm đến khó hiểu này vẫn cứ ngày ngày chát chúa, dội vào màng nhĩ của cả thị dân lẫn nông dân. Loa cứ nói, người cứ lướt điện thoại, chẳng ai nghe ai. Chỉ có tiếng ồn là thống trị. Rõ ràng, chỉ với một trang facebook thì chiếc loa có thể hoàn toàn được thay thế, mà không làm phiền đến ai, rất đa dạng về thông tin, lại hấp dẫn và có thể tương tác trực tiếp. Nhưng rất lạ, dù chỉ mất 5 phút để lập một tài khoản thì chẳng thấy ai chịu làm. Thôn có page của thôn, xã có page của xã, huyện có page của huyện…; tất cả người dân đều có thể kết nối và chủ động nhận thông tin một cách dễ dàng. Đó chỉ là một ví dụ về việc đồng bộ hóa hệ thống thông tin hoặc phương thức quản lý của nhà nước nói chung sao cho cùng nhịp bước với sự tiến bộ của công nghệ, tại sao không làm? Cái ví dụ này đang gián tiếp nói lên sự bất cập, cũ kỹ, bảo thủ không chịu thay đổi từ phía chính quyền trên một số phương diện mà hệ thống thông tin kiểu loa phường là một điển hình. Đã đến lúc những chiếc loa phóng thanh, tức “thằng mõ hiện đại” ngày ngày tra tấn và gây ô nhiễm tiếng ồn cần được thay thế, khi mà điều kiện của sự thay thế đã dư thừa, thậm chí dễ như trở bản tay. Hiện đại, văn minh là chính từ những chỗ này mà làm, chứ không phải chỉ mơ về những điều cao xa mà sự thiết thực sát sướt thì mãi vẫn lạc hậu, nhếch nhác.
......

Tịnh Thất Bồng Lai

Nguyễn Thị Minh Trâm Tôi vốn là người phụ nữ an phận . Sống trong một xã hội đầy nhiễu nhương biến loạn , tôi cũng đã cố gắng bịt tai để không nghe , bịt mắt để không thấy chỉ mong cho đời hai chữ bình an nhưng xem ra việc này khó quá . Sống làm người , dù cuộc đời có ba chìm bảy nổi chín lênh đênh thì người ta vẫn phải giữ cái giới hạn cuối cùng để mở mắt làm người . Những sân si được mất . Những đúng sai . Những đen trắng có thể không phải lúc nào mình cũng làm đúng , nhưng LƯƠNG TÂM của một con người mà câm lặng trước những đảo điên của cuộc đời thì coi như đã chết . Tôi không phê phán hay ca tụng tất cả những đánh giá nhận định của mọi người về câu chuyện của tịnh thất Bồng Lai nhưng tôi mong mọi người hãy sáng suốt để phân biệt đúng sai chính tà trong cõi u mình này . Để làm gì ? Chỉ để sống với cái thiện và tẩy chay cái ác cho cuộc sống này bớt những đảo điên . Nếu chúng ta đồng loã với kẻ ác thì bất hạnh hôm nay cuủ những người tu tại gia trong tịnh thất Bồng Lai sẽ là bất hạnh cho những gia đình lương thiện trong xã hội này vào ngày mai . Tôi lên tiếng để bảo vệ sự thật và tôn trọng lẽ phải . Rất mong những người thiếu tự trọng không vào cmt phản đối . Thực tế cho thấy : không có nhà nước nào không thực hiện việc bảo vệ quyền lợi của giai cấp mình . Cái chức năng chuyên chính ấy nhằm bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị . Nó thực hiện hai nhiệm vụ chính đó là : 1- Tổ chức xây dựng 2- Bạo lực trấn áp Xét cho cùng nhà nước nào cũng thế . Sự khác biệt ở đây là : nhà nước ấy của ai ? Do ai bầu ra ? Và đại diện cho ai ? Chúng ta đã không có quyền lựa chọn nên chúng ta đã im lặng và im lặng có nghĩa là chấp nhận . Chấp nhận cái gì và chấp nhận như thế nào là chuyện của mỗi cá nhân . Xưa có câu : Trứng Rồng lại nở ra Rồng Líu Điu lại nở ra dòng Líu Điu Tôi khẳng định cùng các bạn: vạn sự ở đời này đều có bởi cái xuất thân . Bạn không thể đòi hỏi tư duy bần cố nông mất đi trong xã hội mà họ làm chủ Bạn không thể làm thay đổi cái ý chí của kẻ hèn khi có quyền lực trong tay . Bạn không thể hiểu cái đê tiện trong hành xử của kẻ đá cá lăn dưa khi chúng không bằng bạn .. Và bạn khó mà giữ mình khi cái xã hội bạn đang sống tràn Lan những kẻ a đua mù quáng ngu xuẩn chiếm số đông . Tôi đã từng im lặng vì không muốn phiền lòng nhưng tôi không muốn im lặng nữa vì thấy việc làm của nhân viên các cơ quan quyền lực nhà nước ngày càng ứng xử phán xét hèn và đê tiện hơn nhân danh nhà nước của dân vì dân . Nó có phải của dân không ? Nó có vì dân không ? Hậu xét nhưng tôi Xác định cho rõ Tịnh thất Bồng Lai là TU TAỊ GIA Đó là nhà của họ . Họ không liên quan hay nhờ vả gì đến nhà nước đền chính quyền . Họ không chịu sự quản lý của bất cứ ai nếu họ thấy các cơ quan tổ chức đó không xứng đáng . Họ lao động và làm việc lương thiện để duy trì cuộc sống của mình . Họ KHÔNG LÀM GÌ SAi vậy tại sao TOÀ ÁN lại tuyên án tù cho họ Tôi không nghĩ nhà nước hiện tại của chúng ta yếu và hèn như thế ! Bịa đặt , vu khống , chụp mũ không phân biệt đúng sai . Dùng quyền lực và họng súng của mình trấn áp người lương thiện Người đang làm , Trời đang nhìn , hậu quả là không lường . Nhà nước này của ai tôi chẳng quan tâm nhưng đừng tráo trở đảo điên quá mà luật nhân quả ở đời này sẽ có ngày réo gọi . Bạn có thể dối người gạt mình để thực hiện ý đồ đê tiện của bạn nhưng lưới Trời lồng lộng thưa mà khó thoát . Ngày diệt vong sẽ đến gần thôi . Cả một hệ thống chính trị địa phương bu nhau lại trấn áp 6 người tu hành với bản án tổng cộng 23 năm cực kỳ đê tiện hèn và vô sỉ . Tội gì ? Tội lợi dụng tự do dân chủ chống phá nhà nước Tội tu hành không đăng ký với giáo hội Phật giáo VN . Tởm vô đối , nhảm nhí vô cùng . Ở VN dưới sự lãnh đạo của đảng CS , làm gì có tự do dân chủ mà lợi dụng ?! Nhố nhăng vô sỉ . Với hệ thống chính trị hiện hành , có ai thấy công an bị hại chưa ? Công an không hại dân thì thôi chứ làm gì có chuyện ngược đời ấy ?! Vu khống ngu xuẩn . Nhà chùa , từ sau 1975 ở miền Nam không phải là nơi tu tập mà là nơi cho các lực lượng an ninh VN làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền ., bảo vệ thành quả cách mạng . Đàn áp tôn giáo chính thống phá vỡ sự nghiêm minh của đạo Phật . Người tu hành tử tế không có chỗ dừng chân . Chùa bị đập phá tháo dỡ tan hoang . Người tử tế không ai muốn đến vì bệ rạc bê tha chỉ thấy hơi tiền và vô số những kiểu thu tiền bất nghĩa . Tịnh thất Bồng Lai nơi tôi đã từng đến thì khác biệt hoàn toàn . Họ sống và làm việc hiền hoà lương thiện . Họ tụ tại gia nên lấy Đức làm đầu .chẳng ai trong tịnh thất đó cần tiền cúng dường của bạn . Bọn trẻ ở đây được dạy dỗ rất lễ phép đàng hoàng . Vậy mà cả một lũ đầu trâu mặt ngựa bu nhau vào bịa đặt vu khống họ những chuyện trái luân thường đạo lý để khi ra toà chẳng nêu được tội gì cho tử tế chụp cho họ cái tội tào lao để kết án Sự lộng hành đê tiện của chính quyền địa phương bao gồm : công an , toà án và lũ thầy tu gian manh tà đạo hoành hành . Trần Ngọc Thảo thích mặt L nguyên đơn , nó ăn cái gì mà không đến Toà tham dự xét xử .không đui què mẻ sứt sao không đi ?! Trốn hèn vu khống người vô tội .Một màn diễn đê hèn và kinh tởm . Dù cho các vị trong tịnh thất Bồng Lai thắng hay thua …tôi vẫn thấy cái uy quyền hèn hạ của chính quyền địa phương sở tại . Tôi vẫn thấy sự sáng ngời nhân cách của kẻ tu hành lương thiện . Họ vẫn kề vai sát cánh bên nhau vượt qua thử thách . Hôm nay có quyền lực trong tay , cứ tự do mà tuyên án , sẽ có ngày có người sẽ tuyên án cái hành vi tráo trở đảo điên của các vị vì lưới Trời lồng lộng thưa mà khó thoát . Cầu cho các vị trong tịnh thất Bồng Lai khỏe mạnh về thể chất . Mạnh mẽ về khí chất , dẻo dai dai bền chí đấu tranh bảo vệ lẽ phải và bảo vệ con đường chân tụ mình đã chọn . Chúng tôi những người lương thiện luôn ủng hộ các vị Cầu ngày mới bình an
......

Những Bãi Phân Giữa Thời Mạt Pháp

STTD Tưởng Năng Tiế́n – Tưởng Năng Tiến   Bố mẹ tôi đều gốc gác nông dân, và đều là những phật tử thuần thành. Cũng như bao nhiêu người dân Việt chân chất khác, ngoài việc cặm cụi mưu sinh, đời sống (văn hoá, tinh thần, tâm linh) của ông bà – dường như – chỉ xoay quanh việc kinh kệ, chùa chiền, lễ bái, cúng dường … Thuở ấu thơ (khi còn “lon xon như con với mẹ”) vào những lễ tết, tôi vẫn lon ton theo chân thân mẫu đến chùa. Vì đây là đất Phật nên bà yên tâm để tôi tha thẩn khắp nơi, suốt buổi, trong khi bận rộn làm công quả. Cho đến lúc có thể đi đây, đi đó một mình thì tôi (thôi) không bao giờ lai vãng đến chùa chiền gì nữa. Không gian tâm linh của nơi thờ phượng tĩnh lặng và trang nghiêm quá, xem ra, không hợp lắm với cái “tạng” hiếu động của tôi! Càng lớn tôi càng xa bố mẹ, xa chùa, và xa Phật Pháp Tăng. Mãi cho đến khi đời ngả về chiều – tóc đã điểm sương, song thân đà khuất núi – tôi mới lờ mờ cảm thấy rằng (hình như) mình đang xích lại gần, và cũng hơi để ý, đến chuyện tôn giáo hơn … chút xíu! Hóa ra, chùa chiền ở Việt Nam không phải nơi đâu cũng đều “tĩnh lặng và trang nghiêm” như trong ký ức tuổi thơ an lành và êm ả của tôi. Không ít chỗ không gian tâm linh truyền thống của cả dân tộc đã bị quấy động … cho tới bến luôn : “Tại nhà thờ thánh, tượng Khổng Tử lăn long lóc như người ăn mày tha hương chết đường chết chợ, bị trẻ con ném cứt vào mặt. Tại ngôi chùa Trang Hà, hàng chục pho tượng đổ ngổn ngang, bị lũ mục đồng ném bùn lấm láp nước sơn. Cái giếng hình bán nguyệt trước cổng chùa đẹp thế mà cũng bị phá phách cày xới để trồng lúa. Mấy tấm đá ghép cầu bị bê làm hố tiêu. Mấy chiếc bia lớn nhà thờ chánh tổng, cái thì bị đem bắc cầu, cái thì bị bọn mục đồng khiêng đi làm trò chơi rồi ỉa đái vung vãi trên mặt bia… Ở làng tôi, đền chùa miếu mạo, nhà thờ họ, mộ cổ, rừng cổ, cây cổ thụ đã bị phá trụi, không còn gì để phục hồi nữa. (Võ Văn Trực. Chuyện Làng Ngày Ấy. NXB Tạp Chí Văn Học: California, 2006). Đó là chuyện xẩy ra ở miền Trung, vào giữa thế kỷ XX, trong Giai Đoạn Phóng Tay Phát Động Quần Chúng của những người CSVN. Sau khi đất nước thống nhất thì pháp nạn lan đến miền Nam : • Năm 1977 Hoà Thượng Quảng Độ bị bắt giam, bắt đầu cho một cuộc sống tù đầy và lưu đầy cho mãi đến bây giờ. • Năm 1988 Thượng Tọa Tuệ Sĩ và Trí Siêu bị tuyên án tử hình, sau được giảm án xuống 20 năm cấm cố. Hai ông, cuối cùng, được phóng thích ngày 31 tháng 8 năm 1998, sau 14 năm giam cầm. Những bậc chân tu đều bị cầm tù hay phát vãng thì chùa chiền bỏ lại cho ai? Nhật ký của nhà phê bình văn học & xã hội Vương Trí Nhàn, ghi ngày 4 tháng 5 năm 79, có đoạn : “Ngày Phật đản. Những người tu hành vẫn có nét mặt hệt như mặt người ngoài đời mà tôi vẫn gặp. Sao ở giữa cảnh đèn nhang nghi ngút của chùa Quán Sứ, giữa bao nhiêu cụ bà thành tâm cúng vái, lại thấy một vị sư tuổi còn thanh niên, có nét mặt trông như một trung đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng nào đó, mà tôi từng thấy ở các mặt trận.” Cùng với những vị “sư ông” trông cứ như một sĩ quan tác chiến, chùa chiền VN còn có quí vị “sư nữ mắt long sòng sọc … miệng rít lên” (cứ như loài rắn tiếng rắn) theo cách mô tả của nhà văn Dương Thu Hương : “Trưa hôm đó, tôi qua cổng chùa đi vào ngôi nhà ngang. Vừa đặt chân lên bậc tam cấp tôi chứng kiến một cảnh tượng không tương hợp chút nào với chốn từ bi: Trên tấm phản gỗ mốc, sư cụ bà ốm nằm còng queo, bát cháo ăn dở ở một góc phản khô đét lại. Nhà “sư nữ” ngoại tam tuần mắt long sòng sọc, tay nắm cổ người bệnh lắc, miệng rít lên: – Mày chết đi, mày chết ngay đi cho người ta nhờ!… Sư cụ đã quá yếu không động cựa nổi, cái đầu lắc lư ngật ngưỡng như quả bưởi trong tay người đàn bà trẻ hung hãn: – Mày chết đi… Cụ không mở mắt nổi và giọng nói đã đứt quãng nhưng hoàn toàn minh mẫn. Ðó là người đã xuống tóc từ thời chính quyền 1945 chưa thiết lập, đã duy trì và tu tạo ngôi chùa này qua mọi thăng trầm của thời gian. Nhưng cụ không có mảy may quyền hành để lưu giữ các chân tu ở lại, thay cụ chủ trì. ‘Nhân sự’ do ‘bên trên’” đưa xuống.” Vậy cái gì là ‘bên trên’ ? Quyền lực nào áp chế những người tu hành và thả lũ lợn bẩn thỉu vào khắp chùa chiền xứ sở?… Chẳng có gì bí mật cả, ‘bên trên’ là A 25 Cục bảo vệ văn hóa thuộc Tổng cục 1 Bộ Nội Vụ. A 25 có nhiệm vụ đào tạo sư sãi để ‘yểm’ Hội Phật Giáo Việt Nam, để trấn giữ hệ thống chùa toàn quốc.” Chắc không mấy ai có thể biết chính xác con số “heo lợn bẩn thỉu” mà A25 đã thả ra “để yểm” chùa chiền nhưng mọi người đều phát hoảng khi cứt đái của lũ súc vật này không chỉ làm ô uế cửa thiền mà còn tràn lan ra đến tận bên ngoài. Bản tin của trang Tiếng Dân, đọc được vào hôm 22 tháng 3 năm 2019, có tiểu mục “Buôn thần bán thánh” ở chùa Ba Vàng: – Gọi vong, thu hàng trăm tỷ: Trụ trì thừa nhận sự việc xảy ra ở chùa Ba Vàng (GT). – Chùa Ba Vàng cho rằng có thể chữa bách bệnh bằng việc đuổi tà ma, tiễn vong (TN). – Gọi vong, thu hàng trăm tỷ: Chùa Ba Vàng quy tụ nghìn phật tử nhằm minh oan (GT). – Chùa Ba Vàng thu tiền gọi vong: Vừa công đức, vừa “do vong yêu cầu”? (LĐ). – Người phụ nữ tên “Phạm Thị Yến” tuyên truyền luận điệu “làm nhục” nữ sinh giao gà Điện Biên ở chùa Ba Vàng là ai? (TGT). – Truyền bá chuyện vong báo oán, chùa Ba Vàng mỗi năm thu trăm tỉ (Zing). FB Nguyễn Ngọc Chu đặt câu hỏi: Có bao nhiêu chùa Ba Vàng? Rồi, ông trả lời: “Trên Đất Nước ta có hàng trăm chùa ‘Ba Vàng’. Có nhiều chùa ‘Ba Vàng mới’ khủng hơn chùa Ba Vàng Uông Bí. Đó là các chùa ở Bãi Đính, ở Tam Chúc…” Tôi thì trộm nghĩ khác: đó chả phải là chùa chiền gì cả mà chỉ là những bãi phân giữa thời mạt pháp. Ngày nào mà chế độ hiện hành vẫn còn hoành hành thì sẽ còn nhiều bãi cứt tương tự xuất hiện ở mọi nơi. Và phân gio của Bộ Nội Vụ VN, thực ra, cũng đã vương vãi cùng khắp – miếu đền, thánh thất, giáo đường – chớ đâu có riêng chi ở chốn thiền môn.  
......

Gã ăn mày hôi hám và bữa tiệc của giới thượng lưu

Thế Giới Kpop   Ngày 20 Tháng Bảy, Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy cho biết, quốc gia này chặn lô gạo Việt Nam vì dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép. Không chỉ có Na Uy và mà các nước trong khối EU cũng đang tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt mặt hàng nông sản và sản phẩm của ngành công nghiệp thực phẩm có xuất xứ từ Việt Nam. Ảnh; Gạo xuất khẩu có dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép bị trả về, ai sài?   Ở bài trước tôi đã nói về thương hiệu quốc gia. Thương hiệu quốc gia của Việt Nam quá tệ là nguyên nhân dẫn đến một số nước Bắc Âu ngoài EU và khối EU tiến hành kiểm tra hàng có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam với tần suất rất cao để hạn chế sản phẩm từ quốc gia này đổ vào thị trường của họ. Sự tử tế trong sản xuất của người Việt kém, và sự nghiêm minh của chính sách nhà nước cũng kém mà từ đó thương hiệu “made in Vietnam” bị đem ra soi kỹ trên trường quốc tế. Nếu Mỹ là thị trường mà Việt Nam kiếm nhiều ngoại tệ nhất thì EU là thị trường thứ nhì đứng sau Mỹ. Mỹ và EU là hai thị trường rất khó tính. Đặc biệt là thị trường EU, đây là thị trường khó tính nhất nhì thế giới. Nó chính là bài test cho khả năng nâng tầm thương hiệu Việt. Để doanh nghiệp Việt càng ngày càng gặp khó với thị trường này thì điều đó cho thấy thương hiệu Việt đang thụt lùi.   Cho đến nay, Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại Tự do với EU (gọi tắt là EVFTA) nhưng Việt Nam lại chưa có FTA nào với Mỹ. Người ta ví Hiệp định thương mại Tự do - FTA là một giấy thông hành để hàng hóa của Việt Nam vào thị trường đó. Với thị trường EU, Việt Nam đã có giấy thông hành nhưng với Mỹ Việt Nam vẫn chưa có, vậy mà hàng hóa Việt vào Mỹ dễ hơn vào EU thế mới “nghịch lý” chứ? Vậy thì thị trường EU có rào cản gì? Đó là rào cản tiêu chuẩn chất lượng.   Có thể ví như thế này, thị trường EU như là một bữa tiệc của giới thượng lưu, những ai ngoài EU đều cần có vé hoặc được mời mới vào dự, tuy nhiên họ không thể chấp nhận một anh ăn mày với bộ dạng nhếch nhác và hôi hám dự tiệc. Vậy nên, ngoài tấm vé thì họ còn đòi hỏi khách phải sạch sẽ và lịch lãm. Anh Việt Nam đã có được vé trên tay nhưng vẫn mang mình hôi với áo rách của kẻ ăn mày chui vào làm hôi cả phòng tiệc. Chính vì thế các nhà tổ chức đã phải vất vả vây bắt “thằng ăn mày” này tống cổ nó ra khỏi phòng tiệc để thực khách yên tâm mà ăn.   Với chính quyền Cộng Sản Việt Nam họ chỉ cố giật tấm vé mà không có chính sách hiệu quả để nâng tầm thương hiệu Việt. Nhìn vào cách hành xử của thị trường EU thì sẽ thấy rất rõ, thương hiệu quốc gia của Việt Nam đang đi giật lùi. Nếu không làm ăn nghiêm túc, không xây dựng thương hiệu quốc gia tốt hơn, thì mãi mãi hàng Việt Nam bị EU hành hạ, doanh nghiệp Việt bị gây khó dễ. Mà một khi EU đã “dí đập” thì những thị trường khó tính khác như Nhật và Mỹ cũng sẽ chú ý hơn. Đấy là cái hại, không phải hại trước mắt mà là hại lâu dài nếu không có cái nhìn chiến lược.   -Đỗ Ngà- Tham khảo: https://vneconomy.vn/eu-va-bac-au-siet-chat-kiem-tra-an... https://vietnamnet.vn/eu-tang-kiem-tra-du-luong-bao-ve...  
......

Đọc “xã hội hài hòa” của Trung Quốc: Biết để soi mình, hiểu để rùng mình

  Danh sách những người có điểm tín dụng xã hội thấp bị công bố tại huyện Hu Dị, tỉnh Giang Tô vào năm 2016. Ảnh: ChinaFile Y Chan - Luật Khoa Tạp Chí| Một xã hội hài hòa trong lý tưởng, hay thế giới rừng xanh thời hiện đại? Bạn hỏi cưới người mình mong muốn. Đám cưới chuẩn bị diễn ra. Nhưng bố mẹ vợ chưa yên tâm, tìm đến chính quyền hỏi về “điểm số xã hội” của con rể tương lai. Hạnh phúc trăm năm của bạn vì vậy vẫn treo lơ lửng. Bạn tìm được một ngôi trường lý tưởng để gửi gắm con. Đứa trẻ cũng thích thú với môi trường mới. Bạn có mọi điều kiện như những phụ huynh khác. Nhưng khi nộp đơn, trường từ chối nhận con bạn với lý do “điểm số xã hội” của cha mẹ thấp hơn tiêu chuẩn. Với cùng lý do “điểm số xã hội” không đạt chuẩn, bạn có thể bị cấm đi máy bay ra nước ngoài, bị cấm đi xe lửa qua tỉnh khác, thậm chí bị cấm không được bước vào quán ăn ở đầu ngõ. Những ai trong tình cảnh trên giống như đang bị cầm tù dù không ở đằng sau song sắt – đó là thứ ai cũng dễ nhìn thấy. Điều mà nhiều người không nhìn ra, hay không muốn nhìn ra, là bất kỳ ai ở trong một môi trường như vậy đều là những tù nhân, hay nói khó nghe hơn, là những nô lệ thời hiện đại. Quyển sách “We Have Been Harmonized: Life in China’s Surveillance State” của Kai Strittmatter, nhà báo Đức đã dành hơn một thập niên tìm hiểu về Trung Quốc, giúp người đọc hình dung chi tiết về một xã hội như vậy. Đó là nơi được gắn nhãn “xã hội hài hòa” nhưng lại mang đầy đặc điểm của một thế giới rừng xanh thời hiện đại. Đầy tớ và các ông chủ Những trường hợp kể ra lúc đầu, được lấy trong sách, là những gì đã và đang diễn ra ở nhiều nơi tại Trung Quốc. Các điểm số ở đây nằm trong một thứ được gọi là “hệ thống tín dụng xã hội” (social credit system). Theo đó, mỗi người đều có một “điểm số xã hội” (social credit), và tùy theo các hành vi tốt hoặc xấu, điểm của họ sẽ tăng hay giảm. Điểm cao đến một mức nào đó sẽ được xem là công dân gương mẫu và tưởng thưởng, ví dụ bằng các ưu đãi khi sử dụng dịch vụ công ích. Điểm thấp dưới một chuẩn đặt ra sẽ bị đưa vào danh sách đen, và có thể bị từ chối sử dụng các dịch vụ công lẫn tư. Sẽ có người nghĩ đây là một hệ thống hoàn toàn hợp lý. Chúng ta đều sống trong một xã hội với các quy ước rõ ràng, ai làm tốt thì đáng được thưởng, ai vi phạm nó nên bị trừng phạt. Kai Strittmatter không trực tiếp phản bác hệ thống này, nhưng thông qua vô số các câu chuyện và dẫn chứng trong sách, người đọc có thể thấy được ít nhất ba vấn đề của nó. Một là nó do chính quyền tự đặt ra, với tất cả các tiêu chuẩn, hành vi, định nghĩa tốt xấu, thang điểm cộng trừ, v.v. hoàn toàn nằm trong tay một nhóm người. Người dân không những không có quyền tham gia quyết định, mà trong nhiều trường hợp như tác giả trực tiếp tìm hiểu, còn không biết địa phương mình đang áp dụng một hệ thống tính điểm như vậy. Từ đó phát sinh vấn đề thứ hai: Tính tùy tiện và xâm phạm. Xả rác, vượt đèn đỏ, đóng thuế trễ, chửi thề trên mạng – mọi thứ lớn nhỏ đều được quy thành các hành vi tốt/ xấu với các điểm số cộng/ trừ tương ứng. Những người vi phạm có thể bị dán ảnh bêu tên trên các bảng thông báo của chính quyền địa phương. Và trong danh sách “các hành vi xấu” tất nhiên không thể thiếu việc “chống lại chính quyền.” Bạn bị xử oan và nhiều lần lên kinh khiếu kiện? Hoàn toàn có thể bị khép vào hành vi gây rối. Trừ điểm. Thấy bất công và lên tiếng chỉ trích quan chức? Xúc phạm, vu khống cán bộ. Trừ điểm. Chất vấn các số liệu của cơ quan nhà nước? Lan truyền thông tin sai. Trừ điểm. Các tiêu chuẩn tùy tiện cho thấy vấn đề thứ ba, và cũng là bản chất của hệ thống này: Nó được đặt ra với mục đích chính để kiểm soát người dân. Xã hội hài hòa mà nó muốn xây dựng là một nơi con người chỉ biết tuân lệnh, không ai được đi chệch hướng, thậm chí còn không có quyền đặt câu hỏi. Nó là nơi mà các “đầy tớ” đường hoàng làm ông chủ, còn các “ông chủ” răm rắp nghe lời đầy tớ. Thế giới rừng xanh thời hiện đại Quyển sách là một tập hợp phong phú các câu chuyện mô tả về xã hội thời hiện đại ở Trung Quốc. Thông qua rất nhiều từ khóa trong đó, người đọc có một bức tranh sinh động về bản chất của nó. Có ba từ khóa đáng để nhớ đến. Một là “không đồng ý” (不同意). Vào đầu năm 2018, ba chữ vô thưởng vô phạt này được đưa thêm vào danh sách dài dằng dặc những từ bị kiểm duyệt ở Trung Quốc. Đó là khi hiến pháp nước này bị sửa đổi, trong đó có điều khoản cho phép Tập Cận Bình nắm quyền trọn đời, thay vì chỉ hai nhiệm kỳ như các lãnh đạo trước đó. Vào thời điểm trên, bất cứ ai gửi tin nhắn có ba chữ “không đồng ý” đều sẽ bị lỗi và nhận được thông báo nội dung này “vi phạm pháp luật.” Từ khóa thứ hai là một thành ngữ: Chỉ lộc vi mã (指鹿為馬). Điển tích này xuất phát từ câu chuyện vào đời nhà Tần cách đây hơn 2.000 năm. Thừa tướng Triệu Cao khi đó dẫn một con hươu vào triều. Ông chỉ vào con hươu và nói rằng muốn tặng cho vua “một con ngựa.” Nhà vua ngạc nhiên, chỉ ra đó là hươu, không phải ngựa. Triệu Cao vẫn khẳng định đó là ngựa, và quay sang hỏi ý các đại thần trong triều. Nhiều đại thần khôn ngoan và ngay lập tức lên tiếng đồng ý với Triệu Cao – người nắm toàn bộ thực quyền thời đó. Một số ít vẫn khẳng định hươu là hươu, không thể là ngựa. Họ sau này bị Triệu Cao bắt bỏ tù hoặc hành hình xử tử. “Chỉ lộc vi mã” hay “chỉ hươu nói ngựa,” được dùng để nói về những người sẵn sàng đổi trắng thay đen, và rộng hơn, một xã hội nơi thị phi đảo lộn. Đó là cách mà nhiều người Trung Quốc hình dung về xã hội mình đang sống. Nơi đó, không chỉ những người nắm quyền lực có thể vẽ hươu nói vượn, mà rất nhiều “dân đen” cũng lựa chọn nhắm mắt chỉ tay theo hướng của người khác để được yên thân. Cuối cùng, từ khóa đắt nhất có lẽ là câu nói dân gian “mày chết tao mới được sống” (你死我活). Châm ngôn này mô tả sống động cuộc chiến quyền lực trong tầng lớp lãnh đạo của đảng, nơi các màn thanh trừng đấu đá diễn ra khốc liệt. Đó cũng được cho là một phần lý do Tập Cận Bình quyết tâm sửa hiến pháp để làm lãnh đạo đến trọn đời, vì lo sợ sẽ bị các kẻ thù đáp trả khi xuống ngựa. Nhưng nó không chỉ đúng với tầng lớp tinh hoa. Đó còn là mô tả đáng buồn về xã hội hiện đại Trung Quốc. Tác giả dẫn kết quả một cuộc thăm dò toàn cầu vào năm 2017, tìm hiểu về điều gì khiến người dân lo lắng nhất. Đa phần những người được khảo sát ở các quốc gia đều lo ngại nhất về tình trạng thất nghiệp, nạn tham nhũng hay bất bình đẳng. Trung Quốc là nơi duy nhất mà người dân xem “suy thoái đạo đức” (moral decline) là mối lo lắng hàng đầu. Nếu đọc từ đầu quyển sách, bạn sẽ hiểu vì sao xã hội hiện đại Trung Quốc có một lỗ đen thăm thẳm về đạo đức, một thứ mà chính quyền độc tài nước này không có cách gì vá nổi, khi chính họ là nguồn cơn gây ra thảm họa đó. Họ vẫn sẽ tiếp tục xây dựng một “xã hội hài hòa” vĩ đại, nhưng không có cách nào thay đổi sự thật rằng đằng sau bức màn nhung đó, nó chỉ là một thế giới rừng xanh thời hiện đại, nơi các con người thời nay phải sống theo các quy tắc sinh tồn của động vật. Y Chan Nguồn: Luật Khoa Tạp chí  
......

Thử thách của Bộ Y Tế

Bà Đào Hồng Lan nhận quyết định bổ nhiệm quyền bộ trưởng Y Tế CSVN từ Thủ Tướng Phạm Minh Chính hôm 15/7/2022 Ảnh: Thanh Niên  Phạm Nhật Bình Có thể nói đây là lần đầu tiên trong chính phủ Việt Nam, một nhân vật không có chuyên môn ngành được đảng điều động về giữ bí thư ban cán sự đảng Bộ Y Tế, bước đầu để thủ tướng giao chức vụ quyền bộ trưởng Bộ Y Tế đang khuyết từ ngày ông Nguyễn Thanh Long bị bắt giam do dính líu trong vụ Việt Á. Bài báo trên báo Vietnamnet tường thuật rằng bà Đào Hồng Lan được Bộ Chính Trị đề cử nắm Bộ Y Tế trong một phiên họp ngày 14 tháng Bảy như là điều khá bất ngờ vì bà không xuất thân từ ngành y. Nhưng không ai quá ngạc nhiên vì quan điểm sử dụng nhân sự “hồng hơn chuyên” là quan điểm xuyên suốt trong quá trình chọn lọc, đề cử cán bộ của đảng CSVN từ trước đến nay. Bà Đào Hồng Lan không phải là bác sĩ hay chuyên gia về y khoa, nhưng bà đang là bí thư tỉnh ủy Bắc Giang, nằm trong ban chấp hành trung ương đảng khóa XIII tức thành phần “hạt giống đỏ” được đảng tin tưởng. Bà được ông Nguyễn Phú Trọng giao phó nhiệm vụ trong thời gian này, đối với một số người cũng không phải là chuyện quá đặc biệt, vì bà chỉ là “lãnh đạo” của một đội ngũ chuyên viên bên dưới. Tuy có sự tin tưởng của đảng nhưng tân Bộ Trưởng Đào Hồng Lan sẽ trực diện trước 4 thử thách vô cùng quan trọng: Diễn biến khó lường của Covid-19; tốc độ chích vaccine quá chậm; thiếu thuốc men và dụng cụ y tế; hàng loạt nhân viên xin nghỉ việc. Trong thời gian gần đây, chưa bao giờ ngành y tế đối diện với một cuộc khủng hoảng sâu rộng như thế kể từ khi vụ kit xét nghiệm Việt Á bị phanh phui trước công luận vào cuối tháng Mười Hai, 2021. Đây cũng có thể coi như cuộc khủng hoảng của chính phủ Phạm Minh Chính từ khi ông lên cầm quyền, cho thấy mức độ lỏng lẻo gần như a tòng với những hoạt động phi pháp của cán bộ trong chính phủ. Chỉ trong vòng hơn 6 tháng mà vụ Việt Á đã đốn ngã 60 cán bộ trung cao cấp trong ngành y tế! Phải nói đây là một vụ án chưa từng có trong bộ máy điều hành chính phủ của đảng CSVN. Và đương nhiên bộ máy này vốn đã không hiệu quả nay trở nên tê liệt, vì những ô uế nó gây ra khiến không còn ai muốn tiếp tục làm việc và đóng góp. Cho nên 4 thử thách mà báo Vietnamnet nêu lên ở trên trước khi bà Đào Hồng Lan nhậm chức cho thấy họ vẫn tiếp tục nhìn vấn đề ở ngọn mà không nhìn thấy sự tác hại nguy hiểm của vụ án Việt Á đang đè nặng lên cả toàn đảng và không chỉ là một cuộc khủng hoảng của riêng Bộ Y Tế. Ở đây thách thức lớn nhất của bà Đào Hồng Lan không phải trong phạm vi Bộ Y Tế mà là niềm tin của người dân đối với cơ quan lo vấn đề sức khỏe không còn nữa. Nói khác đi, niềm tin ấy đã tan vỡ do những hành vi bất xứng của cán bộ y tế cao cấp nhất. Chứ không phải do ba thứ linh tinh thiếu thuốc, chích vaccine chậm hay thiếu nhân viên. Niềm tin này tan vỡ không những đối với quần chúng mà ngay cả trong thành phần cán bộ đối với Bộ Y Tế cũng không còn. Sự kiện ông Trọng phê chuẩn bà Đào Hồng Lan , một bí thư tỉnh ủy không có quá trình là bác sĩ, cũng không hề là một cán bộ giỏi từng làm việc ở một bộ hay một thành phố lớn nào. Mà đó chỉ là một cán bộ thường thường bậc trung của đảng, thế mà được giao cho công tác quá lớn, điều hành Bộ Y Tế đang có vấn đề. Điều này làm cho người ta thấy một cách rõ ràng rằng trước khi bổ nhiệm bí thư tỉnh ủy Bắc Giang, ông Trọng cũng đã thăm dò một số bác sĩ, chuyên gia y tế nhưng ai cũng bỏ chạy. Khi đã nhìn thấy như vậy, chẳng ai còn chút niềm tin vào cách giải quyết của ông Trọng cũng như của đảng CSVN. Phạm Nhật Bình XEM THÊM: Ngành Y Tế Việt Nam bị “toang” sau vụ Việt Á Tham nhũng ở Việt Nam có phải do cơ chế?  
......

Chuyện con bò trong tòa

Ảnh: LS Âu Quang Phục, trong vòng tròn. Nhạc sĩ Tuấn Khanh Trong phiên tòa xử Tịnh Thất Bồng Lai ngày 20/7, luật sư Âu Quang Phục, người được gọi là bảo vệ cho bị hại Trần Ngọc Thảo tức ông Thích Nhật Từ, đã đặt một vấn đề với những người ở Tịnh Thất Bồng Lai, trước mặt phiên tòa, điều mà ai nấy đều phải ngỡ ngàng: "Nếu như bây giờ tôi nói Chúa ngu như bò thì các ông thấy sao?" Luật sư Phục đưa ra câu hỏi này, bởi đơn tố cáo vì cho là bị xúc phạm của ông Trần Ngọc Thảo, nói rằng thành viên của Tịnh Thất Bồng Lai đã phát biểu nói "Thích Nhật Từ ngu như bò". Tức giận do bị so sánh với con bò nên ông Thích Nhật Từ đã làm đơn khởi kiện, nói bị xúc phạm danh dự cá nhân, nhất định hoàn toàn không thể là bò. Thế nhưng câu hỏi được đặt ra mang tính đối chiếu của luật sư Phục khiến ai nấy ngỡ ngàng, thậm chí phải bật cười vì sự ấu trĩ - và phải nói rõ là ngu xuẩn về trình độ nhận thức - vì Chúa Giêsu dù được đặt ra ở bất kỳ vị trí nào cũng không hề liên quan gì với những người trong Tịnh Thất Bồng Lai. Nhưng cần nhớ, câu hỏi kém cỏi của luật sư Phục cũng có thể đáng bị đặt vào tình trạng bị khởi tố theo Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, điểm C "Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội". Chuyện cố ý đưa Đức Chúa Giêsu vào trong nội dung này chính là mang tính xúc phạm vô cớ, vì nhân vật Chúa Giêsu không liên quan đến vụ án, và không thể hiện bất kỳ sự suy luận kiến giải nào về việc so sánh ông Thích Nhật Từ ngu như bò, ngoại trừ khi ông Thích Nhật Từ tự coi mình ngang hàng với Chúa, và đặc biệt là hoàn toàn khác con bò. Cần nói rõ là nội dung quyết định ở đây, đang được cân phân giữa ông Thích Nhật Từ và con bò, là hai thực thể rất rõ ràng. Vấn đề là phía bị hại cần phải xác định rằng con bò có những điểm xấu như thế nào mà người ta so sánh với mình khiến mình cảm thấy bị xúc phạm, kể cả chuyện "ngu" ở mức nào là được so sánh với con bò. Tuy vậy, ở một góc nhìn khác, việc so sánh một con người với một con vật đó là chuyện thường tình mang đầy tính văn hóa dân gian vẫn diễn ra trong xã hội, ví dụ người ta vẫn so sánh "Anh A làm việc chăm chỉ như một con ong" hoặc "Anh B suốt cuộc đời cặm cụi như một con kiến", hoặc "Hắn làm việc như con trâu". Sự kiện ông Thích Nhật Từ tức giận đâm đơn kiện, có thể coi là vụ kiện đầu tiên trong lịch sử tòa án Việt Nam về việc bất đồng so sánh với thú vật. Trở lại câu hỏi rất "bò" của luật sư Âu Quang Phục, chắc chắn sẽ không ai ở phiên tòa xử Tịnh Thất Bồng Lai buồn nghĩ gì cả, vì câu chuyện này không liên quan với vụ án. Hơn nữa, câu hỏi này đầy tính khiêu khích, thể hiện chủ trương thù hằn tôn giáo. Ông Trần Ngọc Thảo / Thích Nhật Từ trong các bài giảng của mình cũng đã có rất nhiều lần vô cớ công kích Chúa Giêsu và nội dung của tín ngưỡng Công giáo. Thế nhưng phía Công giáo Việt Nam đã đối xử với ông không khác gì người lớn thấu hiểu, nhìn thấy đứa con nít cứ chòi chọc tìm cách gây khó. Vì vậy không loại trừ là luật sư của ông Thảo cũng đã được hướng dẫn cách trình bày quan điểm so sánh tín ngưỡng như vậy ở phiên tòa này - dĩ nhiên trình bày kiểu như vậy thì rất "bò".  
......

Trung lập, đạo đức giả ở Thụy sỹ

Ảnh: Nhà báo Clemens Wergin của báo WELT cho rằng Thụy sỹ chỉ lấy sự trung lập làm một cái cớ không mấy hay ho. Von Clemens Wergin - Fb Nguyễn Xuân Hoài (chuyển dịch) Nato ngỏ ý đề nghị Thụy sỹ tiếp nhận điều trị cho binh sỹ Ukraine bị thương trong chiến đấu. Nại cớ trung lập Cơ quan Ngoại giao nước này đã từ chối. Trong khi đó từ hàng chục năm nay nước này chứa chấp và dung dưỡng tầng lớp quyền lực Nga thì không một chút áy náy. Những tuần gần đây, NATO đã gửi yêu cầu tới các nước thành viên và đối tác yêu cầu tiếp nhận những người Ukraine bị thương để điều trị. Thụy Sĩ là một đối tác, đã phản ứng tiêu cực. Người ta không muốn chữa trị cho những người lính bị thương vì họ có thể quay trở lại tiếp tục chiến đấu. Điều này gây nguy hiểm cho tính trung lập của Thụy Sỹ. Ngay cả dân thường bị thương Thụy sỹ cũng từ chối không muốn nhận để chữa trị. Bởi vì "hầu như không thể phân biệt giữa thường dân với binh lính", như giải thích của Johannes Matyassy, Ngoại trưởng tại cơ quan đối ngoại Thụy Sĩ. Ít nhất thì đây là một lập luận khá mỏng manh. Bởi vì nếu thực sự khó phân biệt giữa những người tham chiến và những người không tham chiến, thì Thụy Sĩ sẽ không còn được phép tiếp nhận những người từ các khu vực khủng hoảng chạy trốn chiến tranh hoặc nội chiến. Vì vậy, khi nói đến việc tiếp nhận và điều trị thường dân Ukraine bị thương, trung lập chỉ là một cái cớ. Quyết định của Thụy Sĩ đặc biệt gây khó chịu, vì đất nước này trong nhiều thập kỷ là nơi lui tới phổ biến của những tên tài phiệt và quan chức ủng hộ và kiếm lợi từ chế độ của Vladimir Putin. Chúng đầu tư tiền của vào các tài khoản ở Thụy Sĩ, mua những ngôi nhà gỗ sang trọng của Thụy Sĩ và gửi con cái đến các trường tư thục Thụy Sĩ. Ví dụ điển hình là bồ nhí của Putin, cựu vận động viên thể dục dụng cụ Alina Kabaeva, sống ở Thụy Sĩ trong nhiều năm với những đứa con chung (có thể là) của hai người. Giống như nhiều nước EU, Thụy Sĩ không thấy gì sai trái khi tiếp tục trải thảm đỏ đón tiếp các tòng phạm của Putin ngay cả sau cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine năm 2014 của Nga. Tuy nhiên, không giống như nhiều nước EU, Thụy Sĩ giờ đây dường như đang lấn cấn trong việc hỗ trợ dứt khoát một quốc gia đang phải hứng chịu một cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc, vi phạm luật pháp quốc tế và nhằm xóa sổ đất nước Ukraine và có đặc điểm diệt chủng. Do đó, việc Thụy sỹ từ chối tiếp nhận và điều trị những người Ukrain bị thương lấy cớ đáng ngờ là liên quan đến luật pháp quốc tế, là một quyết định đặc biệt đáng hổ thẹn. Thông điệp phát ra từ quyết định này rất rõ ràng: trong nhiều thập kỷ, Thụy Sĩ không có vấn đề gì khi dính líu tới thủ phạm của chế độ Putin, lấy tiền của bọn chúng và chứa chấp chúng. Nhưng Thụy sỹ lại không muốn cứu giúp các nạn nhân của chế độ tội phạm tân đế quốc ở Moscow tại đất nước mình. Những gì được rêu rao là tính trung lập trên thực tế chỉ là sự đê tiện về đạo đức. Ablehnung verletzter Ukrainer: Die scheinheilige Neutralität der Schweiz - WELT Trung lập, đạo đức giả ở Thụy sỹ Von Clemens Wergin - Fb Nguyễn Xuân Hoài (chuyển dịch) Chefkorrespondent Außenpolitik https://www.welt.de/politik/ausland/plus240019609/Ablehnung-verletzter-Ukrainer-Die-scheinheilige-Neutralitaet-der-Schweiz.html  
......

Người Nga tăng cường hoạt động phá hoại chống cuộc chiến tranh của Putin

Ảnh: Kho dầu ở thành phố Brjansk bị cháy, nghi đây là một hành động phá hoại Nguyễn Xuân Hoà   Kho dầu ở thành phố Brjansk bị cháy, nghi đây là một hành động phá hoại   Phong trào chống thi hành nghĩa vụ quân sự đang ngày càng có nhiều người tham gia, nhà máy bị phóng hỏa, hệ thống đường sắt bị phá hủy: sự phản đối cuộc chiến của Putin ở Ukraine đang tăng lên mạnh mẽ ở nước Nga. Một nhóm các nhà hoạt động ngầm có lượng người theo dõi lớn trên mạng xã hội đang làm cho Điện Kremlin điên đầu.   Thanh niên trai tráng Nga sống trong tình trạng nơm nớp lo âu. Họ sợ bị bắt lính. Đàn ông dưới 27 tuổi đều có thể bị bắt nhập ngũ. Để rồi có nguy cơ thành bia đỡ đạn trong cuộc chiến của Putin ở Ukraine. Theo quy định tân binh không bị đưa ra tiền tuyến tham gia "hoạt động đặc biệt", nhưng trên thực tế họ bị tống ra mặt trận, khi bị chết hoặc bị thương thì chính quyền hết đường chối cãi.   Thanh niên Nga tiết lộ trên mạng xã hội về những cách lẩn tránh nghĩa vụ quân sự, thay vì nhập ngũ họ lấy nhiều lí do để chỉ phải thi hành nghĩa vụ dân sự. Chấp nhận làm những công việc với tiền trợ cấp rất thấp trong vòng 21 tháng kể cả bị điều đi bất cứ đâu.   Những người lách luật thành công, kể lại trên mạng xã hội về những gì mà họ đã làm. Một nhóm các luật sư và những nhà hoạt động về nhân quyền công khai trên kênh – Telegram „Lời kêu gọi lương tri“, giới thiệu với thanh niên Nga về những vấn đề liên quan đến chống thi hành nghĩa vụ quân sự. Mục tiêu của họ, giúp bất kỳ ai, vì lý do lương tâm, không muốn nhập ngũ, hiểu được các quy định pháp lý về vấn đề này.   Ngay cả lính chuyên nghiệp cũng chống lệnh   Ở Nga, việc sử dụng từ "chiến tranh" để chỉ "hoạt động đặc biệt" của chế độ sẽ phải đối mặt với án tù. Theo Serenko, một nhà hoạt động nhân quyền thì: “Cho đến nay, mỗi năm có khoảng 1.000 tân binh đã làm „nghĩa vụ dân sự“ chiếm không đến 1% nam thanh niên nhập ngũ hàng năm, kể từ khi chiến tranh bùng nổ, số người không muốn thực hiện nghĩa vụ quân sự bùng nổ, có thể lên đến 10.000 trường hợp."   Theo Luật cơ bản của Nga, ngay cả một "kontractnik", tức quân nhân chuyên nghiệp, có thể chấm dứt hợp đồng với quân đội vì lý do riêng của họ. Trước đây hầu như không có trường hợp nào như vậy. Năm nay đã có vài trăm trường hợp. "Quân đội gây áp lực đối với các quân nhân đòi hủy hợp đồng, bêu xấu họ với người thân và bạn bè tuy nhiên cho đến nay cuối cùng họ vẫn được phép ra đi. Người ta không rõ liệu nhà nước chấp nhận sự ra đi này bao lâu nữa khi nó đang trở thành một phong trào.   "Nhưng chúng tôi biết đây là một mục tiêu khó có thể đạt được. Ít nhất chúng tôi muốn phá vỡ sự phong tỏa thông tin trong xã hội Nga,” Serenko giải thích. “Chúng tôi muốn đất nước của chúng tôi biết người Ukraine đang phải chịu đựng cuộc chiến tranh này như thế nào, tình hình kinh tế của người Nga đang xấu đi như thế nào. Và chúng tôi muốn ủng hộ tất cả những ai có lập trường phản chiến và có nguy cơ bị chế độ Nga đang nhắm tới ”. Các nhà hoạt động thuộc phong trào Nữ quyền Kháng chiến dựa vào sự hưởng ứng rộng rãi của công chúng đã trở thành gương mặt đại diện cho sự phản chiến. Họ thu hút sự chú ý của dư luận thông qua các hành động vô cùng táo bạo và đầy bất ngờ.   Nhân ngày 8 tháng ba, ngày Phụ nữ quốc tế, theo truyền thống là một ngày lễ ở Nga. Tại các Đài tưởng niệm „Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại“ mà Liên Xô đã tiến hành chộng lại nước Đức Hitler người Nga đã đặt hoa để tưởng nhớ nạn nhân đã hy sinh trong cuộc chiến tranh do Nga phát động chống Ukraine.   Chị em đã phát hành tờ báo phản chiến „Phụ nữ -Prawda“ , kênh – Telegram của họ có 34.000 người đăng ký. Họ quyên tiền ủng hộ những người tị nạn Ukraine cực chẳng đã phải tá túc ở Nga để họ có thể tiếp tục tìm đến các nước châu Âu khác. Với sự hợp tác của 45 nhà tâm lý học, nhóm phản chiến giúp đỡ những người tị nạn và các nhà hoạt động nói chung. Serenko nói, các nhà hoạt động cũng dành cho các bà mẹ chiến sỹ cất lên tiếng nói của họ. “Ngay cả khi con trai họ là tội phạm chiến tranh. Những bà mẹ này cũng là nạn nhân của bạo lực nhà nước đối với phụ nữ. Nhà nước Nga muốn phụ nữ chúng tôi sinh ra những đứa con để sau đó đưa chúng vào cỗ máy xay thịt phục vụ chiến tranh ”.   Trong khi các nhà hoạt động nhân quyền và nữ quyền coi trọng các hành động chống chiến tranh hợp pháp, mặc dù nhà nước Nga vẫn có thể hình sự hóa, thì những người thuộc cái gọi là „ phong trào phản kháng đường sắt“ lại không quan tâm đến luật pháp và trật tự. Một nhóm trên Telegram với 14.000 độc giả đang kêu gọi người dân ngăn chặn các tuyến đường sắt đi về hướng Ukraine và Belarus.   Họ đang tiến hành một cuộc phản chiến ngầm thực sự. Hệ thống điều khiển bị hủy hoại, đường ray bị phá hủy.Theo trang Web của „những kẻ phá hoại" thì việc làm của họ nhằm cứu tính mạng của mọi người ở cả hai bên chiến tuyến". Họ đã thành công, từ tháng 3 đến tháng 6 đã có 63 đoàn tầu chở hàng bị trật bánh ở Nga, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.   Kể từ khi bắt đầu chiến tranh ở trên khắp nước Nga thường xẩy ra các vụ hỏa hoạn ở các nhà máy và cả ở các trạm tuyển tân binh. Người ta không biết đích xác đây là các sự cố vô tình hay là các hoạt động phá hoại. Tuy nhiêm mọi hoạt động, sự cố này cho thấy bên cạnh sự cổ vũ, tuyên truyền mạnh mẽ cho cuộc chiến ở Ukraine do các phương tiện của nhà nước tiến hành thì một lực lượng ngầm đã và đang hình thành nhằm chống lại cuộc chiến của Putin kể cả bằng bạo lực. *** Widerstand: Wie Russen im eigenen Land Putins Krieg sabotieren - WELT Người Nga tăng cường hoạt động phá hoại chống cuộc chiến tranh của Putin Von Pavel Lokshin - Nguyễn Xuân Hoài (dịch) https://www.welt.de/politik/ausland/plus239950437/Widerstand-Wie-Russen-im-eigenen-Land-Putins-Krieg-sabotieren.html      
......

Anh hùng hay không anh hùng?!

anh Nguyen Lan Thang Bạch Cúc|   Tôi viết những dòng dưới đây là tâm tư thật lòng mình sau nhiều năm vừa là tham dự vừa là đứng bên lề theo dõi tình hình "dân chủ"...Thật sự có quá nhiều cay đắng và cả phẫn nộ!. Lật lại vấn đề lúc này có lẽ là không nên nhưng thà nói ra 1 lần rồi thôi, bởi đâu đó vẫn còn quá nhiều loại người khốn nạn không thể tả được. Bài viết này buộc lòng phải nhắc đến tên một số anh chị, Bạch Cúc xin lỗi trước và mong lượng thứ, hy vọng mọi người hiểu Bạch Cúc có ý tốt chứ không cố ý làm tổn thương các anh chị một lần nữa!... ------- Ngày tôi mới bước chân viết về chính trị, tôi quen biết được rất nhiều người, tôi tự hào vì được đứng chung 1 chiến tuyến và được mọi người xem như là đồng đội. Rồi từ từ tôi nghe được nhiều câu chuyện đã xảy ra trước đó + tự tìm hiểu + nhìn thái độ của thiên hạ mà buồn lòng vô cùng...Tôi nhận ra, con người ta thật quá ác tâm và tàn nhẫn. Họ chỉ biết phê phán, trách móc, nhạo báng và quay lưng đi một cách bội bạc!...   Ngày đó, người ta quan tâm và đặt nặng vấn đề "Nhận tội hay không nhận tội!". Đã có những video clip được tung ra cảnh anh Định Công Lê nhận tội, rồi Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung, Phan Thanh Hải (Anh Ba Sài Gòn)...Đó là những nhà hoạt động dân chủ gạo cội, nổi tiếng, những người lót đường đầu tiên sau anh Trần Huỳnh Duy Thức. Ngày đó quả thật quá hiếm hoi những người nhận diện được tình hình chính trị và dám lên tiếng, mạng xã hội lại chưa phát triển thế nên tình cảnh của các anh cực kỳ nguy hiểm: bị vây hãm, bị kìm kẹp 24/24 mấy năm rồi mới bị bắt. Vì thế, người ta ngưỡng mộ, tin rằng các anh chắc chắn sẽ dũng mãnh, sẽ can trường và họ xem các anh như những anh hùng. Mà đã là anh hùng, đang được tôn thờ thì chắc chắn "không được nhận tội"!   Rồi người ta thất vọng, hụt hẫng, sụp đổ khi thấy "thần tượng" của mình "nhận tội" trước tòa Cộng Sản. Và tiếp sau đó là những làn sóng ngầm chê trách, mạt sát, phỉ báng và có cả quay lưng, khinh khi, coi thường ra mặt...Các anh ra tù không kèn không trống, không ai đưa ai đón, không tiền không bạc vì ngày đó chưa có phong trào đóng góp và ủng hộ như bây giờ. Có anh ra tù mà còn bị đồng đội cũ quay lưng, bị những người từng tung hô mình trước đây khinh miệt ra mặt, bị cả đám đông dè bỉu là đồ "hèn nhát nhận tội" hoặc bị chê trách là qua Mỹ rồi thì chả làm được gì nữa, chả viết được bài báo nào ra hồn giúp ích cho phong trào như trường hợp anh Van Hai Nguyen (Điếu Cày)...   Quả đúng là nhân gian: Bạc quá bạc!"   Cộng Sản nó còn tồn tại được đến ngày nay là vì nó nắm rõ "thuộc tính" của cái giống dân Việt: đã hèn nhát mà lại còn tàn nhẫn và bội bạc lắm! Cái giống dân này thích tôn sùng thần tượng, thích tung hô nhưng cũng vô cùng nhanh chóng quay lưng và sẵn sàng đạp đổ. Vì nó hiểu tâm tính dân Việt nên mới có chuyện nó làm mọi cách, mọi thủ đoạn để buộc, để ép, để gài người ta "nhận tội":   "Mày chỉ cần nhận tội thôi, thế là coi như xong. Bao nhiêu công sức mày đấu tranh, mày hy sinh vì đồng bào, vì lý tưởng xem như đổ sông đổ biển. Chúng tao chẳng cần giết mày, bọn tôn sùng mày đã giết chết mày trước rồi, để rồi xem cái bọn đang "tăm tia" muốn nổi dậy đòi dân chủ sẽ lấy tụi mày làm bài học. Đấu tranh làm cái chó gì, hy sinh cái con mẹ gì, mất mát nhiều như thế để được gì? Thiên hạ nó nâng lên rồi nó lại hạ xuống. Đã lỡ đóng vai anh hùng thì cứ phải gồng mình lên làm anh hùng cho đến phút cuối. Để rồi được gì ngoài cái danh hão? Và chỉ cần "sa chân, nhụt chí" là tụi nó nhiếc móc ôi thôi, nhục ơi là nhục!!!"   Vậy đấy, vì cái tâm lý của tộc người này chỉ thích người khác làm những việc họ không thể làm, và đặc biệt là "không dám làm" nhưng cứ muốn bắt người ta phải dấn thân làm anh hùng mãi mãi. Thế nên mới có chuyện các anh chị đấu tranh bị sức ép vô cùng lớn khi bị bắt. Khi đấu tranh, họ đã mất mát đủ thứ từ kinh tế, hạnh phúc gia đình, rồi khi bị tước đoạt tự do lâm vào cảnh tù tội, chịu bao nhiêu cảnh khốn khổ khốn nạn như địa ngục ấy vậy mà họ lại băn khoăn, sợ mang tai mang tiếng, sợ miệng lưỡi thiên hạ chê trách nhạo báng mình là "đầu hàng". Thế nên phải cố gồng mình, không dám chọn lựa con đường "tốt nhất" để sớm thoát khỏi địa ngục. Con đường đó là con đường "nhận tội" để án giảm xuống, thay vì 6-7 năm thì còn 3-4-5 năm để còn được sớm về với gia đình, về để xây dựng lại mọi thứ từ đống hoang tàn đã bị Cộng Sản cướp đoạt khi họ chọn lựa con đường đấu tranh dân chủ!...   Tôi nhớ mãi trong một cuộc gặp các anh chị em dân chủ tại nhà Lê Quốc Quyết, một người tên Dũng Mai (Hà Nội) đã khinh khỉnh mặt hỏi móc mé kiểu hạ nhục anh Ba Sài Gòn rằng: "Anh nghĩ sao khi người ta nói anh hèn nhát nhận tội?". Mọi người đều sững sờ thảng thốt vì không thể tin rằng trong một cuộc gặp thân tình vui vẻ mà ông ta lại đưa ra một câu hỏi xóc óc như vậy? Tôi không ngờ anh Ba đã nhẹ nhàng mỉm cười và từ tốn trả lời: "Đó là một sự chọn lựa, cũng như sự chọn lựa trước đây của tôi: Tôi là chủ một doanh nghiệp đã 20 năm nhưng tôi chọn lựa con đường đấu tranh dân chủ, tôi chấp nhận đánh đổi cuộc sống sung túc, bị mất tất cả và chấp nhận cảnh tù tội. Và khi vào tù, tôi chọn lựa nhận tội để được sớm trở về. Tôi không quan tâm ai tung hô hay khinh miệt tôi..."   Tôi viết bài viết này và nhắc lại chuyện cũ vì ngay mới đây tôi được biết còn sót 1 loại người khốn nạn, vô lương tâm vô cùng tận. Đó là loại người thích "dính máu dây phần", thích người ta phải "đổ máu" để bu vào và thơm lây cái gọi là chí khí anh hùng. Loại đó chuyên đi "săn" các anh chị nổi tiếng trong đấu tranh dân chủ, tiếp cận làm thân với họ bằng đủ mọi cách rồi chỉ ước họ bị tù tội để "cái danh" của họ được tôn vinh và làm cho kẻ đó tự hào là ta đây chơi với toàn người nổi tiếng đó nha. Loại đó tìm mọi cách rỉ rả, khuyên lơn thông qua người này người kia nhắn tới các anh chị đang chịu cảnh tù tội là "Đừng chấp nhận đi Mỹ, đi nước này nước kia theo quy chế tị nạn. Vì chấp nhận đi là chấp nhận từ bỏ con đường đấu tranh, rồi qua bên kia không làm gì được hết, xem như mất tiếng mất tăm, bài học những người đi trước còn đầy ra đó... Ai cũng một lần chết, thôi thì thà chết trong lao tù Cộng Sản để còn được quang vinh!" Dm bọn chó!. Tôi muốn chửi ba đời cái bọn khốn nạn thích người khác đổ máu để liếm láp hoặc đó chính là bọn an ninh hàng gài, cái bọn chuyên đi rêu rao, đâm bị thóc chọc bị gạo, quậy cho đục nước và phá rối từ bên trong...   Lời kết: gia đình chị Cấn Thị Thêu,   Phong trào dân chủ hiện nay xem như là gần "kết thúc", tất cả những người nhiệt huyết đều đã vào tù. Thương nhất là gia đình chị Cấn Thị Thêu, gia đình có vài người thì có đến 3 người vào tù gồm: chị Thêu, em Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư. Rồi chị Nguyễn Thúy Hạnh chỉ vì tấm lòng "Bồ Tát" lo cho quỹ 50k cho tù nhân lương tâm mà bị cảnh tù tội đày đọa khi đang mang trong mình căn bệnh trầm cảm cực kỳ nguy hiểm, rồi mới đây là Trang Doan Pham, anh Nguyen Lan Thang ...Bây giờ có nhận tội hay không nhận tội, anh hùng hay không anh hùng thì đều vô nghĩa bởi mức án mấy năm gần đây đều quá cao, cho dù "rửa tay gác kiếm" không đấu tranh gì nữa thì cũng vào tù tuốt luốt. Điều này chứng tỏ Cộng Sản đang cương quyết triệt hạ, "trả thù" cho bằng hết và án đang "treo lơ lửng" trên đầu tất cả các anh chị em đã từng một thời nhiệt huyết tranh đấu!...   Do vậy, tôi ước mong chúng ta, nhất là những hội nhóm, những người có khả năng vận động các tổ chức Nhân Quyền trong và ngoài nước hãy đoàn kết lại, hãy cùng nhau làm mọi cách tốt nhất để "giải thoát" các anh chị đang trong lao tù, thoát được người nào thì mừng cho người đó, cóc cần biết hay đòi hỏi họ phải làm gì thêm nữa. Họ đã cống hiến và đánh đổi quá nhiều rồi. Nếu ai muốn được tôn vinh thì hãy tự đi mà đấu tranh, đừng đặt gánh nặng và nghĩa vụ phải giải cứu cái dân tộc vừa hèn hạ vừa ác độc này lên vai của họ nữa!...   Chúng ta hãy bớt đi tật xấu thích xúi giục, tung hô, khích tướng người khác đâm đầu vào chốn gian nan. Hoặc trách móc, phê phán và đòi hỏi người khác phải mạnh mẽ, can trường, dũng cảm...trong khi chính chúng ta lại là những kẻ hèn nhát nhất!   Anh hùng hay không anh hùng? Xin đừng đặt cây "Thập tự giá" lên vai và bắt những người yêu nước, dám hy sinh cho tự do dân chủ phải vác cho hết quãng đường tù tội!.   Xin cái tộc người này này đừng quá bội bạc, tàn nhẫn và bất khoan dung nữa với những người đã phải hy sinh quá nhiều vì ước muốn thay đổi đất nước, chế độ này...   Mong lắm thay!.
......

Nhiều thế hệ bị lừa đến giờ vẫn có kẻ tin

Nguyễn Doãn Đôn   Đíu con mẹ cả nhà chúng nó! Hóa ra mình bị mắc lừa.   Tốt nghiệp lớp 10 xong là nghe bọn nó hát, nó ngâm thơ Tố Hữu ầm cả làng, cả xóm qua cái loa rè ở miền Quê lúa Thái Bình là:   "Trường Sơn Đông nắng Tây mưa Ai chưa tới đó thì chưa rõ mình"   Thế là mình vốn dĩ tò mò, tuổi đời thì đang còn ngây thơ, dại dột: Nên bọn nó gọi cái ới phát là mình lên đường ngay. Vai đeo ba lô con cóc, cuốc bộ từ Kiến Xương , Thái Bình vào tận Nông Cống, Thanh Hóa. Mồm lúc nào cũng lải nhải như chó ăn rau khoai hát a dua theo chúng nó cái bài:   "Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân; Đặt cho tên gọi là cái gậy Trường Sơn. Luyện cho đôi chân vượt đường xa không mỏi. Luyện cho tinh thần mà chỉ tiến không lui"   Thế là gần 3 năm luồn rừng lội suối để vào giải phóng Dân Nam. Vào đó đánh đấm chán rồi mới vỡ lẽ ra là bọn trong í chúng sống sung sướng như ở Thiên đường. Còn mình là lũ khỉ chột, bị đói khát lại ở lâu trong rừng nên nhìn như những bóng ma.   May mà bố còn sống sót và vớ được ít chiến lợi phẩm cho vào thùng đạn thay ba lô ra Bắc. Bây giờ thì ngoài bố mẹ đẻ bố ra; Thì xin thề bố đíu tin thằng nào con nào thí dại bố nữa. -Xin thề -Xin thề -Xin thề!   Mẹ cha chúng nó toàn thí trẻ con ăn cứt gà sáp. Nên tâng bốc hình ảnh của mình lên , để mình hám danh, ham oai để máu chiến quên mình. Còn bọn nó ung dung ở ngoài hậu phương lủi sâu trong lòng đất:   "Hoan hô anh Giải phóng quân Kính chào anh con người đẹp nhất"   "đẹp" cái mả cha chúng mày. Nếu "đẹp nhất" thì đã chả đến lượt chúng tao, con cháu của những người khố rách áo ôm chuyên làm nghề nông tay lấm chân bùn! Quanh năm ngày tháng bán mặt cho Đất, bán lưng cho Trời. Nguyễn Bắc Son - Trương Minh Tuấn Mẹ cha chúng mày, mũi tên hòn đạn không hay; Bản đồ Chiến sự không biết đọc, thế mà làm Tướng ăn hại cơm Dân. Đừng có há hốc cái mồm gầu, lưỡi chổi, họng bí đao ra mà tuyên truyền nhảm nhí. Viết sách đạo đức dạy người, để rồi chính chúng mày tự thanh toán lấy nhau cho vào "Hotel" bóc lịch. Tao nói không ngoa đâu. Chính thằng Tuấn Phó trưởng ban tuyên giáo Trung ương là "cháu ngoan Bác Hồ" viết sách để vào ngồi tù đọc đây này. Ban Tuyên giáo mà còn thế thì chúng mày bảo chúng tao còn biết tin ai? hở?    Fb Nguyễn Doãn Đôn  
......

Khi vua côn đồ gặp trùm xỏ lá

Nguyen Khan   Đất nước Ukraina có chủ quyền, được Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và cộng đồng nhân loại công nhận. Bỗng dưng tổng thống Nga cậy thế nước lớn, có sức mạnh quân sự mạnh thứ hai thế giới, có kho vũ khí nguyên tử hàng đầu thế giới, kiếm chuyện vu vơ xua đại quân đánh cướp chủ quyền nước Ukraina, bắt buộc tổng thống và chính phủ Ukraina hạ vũ khí đầu hàng vô điều kiện, đe doạ san bằng ngay lập tức và chưa từng có bất cứ nước nào to gan giúp Ukraina chống lại Nga… Thì đó, nếu không là hành động của một ông vua du côn thì là của ai ? Bởi nếu chỉ là một tên du côn thông thường không chắc đã dám hành động ngông cuồng và ngạo mạn như thế. Cho nên, nếu gọi Vladimir Putin là ông vua du côn cũng không có gì là quá…   Nhưng khổ nỗi, cái sự đời luôn diễn ra theo quy luật bất toàn, gọi khác là quy luật bù trừ, được này mất kia. Ông voi dẫu mạnh vẫn còn đó thằng nài, để nếu trên cõi đời này, nếu địa ngục sản sinh ba cái đám du côn thì trời cao cũng phải tạo ra mấy cái phường xỏ lá.   Nếu Vladimir Putin của Nga ỷ mạnh hiếp yếu thì tổng thống Mỹ Joe Biden cũng “ỷ mạnh” phá đám cuộc xâm lăng Ukraina của Nga. Ở góc độ hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và tình người thì Joe Biden đang được điểm cao dành cho một soái ca đang bảo vệ công lý và lẽ phải.   Song, xem cái cách mà Joe bênh vực, giúp đỡ… Vận động và lôi kéo cộng đồng quốc tế cùng bênh vực và giúp đỡ Ukraina, cùng nhau trừng phạt Nga… theo kiểu luộc ếch, khiến nước Nga của Putin ngày càng bị suy yếu nhưng vẫn cứ tưởng mình vẫn còn là bố thiên hạ y chang hiệu ứng luộc ếch, cho thấy Joe Biden cũng là ông trùm xỏ lá.   Bởi anh trùm xỏ lá đã tinh quái sử dụng hội chứng luộc ếch để phá đám tên du côn vì e ngại, nếu hấp tấp dồn thằng du côn vào góc tường hắn sẽ sử dụng vũ khí nguyên tử, hay ít ra sẽ sử dụng vũ khí nguyên tử chiến thuật (loại bom nguyên tử có sức phóng xạ thấp). Chỉ có luộc hắn từ từ như luộc ếch, để đến khi hắn quyết định sử dụng bom nguyên tử thì đã quá muộn, đã bị luộc ngửa bụng, dảnh tay chân…không còn sức…   Hiện thỉnh thoảng vẫn có một số bài báo viết theo luận điệu của hãng thông tấn TASS, hãng RT của Nga, cho rằng Mỹ và phương Tây đang bị tác dụng ngược, cấm vận Nga làm Nga mạnh thêm, những nước cấm vận bị te tua… Đó chính là hệ quả của hội chứng luộc ếch, không biết nguyên lý bọn Tây chẳng ngu lấy đá tự ghè chân mình.   Bởi nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như Trung cộng, chỉ bị một mình tổng thống Mỹ Donald Trump chiến thuế, không bị nhiều nước trên thế giới đồng loạt cấm vận đa lãnh vực như cấm vận Nga, vậy mà kinh tế Trung cộng đã điêu đứng, lên bờ xuống ruộng… huống hồ Nga, nước có nền kinh tế đứng sau Hàn Quốc, không bằng GDP của tỉnh Quảng Đông, lại bị rất nhiều nước trên thế giới liên thủ cấm vận đa lãnh vực, mà báo chí Nga và báo chí thân Nga cho rằng, nền kinh tế Nga không chỉ không bị ảnh hưởng gì mà còn mạnh hơn, trong lúc kinh tế các nước cấm vận Nga bị lên bờ xuống ruộng… thì đúng là Nga đang thấm đòn ếch luộc.   Hãy xem phường xỏ lá viện trợ vũ khí theo hiệu ứng ếch luộc cho Ukraina, sao cho Ukraina vừa đủ sức kềm giữ và ngăn đà xâm lược của quân Nga, và sao cho phía quân Nga không thua xiềng liểng sẽ tự ái dẫn đến liều mạng sử dụng vũ khí nguyên tử chiến thuật. Khôn khéo nhường quân Nga một chút ưu thế để quân Nga lao vào cuộc chiến tiêu hao, tự làm suy yếu mình trong nồi nước luộc…   Hãy xem cái cách anh xỏ lá viện trợ vũ khí theo hội chứng ếch luộc. Lúc đầu quy định chỉ viện trợ vũ khí mang tính phòng thủ gồm những vũ khí hạng nhẹ. Sau đó thay đổi quan điểm, vũ khí nào cũng có đặc tính phòng thủ và tấn công… để viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraina. Tiếp theo, tự hạn chế không viện trợ vũ khí có tầm bắn quá xa, sợ Ukraina sử dụng tấn công qua đất Nga. Nay lại đồng ý viện trợ vũ khí tầm xa vì Ukraina đã cam kết không tấn công vào lãnh thổ Nga. Hiện tại tổng thống Ukraina đã ban hành lệnh phản công tái chiếm Kherson và Miền Nam, quân Ukraina đã bắt đầu bắn phá dữ dội, trong đó có sử dụng hỏa tiễn phóng loạt Himarx tầm xa của anh xỏ lá. Và có vẻ như anh xỏ lá đang e ngại khi tên du côn bị thất thế ở Kherson sẽ sử dụng vũ khí nguyên tử chiến thuật, nên đang có phong thanh Ukraina rất khó tái chiếm Kherson.      
......

Ngượng ngùng một kiếp đi dây

Nguyen Khan Có lẽ giờ này Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thấm thía câu :”Có gan ăn cướp có gan chịu đòn.” Bởi những gì đang diễn ra trên chiến trường Ukraina và trong chính trường nước Nga, cho thấy mọi tiên liệu của Putin về diễn biến và hệ quả của cuộc chiến đều không như Putin hằng mong. Và nhận ra bao năm gầy dựng uy tín quốc tế, xưng bá một góc trời, danh tiếng ít nhiều vang xa…bỗng trở thành xôi hỏng bỏng không kể từ ngày 24/2/2022 là ngày Putin phát động cái gọi là chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina, thực chất là tấn công đại quy mô cướp nước Ukraina. Putin cũng không thể không biết cuộc tấn công xâm lược Ukraina của Nga vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và hiến chương LHQ, gây ra những tội ác kinh hoàng chưa từng có kể từ sau thế chiến II đến nay, nên đây không còn là cuộc chiến giữa Nga và Ukraina mà đã trở thành cuộc chiến của nhân loại văn minh chống lại nước Nga phát xít phá hoại văn minh và trật tự của thế giới, gây tội ác kinh hoàng vượt mọi giới hạn của con người… và một khi đã là cuộc chiến chống lại nền văn minh và trật tự pháp luật quốc tế thì Nga tìm đâu ra chiến thắng ? Mạnh như phát xít Đức trong thế chiến II còn banh xác. Chắc chắn Putin đã cảm nhận đầy đủ sự ghẻ lạnh, sự xem thường của cộng đồng quốc tế đối với ông và các cộng sự cao cấp trong chính phủ của ông. Bởi ngay cả một số nước, đếm trên đầu ngón tay, còn giữ lại quan hệ đồng minh với Nga, chủ yếu vì lợi ích nào đó mà phải muối mặt quan hệ…song cũng chẳng mấy hứng thú, và nếu cực chẳng đã phải gặp thì không khỏi tẽn tò đón tiếp vì lo ngại cộng đồng quốc tế săm soi, chụp mũ “ngưu tầm ngưu mã tầm mã”… Như trường hợp không gì sượng sùng hơn của ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại hội nghị cấp bộ trưởng ngoại giao G20 Bali Indonesia vừa rồi. Lavrov đã bị ghẻ lạnh đến mức mặt dày như tấm thớt cũng không che hết ngượng, đành phải rời Bali giữa chừng… Cứ như người phụ nữ vô duyên : “Còn duyên kẻ đón người đưa Hết duyên đi sớm về trưa một mình”. Dẫu trước đó, khi tổng thống Indonesia mang danh nghĩa chủ tịch G20 công du châu Âu dự cuộc họp thượng đỉnh G7, nhân tiện ghé Kyiv gặp Tổng thống Zelensky, sau đó ghé Moscow gặp tổng thống Putin trao đổi về sự phức tạp của cuộc họp thượng đỉnh G20 Bali sắp tới liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraina… Nhân cơ hội ấy, Putin đã tinh quái tung mồi nhử hơn 10 tỷ USD đầu tư vào ngành lọc dầu Indonesia để…”đồng tiền đi trước (hội nghị G20 Bali) là đồng tiền khôn”. Lót kỹ vậy mà Nga vẫn không ngăn được cuộc họp cấp ngoại trưởng G20 Bali đưa hồ sơ chiến tranh Ukraina vào chương trình nghị sự. Mở đầu, bà ngoại trưởng nước chủ nhà Indonesia kêu gọi ngưng chiến ngay lập tức tại Ukraina. Tuy vậy, theo bà ngoại trưởng Indonesia, không phải tất cả các nước G20 đều lên án Nga, song hầu như tất cả đều không ủng hộ Nga xâm lăng Ukraina, ngay cả nhóm BRICS (Trung Cộng, Brazil, Nga, Ấn Độ, Nam Phi) là nhóm cật ruột của Nga cũng không ủng hộ Nga. Tóm lại, giá như Nga đánh đấm bài bản và uy lực như phát xít Đức thì cũng gỡ gạc được chút đỉnh cho các nước đồng minh và các fan cuồng dại… Không ai ngờ nước Nga có sức mạnh quân sự lớn thứ hai thế giới mà đánh đấm chẳng khác bọn thảo khấu, vừa đánh vừa trộm cắp đồ đạc và tài sản của nhân dân Ukraina. Hơn 4 tháng tổng tấn công mà chẳng làm được gì ra ngô ra khoai, chủ yếu là phá nát và tàn sát… đất nước và nhân dân Ukraina, thì khả năng quân Nga mang đầu máu tháo chạy là chuyện khó tránh. Làm khổ cho những nước đồng minh của Nga, luôn đi dây theo cách, vừa tỏ lòng trung thành với Putin vừa cố tránh tai mắt cộng đồng quốc tế chụp mũ “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”, “cá mè một lứa” với Putin.
......

Con đường đi lắt léo của 2.2 triệu đô la tiền chạy án vụ Nguyễn Minh Quân

Thao Ngoc Sau khi nhận 2,2 triệu USD (đô la) từ giám đốc Bệnh viện Thành phố Thủ Đức Nguyễn Minh Quân và đồng phạm, Bùi Trung Kiên (cán bộ C03) không "chạy án" mà mang tiền mua đất. Sau khi mua đất, còn lại 500.000 USD ông Kiên đã trả lại cho ông Quân. Sau khi ông Kiên không giúp được, ông Quân nhờ Long và Giang lo giúp. Quân đưa Long, Giang 1,5 triệu USD, sau đó Long, Giang đưa cho Lê Thanh An (cán bộ C03) để nhờ An giúp. An lại nhờ Hà Duy Tuấn(lao động tự do)cầm 1 triệu đô để lo lót. Hà Duy Tuấn, sau khi nhận một triệu USD, đã 6 lần mang đến Chùa Nôm, đưa 970.000 USD cho trụ trì Nguyễn Ngọc Triệu để nhờ lo việc cho ông Quân. Tuy nhiên, ông Triệu chỉ thừa nhận đã cầm của Tuấn tổng số tiền 400.000 USD mà thôi(như vậy còn 570.000 USD chưa biết đang nằm nằm ở đâu). Nguyễn Ngọc Triệu khai đã lấy 100.000 USD đóng kín vào hộp giấy kèm theo chiếc chuông gió phong thủy, mang đến gặp ông Vũ Văn Đắc (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần môi trường Thuận Thành) để nhờ tìm hiểu tình hình, mức độ vụ việc và tìm cách giúp đỡ ông Quân. Ông Triệu còn khai do không giải quyết được việc, nên ông đã trả lại cho Hà Duy Tuấn 100.000 USD và 2,39 tỷ đồng . Sau đó, Tuấn chuyển 3,9 tỷ đồng cho công an Lê Thanh An. (https://tienphong.vn/cam-2-2-trieu-usd-chay-an-cuu-can-bo...) Điều đáng lưu ý trong vụ án này là: Một là Hà Duy Tuấn, lao động tự do, chẳng có chức quyền địa vị nào mà cũng tham gia đường dây chạy án hàng triệu USD. Hai là số tiền 570.000 USD chắc chắn không tự nhiên mất đi, mà nó chỉ chuyển từ túi người này sang người khác mà thôi. CA VN giỏi nhất thế giới chắc là thừa biết số tiền này đang ở đâu.Có thể vì có kế hoạch nào đó, hoặc do lý do tế nhị nên chưa công bố đấy thôi. Còn nếu hai đối tượng kia mà không thành khẩn khai báo, thì “bằng các biện pháp nghiệp vụ” là tòi ran gay. Ba là cứ sau mỗi khúc cua thì số tiền bị ngắt lại một ít, gọi là chi phí dịch vụ. Bốn là cái chuông gió phong thủy của nhà sư Thích Đồng Huệ chẳng làm nên cơm cháo gì. Chẳng những nó không cứu được nạn nhân mà còn vướng vào chính mình. Thích Đồng Huệ (trái) - Nguyễn Minh Quân (phải) Vậy nhà sư Thích Đồng Huệ là ai? Thượng tọa Thích Đồng Huệ, tên thật là Nguyễn Ngọc Triệu, là Ủy viên Hội đồng Trị sự TƯ GHPGVN, Phó ban Phật giáo Quốc tế TƯ, Phó ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Giang, Hội trưởng Hội Phật giáo Việt Nam tại Angola, Hội trưởng Hội Phật giáo Việt Nam tại Mozambique, trụ trì chùa Nôm(ở Hưng Yên) và chùa Quan Âm(ở Hà Giang), là đại biểu HĐND tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2021 - 2026. Một chức sắc Phật giáo cao cấp, chức tước đầy mình như thế, nhưng “tuy vui cảnh bụt chưa nguôi lòng trần”, còn tham gia đường dây chạy án thì quả là rất tài tình. Điều đáng lưu ý là vị tu sĩ Phật giáo quốc doanh này đã kịp thời trút bỏ áo cà sa 2 ngày trước khi bị bắt. Trong đơn xin hoàn tục, Thích Đồng Huệ nói ông ta bị bệnh hiểm nghèo, mà không nói rõ đó là bệnh gì. Trước đó báo chí đã dành những lời có cánh để ca ngợi ông sư này. BáoĐại Đoàn kết ra ngày 13/03/2020 có bài: “Thượng tọa Thích Đồng Huệ- Ngọn gió đi dưới trời”. Bây giờ thì “ngọn gió” Thích Đồng Huệ-Nguyễn Ngọc Triệu đã không làm những điều có ích cho xã hội và tôn giáo của mình, mà ông đã không thoát khỏi vòng Tham-Sân-Si, đã tự đút tay vào còng. Những chức tước, địa vị cao ngất ngưởng trong cái GHPG quốc doanh gắn vào người ông, như những vầng hào quang lấp lánh, làm cho ông thêm lung linh huyền ảo trước cửa chùa và trước đám con nhang đệ tử. Nhưng chính nó đã làm ông trượt ngã, biến ông thành tên tội phạm. Điều tài tình trong vụ án này là: Tuy rằng ông Nguyễn Minh Quân đã phạm vào tội “Đưa hối lộ”, quy định tại Khoản 4 Điều 364, Bộ luật hình sự .Tuy nhiên, ông Quân đã chủ động khai báo nên được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự . Vậy mà khi Ông Lê Minh TríViện trưởng VKSNDTC kiến nghị tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả. Nghĩa là cán bộ khi đã ăn cắp mà bị phát hiện, thì lấy tiền ra đền, gọi là khắc phục hậu quả, sẽ không bị ngồi tù. Nói cho vuông, ý kiến của ông Lê Minh Trí cũng có lý. Vì mục đích chính là thu hồi tiền, còn đưa họ vào tù càng thêm chật chội, thêm người canh gác tốn kém và ăn tốn cơm nhân dân. “Ánh sáng cuuối đường hầm”cho các quan tham là: Nếu như đề xuất của ông viện trưởng VKSNDTC Lê minh Trí được thông qua và đưa vào luật, thì các quan tham cứ tha hồ tìm mọi cách vơ vét trăm tỷ ngàn tỷ. Nhưng nếu không may bị lộ thì chỉ cần “khắc phục hậu quả” khoảng 70% là sẽ hy vọng thoát tù. Còn lãi 30% tha hồ sống trên nhung lụa, hoặc chạy sang xứ tư bản giẫy chết, và ngồi rung đùi ca bài “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay”. Thao Ngoc 9/7
......

Ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc là tác nhân khiến Sri Lanka rơi vào khủng hoảng tồi tệ

Việt Tân Hàng chục nghìn người dân Sri Lanka đồng lòng nỗi dậy phế truất giới lãnh đạo bất tài, tham nhũng. Trong suốt nhiều năm, đất nước Sri Lanka được điều hành bởi hệ thống quan chức chỉ chăm chỉ vun vén đặc lợi và làm chư hầu cho Trung Quốc. Sri Lanka đang rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từng thấy. 22 triệu dân của nước này thường phải chịu cảnh mất điện kéo dài đến 12 giờ, tình trạng khan hiếm nghiêm trọng thực phẩm, nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu khác. Lạm phát đạt mức kỷ lục 53,6 % vào Tháng Sáu, 2022, và có thể tiếp tục tăng thêm, đẩy giá cả hàng hoá cao vượt khả năng thanh toán của người dân. Giọt nước tràn ly, hôm 9 Tháng Bảy, 2022, hàng chục nghìn người dân Sri Lanka đổ ra đường biểu tình và chiếm Phủ Tổng thống ở Thủ đô Colombo. Những người biểu tình thậm chí đã phóng hỏa nhà riêng của Thủ tướng Wickremesinghe. Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã phải bỏ trốn và đang ẩn náu ở địa điểm bí mật. Không ít các chuyên gia tin rằng chiến lược "ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc là tác nhân quan trọng dẫn đến cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc liên tục cung cấp các khoản vay khổng lồ cho Sri Lanka để tạo đòn bẩy chính trị. Đến khi Sri Lanka thiếu khả năng chi trả, Trung Quốc dễ dàng chi phối. Một trong những dự án đẩy Sri Lanka đến bờ vực khủng hoảng đó là các vụ vỡ nợ đối với các khoản vay liên quan đến cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Đặc biệt là khoản vay đầu tư dự án xây dựng cảng Hambantota. Ngân hàng Exim Trung Quốc đã đầu tư 1 tỷ USD cho Sri Lanka xây dựng cảng Hambantota. Tuy nhiên, trung bình mỗi ngày hải cảng này chỉ tiếp nhận 1 tàu, thảm hại tới nỗi mà Hambantota bị đặt biệt danh là “hải cảng trống vắng nhất thế giới”. Nguồn thu không có nên chính quyền Sri Lanka không thể trả nợ cho Trung Quốc. Giữa lúc hoạt động thua lỗ, Sri Lanka đã giao lại cho Trung Quốc trong 99 năm. Từ đó, hàng loạt tàu quân sự Trung Quốc đã đến neo đậu ở các cảng Sri Lanka. Mặc dù đã phải gán nợ cảng biển Hambantota, Sri Lanka vẫn ngập chìm trong nợ Trung Quốc, khoảng 8 tỷ USD. Ngân sách vốn đã cạn kiệt, nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, Sri Lanka này phải trả tới 2 tỷ USD tiền lãi. Trong khi đó, thu ngân sách cả nước chỉ vẻn vẹn 5 tỷ USD. Thậm chí, hãng tin Reuter cho biết trong năm 2019 Sri Lanka phải trả Trung Quốc hơn 4 tỷ USD tiền lãi. Năm 2013, Trung Quốc công bố sáng kiến “Vành đai và Con đường” 1.000 tỷ USD với những dự án hạ tầng lớn ở Nam Á và châu Phi. Chương trình này đang đẩy các quốc gia chìm ngập trong hố sâu nợ nần. Có thể kể đến các quốc gia bị biến thành con nợ mất khả năng chi trả của Trung Quốc, như: Kenya, Uganda, Zambia, Ethiopia, Pakistan, Djibouti, Angola, Zimbabwe, Namibia,... Hầu hết các khoản cho vay của Trung Quốc rất mù mờ, không được công khai cụ thể. Đến nay, đang có quá nhiều bài học đắng cay khiến không ít quốc gia đang phải chùn tay trước các khoản vay đến từ Trung Quốc. Trong đó, Tanzania hủy hợp đồng vay Trung Quốc 7,6 tỷ USD để xây tuyến đường sắt dài 2.200 km, Bangladesh hủy dự án xây đường cao tốc 2 tỷ USD do một công ty nhà nước Trung Quốc thực hiện, Malaysia xem xét lại các dự án 20 tỷ USD vay từ Trung Quốc do chính phủ nhiệm kỳ trước, Philippines cũng báo động vì nguy cơ vay nợ Trung Quốc và mất quyền kiểm soát tài sản quốc gia. "Sử dụng công cụ kinh tế để thúc đẩy lợi ích địa chính trị chiến lược là tuyệt chiêu của Trung Quốc”, chuyên gia phân tích Ấn Độ Chellaney nhận định. Ngô Đồng
......

Trông người mà nghĩ đến ta...

Thao Ngoc Ngày hôm qua 8/7/2022, cả thể giới bàng hoàng khi nghe tin cựu thủ thướng Nhật Bản Abe Shinzo gục ngã trên đường phố ở phía Tây thành phố Nara. Ông bị tấn công khi đang phát biểu vận động cho một cuộc bầu cử. Ông qua đời lúc 17 giờ 03 ở tuổi 67 tại bệnh viện ở thành phố Kashihara, tỉnh Nara. Ông mất đi là một tổn thất lớn của nhân dân Nhật Bản, và để lại cho người dân xứ Mặt trời niềm tiếc thương vô hạn. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã bày tỏ sự tiếc thương đối với cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo sau khi nhận được tin ông qua đời. Mỹ treo cờ rủ tất cả cơ quan liên bang trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ, và tất cả tòa đại sứ, sứ quán Mỹ, các căn cứ quân sự của Mỹ trên toàn thế giới để tưởng nhớ ông. Ông Abe Shinzo là một chính trị gia kiệt xuất, một người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam. Ông là nguyên thủ trẻ tuổi nhất, tại vị lâu năm nhất và thăm Việt Nam nhiều nhất trong các đời thủ tướng Nhật Bản. Ông có lòng tự trọng rất cao và đặt lợi ích của dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân. Vì vậy mới ngoài 60 tuổi, ông xin từ chức vì nghĩ rằng, tuổi tác và sức khỏe sẽ ảnh hưởng đến công việc và có thể không đưa ra các quyết định đúng đắn nhất cho nhân dân và dân tộc ông mặc dù ông được nhân dân rất yêu quý … Ông nói: “Tôi xin lỗi từ tận đáy lòng mình rằng mặc dù được sự ủng hộ của người dân Nhật Bản, nhưng tôi vẫn quyết định từ chức. Tôi không thể làm Thủ tướng nếu tôi không thể đưa ra những quyết định tốt nhất cho người dân. Tôi không muốn bệnh tật dẫn tới những sai lầm trong các quyết sách quan trọng” Những lời như thế không thể có ở những kẻ đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia dưới cái ghế quyền lực của mình và phe nhóm mình. Trong các tội tham nhũng làm cạn kiệt nguồn lực quốc gia, đẩy quốc gia xuống tận đáy nợ nần chồng chất, là tội tham nhũng quyền lực. Nhớ lại thời Nguyễn Tấn Dũng -  Ba X:Vụ Vinashin, quả đấm thép thành quả đấm bông. Vụ Vinalines, mua ụ nổi 500 tỷ về bán sắt vụn được 34,85 tỷ đồng. Khi ĐBQH hỏi rằng:“Thủ tướng có nghĩ đến việc khởi đầu cho văn hóa từ chức hay không trước những hạn chế, yếu kém trong điều hành, quản lý mà Thủ tướng đã nhận lỗi trước Đảng, Quốc hội và nhân dân?” Ba X trả lời: "Chỉ còn 3 ngày nữa là tròn 51 năm tôi đi theo Đảng. Trong 51 năm qua, tôi không xin cho tôi đảm nhiệm chức vụ này hay chức vụ khác. Trong sự nghiệp của mình, tôi không có chạy, không có xin, không thoái thác, từ chối nhiệm vụ nào Đảng phân công. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện công việc mà Đảng và nhà nước giao phó". Và xứ Đông Lào ngày nay cũng không thiếu kẻ tham quyền cố vị, tham nhũng quyến lực, quyết tâm giữ ghế bằng bất cứ giá nào. Xin vĩnh biệt ông Abe, người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, một nhân cách Nhật Bản chói loà và rất ngưỡng mộ . AMEN Thao Ngoc 9/7
......

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hiểu sai hai chữ “vô danh”

  Gươm anh linh đã bao lần vấy máu Còn xác xây thành, thời gian luống vô tình Rừng trầm phai sắc Thấp thoáng tàn canh Hỡi người chiến sĩ vô danh. Thái Hạo [Bản này và bản trên báo Nông nghiệp có chút sai khác. Tinh thần chung là để ngăn cái dốt phát tán và gây hại bởi lòng nhiệt tình của nó]. “Liên quan tới việc điều chỉnh thông tin trên bia mộ mà đoàn công tác tỉnh Quảng Trị kiến nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo cần thực hiện quyết liệt việc đổi tên bia mộ. “Không liệt sĩ nào là vô danh, những liệt sĩ đều có tên tuổi, quê quán. Vì vậy việc ghi tên bia mộ cần nghiêm túc thực hiện, thống nhất tên trên những tấm bia này là “liệt sĩ chưa xác định được thông tin”, không để “vô danh” nữa” (Dẫn theo TTO). Chúng tôi lấy làm lạ vì sự chỉ đạo này! Việc “ra lệnh” đổi tất cả những bia đề “vô danh” thành “liệt sĩ chưa xác định được thông tin” là do đâu? Hãy bắt đầu từ việc tra từ điển. Hán-Việt từ-điển của Đào Duy Anh ghi: “Vô danh – Không có tiếng tăm gì = Ẩn-náu, người ta không biết đến, không có tên mà kêu”. “Vô danh anh hùng – Hạng người anh hùng mà người đời không biết đến họ tên, như quân lính ở chiến trường, lao-công ở trong xã-hội, học-sinh ở trong đám thiếu-niên: đều gọi là vô danh anh hùng”. Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên), ghi: “vô danh t. 1 Không có tên tác giả, không biết cụ thể là của ai. Tác phẩm vô danh. 2 Không ai hoặc không mấy ai biết đến tên tuổi. Người anh hùng vô danh”. Như vậy, cả từ điển Hán-Việt lẫn từ điển tiếng Việt hiện đại đều ghi nhận rằng “vô danh” có hai nghĩa cơ bản là “không có tên”/ “không biết tên” và “không ai biết đến tên tuổi” – chứ không phải chỉ là “không có tên tuổi, quê quán” như cách mà bộ trưởng Đào Ngọc Dung hiểu. Trong thực tế nói năng, “vô danh” vẫn được dùng theo nghĩa thứ hai một cách phổ biến hơn nghĩa thứ nhất. Chữ “danh” có nghĩa là “tiếng tăm”, là “danh tiếng”, là “nổi tiếng”, là được nhiều người biết đến. Danh nhân, danh gia, danh hão, danh thơm, danh bất hư truyền, vô danh tiểu tốt… là đều dùng theo nghĩa này (tiếng tăm). Một ví vụ khác: nhà Phật khi nói tới “ngũ dục” cũng có chữ “danh” này (tài, sắc, danh, thực, thùy). Nó hoàn toàn không phải là “tên/họ tên”, mà là “danh tiếng”/ “tiếng tăm”. Lòng ham muốn nổi tiếng (danh) là một món trong ngũ dục (5 thứ ham muốn). Khi nói hoặc ghi là “vô danh” trên bia mộ liệt sĩ thì cái nghĩa không/ không biết tên tuổi chỉ là một thông tin; quan trọng hơn là nó nhấn mạnh vào nghĩa thứ hai: sự thầm lặng, sự hi sinh không cầu danh lợi, không cầu báo đáp… Đó là một cách ca ngợi những người liệt sĩ, chứ không phải hạ thấp hay coi thường! Năm 1946 Phạm Duy sáng tác ca khúc “Chiến sĩ vô danh” rất nổi tiếng để ca ngợi những người lính chống Pháp. Hai năm sau, năm 1948, Trần Kiết Tường viết một ca khúc cùng tên và cũng với nội dung tôn vinh. Ở Nga và một số nước Đông Âu có tượng đài liệt sĩ vô danh, tưởng niệm các chiến sĩ hi sinh trong chiến tranh chống Phát-xít. Trong tác phẩm “Đất nước”, Nguyễn Khoa Điềm khi ca ngợi nhân dân anh hùng, đã viết: Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ làm ra đất nước. Có thể dùng chữ “vô danh” để thay cho ý thơ này. Như thế, “vô danh” dùng để chỉ những người hiến thân cho sự nghiệp vĩ đại nhưng không để lại tên tuổi. Và vì thế mà họ trở nên vĩ đại! Từ chỗ hiểu lầm nghĩa của hai chữ “vô danh”, Bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đã ra một cái lệnh có thể gây tốn kém không cần thiết; mà xét về ý nghĩa và “sự trong sáng của tiếng Việt” thì không đảm bảo được. Đó là chưa nói tới sự dài dòng, rườm rà và thiếu hẳn đi vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt. Xin được nhắc lại, trong trường hợp này, “vô danh” là một cách ngợi ca, là sự trân trọng và biết ơn; nó hoàn toàn không có ý coi thường, càng không làm mất đi giá trị và sự trân trọng đối với những đóng góp của các liệt sĩ trong lòng nhân dân và hậu thế. Dùng “vô danh” là vừa bao hàm cái ý “chưa xác định được thông tin”, mà hơn nữa còn chuyển tải rất nhiều ý nghĩa cao đẹp khác. Tóm lại, trong ngữ cảnh này việc đổi tên, đổi bia là không cần thiết, nếu không nói là sẽ gây phản cảm và tốn kém vô ích; lại làm hỏng cả tiếng Việt – vốn đang bị hủy hoại một cách khốc liệt./. Thái Hạo
......

Chọn bạn mà chơi là như thế nào?

Thao Ngoc   Kể từ khi mở cuộc tấn công xâm lược Ukraine từ cuối tháng hai đến nay, nước Nga đã bị cô lập hơn bao giờ hết. Vì không ai muốn làm bạn với tên độc tài khát máu Putin, kẻ đã gieo tang tóc đau khổ cho nhân dân Ukraine.   Trong khi nước Nga đang bị sa lầy tại Ukraine, cuộc chiến đang như dầu sôi lửa bỏng.Thì bỗng dưng dư luận hết sức ngỡ ngàng khi báo chí đồng loạt đưa tin, ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đến thăm VN trong hai ngày 5 và 6 tháng 7, theo lời mời của bộ trưởng ngoại giao VN Bùi Thanh Sơn. (https://tuoitre.vn/ngoai-truong-nga-sergey-lavrov-tham...)   Câu hỏi đặt ra là ngoại trưởng Nga mò đến VN lúc này nhằm mục đích gì? Phải chăng vì nước Nga đang vùng vẫy trong cơn tuyệt vọng nên muốn đến VN tìm một lối thoát nào đó. Bình luận về chuyến thăm VN của ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, nhà Việt Nam học người Nga Grigory Lokshin cho rằng "Việt Nam có vai trò quan trọng đối với Nga, giống như một điểm tựa cho mối quan hệ ổn định của toàn nước Nga nói chung và khu vực Viễn Đông nói riêng với Đông Nam Á".   À ra thế. “Sẩy bờ thì vơ lấy bụi”là như thế.   1/ Về cán cân thương mại:   Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa VN-Mỹ năm 2021 đạt 111,5 tỷ USD, trong đó: VN xuất khẩu sang Mỹ gần 96,3 tỷ USD và nhập khẩu từ Mỹ 15,2 tỷ USD. VN xuất siêu sang Mỹ hơn 81 tỷ USD. Thế mà Mỹ không hủy qui chế Tối huệ quốc trong buôn bán với VN và đánh thuế cao vào hàng xuất khẩu của VN như đã làm với Trung Quốc.   Kể từ năm 1995 (năm Mỹ bỏ cấm vận kinh tế VN) đến năm 2021, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều VN-Mỹ đã tăng 250 lần, từ 450 triệu USD lên 111,5 tỷ USD.   Hiện nay Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN, trong khi VN trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ.   Trong khi đó: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu VN-Nga năm 2021 đạt 5,5 tỷ USD, bằng 1/20 so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu VN-Mỹ.   Đến nay Mỹ đã viện trợ gần 40 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho VN, trong khi Nga đã viện trợ 100 nghìn liều vaccine ngừa Covid-19 cho Việt Nam.   2/ Về mặt ngoại giao:   Trong quan hệ với các nước, nhà nước VN phân ba loai đối tác từ thấp lên cao: 1 là đối tác toàn diện; 2 là đối tác chiến lược; 3 là đối tác chiến lược toàn diện.   Chỉ có 3 nước được VN nâng tầm quan hệ cao nhất: Đối tác chiến lược toàn diện, là Trung Quốc, Nga và Ấn độ.   Còn với Hoa Kỳ, VN vẫn duy trì ở mức quan hệ thấp nhất là đối tác toàn diện vào năm 2013 , như Myarma, Brunei, Hungary, Ukraina, Đan Mạch.v.v.   Tháng 8 năm 2021, Phó Tổng thống Harris khi đến thăm VN đã đề xuất việc nâng tầm quan hệ giữa hai nước lên đối tác chiến lược. Nhưng VN vẫn…im re.   Với TQ: Từ ngày 7 đến 10 tháng 4/2014, TBT Nguyễn Phú Trọng đi thăm TQ.TBT nói: “Hiện nay hai nước VN-TQ đều đang dốc sức cho sự nghiệp vĩ đại xây dựng CNXH, đều kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đều đang thúc đẩy cải cách và đổi mới toàn diện, cần phải tăng cường hợp tác hữu nghị cùng có lợi, giải quyết thoả đáng các bất đồng, cùng nhau tạo dựng môi trường hoà bình, ổn định và phát triển…”.   Ngày 2/5/2014, khi TQ hạ đặt giàn khoan HD - 981 xâm phạm lãnh hải VN, Mỹ và cộng đồng quốc tế cực lực lên án về cách hành xử của TQ trên biển Đông. Nga im lặng.   Ngày 20/5/2014, khi kỳ họp thứ 7 QH khóa 13, khai mạc, giàn khoan HD 981 của TQ đang nằm chình ình trên lãnh hải nước ta, nhiều vị ĐBQH đề nghị QH cần ra một nghị quyết lên án hành động này của TQ. Nhưng không có nghị quyết nào được đưa ra.   Lúc đó rất nhiều tiếng nói của nhân sĩ và trí thức và nhân dân, đề nghị chính phủ VN phải kiện TQ ra tòa án quốc tế (PCA). TQ rất lo sợ lại thua kiện như đã từng thua Philippines.   Ngày 5/9/2016, trong chuyến thăm TQ, Tổng thống Nga Putin công khai và không úp mở khẳng định rằng, Nga ủng hộ lập trường của TQ trong vụ kiện Biển Đông, đồng thời phản đối các nước bên ngoài khu vực (ám chỉ Mỹ) can thiệp vào vấn đề Biển Đông.   Và lúc này Nga rối bời như mớ bòng bong. Nền kinh tế đang bên bờ vực sụp đổ bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, thì ngoại trưởng Nga lại tìm đến VN như kẻ sắp chết đuối tìm vơ lấy cọc, mong VN sẽ là đấng cứu rỗi chăng?   Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người như thế nào”.   Câu hỏi đặt ra là: Giữa Mỹ và Nga, nếu phải chọn một trong hai nơi để cư trú và cho con du học, quan chức VN sẽ chọn ai? ???   Thao Ngoc  
......

“Nội chiến” bị coi là phản tuyên truyền và kích động hận thù?

Nhạc sĩ Tuấn Khanh -  Tuấn Khanh's Blog Sự kiện ca sĩ Khánh Ly hát bài Gia Tài Của Mẹ, một bài hát trong tập Ca khúc Da Vàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang dấy lên những tranh luận dữ dội trong nước. Phía những người chống Khánh Ly và sự tồn tại của nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa ở Việt Nam, lúc này đã dùng những lời lẽ hết sức nặng nề, thậm chí gọi bà là kẻ âm mưu tuyên truyền chính trị ở Việt Nam. Không có lý luận rõ ràng, nhưng hầu hết các luận điệu chống đối ca sĩ Khánh Ly đều dựa trên câu chữ mà bài hát mô tả là “nội chiến” để tấn công. Phía Nhà nước Việt Nam lâu nay vẫn nói rằng cuộc chiến tranh giải phóng Nam Bắc là một cuộc giải phóng thần thánh, để thống nhất đất nước. Nội dung nói “nội chiến” bị coi là sai đường lối và chủ trương của đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng đáng ngạc nhiên, là không dòng nào chỉ trích người viết ra bài hát này, là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bên cạnh đó, làm sóng bảo vệ bà Khánh Ly và dòng văn hóa riêng của Việt Nam Cộng Hòa cũng bùng lên sôi động không kém. Trên nhiều diễn đàn ở Facebook, có những lời bình luận nói vụ video quay bà Khánh Ly hát ở Đà Lạt bài Gia Tài Của Mẹ, là do công an gài để tấn công show diễn của bà. Viết trên trang nhà của mình, nhà bình luận thời sự Dương Quốc Chính từ Hà Nội, ghi rằng “An ninh chính trị nội bộ đã vào cuộc do ‘quần chúng tố giác’! Thực ra quần chúng ở đây chính là anh em bò đỏ thôi. Chuyện này gây phẫn nộ dữ dội bởi anh em, do não trạng xơ cứng và máy móc, cứ thấy bài hát bị cấm là auto phẫn nộ khi có kẻ cả gan biểu diễn trái phép. Bọn chúng không hiểu rằng cấm thế chứ cấm nữa thì cũng vô ích. Bởi nghe offline chỉ có tối đa 1000 người chứ nghe online thì cả triệu người và cả trăm triệu lượt người mấy chục năm qua, có cấm được đâu? Đấy là chưa kể khi báo chí rùm beng thì trẻ trâu nó search vì tò mò khiến bài hát lại càng được phổ biến. Thế nên bò càng húc lại càng giúp quảng bá bài hát, phản tác dụng.” Nhiều người cũng nhắc rằng bài Gia Tài Của Mẹ cũng như nhiều bài hát trước năm 1975 không được lưu hành trong đời sống, đều không có một lệnh cấm cụ thể nào. Sự kiện ca sĩ Khánh Ly hát thêm một bài ngoài danh sách 24 bài cho phép, vốn là chuyện ngày thường của sân khấu Việt Nam, đặc biệt khi có khán giả yêu cầu. Nhưng với ca sĩ Khánh Ly, ắt là một trường hợp “nhạy cảm” khác nên mọi thứ trở nên căng thẳng. Cục Biểu Diễn Nghệ Thuật ở Hà Nội nói đợi sau khi Sở VHTT & DL Lâm Đồng xử lý xong, thì sẽ đến phiên cục này có quyết định tiếp. Trong một bình luận có tên “Biện bạch vụng về,” nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang viết “Mượn cớ ca khúc ‘Gia tài của mẹ’ không có trong danh mục ca khúc được cấp phép biểu diễn trong đêm nhạc 25/6/2022 ở Đà Lạt, Sở VHTT & DL cũng như Cục Nghệ thuật biểu diễn Bộ VHTT & DL đều khẳng định Ban Tổ chức đêm nhạc có sai phạm, Sở VHTT & DL Lâm Đồng làm đúng quy định khi mời làm việc Ban Tổ chức đêm nhạc? Xin lỗi! Võ Văn Tạo tôi tin chắc 100% rằng nếu đêm đó Khánh Ly hát vượt danh mục cấp phép đêm biểu diễn bằng bài ‘Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng’ thì có đến bố quý sở cũng không dám ‘mời làm việc.’ Phải không ạ?” Có những bình luận na ná nhau, xuất hiện ở nhiều nơi, tựa như có một cách chỉ huy hành động chung, nói bài hát Gia Tài Của Mẹ chống hòa giải hòa hợp, khơi gợi hận thù trong người Việt, nên cần phải cấm. Tuy nhiên nhiều người nói đây là một cách nói lấy được. Nhiều bài hát của miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh đến nay vẫn còn được lưu hành, đầy tính kích động hận thù. Đơn cử như bài Tiến Về Sài Gòn của tác giả Huỳnh Minh Siêng có lời hát ”tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù.” Bài hát này được phát liên tục từ năm 1974 cho đến về sau này, mà đó là thời điểm chỉ còn cuộc đối đầu giữa hai phía Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mà thôi. Từ năm 1973, lực lượng đồng minh của VNCH đã hoàn toàn rút khỏi Việt Nam, nên “giặc thù” ở đây, rõ chỉ có chính quyền miền Nam Việt Nam. Việc ra giấy phép biểu diễn, kiểm soát nghiêm ngặt như show Xuyên Việt của ca sĩ Khánh Ly, cũng cho thấy có cái gì đó bất thường đối với nghị định cho phép tự do trình diễn các ca khúc trước năm 1975 của Hà Nội đã từng được nhiều báo chí trong nước hân hoan đưa tin. Theo Nghị định số 144/2020 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được Chính phủ ban hành, từ 1/2/2021, có nói rõ rằng quy định bắt buộc cấp phép ca khúc miền Nam trước 1975 được bãi bỏ. Việc phổ biến không cần phải cấp phép nữa, hay nói cách khác là tất cả các bài hát được tự do trình bày. Bài nào đặc biệt có “vấn đề” sẽ có danh sách cấm riêng. Nhưng Gia Tài Của Mẹ cũng chưa bao giờ được công bố là bài hát cấm, nên công chúng đang tự hỏi bài hát này đang trở thành sự kiện rùm beng, là vi phạm gì về nội dung gì? Và như vậy, Sở VHTT & DL Lâm Đồng đang áp dụng lệ làng hay nghị định chính phủ vô giá trị, chỉ thông cáo đưa ra cho có? Và hiện nay, cách nối nhau để “làm việc” với chương trình của bà Khánh Ly, liệu có là một chủ trương bất thường của hệ thống kiểm duyệt văn hóa Việt Nam? Nhạc sĩ Tuấn Khanh
......

Tạm biệt nước Nga và Học thuyết Sinatra

  Putin đã đưa đất nước của mình trở lại với chủ nghĩa đế quốc, chế độ chuyên chế, và sự cô lập của thời kỳ Xô-viết.   Gideon Rachman, Financial Times, 20/06/2022 Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng  “Xin chúc mừng/chia buồn, cậu đã nằm trong danh sách trừng phạt của Nga,” một đồng nghiệp đã gửi tin nhắn như vậy. Và đó là cách tôi phát hiện ra rằng mình đã có tên trong danh sách kẻ thù của Điện Kremlin, những người bị cấm nhập cảnh vào Nga. Nhận thức rằng tôi có lẽ sẽ không còn có thể đến thăm đất nước này khiến tôi hồi tưởng lại chuyến đi đầu tiên của mình tới đó vào năm 1987. Cảm giác như nước Nga đã quay lại quá khứ của mình – trở về với chế độ chuyên chế, với cuộc xâm lược và sự cô lập đã định hình nên thời kỳ Xô-viết. Năm 1987, Liên bang Xô-viết đã bước vào những ngày hấp hối – dù lúc đó chẳng ai nhận ra điều này. Khi ấy, tôi đến Moscow để đưa tin về các cuộc đàm phán vũ khí giữa Mỹ và Liên Xô. Câu chuyện lớn đối với cánh phóng viên địa phương là việc những nhà hàng tư nhân đầu tiên đã bắt đầu mở cửa. Mọi thứ đang thay đổi, và điều đó được phản ánh trong phong cách ‘tưởng như đùa’ của Gennadi Gerasimov, phát ngôn viên của Liên Xô lúc bấy giờ. Đó chính là tính cách nổi bật của Gerasimov, và sau này ông cũng đã sử dụng một câu nói đùa để tuyên bố về sự kết thúc của chủ nghĩa đế quốc Xô Viết. Học thuyết Brezhnev là tên gọi của quyền xâm lược các nước láng giềng mà Moscow tự ban cho mình, để đảm bảo rằng các nước này luôn nằm trong quỹ đạo của Điện Kremlin. Khi được hỏi vào năm 1989, liệu rằng học thuyết ấy có còn được áp dụng hay không, Gerasimov đáp: nó đã được thay thế bằng “Học thuyết Sinatra” – từ lúc này trở đi, ai cũng có thể làm theo ý mình. Bước phát triển ấy đã khiến chàng trai trẻ Vladimir Putin, người khi đó là một điệp viên KGB đóng tại Đông Đức, phải kinh hoàng. Sau này, ông cay đắng nhớ lại rằng khi chứng kiến chế độ cộng sản Đông Đức sụp đổ, ông đã yêu cầu hỗ trợ quân sự, nhưng chỉ được trả lời rằng “Moscow im lặng rồi.” Giai đoạn tôi bắt đầu đến Nga thường xuyên hơn – từ khoảng năm 2004 trở đi – cũng là lúc Putin chính thức lên nắm quyền. Nhìn bề ngoài, nước Nga đã thay đổi đến mức không thể nhận ra. Khách sạn Quốc gia, nằm gần Điện Kremlin – một ‘bãi rác kiểu Liên Xô’ khi tôi ở đó vào năm 1987 – giờ đã trở nên quá hào nhoáng và xa hoa. Bức tượng của Felix Dzerzhinsky, người sáng lập lực lượng mật vụ Liên Xô, đã được dời khỏi trung tâm Moscow và chuyển đến một công viên tưởng niệm xập xệ. Sự chuyển đổi từ chế độ chuyên chế sang chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa được biểu trưng bằng sự thay đổi trong vận mệnh của gia đình Solzhenitsyn. Aleksandr Solzhenitsyn từng đoạt giải Nobel cho cuốn tiểu thuyết viết về những trại cải tạo của Liên Xô, và sau đó đã bị buộc phải sống lưu vong. Con trai của ông, Yermolai, hiện là một nhà tư vấn của Tập đoàn McKinsey, đặt trụ sở tại Moscow. Nhưng chính việc có quá nhiều thay đổi so với thời kỳ cộng sản đã khiến chúng ta dễ dàng bỏ qua những điều vẫn được giữ nguyên. Ẩn đằng sau bề ngoài theo kiểu chủ nghĩa tiêu dùng phương Tây, chế độ chuyên chế, bạo lực, và chủ nghĩa đế quốc vẫn là những nền tảng trong đường lối cai trị của Putin. Các đối thủ chính trị của chế độ vẫn bị đàn áp và đôi khi còn bị sát hại. Boris Nemtsov, một nhà tự do hàng đầu mà tôi từng gặp ở cả Moscow và London, đã bị sát hại cách Điện Kremlin chỉ vài mét vào năm 2015. Nga xâm lược nước láng giềng Gruzia vào năm 2008, tấn công Ukraine vào năm 2014, rồi sáp nhập Crimea. Những hành động đó đã thể hiện rõ ràng: Putin và các cộng sự của ông chưa bao giờ thực sự chấp nhận sự độc lập của các quốc gia từng là một phần của Liên bang Xô-viết. Các quốc gia như Ba Lan, từng thuộc khối Liên Xô rộng lớn, lo ngại rằng bản năng đế quốc Nga vẫn còn tồn tại trong họ. Fyodor Lukyanov, một học giả thân cận với nhà lãnh đạo Nga, từng nói với tôi rằng trên hết, Putin bị thúc đẩy bởi nỗi sợ rằng nước Nga, lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ, có thể mất đi vị thế cường quốc. Với nền kinh tế đứng thứ 11 trên thế giới (tính theo tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa), quyền lực còn sót lại của Điện Kremlin là dựa trên sức mạnh quân sự và vũ khí hạt nhân của đất nước. Tôi đã được chứng kiến sự yêu thích của giới tinh hoa Nga đối với chiến tranh vào năm 2014, trong một cuộc trò chuyện tại Quốc hội Nga với Vyacheslav Nikonov, một thành viên của Duma và là cháu trai của Vyacheslav Molotov, người từng là Ngoại trưởng của Stalin. Khi chúng tôi thảo luận về mối quan hệ của Nga với các nước thuộc khối BRIC, trong đó có Brazil, Nikonov nói với tôi rằng có một vấn đề lớn với Brazil trong tư cách là đồng minh: “Họ không hiểu chiến tranh. Họ chỉ có duy nhất một cuộc chiến trong lịch sử của mình.” “Và đó là với Paraguay,” ông nói với vẻ khinh thường. Theo Nikonov, việc Putin sáp nhập Crimea vẫn là hành động có chừng mực, còn “Molotov sẽ xâm lược Ukraine và chiếm lấy nó chỉ trong một tuần.” Thực tế thì Putin cũng chia sẻ sự kiêu ngạo và hiếu chiến đối với Ukraine. Nó đã khiến ông đánh giá thấp một cách nguy hiểm sự phản kháng mà lính Nga sẽ gặp phải khi họ tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện trong năm 2022 này. Trong thời đại Putin, cũng như thời Liên Xô, chủ nghĩa đế quốc ở nước ngoài đi đôi với áp bức trong nước. Thật ra, suốt nhiều năm, nước Nga dưới thời Putin đã có nhiều không gian cho bất đồng chính kiến hơn thời Liên Xô. Tôi đã chứng kiến các cuộc biểu tình lớn chống Putin trên đường phố Moscow vào năm 2012 và 2019. Nhưng cuối cùng thì Putin vẫn sử dụng vỏ bọc chiến dịch quân sự đặc biệt của mình ở Ukraine để hủy hoại bất kỳ phe đối lập chính trị nào trong nước. Hàng nghìn người đã bị bắt vì tham gia các cuộc biểu tình phản chiến và phong trào đối lập, dẫn đầu bởi Alexei Navalny mà nay đã bị bỏ tù, đang bị tiêu diệt. Cuộc xâm lược Ukraine của Nga cũng đã đẩy đất nước này trở lại tình trạng bị cô lập quốc tế còn mạnh hơn cả những gì Liên Xô từng trải qua. Tôi đã bay từ London đến Moscow trên một chuyến bay thẳng vào năm 1987. Ngày nay, những chuyến bay đó đã không còn nữa. Và tôi không lạc quan rằng mình sẽ thấy chúng sớm được khôi phục trở lại. Nguồn: Gideon Rachman, “Farewell to Russia and to the Sinatra doctrine,” Financial Times, 20/06/2022 Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng  https://nghiencuuquocte.org/.../tam-biet-nuoc-nga-va-hoc.../
......

Đặt căn cứ quân sự ở Campuchia: Trung Quốc lập ‘gọng kìm’ xâm lược Việt Nam

Bộ Trưởng Quốc Phòng Campuchia, Tea Banh (giữa, trái), Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia, Wang Wentian (giữa, phải), tại lễ động thổ cơ xưởng sữa chữa tàu tại căn cứ Hải Quân Ream, Sihanoukville, 8 tháng Sáu. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ  - VOA| Thành thử, Hoa Kỳ, với chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, tất phải là lựa chọn để làm đồng minh của các nhà hoạch định chính sách quốc phòng Việt Nam. Chừng nào họ biết đặt Tổ Quốc lên trên hết. Campuchia “chọn bên” Ngày 8/6 vừa qua, Campuchia đã tổ chức lễ khởi công cải tạo căn cứ hải quân Ream với sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh và Đại sứ Trung Quốc Vương Văn Thiên. Người phát ngôn Chính phủ Campuchia, Phay Siphan, nói với AFP rằng Campuchia sẽ ‘không để quân đội Trung Quốc sử dụng độc quyền căn cứ Ream hay phát triển địa điểm này làm căn cứ quân sự’. Trước đó, ngày 7/6, Washington Post dẫn lời một quan chức Bắc Kinh xác nhận rằng họ sẽ “sử dụng một phần căn cứ” nhưng bác bỏ việc họ “độc quyền” sử dụng’ căn cứ này và nói họ sẽ “không đụng đến phần căn cứ do phía Campuchia sử dụng”. Bất luận thế nào, Trung Quốc đang trong tiến trình lập căn cứ quân sự đầu tiên ở Đông Nam Á, sau căn cứ đầu tiên của họ, cũng là hải quân, được thiết lập ở Djibouti thuộc vùng Sừng châu Phi vào 2017. Trước đó, chính phủ Campuchia cũng đã cấp phép cho Tập đoàn Phát triển Liên minh (UDG) của Trung Quốc xây dựng sân bay Dara Sakor ở tỉnh Koh Kong mà khi hoàn thành có khả năng tiếp nhận các loại máy bay quân sự của Quân giải phóng nhân dân, từ tiêm kích, ném bom cho đến giám sát. Tất cả những sự việc này trực tiếp thách thức ngôi vị siêu cường của Mỹ nói chung, chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của nước này có mục đích ngăn chặn Trung Quốc bành trướng bằng vũ lực trong khu vực nói riêng. Vì lý do đã rõ, Mỹ phải nói là cay đắng trước sự “chọn bên” của chính quyền Campuchia, nhất là chính quyền này vào năm 2020 đã phá bỏ hai công trình quân sự do Mỹ tài trợ xây dựng tại Ream để dọn đường cho Hải quân Trung Quốc lập căn cứ. Thế nhưng Việt Nam mới là nước cay đắng nhất bởi có cảm giác “bị phản bội”. Cách đây ba năm, năm 2019, tòa nhà Hữu nghị Việt Nam - Campuchia do Việt Nam xây dựng tại quân cảng này - như một sự nhắc nhở Việt Nam đã cứu Campuchia khỏi họa diệt chủng của Khmer Đỏ được Trung Quốc chống lưng - đã bị di dời. Lý do mà Phmom Penh đưa ra là để tránh xung đột với các quân nhân Trung Quốc đã bắt đầu hiện diện. Thực ra, Việt Nam đã trải nghiệm cảm giác này ít ra từ cả chục năm nay. Vào các năm 2012 và 2016, Phnom Penh đã ngăn cản các ngoại trưởng ASEAN đưa ra tuyên bố chung lên án Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam và Philippines. Không những thế, Campuchia còn "thụt lùi" khi phản đối ký vào mọi điều khoản ràng buộc Trung Quốc vào các quy định quốc tế liên quan đến Biển Đông (3). Mới đây, Thủ tướng Hun Sen, người được Việt Nam cưu mang sau khi đào thoát khỏi Khmer Đỏ và tiếp đó gây dựng để cầm quyền ở Campuchia hậu Khmer Đỏ, thậm chí còn ám chỉ Việt Nam sẽ xâm lược nước ông và khi đó chỉ Trung Quốc mới cứu giúp được. Tại lễ khánh thành Bệnh viện Tai Mũi Họng Hữu nghị Campuchia – Hàn Quốc ngày 28/3, Hun Sen lên án mạnh mẽ Nga xâm lược Ukraine và giải thích: “Sau này, nếu một quốc gia hành động như vậy với Campuchia, thì Campuchia sẽ phải phụ thuộc vào ai?” (4). Tuy nhiên, với việc Campuchia “chọn bên” hay “về phe” với Trung Quốc trên thực địa bằng việc cho nước này thiết lập các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, sự “phản bội” của láng giềng phương Nam mới thật sự khốc liệt: nó đặt an ninh lãnh thổ của Việt Nam vào thế mất còn. Thực vậy, một khi lập xong căn cứ hải quân tại Ream, căn cứ không quân tại Dara Sakor cũng như các căn cứ bộ binh trên đất Campuchia, mà biên bản ghi nhớ giữa Tướng Lưu Chấn Lập, Tư lệnh Lục quân Trung Quốc, và Tướng Hun Manet, Phó tổng tư lệnh Lục quân Hoàng gia Campuchia ký cuối tháng 3 cho phép dự đoán không mấy khó khăn, Trung Quốc tất sẽ lại xâm lược Việt Nam, phần còn lại của quần đảo Trường Sa trước hết (sau khi đã chiếm được đảo Gạc Ma bằng vũ lực ngày 14/3/1988). Nói cách khác, một liên minh quân sự de facto (trên thực tế) giữa Trung Quốc và Campuchia lấy Việt Nam làm mục tiêu đã được thiết lập. “Gọng kìm Trung Quốc” “Gọng kìm” là chiến thuật tấn công đối phương từ hai hướng thường là ngược nhau. Bên bị tấn công gọi tình huống này là “lưỡng đầu thọ địch”. Trong quá khứ, Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng chiến thuật quân sự này khi xâm lược Việt Nam. Cuộc Xâm Lược Đại Việt lần thứ hai của Nhà Nguyên được tiến hành từ hai hướng Bắc và Nam. Cuối tháng 1/1285, đạo quân chủ lực do Thoát Hoan và A Lý Hải Nha chỉ huy từ Trung Hoa đánh xuống. Vào khoảng tháng 3 cùng năm, đạo quân thứ hai do Toa Đô chỉ huy từ Chiêm Thành (Chăm Pa, tiếng Phạn) đánh lên. Trước đó, vào cuối năm 1282, Toa Đô chỉ huy một hạm đội đánh chiếm láng giềng phía Nam này của Đại Việt nhưng chưa được. Để bảo đảm hậu cần cho việc tiếp tục đánh Chiêm Thành, cuối tháng 12/1284 Toa Đô viết thư yêu cầu Hốt Tất Liệt xâm lược Đại Việt. "Giao Chỉ liền đất với Chân Lạp, Chiêm Thành, Vân Nam, Xiêm, Miến, nên lập tỉnh ngay trên đất ấy và đóng quân trấn giữ ở ba đạo Việt Lý,Triều Châu, Tỳ Lan, lấy lương ở đó cấp cho quân sĩ, tránh được việc vận tải đường biển mệt nhọc", viên tướng này nhấn mạnh (5). Đến Nhà Minh, chính quyền Trung Hoa phong kiến này tiếp tục mưu đồ xâm lược Việt Nam lúc đó có tên Đại Ngu dưới sự trị vì của cha con Hồ Quý Ly - Hồ Hán Thương. Để chuẩn bị cho cuộc xâm lược này, Nhà Minh đã dùng vàng bạc, lụa gấm mua chuộc vua Chiêm để Chiêm Thành giúp sức chặn đường rút của vua tôi Nhà Hồ một khi quân Minh tiến đánh. Nhà Minh cũng đưa 600 quân tinh nhuệ từ Quảng Đông bằng đường biển vào nước này để phối hợp đánh chặn. Rút kinh nghiệm từ cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ hai của Nhà Nguyên, để tránh “lưỡng đầu thọ địch”, năm 1402, Nhà Hồ đã chủ động buộc vua Chiêm dâng Chiêm Động và Cổ Lũy để lập ra 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Sang năm sau, Phạm Nguyên Khôi được Hồ Hán Thương cử đánh kinh thành Chà Bàn (Vijaya) của Chiêm Thành nhưng không thành công. Khi Nhà Hồ phải rút chạy sau khi bị quân Minh đông khoảng 80 vạn quân tấn công, vua Chiêm Thành là Ba Đích Lại cũng cất quân bắc tiến, lần lượt chiếm lại các vùng đất đã dâng Nhà Hồ năm 1402. Kết quả là cha con Hồ Quý Ly – Hồ Hán Thương chạy đến Kỳ Anh (nay thuộc Hà Tĩnh), điểm cực Nam của Đại Ngu trước 1402, thì không còn đường rút nên bị quân Minh bắt sống, dẫn đến nước Việt bị Bắc thuộc lần thứ 4. Đến Trung Quốc hiện tại, cường quốc cộng sản này đã tấn công Việt Nam bằng lực lượng Khmer Đỏ của Campuchia Dân chủ do họ trang bị và cố vấn ngay sau khi Việt Nam thống nhất vào 30/4/1975. Đến ngày 13/12/1978, Khmer Đỏ đã huy động 19 trong tổng số 23 sư đoàn (khoảng 80.000 đến 100.000 quân) tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Đến 17/2/1979, Trung Quốc trực tiếp xâm lược Việt Nam với 300 nghìn quân cũng trên toàn tuyến biên giới. Như vậy, với việc lập căn cứ hải quân tại Ream, căn cứ không quân tại Dara Sakor cũng như các căn cứ bộ binh khác trên đất Campuchia rõ ràng Trung Quốc nhắm đến xâm lược Việt Nam trong tương lai gần theo chiến thuật “gọng kìm”. Cụ thể, từ Trung Quốc và Campuchia, Quân giải phóng nhân dân sẽ tiến đánh quần đảo Trường Sa bằng cả hải quân lẫn không quân. Để hỗ trợ chiến trường trên biển này, một mặt trận trên bộ rất có thể được mở ra. Lúc đó, chiến thuật “gọng kìm” cũng sẽ được áp dụng. Tức là bộ binh Trung Quốc sẽ đánh cả hai đầu Bắc và Nam Việt Nam (“đạo quân Nam” dĩ nhiên qua ngả Campuchia), hệt như những gì quân đội Việt Nam đã phải đối mặt những năm 1978 - 1979. Đáng lưu ý là lần này “đạo quân Nam” khác hẳn lần trước: nó sẽ có trong biên chế các đơn vị chiến đấu Trung Quốc; các đơn vị Campuchia nếu có, sẽ chỉ giữ vai trò phối thuộc. Cũng cần lưu ý là một mặt trận trên bộ như vậy của Trung Quốc hoàn toàn có thể phát triển thành một cuộc xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam trên đất liền. Lãnh thổ chiếm được ở Bắc Việt Nam sẽ được sát nhập vào Trung Quốc. Lãnh thổ chiếm được ở Nam Việt Nam sẽ được sáp nhập vào Campuchia. Không nghi ngờ gì nữa, kịch bản sau là vô cùng cám dỗ đối với các thế lực theo chủ nghĩa xét lại - dân tộc cực đoan ở Phnom Penh. Thành thực mà nói, cũng chỉ có kịch bản này mới giải thích nổi sự quay ngoắt của chính quyền Hun Sen đối với Hà Nội khi cho Trung Quốc đặt các căn cứ quân sự đe dọa an ninh lãnh thổ của Việt Nam. Cần nói thêm rằng một khi đã phát động một cuộc xâm lược tổng lực cả trên biển lẫn trên bộ chống Việt Nam, Trung Quốc cũng sẽ không tha các lãnh thổ khác của Việt Nam trên biển ngoài Hoàng Sa và Trường Sa, như ở các đảo trong Vịnh Bắc Bộ, các đảo Phú Quốc, Thổ Chu (nhân danh các thế lực xét lại – dân tộc cực đoan Campuchia)... Cuộc xâm lược Ukraine của Nga cho thấy kịch bản Trung Quốc xâm lược Việt Nam theo chiến thuật "gọng kìm" hiện thực hơn bao giờ hết. Thực vậy, quan điểm và chiến thuật quân sự của Nga trong cuộc xâm lược Ukraine và quan điểm và chiến thuật quân sự của Trung Quốc trong mưu đồ xâm lược Việt Nam tương đồng đến ngạc nhiên. Trước hết, Nga cho rằng Ukraine là một thực thể của Nga và vì vậy Nga có quyền định đoạt cả về lãnh thổ lẫn chế độ chính trị của Ukraine. Cũng như vậy, Trung Quốc luôn coi Việt Nam là thuộc quốc của mình. Đưa tin ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc Dương Khiết Trì sang Hà Nội vào tháng 6/2014, Hoàn Cầu Thời báo, một nhánh của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, viết: “Nói chuyện với Việt Nam, Trung Quốc thúc giục “đứa con hoang đàng hãy trở về nhà” (6). Tiếp theo, Nga đã sử dụng chiến thuật “gọng kìm” khi tiến hành xâm lược Ukraine. Các cuộc tấn công của Nga không chỉ xuất phát từ lãnh thổ Nga giáp miền Đông và miền Nam Ukraine, mà còn từ lãnh thổ Belarus (7), một đồng minh thân cận của Nga, giáp miền Bắc nước này. Việt Nam phải làm gì? Hẳn để tránh nguy cơ Việt Nam “lưỡng đầu thọ địch”, tháng 12 năm ngoái, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc đã sang Campuchia vận động nước này không cho Trung Quốc đặt căn cứ quân sự. Kết quả là một tuyên bố chung đã được đưa ra, theo đó “Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh trên nguyên tắc không cho phép bất cứ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước mình làm phương hại đến an ninh của nước kia”.Thế nhưng, như ta đã thấy, biên bản hợp tác quân sự bí mật giữa hai tư lệnh lục quân Campuchia và Trung Quốc vẫn được ký kết và sự kiện 8/6 vẫn cứ diễn ra. Đã hơn một lần tôi, Cù Huy Hà Vũ, đã chỉ ra rằng Việt Nam sở dĩ thắng được các cuộc chiến tranh thời hiện đại là nhờ có cường quốc làm đồng minh. Đó là Liên Xô và Trung Quốc trong kháng chiến chống Pháp, vẫn là Liên Xô và Trung Quốc trong Chiến tranh Việt Nam, rồi lại Liên Xô trong chiến tranh chống liên quân Trung Quốc – Khmer Đỏ những năm 1978 -1979 (9). Do đó, để có thể bẻ gãy “gọng kìm Trung Quốc”, Việt Nam không có đường nào khác là khẩn trương từ bỏ chính sách không liên minh quân sự và “chọn bạn mà chơi”, như lời của người xưa. Xem chừng đối với ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, nếu cực chẳng đã phải “chọn bạn”, thì một cách quán tính và bản năng họ sẽ chọn Nga. Bởi cường quốc cựu xô viết này không chỉ từng là đồng minh, là nguồn cung vũ khí lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay, mà còn là lựa chọn thích hợp và an toàn cho chế độ toàn trị của họ khi tính đến “tân Sa hoàng” Putin. Thế nhưng, trớ trêu thay, vị tổng thống Nga có gốc KGB này hiện phải o bế Bắc Kinh bởi đó là đồng minh lớn nhất, thậm chí chỗ dựa cuối cùng để có thể tiếp tục cuộc chiến xâm lược ở Ukraine và hơn thế nữa, để có thể sống sót trong trường hợp cuộc chiến này thất bại. Thành thử, Hoa Kỳ, với chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, tất phải là lựa chọn để làm đồng minh của các nhà hoạch định chính sách quốc phòng Việt Nam. Chừng nào họ biết đặt Tổ Quốc lên trên hết.   Chú thích China secretly building naval facility in Cambodia, Western officials say, Washington Post, 6/6/2022 Sân bay Trung Quốc xây trong rừng Campuchia gây hoài nghi, VNExpress, 24/6/2022 Về cục diện an ninh mới ở Đông Nam Á trước một Trung Quốc bành trướng, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, BBC Tiếng Việt, 11/4/2022 PM condemns Russian invasion of Ukraine as ‘act of aggression’, Khmer Times, 28/3/2022 Nguyên sử - An Nam truyện. 杨洁篪访越谈南海 奉劝越南早日回头 (Dương Khiết Trì thăm Việt Nam để thảo luận về Biển Đông và khuyên Việt Nam nên xoay chuyển tình thế càng sớm càng tốt), 环球时报 19/6/2014 Xe tăng Nga tiến vào lãnh thổ Ukraine từ Belarus, chiến sự nổ ra ở nhiều nơi, VOV, 24/02/2022 Tuyên bố chung Việt Nam - Campuchia, Quân đội nhân dân, 22/12/2021 TS Cù Huy Hà Vũ: Tham vọng của TQ trong cuộc tranh chấp biển Đông quá rõ ràng, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, VOA Tiếng Việt, 09/04/2010  
......

Người Kế Nhiệm

Người Buôn Gió Đến bây giờ đang sang nhiệm kỳ TBT thứ ba của ông Trọng, nhưng ai là người kế nhiệm ông vẫn là câu hỏi mà chưa có câu trả lời thoả đáng. Với quy định trong hiến pháp ĐCSVN là giai cấp duy nhất lãnh đạo đất nước thì chức tổng bí thư vẫn là chức quyền lực cao nhất trong thể chế VN hiện nay. Đầu não quyền lực chính trị vẫn nằm trong BCT; BBT và trung ương đảng, những tổ chức đầu sỏ này người đứng đầu đều là TBT. Bởi tính chất quan trọng của vị trí này, nên chuyện người kế nhiệm TBT là một chuyện rất quan tâm trong chế độ chuyên chính độc tài. Xtalin, Mao Trạch Đông, Lê Duẩn đều là những ông vua có quyền lực tuyệt đối nhưng không sắp đặt người kế nhiệm rõ ràng, cho nên khi họ chết đi khi trên chiếc ghế quyền lực, cuộc tranh đoạt quyền lực diễn ra rất khốc liệt kèm theo là sự thay đổi đường lối chính trị, kinh tế, ngoại giao. Liệu ông Trọng có sắp đặt người kế nhiệm hay ông sẽ ngồi đến chết trên chiếc ghế TBT, sau đó khi ông chết thì đàn em của ông muốn tôn ai lên thì tuỳ? Thử phân tích vào tình huống thứ nhất, nếu sắp đặt người kế nhiệm, ông Trọng sẽ chọn ai, trung ương sẽ chọn ai? Tiêu chí thường là người có thời gian ở trong BCT lâu nhất so với những người khác, người này phải ở trong các vị trí thuộc hàng tứ, ngũ trụ. Nếu theo tiêu chí ấy thì ông Phúc là người có khả năng nhất, ông đã kinh qua chức tt và ctn, quá nhiều kinh nghiệm để lãnh đạo đảng. Nếu khoá 14 tới vẫn có trường hợp đặc biệt quá tuổi ở lại để giữ vững 3 lứa tuổi, ông Phúc là người có khả năng nhất để đảm nhiệm chức vụ TBT. Nhưng giới thiệu ai kế nhiệm là quyền của ông Trọng và quyền của trung ương đảng mới thành lập sau đại hội. Ông Trọng có giới thiệu ông Phúc không, hay ông Phúc phải đợi trung ương mới giới thiệu, muốn được trung ương mới tức khoá 14 giới thiệu ông Phúc phải còn phải qua cửa là buộc tái cử vào trung ương 14. Thường nếu không bị ép buộc gì, thuận theo tự nhiên thì người ta thường chọn người kế vị, kế nhiệm ít nhiều có bản sắc, đường lối, suy nghĩ giống mình. Cuộc đời của ông Trọng gắn liền với miền Bắc, nói gì thì nói về tâm tư ông ít nhiều thiếu sự hòa hợp với những người miền Trung và miền Nam. Hơn nữa cá tính của ông Trọng và ông Phúc hoàn toàn khác ngược nhau. Điểm nữa là gia đình ông Phúc móc nối với những tập đoàn sân sau quá nhiều và mạnh. Nếu tính thân nhân họ hàng của lãnh đạo tham gia kinh doanh hoặc quan hệ với các tập đoàn thì gia đình ông Phúc đầu bảng từ trước đến nay. Thời tt Ba Dũng chỉ có Phượng Công Chúa, xa hơn nữa thời ông Khải chỉ có Hoàn Ty. Ông Phúc đặc biệt không chỉ con gái, con rể , anh em nhà ông, anh em nhà vợ mà còn đích thân vợ ông dính dáng đến nhiều vụ làm ăn lớn. Bà Thu vợ ông Phúc trực tiếp dùng ảnh hưởng của ông để can thiệp vào nhiều dự án, chính sách và cả sắp xếp bộ máy nhân sự. Chuyện ông Trọng giới thiệu ông Phúc là không thể, chỉ có thể giới thiệu một cách không chính thức, như thăm dò phản ứng ai ủng hộ ông Phúc để tiêu diệt thì đúng hơn. Người kế nhiệm ông Trọng nếu do ông giới thiệu trong thời điểm bây giờ nhiều khả năng là ông Vương Đinh Huệ. Ông Huệ từng kinh qua bí thư Hà Nội, chủ tịch quốc hội, hai chức vụ mà ông Trọng đã kinh qua khi tiếp đến chức TBT. Gần đây như để gìn giữ con đường kế nhiệm chức TBT, ông Huệ thường được ưu ái chọn những việc làm lấy được hình ảnh tốt, không để dính vào những việc có thể gây điều tiếng. Tai tiếng của ông Huệ không nhiều, ông bị nghi vấn có con riêng với ca sĩ Hương Trà. Nhưng cô ca sĩ này đã đi Mỹ và sinh con bên đó, cho nên cáo buộc này đã bị hoá giải không còn nguy hiểm gì với ông Huệ. Sân sau của ông cũng không nhiều, nổi bật chỉ có đại gia Đỗ Liên gắn bó với ông Huệ ở dự án nhà máy nước sông Đuống, ông Huệ đã đỡ đầu từ vốn đến giá thành và quá trình hoàn thành dự án nhà máy nước này trên cương vị bộ trưởng bộ tài chính, bí thư thành uỷ Hà Nội. Đỗ Liên có thể là điểm yếu duy nhất của ông Huệ, khi đại gia này vẫn còn nhiều tham vọng ở Việt Nam, sở hữu một chuỗi Bot ở nhiều nơi, hàng ngày thu đều đều hàng chục tỷ. Nhiều tin bên trong tiết lộ chính nguồn tiền do Đỗ Liên cung cấp duy trì các mối quan hệ cho ông Huệ, để ông có cơ sở leo cao hơn mà không phải vướng vào những đại gia khác gây tai tiếng ùm xùm. Đây chính là con đường mà Thân Đức Nam đã phụng dưỡng nuôi cho Nguyễn Xuân Phúc từ Quảng Nam ra trung ương rồi leo vào BCT và thành nguyên thủ quốc gia. Đại gia Đỗ Liên gần đây thái độ tự tin và có phần ngạo nghễ, như chứng tỏ quá trình làm Lã Bất Vi của bà sắp đến đoạn hái quả ngọt. Tuy dính sâu với đại gia Đỗ Liên, nhưng đó cũng không hẳn là vấn đề nghiêm trọng trên con đường đi đến chức TBT của Vương Đình Huệ. Bởi so với ông Phúc với muôn vàn đại gia sân sau thì vài ba đại gia đứng sau lưng ông Huệ như Đỗ Liên tài trợ tiền đi lại, hội hè, nghi thức cũng chẳng thấm gì. Một đại gia khác cũng lánh sang Đức trong thời kỳ ông Phúc mới lên chức TT là Khoa Khàn, vừa rồi Khoa Khàn đã chi hàng triệu euro để củng cố danh tiếng cho ông Huệ nhân chuyến ông Huệ đi châu Âu. Hẳn nhiên với kinh nghiệm lọc lõi giang hồ, đã ẩn thân từng ấy năm nay bỗng nhiên Khoa Khàn chi tiền như vậy, chắc chắn nhìn thấy giỏ tốt mới bỏ thóc. Cũng như Đỗ Liên bỏ lại dự án cảng biển và lánh sang Đức, Khoa Khàn cũng phải nhượng lại Đại Quang Minh cho sân sau Phúc với giá thương lượng để được đi an lành. Cả hai đại gia này giờ đang tính những bước đi đột phá ở nhiệm kỳ sau, nhiệm kỳ mà quyền lực đảng nằm trong tay Vương Đình Huệ. Người ta có câu – đất lành chim đậu. Trong chính trường ở thể chế Việt Nam thì câu này ứng vào việc các đại gia ngàn tỷ hướng về đâu. Ở vị thế của họ nguồn thông tin, đánh giá các chức vụ thường chuẩn xác hơn nhiều người dân thường khác, thậm chí còn hơn cả uỷ viên trung ương. Nhìn những đại gia đang hướng về ông Huệ như Đỗ Liên, Khoa Khàn và những đại gia đang rời xa ông Phúc như Nguyễn Cao Trí, anh em nhà Tâm Thịnh Trung Nam Group….người hiểu biết cũng lờ mờ nhận được tương lai chức TBT hướng về đâu. Ngày nay có thể dễ dàng thấy những đại gia từng ồn ào lớn tiếng thời ông Phúc giờ nằm im thin thít, người ta không còn thấy họ hoạt động gì hoặc thương vụ gì sôi nổi như thời ông Phúc còn làm thủ tướng. Nếu không có gì đột biến, theo dòng chảy của mọi việc như bây giờ, chắc chắn ông Huệ sẽ là người kế nhiệm ông Trọng, khi ông Trọng muốn giã từ chính trường./.  
......

Phúc Nghẹo phản đòn Nguyễn Phú Trọng

Người Buôn Gió – nguoibuongio´s blog | Ngày 9 tháng 11 năm 2016, Ban bí thư trung ương ĐCSVN ra quyết định thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra các hoạt động của chính phủ theo nội dung nghị quyết trung ương 4 và chỉ thị 05 về học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là hai nội dung thanh tra chính mà tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dùng để hạ bệ và răn đe nhiều quan chức cấp cao trong đảng. Nếu như đối chiếu hai nội dung này thì không có quan chức cộng sản nào thoát được tội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không có chân trong Ban Bí Thư, đây là điều bất lợi cho ông ta. Đoàn kiểm tra của ban bí thư lần này do Nguyễn Văn Nên, chánh văn phòng trung ương đảng dẫn đầu. Ông Nên trước kia là chánh văn phòng chính phủ thời Nguyễn Tấn Dũng là thủ tướng, Nguyễn Văn Nên kế nhiệm Phúc khi Phúc được đôn lên làm phó thủ tướng. Giữa Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Xuân Phúc không hề có mối ràng buộc ân tình nào, Nên lại là người khá nắm rõ những hoạt động của Nguyễn Xuân Phúc. Cuộc thanh tra này có thể nhằm hạn chế sự tự tung, tự tác và thói kiêu ngạo muốn vượt mặt Nguyễn Phú Trong của Phúc. Phúc đang cố gắng đưa Thân Đức Nam, một cánh hẩu của mình từ phó chủ nhiệm văn phòng quốc hội sang làm phó chủ nhiệm văn phòng chính phủ, thay cho Lê Minh Hà con ông Lê Đức Anh vừa về hưu ở tuổi 60. Nguyễn Xuân Phúc – Thân Đức Nam Lúc trước hội nghị trung ương 4 và 5, khi trung ương rục rịch nhiều ý kiến muốn Nguyễn Phú Trọng bàn đến việc về hưu và chỉ người kế nhiệm. Phúc cảm thấy thời cơ của mình đã đến, không cần phải giấu mình nịnh bợ Nguyễn Phú Trọng nữa. Phúc đã lợi dụng chuyến công cán đi các tỉnh với lý do xúc tiến đầu tư, hứa hẹn với các địa phương bỏ phiếu cho mình làm tổng bí thư sẽ có lại quả, đồng thời Phúc cũng rỉ tai cho các địa phương biết đối thủ cạnh trạnh của Phúc là Trần Đại Quang sắp tới sẽ bị kỷ luật, không thể có cơ hội làm tổng bí thư. Lúc này vướng đối phó với làn sóng đòi từ chức ở các trung ương 4, 5. Nguyễn Phú Trọng đã giả vờ không để ý đến Phúc, Trọng dồn sức để tập trung ngăn cản người kế cận tiềm năng nhất là Trần Đại Quang. Nhờ may mắn truất được Đinh Thế Huynh vì lý do bệnh tật, đưa được tay chân thân tính của mình là Trần Quốc Vượng lên chiếm ghế thường trực Ban Bí Thư, kiêm trưởng ban kiểm tra trung ương. Trọng đã có được sức mạnh áp đảo Trần Đại Quang và buộc ông này phải nép mình tránh xa cái ghế tổng bí thư của Trọng. Sau khi trói buộc được Trần Đại Quang, Nguyễn Phú Trọng mới xây dựng lực lượng bổ sung để trấn áp Nguyễn Xuân Phúc. Trọng bố trí cho hai đệ tử trung thành với mình là Phan Đình Trạc và Nguyễn Xuân Thắng vào Ban bí thư. Tiếp đó Trọng ra chỉ thị cho ban bí thư lập đoàn thanh tra do Nguyễn Văn Nên làm trưởng đoàn để kiểm tra chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Khi được gọi đến để nghe quyết định về ban bí thư lập đoàn thanh tra, Nguyễn Xuân Phúc đã tỏ thái độ bất bình và miễn cưỡng khi tiếp nhận nội dung thanh tra, đông thời Phúc cũng ý kiến rằng đây là lúc cuối năm, chính phủ có nhiều việc quan trọng phải thực hiện theo kế hoạch đặt ra, việc đón tiếp và làm việc với đoàn thanh tra sẽ không hẳn được chu đáo. Phúc dặn các đơn vị dưới quyền khi tiếp đoàn thanh tra làm việc, không nên xao lãng nhiệm vụ chuyên môn phải làm. Có nghĩa Phúc xui các cấp dưới né tránh đoàn thanh tra vì lý do công việc đang phải làm quá nhiều. Cuộc đời trớ trêu, từ chức chủ nhiệm văn phòng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã được Trọng sử dụng để tấn công lại Nguyễn Tấn Dũng. Giờ Trọng lại dùng Nên, người cũng đã từng là cấp dưới của Phúc thanh tra lại Phúc. Tại kỳ họp quốc hội tháng 10 cũng như hội nghi trung ương 6 vừa qua, Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo GDP tăng trưởng 6,7 % theo con số của tổng cục thống kê công bố hồi tháng 9. Khi con số này được công bố, Phúc đã cho các bồi bút nằm ở các báo ca ngợi đây là con số thần kỳ,tăng trưởng nhảy vọt đầy ngoạn mục. Chính nhờ những báo cáo láo này mà Nguyễn Phú Trọng đã không thể làm gì được Phúc tại hội nghị trung ương 6. Cùng với việc thông báo thành lập đoàn kiểm tra của Ban Bí Thư, một tin không vui với Phúc là báo chí phanh phui việc tổng cục thống kê chuyên môn yếu và chất lượng thống kê kém, báo chí cũng đặt nghi vấn những con số tổng cục thống kê nêu ra đã trình cho ai duyêt ? Ai duyệt những con số này, đương nhiên là thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Như vậy báo chí đã đặt vấn đề nghi vấn những con số tăng trưởng 6,7% gọi là thần kỳ kia là con số giả mạo do Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tổng cục thống kê tạo ra. Những mũi tấn công đang hình thành nhắm vào Phúc, hơn ai hết Phúc hiểu kẻ đứng đằng sau tạo ra những thứ đó là Nguyễn Phú Trọng. Những phản ứng không bằng lòng của Nguyễn Xuân Phúc với quyết định công bố của ban bí thư thành lập đoàn kiểm tra tưởng thế đã là can đảm. Nhưng khó ai ngờ rằng Nguyễn Xuân Phúc còn bạo gạn hơn nữa khi dám lôi lại chuyện quá khứ cách đây hơn chục năm, chuyện về tham nhũng ở thành phố Hà Nội thời Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư. Ít có cuộc thanh tra nào của chính phủ mà lội ngược lại mốc thời gian cách đây 15 năm. Nhưng với Nguyễn Xuân Phúc thì bất cứ trò gì để chơi đối thủ dù đê tiện đến đâu y cũng không từ, dù kẻ đó là ân nhân hay đàn anh đi nữa nếu cản đường Phúc đều bị Phúc không từ thủ đoạn nào tấn công. Phó tổng Thanh tra chính phủ Nguyễn Văn Thanh phát biểu tại buổi công bố kết luận. Ảnh: Báo Thanh Tra. Kết luật của đoàn thanh tra chính phủ hôm 15 tháng 11 năm 2017, sau quyết định công bố của đoàn thanh tra ban bí thư một tuần. Kết luận này có đoạn: ”Chiều 15/11, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về quản lý đầu tư xây dựng một số dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý, sử dụng quỹ đất, quỹ nhà của UBND TP Hà Nội giai đoạn 2002-2014. 38 trong tổng số 204 dự án trên địa bàn Hà Nội đã bị thanh tra. Trong bài báo cũng có nêu đoàn thanh tra chính phủ kết luận việc kết luận áp giá tiền đất của thành phố không phù hợp đã khiến thất thu hàng ngàn tỷ. Bài báo chỉ nói chung chung như vậy, nhưng những người am hiểu đều biết rằng việc xác định giá đất làm thất thu hàng ngàn tỷ ở Hà Nội là thời Nguyễn Phú Trọng làm bí thư liên quan đến việc áp giá đất ở khu đô thị Ciputra. Nếu như Nguyễn Xuân Phúc thẳng tay đập quả này, chắc chắn Nguyễn Phú Trọng không thể nào tồn tại được. Bằng chứng về những sai phạm từ quyết định số 4622 của thành phố  Hà Nội thời Nguyễn Phú Trọng đã làm thất thoát của nhà nước 4.000 tỷ đồng, làm lợi cho doanh nghiệp do đàn em Trọng là Nguyễn Minh Quang là chủ. Bằng chứng về việc áp giá đất cho doanh nghiệp ở mức hơn 1 triệu đồng một mét vuông, rồi sau đó công bố giá mới là 12 triệu đồng ở chính khu vừa áp giá cho doanh nghiệp. Tất cả những bằng chứng văn bản còn đó, hiện trạng còn đó, con người còn đó. Nguyễn Phú Trọng lợi dụng vị trí quyền lực đã thông đồng với doanh nghiệp, làm lợi cho doanh nghiệp hàng ngàn tỷ đồng, được lại quả những căn biệt thự đẹp để Trọng lót tay mua sự ủng hộ làm chủ tịch quốc hội lấy bàn đạp vào vị trí tổng bí thư sau này. Đòn phản công này của Nguyễn Xuân Phúc, nặng hay nhẹ tuỳ thuộc vào thái độ của ban bí thư trung ương do Trọng xúi dục tấn công Phúc. Nếu Trọng ta tay triệt để, Phúc cũng chẳng ngại gì chơi sát ván lại.  Điều mà Nguyễn Xuân Phúc khác với các đối thủ của Trọng trước kia như Nguyễn Tấn Dũng, Trần Đại Quang là Phúc có thể làm mọi thứ bất chấp danh dự, nhân phẩm. Hay chờ xem đoàn kiểm tra của Ban Bí Thư còn dám động đến Phúc nữa không?  
......

Giậu chưa đổ, bìm đã leo

Tân Phong - Việt Tân Hôm 22 tháng Sáu vừa qua, báo chí truyền thông chính thống của nhà nước CSVN đăng tải rộng rãi một vụ cháy xe hơi hiệu VinFast, loại LUX 2.0 có BKS 88A-427.44 của Công ty TNHH Gốm Hoàng Đan, trụ sở tại thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Bên trong xe phát hiện một tử thi đã bị cháy than hóa ngồi tại ghế lái. Nghi vấn là ông N.V.Đ, sinh năm 1962, tại thị trấn Thổ Tang. Người này là giám đốc Công ty TNHH Gốm Hoàng Đan… theo như các tờ báo trong nước đưa tin. Mạng xã hội lại nổi sóng rần rần bàn tán về độ an toàn của chiếc xe tiền tỷ sang chảnh – thương hiệu đã được đích thân nhà tỷ phú đô-la Phạm Nhật Vượng cầm lái và đưa rước các nguyên thủ như anh Bảy, anh Chính đi ngắm cảnh non nước hữu tình ở đảo Cát Hải, nhân dịp ra mắt chiếc xe hơi “Made in Vietnam” cách đây 2 năm trước. Nhiều người đang sở hữu xe VinFast, đọc bài này, chắc không khỏi “tim đập, chân run” hoặc ít nhất thì cũng sẽ không dám… đỗ xe ngoài nắng. Tuy vậy, không nhiều người đặt câu hỏi lại tại sao, lần này, cái “thương hiệu quốc gia,” “niềm tự hào dân tộc” VinFast lại bị báo chí chính thống của nhà nước CSVN công khai và đưa tin rầm rộ liên quan đến một vụ tai nạn gây hậu quả ghê rợn đến thế? Còn nhớ, chỉ cách đây ít lâu, những thông tin về sự cố kỹ thuật lớn nhỏ liên quan đến thương hiệu này đều bị xóa bài, report hoặc thậm chí bị chính quyền can thiệp thô bạo để bảo vệ “uy tín doanh nghiệp.” Xe VinFast bị lỗi phần mềm, xe đang đi thì không chịu …chạy tiếp, gãy trục cardan thì nhiều rồi, cháy thì cũng có. Nhưng mà cháy đến nỗi, khổ chủ bị “than hóa” như chủ nhân của chiếc xe VinFast Lux 2.0 này thì hình như là lần đầu tiên. Nếu có chút ít về hiểu biết xe hơi thì người ta sẽ có rất nhiều câu hỏi: Cháy kiểu gì mà chạy không kịp? Cháy kiểu gì mà kẹt cứng cả 4 cánh cửa? Mà cháy kiểu gì đến nỗi bị “than hóa” thi thể vậy? Xác suất để chập cháy xe là thấp, đặc biệt là xe đang đỗ, không chạy. Xác suất để hư hỏng về cơ khí đến mức cả 4 cánh cửa không thể mở để thoát thân cũng là cực kỳ hy hữu. Và để một thi thể than hóa thì cần phải một can dầu diesel 20 lít trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Chứ nếu cháy bằng xăng với thời lượng nửa tiếng thì không thể “than hóa” thi thể được. Tự dưng đọc tin này, chợt nhớ đến vụ việc 3 cảnh sát cơ động đang đêm đột nhập vào nhà cụ Lê Đình Kình tử vong mà nguyên nhân như báo đảng, báo công an đưa tin là do các đồng chí bị rớt té xuống hố, bị đám “khủng bố dã man” bê nguyên chậu xăng, châm đi châm lại nhiều lần, thiêu chết đến mức thi thể “than hóa” không thể nhận dạng được trong khi 3.000 “đồng chí” của các anh đứng xung quanh… “ngó” chờ tắt lửa để vào hốt tro cốt. Hay mới đây, có ông bí thư xã ở Đắk Nông, tên Minh, đã đánh chết cháu vợ, nhét vào xe hơi của mình, châm lửa thiêu thành than, tạo hiện trường giả để …trốn nợ. Tin tức báo chí “chính thống” ở xứ Đông Lào này nó đáng sợ lắm. Mấy hôm rồi, mạng xã hội post lại hàng đống tin bài về “bóng hồng quân y ăn ở tại phòng thí nghiệm, ngày đêm nghiên cứu test kit vaccine,” rồi Việt Nam mua vắc-xin, test kit “made in Việt Á” xuất khẩu hơn 20 nước trên thế giới vẫn còn đầy trên mấy tờ báo chí cách mạng. Thế mới rõ, nền “báo chí cách mạng” giờ toàn đăng bài tin xuyên tạc và phản động chủ yếu là PR cho bọn ăn cắp, ăn cướp, lừa đảo cả. Mà nói cho đúng là tất cả chúng cùng một giuộc. Quay lại cái tin bài khổ chủ xe VinFast là một giám đốc một công ty ở Vĩnh Phúc chết cháy trong xe đến mức “than hóa”…Nghe thấy “quen quen” và tanh mùi máu. Đằng sau vụ tai nạn này có phải là một án mạng ghê rợn hay không? Và tại sao, bây giờ, thương hiệu VinFast đã bị báo đảng “bôi tro trát trấu” vào mặt như thế này? Mà cũng lạ, nhóm quản lý truyền thông và thương hiệu của Vingroup cũng lặng im, bặt tăm. Lâu rồi, không rõ anh Vượng “tau có chi mô”? XEM THÊM: Chuông nguyện hồn… Vin! Nhưng mà nghĩ đi thì cũng nghĩ lại. Tự dưng thấy thương cho anh Vượng. Ít cũng 2 thập kỷ qua, Vingroup tới đâu lập dự án, thì địa phương đó lại lên hạng ầm ầm, dân tình khối người được tiền đền bù, bán đất mà cũng đổi đời. Quan chức tỉnh đó thăng quan tiến chức ầm ầm, ngân sách tỉnh rủng rỉnh, bộ mặt đô thị thay đổi khác hẳn ngày trước. Cứ nhìn cái thành phố Hải Phòng mang tiếng đô thị loại 1, cảng biển chiến lược mấy mươi năm như một thị xã, tỉnh lẻ. Vậy mà từ khi anh “Thành xi măng” đón được anh Vượng về, thoắt cái lột xác, trở thành đô thị bừng bừng khí thế “hiên ngang chỉ biết ngửng đầu.” Anh Thành rải thảm đỏ cho anh Vượng về lấy nguyên cái dải đất ven sông Cấm, chính là nơi anh Thành thủa hàn vi còn là kế toán ở cái nhà máy xi măng cũ kỹ, rồi xẻ cho anh Vượng nửa cái đảo Cát Hải để đặt cái nhà máy VinFast. Chẳng riêng gì Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, thành Hồ… đâu chẳng thế. Nói gì thì nói, quan chức xứ này, có ai mà chưa ăn tiền của Vượng, lên đời cũng nhờ Vượng. Vậy mà gió mới hơi đổi chiều, “giậu chưa đổ, bìm đã leo.” Thế mới thấy, tụi quan chức CS, thằng nào cũng bạc hơn cả loài ve chó. Nhưng có vẻ như anh Vượng tài giỏi, anh Vượng buôn bất động sản tầm cỡ quốc gia, quốc tế, nhưng anh Vượng không biết nhiều lắm về lịch sử nước nhà và chế độ từng nhiều lần “trí, phú, cường hào đào tận gốc, trốc tận rễ,” đánh tư sản mại bản sau 75. Anh cũng không nghe nói về cuộc đời của Tăng Minh Phụng, của Trịnh Vĩnh Bình. Xa hơn nữa là những cái tên lẫy lừng như bà Năm Cát Hanh Long… Những tư sản yêu nước đã từng hết lòng ủng hộ cách mạng và thể chế CS ngày nay. Anh nhìn xa trông rộng thời thế, tiên đoán sẽ có ngày “thằng Nga nhất định không buông tha, để yên cho Ukraine,” anh chạy về Việt Nam kiếm bạc tỷ đô-la dễ dàng nhờ cấu kết quan chức. Giờ thật khó tin, có ngày anh vào tầm ngắm, có nguy cơ thành “củi” sau bao năm huy hoàng. Anh cũng không ngờ đám CSVN nó có thể “bạc” và trở mặt nhanh hơn cả bánh tráng vậy? Thôi, dù sao, tôi cũng mong anh “tau có chi mô.” Trông tướng mạo anh vững vàng, oai phong. Nhìn vận khí anh dù có kém bớt vài phần, xong chắc là anh vẫn tai qua nạn khỏi. Chỉ là tiền bạc sẽ bị hao hụt nhiều phần sau cuộc “cơ cấu lại tài sản” của đám quan chức chóp bu. Từ giờ, anh phải hứa với bác Trọng, bác Tô đừng có dính líu tới chính trị, quen thói “buôn không từ thứ gì,” kể cả buôn…Vua. Nhớ nghe! Mà nếu lần sau vẫn… buôn, thì nhớ là phải chọn “bên thắng cuộc.” Tân Phong https://viettan.org/giau-chua-do-bim-da-leo/  
......

Người khổng lồ Goliath bó tay với chàng David tí hon?

Nguyen Khan Thật khó tưởng tượng có thể có thêm khủng hoảng địa chính trị giữa hai miền Đông Tây khi cuộc xâm lăng Ukraina của Putler chưa có dấu hiệu chững lại, vẫn đang trong đỉnh cao của bom đạn tàn phá, thương vong và đổ nát. Thật trớ trêu khi thiên hạ từng ví von nước Nga là người khổng lồ Goliath, Ukraina chỉ là chàng David tí hon. Nga có sức mạnh quân sự khổng lồ, mạnh thứ hai thế giới, trong lúc sức mạnh quân sự Ukraina không bằng 1/10 Nga nên Nga có thể “làm cỏ” Ukraina trong vòng 48 – 72 tiếng đồng hồ. Song thực tế lại khác, đã 4 tháng tung hết sức tổng tấn công bão lửa Ukraina mà người khổng lồ Goliath chưa làm gì được chàng David tí hon, trái lại, còn có nguy cơ bị David đánh bại. Vì thành tích quân sự kém cỏi tại chiến trường Ukraina nên đại quân của Putler không còn “danh bất hư truyền”, quyền lực của Putler không còn dễ dàng đe nẹt nước khác, sức mạnh của nước Nga cũng không còn làm nước khác khiếp sợ, đến nỗi Putler không ít lần mang bom nguyên tử ra hù dọa mà chẳng ăn thua gì, chẳng hốt hồn được ai, chẳng ngăn được Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Thì nay đến lượt hai chàng David tí hon theo đúng nghĩa, là Litva trong vùng biển Baltic và Đài Loan trong vùng Châu Á Thái Bình Dương đang trêu ngươi tham vọng địa chính trị của hai đế quốc khổng lồ Nga và TC. Nếu chàng David tí hon phương Tây Litva đã từng trêu ngươi Tập Cận Bình khi thiết lập quan hệ với Đài Loan, khiến Tập Cận Bình tức lộn ruột, Phùng mang trợn má muốn ăn tươi nuốt sống Litva, quyết đè bẹp kinh tế Litva bằng những đòn trừng phạt khủng khiếp. Song người khổng lồ Goliath Tập Cận Bình đã không làm gì được vì David Litva khôn khéo tận dụng ô dù EU của mình để che chắn. Thì nay đến lượt người khổng lồ Goliath Putin đang tức lộn ruột David tí hon phương Tây Litva, nghiến răng trèo trẹo, muốn ăn tươi nuốt sống Litva ngay lập tức bằng tối hậu thư buộc Litva phải giải tỏa cấm vận, cho hàng hoá Nga lưu thông bình thường đến Kaliningrad và từ Kaliningrad về Nga. Bởi, tuy Kaliningrad nằm ven bờ biển Baltic, giáp giới với Litva và Ba Lan, song là lãnh thổ của Nga. Vì thế, giao thông từ Nga đến Kaliningrad bằng đường bộ và đường sắt phải quá cảnh qua Belarus, từ Belarus theo con đường dọc biên giới Litva – Ba Lan đến Kaliningrad. Đó là lý do Litva ngăn chặn một số hàng hoá của Nga bị EU cấm vận, không cho số hàng cấm này quá cảnh Litva, khiến Putler nổi giận lôi đình đưa tối hậu thư đe dọa trừng trị thích đáng. Nhưng chắc Putler cũng đành ôm hận Litva như Tập Cận Bình đã từng ôm hận không làm gì được David tí hon phương Tây. Bởi sau lưng của Litva là NATO chứ không phải đầu trọc như Ukraina để Putler có thể ung dung tấn công bắn gi.ết. Bởi Putler đang sa lầy tại Ukraina lấy máu gì tấn công Litva. Bởi Ukraina đang cầu mong Putler tấn công Litva để Mỹ và NATO kích hoạt điều 5 tấn công Nga, để Ukraina nhẹ gánh bom đạn. Từ những lẽ trên, có lẽ, một lần nữa, chàng David tí hon phương Tây Litva “bóp dái ngựa” đế quốc Nga khiến Putler chết điếng mà không làm gì được, giống y chang năm ngoái Litva “bóp dái ngựa” đế quốc đại Hán khiến bạo chúa Tập Cận Bình trợn mắt nổi điên… Không trị được David tí hon Litva, người khổng lồ Goliath Tập Cận Bình liên tục khiêu khích đe doạ David tí hon phương Đông Đài Loan, nhiều lần đòi giải phóng Đài Loan bằng vũ lực. Nhưng David tí hon phương Đông chẳng nao núng, ăn miếng trả miếng Goliath không khoan nhượng, ngồi rung đùi nhem thèm trước công ty sản xuất con chip hiện đại nhất thế giới của Đài Loan, nơi sản xuất ra những con chip mà hai đế quốc Nga Trung rất thèm… Nếu không có những con chip này thì bom đạn và vũ khí sẽ ngu đần, bắn nơi này lại trúng nơi kia… Thì chắc hai tên đế quốc, đặc biệt là đế quốc đại Hán, không… vừa thèm rỏ dải vừa tức điên mới lạ. Và có lẽ, đó là một trong những lý do bạo chúa Tập luôn muốn nuốt chửng Đài Loan, chỉ là chưa đủ tuổi nên chưa thể bóp cò. Mấy ngày nay dư luận đồn thổi về việc TC tuyên bố đường biển quốc tế ngang qua eo biển Đài Loan là vùng biển của TC chiếu theo công ước quốc tế về luật biển 1982 (UNCLOS). Nếu TC áp đặt được vùng biển quốc tế này thành nội thủy của TC, thì eo biển Đài Loan trở thành “BOT biển” quan trọng của TC, thu lợi khổng lồ từ đường biển sầm uất, vận chuyển hàng hoá và nguyên nhiên liệu cho vùng kinh tế Đông Bắc Á năng động nhất thế giới. Và dĩ nhiên Mỹ và bộ tứ kim cương QUAD trong chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và rộng mở không thể để TC độc chiếm eo biển quốc tế Đài Loan nhằm đe doạ Đài Loan và gây khó khăn giao thông quốc tế. Nhiều người nghĩ nếu Nga tấn công Litva sẽ gây ra thế chiến? Đúng vậy, vì khi ấy NATO sẽ kích hoạt điều 5 để tấn công Nga. Và vì lẽ đó NR dự đoán Nga đếch dám tấn công Litva. Nga đang bị sa lầy ở Ukraina thì lấy sức đâu mà đọ với NATO? Nhiều người cũng cho rằng Tập Cận Bình sẽ gây khó khăn eo biển Đài Loan khi tuyên bố eo biển Đài Loan là của riêng TC, nên có thể gây ra thế chiến? Đúng, nếu TC ngăn cản đường biển quốc tế ngang qua eo biển Đài Loan sẽ xảy ra thế chiến. Nhưng cũng vì khả năng xảy ra thế chiến nên Tập Cận Bình đếch dám làm căng vì chưa đủ tuổi so với Mỹ. Bởi TC chưa hoàn thiện tàu sân bay thứ ba trong lúc Mỹ có hàng chục tàu sân bay thì TC lượng sức chưa dám đối đầu, chỉ hù dọa bằng mồm. Hai Goliath khổng lồ đang bị hai David tí hon Đông và Tây chọc gậy bánh xe tức ói máu, không biết có loạn trí làm liều?  
......

Thấy gì từ cuộc trả lời phỏng vấn của tướng Lê Văn Cương?

Thao Ngoc Sau khi Nga xua quân xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, thì những kẻ cuồng Nga và Putin rêu rao rằng, Nga đánh Ukraine là chính đáng, là tiêu diệt quân phát xít mới, là trừ hậu họa cho thế chiến thứ ba.v.v. Một trong số những kẻ to mồm nhất là tướng Lê Văn Cương. Sau khi khẳng định chắc chắn như đinh đóng cột rằng, Nga không thể sa lầy tại Ukraine được, thì ông tướng này mạt sát tổng thống Volodymyr Zelensky là thằng hề, và lớn tiếng khẳng định rằng “Thằng hề 43 tuổi làm sao đọ được với Putin KGB 70 tuổi được”. Thật ra tướng Cương cũng chỉ là công cụ tuyên truyền như cái loa phường mà thôi. Và nay khi Nga bị sa lầy và thất bại nặng nề tại Ukraine,và sau mấy tháng im hơi lặng tiếng, thì vào ngày 23/6 vừa qua, tướng Lê Văn Cương lại xuất hiện và có cuộc trả lời phỏng vấn VTC Now. Tóm tắt lời của tướng Cương như sau: 1.Nga không đánh giá được tinh thần của quân đội Ukraine lúc này khác 180 độ với năm 2014, khi Nga chiếm Krym 2. Nga không lường được việc Mỹ và EU chưa bao giờ đoàn kết, kiên quyết trong việc cô lập Nga như bây giờ. Các biện pháp cấm vận của Phương Tây nghiệt ngã và tạo ép phê lớn cho Nga chứ không phải gãi ngứa như hồi 2014. Hậu quả của đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ và EU làm cho nền kinh tế Nga gần như kiệt quệ. 3.Nga giảm dự trữ ngoại tệ bằng đồng đô la, nhưng lại tăng dự trữ ngoại tệ bằng đồng Euro và đồng bảng Anh, là si lầm. Và ông chua chát nói rằng “Nga chỉ biết mình mà không biết người nên chịu tổn thất lớn và không đạt mục tiêu”. Nhiều người cho rằng như vậy là tướng Cương không còn cương nữa, và đã “quay xe”, là “nhổ ra rồi liếm lại”, là “trái tim lầm chỗ để trên đầu”, nên giờ biết đâu là bờ.v.v.. Nhưng không phải như thế. Tướng Cương không hề quay xe gì cả. Những kẻ coi Nga và Putin là tượng đài, là thứ tôn giáo tuy không thờ cúng nhưng không bao giờ phai mờ, thậm chí còn rực cháy để tạo nên đội quân bất tử ở Hà thành, thì không hề có việc quay xe. Nên nhớ rằng “Cà cuống chết đến đít vẫn còn cay” nhé. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao VTC lại đưa tướng Cương lên diễn đàn lúc này và nhằm mục đích gì? Là vì sau khi Nga xâm lược Ukraine, thì gần như toàn bộ hệ thống truyền thông VN ủng hộ Nga và tin rằng Nga sẽ nuốt chửng Ukraina trong một thời gian ngắn. Nhưng đến nay cục diện chiến trường không như kỳ vọng của họ. Vì vậy họ dùng tướng Cương đóng vai trò “hà hơi thổi ngạt”, làm liều doping để kích thích tinh thần cho những kẻ mất niềm tin vào chiến thắng của Nga. Tướng Cương biện minh rằng “Nga có quyết tâm và có tiềm lực quân sự khổng lồ thì…”. Tướng Cương không dám nói hết ý vì sợ hố như lần trước. Thứ hai, tướng Cương biện hộ rằng, đây thực chất là cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ. Ý muốn nói rằng nếu Nga thua là thua Mỹ và NATO chứ không phải thua “thằng hề Zelensky”. Nên nhớ trước khi Nga hành động, chẳng lẽ một trùm mật vụ KGB như Putin mà không hiểu điều này sao? Khi yêu cầu trả lời câu hỏi rằng, trong cuộc chiến tiêu hao kéo dài này, ai là người chiến thắng? Thì không biết có phải do tiếng nói lương tâm thôi thúc, hay theo kịch bản của VTC, ông nói rằng: “Cuộc chiến này kéo dài hay không phụ thuộc vào Hoa Kỳ… Bản chất cuộc chiến đã thay đổi từ ngày 24/4, ngày mà bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến thăm Ukraine, và ngày hôm sau 25/4, khi trở về Ba Lan, ông Lloyd Austin nói rằng: “Các bạn Ukraine mong muốn giành chiến thắng. Hoa Kỳ ủng hộ họ giành chiến thắng…Mục tiêu của Hoa Kỳ sau ngày 24/4 là họ quyết tâm dồn kinh phí và vũ khi để đánh bại Nga”. Có thể thấy rằng VTC đã đưa tướng Cương không chỉ là hà hơi tiếp sức cho bộ máy tuyên truyền của mình. Mà còn muốn mở một con đường lùi. Nếu như Nga không đủ sức đương đầu với Mỹ và EU, lại được sự ủng hộ rộng rãi không những khối EU vững mạnh, mà còn được sự hậu thẫn mạnh mẽ của những người có lương tri và yêu chuộng hòa bình thế giới. Thì không phải Putin thua Zelensky, mà là Nga thua Mỹ và EU vì những sai lầm như đã nói trên. Đây cũng là cách “rửa mặt”cho tuyên giáo VN,là cách mà tuyên giáo VN muốn chừa một lối thoát nếu bị dồn vào chân tường. cũng là dịp để tướng Cương lấy lại hình ảnh sau khi bị ném đá sau những phát ngôn cực đoan và nông cạn của mình. Thiết tưởng cũng nên dành lời khen cho tướng Lê Văn Cương và ngành tuyên giáo VN, khi đã nhìn ra tương lai của cuộc chiến này. Dù muộn còn hơn không! (https://www.youtube.com/watch?v=1_xaLWXaDE0) Thao Ngoc 25/6
......

Việt Nam - Campuchia đồng sàng dị mộng

Việt Tân Hôm 20 Tháng Sáu, 2022, nhà lãnh đạo Campuchia Hunsen tổ chức rầm rộ Lễ kỷ niệm lần thứ 45 năm “Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot”. Đặc biệt, lễ kỷ niệm này còn mời đích danh Thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính tham dự. Tại buổi lễ, ông Hunsen không tiếc lời ca ngợi tình "hữu nghị truyền thống gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia", đồng thời "bày tỏ cảm ơn sâu sắc đối với sự giúp đỡ của Quân đội và nhân dân Việt Nam đối với Campuchia trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng". Đối với nhiều nhà quan sát, sự nồng nhiệt của ông Hunsen đối với Việt Nam giống như "trò chơi chính trị", hơn là tình cảm chân thành. Gạt sang một bên những lời ca ngợi sáo rỗng, những hành động gần đây của ông Hunsen mang đến sự nguy hại cho Việt Nam nhiều hơn là lợi ích. Chỉ mới hôm 8 Tháng Sáu, 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Wang Wentian đã động thổ dự án cải tạo căn cứ hải quân Ream, nơi Mỹ lo ngại căn cứ này được cải tạo để dành cho quân đội Trung Quốc sử dụng độc quyền. Căn cứ hải quân Ream chỉ cách đảo Phú Quốc vẻn vẹn 30km, Trung Quốc hiện diện quân sự, đưa chiến hạm trấn giữ, tàng trữ v.ũ kh.í tại đây sẽ tạo ra sự đe doạ lớn cho an ninh Việt Nam. Dù cho phía Campuchia liên tục bác bỏ sự hiện diện của Trung Quốc, thế nhưng các thông tin tình báo được thu thập cho thấy những lời phủ nhận trên chỉ là cách đánh lạc hướng. Từ lâu, Việt Nam đã dành cho Campuchia sự giúp đỡ to lớn. Chính phủ Hunsen hiện nay do Việt Nam dựng lên sau khi đánh bại Polpot vào năm 1979. Dù về mặt công khai, Campuchia luôn ca ngợi công ơn của Việt Nam, thế nhưng thực tế thì vai trò của Hà Nội ngày càng trở nên mờ nhạt. Thậm chí, việc cho Trung Quốc sử dụng căn cứ Ream, đã cho thấy Campuchia không thèm đếm xỉa đến những lo ngại của "người anh em" Việt Nam. Nhận định về phản ứng của Việt Nam trước một Campuchia đang dần rơi vào tay Trung Quốc, nhà bình luận Sơn Hồng Đức dẫn lại ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu ngoại giao Việt Nam, nhận định rằng: "Việt Nam gần như không có chiến lược gì để ứng phó trước các hành động “Trung Quốc hoá” như của Campuchia vừa rồi. Việt Nam chỉ có thể cố gắng níu kéo Campuchia thông qua các “lời nói suông” để ru ngủ các quan chức nước láng giềng cộng sản này. Điều này cũng thể hiện sự lạc hậu trong các học thuyết đối ngoại của Việt Nam,..." Ngô Đồng  
......

Kaliningrad có dẫn tới chiến tranh Nga – NATO?

Người dân Lithuania treo lên hàng rào nhà ga, nơi các chuyến tàu từ Moscow đến Kaliningrad đi qua, hình ảnh về cảnh tang tóc, tàn phá ở Ukraine để phản đối cuộc xâm lược của Putin. Hôm 18 tháng Sáu chính phủ Lithuania đã quyết định cấm vận chuyển một số loại hàng hóa của Nga qua lãnh thổ nước này, gây căng thẳng giữa hai nước. Ảnh Paulius Peleckis/Getty Images Kaliningrad - vùng đất cực Tây của Nga - trở thành điểm nóng xung đột mới giữa Nga và phương Tây Hiếu Chân - SaiGon nhỏ Cuộc đối đầu giữa Nga và Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa bắt đầu một điểm nóng mới ở vùng đất Kaliningrad trên bờ biển Baltic, có nguy cơ dẫn tới sự đụng độ quân sự giữa hai thế lực lớn nhất châu Âu. Lưỡi dao găm ở trái tim châu Âu Kaliningrad Kaliningrad là một vùng lãnh thổ của Nga nhưng nằm cách xa nước Nga, bị kẹp giữa biển Baltic và hai nước Ba Lan, Lithuania. Vốn là tỉnh Konigsberg của xứ Đông Phổ thuộc Đức – nơi sinh của triết gia nổi tiếng Immanuel Kant, vùng đất này đã được giao cho Nga theo thỏa thuận Potsdam phân chia lãnh thổ Đức Quốc xã sau khi Berlin đầu hàng Đồng Minh Tháng Tám 1945 và được đổi tên thành Kaliningrad, theo tên của nhà lãnh đạo cộng sản Liên Xô Mikhail Kalinin. Sau khi sáp nhập vùng đất này, Nga đã trục xuất toàn bộ cư dân Đức và chuyển người Nga từ các nơi khác đến. Chính quyền Xô Viết đầu tư xây dựng Kaliningrad thành một hải cảng lớn, không bị đóng băng như các hải cảng khác của Nga, một trung tâm ngư nghiệp và một căn cứ quân sự lớn, nơi đặt đại bản doanh của Hạm đội Baltic của Hải quân Nga. Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ cuối năm 1991, Kaliningrad bị cô lập với nước Nga, nằm lọt giữa các quốc gia không thân thiện là Ba Lan và Lithuania (người Việt quen gọi là Litva) – hai thành viên của NATO. Nhưng Moscow đã có cách làm riêng: Biến Kaliningrad thành một pháo đài tiền phương trong nỗ lực chống lại cái gọi là “những chính sách thù địch” của NATO. Ở đó, Nga có nhiều đơn vị quân đội đồn trú, bố trí những vũ khí tân tiến như hỏa tiễn Islander và nhiều hệ thống phòng không lớn. Khi Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đáp trả việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO hồi Tháng Tư, một nhà lãnh đạo Lithuania nói rằng Nga đã bố trí vũ khí hạt nhân ở Kaliningrad nên lời đe dọa đó không có gì mới.  Do vị trí đặc thù và năng lực quân sự mạnh mẽ của Kaliningrad, một cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ đã gọi đây là “lưỡi dao găm của Nga ở trái tim châu Âu”. Tuy nhiên, do cách xa lãnh thổ chính của Nga hơn 200 dặm, mọi hoạt động tiếp liệu và hàng hóa cho Kaliningrad đều phụ thuộc vào vận chuyển bằng xe lửa từ Nga băng qua lãnh thổ Lithuania hoặc từ Belarus qua lãnh thổ Ba Lan. Căng thẳng từ một lệnh cấm vận Ngày 18 Tháng Sáu 2022 vừa qua, Lithuania công bố ngừng việc vận chuyển hàng hóa Nga qua lãnh thổ của họ để đến Kaliningrad theo quyết định cấm vận Nga của Liên minh châu Âu (EU). Moscow lập tức phản ứng bằng lời đe dọa trả đũa nếu Lithuania không rút lại lệnh cấm đó.  Lệnh cấm vận chuyển của Lithuania – một đất nước chỉ có 2.8 triệu dân – chỉ áp dụng cho những mặt hàng trong danh sách cấm vận của EU như kim loại, đồ điện tử và vật liệu xây dựng. Theo gói biện pháp cấm vận của EU, than đá sẽ bị cấm từ Tháng Tám, còn dầu thô và các sản phẩm xăng dầu sẽ bị cấm từ Tháng Mười Hai năm nay. Nhiều quan sát viên cho rằng, Nga đang sử dụng cảng Kaliningrad để xuất cảng hàng hóa, né tránh các biện pháp cấm vận của phương Tây cho nên lệnh cấm của Lithuania làm cho hoạt động xuất cảng đó bị chặn đứng. Để biện minh cho quyết định của mình, chính phủ Lithuania nói họ không đơn phương, tùy tiện áp đặt các biện pháp hạn chế mà hành động theo đúng luật lệ của EU; hành khách và các mặt hàng nằm ngoài danh sách bị cấm vẫn được vận chuyển “không bị gián đoạn” tới Kaliningrad. Nhưng các quan chức lãnh đạo Kremlin đã lập tức nổi nóng. Nikolai Patrushev – cựu tướng tình báo, hiện là Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, nhân vật có quyền lực lớn nhất sau Tổng thống Vladimir Putin và là người được cho là sẽ tạm cầm quyền trong những ngày ông Putin phải nằm bệnh viện để điều trị ung thư – đã đến thăm Kaliningrad hôm Thứ Ba 21 Tháng Sáu. Ở đó ông ta tố cáo hành động của Lithuania “vi phạm luật pháp quốc tế”. “Chắc chắn nước Nga sẽ phản ứng với một hành động thù địch như vậy. Hậu quả sẽ có những tác động tiêu cực trầm trọng đến nhân dân Lithuania,” ông Patruhsev nói với truyền thông nhà nước Nga.  Anton Alikhanov, Thống đốc Kaliningrad nói rằng lệnh cấm của Lithuania ảnh hưởng tới một nửa lượng hàng hóa mà vùng lãnh thổ này tiếp nhận từ Nga. “Chúng tôi coi đây là một sự vi phạm nghiêm trọng quyền vận chuyển tự do đến và đi khỏi vùng Kaliningrad”, ông Alikhanov viết trên Twitter. Video trên các mạng xã hội cho thấy cảnh người dân Kaliningrad đổ xô đi mua hàng ở các siêu thị vì sợ sẽ không còn hàng hóa trong tương lai gần. Các nhà lãnh đạo Lithuania khẳng định không có “sự phong tỏa” nào đối với Kaliningrad và nhanh chóng chỉ ra việc Nga phong tỏa các hải cảng của Ukraine trên bờ biển Hắc Hải đã làm gián đoạn nguồn cung cấp lương thực, đẩy giá lương thực thực phẩm lên cao và có nguy cơ gây ra nạn đói diện rộng trên toàn cầu. “Thật nực cười khi nghe lời cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế từ một nước đang vi phạm mọi hiệp ước quốc tế,” Thủ tướng Lithuania Ingrida Simonyte nói với báo chí, theo trích dẫn của Reuters. Một cuộc chiến tranh mới? Các nhà phân tích cho rằng, Moscow đang bị sa lầy trong vụ xâm lược Ukraine nên sẽ không có khả năng phát động một cuộc chiến tranh nữa ở Âu châu. Và bất kỳ cuộc tấn công nào vào Lithuania sẽ tự động kích hoạt hiệp ước phòng thủ hỗ tương của NATO, theo đó một thành viên bị tấn công có nghĩa là cả NATO bị tấn công và tổ chức này sẽ đáp trả. Cho đến nay, NATO đã cố tránh xung đột quân sự với Nga, đã không can dự trực tiếp vào cuộc chiến tranh Nga-Ukraine với lý do Ukraine không phải là thành viên của NATO. Nhưng nếu Moscow động binh đánh Lithuania thì tình hình có thể thay đổi trong chớp mắt. Đức, nước chịu trách nhiệm chính về phòng thủ ở vùng Baltic, gần đây đã tăng cường năng lực chiến đấu ở ba nước nhỏ được coi là xung yếu này và tuần trước Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đến Lithuania xem xét tình hình chuẩn bị. Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định Washington sẵn sàng bảo vệ các đồng minh NATO trong trường hợp Nga phát động chiến tranh chống Lithuania hoặc Ba Lan.  Từ lâu một số quan sát viên ở phương Tây đã lo ngại Nga sẽ dùng vũ lực để chiếm một hành lang đường bộ kết nối vùng Kaliningrad với nước chư hầu Belarus, qua dải đất hẹp dài 65 km gọi là Suwalki Gap thuộc Ba Lan nhưng giáp biên giới Lithuania. Truyền hình nhà nước Nga đã bắt đầu lớn giọng tố cáo phương Tây chuẩn bị gây ra Thế Chiến thứ Ba. Bộ trưởng Quốc Phòng Lithuania Arvydas Anusauskas hôm nay Thứ Tư cảnh báo mối nguy xâm lược của Nga. “Khi bạn có một lực lượng quân đội được cai trị bởi những kẻ ngu dốt – tôi xin lỗi phải nói như vậy – thì tất nhiên chuyện gì cũng có thể xảy ra”. Do phần lớn quân đội Nga đang bị cầm chân ở Ukraine nên nếu xảy ra xung đột quân sự ở vùng Baltic, có khả năng Nga sẽ phải dùng những lực lượng không quy ước, như chiến tranh mạng hoặc thậm chí vũ khí hạt nhân. Nhưng cũng có nhiều ý kiến dự đoán Nga sẽ không tấn công quân sự vào Lithuania mà sẽ gây sức ép kinh tế. Hôm Thứ Tư 22 Tháng Sáu, một thành viên Quốc Hội Nga là Leonid Slutsky nói với hãng tin nhà nước Nga RIA Novosti rằng Moscow có thể loại Lithuania ra khỏi mạng lưới cung cấp điện BRELL. Thủ tướng Kaja Kallas của Estonia – một nước Baltic lân cận thì nghĩ rằng sẽ không có tấn công quân sự mà Nga chỉ cố gây áp lực để buộc EU phải nới lỏng cấm vận kinh tế. “Nga rất giỏi lợi dụng nỗi sợ hãi của chúng ta để ép chúng ta phải lùi bước sau những quyết định của mình,” bà Kallas nói với hãng tin AP. Ba nước nhỏ vùng Baltic – Lithuania, Latvia và Estonia – vẫn dựa vào nguồn điện của Nga. Nhưng từ năm ngoái, dự đoán trước quan hệ với Nga sẽ xấu đi, Lithuania đã chủ động tìm cách kết nối vào mạng lưới điện châu Âu qua ngả Ba Lan. Hôm Thứ Tư, Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda nói với Reuters rằng ông không nghĩ sẽ có chiến tranh với Nga nhưng đã sẵn sàng ứng phó nếu Nga cắt nguồn điện cung cấp cho nước ông. Nên để ý Lithuania là nước EU đầu tiên ngừng nhập cảng khí đốt của Nga và nước này cũng đã ngừng nhập cảng dầu, giảm bớt nhập cảng điện từ Nga. https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/kaliningrad-co-dan-toi-chien-tranh-nga-nato/  
......

Đề nghị lôi cổ Bùi Thanh Hiếu về Việt Nam trị tội vu khống?

Nguyễn Xuân Phúc  - Trần Thi Nguyệt Thu Thao Ngoc Trong khi vụ Việt Á đang căng như dây đàn, như một vở bi-hài kịch đang gây căng thẳng và hồi hộp trong dư luận vì không biết kịch bản sẽ dẫn dắt người xem vào ngõ rẽ nào.   Trong khi dư luận đang lo cho cái lò tôn của ông chủ lò sẽ không còn chỗ chứa vì rất nhiều loại củi của vụ Việt Á đã được ào ạt và liên tục tống vào đây.   Trong khi dư luân đang rất chú ý sau khi hai tên đại lưu manh là Nguyễn Thành Long và Chu Ngọc Anh, cùng hàng loạt đàn em khác đã phải tra tay vào còng. Và câu hỏi lớn nhất trong vụ này được đặt ra mà chưa có câu trả lời thỏa đáng: Ai là trùm cuối mà có thế sai khiến được hai vị Ủy viên trung ương, sai khiến được cả học viện quân y, mà Phan Quốc Việt chỉ là con tốt thí? Nguyễn Thành Long (trái) -  Chu Ngọc Anh (phải)   Trong khi oan hồn hàng chục nạn nhân chết oan do do bọn chúng gây ra đang vật vờ đâu đó vì bao giờ chưa lôi được kẻ chủ mưu ra ánh sáng thì họ chưa được yên nghỉ. Và riêng tại thành Hồ đã có hơn hai ngàn trẻ mồ côi mất cả cha lẫn mẹ do bọn chúng gây ra, ai phải chịu trách nhiệm về tội giết người hàng loạt gây hậu quả nghiêm trong này?   Dư luận càng hết sức phẫn nộ khi biết rằng trong quá trình khám xét nhà của hai tên quan tham cựu bộ trưởng này, ngoài hai căn biệt thự giá hàng chục triệu đô mỗi căn, người ta đã phát hiện chúng còn có 19 triệu USD chưa kịp tẩu tán. Vậy của chìm của nổi của chúng là bao nhiêu, và tài sản khổng lồ của những kẻ sai khiến bọn chúng là bao nhiêu, và con số 800 tỉ hối lộ đã chính xác chưa hay còn gấp nhiều lần như thế?   Thì trên Blog của Bùi Thanh Hiếu (BTH), còn có biệt danh là Người buôn gió hiện đang sống ở Đức, và một số theo đóm ăn tàn khác tại xứ tư bản giãy chết, đã nói rằng: Trùm cuối trong vụ Việt Á này là cựu thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nay là đương kim chủ tịch nước CHXHCNVN. (https://nguoibuongio1972.blogspot.com/)   Theo BTH: Tô Lâm cần phải cho nổ tung vụ này thời kỳ ông Phúc làm thủ tướng ra, mục đích để hạ ông Phúc và khóa sau TL ngồi vào ghế tứ trụ?   BTH viết tiếp: “Ai là người có thể chỉ đạo bộ và học viện phối hợp với Việt Á, ai là người có quyền lực như thế lúc đó, ai là người sau này thúc đẩy cho Việt Á nhận huân chương, ai là người khiến các tỉnh thành không chút e dè mua bộ thử của Việt Á và thản nhiên nhận tiền như nhận huy chương...ai là thế lực mạnh ở thời điểm đó? ... Mọi con đường đều dẫn đến Nguyễn Xuân Phúc, người đủ ảnh hưởng sâu rộng để Việt Á có điều kiện gây nên vụ làm ăn lớn như vậy”.   Trên Fb của Nhân Tuấn Trương thì viết: “Trùm cuối tìm đâu xa. Họ phải là (những) người chủ trương “chống dịch như chống giặc…Cái gọi là “nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” như cái thây ma thúi nát. Hệ thống Việt Á là một trong những con giòi đang rỉa rói cái thây ma này”.   Fb của người có tên Hoàng Dũng, người đã công bố clip cuộc nói chuyện của đại tá Đinh Văn Nơi làm xôn xao dư luận thì viết: “Cả Bùi Thanh Hiếu và Phạm Việt Thắng gần đây đều đề cập đến Trần Thị Nguyệt Thu - vợ Nguyễn Xuân Phúc như là kẻ đứng đằng sau vụ Việt Á. Giữ an toàn, Thắng không thể nói rõ tên như Hiếu. Nhưng để viết được như vậy, không thể không có nguồn tin vững chắc hoặc bằng chứng đáng tin cậy”.   Nên biết rằng ngài thủ tướng cờ lờ mờ vờ kính yêu của chúng ta đang lo xây dựng bảy tám cái đầu tàu chưa xong, và ngài thiếu gì tiền, hơi sức đâu mà dính đến vụ Việt Á?   Đề nghị ngăn chặn mạng Internet không cho tồn tại tại VN.   Vì sự nguy hiểm của mạng Tinternet nó lột trần và phơi bày ra ánh sáng để người dân có thể nhìn vào tận cùng hang hốc của những vấn đề mà lẽ ra phải đưa vào diện bí mật quốc gia. Vì vậy đề nghị không để cho Internet tự do lưu hành tại VN, mà phải có mạng độc quyền như TQ.   Ngày 8/11/2019, Ông Nguyễn Mạnh Hùng, bộ trưởng 4 T đã hùng hồn tuyên bố rằng: “90 triệu người sẽ dùng mạng xã hội Việt Nam”. Và nếu điều này trở thành hiện thực thì thằng rể Tàu Mark Zuckerberg chỉ có ăn cám. Và lúc đó người VN sẽ tự hào dùng hàng VN chất lượng cao.   Đến lúc đó thì Ts Nguyễn Sĩ Dũng không còn phải than thở rằng: "Nếu được chiến đấu sòng phẳng, không lý gì báo chí thua mạng xã hội". Và ông chủ tịch hội nhà báo VN,nhà thơ Thuận Hữu cũng không còn phải kêu ca rằng: “ Có lẽ không có nước nào như VN, hỡ mở máy ra là thấy chửi từ trên xuống dưới không chừa một ai”. Vì lúc đó truyền thông VN một mình một chợ, tha hồ “múa tay trong bị, múa gậy vườn hoang”.   Đến lúc đó có lẽ không chỉ có vài ba cô gái dám lột trần truồng như nhộng, đứng hiên ngang tạo “dáng đứng VN” trên xe, cho người qua đường tự do sờ mó, hôn hít và nhảy múa ăn mừng đội U23 VN vô địch SEA Games. Mà có thể có hàng ngàn cô gái khác cũng làm như thế. Vì không còn những tiếng ghèm pha chê bai trên MXH, coi đó là những con điên. Nhưng tại sao đến nay nó vẫn sống nhăn răng là sao?   Trước đây nhà thơ Giang Nam bị cho là tục tĩu và vô văn hóa khi dám đem Chim và Bướm ra để ví với lòng yêu quê hương trong câu thơ “ Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm”. Thì nay NBG dám xúc phạm vị chủ tịch nước yêu quý của chúng ta, và coi ông là trùm cuối trong vụ Việt Á nhơ nhuốc và bẩn thỉu này, thì cần lôi cổ anh ta về VN trị tộị. Như đã từng bắt Trịnh Xân Thanh về VN đầu thú đó sao.   Nói như bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng rằng: “Người VN có thể làm được những cái mà thế giới không làm được”.   21/6
......

Liên hiệp Châu Âu phải thâu nhận Ukraine sớm

Ngô Nhân Dụng Cuộc xâm lăng Ukraine của Vladimir Putin phá vỡ bầu không khí hòa bình đó cũng như tinh thần tương thân, chấp nhận sự khác biệt giữa các dân tộc, tôn trọng chủ quyền các nước khác. Tức là tấn công thẳng vào nền tảng của Liên hiệp Châu Âu. Quân Nga dồn lực lượng cố chiếm hết hai tỉnh miền Donbas, đang thắt chặt vòng vây trên hai thành phố lớn, Sievierodonetsk và Lysichansk. Hàng ngàn quân Ukraine còn tử thủ, không biết được bao lâu. Quân đội Ukraine cố bảo toàn lực lượng vì quân số và vũ khí quá nhỏ so với quân địch. Chiến tranh dai dẳng bất phân thắng bại, báo chí và các đài truyền hình trên thế giới không loan tin các biến cố lớn nhiều như trước. Ông Vladimir Putin cũng muốn loài người lãng quên cuộc chiến này. Nhưng Ukraine vẫn chiến đấu, Tổng thống Volodymyr Zelensky vẫn yêu cầu các đồng minh gửi cho các vũ khí mạnh hơn. Bộ trưởng quốc phòng Dmytro Kuleba mới ngỏ lời cảm ơn chính phủ Mỹ hứa một tỷ đô la viện trợ quân sự mới, nhấn mạnh rằng Ukraine cần những vũ khí hạng nặng. Ngày Thứ Năm 16 tháng 6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người từng khuyến cáo không nên để cho ông Putin mất thể diện, vẫn nói nước Pháp muốn Ukraine chiến thắng. Ông loan báo sẽ gửi tiếp sáu dàn đại pháo thêm vào 12 đơn vị xe tải chở “howitzers” đã tặng từ trước. Thủ tướng Olaf Scholz cho biết nước Đức sẽ gửi thêm những dàn phóng hỏa tiễn, do thỏa thuận với Mỹ và Anh quốc. Tuần trước, thủ tướng Anh Boris Johnson bất ngờ đến thăm Kyiv, sẽ cung cấp thêm các hệ thống phòng không cho Ukraine. Nước Anh sẽ tiếp tục huấn luyện cho quân đội Ukraine sử dụng các vũ khí mới, 10 ngàn người trong mỗi ba tháng. Nhưng nguồn viện trợ lớn nhất là nước Mỹ. Viện Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu Kiel, trụ sở ở Đức, mới phúc trình về số viện trợ quân sự cho Ukraine. Nước Mỹ đứng đầu, sau đến Ba Lan, Anh quốc, Canada, Na Uy rồi đến Estonia và Latvia. Hai nước miền Baltic này viện trợ cho Ukraine nhiều hơn cả các cường quốc kinh tế Pháp, Đức và Italy! Nước Latvia chỉ có 1.8 triệu dân với tổng sản lượng dưới 34 tỷ mỹ kim; kinh tế Estonia là 31 tỷ, và dân số chỉ có 1.3 triệu; nhưng cả hai đã từng bị sáp nhập vào Liên bang Xô Viết cho nên thông cảm mối lo của dân Ukraine. Nước Mỹ đóng góp 48% vào tổng số viện trợ vũ khí, không kể các món trợ giúp khác cho ngân sách quốc phòng. Những khí cụ như hỏa tiễn, đại pháo, trực thăng cũng chỉ chiếm 10% tổng số quân phí Mỹ giúp chính phủ Zelensky. Ba Lan đứng hạng nhì, số viện trợ của Ukraine gần bằng một nửa của Mỹ; trong khi nước Anh chỉ bằng một phần tư. Cuộc chiến Ukraine đe dọa tất cả các nước Âu châu, nhưng số viện trợ của cả Liên hiệp Âu châu chỉ bằng hai phần ba của Mỹ. Tuy nhiên Âu châu có thể hỗ trợ Ukraine mở một mặt trận mới, chính trị và ngoại giao. Dân Ukraine đã chứng tỏ họ muốn gia nhập Liên hiệp Châu Âu (EU), xác định họ là một phần của Châu Âu, để tách khỏi ảnh hưởng của Nga, một đế quốc đã từng coi Ukraine như một vùng phụ thuộc. Ông Putin đã quả quyết rằng Ukraine chỉ là một vùng của nước Nga, không phải là một dân tộc, một quốc gia! Năm 2014 dân Ukraine đã nổi lên lật đổ một tổng thống thân Nga vì ông ta không muốn tiếp tục việc gia nhập EU. Ông Putin nhân đó đưa quân xâm chiếm bán đảo Crimea và một phần vùng Donbas ở phía Đông Ukraine, xúi dục người nói tiếng Nga ly khai, mở đầu cho cuộc chiến tranh bây giờ. Trong thực tế, hầu hết dân Ukraine đều biết nói tiếng Nga, một nửa dùng cả hai ngôn ngữ, một số hàng ngày chỉ nói tiếng Nga. Trong lúc đang kháng cự quân Nga xâm lược, chính phủ Ukraine vẫn tiến hành việc xin gia nhập Liên hiệp Châu Âu. Thứ Năm tuần này, bốn người lãnh đạo Âu châu đã đi xe lửa tới Kyiv. Tổng thống Emmanuel Macron (Pháp), Klaus Iohannis (Romania) và hai thủ tướng Olaf Scholz (Đức), Mario Draghi (Italy) lên tiếng cam kết sẽ thúc đẩy tiến trình thâu nhận Ukraine vào Liên hiệp. Trong tuần tới, Hội đồng Liên hiệp Châu Âu sẽ họp để cứu xét đơn xin gia nhập của Ukraine cùng với Moldova và Georgia, hai nước đã từng mất chủ quyền vì bị Liên bang Xô Viết chiếm sau Đại chiến Thứ Hai. Nhưng thủ tục gia nhập EU sẽ kéo dài vì cần được 27 quốc gia thành viên chấp nhận. Muốn gia nhập EU, các nước phải chứng tỏ họ tôn trọng các quyền tự do dân chủ, theo kinh tế thị trường, thượng tôn pháp luật, diệt trừ tham nhũng, vân vân. Tiến trình có thể có thể lâu hàng chục năm, như các nước vùng Balkan là Serbia và Montenegro đang chờ đợi. Những nước này vốn nằm trong Liên bang Nam Tư, chế độ và xã hội vẫn còn những di sản của thời cộng sản cũ. Quốc gia sau cùng được thâu nhận vào EU là Croatia, từ hàng chục năm trước cũng từng nằm trong nước Nam Tư. Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của liên minh quân sự NATO, đã chờ được gia nhập EU từ năm 1987! Những quốc gia chống việc mở rộng EU mạnh nhất là Đan Mạch và Hòa Lan. Hai nước này đã ủng hộ Ukraine chống quân Nga xâm lăng, nhưng không biết họ có sẵn sàng mở cửa EU cho các nước cựu cộng sản hay không. Hội đồng Liên hiệp EU có thể mở cánh cửa đầu tiên, công nhận các nước trên là các “ứng viên chính thức” trong phiên họp tới để bắt đầu các cuộc thảo luận thâu nhận. Chỉ cần mở cánh cửa đó cũng sẽ là một lời tuyên bố hùng hồn, cho thấy các nước EU xác định Ukraine là một quốc gia có chủ quyền, không khác gì nước Đức, Tây Ban Nha hay Phần Lan. Đó là một cách bác bỏ ý kiến của ông Vladimir Putin, coi Ukraine không phải là một dân tộc riêng biệt. Ông Putin đã lấy cớ tấn công Ukraine vì ý kiến xuyên tạc này. Trên nguyên tắc Liên hiệp Châu Âu chỉ là một tổ chức hoàn toàn về tương quan kinh tế, không mang tính chính trị hay quân sự. Nhưng các nước trong Liên hiệp cũng theo đuổi một lý tưởng chung là bảo vệ các định chế tự do dân chủ, đề cao tinh thần liên kết, tương trợ, vượt lên trên chủ nghĩa quốc gia cực đoan. Đó là nền tảng gìn giữ nền hòa bình trong lục địa Âu châu từ hơn nửa thế kỷ nay. Cuộc xâm lăng Ukraine của Vladimir Putin phá vỡ bầu không khí hòa bình đó cũng như tinh thần tương thân, chấp nhận sự khác biệt giữa các dân tộc, tôn trọng chủ quyền các nước khác. Tức là tấn công thẳng vào nền tảng của Liên hiệp Châu Âu. Cho nên hành động mở đường cho tiến trình thâu nhận Ukraine, Moldova, Georgia, Serbia và Montenegro vào Liên hiệp Châu Âu sẽ là một thắng lợi cho tất cả các quốc gia tự do dân chủ.
......

Ca sĩ Khánh Ly nói gì về bộ phim cuộc đời Trịnh Công Sơn?

Nhạc sĩ Tuấn Khanh - Tuấn Khanh's Blog Sau khoảng một tuần công chiếu, bộ phim Em Và Trịnh đã nhận được rất nhiều lời phê bình. Bên cạnh những lời khen ngợi về hình ảnh đẹp, âm nhạc quen thuộc, những hình ảnh ký ức Sài Gòn được phục chế, thì diễn xuất của diễn viên và nội dung kịch bản là điều bị tranh cãi rất nhiều. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều người từ chối không đi xem bộ phim của Trịnh Công Sơn, vì họ tin rằng hệ thống kiểm duyệt của nhà nước vẫn chằng chịt, nên sẽ chỉ có thể phô diễn một Trịnh Công Sơn theo ý của nhà cầm quyền mà thôi. Điều đáng nói là bộ phim này có rất nhiều chi tiết liên quan về những người còn sống, nhưng không hiểu sao đạo diễn cũng như diễn viên lại không dành nhiều thời gian tham khảo với những người có liên quan, cụ thể trong trường hợp đó là nhân vật Khánh Ly. Trên các bài báo quảng cáo về bộ phim này, đạo diễn cũng như những người thực hiện nói rằng họ rất quan tâm để tạo dựng nhân vật Trịnh Công Sơn cũng như xây dựng nhân vật nữ thay cho hình ảnh của ca sĩ Khánh Ly. Theo mô tả, đây là những chọn lựa hết sức công phu và khó khăn. Ca sĩ Khánh Ly kể diễn viên Bùi Lan Hương – ca sĩ hóa thân bà trong phim – từng gửi email, gọi điện thoại xin bà tư vấn về vai diễn. Bà Khánh Ly nói trong cuộc gọi kéo dài khoảng ba phút, Bùi Lan Hương hỏi ăn mặc sao cho ra chất của bà. “Thời trẻ, tôi giản dị, lại còn nghèo. Tôi không có tiền mua quần áo, đôi guốc bít mũi đã cũ, xộc xệch, cũng không trang điểm, đeo trang sức. Sau đó, tôi cũng không thấy ai hỏi thêm ý kiến của mình”, Khánh Ly cho biết. Câu chuyện này khiến nhiều người ngạc nhiên bởi rõ ràng về mặt tổ chức phục trang, và miêu tả nhân vật, có vẻ như đạo diễn đã phó thác cho diễn viên, chứ không có sự tổ chức chi tiết nào khác. Mọi thứ được tập trung để miêu tả nhân vật Trịnh Công Sơn, nhưng dường như chế độ kiểm duyệt đã khiến những góc cạnh thú vị có thể trình bày được cuộc đời và vai trò của họ Trịnh trong lịch sử của VNCH chỉ rõ nét hình ảnh của một thanh niên yêu đương lăng nhăng và… nhảm. “Mới lò mò đi theo Diễm như mấy thằng stalk trong phim kinh dị, xong thấy Dao Ánh phát là quên luôn nhỏ chị vừa tồn tại trên đời. Lên Đà Lạt nhớ nhung thư từ cho Ánh được chút thì theo Khánh Ly tới bến, còn viết cả vào thư khoe Ánh là anh mới quen con nhỏ này. Lúc về già cặp Michiko thì cũng hôn hít tưng bừng xong nghe tin Ánh về thăm là sáng lác mắt, báo hại cô dâu bỏ của chạy lấy người trong ngày cưới” - Trương Thiên Cơ, một người bình luận phim tự do ghi lại cảm xúc trên Facebook, “Tất cả cứ trôi qua đều đều, ải ải, hết thời lượng thì kết phim. Mà nó còn gây cho ta cảm giác Trịnh sống chỉ để đuổi theo gái”. Trong cuộc họp báo vào trung tuần Tháng Sáu công bố kế hoạch lưu diễn xuyên Việt kỷ niệm 60 năm ca hát, khi được phóng viên hỏi có đi xem qua phim Trịnh chưa, bà Khánh Ly cười và nói: “Tại sao tôi phải đi xem một bộ phim hư cấu về một con người mà tôi đã biết? Còn đáng ngạc nhiên hơn trong đó hư cấu cả tôi”. Dù bà Khánh Ly nói, rồi cười nhã nhặn trong cuộc họp báo, nhưng chi tiết này để lộ cho thấy việc sơ suất của những người làm bộ phim này khi họ không nghĩ đến chuyện gửi cho bà một tấm vé mời để được xem về chính mình trong phim. Sai lầm của bộ phim Em và Trịnh được nhiều người mô tả cho thấy rằng đây là một bộ phim giải trí đơn thuần, nhưng đạo diễn ham muốn diễn đạt như là bức chân dung điện ảnh về cuộc đời một nhân vật nổi tiếng đang được chế độ bơm đẩy, khiến nhiều chi tiết phải gồng gánh những phần lịch sử không thể làm rõ trong chế độ kiểm duyệt. Ngân sách làm bộ phim lên đến 50 tỷ. Thăm dò từ của những người theo dõi việc ra mắt bộ phim này cũng cho thấy rằng hầu hết là tò mò để xem một Trịnh Công Sơn được diễn đạt trên phim như thế nào, nhưng không có quá nhiều hi vọng về một bộ phim hay. Cũng có nhiều người trẻ xem phim để được thấy một Sài Gòn cũ trước năm 1975 là như thế nào. Thế nhưng những chi tiết không đúng về lịch sử cũng như mập mờ tạo ra những nghi vấn về cái chết của nhân vật Ngô Kha – vốn vẫn chưa có lời kết trong lịch sử về cái chết của ông ta tại Huế, là điều đáng trách của những người viết kịch bản. “Khi bạn kiếm ăn bằng cách khai thác di sản Việt Nam Cộng Hoà, nếu bạn không dám, không thể nói đúng về chế độ này, thì ở mức đạo đức tối thiểu, bạn cũng đừng nói xấu. Nếu vi phạm nguyên tắc đạo đức tối thiểu này, bạn chỉ là rác rưởi”, nhà văn Trà Đoá, sống ở Sài Gòn, nói về bộ phim qua những tình tiết được coi là không đúng với lịch sử. Hoàng Lê, một nữ khán giả xem phim, người đã sống qua những năm tháng của Sài Gòn cũ, chỉ ra vài chi tiết bất hợp lý trong phim: “Ngoài lỗi kiến thức dẫn đến dàn dựng sai như cảnh quân cảnh lái xe Jeep chặn bắt Trịnh Công Sơn đang chở bạn gái bằng xe đạp ngoài đường để đưa về thẩm vấn vì sao sáng tác nhạc ca ngợi hoà bình, còn có cảnh khi còn ở B’lao (Bảo Lộc), chưa về biểu diễn tại Sài Gòn, khi nghe nói nữ ca sĩ Joan Baez của Mỹ đã ví cặp Khánh Ly – Trịnh Công Sơn với cặp Joan Baez – Bob Dylan, Khánh Ly-Bùi Lan Hương đã nói với Trịnh Công Sơn: “Mình đẹp đôi hơn chứ!” Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh không biết rằng Joan Baez đã gọi Trịnh Công Sơn là “Bob Dylan của Việt Nam” (Bob Dylan of Vietnam) vào năm 1970, khi phong trào phản chiến ở Mỹ đang lên cao sau Tết Mậu Thân, còn Trịnh Công Sơn lên B’lao dạy học vào năm 1964 sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Quy Nhơn và anh gặp ca sĩ Khánh Ly ở Đà Lạt vào năm 1965”. Phan Cao Hoài Nam, một nhà bình luận điện ảnh, viết trên blog: “Khi Trịnh lên B’lao dạy học, ta không thấy anh trò chuyện với học trò, với người dân, có suy nghĩ gì về thời cuộc. Tất cả bị biến thành các cảnh MV rất bực bội. Trong những mối tình, Trịnh chỉ chạy trốn và thụ động với những dòng thư hiện lên sến súa và sáo rỗng, với tần suất dày đặc vô cùng thiếu tinh tế”. Có thể nói bộ phim Em và Trịnh bị giằng xé giữa việc phục vụ giới trẻ với những tình tiết âm nhạc giải trí, và cũng muốn lôi kéo luôn những khán giả muốn biết về một mảng đời có những câu chuyện tình của họ Trịnh. Bên cạnh đó, lại pha trộn cả những hình ảnh chính trị thiên tả của ông ta, như một món quà để lọt cửa kiểm duyệt. Tất cả điều này khiến bộ phim trở thành một nồi lẩu vụng về và biến các tuyến diễn viên trở nên nông cạn trong diễn xuất, vì không biết mình phải trình bày nhân vật được phân vai theo hướng nào. Từ Sài Gòn, nhà báo Huỳnh Duy Lộc nói một cách điềm đạm: “Mình cho đây là một phim chưa hay, không có tầm. Mình tin là mai sau lịch sử sẽ đặt nó đúng vị trí”. Khi được hỏi diễn viên Bùi Lan Hương trong vai Khánh Ly có vẻ trau chuốt và điệu đà, liệu có mô tả đúng cuộc đời của bà không, bà Khánh Ly không bình luận gì mà chỉ kể lại một kỷ niệm khi đi hát với Trịnh Công Sơn, bà tập trung trình diễn đến mức bỏ cả guốc dép, đứng chân trần. Nữ ca sĩ 77 tuổi này kết thúc phần nhận định của bà về bộ phim Em và Trịnh bằng nụ cười “Có thể họ là người yêu Trịnh Công Sơn, nhưng yêu theo một kiểu khác, một kiểu nào đó.”
......

Lời khuyên của Kissinger có còn giá trị?

Tiến sĩ Henry Kissinger. Để không bỏ lỡ cuộc tranh luận lịch sử, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phản ứng ngay tức thì đối với với lời khuyên của Kissinger. Zelensky không chỉ phản đối Kissinger về mặt chính trị và chiến lược, mà còn về mặt chủng tộc. Để phê phán Kissinger: Nếu theo lời khuyên của ông thì không chỉ Ukraine, mà trên địa cầu ngày nay khó có quốc gia nào đủ đất đổi lấy hòa bình, vì tham vọng của các thế lực bành trướng là không giới hạn. Nhưng chiến tranh Ukraine đang bước sang tháng thứ tư và thế giới đã quen với khái niệm “hậu Ukraine”. Đó là một thế giới biến đổi khó lường, một kỷ nguyên hoàn toàn mới. Hơn nữa, kết thúc chiến tranh bao giờ cũng khó hơn nhiều so với khởi chiến. So, to be or not to be? Đinh Hoàng Thắng Ngày 11/6/2022, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore qua đường truyền video từ một địa điểm không được tiết lộ ở thủ đô Kiev, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố, kết cục của cuộc chiến ở đất nước ông không chỉ ảnh hưởng đến Ukraine, mà còn ảnh hưởng đến tương lai của trật tự quốc tế. Đất nước ông đang tìm cách đẩy lui quân Nga ra khỏi các khu vực mà họ đã kiểm soát kể từ đầu cuộc chiến và đang phòng thủ trước các cuộc tấn công dữ dội của Nga ở miền đông đất nước, đặc biệt là xung quanh thành phố Sievierodonetsk. Lưu ý sự ủng hộ cho đến nay từ các nước trên thế giới, ông Zelensky cho biết, điều hệ trọng là các quốc gia tiếp tục gửi viện trợ. “Tôi biết ơn sự hỗ trợ của quý vị... nhưng sự hỗ trợ này không chỉ dành cho Ukraine, mà còn cho cả quý vị nữa,” ông nói. “Các luật lệ của thế giới trong tương lai đang được quyết định trên chính các chiến trường của Ukraine, cùng với ranh giới của những điều có thể.” Kinh nghiệm từ “Chính trị thực dụng” Ranh giới mà Tổng thống Ukraine đề cập ở đây phải chăng là làn ranh giữa tự do với nô lệ, giữa bảo vệ độc lập và chủ quyền quốc gia với mất nước vào tay đế chế, giữa dân chủ pháp quyền với độc tài toàn trị. Đó là những điều đối nghịch nhau như nước với lửa, thật khó để tìm được đất để thỏa hiệp. Hơn ai hết, các nhà lãnh đạo Ukraine biết cái giá mà dân tộc quả cảm này đang hàng ngày hàng giờ phải chi trả cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Sự chống trả quyết liệt của Ukraine trên chiến trường làm nhiều cá nhân cũng như quốc gia bị kích động, muốn tranh thủ cơ hội giáng cho Nga một đòn quyết định. Trong khi đó, Tiến sỹ Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng/ Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Nixon đang bước sang tuổi bách niên, đã đưa ra một lời khuyên khác hẳn. Hôm 23/5/2022, từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Davos), ông đã một lần nữa làm dư luận dậy sóng khi khuyên Ukraine nên nhượng đất cho Nga để đổi lấy thỏa thuận hòa bình. Khi khuyên như thế, liệu Kissinger có còn minh mẫn hay đã lỗi thời? Phải chăng Kissinger định bắt chước Neville Chamberlain khi “nhân nhượng” Adolf Hitler (hồi tháng 9/1938)? Chamberlain đã ngây thơ tin rằng nếu đối xử với Hitler “một cách thực tế và nghiêm túc” thì có thể thuyết phục được Hitler về hiệu nghiệm của hòa bình. Trên thực tế, từng có một thế hệ ngưỡng mộ Henry Kissinger với các tác phẩm kinh điển về ngoại giao và Realpolitik (Chính trị thực dụng). Nhưng sau khi biết rõ những hành xử của ông trong chiến tranh Việt Nam và nội chiến Bengalis, dư luận đã phải nhìn nhận lại. Kissinger đúng là một yếu nhân trong lịch sử ngoại giao từng làm đảo lộn thế giới, nhưng bàn tay ông ấy bị cáo buộc nhúng chàm diệt chủng. Sẽ nguy hiểm và ảo tưởng nếu giờ đây lại nghe theo ông ta với “trò chơi” Realpolitik để một lần nữa làm đảo lộn trật tự quốc tế hiện hành. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một sự thật lịch sử là Kissinger đã vận dụng thành công “Cấu trúc Quyền lực” (Concert of Powers) của châu Âu cũ vào trật tự thế giới những năm 70, để Nixon bắt tay Mao chơi “lá bài Trung Quốc”, rút quân Mỹ khỏi Việt Nam “trong danh dự” và tập trung đối phó với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Giờ đây, lời khuyên của Kissinger đưa ra từ Davos thật ra không mới. Chính ông cũng thừa nhận, từ 8 năm trước đây, ông từng có ý tưởng về việc Ukraine nên được cấu thành như một nhà nước trung lập – một cầu nối giữa Nga và châu Âu chứ không phải là tuyến đầu của các nhóm kình địch nhau ở bên trong châu Âu. Theo quan điểm của Kissinger, các chuyển động hướng tới đàm phán về hòa bình cần phải bắt đầu trong hai tháng tới, trước khi nó có thể tạo ra những biến động và căng thẳng khó vượt qua hơn bao giờ hết, đặc biệt là giữa mối quan hệ cuối cùng của Nga, Gruzia và Ukraine đối với châu Âu… Lý tưởng nhất, theo Kissinger, đường phân chia nên trả lại nguyên trạng như trước đây. Cựu Ngoại trưởng cho rằng, việc tham gia cuộc chiến bên ngoài Ba Lan sẽ biến nó thành một cuộc chiến tranh, không phải vì quyền tự do của Ukraine, vốn đã được NATO thực hiện với sự gắn kết tuyệt vời, mà mà sẽ thành cuộc chiến chống lại chính Nga. Lời khuyên này của Kissinger về cách thức kết thúc cuộc chiến đã dấy lên cuộc tranh cãi về vai trò của ông trong chiến tranh Việt Nam. Với tư cách là Ngoại trưởng, Kissinger vừa leo thang chiến tranh, vừa tìm cách chấm dứt nó, không phải trên chiến trường, mà thông qua 68 lần tiếp xúc với chính khách Bắc Việt đầy quyền lực Lê Đức Thọ. Theo Thomas Alan Schwartz, Giám đốc Nghiên cứu Lịch sử tại Đại học Vanderbilt và là tác giả cuốn “Henry Kissinger and American Power”, vào cuối thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Nixon muốn người của mình thực hiện các cuộc đàm phán để kết thúc cuộc chiến, chứ không phải là người từ Bộ Quốc phòng hay từ Chính quyền Mỹ. Điều mà bản thân Nixon không lường trước được là khả năng ông Cố vấn có thể làm lu mờ chính Tổng thống của mình. Schwartz viết: “Tổng thống đã tạo ra quái vật Frankenstein của riêng mình từ Kissinger”. Đối với các nhà phê bình, “hòa bình trong danh dự” xem ra chẳng khác gì với những lựa chọn đã có sẵn ngay khi Nixon lần đầu tiên lên nắm quyền: “Kissinger và Nixon đã lãng phí bốn năm đàm phán với những người cộng sản Việt Nam, để đồng ý với các điều khoản hòa bình năm 1973 mà hầu như đã có trên bàn từ 1969”. Kết quả vẫn là, từ 2,5 đến 3 triệu người Việt và những người Đông Dương khác và 58.000 người Mỹ đã bỏ mạng. Hàng trăm người khác đã mất tích trong chiến tranh. Lời khuyên của Kissinger có “quá đát”? Để không bỏ lỡ cuộc tranh luận lịch sử, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phản ứng ngay tức thì đối với với lời khuyên của Kissinger. Zelensky không chỉ phản đối Kissinger về mặt chính trị và chiến lược, mà còn về mặt chủng tộc. Tổng thống Ukraine, vốn là một người gốc Do Thái như Kissinger, đã nhắc lại rằng, “vào năm 1938, khi gia đình Kissinger chạy trốn Đức Quốc xã, ông mới 15 tuổi, và ông hiểu mọi thứ một cách khá hoàn hảo. Không ai nghe từ Kissinger lúc đó rằng cần phải thích nghi với Đức Quốc xã thay vì chạy trốn hoặc chiến đấu với chúng”. Zelensky nói thêm: “Với lời khuyên Ukraine nên trao thứ gì đó cho Nga, các 'nhân vật địa-chính trị vĩ đại' này đã không bao giờ thấu hiểu những người Ukraine bình thường, những người đang sống trên lãnh thổ của riêng mình, mà lại đề xuất đòi họ đổi lãnh thổ ấy để lấy một nền hòa bình viển vông…” Lần này, chống lại luận điểm của Kissinger còn có thêm bỉnh bút Cal Thomas. Thomas đã viết trên phiên bản tiếng Anh của mạng majalla.com (mạng dành riêng cho thế giới nói tiếng Ả Rập): “Vừa qua là lần thứ ba kể từ khi trở thành Tổng thống, Joe Biden đã tuyên bố hồi tuần trước rằng, ông ấy sẽ cử lực lượng Mỹ đến bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc đại lục tiến hành một cuộc tấn công. Nhưng đây cũng chính là vị Tổng thống ấy đã nhanh chóng rút các lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan. Và hứa sẽ không gửi quân đến Ukraine để giúp chính phủ đó đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga”. Lý do được đưa ra là Nga là một cường quốc hạt nhân. Thế nhưng Trung Quốc cũng có hạt nhân. Vậy có gì khác biệt? Khác biệt ở đây là do vị trí địa-chiến lược của Đài Loan trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung, Mỹ không thể đánh mất Đài Loan. Biden dường như có sứ mệnh lịch sử là chuộc lại lỗi lầm cách đây ngót nửa thế kỷ của bộ đôi Nixon – Kissinger. Trong bài phát biểu ở Davos, Kissinger nói Ukraine phải nhường một số lãnh thổ cho Nga để kết thúc chiến tranh và tránh mở rộng xung đột. Kissinger đã sai! Nếu Ukraine nhượng bộ lãnh thổ cho Nga, điều đó có nghĩa là sẽ mời gọi Tổng thống Vladimir Putin chinh phạt tiếp các quốc gia khác từng nằm dưới sự kiểm soát của Liên Xô. Liệu Kissinger có đồng ý nhượng tiếp những vùng lãnh thổ ấy cho Mátxcơva để tránh “tình trạng mất ổn định” toàn cầu và tránh một cuộc xung đột có quy mô rộng lớn hơn không? Dẫu sao, vào thời điểm hiện nay, phương Tây và thế giới nói chung vẫn bị chia thành (ít nhất) hai phe. Một, theo Reapolitik (của Kissinger), phe kia mang tính “diều hâu”, chủ chiến nhiều hơn. Lập trường của phe “Chính trị thực dụng” như Kissinger đã trình bày chi tiết từ Davos. Những người đi gần tới lập trường của Kissinger chủ yếu quan ngại các ảnh hưởng sâu rộng của việc kéo dài cuộc chiến. Đặc biệt xu hướng này lo lắng nhìn vào các tác động kinh tế (lạm phát ở Mỹ và Anh đều đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ) và nguy cơ còn leo thang tiếp. Tuy nhiên, xu hướng này cũng không hề chủ trương đổi đất lấy hòa bình! Phe “diều hâu”, dẫn đầu bởi London và Washington. Mặc dù không tuyên bố rõ ràng, nhưng lập trường Anh – Mỹ là tăng cường hỗ trợ Ukraine bằng các trang thiết bị quân sự và mạng lưới tình báo để giáng những đòn mạnh nhất có thể. Mục đích là vừa củng cố vị thế của Ukraine tại bàn đàm phán, vừa ngăn chặn Nga khỏi bất kỳ hành động gây hấn nào với các quốc gia châu Âu khác, đặc biệt là các nước Baltic. Mẫu số chung của hai phe nói trên là niềm tin cuộc chiến sẽ phải kết thúc với một thỏa thuận được thương lượng, ngay cả khi tình trạng của thỏa thuận này đang bị tranh cãi gay gắt. Tuy nhiên, sau khi bước sang tháng thứ tư của cuộc chiến, “thỏa thuận được thương lượng” có vẻ xa vời hơn so với lúc bắt đầu xung đột. Thay vì đi vào kết thúc, điều có vẻ ngày càng nhiều khả năng là một cuộc xung đột âm ỉ lâu dài. Tại đó, Kiev rất khó giành lại đươc toàn bộ lãnh thổ của mình và quân đội Nga cũng sẽ không rời khỏi những vùng lãnh thổ họ vừa cưỡng chiếm được. Tổng thống Putin đặt cược uy tín chính trị của mình vào chiến thắng ở Ukraine, điều mà phương Tây muốn phủ nhận. Tuy nhiên, một cuộc chiến không có hồi kết có thể kéo phương Tây mất một vài năm – đặc biệt khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp đến gần – trước khi tiến tới một thỏa hiệp nào đó. Trong khi chính các quan chức ở Kiev hiện cũng đang bày tỏ quan ngại, tình trạng mệt mỏi vì chiến tranh dễ làm “xói mòn” quyết tâm của Mỹ và đồng minh giúp Ukraine đẩy lùi cuộc xâm lược. https://www.voatiengviet.com/a/l%E1%BB%9Di-khuy%C3%AAn-c%E1%BB%A7a-kissinger-c%C3%B3-c%C3%B2n-gi%C3%A1-tr%E1%BB%8B-/6615871.html  
......

Ukraine và vấn đề tái thiết hậu chiến

Đỗ Kim Thêm - Việt Luận   Chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine đang diễn ra vô cùng sôi động. Điển hình là thảm cảnh dân chúng tỵ nạn ngày càng trầm trọng. Gần đây nhất, theo Phủ Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, kể từ khi có cuộc chiến cho đến nay, có trên 6 triệu 6 người dân tỵ nạn ở các nước lân cận, nhiều nhất là Ba Lan, và khoảng 7 triệu người tỵ nạn trong nước. Con số này sẽ còn thay đổi trong tương lai.   Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, có ít nhất 243 trẻ em đã thiệt mạng, 446 bị thương và 139 mất tích, ngoài ra hơn 200.000 người đã được đưa đến Nga. Ngược lại, quân đội Nga ước lượng gần 1,6 triệu người Ukraine trong vùng ly khai đã được chuyển đến Nga, trong đó có gần 260.000 trẻ em. Đó là những thông tin mà không ai có thể kiểm chứng.   Trong khi các cơ sở hạ tầng của Ukraine bị tàn phá nặng nề, ước khoảng 50%, thì triển vọng về một cuộc hoà đàm đang lâm vào cảnh bế tắc.   Dù trong bối cảnh còn nhiều bất trắc như vậy, chính giới quốc tế đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề tái thiết hậu chiến cho Ukraine. Cụ thể là, Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Ủy ban Châu Âu và Quốc hội Mỹ đã phác thảo nhiều kế hoạch liên hệ, mà các quan tâm chính của giới hoạch định là ước lượng phí tổn tái thiết, tìm nguồn tài trợ, xác định vai trò lãnh đạo của Liên Âu và trách nhiệm bồi thường chiến tranh của Nga.   Phí tổn tái thiết   Hiện nay, Hoa Kỳ đã đưa ra con số ban đầu là khoảng 500 tỷ đô la, trong khi chính phủ Ukraine ước lượng lên đến trên 600 tỷ đô la. Chiến tranh còn tiếp diễn, nên các con số này không chính xác, tất nhiên, nó sẽ có thể còn lên cao hơn nữa. Trong bài phát biểu qua video tại Davos cuối tháng 5, Tổng thống Volodymyr Zelenskyi cho biết, thời gian tái thiết kéo dài khoảng hơn một thập niên sau khi kết thúc chiến tranh. Dù không nêu rõ tổng số tiền mà Ukraine cần đến, nhưng ông cho biết, ít nhất hằng tháng Ukraine sẽ cần khoảng 5 tỷ đô la.   Nguồn tài trợ   Khó khăn hiện nay mà Ukraine đang gặp phải là các nguồn thu cho ngân sách đang giảm mạnh, nhất là các khoản thu từ thuế doanh nghiệp và xuất khẩu, trong khi kinh phí dành cho quốc phòng và phúc lợi xã hội tăng lên đáng kể. Kết quả của tình trạng này là ngân sách thiếu hụt trầm trọng. Theo ước lượng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đến cuối tháng 7 năm nay, số khiếm hụt ngân sách lên đến 15 tỷ đô la.   Để đáp ứng một phần lớn cho nhu cầu này, ngày 18/5 vừa qua, Liên Âu tuyên bố là sẽ viện trợ cho Ukraine khoảng 9 tỷ Euro qua hình thức hỗ trợ tài chính vĩ mô và các khoản vay với lãi suất thấp trong dài hạn.   Với nguồn cung ứng này, Ukraine có thể trang trải trước mắt các chi phí về các nhu cầu cơ bản và đặc biệt là tiếp tục trả lương cho quân nhân, công chức và người về hưu. Nhờ thế mà một phần nào các hoạt động kinh tế vẫn còn được duy trì.   Trong cuộc họp tại Petersberg gần Bonn (Đức) vào ngày 20/5, các Bộ trưởng Tài chính thuộc khối G7 đã cam kết viện trợ cho Ukraine 19,8 tỷ đô la cho năm nay, trong đó 9,5 tỷ đô la mới được cam kết tại cuộc họp, phần lớn là các khoản tài trợ không hoàn lại.   Một ngày trước đó, Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua một gói viện trợ khác cho Ukraine với 40 tỷ và nước này đã viện trợ 14 tỷ vào tháng 3.   Dù cộng đồng quốc tế viện trợ ào ạt cho Ukraine, nhưng trong thị trường tài chính, uy tín tín dụng của Ukraine không vì thế mà phát triển khởi sắc.   Ngược lại, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody, lại một lần nữa hạ thấp điểm tín dụng từ Caa2 thậm chí xuống còn Caa3 (gần như rác). Việc hạ điểm này tạo cho Ukraine một triển vọng bi quan và việc xuống điểm tệ hơn sẽ còn tiếp tục xảy ra. Vào đầu tháng 3, Moody đã hạ xếp hạng tín dụng của Ukraine xuống hai bậc từ B3 xuống Caa2.   Để biện minh cho quyết định này, Moody nhận định là: “Cuộc chiến kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu và tình trạng nợ công còn nguy cơ gia tăng, tất cả chứng minh là nền kinh tế Ukraine không bền vững trong trung hạn“. Moody dự kiến, nhu cầu tài chính của Ukraine trong năm nay khoảng 50 tỷ đô la và nền kinh sẽ giảm 35%.   Vai trò của châu Âu   Chính giới Liên Âu tuyên bố rằng, Liên Âu đã và đang có trách nhiệm hỗ trợ cho Ukraine trong công cuộc chiến đấu chống Nga xâm lược, thì cũng sẽ có một mối quan tâm chiến lược trong việc tham gia tái thiết hậu chiến. Dù đòi hỏi sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong công cuộc tái thiết cho Ukraine, nhưng Liên Âu cũng nhận ra tầm quan trọng của việc phối hợp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Hoa Kỳ và các định chế tài trợ khác. Trong một cuộc họp gần đây tại Brüssel, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết, việc tái thiết Ukraine cũng sẽ tiến hành tương tự như kế hoạch Marshall cho châu Âu sau Đệ nhị Thế chiến.   Việc phác thảo chương trình tái thiết cho Ukraine cũng đã được đề cập tại Diễn đàn Davos năm nay.   Trong cuộc họp này, các chính giới quốc tế và chuyên gia kinh tế đồng thanh kết luận là: “Ngay cả khi chưa có hòa ước, hiện nay, chúng ta cần phải chuẩn bị cho công cuộc tái thiết, ít nhất về cơ sở hạ tầng, điện nước, trường học, đường xá và cầu cống, các lãnh vực này đang nằm trong sự kiểm soát của Ukraine. Chính phủ Ukraine sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc soạn thảo kế hoạch và thực hiện việc tái thiết”.   Trong tài liệu “Rebuild Ukraine” của Liên Âu được phổ biến gần đây, một trình tự cho “Nền tảng tái thiết Ukraine” sẽ phải được phê duyệt trước khi đi vào thực hiện.   Một mặt, mục đích kế hoạch là nhằm đánh giá toàn bộ các nhu cầu tái thiết của Ukraine và khả năng tài trợ của Liên Âu và các đối tác khác. Mặt khác, Liên Âu hy vọng, thông qua dự án tái thiết này, Ukraine sẽ được hiện đại hóa về kinh tế và về chính trị sẽ gần gũi hơn với Liên Âu.   Ngoài việc tái thiết cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục và gia cư, một trọng tâm đặc biệt của kế hoạch là xây dựng nhà nước pháp quyền và chống tham nhũng.   Theo tài liệu này, công cuộc đầu tư tái thiết cũng chỉ thực hiện theo các tiêu chuẩn của Liên Âu đề ra, có nghĩa là, phù hợp với các khuôn khổ chính sách về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và kỹ thuật số. Để bảo đảm mục tiêu này, một quy định tương tự như với Quỹ Tái thiết Corona sẽ được áp dụng. Nếu các mục tiêu đề ra không đạt được, thì các khoản viện trợ sẽ không được thanh toán. Chương trình “Tái thiết Ukraine” sẽ được tài trợ cụ thể như thế nào vẫn còn là vấn đề để giới hoạch định thảo luận, nhưng nhìn chung, nhu cầu chi xuất trong tương lai sẽ vượt qua khỏi khả năng hiện tại của các quỹ trong khung tài chính đa quốc gia. Do đó, tìm ra các nguồn tài trợ mới sẽ là vấn đề.   Để giải quyết, Liên Âu có đề cập đến những đóng góp bổ sung từ các quốc gia thành viên, sửa đổi khung tài chính thông qua các khoản vay. Cuối cùng, quyết định thuộc về giới lãnh đạo các nước thành viên.   Có nhiều chuyên gia đề xuất việc tái thiết Ukraine là thông qua các khoản nợ chung của Liên Âu, tương tự như Quỹ Tái thiết Corona. Một công cụ như vậy là hợp lý về mặt kinh tế. Mặc dù chi phí tái thiết lên đến 600 tỷ đô la nghe có vẻ khổng lồ, nhưng thật ra, nếu so với đến sản lượng kinh tế của Liên Âu, đó chỉ là ba phần trăm.   Trong khi đó, một chương trình vay nợ mới chung cho các nước bị một số quốc gia bác bỏ, trong đó Đức đứng hàng đầu.   Trách nhiệm của Nga   Các nước Latvia, Estonia, Slovakia đã lên tiếng cho rằng Nga xâm lăng và gây thiệt hại cho Ukraine, thì Nga phải chịu trách nhiệm bồi thường cho việc tái thiết. Qua các biện pháp phong toả tài chính, các nước phương Tây đang nắm được một số lượng tài sản khổng lồ của nhà nước Nga và các đại gia. Do đó, giải pháp thực tế nhất là châu Âu sẽ trưng dụng trực tiếp số tiền này cho nhu cầu tái thiết.   Ngược lại, chính giới Đức đã lên tiếng phản đối biện pháp tịch thu này vì cho rằng vi phạm luật quốc tế và quốc gia. Theo các luật gia Đức, tài sản của quốc gia hay công dân cũng cần phải được luật pháp bảo vệ. Nhưng mức độ bảo vệ đến đâu là vấn đề, tài sản nào là hợp pháp và không hợp pháp cần phân biệt, tiêu chuẩn cần xem xét là dòng tiền có liên hệ đến hoạt động của ngân hàng nhà nước hay thuộc về tư nhân. Đó là cơ sở để nhận định xem có thể trưng dụng cho Quỹ tái thiết.   Ngày 25/3 Liên Âu đã bắt đầu soạn thảo dự luật liên quan đến việc trưng thu các tài sản của Nga đang bị phong toả trong ngân hàng của châu Âu. Kết quả này cần được toàn thể 27 quốc gia thành viên đồng tình. Nếu thành công, bước tiếp theo của Liên Âu sẽ là tổ chức bán đấu giá các dinh thự và du thuyền của các quan chức Nga, tiền thu được sẽ đưa vào một quỹ chung để giúp cho nạn nhân chiến cuộc.   Chiến tranh chưa kết thúc, nên triển vọng tái thiết chỉ là bước khởi đầu tranh luận và còn nhiều thời gian để thực hiện.   Đỗ Kim Thêm - Việt Luận  
......

Dựa vào ai và rút về đâu khi xảy ra “chiến dịch đặc biệt”?

Nguyen Ngoc Chu 1. VẼ LẠI BIÊN GIỚI Ngày 16/6/2022, khi thăm Kyiv cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Ý Mario Draghi và Tổng thống Rumani Klaus Iohannis, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: "Cuộc tấn công xâm lược Ukraine đồng nghĩa với sự thay đổi thời đại. Bởi vì Nga đang làm việc dịch chuyển biên giới các nước ở ngay trung tâm châu Âu, và điều này là không thể chấp nhận được. Do đó, nước Đức cùng với các nước khác trên thế giới, đã đứng về phía Ukraine ngay từ ngày đầu". Lời của Thủ tướng Đức Scholz về “Nga đang làm việc dịch chuyển biên giới các nước ở ngay trung tâm châu Âu” chỉ là nhắc lại khẳng định của Tổng thống Nga Putin trước đó 1 tuần. Ngày 09/6/2022 tại triển lãm kỷ niệm 350 năm Pyotr đại đế (1672-1725), ông Putin ví cuộc xâm lược Ukraine như cuộc xâm lược Thuỵ Điển của Pyotr đại đế: “Pyotr đại đế đã tiến hành đại chiến Bắc Âu trong suốt 21 năm. Nhiều người nghĩ rằng ông đã chiếm thứ gì đó trong cuộc chiến với Thuỵ Điển. Nhưng Ông ấy không lấy bất cứ thứ gì từ tay họ, mà chỉ giành lại những thứ gì thuộc về Nga”. Một cách thẳng thừng, ông Putin khẳng định về mục đích phát động cuộc chiến tranh Nga- Ukraine: “Rõ ràng sứ mệnh của chúng ta là lấy lại những gì của Nga và củng cố sức mạnh đất nước”. “Chúng tôi chắc chắn sẽ xử lý thành công nhiệm vụ trước mắt” (tức là chiếm được lãnh thổ của Ukraine)( https://vnexpress.net/ong-putin-so-sanh-chien-dich...). Mụctiêu chiếm đất là tối thượng. các lý do khác chỉ là che đậy. Nhưng lệu ông Putin có sống được để tiến hành cuộc chiến tranh dài 21 năm như Pyotr đại đế? 2. ÔNG PUTIN VIẾT LẠI LỊCH SỬ Diện tích Đế quốc Nga trong giai đoạn 1900-1905 là lớn nhất trong lịch sử hình thành nước Nga cho đến hiện tại. Ngoài các nước cộng hoà thuộc Liên Xô, nó còn bao gồm cả lãnh thổ Phần Lan và Ba Lan. Nhưng đến Hoà ước BREST-LITOVSK thì diện tích Đé quốc Nga bị giảm đi rõ rệt. Hoà ước BREST-LITOVSK ký ngày 03/3/1918 với một bên là nước Nga Xô Viết, mà đại diện là ông Grigoriy Yakovlevich Sokolnikov, Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Bolsevich, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - với các bên gồm Đế quốc Đức, Đế quốc Áo - Hung, Đế quốc Ottoman và Vương quốc Bulgaria. Theo Hoà ước BREST-LITOVSK, nước Nga phải trao trả độc lập (lãnh thổ) cho 10 quốc gia từng là thuộc địa của Đế Quốc Nga gồm: Ukraine, Ba Lan, Belarus, Phần Lan, Estonia, Latvia, Lithuania, Armenia, Azerbaijan và Georgia. Hoà ước BREST-LITOVSK được Soviet Đại biểu Công nhân, Nông dân và Binh sỹ Toàn Nga phê chuẩn ngày 15 tháng 3 năm 1918. Lãnh thổ của quốc gia Ukraine độc lập được xác định trong Hoà ước BREST-LITOVSK (xem bản đồ đính kèm) không những bao gồm toàn bộ vùng Donbass và bán đảo Crimea, mà còn bao gồm cả các thành phố Brest (nay thuộc Belarus), Belgorod và Rostov-na-Donu, cùng toàn bộ vùng Krasnodarskiy Krai và phần hữu ngạn sông Don thuộc tỉnh Voronezhskaya của LB Nga ngày nay. Biên giới Ukraine trong Hoà ước BREST-LITOVSK được Hoà ước Versaille (do các quốc gia thắng trận và bại trận sau Thế chiến 1 ký kết ngày 28 /6 / 1919, tại Versailles, Paris), công nhận. Trong bài phát biểu tối ngày 21/2/2022 biện minh dẫn đường cho cuộc xâm lược Ukraine, mà nhiều người nghe nhầm tưởng là đúng đắn và thống thiết, Tổng thống Nga Putin đã tự mình viết lại lịch sử. 1/. Ông Putin khẳng định Ukraine là một phần không thể tách rời của Nga, để biện minh cho nguyên nhân mở “chiến dịch đặc biệt” chiếm lại Ukraine. Ông Putin có tình quên rằng người Ukraine và người Nga là hai dân tộc khác nhau, rằng Kiev Rus không phải là của Đế quốc Nga. 2/. Ông Putin phê phán và chê bai toàn bộ các lãnh tụ ĐCS Liên Xô tiền nhiệm- những người mà ông Putin từng thần tượng cả đời cho đến khi lên ngôi Tổng thống Nga- cả Lê nin thiên tài lẫn Stalin vĩ đại, cả Khơrutshop lẫn Brejonev và Gorbachop. Tất cả đều sai lầm trầm trọng - tương đương với ngu dốt. 3/. Ông Putin phê phán chính sách dân tộc tự quyết của Lenin, Stalin, Gorbachop. Chính sách dân tộc tự quyết đó là nguyên nhân dẫn đến sự li khai của của các nước cộng hoà khỏi Nga. Không có chính sách dân tộc tự quyết đó thì các nước có thời là thuộc địa của Đế quốc Nga sẽ mãi mãi không được tách ra khỏi nước Nga. Với ông Putin, tất cả các nước từng là thuộc địa của Đế quốc Nga đều là của Nga và mãi mãi không thể tách rời khỏi Nga. Chính vì thế mà Nga đã tiến hành 2 cuộc chiến tranh tàn phá Grozny, không cho người Checchen dành độc lập. Với ông Putin các nước Trung Á mà các vua chúa Trung Quốc buôn bán qua con đường tơ lụa từ thời Nhà Hán, Nhà Đường, tồn tại nhiều thế kỷ trước khi có Đế Quốc Nga, đều không thể độc lập khỏi Nga. Với ông Putin, lãnh thổ nào thuộc Nga một lần thì phải thuộc Nga vĩnh viễn. Và sứ mệnh của ông là “lấy lại những gì của Nga” 4. Ông Putin khoác cho Lenin vai trò sinh ra nước Ukraine. Nhờ Lenin và những người Bolsevich mới có Ukraine. Nay Ukraine lại đập bỏ tượng Lenin là vô ơn. Chính ông Putin đã cố tình quên nước Ukraine đã có trước cả Đế quốc Nga chứ không phải chờ đến Lenin mới có Ukraine. Ông Putin cũng cố tình quên chính Lenin đã phải thừa nhận sự độc lập của Ukraine với một lãnh thổ rộng lớn như trong Hoà ước BREST-LITOVSK, chứ không phải Lenin vẽ ra nước Ukraine. Để đánh chiếm Ukraine, ông Putin tuyên truyền Ukraine chưa bao giờ là một quốc gia. 3. TIẾN HÀNH CHIẾN TRANH ĐỂ CHIẾM LÃNH THỔ LÀ BẠO NGƯỢC Lãnh thổ của một quốc gia thay đổi theo chiều dài lịch sử. Nhỏ rồi lớn, hợp rồi tan, xuất hiện rồi biến mất, thuận theo quy luật của tạo hoá. Các bạo chúa xâm chiếm đất đai của người khác biến thành của mình luôn là những kẻ viết lại lịch sử. Họ xoá một quốc gia, vẽ lại biên giới. Họ xoá lịch sử viết lại lịch sử. Các bạo chúa - kẻ sau lật kẻ trước, tự phủ nhận lẫn nhau. Bởi thế, có quốc gia thành lập từ xa xưa mà lãnh thổ không lớn bằng quốc gia mới xuất hiện về sau. Ví như khi nhà Hán vào thế kỷ thứ 2 trước công nguyên có diện tích hơn 6 000 000 km2 thì nước Nga chưa có tên trên bản đồ. Nhà Hán, nhà Đường phát triển rực rỡ nhưng vì giá lạnh nên không để ý đến lãnh thổ hơn 13 triệu km2 của Siberia. Người Mông Cổ chiếm mà vẫn không có người trông coi, đành phải bỏ Siberia khi Đế quốc Mông Cổ tan rã. Để sau hết, vùng đất Siberia bao la hơn 13 triệu km2 lại thuộc vào Đế Quốc Nga. Nước Nga, bắt đầu từ Công quốc Matxcova, là chư hầu của đế quốc Mông Cổ với diện tích nhỏ hơn 2500 km2 vào năm 1147. Hơn một thế kỷ sau vào năm 1300 chỉ vỏn vẹn có 20 000 km2, nhỏ hơn lãnh thổ Ai Lao cùng thời. Nhưng tiếp theo, Công quốc Matxcova đã bành trướng về phía Đông được 430 000 km vào năm 1462, 2,8 triệu km2 vào năm 1533, 5,4 triệu km2 vào năm 1584, xâm chiếm toàn bộ Siberia trong suốt thế kỷ 17 mà trở thành quốc gia rộng nhất thế giới, lớn hơn cả nhà Thanh cùng thời. Trước khi Đế quốc Nga chiếm Siberia thì Siberia đã thuộc về người Mông Cổ. Nhưng trước người Mông Cổ, từ vạn năm xa xưa Siberia đã có chủ nhân. Quốc gia thành lập rồi diệt vong. Không có quốc gia nào tồn tại vĩnh viễn. Không có lãnh thổ nào là sở hữu vĩnh cửu của một triều đại. Viện vào lý do một vùng lãnh thổ nào đó có thời từng thuộc trong quá khứ để tiến hành chiến tranh chiếm lại thì đó là bạo ngược. Viện vào lý do Ukraine từng thuộc Đế quốc Nga để mang quân xâm chiếm là bạo ngược. Bạo ngược tất bị đánh bại. Như Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã khẳng định vào ngày 08/5/2022, nhân lễ kỷ niệm 77 chiến thắng phát xít: “Tôi bị thuyết phục sâu sắc. Putin không thể thắng cuộc chiến tranh. Ukraine sẽ chiếm ưu thế. Tự do và an toàn sẽ chiến thắng. Như tự do và an toàn đã khải hoàn trước khổ sai, bạo lực và độc tài 77 năm trước”. https://www.theguardian.com/.../ukraine-will-prevail-as... 4. ĐỐI MẶT VỚI THỰC TẾ Tháng 3 năm 2014, Tổng thống Nga Putin mang quân chiếm Crimea của Ukraine, không ít người nhầm lẫn về chủ quyền lãnh thổ. Họ chỉ được biết Tổng bí thư ĐCS Liên Xô Khorutshop tháng 12/1954 cắt chuyển Crimea từ LB Nga sang Ukraine. Họ không biết, khi thành lập Liên Xô vào tháng 12/1922, một vùng lãnh thổ mênh mông của Ukraine, bao gồm Crimea, Belgorod, Rostov-na-Donu, cùng toàn bộ vùng Krasnodarskiy Krai và phần hữu ngạn sông Don của tỉnh Voronezhskaya đã bị cắt từ lãnh thổ Ukraine sang cho LB Nga. Nhiều người cũng quên đi LB Nga, ít nhất là đã 2 lần kể từ năm 1991 đặt bút ký công nhận toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Chính Tổng thống Putin cũng cố tình quên đi rằng ông đã ký hợp đồng thuê cảng Sevastopol của Ukraine trong nhiều thập niên. Trong vấn đề Crimea, Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã có quyết định đúng theo luật pháp quốc tế. Nhà nước CHXHCN Việt Nam không công nhận việc sát nhập Crimea của LB Nga. Nhà nước CHXHCN Việt Nam công nhận Crimea là của Ukraine. Không thể viện vào lý do một vùng lãnh thổ nào đó có thời từng thuộc trong quá khứ để tiến hành chiến tranh chiếm lại. Không thể viện vào lý do vì an ninh nước mình mà đánh chiếm nước khác. Đó là lý lẽ của kẻ bạo ngược. Trung Quốc đang xây quân cảng Ream ở Campuchia chỉ cách Phú Quốc vài chục dặm. Tham gia lễ động thổ hôm 08/6/2022, đại sứ Trung Quốc tại Camphuchia Vương Văn Thiên tuyên bố: “Trung Quốc và Campuchia đã trở thành những người anh em son sắt” (https://vnexpress.net/trung-quoc-muon-gi-o-quan-cang...). Nói về Ukraine là để nghĩ đến Việt Nam. Việt Nam phải đối mặt với thực tế. Ukraine còn có thể tựa lưng vào Ba Lan và các nước Đông Âu. Còn Việt Nam cả 4 phía không có đường rút. Việt Nam lại không thể mở “chiến dịch đặc biệt”. Phải chuẩn bị kịp trước khi người khác mở “chiến dịch đặc biệt”.  
......

"VIỆT Á LÀ AI?".

  Thái Hạo   Mấy hôm nay đang nổi lên một luồng dư luận đòi công bằng cho Việt Á, rằng 3 triệu kit mà VA nhập từ TQ là test nhanh chứ không phải RT- PCR; rằng giá PCR 470 nghìn là không cao trong thời điểm đó; rằng tiền lại quả 20% vốn là tiền lệ trước nay, không phải là hối lộ gì ghê gớm v.v.. Tôi cũng đồng ý như vậy.   Tuy nhiên, có một câu hỏi hết sức sơ đẳng phải trả lời trước tiên, là "VIỆT Á LÀ AI?".   Việt Á có phải là cái công ty mang tên Việt Á do Phan Quốc Việt là giám đốc? Không, công ty Việt Á và "vụ án Việt Á" là khác nhau rất xa.   Vụ án Việt Á là một vở đại kịch mà những người tham gia viết kịch bản đã gồm Bộ trưởng Bộ Y tế, nguyên BT Bộ KH-CN - Chủ tịch thủ đô. Đó là mới là nhắc những nhân vật rất có thể chỉ "thường thường bậc trung", chứ chưa phải là đạo diễn thật sự. Đó cũng là chưa nói gì tới Học viện Quân y. Và đặc biệt là hệ thống báo chí nhà nước đã tổng lực tuyên truyền cho nó, hòng dẫn dắt dư luận và che mắt tất cả.   Đó cũng mới chỉ là khâu "sản xuất" và phân phối đến "đại lý cấp 1", tức đến các CDC trên cả nước, chứ chưa hề nhắc gì tới các "đại lý bán lẻ". Chính ở điểm mút này (bán lẻ), tội ác mới hoành hành một cách ghê rợn và gây tang tóc thảm khốc nhất. Có thể gọi đây là giai đoạn 2 của "Việt Á".   Tuy nhiên, như chúng ta thấy, những bắt bớ và cả sự quan tâm của dư luận mới chỉ chủ yếu dừng lại ở giai đoạn 1 (từ khởi động đến đại lý cấp 1). Ở giai đoạn 2, với chính sách "tách F0", các cơ sở y tế và chính quyền địa phương trên cả nước đã "vào cuộc" để bóc lột một cách tàn bạo đối với người dân.    Giá một que test nhanh nhập về chỉ 21 nghìn nhưng có những nơi những lúc đã trấn lột người đi đường hoặc người đến bệnh viện từ 500 - 300 nghìn. Khi vụ Việt Á bắt đầu vỡ lở thì giá mới giảm xuống dần. Tuy nhiên, đến đầu năm 2022 tại ngay các trạm y tế xã phường, tiền mỗi lần test nhanh vẫn dao động từ 200 - 100 nghìn đồng. Trên đây mới chỉ là nói về test nhanh, chưa nói gì về test PCR.   Người dân bị đè ra ngoáy mũi liên tục, khốn khổ nhất là cánh tài xế (chỉ cần nhắc tới mỗi shipper và tài xế xe tải thôi đã đủ thấy) và người bệnh (không liên quan đến covid) mỗi khi đi khám chữa bệnh.   Như thế, sự trục lợi dựa trên đại dịch không phải chỉ giới hạn trong ngành y tế mà là cả ở chính quyền địa phương các cấp. Việt Á bán đắt cho các CDC một thì khi về đến khâu tiêu thụ cuối cùng, họ bán cho dân đắt lên gấp nhiều lần nữa. Vụ Việt Á, "nấng khống giá, trích lại hoa hồng" để trục lợi chỉ làm mất tiền của nhà nước một khoản không quá lớn ở giai đoạn 1 (800 tỉ lại quả và 500 tỉ lợi nhuận); nhưng móc túi người dân ở giai đoạn 2 mới là tàn bạo ngoài sức tưởng tượng.   Hơn thế, không còn chỉ là vấn đề tiền, mà nó tác động tổng thể đến mọi mặt đời sống xã hội. Bắt đầu từ "làm chính sách" đến bán đắt cho nhà nước bằng cách đút lót cho các CDC, rồi tiếp theo là trực tiếp móc tiền và hút máu người dân. Tất cả, làm đóng băng xã hội, phá sản, khủng hoảng tâm lý...   Trên đây là chưa hề nhắc gì tới chất lượng của những loại Test kit này. Việt Á sản xuất Kit ở đâu, ai kiểm định, kiểm định có khách quan hay không. Nếu chất lượng của loại Kit này đảm bảo thì tại sao Bộ KH-CN phải bịa ra rằng Kit của Việt Á đã được WHO công nhận? Đó chỉ là một ví dụ về việc phải đặt câu hỏi đối với chất lượng của Kit Việt Á.   Cái chết của hơn 30 nghìn đồng bào ta có liên quan đến vấn đề chất lượng của loại Kit này không? Chính sách ngăn sông cấm chợ, ngoáy mũi, lùa nhốt dân chúng trong các trại cách ly và phong tỏ tràn lan đã làm phá sản hàng vạn doanh nghiệp, làm khánh kiệt hàng triệu người dân, gây nên đau thương tang tóc khắp hang cùng ngõ hẻm..., ai có thể thống kê hết và ai sẽ chịu trách nhiệm?   Còn nhiều nữa những câu hỏi. Nhưng quay trở lại với cái tên, tôi cho rằng chính cách gọi tên là "Vụ án Việt Á" đã gây hiểu lầm và hiểu sai về quy mô cũng như tính chất của vụ đại án này. Nó cần một cái tên gọi khác để phản ánh đúng về một liên minh ma quỷ mà trong đó công ty Việt Á chỉ một mắt xích, cái mắt xích dường như không hề có vai trò quyết định trong việc đạo diễn vở đại bi kịch này trên đất nước ta.   Thái Hạo  
......

"Trăm năm trồng người" và thức tế hôm nay

Đỗ Ngà - Thế Giới Kpop Người CS thường hay lấy câu nói “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”’ làm khẩu hiệu treo khắp các trường học Việt Nam. Nếu chính quyền CS thực hiện đúng khẩu hiệu này thì không gì đáng nói, đằng này họ không làm gì cả ngoài phá hoại. Vì lợi ích mười năm trồng cây ư? Kế sách trồng cây thế nào mà rừng xanh thành đồi trọc làm cho rừng không giữ được nước nên làm cho thiên tai tàn phá dữ dội hơn. Vì lợi ích mười năm trồng cây mà sao để cho nông dân Việt Nam không sống nổi với nghề nông? Lớp thì bỏ nghề nông đi bán vé số, đi làm công nhân, đi bán hàng rong vv... Người bám trụ với nghề nông thì trồng cây gì cũng thất, nuôi con gì cũng thất. Cứ được giá thì mất mùa, kịch bản diễn đi diễn lại từ năm này qua năm khác. Nông dân đổ mồ hôi trồng ra hoa trái, cuối cùng không bán được phải cầu cứu xã hội giải cứu. Tôi có một số bạn làm thương mại ngành nông sản nói rằng “nông nghiệp Việt Nam như một thân xác mang trọng bệnh. Người nông dân khổ trăm bề, họ chỉ hy vọng tồn tại được chứ không dám mong làm giàu. Những tấm gương làm giàu từ nông nghiệp đa phần là rửa tiền bằng mặt nạ làm nông mà thôi”. Theo tôi, câu nhận xét này hoàn toàn có cơ sở. Bởi, những trại chăn nuôi của con trai ông Trần Bắc Hà trước đây cho thấy dự án không khả thi, nó chỉ là hình thức rửa tiền. Đấy là phần nổi tảng băng mà ai cũng nhìn thấy, còn phần chìm thì chỉ có những người lặn sâu dưới lớp nước bề mặt như bạn nôi mới thấy rõ hơn. Vì lợi ích trăm năm trồng người ư? Người ta hay nói, việc nhỏ làm không xong thì việc lớn làm sao kham nổi? Thật vậy, công tác trồng cây không không xong thì trồng người làm sao được? Cho đến nay, kế sách trồng người của ĐCS có thể được tóm tắt trong một từ đơn giản: Thất bại. Trồng người như thế nào mà lò ấp tiến sĩ nổ ra tràn lan? Đề tài “hành vi nịnh” cũng biến con người thành tiến sĩ. Đề tài “Cầu lông” cũng biến con người thành tiến sĩ vv... rồi những tiến sĩ ấy giúp sức được gì cho đời? Khi một đô thị lớn như Sài Gòn bị bế tắc trong bài toán xử lý ngập thì một vị tiến sĩ đóng góp ý kiến là “dùng lu”. Bài toán ngập cho thành phố gần 40 triệu dân như Tokyo được người Nhật giải quyết được còn các tiến sĩ Việt Nam thì bó tay, để một bà không hiểu biết gì về xây dựng hạ tầng đô thị làm trò cười cho xã hội. Dường như ngành giáo dục Việt Nam đã quên nhiệm vụ của họ là “trồng người” rồi. Các chính sách của Bộ Giáo Dục Việt Nam hiện nay thường có “mùi tiền”. Trên thế giới, những nước giàu thì miễn phí hoàn toàn giáo dục phổ thông, cho vay 100% giáo dục đại học trở lên. Nước Nghèo thì trợ giá một phần cho để ai cũng có thể tiếp cận được với giáo dục vì nó rẻ. Còn Việt Nam thì không như vậy. Tại Việt Nam, khi con tôi còn học phổ thông, và tôi là vai trò phụ huynh thì một thực tế rất rõ là nhà trường luôn muốn vòi tiền phụ huynh thông qua một cánh tay nối dài của ban giám hiệu có tên là “Hội Phụ huynh học sinh”. Hội này vẽ đề xuất rất nhiều thứ phí phải đóng kèm theo với học phí chính thức. Có lúc tổng số tiền phải đóng gấp 20 lần tiền học phí. Rất vô lý. Đây là một dạng tiêu cực, bộ máy quản lý giáo dục cấp trường hoạt động tựa như bộ máy nhà nước Cộng sản vậy, cũng có “cánh tay nối dài” để diễn trò “dân chủ” nhằm ép buộc phụ huynh khác “tự nguyện” sao cho hợp ý với Ban giám hiệu. Ở cấp Bộ thì đó là vấn đề chính sách. Mới đây cư dân mạng xôn xao về chính xác tăng học phí lên 5 lần. Tiếp theo đó là tăng giá sách giáo khoa lên từ 2 đến 3 lần. Ngày 18/3/2022 trên báo Giáo Dục Việt Nam có bài viết “Bộ Giáo dục nên có 1 bộ sách giáo khoa điện tử đăng công khai, ai cần cứ lấy”. Đây là một đề xuất rất hay, nó giúp phụ huynh giảm tải về vì phí học tập cho con. Tuy nhiên, ở cấp cao nhất bộ này là ông Nguyễn Kim Sơn thì dường như không nghe thấy cho nên Bộ mới có chính sách nâng giá sách giáo khoa bị xã phội phản đối mạnh mẽ những ngày qua. Mấy ngày qua, mạng xã hội lan tryền bài được đăng trên Báo Giáo Dục Việt Nam có tựa: “Lớp 1 đã phải mua 25 đầu sách, nhiều phụ huynh choáng ngợp”. Đây là hình ảnh rõ nét nhất về chủ trương của Bộ Giáo Dục. Họ lo làm chính sách để trục lợi, phần trồng những “cây mầm” đường như họ không quan tâm! Không biết những tiến sĩ ngành giáo dục ở đâu sao không nghiên cứu chương trình phát triển tối ưu cho trẻ con mà bắt nó phải gánh những toan tính của các người? Thế là trồng người đấy sao? Phải nói kế sách “trăm năm trồng người” của ông Hồ Chí Minh đã phá sản. Cho đến giờ họ, ĐCS không phải trồng mà chỉ lo khai thác. Phải chăng, ĐCS muốn độc quyền lãnh đạo là để được độc quyền khai thác trăm triệu dân? Hỏi cũng là trả lời. Đỗ Ngà Tham khảo: https://giaoduc.net.vn/.../bo-giao-duc-nen-co-1-bo-sach... https://giaoduc.net.vn/.../chu-trinh-khep-kin-ban-sgk-moi...    
......

Bao giờ xử lý bọn truyền thông bẩn tiếp tay cho Việt Á ?

Người Buôn Gió ..................... Rất nhiều cán bộ y tế CDC các tỉnh thành bị bắt giữ vì tội mua Kit của Việt Á và nhận tiền lại quả. Dư luận nhân dân rất ủng hộ cuộc điều tra những sai phạm ở công ty Việt Á, việc nhận tiền hối lộ lại quả là việc không có gì có thể biện minh. Tuy nhiên chúng ta cũng cần dừng lại đôi chút để phân biệt giữa hối lộ và lại quả. Hai việc này giống nhau nhưng cũng có chút khác nhau.   Hối lộ sau đó lại quả nhất định là việc đã được bàn bạc từ trước khi việc mua bán xảy ra, khi nó kết thúc thì thực hiện hợp đồng hối lộ, lại quả phần trăm.   Còn lại quả đôi khi lại là việc mua bán xong rồi, bên bán lại quả cho bên mua, nếu tư nhân mua tư nhân thì gọi là ra chút lộc. Cái này hợp lý. Còn cán bộ nhà nước mua mà được lại quả cho cá nhân cán bộ là điều không đúng. Số tiền lại quá lớn thì đương nhiên đó là phạm tội rõ ràng.   Tôi nghĩ rằng có nhiều cán bộ CDC các tỉnh thành khi được Việt Á tiếp xúc, được nhắn nhủ từ người thân của lãnh đạo nào đó rằng Việt Á là chỗ người nhà ( nhà báo, cựu tổng biên tập báo Thanh Niên đã bóng gió nói như vậy ) họ bị tác động từ những giấy chứng nhận huân chương của Việt Á, những giấy phép cấp từ Bộ Y tế, chứng nhận từ bộ KHCN và đặc biệt là báo chí, truyền hình chính thống đưa tin ca ngợi sản phẩm của Việt Á. Những bài báo, chương trình truyền hình còn nhân danh lòng tự hào của người Việt sản xuất ra Kít , khiến nước ngoài đặt mua ầm ầm.   Thử hỏi vào vị trí họ, một đằng thúc ép phải có động thái hoàn thành nhiệm vụ phòng dịch là xét nghiệm trong dân. Một đằng Việt Á đưa Kít đến chào, cùng với nhắn nhủ của người thân lãnh đạo cấp cao, cùng với những tấm huân chương của CTN, giấy chứng nhận của bộ này, bộ kia và lực lượng truyền thông cái gọi là quyền lực thứ tư tác động. Liệu ai trong số họ từ chối không mua sản phẩm của Việt Á ?   Cho nên ở đây những kẻ nhận hối lộ của Việt Á do có bàn bạc trước tội đương nhiên phải nhẹ hơn những kẻ không có bàn bạc, cứ thế mua của Việt Á do tác động kể trên, sau đó được Việt Á lại quả. Cả hai thành phần này đều có tội không thể chối cãi, nhưng ở đây nói ra về cái tình lý mà những kẻ nhận lại quả không có bàn bạc trước đáng được nhẹ tội hơn.   Trong vụ Việt Á người ta chỉ vạch đến sự đốn mạt, táng tận lương tâm của cán bộ CDC các tỉnh thành. Nhưng chưa ai có cái nhìn thông cảm họ vừa là tội phạm cũng vừa là nạn nhân.   Nạn nhân bị cấp trên chỉ đạo, bị người thân lãnh đạo cấp cao chỉ đạo. Còn là nạn nhân của bọn truyền thông bẩn, bọn lăng xê sản phẩm để bọn này có điều kiện hơn, có bình phong hơn tiếp tục phạm tội lớn hơn và sâu rộng hơn. Bọn truyền thông này chính là bọn tiếp tay, đồng loã cho Việt Á phạm tội. Tại sao đến giờ chúng vẫn nhởn nhơ và như không hề bị nhắc nhở gì. Tất nhiên động cơ tham tiền, tham quyền, tham thăng chức nữa thì không thể gọi là nạn nhân. Tiêu biểu nhất là báo QDND có bài viết ca ngợi thượng tá Hồ Anh Sơn, thuộc học viện quân y của tác giả đại tá Nguyễn Hồng Hải.   Bài báo đã bị xoá đi, nhưng những bài viết về giải thưởng trao cho bài báo này vẫn còn, tác giả Nguyễn Hồng Hải nhờ bài viết về Hồ Anh Sơn đã nhận giải thưởng, từ đó có cơ sở được thăng chức, thăng hàm. Bộ sậu sau bài viết được giải thưởng này còn có trưởng ban biên tập điện tử báo QDND là đại tá Nguyễn Văn Minh. Sau khi ca ngợi và nhận giải thưởng, Mình được trả công bằng chuyển sang BCT làm phó tổng biên tập báo của bộ này. Còn Nguyễn Hoàng Hải kèo ruột với Minh sắp lên phó tổng biên tập báo QDND.   Tại sao các tướng tá quân đội liên quan đến Việt Á kẻ bị kỷ luật, kẻ bị vào tù mà nhóm truyền thông bẩn của quân đội này không bị sao mà còn thăng chức?   Ít ra ban tuyên giáo trung ương phải thu hồi giải thưởng của Nguyễn Hồng Hải, rõ ràng giải thưởng đó không đúng người, đúng sự việc. Kẻ được tôn vinh trong bài báo đó đã đi tù chính vì việc đã được ca ngợi trong bài báo đó. Một bài báo sai trái, thậm chí còn là tiếp tay cho tội phạm mà được giải thưởng, không bị xử lý thu hồi hay kỷ luật kẻ viết bài vì không thận trọng kiểm chứng thông tin, gây hậu quả nghiêm trọng.   Được biết nhóm Minh, Hải là nhóm đệ tử cứng của tướng Lương Cường và tướng Nguyễn Trọng Nghĩa.   Thật cám cảnh cho cái giải thưởng mà Hồng Hải đã nhận, vì giải thưởng này còn nằm trong chương trình học tập tấm gương đạo đức HCM. Còn khốn nạn hơn nữa là chỉ bài viết ấy còn nhận được cả giải khuyến khích Búa Liềm Vàng. Có lẽ các ông Lương Cường, Trọng Nghĩa phải chăng vì sợ xử lý vụ việc này mà mất mặt mình. Nên đã làm ngơ và cho thấy việc báo QĐND xoá, gỡ bài báo của Nguyễn Hồng Hải là đủ.   Nhưng một bài báo đã nhục nhã đến mức phải xoá, gỡ đi mà các giải thưởng trao cho nó như giải Búa Liềm Vàng, giải Tấm Giương Bình Dị Cao Quý trong chương trình học tập tấm gương HCM vẫn còn giá trị, vẫn còn được căn cứ là tiêu chí để thăng chức. Thử hỏi cái bộ máy truyền thông và ban tư tưởng văn hoá chế độ này có phải toàn những phường mạt hạng hay không?   Uy tín của báo chí cách mạng là như vậy đó.   Chừng nào các ông Lương Cường, Trọng Nghĩa chưa ra quyết định thu hồi giải thưởng của Nguyễn Hồng Hải, chưa xử lý kỷ luật nhóm nhà báo quân đội đã tiếp tay cho Việt Á hại dân, hại nước thì uy tín báo chí cách mạng hay uy tin đảng lãnh đạo chỉ là con số không.   
......

Tại sao vụ Việt Á nổ tung?

Ảnh Nguyễn Xuân Phúc trùm cuối Việt Á? Thanh Hieu Bui Vụ Việt Á không có dấu hiệu nào được báo trước như các vụ đại án khác, không có tín hiệu dò đường, không có những con kền kền truyền thông định hướng dư luận như các vụ đại án khác. Một tháng sau khi đi Anh về, dư luận còn say sưa bàn tán vụ đại tướng Tô Lâm ăn thịt bò dát vàng, bất ngờ cơ quan cảnh sát điều tra bộ công an (BCA)  tiến hành bắt giữ những mắt xích đầu tiên của vụ Việt Á , đồng loạt khẩn trương mở chiến dịch trên diện rộng ở 8 địa phương là Hà Nội, TP HCM, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An bắt giữ ngay ban lãnh đạo của công ty Việt Á. Sau đó tiến độ cuộc điều tra có vẻ gặp khó khăn khi đến đoạn bộ khoa học công nghệ  (KHCN) và Học Viện Quân Y, tưởng chừng đến đó sẽ gặp khó khăn. Nhưng cuộc điều tra tiếp tục mạnh hơn và các tướng tá quân đội người kỷ luật, người đi tù. Sự việc cao trào hơn khi hai ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long là bộ trưởng, uỷ viên trung ương đảng bị bắt giữ. Ai cũng biết vụ việc lớn và rộng như vậy không dễ gì có thể bộ công an làm thần tốc như vậy. Ngay cả bản thân những kẻ dính vào vụ Việt Á vừa bị bắt mới đây cũng không thể nghĩ rằng kết cục lại như vậy. Bởi đơn giản họ tin rằng vụ áp phe này đến từ nhân vật trọng yếu trong bộ chính trị như Nguyễn Công Khế thông báo. Phải nói BCA hay cơ quan điều tra BCA đã rất mạnh tay, kiên quyết làm vụ này một cách bất ngờ và thần tốc. Đặt luôn vụ Việt Á vào thế đã rồi, khiến cho nhân vật trọng yếu chỉ biết trơ mắt nhìn, hoặc lảng tránh lo cho thân mình. Hiện nay một số thông tin cho rằng thủ tướng Phạm Minh Chính là người liên quan đến vụ Việt Á vì phát biểu của ông Chính vào hồi tháng 8 năm 2021 đòi hỏi các tỉnh thành phải tập trung các nguồn lực để phòng dịch Covid lúc ông vừa thay thế Vũ Đức Đam làm trưởng ban chống dịch. Thế nhưng ông Chính đến cuối tháng 7 năm 2021 mới chính thức được quốc hội công nhận là thủ tướng, hơn nữa chỉ đạo của ông Chính liên quan nhiều đến việc tiêm vắc xin. Trước khi làm thủ tướng ông làm bên ban tổ chức trung ương đảng, không liên quan gì đến việc phòng chống dịch. Còn vụ Việt Á lại bắt đầu từ đầu năm 2020, đến tháng 4 năm 2020 sản phẩm của Việt Á đã được đưa đi các nơi chào hàng và được đón nhận. Song song lúc đó là những chỉ đạo phòng dịch đầy tính đe doạ của ông thủ tướng lúc đó Nguyễn Xuân Phúc. Đến tháng 12 năm 2021 vụ Việt Á nổ ra. Không có chuyện ông Chính tác động chỉ đạo các ông Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh hay chỉ đạo vụ Việt Á trong thời gian ngắn chỉ mấy tháng mà hơn 60 tỉnh thành mua kít của Việt Á. Sai phạm ông Chu Ngọc Anh trên cương vị bộ trưởng là dưới thời ông Nguyễn Xuân Phúc. Ông Chu Ngọc Anh lúc đó còn đang là bộ trưởng KHCN đã cấp phép chứng nhận cho Việt Á vào tháng 5 năm 2020. Sai phạm của ông Long sau đó một tháng là đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương kit xét nghiệm COVID-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước. Nếu như không phải ông Chính thì là ai? Rõ ràng là không phải ông thủ tướng này thì là ông thủ tướng kia. Chứ chả lẽ vụ việc sai phạm kéo dài 2 năm, ông làm sau mấy tháng lại là người chủ mưu, trong khi mọi sai phạm đều rành rành diễn ra ở thời kỳ ông trước. Nhưng làm sao mà mà BCA và đặc biệt là cơ quan cảnh sát điều tra BCA vốn dĩ sát cánh với ông Phúc bấy lâu, từng giúp ông Phúc thanh toán nhiều phe nhóm đối địch với ông Phúc, giờ lại đột ngột làm vụ Việt Á ảnh hưởng nghiêm trọng đến ông Phúc như vậy? Phải chăng BCA nghiêm túc, k hông hề né tránh ai, chỉ làm theo những điều đúng đắn của pháp luật? Thực ra là do tranh ghế cả, đã tranh ghế rồi thì chuyện gì lôi được ra đều lôi hết. Trường hợp ông Trọng về, phương án ông Phúc làm tổng bí thư (TBT), ông Tô Lâm làm chủ tịch nước (CTN) và ông Nguyễn Duy Ngọc làm bộ trưởng công an thì chắc chắn vụ Việt Á muôn đời không bao giờ nổ ra cả. Chẳng ai biết đã có vụ áp phe cắt cổ người dân trong lúc dịch bệnh, có khi người ta còn suy tôn những kẻ phạm tội trong vụ Việt Á là anh hùng, là người có tâm với nhân dân, đất nước, là người lặng lẽ cống hiến nọ kia. Nhưng phương án TBT sau này không biết có thay đổi gì không, nhưng giờ đưa ra là nếu ông Trọng rời ghế TBT, ông sẽ nhường cho người đàn em của ông là Vương Đình Huệ. Để đảm bảo ông Phúc phải về khi hết nhiệm kỳ, không được phép ở lại như kiểu trường hợp đặc biệt thì chỉ có cách nổ tung vụ Việt Á dưới thời ông Phúc quản lý. Độ tuổi tái cử BCT khoá sau chiếm không nhiều trong số UVBCT khoá này, các ông Võ Văn Thưởng, Trần Cẩm Tú, Đinh Tiến Dũng, Trần Tuấn Anh, Trần Thanh Mẫn là còn đủ độ tuổi tái cử, trong đó có ông sở dĩ đủ tuổi vì còn tính theo tháng. Các ông quá 65 tuổi, tức độ tuổi tái cử theo quy định phải về là Trọng, Phúc, Lâm, Minh, Cường, Giang, Chính, Huệ và bà Mai. 9 người quá tuổi phải về, giả sử đặt ra trường hợp đặc biệt ở lại như hai nhiệm kỳ trước thì kỳ 12 là trường hợp ông Trọng , kỳ 13 là 2 trường hợp ông Trọng và ông Phúc, kỳ 14 thì những ông nào ở lại? 9 chọn 3 hay 9 chọn 2 hay là chọn 1. Hoặc là chọn 5,6,7 trường hợp đặc biệt để đái vào mặt cả trung ương đảng lẫn nhân dân là cái đảng này vô thiên, vô pháp đến điều lệ nó đặt ra nó cũng còn coi như giấy lộn thì nó lãnh đạo đất nước với tư cách đạo đức gì, lối sống gì để người trong nước tin tưởng? Bởi 4 năm tới đây đến hạn của tột đỉnh quyền lực, một là có hai là tay không. Nên chẳng có chuyện tình nghĩa sát cánh trước kia mà nhân nhượng cho nhau được. Tình hình như này vụ Việt Á nổ ra là tất yếu, chẳng những thế từ nay cho đến đại hội đảng lần thứ 14 không chừng còn khối vụ như Việt Á nổ ra cũng nên. Tứ trụ quá tuổi còn có thể, chứ bộ trưởng quá tuổi mà còn ngồi thì sẽ thành tiền lệ không thể chấp nhận được. Anh Tô Lâm chỉ có cách vươn lên tứ trụ nếu anh không muốn về hưu. Gần đây anh tiếp các quan chức chính phủ các nước như anh đương là chủ tịch nước vậy. Nếu như anh không được lọt vào tứ trụ kỳ sau, anh còn phải dốc sức cho đàn em của mình tranh ghế bộ trưởng công an với anh Thứ trưởng thường trực Trần Quốc Tỏ. Hơn lúc nào hết, anh Tô Lâm và những đàn em Hưng Yên phải tận dụng thế mạnh là cơ quan điều tra, cơ quan phát hiện và bắt giữ tội phạm. Phải đưa ra nhiều vụ án chấn động như Việt Á, vừa có thành tích thuyết phục vừa để loại trừ các đối thủ. Hy vọng trong thời gian tới, các anh tướng lĩnh ở Bộ Công An đưa nhiều vụ việc lớn như Việt Á ra ánh sáng vừa thoả lòng dân, vừa được việc các anh. Những kẻ bị xâm hại chắc hẳn cũng không ngồi yên, mấy năm trước BCA bắt bao nhiêu đại gia quan chức không sao, nhưng gần đây từ vụ Việt Á đã có những giọng điệu như bắt bớ lan tràn thế này ai dám làm gì, ai làm gì cũng sợ bị tội, không làm cũng bị tội, làm cũng bị... chắc đó là những luận điệu mở đường để ngăn cản không cho những vụ việc khác tương tự như Việt Á phải vào vòng điều tra, bắt bớ của BCA. - Thanh Hiếu Bùi -  
......

Thế giới trước một văn hóa chính trị mới

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên Putin và những cộng sự của ông hoàn toàn không học hỏi được gì trước một thế giới đang thay đổi. Theo sử gia Yuval Noah Hahari, Putin chỉ đơn thuần nghĩ rằng Ukraine là một phần của Nga. Theo đó, khi xua quân đánh Ukraine thì người nói tiếng Nga tại Ukraine sẽ đem hoa ra chào đón quân Nga, các chính quyền địa phương thi nhau đầu hàng và nhà nước Ukraine sẽ sụp đổ. Nhưng có một điều mà Putin không ngờ được, đó là văn hóa chính trị của người Ukraine đã thay đổi, và thay đổi rất nhiều: Ukraine là một quốc gia độc lập chứ không còn là một chư hầu của đế chế Nga. Người dân Ukraine đã cùng nhau kết tụ lại chống trả mãnh liệt của xâm lược Nga để bảo vệ đất nước và nền dân chủ non trẻ của mình. Ngay cả những vùng nói tiếng Nga và những chính trị gia thân Nga cũng cầm súng chiến đấu chống lại quân xâm lược (hoàn toàn khác với thái độ lưỡng lự và thiếu quyết tâm của giới trí thức và quần chúng Ukraine vào thời điểm 2014). Putin cũng không ý thức được rằng văn hóa của thế giới dân chủ đã thay đổi: họ có khả năng đồng thuận và đoàn kết cao để chống lại một bạo quyền dùng bạo lực để thôn tính nước khác. Không những thế họ còn gia tăng ủng hộ và tiếp tế phương tiện cho Ukraine chống trả lại quân xâm lược Nga. Để rồi chỉ sau hơn một tháng, âm mưu khuất phục Ukraine bằng bạo lực của Putin đã hoàn toàn thất bại. Không những thế, chính ông đang có nguy cơ bị đảo chính. Dưới nhãn quan của truyền thông phương Tây, Putin được đánh giá là một người "có nhiều thủ đoạn". Nhưng một người được đào tạo và sống trong môi trường và văn hóa chính trị độc tài như Putin sẽ không ngờ thất bại đến với mình dồn dập nhanh như vậy. Việc Belarus, một nước đồng minh (hay chư hầu) của Nga, không tiếp tay đưa quân vào xâm lược Ukraine đã khiến Putin rất bất bình. Thêm vào đó hạn kỳ bầu cử "dân chủ" các cấp dân cử địa phương và tổng thống Nga đang đến rất gần, nếu không có một thành quả mới thì vị trí lãnh đạo của Putin rất là bấp bênh. Bị quân đội đảo chính cũng là một yếu tố không thể bỏ qua Đó là chưa kể Liên bang Nga có thể bị giải thể, các nước chư hầu như Kazakhstan hay Venezuela buộc phải thoát Nga tìm lối thoát cho mình. Vào thời điểm năm ngoái, có một sự kiện cũng đáng chú ý khác là cuộc đảo chính tại Myanmar dẫn đến sự tái thiết chế độ độc tài quân phiệt. Nhìn vào bề mặt sự kiện thì đây là một thoái bộ về dân chủ. Nhưng chúng ta cũng thấy được sự chống trả quyết liệt của quần chúng với chế độ quân phiệt, bất chấp bị giết hại và cảnh đàn áp đẫm máu. Họ đã có một chế độ dân chủ tồi dở dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi, nhưng đã có đông đảo người, nhất là tuổi trẻ, sẵn sàng chết để bảo vệ nền dân chủ đó. Tương tự Putin chỉ nhìn thấy sự bất mãn của người Ukraine với chính quyền hiện tại: tầng lớp chính trị cũ tham nhũng, thiếu viễn kiến, còn uy tín của tân tổng thống Zelensky trước chiến tranh cũng xuống rất thấp, chỉ trên 20% (thấp hơn cả thời điểm thấp nhất của Putin). Nhưng điều mà cả Min Aung Hlaing và Putin đều không nhìn thấy là quần chúng nhân dân đã đoạn tuyệt với quá khứ độc tài và đang chờ đón một tương lai mới mở ra trước mắt trong, một thể chế dân chủ. Những sinh hoạt dân chủ trong những chế độ vừa thoát khỏi ách độc tài toàn trị có thể còn có nhiều khuyết điểm, chưa tuyệt hảo, nhưng không một người dân nào chấp nhận sống lại dưới chế độ độc tài. Putin đã lầm khi tưởng mang đại quân vượt qua biên giới thì chính quyền dân cử tại Ukraine sẽ đầu hàng và chấp nhận sự thống trị của nước Đại Nga. Các chế độ dân chủ tuy không hoàn toàn tuyệt hảo nhưng có khả năng tự xét lại và truy tìm một đồng thuận mới để thay đổi xã hội một cách tốt đẹp hơn. Bài học cho Việt Nam Trước làn sóng dân chủ thứ 4 đang ào ạt trở lại, nếu các lãnh đạo chế độ cộng sản Việt Nam vẫn tự tin rằng hiện tại trước mắt họ không có một lực lượng đối lập nào đảng kể, không có một sự chống đối rõ ràng nào từ quần chúng, và vẫn được sự ưu ái của các quốc gia dân chủ là một thái độ hết sức sai lầm. Họ nên học cách nghi ngờ những sự kiện đang xảy ra trên thế giới để tự phán xét mình: những phản ứng và văn hóa mới trong các chế độ độc tài vừa qua có phải là một báo hiệu, một dấu chấm hết của chủ nghĩa độc tài và tương lai chính trị của đảng cộng sản Việt Nam ? Nếu thảo luận một cách nghiêm túc chắc hẳn những đảng viên đảng cộng sản Việt Nam đều hiểu rằng chế độ hiện tại không còn giải pháp lãnh đạo đất nước tương lai. Nhưng nếu hiểu được như vậy, họ cần dũng cảm và quyết đoán để nhanh chóng nhảy lên con thuyền dân chủ an toàn để rời bỏ con thuyền cộng sản đang sắp gặp nạn. Còn với những thành phần có học, có kiến thức ở Việt Nam, hãy tự tìm hiểu đâu là cách hành động đúng đắn để dẫn đưa đất nước đi lên và thoát ách độc tài toàn trị hiện nay. Ưu tư về nhu cầu thay đổi chính trị là một điều đúng đắn. Nhưng các bạn cũng nên dành nhiều ưu tư thường trực hơn cho việc đẩy mạnh và hội nhập vào một văn hóa chính trị mới, mà hành động đầu tiên là loại bỏ văn hóa nhân sĩ học để làm quan, hay phong cách đấu tranh lãng mạn của một người hùng dũng cảm nhưng đơn độc muốn gây tiếng vang trong nhất thời để rồi bế tắt. Các bạn hãy tìm và gia nhập một tổ chức chính trị có một dự án tốt đẹp cho đất nước, để cùng nhau bắt tay xây dựng một tương lai dân chủ bắt buộc phải đến của dân tộc. Rye Nguyễn Nguồn: Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
......

Nụ cười huyền thoại

Loc Duong Theo thống kê, dân số nước mình hiện nay là gần một trăm triệu, nhưng hình như Thượng đế chỉ ban cho mỗi mình Chu Ngọc Anh một thứ vũ khí sinh học quý giá nhất, đó là nụ cười nịnh. Chu Ngọc Anh (giữa) - Nguyễn Phú Trọng (trái)   Thực tế đã chứng minh, khi Chu Ngọc Anh cười nịnh ai là người đó mê tơi hồn vía. Từ Khuôn mặt nhợt nhạt, gian ác của Nguyễn Tấn Dũng cho tới khuôn mặt hiền hậu nhưng thủ đoạn của Nguyễn Phú Trọng, chỉ cần Chu Ngọc Anh cười nịnh một phát là ai nấy đều hồn phi phách tán, trái tim đang bình thường bổng thổn thức, muốn bay chơi vơi vào khung trời bát ngát những hương hoa của mùi nịnh. Có lần họ Chu nói với vợ : Tao mà nịnh đứa nào là chắc ăn đứa đó. Vợ Chu bảo : Đúng rồi, hồi đó anh giỏi nịnh bố tôi, nên ông cụ mới bắt tôi làm vợ anh, chứ lúc đầu nhìn mặt anh tôi hãi lắm. Nó cứ nhớt nhớt, trơn tuồn tuột như mặt lươn.   Với thứ vũ khí lợi hại như trên, cuộc đời của Chu lên như diều gặp gió. Từ anh cán bộ quèn của Tổng cục Bưu điện, Chu leo dần lên tới ngất ngưỡng ngọn cây : Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Lạ một điều, cứ mỗi lần Chu được cất nhắc lên một chức vụ quan trọng, thì ông Trời lại đánh dấu lên mặt Chu một cái nốt ruồi, như để nhắc nhở Chu ăn vừa vừa thôi, cho dân tình còn thở với.   Nhưng Chu không nghe, hoặc Chu không hiểu được ngôn ngữ của trời cao. Ngồi ghế bộ trưởng, Chu đã sắm được căn biệt thự khủng trị giá cả trăm tỷ, mà Chu vẫn chưa hài lòng. Chu thường phàn nàn với vợ : Bộ KH&CN là bộ nhỏ. Ngân sách nhà nước rót xuống hàng năm cho cả bộ chỉ có 2.777 tỷ, chẳng bỏ bèn gì, không bằng một cái dự án của bộ Giao thông Vận tải hay của thành phố Hà Nội. Vợ mới bảo : Thế sao không đi gặp bác Trọng, ông giỏi nịnh lắm kia mà. Tôi áng chừng thằng Chung con sắp vào tù, ông đi đi kẻo thằng khác nó tranh mất.   Nghe lời vợ, Chu đi tới dinh cụ Tổng với một cốp xe đầy những của ngon vật lạ. Nhác thấy nụ cười huyền thoại của Chu, cụ Tổng tay phải đưa lên ngực như sợ trái tim mình nhảy vọt ra ngoài, tay trái cụ năm lấy cánh tay Chu lắc lắc như ngầm bảo : Được rồi, được rồi, đừng cười nịnh nữa, ta cảm động lắm rồi.   Tháng 9/2020 Chu ngồi vào ghế Chủ tịch UBND/ TP Hà Nội. Ngay hôm sau, trên mặt Chu mọc thêm cái nốt ruồi thứ 5, cạnh khoé mắt phải. Thuộc cấp bảo : Đây là đặc điểm của người lãng mạn. Về nhà, vợ Chu bảo : Ông coi chừng, nốt ruồi xấu lắm.   Mà đúng như thế thật. Ngồi ghế chưa nóng đít, vụ Việt Á bổng tùm lum tùm loe ra. Ban đầu Chu cứ tưởng chỉ có thằng giả ngây giả dại Phan Quốc Việt và hàng chục cán bộ trung cấp, cỡ giám đốc, bị moi ra là đủ để kết thúc vụ án rồi. Ai dè Tô Lâm, từ ngày ăn bò dát vàng bị bò điên nhập hay sao, bổng nổi điên lên, moi ra cho bằng sạch : Tướng quân đội, rồi Thứ trưởng các Bộ lần lượt dính chưởng. Và Chu, cùng với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, mấy ngày trước còn đi thắp nhang khấn vái với nhau cầu cho tai qua nạn khỏi, bị quân của Tô Lâm ập tới bắt, chỉ sau một ngày cả hai bị khai trừ đảng về tội ăn ngập họng để bảo kê cho Việt Á hút máu nhân dân. Chu Ngọc Anh  - Nguyễn Thanh Long (trái)   Ngồi trên xe dẫn giải về trại giam T14, nhớ tới Đinh La Thăng, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh cũng đang bị giam ở đây, bất giác Chu nở một nụ cười. Thanh Long ngạc nhiên hỏi : Sao anh lại cười ? Chu bảo : Có Đinh La Thăng đón tiếp tụi mình rồi, không sợ cảnh tù cũ ăn hiếp tù mới. Long lại hỏi : Anh có chắc là Thăng còn nhớ tụi mình không ? Chu cười : Tin tôi đi, tôi nói là có. Nói xong, trong trí của Chu lại hiện lên hình ảnh ngày xưa, Đinh La Thăng đã từng bủn rủn, ngẩn người ra trước nụ cười nịnh siêu việt của Chu.   Loc Duong
......

Tác động của bàn cờ Ukraine sau 100 ngày

Nguyễn Quang Dy -  Viet-Studies   Nga xâm lược Ukraine đã làm cho nhiều người Việt bị sốc, vì Việt Nam có quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine. Khi Nga đã trở thành kẻ xâm lược và tội đồ quốc tế thì Việt Nam khó duy trì cân bằng với cả hai bên, tuy Nga vẫn là nước cung cấp vũ khí chủ yếu để răn đe Trung Quốc. Trong khi đó, bàn cờ Ukraine đang làm đảo lộn trật tự thế giới. Sau hơn hai năm vật lộn với đại dịch corona, các nước phải làm quen và chung sống với một thế giới “hậu Covid”. Nay chiến tranh Ukraine đã vượt qua 100 ngày, các nước cũng phải làm quen và chung sống với một thế giới “hậu Ukraine” và “hậu Putin”. Đó là một thế giới biến đổi khó lường, “trong một kỷ nguyên hoàn toàn mới” (Henry Kissinger). Tác động tới Việt Nam Trước mắt, Việt Nam đang trong tình thế khó xử về ngoại giao, phải đối phó bằng một thái độ lấp lửng để tránh phải lên án Nga trong khi dư luận ủng hộ Ukraine. Tuy Việt Nam hai lần bỏ phiếu trắng về Ukraine và một lần bỏ phiếu chống nghị quyết LHQ loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền (HRC), Việt Nam đã viện 500.000 USD cho Ukraine. Theo Lê Hông Hiệp (ISEAS), “Lập trường của Việt Nam về Ukraine hơi thiếu nhất quán”. Thứ nhất, Nga là đồng minh truyền thống của Việt Nam. Thứ hai, Nga cung cấp cho Việt Nam 80% vũ khí chủ yếu. Thứ ba, Nga là đối tác dầu khí của Việt Nam tại Biển Đông. Vì vậy, Hà Nội không công khai lên án Moscow. (PM Chinh Goes to Washington Equal Importance of Foreign and Domestic Goals, Le Hong Hiep, Fulcrum, May 17, 2022). Trước mắt, Hà Nội vẫn duy trì chính sách “Ba không Một nếu” và chưa sẵn sàng nâng quan hệ với Mỹ lên “đối tác chiến lược”. Nhưng cuộc khủng hoảng Ukraine là một cơ hội tốt để Việt Nam đánh giá lại quan hệ với Nga. Để đối phó tốt hơn với các rủi ro tiềm tàng, Việt Nam phải đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí, để giảm lệ thuộc vào Nga. Trừng phạt kinh tế của phương Tây có hại cho cả Nga và các nước khác như Việt Nam, vì kinh tế mở phụ thuộc vào thương mại. Dự trữ ngoại tệ của Nga do 6 nước nắm là Trung Quốc: 17,7 %; Pháp: 15,6 %; Nhật: 12,8 %; Đức: 12,2 %; Mỹ: 8,5 %; Anh: 5,8 %, IMF & BIS: 6,4 %. Các nước (trừ Trung Quốc) đã phong tỏa tài sản Nga (330 tỷ USD). Về nhập khẩu vũ khí Nga, Việt Nam xếp thứ 5 trên thế giới và xếp thứ 1 trong khu vực. Nay Việt Nam phải giảm nhập khẩu vũ khí của Nga. Một là Mỹ có thể áp dụng luật CAATSA với Việt Nam. Hai là Ukraine đã làm cho Nga và Trung Quốc gắn bó hơn. Ba là phụ tùng vũ khí Nga ngày càng khan hiếm, như động cơ cho chiến hạm Gepard. Kế hoạch hiện đại hóa quân đội Việt Nam đã giảm từ năm 2016. Tuy Việt Nam phải đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí để giảm thiểu rủi ro, nhưng thay thế vũ khí Nga không dễ. Một là ngân sách quốc phòng hạn hẹp. Hai là vũ khí phương Tây đắt hơn. Ba là hội nhập vũ khí của phương Tây với hệ thống vũ khí của Nga đòi hỏi nhiều thời gian. Theo SIPRI, vũ khí của Nga gồm 6 tàu ngầm Kilo 636; 4 tàu hộ tống Gepard 3.9; 36 chiến đấu cơ đa năng Su-30MK2; 2 khẩu đội tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion, chiếm 7,4 tỷ USD trong số 9,07 tỷ USD (1995-2021), từ 90% (1995-2014) còn 68,4% (2015-2021). Của Israel 13,7%, Belarus 5,7%, Nam Hàn 3,3%, Mỹ 3%, Hà Lan 2,4%. (Will Vietnam Be Able to Wean Itself Off Russian Arms? Le Hong Hiep, Fulcrum, April 4, 2022). Việt Nam và Đài Loan Sau hai tháng tốc chiến (blitzkrieg) thành tốc bại (blitzfail) của giai đoạn một, Nga buộc phải rút khỏi Kiev để tập trung vào phía Đông trong giai đoạn hai. Trong “sương mù chiến tranh” (fog of war) do tuyên truyền và thông tin thất thiệt, chưa có dấu hiệu kết thúc chiến tranh. Graham Allison (Harvard) nói: “kết thúc chiến tranh khó hơn nhiều so với khởi động nó”. (Piercing the Fog of War, Graham Allison, National Interest, March 24, 2022). Do không chiếm được Kyiv, mục tiêu ngắn hạn của Nga là kiểm soát Luhansk, Donetsk, cầu nối với Crimea qua biển Azov, và Kherson ở phía tây Crimea. Để tránh thất bại, Putin có thể dọa dùng vũ khí không thông thường. Tuy lực lượng Nga mạnh hơn Ukraine, nhưng sau 100 ngày vẫn không giành được thắng lợi mà càng sa lầy vào cuộc chiến tranh hao binh tổn tướng. Đến nay, Nga đã mất 1/3 lực lượng và 12 tướng, trong khi Ukraine vẫn đứng vững và từng bước giành thắng lợi, tuy vẫn chưa thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm”. Trước khi Nga xâm lược (24/2) tướng Mark Milley (Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ) cho rằng Kyiv sẽ sụp đổ trong 72 giờ. Nhưng sau ba tháng, Milley đã thay đổi quan điểm và tuyên bố: “các nước lớn không thể xâm lược và hủy diệt các nước nhỏ yếu”. Về kết cục chiến tranh, Milley nói: “người Ukraine sẽ quyết định kết thúc cuộc chiến trong phạm vi Ukraine”. Gần đây, thắng lợi của Ukraine trên chiến trường làm cho nhiều người ở Washington có tâm trạng hứng khởi, muốn tranh thủ cơ hội giáng cho Nga một đòn quyết định. Theo Derek Grossman (RAND), Trung Quốc dễ gây chiến với Việt Nam hơn là với Đài Loan. Trong tương lai gần, Việt Nam dễ bị tổn thương hơn là Đài Loan. Các “sự cố” xảy ra trên Biển Đông có thể lan tới biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nói cách khác, kịch bản Trung Quốc bắt nạt Việt Nam dễ hơn là với Đài Loan. (Ukraine conflict echoes loudest in Vietnam, not Taiwan, Derek Grossman, Nikkei, March 21, 2022). Việt Nam và Đài Loan đều đứng trước đe dọa từ Trung Quốc. Diễn biến tại Ukraine sẽ tác động tới Việt Nam và Đài Loan, cũng như diễn biến tại Điện Biên Phủ thời trước đã tác động tới Algeria. Nói cách khác, tương lai của khu vực không chỉ phụ thuộc vào nhận thức về mối đe dọa của Trung Quốc mà còn về răn đe có hiệu quả. (What’s at stake in Ukraine is the direction of human history, Yuval Noah Harari, Economist, February 9, 2022). Bình luận về cuộc tập trận giữa Nga và Việt Nam gần đây, Derek Chollet (cố vấn Ngoại trưởng Mỹ) nói với VOA (29/4): “Hiện nay, Nga là đối tác kém hấp dẫn hơn nhiều so với bốn tháng trước đây” nên “Việt Nam cần đánh giá lại quan hệ với Nga”, và “Mỹ sẵn sàng làm đối tác”. Tuy nhiên vì lợi ích an ninh của mình, Việt Nam không muốn làm mất lòng Nga. Đó là một thực tế mà các nước khu vực vẫn phải cân nhắc, trong đó có Việt Nam. Ấn Độ dương-Thái Bình dương Theo Đại sứ Úc John McCarthy, “Úc sẽ gặp rủi ro nếu không gắn bó với khu vực”. Trong đối ngoại, lập trường về Ukraine được hình thành không chỉ bởi các giá trị phương Tây mà còn bởi lập trường xuyên Đại Tây Dương. Ông cảnh báo: “Về ý thức hệ, chúng ta gần phương tây, nhưng chính sách đối ngoại của chúng ta không nên xa rời khu vực châu Á-Thái Bình dương” và “Chính sách về Ukraine của phương Tây có lỗ hổng chiến lược ở khu vực”. (The Perils of an Atlantic Outlook, John McCarthy, Asialink, 12 April 2022). Anthony Albanese đã trở thành Thủ tướng Úc (21/5). Ông đã đến Tokyo dự họp cấp cao QUAD (23/5). Trước mắt, Chính phủ Công Đảng chắc vẫn duy trì lập trường quốc tế. Sau cấp cao Mỹ-ASEAN (13/5), Tổng thống Biden đã đến Hàn Quốc và Nhật (20-24/5) để họp cấp cao QUAD và công bố “Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (IPEF). Biden còn tuyên bố sẵn sàng bảo vệ Đài Loan. (Biden’s Asia Trip Shows Challenges in Uniting Region, Andrew Restuccia, Peter Landers and Ken Thomas, WSJ, May 24, 2022). Ý tưởng về IPEF đã được Biden đưa ra lần đầu tại Hội nghị cấp cao Đông Á (10/2021). Đây là “tiền đề cho không gian tự do, rộng mở, phát triển bền vững và dung nạp, tạo điều kiện cho các nước cùng hợp tác. Đó là khuôn khổ cho một khu vực hòa bình và thịnh vượng, dựa trên bốn trụ cột quan trọng là thiết lập các quy tắc mới cho tự do thương mại và kinh tế kỹ thuật số, thúc đẩy hợp tác trên chuỗi cung ứng, thiết lập các cam kết mới về biến đổi khí hậu và ngăn chặn rửa tiền hay hối lộ”. (Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Gắn kết Mỹ với khu vực, Tuần Việt Nam phỏng vấn Đại sứ Phạm Quang Vinh, 26/5/2022). Nói cách khác, các trụ cột mà IPEF đưa ra mang tính định hướng “theo các nguyên tắc tin cậy, bền vững, xanh, sạch, số, phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam”. Tuy đây chỉ là bước đầu, nhưng thời gian tới, chắc chắn các nước sẽ phải chuẩn bị tích cực để chủ động đề xuất ý tưởng của mình, thể hiện lợi ích quốc gia cũng như khu vực. “Trong tương lai, chắc Mỹ phải quay trở lại với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cả về địa chiến lược lẫn địa kinh tế, vì cộng GDP của 13 nước thành viên IPEF sẽ chiếm 40% GDP thế giới”. Trong khi Singapore lên án Nga xâm lược và trừng phạt kinh tế Nga thì các nước ASEAN khác, trong đó có Việt Nam, Indonesia, Malaysia, không lên án Nga. Cuối năm nay, Indonesia sẽ chủ trì họp G-20, Thailand sẽ chủ trì APEC, Cambodia sẽ chủ trì ASEAN và EAS. Nhiều nước không muốn Nga dự các cuộc họp đó, sẽ làm chủ nhà khó xử. Đây là cơ hội tốt để Nhật phát huy vai trò tích cực dàn xếp trong khu vực, vì được tin cậy. (Japan’s Crucial Role in Southeast Asia amid the Ukraine War, Huong Le Thu, CSIS, April 22, 2022). Sau khi Thủ tướng Nhật Kishida Fumio đến thăm Việt Nam (30/4), Hà Nội đã quyết định viện trợ nhân đạo cho Ukraine 500.000 USD. Tuy đây là một khoản viện trợ khiêm tốn, nhưng là một động thái quan trọng chứng tỏ Việt Nam đã điều chỉnh lập trường đúng lúc, trước khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đi Mỹ (11-17/5) để họp cấp cao Mỹ-ASEAN (12-13/5). Trong khi chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng tăng cường trước và sau Trung ương 5 (4-10/5), TBT Nguyễn Phú Trọng chắc sẽ tiếp tục cầm quyền đến năm 2023 hoặc 2026. Tuy Phạm Minh Chính là một trong hai ứng cử viên hàng đầu để thay ông Trọng, nhưng ông đang đứng trước các thách thức mới sau khi nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn (chủ tịch AIC) bị truy tố ngay trước Trung Ương 5. Tuy quan hệ Mỹ-Việt đã cải thiện trong thời Biden, nhưng lập trường lấp lửng của Hà Nội về Ukraine là một vấn đề. Chuyến đi Mỹ của Phạm Minh Chính là một cơ hội tốt để Hà Nội làm rõ lập trường. Tuy Hà Nội chưa sẵn sàng nâng quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược, nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian. Mỹ và đồng minh Theo Biden, Mỹ muốn thấy “Ukraine dân chủ, độc lập, có chủ quyền và thịnh vượng, có phương tiện răn đe hiệu quả để bảo vệ mình chống xâm lược”. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí chính xác và hiện đại như tên lửa chống tăng Javelin, và chống máy bay Stinger. Nhưng Mỹ không muốn chiến tranh giữa NATO và Nga, và không muốn trực tiếp tham gia xung đột bằng cách đưa quân Mỹ tới chiến đấu ở Ukraine hoặc tấn công quân Nga. Hiện Mỹ không thấy dấu hiệu Nga có ý định dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Putin đã sai lầm và không ngờ phương Tây đoàn kết và phản ứng mạnh như vậy. (President Biden: What America Will and Will Not Do in Ukraine, Joseph Biden, New York Times, May 31, 2022). Washington đã cam kết giúp Ukraine về lâu dài, trong khi Nga ngày càng bị cô lập và bị phương Tây bao vây cấm vận, sẽ suy yếu như một tội đồ bị thế giới ruồng bỏ. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã đến Kyiv gặp Tổng thống Zelensky và tuyên bố: “Mỹ sẽ đứng bên Ukraine cho đến khi thắng lợi”. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói: “Chúng tôi muốn thấy Nga suy yếu tới mức không thể xâm lược Ukraine”. Tuần trước, Biden đã chuẩn chi tiếp 40 tỷ USD, trong đó có 20 tỷ USD cho viện trợ quân sự. Washington đã viện trợ tổng cộng 54 tỷ USD để Ukraine tiếp tục chiến đấu trong những tháng tới. (What is America’s end game for the war in Ukraine? Felicia Schwartz and Amy Kazmin, Financial Times, May 29 2022). Putin muốn chia rẽ phương Tây và ngăn NATO tiến về phía Đông, nhưng bằng cách xâm lược Ukraine, ông không chỉ giúp phương Tây đoàn kết hơn bao giờ hết, mà còn thúc đẩy Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Trong khi đó, các nước Đức, Thụy Sỹ, và Đan Mạch đã thay đổi thái độ cứng rắn hơn đối với Nga. Tại Ấn Độ dương-Thái Bình Dương, Putin bắt tay với Tập Cận Bình đã làm cho Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, và Hàn Quốc tăng cường liên minh với Mỹ để đối phó bằng cách đẩy mạnh thể chế hóa QUAD, AUKUS và IPRF. Trong khi phương Tây tăng cường liên kết, thì liên minh Nga-Trung vẫn “đồng sàng dị mộng”. Tham khảo 1. What’s at stake in Ukraine is the direction of human history, Yuval Noah Harari, Economist, February 9, 2022 2. Ukraine conflict echoes loudest in Vietnam, not Taiwan, Derek Grossman, Nikkei Asia, March 21, 2022 3. Piercing the Fog of War, Graham Allison, National Interest, March 24, 2022 4. Will Vietnam Be Able to Wean Itself Off Russian Arms? Le Hong Hiep,Fulcrum, April 4, 2022 5. The Perils of an Atlantic Outlook, John McCarthy, Asialink, April 12, 2022 6. Japan’s Crucial Role in Southeast Asia amid the Ukraine War, Huong Le Thu, CSIS, April 22, 2022 7. PM Chinh Goes to Washington Equal Importance of Foreign and Domestic Goals, Le Hong Hiep, Fulcrum, May 17, 2022 8, Biden’s Asia Trip Shows Challenges in Uniting Region, Andrew Restuccia, Peter Landers and Ken Thomas, WSJ, May 24, 2022 9. What is America’s end game for the war in Ukraine? Felicia Schwartz and Amy Kazmin, Financial Times, May 29 2022 10. President Biden: What America Will and Will Not Do in Ukraine, Joseph Biden, New York Times, May 31, 2022 p align=”justify”>11. Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Gắn kết Mỹ với khu vực, Tuần Việt Nam phỏng vấn đại sứ Phạm Quang Vinh, 26/5/2022 NQD. 9/6/2022  
......

Trùm cuối trong vụ máy bay giải cứu là ai ?

Thao Ngoc Trong khi dư luận chưa hết bàng hoàng về việc 2 vị bộ trưởng là Nguyễn Thành Long và Chu Ngọc Anh đã phải tra tay vào còng vì bòn rút mồ hôi xương máu đồng bào trong nạn đại dịch hai năm qua. Thì tướng Tô Ân Xô lại dội một gáo nước lạnh làm những người lạc quan nhất cũng phải xây xẩm mặt mày. Trong cuộc hop báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Tướng Tô Ân Xô cho biết , số tiền lợi nhuận lên tới vài tỷ đồng mỗi chuyến bay, và thống kê có gần 2.000 chuyến bay giải cứu trong đợt dịch vừa qua. (https://vtc.vn/trung-tuong-to-an-xo-moi-chuyen-bay-giai...) Ảnh: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng Trước đó, vào giữa tháng 4, Bộ Công an đã khởi tố và bắt giam Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và 2 người khác là Phạm Trung Kiên, Chuyên viên Vụ trang thiết bị và Công trình y tế Bộ Y tế. Vũ Anh Tuấn, nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, về tội "Nhận hối lộ”. Trong số những người bị bắt cả trước lẫn sau, có 2 người là đồng hương Nam Định với cựu bộ trưởng bộ ngoại giao Phạm Bình Minh, là Tô Anh Dũng và Vũ Anh Tuấn. Cục Lãnh sự,: Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan, Phó Cục trưởng Đỗ Hoàng Tùng Đầu tháng 9/ 2020, website chính thức của hãng Vietnam Airlines cho rằng mỗi chuyến bay giải cứu người Việt về nước có thể lên đến 10 tỉ đồng/chuyến. Với phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau”, nên đây là cơ hội vàng để các quan tham róc rỉa xương thịt đồng bào đang sinh sống nơi xứ người muốn về quê hương đất mẹ vừa tránh dịch vừa đoàn tụ gia đình, họ hàng làng xóm. Ngày 7/12/2021, trong buổi tọa đàm “Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế”, có thông tin cho rằng một gói “combo về nước” có giá lên đến 240 triệu đồng. Vì các chuyến bay mang danh nhân đạo và giải cứu đồng bào nhưng bị đớp trắng trợn quá, nên trên nhiều diễn đàn, bà con Việt Kiều chia sẻ kinh nghiệm về nước bằng cách “lách” sang Campuchia. Hành khách bay từ châu Âu về Phnôm Penh chỉ với giá 630 euro, đi ô tô mất 100 euro lên cửa khẩu Mộc Bài, chìa hộ chiếu Việt Nam ra chắc chắn sẽ được vào Việt Nam và sau đó, cách ly 1 tuần ở Tây Ninh là xong. Có những đề xuất để ngăn chặn tình trạng trục lợi giá vé chuyến bay "giải cứu" này, nhưng không được quan tâm. Các chuyến bay combo do các công ty được cơ quan ngoại giao chỉ định thực hiện. Các hãng hàng không được công ty tổ chức thuê vận chuyển, chi phí thu với khách bao nhiêu do các công ty này đưa ra, các hãng hàng không không nắm được chi phí. Có nhiều ý kiến phàn nàn giá vé các chuyến bay nhân đạo đưa công dân về nước cao hơn rất nhiều so với bình thường. Trả lời về việc này, các hãng bay khẳng định không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, giá vé cao là do phát sinh nhiều chi phí khác. Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao ngày 20/1/2022, khi báo chí đặt câu hỏi việc công dân về nước theo các chuyến bay giải cứu phải trả số tiền lớn, thủ tục khó khăn và nghi vấn có trục lợi từ các chuyến bay "giải cứu"này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: "Chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước là chủ trương đúng đắn và nhân đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam. Điều này cần đặt trong bối cảnh trong nước có những thời điểm hết sức khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh”. Ở vế thứ nhất bà Hằng nói đúng, nhưng vế thứ hai là là bao biện. Ngày 27/ 1/2022, Bộ Ngoại giao đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với 4 cán bộ Cục Lãnh sự (gồm: Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan, Phó Cục trưởng Đỗ Hoàng Tùng, Chánh Văn phòng Cục Lê Tuấn Anh và Phó trưởng Phòng Bảo hộ công dân Lưu Tuấn Dũng), để phục vụ điều tra. Cùng ngày, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 4 cá nhân nêu trên về tội “Nhận hối lộ” khi xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa Công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự. Đến tháng 3, bà Nguyễn Diệu Mơ ( Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch và Dịch vụ hàng không An Bình) cũng bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc Đưa hối lộ. Ngày 14 tháng 4 năm 2022,thứ trưởng Tô Anh Dũng và đồng bọn phải tra tay vào còng như đã nói trên. Trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải đến đâu? Cơ quan điều tra Bộ Công an có văn bản đề nghị Bộ GTVT cung cấp danh sách chi tiết chuyến bay “giải cứu” công dân về nước để phục vụ điều tra vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Nhưng Bộ GTVT khẳng định không được giao trách nhiệm phê duyệt danh sách công dân, cấp phép cho doanh nghiệp tổ chức chuyến bay “combo”, “giải cứu”. Dư luận vẫn nghi ngờ và đặt câu hỏi về trách nhiệm rất lớn của bộ này. Bộ GTVT với vai trò là cơ quan phối hợp chịu trách nhiệm chỉ đạo Cục Hàng không VN cấp phép bay theo kế hoạch được Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao phê duyệt. Dư luận mong các cơ quan chức năng cần tiếp tục làm rõ vai trò trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT trong việc phối hợp với Bộ GTVT xem xét, duyệt cấp chuyến bay và các quy trình, thủ tục xử lý việc xét duyệt cho hãng hàng không bay combo, “giải cứu”. Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4 /2022, tướng Tô Ân Xô cho biết, hoạt động của các đối tượng trong vụ án này rất tinh vi, số người tham gia đông, phạm vi rộng, cả trong nước và ngoài nước gồm một số cơ quan, ban, ngành trung ương, địa phương, xảy ra trong thời gian dài. Như vậy là cũng như vụ Việt Á, vụ “giải cứu nhân đạo”này cũng được giới đỉnh cao trí tuệ đưa hết mánh khóe bịp bợm và gian manh ra để hút máu đồng bào trong cơn hoạn nạn đại dịch. Dư luận đặt câu hỏi: Ngoài các bộ ngành liên quan như đã nói trên, thì trách nhiệm của các đại sứ quán VN tại các nước có nạn nhân được giải cứu, và đặc biệt là bộ trưởng Phạm Bình Minh, lúc đó là người đứng đầu ngành ngoại giao, có liên quan gì và trách nhiệm đến đâu. Trong số 4.000 tỉ mà các chuyến bay mệnh danh là giải cứu thu về, được chung chi cho những ai, và ai là trùm cuối trong vụ này? Thao Ngoc9/6
......

Nguyễn Công Khế, tên trùm cuối của Việt Á ?

Thanh Hieu Bui   Trùm cuối của Việt Á ?   Ai là trùm cuối của Việt Á và liệu hắn có bị xử lý không?   Đây là câu hỏi lớn nhất mà người dân đang đặt ra với tâm trạng vừa hồi hộp,vừa trăn trở và vừa hy vọng.   Vụ Việt Á là vụ việc phải nói là tính chất quá dã man và tham tàn của những kẻ chủ mưu. Bởi không như những vụ việc tranh giành thị phần, cướp dự án, cướp mối hàng, độc quyền cung cấp hay lấy đất công.   Trước kia vụ án Vũ Nhôm được báo chí quy kết là trùm maphia, hung hãn đe doạ người này, người nọ, kẻ thù của nhân dân.   Nhưng nếu nhìn kỹ thì Vũ Nhôm chỉ đi rình mua nhà công sản với giá rẻ hay lấp vịnh lấy đất làm khu đô thị. Thế mà cánh báo chí tay chân của Phúc Nghẹo đưa Vũ Nhôm thành kẻ tội đồ với nhân dân. Đó chẳng qua Vũ Nhôm là tay chân cũ của Bá Thanh và Đại Quang sau này, đòn thù được các ngòi bút kia tô vẽ Vũ Nhôm thành kẻ tội đồ khủng khiếp.   Vũ Nhôm lấy nhà công sản, nhưng chưa bao giờ vẽ dự án lấy đất nhà, đất nông nghiệp của dân. Chưa có người dân nào tan nhà, nát cửa đội đơn đi kiện những dự án mà Vũ Nhôm làm.   Nhà công sản đó nếu Vũ Nhôm không mua với giá rẻ mạt thì cũng có kẻ khác mua. Chẳng bao giờ đến phần người dân cả. Vụ Vũ Nhôm thực sự là vụ tranh cướp của công mà ra tay với nhau. Các vụ việc khác như vụ Trầm Bê, Trần Bắc Hà đều mang tính chất thanh toán nhau cướp cơ sở làm ăn. Thế nhưng hầu hết các vụ do Phúc Nghẹo khởi xướng này đều chung quy luật là được các cánh bồi bút khai thác giật gân, biến các đối tượng thành những kẻ tội đồ của dân tộc.   Nhưng ở vụ Việt Á thì các bồi bút này dường như không viết gì, một số viết kiểu chung chung quy kết do cơ chế mà ra.   Vụ Việt Á và vụ máy bay giải cứu là hai vụ cực kỳ tàn nhẫn, dã man bởi nạn nhân của hai vụ này là những người dân, trong đó có rất nhiều người dân nghèo. Không phải cứ ai ở nước ngoài bay về Việt Nam đều có tiền cả, có những người đi lao động, đi công tác, đi học, đi thăm thân nhân bị kẹt lại...bản thân khi đi ra nước ngoài họ cũng chi tiêu tiết kiệm từng đồng, thế nhưng những chuyến bay được ca ngợi là nhân đạo đưa họ về như làm ơn ấy lại bắt họ phải trả số tiền lớn gấp 5 đến 7 lần bình thường, để chúng chia nhau. Chị Lan bị cưởng bức xét nghiệm   Bao nhiêu người dân nghèo, người công nhân ở mọi miền đất nước phải móc tiền ra để trả cho cái gọi là xét nghiệm covid, cái thứ được làm không biết ở đâu, trong cái cơ sở chỉ vài chục mét vuông với giá cắt cổ, để rồi phần lớn số tiền đó vào tay bọn quan lại tham nhũng.   Ăn như thế là ăn thẳng từ máu, nước mắt, mồ hôi của dân. Ăn đất, ăn dự án, ăn nọ kia , cướp của nhau chưa đủ. Giờ còn thẳng thừng cướp trực tiếp vào máu toàn nhân dân. Tội của bọn này còn đáng chết ngàn vạn lần tội của kẻ khác.   Nguyễn Công Khế, ông trùm truyền thông quyền lực, kẻ tổ chức thi hoa hậu để cấp gái cho các quan chức cấp cao để đổi lại lấy quyền lực truyền thông mở màn vụ Việt Á bằng bài viết giới thiệu Việt là người đồng hương Quảng Nam đang sản xuất Kit covid và đã gặp những người trọng yếu. Ai cũng hiểu đó là lời nhắn nhủ các bồi bút Khế đã bảo kê, cũng là thông điệp cho các tỉnh thành liệu mà tiếp nhận Việt.   Nếu như Ngọc Trinh chỉ vài lời về lô đất ở cao nguyên mà báo chí rầm rộ kết án thổi bất động sản thì những lời của Khế đáng tội gì mà không báo chí nào dám nhắc đến?   Tội của Khế lớn hơn nhiều, vì Khế còn nhắc đến người trọng yếu. Hơn nữa người có theo Ngọc Trinh mua đất đa số người dư tiền. Nhưng người công nhân, người chạy chợ từng bữa buộc phải bóp bụng mua Kit mà Khế quảng cáo có rất nhiều người nghèo.   Lẽ ra cơ quan điều tra phải triệu tập Khế để làm rõ người trọng yếu mà Khế nhắc là ai, để làm rõ hậu quả tuyên truyền của Khế, cũng như làm rõ chuyện lăng xê cho Việt Á. Nhưng cơ quan điều tra chưa dám đụng đến Khế, bởi đụng đến Khế là đụng đến người trọng yếu, tức tên trùm cuối của Việt Á.   Các bạn nào làm trong các ban ngành, tổ chức đều biết rõ là nếu không có chỉ đạo ví dụ từ gíam đốc xuống, trưởng phòng A không thể tuỳ tiện sang gặp trưởng phòng B để bàn nhau phối hợp công việc, tương tự như thế không thể nào Việt Á được Bộ Kế Hoạch Đầu Tư, Học Viện Quân Y, Bộ Y tế và các địa phương ăn khớp nhịp nhàng cùng Việt Á.   Ai đã chỉ đạo hai vị bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long ngoài thủ tướng lúc đó là Nguyễn Xuân Phúc, chỉ có Phúc mới là nhân vật trọng yếu nhất mà Khế nhắc đến. Chính vì thế nên không ai dám đụng đến bài viết của Khế để hạch tội. Nếu là Vũ Đức Đam chắc hẳn bọn bồi bút của Phúc dưới sự chỉ đạo của Khế đã nghiền nát Đam như kẻ tội đồ dân tộc như đã từng nghiền Đinh La Thăng.   Đến khi nào kẻ cáo mượn oai hùm như Nguyễn Công Khế phải đền tội trong vụ Việt Á này, về lý có lẽ Khế còn cãi tôi viết vu vơ. Nhưng ai cũng hiểu Khế nhận lệnh trên đưa thông điệp cho các tỉnh phải phối hợp với Việt Á. Không xử lý được Khế thì vụ Việt Á này vẫn còn những ức chế trong nhân dân. Có lẽ cơ quan công an phải tiến hành xử lý vụ Khế cướp đấttoà báo bán cho Bùi Thành Nhơn Novaland kiếm lãi ngót nghìn tỷ. Đó cũng là cách trấn an nhân dân, kẻ tội phạm dù tinh vi ở tội này, những sẽ bị trừng phạt ở tội khác. Còn để Khế cướp đất mua nhà bên Mỹ, xây khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam, lăng xê cho Việt Á gây tội, xong Khế thản nhiên mời nhân vật này, nhân vật kia đến khi nghỉ dưỡng của mình phè phỡn, trêu người thiên hạ cũng là hạ nhục công cuộc chống tham nhũng chỉ là trò bắt gà con nào bị bắt con đó có tội.   Nào , bây giờ những kẻ như Osin ca ngợi thủ tướng Phúc là nhà kỹ trị, kiến tạo, liêm chính ở đâu rồi ?   Kẻ kiến tạo tinh vi móc tiền của dân đen trong dịch bệnh, kẽ kỹ trị tài ba đẩy bao nhiêu quan chức cấp dưới phải vào tù, kẻ liêm chính vét túi của dân hàng ngàn tỷ. Kẻ mua chuộc bọn báo chí tay chân ca ngợi ngút trời trong cả nhiệm kỳ 12 vừa qua. Kẻ đó là đương kim chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Cơ chế của đảng CS có thể không được đụng đến Phúc, nhưng con cáo mượn oai hùm như Khế cũng không diệt được, thực sự là thất vọng.   Trong số những quan chức bị bắt vụ Việt Á, có người khóc tức tưởi, có người tự vẫn, vô số kẻ ngậm ngùi vào tù. Họ không oan, nhưng họ có cái niềm riêng uẩn khúc của họ. Ở cương vị họ mà từ chối không mua , không hợp tác với Việt Á là chống lại thủ tưởng Phúc. Nghe theo, làm theo phối hợp với Việt Á thì chịu cảnh tù tội. Cho nên nước mắt của họ là nước mắt của sự ức chế vì vào cảnh bị thế lực Phúc ép phải làm.   Giá như lúc đó họ từ chối, trong lòng họ có người chắc đã nghĩ vậy. Nhưng họ không đủ can đảm, không dám chống lệnh ngầm của phe Phúc Nghẹo, không dám giã từ quan trường để về làm người bình thường. Họ hy vọng thủ tướng Phúc sẽ nắm quyền hoặc chí ít cũng ngăn cản không để họ bị xử tội như thế.   Tội ác của Phúc và Khế gây ra hại biết bao người, cả dân và cả quan chức. Phúc làmn CTN nhởn nhơ đã đành, một tên nhà báo như Khế mà còn nhởn nhơ lúc này khác gì vết bùn ném giữa bức tranh chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái. Hay chăng Khế còn nắm bí mật nào của phe cánh Tô Lâm, những bí mật mà Khế được Phúc, Sang, Trương Hoà Bình gửi gắm làm vũ khí kiềm chế Tô Lâm.   Chắc chắn vậy, nên dường như trong muôn vàn tội mà Khế gây ra, Khế dường như tàng hình trong mắt Tô Lâm và các đàn em.
......

Khi chiếc mặt nạ bị xé toạt !

Ảnh; Chu Ngọc Anh (trái) - Nguyễn Thành Long (phải) Thao Ngoc Vậy là hai trong số những kẻ cầm đầu tổ chức tội phạm trong vụ Việt Á đã bị kỷ luật về mặt đảng. Chiều muộn ngày hôm qua (6/6/2022) đồng loạt các báo đưa tin Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thành Long đã bị hội nghị bất thường ban chấp hành trung ương  (BCH/TƯ) kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi đảng. (https://thanhnien.vn/khai-tru-dang-cac-ong-chu-ngoc-anh...) Việc mới cách nay 1 tháng, vào ngày 04/5 vừa qua, đảng vừa tổ chức hội nghị lần thứ 5 BCH/TƯ mà không đưa vụ này ra giải quyết, mà phải cắt ngang buổi chiều ngày 6/6 của kỳ họp Quốc hội để triệu tập kỳ họp bất thường xử lý vụ này, chứng tỏ để lôi được những con mối chúa này ra khỏi hang ổ không hề đơn giản, mà có lẽ những thế lực ngầm nào đó vẫn gây cản trở, mặc dù vụ này xảy ra từ hơn một năm nay. Khi chiếc mặt nạ che đậy những giáo sư tiến sĩ đạo đức sáng ngời này bị xé toạc, thì người ta thấy bộ mặt thật của chúng chỉ là những kẻ đại lưu manh, là lươn lẹo, là lừa lọc, và có tài luồn lách, càng chúng tỏ chúng rất lỳ lợm. Càng chứng tỏ chúng đang lấy dân làm thớt và những đồng tiền bẩn tanh mùi máu mà chúng kiếm được sẽ “xây đài vinh quang” cho bọn chúng để nhân dân nguyền rủa muôn đời. Một bộ test kit giá nhập chỉ 21.560 đồng/bộ nhưng bán ra theo giá của bộ y tế là 470.000đ/bộ. Chúng ăn trên mồ hôi xương máu của dân hơn 21 lần. Tổng giá trị nhập khẩu bộ test kit của Công ty Việt Á là 65 tỷ đồng nhưng bán ra được 4000 tỷ đồng. Có như vậy mới dám ngắt 800 tỷ đồng chỉ để ... bôi trơn chứ. Trong hơn 43.000 người chết vì Covid, không ai thống kê nổi có bao nhiêu người phải chết vì bộ test kit dỏm này gây ra. Sự bao trùm của loại bộ kit này trên toàn quốc đã gây ra thiệt hại không hề nhỏ. Công lao bao nhiêu năm chúng rèn luyện và học tập tấm gương đạo đức đều tan biến như bọt xà phòng. Nếu lấy tre Trường Sơn làm bút, nước biển Đông làm mực cũng không đủ để kể tội bọn chúng đã gây ra cho nhân dân ta trong những năm qua. Xem kịch bản của bọn chúng trong vụ này mới thấy được sự gian manh xảo quyệt của chúng: Học viện quân y có nhiệm vụ mở các cuộc hội thảo khoa học để tung hô phẩm chất lừa đảo này lên tận mây xanh. Chu Ngọc Anh không ngượng mồm tuyên bộ rằng kít tes Việt Á được WHO công nhận và cho phép lưu hành, đã có 20 nước đăng ký mua. Chỉ một ngày sau Nguyễn Thành Long cấp phép cho bộ kis này được phép lưu hành, và ra mức giá 470.000/kis, từ đó 62 tỉnh thành trong cả nước mua ào ào. Nguyễn Thành Long còn ra nhiều văn bản hối thúc cả nước tiến hành xét nghiệm đại trà để tiêu thụ kis dổm của Tàu càng nhiều ngàng tốt. Đau nhất là chủ tịch nước đã cấp huân chương cho một công trình lừa đảo của những kẻ lưu manh. Nếu như vụ thuốc ung thư giả của mụ Kim Tiến gây ra, những kẻ gây tội ác chỉ trong nội bộ y tế và cục quản lý dược. Nhưng vụ Việt Á là cả một quá trình lừa đảo có tổ chức và quy mô rộng lớn hơn nhiều. Nó thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng và bài bản của nhiều bộ ngành, nhiều cơ quan. Công ty Việt Á được thành lập với 3 cổ đông sáng lập, vốn điều lệ 1.000 tỉ, trong đó số cổ phần 3 cổ động sáng lập nắm giữ là 20%. Vậy 800 tỉ đồng còn lại là của những đồng chí nào? Có hay không tập đoàn tội phạm này hoạt động dưới sự điều khiển của cục tình báo Hoa Nam. Và nếu có thì ai là người tiếp nhận, chỉ huy và triển khai kế hoạch này cho học viện quân y, cho Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thành Long? Những Phan Quốc Việt, Nguyễn Thành Long, Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc và các tướng tá trong học viện Quân y chỉ là phần nổi của tảng băng, đã phơi bày công khai trên báo chí lâu nay. Phần còn lại của tang băng đang bị che khuất là những ai, có ông nào to hơn Nguyễn Thành Long và Chu Ngọc Anh không? Khai trừ Khỏi đảng với chúng chỉ là một phần. Linh hồn mấy chục ngàn nạn nhân covit đã phải chết oan uổng vì tội ác của bọn chúng gây ra sẽ không được yên nghỉ nếu như tội trạng của chúng không được trừng trị thích đáng. Kính đề nghị ông chủ lò tôn: Không vì “chống tham nhũng khó vì ta đánh ta”; không vì “đập chuột nhưng đừng đập vỡ bình” mà để bỏ lọt tội phạm là có tội với nhân dân, đặc biệt là những nạn nhân của chúng. Thao Ngoc 7/6 
......

Sự phối hợp nhịp nhàng trong hành động trục lợi

-Đỗ Ngà- - Thế Giới Kpop Một bộ kit test giá nhập chỉ 21.560 đồng/bộ nhưng bán ra gấp chục lần. Tổng giá trị nhập khẩu bộ kit test của Công ty Việt Á là 65 tỷ đồng nhưng bán ra được 4000 tỷ đồng. Có như vậy mới dám ngắt 800 tỷ đồng chỉ để ... bôi trơn. Bộ kit test này được quảng cáo là đạt kết quả chính xác gần 100%. Tuy nhiên, thực tế thì bộ kit này khi đem ra dùng cho kết quả rất thiếu chuẩn xác. Rất nhiều người được phỏng vấn lúc thì cho kết quả dương tính lúc thì cho kết quả âm tính khi xét nghiệm trên cùng một bệnh nhân. Trong hơn 43.000 người chết vì covid không ai thống kê nổi có bao nhiêu người phải chết vì bộ kit test dỏm này gây ra. Sự bao trùm của loại bộ kit này trên toàn quốc sẽ gây ra thiệt hại không hề nhỏ. Người không bệnh nhưng test có bệnh và cho vào nhốt chung với người có bệnh rồi chết. Người có bệnh nhưng test không có bệnh, nên lây cho cộng đồng khiến nhiều người khác nhiễm bệnh chết vv... Những trường hợp nếu nhiễm bệnh mà không chết thì nó cũng làm tiêu hao sức lực và tiền bạc của xã hội rất lớn. Nói chung, bộ kit test dỏm nó gây thiệt hại không chỉ tiền bạc mà cả nhân mạng của dân. Ăn của người dân gần 4000 tỷ rồi còn gieo thêm cái chết và sự mất mát khác, thật sự là tột cùng của tội ác. Trong vụ kit test dỏm của công ty Việt Á, điều đáng sợ không phải là khoản tiền trục lợi, mà sự phối hợp vô cùng nhịp nhàng giữa các ban ngành để ăn cướp tiền dân. Học viện Quân Y thì dựng lên nhóm nghiên cứu dỏm. Bộ Khoa học – Công nghệ thì thừa nhận kết quả nghiên cứu. Bộ Y tế thì thì ký quyết định sử dụng sản phẩm. Để tô thêm vẻ đẹp cho trò lừa đảo này, Ủy ban Nhân dân TP. HCM còn đề nghị tặng huân chương lao động hạng 3 cho Công ty Việt Á. Cả bộ máy chính quyền chỉ để phục vụ kế hoạch trục lợi toàn dân sao cho hoàn hảo nhất. Trong bài “Chiêu lùa gà và con dấu mật” tôi đã viết trước đó cũng đã nói lên sự phối hợp nhịp nhàng giữ các ban ngành. Trong trường hợp Mobifone mua AVG, Bộ Công an với Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp nhau ra văn bản trao đổi giữa Nguyễn Bắc Son và Tô Lâm để lùa thương vụ Mobifone mua AVG với giá 9.000 tỷ đồng rồi sau đó ngắt 7000 tỷ đồng tiền lời chia nhau. Nhiều cơ quan kết hợp, mục đích cũng chỉ là để moi tiền nhà nước một cách hoàn hảo nhất. Mà tiền nhà nước thì từ tiền thuế của dân mà ra. Vụ chuyến bay giải cứu cũng vậy. Bộ Giao Thông Vận Tải ra chủ trương rồi chỉ định Vietnam Airlines thực hiện nghĩa vụ, Bộ Ngoại Giao làm nhiệm vụ “gom gà” nhét vào máy bay. Tiền vé được đẩy lên gấp 5 lần giá gốc để trấn lột. Mỗi chuyến bay kiếm khoảng 2 đến 3 tỷ, có tổng cộng 2000 chuyến bay. Vậy nhóm liên minh này kiếm từ 4000 đến 6000 tỷ đồng chia nhau. Đây lại thêm một hình ảnh nữa sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ban ngành để trục lợi dân sao cho hoàn hảo nhất. Chiêu trò trục lợi của chính quyền CS nó đã phát triển rất cao. Đây là “những bộ máy trục lợi” chứ không phải là cá nhân trục lợi. Các ban ngành khác nhau đều phối hợp rất nhịp nhàng, có phân công phân nhiệm rất chuyên nghiệp. Con người là chi tiết của bộ máy này, nếu ông Nguyễn Phú Trọng có bắt người thì bộ máy đó vẫn còn. Vì thế, ông Trọng có bắt bao nhiêu người, về bản chất vẫn không xóa được các bộ máy trục lợi này. Tôi tự hỏi, không biết các các bộ ban ngành của Chính phủ họ đang làm gì nữa? Làm chính sách thì kém hiệu quả nhưng phối hợp nhau trục lợi thì lại vô cùng hiệu quả. Một bộ máy nhà nước như vậy thì họ làm được gì ngoài việc hại dân? -Đỗ Ngà-  Tham khảo: https://www.youtube.com/watch?v=yo4CGTsxAp8 https://www.youtube.com/watch?v=ScmW0cX6zVI https://cafef.vn/gan-2000-chuyen-bay-giai-cuu-moi-chuyen...
......

Lòi mặt chuột

Ảnh: BT Nguyễn Thành Long trao quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Y Tế cho  Nguyễn Thị  Liên Hương Loc Duong Sáng nay, vừa đọc báo buổi sáng xong, đám nhân viên văn phòng Bộ Y Tế, phần lớn là nam, chạy ùa ra quán cà phế xế cửa Bộ, ngồi túm tụm để tán chuyện. Họ chẳng cần phải giữ vẻ khúm núm, sợ sệt như ngày thường. Bởi vì thứ nhất là sếp của họ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, hôm nay mắc cở quá không dám vác mặt tới sở. Thứ nhì là báo vừa đăng tin Bộ Chính Trị đã đề nghị Trung Ương Đảng xử lý kỷ luật ông ta và tay chuyên nịnh hót, hửi đít trâu Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ. Cả hai đều là thủ phạm chính, bảo kê cho Việt Á lụm bốn ngàn tỷ trong việc đè nhân dân cả nước ra ngoáy mũi bằng que thử dỏm, nhập lậu từ Trung Quốc. Tòng Thị Phóng (trái) - Chu Ngọc Anh (phải)   Tại quán cà phê, họ tán chuyện hăng lắm : -Bây giờ thì cháy nhà ra mặt chuột rồi.   -Không trách được nền y tế nước mình rách nát, thảm hại như cái áo thằng ăn mày. Hết con mụ bộ trưởng Kim Tiến bắt tay với em chồng bán thuốc ung thư giả cho người bịnh, giờ tới ông nội Long này bảo kê cho Việt Á bán que thử Covid dỏm cho nhân dân cả nước.   -Bộ trưởng y tế kiểu chó gì toàn canh me hút máu nhân dân.   -Vậy mà mấy bố mở miệng ra nói toàn chuyện đạo đức. Ông biết mới hôm qua, lúc trao quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Y Tế cho mụ Liên Hương, sếp Long nói gì không ? -Nó nói cc gì ? -Sếp khen tân thứ trưởng là một cán bộ nữ trẻ, được đào tạo chính quy, bài bản, đã trải qua một quá trình rèn luyện, học tập theo gương bác. Lúc trao bó hoa cho người đẹp, sếp còn cao giọng khuyên bả phải phấn đấu, rèn luyện tư tưởng đạo đức, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, tạo động lực cho ngành y tế vươn lên để phục vụ nhân dân.... -Á đù. Tao mới coi báo thấy Bộ Chính Trị kết tội sếp là suy thoái về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức, lối sống. Vi phạm quy định của đảng và pháp luật, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng. -Mẹ! Mới hôm trước còn dẻo mồm xạo xạo, hôm sau đã chuẩn bị đi tù rồi. Tao thấy dàn lãnh đạo nước mình giờ không tin được thằng đéo nào. -Thì vậy. Cứ như những thằng hề trong một vở hài kịch giễu dở. Thua hề Hoài Linh xa lắc...   Trong lúc bọn nhân viên đang hăng say bàn tán thì tại ngôi biệt thự riêng của Bộ trưởng, sếp Long đang nằm dài người như xác chết trên ghế sô pha, hồi hộp tự hỏi mai mốt không biết mình có xộ khám không, hay chỉ bị cách chức thôi. Thỉnh thoảng ông lại thở hắt ra và thều thào hỏi vợ :   -Xong chưa bà ?   -Chưa. Cái giống này khó khâu lắm, nó cứng quá.   Thì ra bà vợ đang ngồi cặm cụi khâu cho ông ta cái mặt nạ bằng mo cau, để có việc gì ra đường ông còn có cái mà đeo cho bớt nhục.   Loc Duong
......

Pages